ở miền đất ấy [19]


Đã đăng Ở miền đất ấy
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15][16][17][18]

 

19/ Tôi lại đi lâm trường Núi Đưng để gặp bà Mãng. Nhưng bà ấy lại về xuôi. Tôi nghĩ ngợi một lúc rồi thẳng xuống huyện. Đứng ở cổng trường trung học của huyện, tôi nghe rõ tiếng giảng bài của thầy giáo ở các lớp học. Sắp mãn buổi học chiều. Sân trường vắng hoe. Tôi nửa muốn quay ra, nửa muốn vào. Nhưng vào để làm gì, tôi cũng chẳng biết. Chỉ vì Liêu đã học lớp sư phạm ngắn ngày ở ngôi trường đó, nên tôi mới rẽ vào đó. Theo lời Liêu thì cô ta với một số cô gái vùng cao đã học cách làm thầy giáo ở ngôi trường đó suốt ba tháng trời, học để về làm thầy dạy lại đám học trò ở các làng vùng cao. Có nghĩa là Liêu đã từng đi lại trên khoảnh sân trường có ánh nắng chiều cuối đông đương rải lên mặt đất thứ sắc màu lạnh lẽo, và đã từng ra vào ở ngõ cổng ra vào nơi tôi đang đứng phân vân chẳng biết là có nên vào hay không. Tôi cứ nghĩ ngợi phân vân như thế cho đến khi thấy mình đứng trước một căn phòng có biển đề là phòng hiệu trưởng. Cho đến khi đã yên vị trên ghế ngồi ở phòng hiệu trưởng, tôi cũng chẳng biết là mình đến đó để làm gì. Chắc là anh muốn tìm hiểu về trường học của huyện nhà? Chưa rót xong chén trà để mời khách, ông hiệu trưởng đã mở lời. Cái túi vải đựng bản thảo sử Giót tôi vẫn thường mang theo đã cứu tôi thoát nạn. Như thế, nhìn bề ngoài thì bấy giờ tôi giống anh nhà báo. Nhưng từ lâu tôi đã lỡ đóng vai nhà nghiên cứu lịch sử. Tôi nói là mình đang tìm hiểu về nền văn minh cổ ở Núi Đưng, biết ông ấy là người am hiểu về vùng đất ấy, nên muốn đến hỏi xin một số tư liệu. Tôi nghĩ cứ tôn vinh ông hiệu trưởng như thế cũng chẳng sao, miễn sao cho việc tôi có mặt ở phòng ông là có lý do chính đáng. Ông hiệu trưởng làm động tác rùn vai để tỏ khiêm tốn. Mình ở dưới xuôi lên làm việc ở vùng dân tộc ít người lâu năm thế thôi, chứ không dám nhận là am hiểu về các dân tộc ở đây. Ông hiệu trưởng nói. Tôi nói hôm nay đến để xin ý kiến về việc giúp đỡ tư liệu, nếu ông đồng ý, thì sẽ gặp nhau vào một ngày khác. Tôi hẹn thế cốt để tạo đường tháo lui. Ông ấy liền đồng ý với ý kiến của tôi. Nhưng thiết nghĩ, anh đã đến đây thì cũng nên biết một số nét chủ yếu về trường học huyện nhà. Ông hiệu trưởng nói, và lại rót trà mời, để cầm chân tôi. Tôi nói dẫu làm công việc nghiên cứu lịch sử, tôi cũng phải  biết những gì đang xảy ra trong cuộc sống hiện tại, nhất là công việc giáo dục của huyện nhà. Tôi nói cốt để ông ấy vui trước khi mình ra đi, tất nhiên là chẳng đời nào có chuyện gặp nhau vào hôm khác. Nhưng không ngờ câu nói của tôi lại làm bùng lên ngọn lửa nhiệt tình trong ông. Phải, nền giáo dục của huyện nhà nói riêng, và nền giáo dục của đất nước nói chung, còn nhiều vấn đề phải bàn cãi. Anh là người nghiên cứu lịch sử, chắc cũng nghĩ thế. Ông hiệu trưởng nói, vẻ rất phấn khích. Tôi nói mình cũng có nghĩ nhiều về vấn đề giáo dục, vì đấy là một trong những việc lớn của xã hội loài người. Ông hiệu trưởng chợt đứng lên, thọc hai tay vào hai túi quần, rồi ngồi xuống lại. Phải. Thời đại nào cũng phải bàn về giáo dục. Loài người mỗi ngày một văn minh thì giáo dục cũng phải thay đổi. Riêng đây là huyện miền núi, chín mươi phần trăm học trò là thuộc các dân tộc ít người. Nên việc dạy và học còn bao nhiêu vấn đề bức thiết. Nếu không có trống tan học buổi chiều, ông hiệu trưởng vẫn còn nói. Anh chờ tôi một tí. Ông ấy nói, và bước ra cửa phòng, đứng nhìn theo học trò và các thầy giáo đang ra về. Như thế là ông hiệu trưởng vẫn còn muốn cầm chân tôi. Khó khăn ban đầu là tự dưng tôi lại vào ngồi ở đây thì tôi đã vượt qua được, giờ có ngồi lại bao lâu lại chẳng được. Ông hiệu trưởng lại trở lại thời trường học mới thành lập, chỉ  có vài ba lớp, và ông ấy đã bị đày lên đây.Thời ấy tôi nghĩ là mình bị đày. Nhận bằng tốt nghiệp sư phạm xong lập tức tôi được đưa đến vùng núi non xa lạ này thì không phải bị đày là gì? Nhưng con người là loài động vật có khả năng tự thích nghi với hoàn cảnh mới rất cao. Đâu chừng vài tháng đã thấy quen với việc sáng thức dậy nghe chim rừng kêu, ngoảnh nhìn đâu cũng thấy núi, và quen với việc thiếu thốn đủ thứ trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Quả tình con người ta có thêm sức mạnh để vượt qua gian khó khi đã có tình yêu. Tôi đã có người yêu, đó là cô giáo dạy cùng trường, là vợ tôi. Cô cũng từ miền xuôi lên đây như tôi. Nhưng khi đứa con gái đầu lòng chúng tôi được năm tuổi thì cô ấy chết vì sốt rừng. Nếu bóng tối của đêm không ập vào phòng, ông hiệu trưởng vẫn còn nói. Hay là đêm nay anh về nhà tôi nghỉ. Ông ấy nói. Cũng chẳng biết vì lẽ gì, tôi bắt đầu thấy yêu mến con người ấy. Đứa con gái ông hiệu trưởng thấy có khách đến nhà vào giờ ấy thì có vẻ lúng túng. Không sao. Con chạy ra quán mua thêm một ít bánh tráng với mấy quả trứng là xong. Chú ấy là nhà nghiên cứu đấy. Ông hiệu trưởng nói với con gái của mình. Trong bữa cơm khách đột xuất, ông ấy có vẻ còn phấn khích hơn lúc gặp tôi ở phòng hiệu trưởng. Ngôi nhà