Đã đăng Ở miền đất ấy [1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18][19]
20/ Tôi nhớ Liêu đã đưa tôi đi làng Mừa vào một ngày có mưa núi. Cơn mưa mùa hạ có vẻ bất ngờ. Đang nắng chói chang, bỗng mây đen ùn tới, và mưa ập xuống. Tôi và Liêu chui vào một hốc đá ở bờ suối Dang, tựa hai con người thời tiền sử đang khiếp sợ trước phép màu của trời đất. Cũng may là lúc mưa ập xuống thì tôi và Liêu đã đi đến thượng nguồn suối Dang, nơi bờ suối có nhiều hang hốc. Mưa như trút nước. Sợ tôi bị tạt ướt, Liêu cứ kéo tôi sát vào người cô ta. Mưa mùa hạ ở núi Đưng thường là mưa đá. Ngồi trong hốc đá nghe như mưa đang xé rách hết thảy lá trên rừng. Ông Khơn nói ma xoát rất sợ mưa đá. Không có mưa đá, ma xoát còn làm khổ người núi Đưng nhiều lắm. Liêu nói. Tôi hỏi vì sao ma xoát lại sợ mưa đá. Liêu bảo hồi còn sống ông Khơn nói mưa đá cũng sinh ra từ nước mắt của Giót, nên ma xóat sợ mưa đá là phải. Vừa nghe Liêu nói, tôi vừa nhìn những hạt mưa đang tan chảy trên lòng suối đá. Một cuộc chơi của tạo hóa. Cuộc chơi chỉ xảy chốc lát. Lại trở lại trời quang, nắng sáng.
Theo lời truyền, rừng cây tiếp giáp bờ tây suối Dang xưa là đồng ruộng. Vua Đưng từng đi cày ở đồng ruộng này, nên được gọi là đồng pơtan. Người núi Đưng đã xây cung pơtan cho vua. Nhưng vua vẫn ở trong làng, ngày ngày cùng người làng đi cày ở đồng pơtan. Làng có vua ở xưa gọi là làng pơtan, nay là làng Mừa. Khi bàn việc nước, vua Đưng ngồi ở hòn đá lộ thiên chỗ đầu làng, nên đá được gọi là đá pơtan.
Này Nư Năng, ta thấy ở làng Nhút làng Dìng đàn ông đàn bà ra đường còn thích ở trần. Như thế là còn cổ lỗ. Vua Đưng nói. Ông Nư Năng bảo là sẽ làm bài hát để dạy cho người làng Nhút làng Dìng biết thế nào là cổ lỗ. Vua Đưng hỏi bài hát thế nào. Ông Nư Năng liền hát. Chim xin xao có lông năm sắc, khi bay lượn trên trời thì mây khen chim có quần áo đep. Con người ra đường không mặc áo là không bằng loài chim. Vua Đưng nghe xong, bảo bài hát rất hay, nhưng chưa thể đem dạy cho dân. Như đã sắm nổi áo quần mà ra đường không chịu mặc là chê được. Còn chưa sắm nổi, khi ra đường phải ở trần thôi. Cho nên có đem chuyện chim xin xao ra nói cũng chẳng ích chi đối với kẻ chưa sắm nổi áo quần để mặc. Ông Nư Năng hỏi vậy phải nói thế nào cho hợp. Vua bảo ông ấy vốn là cha đẻ của những điều tốt đẹp nên phải nghĩ cho được cách nói thế nào cho hợp. Vua Đưng vẫn ngồi xếp bằng trên hòn đá lộ thiên chỗ đầu làng để nói. Này Nư Năng, phải làm cho dân trong nước biết con người là giống vật cao hơn hết thảy các giống vật ở trần gian. Chỗ ở của con người không phải là hang con chồn, áo quần để con người mặc không phải như lông con chim. Áo quần của con người là lấy từ sợi của cây bông vải, là lấy từ tơ của con tằm ăn dâu. Ai cũng biết được thế thì hết cổ lỗ. Ông Nư Năng liền hát. Hỡi những người núi Đưng hãy nghe kỹ lời này. Là chỉ con người mới biết là mình sinh ra từ Giót, nên con người là giống vật cao hơn mọi giống vật ở trần gian. Vua Đưng nói bài hát rất hay, nhưng cũng chưa thể đem dạy cho dân. Lúc đầu thì nên nói những điều ai cũng hiểu. Chẳng hạn con gái khi đi lấy chồng phải biết nói lời từ biệt mẹ cha, khi đã về nhà chồng thì phải biết yêu chuộng chồng, phải làm được thế thì mới được gọi là người con gái có đức hạnh. Lúc đầu phải nói những điều dễ hiểu như thế, sau mới nói những điều cao hơn…
Liêu cũng ngồi trên đá pơtan chỗ đầu làng Mừa để kể Giót. Những ngày nghỉ dạy học, Liêu lại đưa tôi đến những nơi có liên quan với sử Giót, để kể Giót cho tôi nghe. Ở núi Đưng ai cũng biết cô giáo Liêu là người kể Giót hay nhất . Nên khi nghe có cô giáo Liêu kể Giót, lũ nhỏ làng Mừa ùa đến chỗ đá pơtan. Rốt cuộc thì cả trẻ nhỏ lẫn người lớn ở làng Mừa đều kéo đến chỗ đá pơtan. Liêu cũng ngồi xếp bằng trên đá pơtan như vua Đưng để kể Giót. Còn tôi và dân làng thì ngồi xếp bằng trên đất để nghe. Thế là thời vua Đưng đã có chế độ phụ quyền. Lúc Liêu ngừng kể, tôi đã nói cho dân làng biết thời vua Đưng thì người đàn ông có quyền hơn người đàn bà. Giót không có nói như thế. Cô giáo dạy học ở làng Mừa liền cãi. Liêu cũng bảo Giót không nói như thế. Tôi phải bắt đầu từ chuyện sinh đẻ của người phụ nữ, để nói đến chế độ mẫu hệ. Rồi lại nói về việc loài người biết chăn nuôi trồng trọt để nói đến chế độ phụ hệ. Trong sử Giót, vua Đưng đã dạy cho đám con gái phép tắc lấy chồng, tức là bấy giờ đàn ông có quyền hơn đàn bà. Tôi nói. Cả Liêu, cả cô giáo dạy học ở làng Mừa, đều bảo tôi tài giỏi. Tôi nói Liêu mới là tài giỏi. Thuộc được sử sách tổ tiên để lại để kể lại cho người khác nghe, không phải ai cũng làm được. Em cũng nghĩ ra rồi, thời ấy cũng như ngày nay, con gái thì theo chồng, con gái ông Khơ Nan là Hơ Lia theo chồng là vua Đưng, con gái ông Nư Năng là Hơ Mia cũng về nhà chồng là nhà của Lung. Liêu nói.
Làng Mừa nằm sát chân núi Đưng. Từ nơi đây có thể nhìn thấy các dòng suối nhỏ đổ về con suối Cái.
Này Nư Năng, ta thấy ở làng này đàn bà còn giành đàn ông đi cày. Đàn bà còn cầm cày trên ruộng đồng là còn cổ lỗ. Vua Đưng ngồi ở đá pơtan nhìn xuống đồng pơtan thấy có cả đàn ông lẫn đàn bà đương cày ruộng, nên nói với ông Nư Năng như thế.
Liêu lại tiếp tục kể Giót. Còn tôi thì vừa nghe, vừa thử mường tượng buổi khởi đầu của tộc người từng tồn tại dưới chân núi Đưng. Người đàn ông đầu tiên chỉ sống được trong bể khơi ấy là ai? Theo sử sách ngày nay, các tộc người vùng núi Đưng thuộc hệ ngôn ngữ Mã Lai Đa Đảo. Có phải khi nói chỉ sống được trong bể khơi là nói về người của hải đảo? Đã từng xảy ra cuộc di dân từ bể Đông đến cao nguyên miền trung Việt Nam? Còn người đàn bà đầu tiên chỉ sống được giữa thinh không ấy có phải là tiên không? Lại có vẻ như là truyền thuyết Rồng Tiên của dân tộc Việt? Nhưng cuốn sử Giót thì được truyền lại bằng thứ tiếng nói nào? Trong bữa cơm trưa ở nhà ông Đung trưởng làng Mừa, ông ấy đã hứng thú kể cho tôi nghe một đoạn sử Giót bằng thứ ngôn ngữ cổ kính lần đầu tiên tôi đã nghe ở nhà ông bà Dên. Tôi bảo ông Đung diễn lại bằng tiếng núi Đưng thì ông ấy bảo chỉ ông Khơn làng Riềng mới làm được chuyện ấy. Tôi bảo Liêu kể lại bằng tiếng Việt phổ thông đọan sử ấy, thì Liêu bảo là phải có ông Khơn diễn lại bằng tiếng núi Đưng thì cô ta mới kể lại bằng tiếng phổ thông được. Liêu từng nói với tôi rằng ông Khơn đã diễn lại hết sử Giót bằng tiếng núi Đưng cho cô ta nghe. Nhưng Liêu lại không diễn lại được bằng tiếng phổ thông đoạn Giót ông Đung kể, chứng tỏ Giót là cuốn sử quá lớn.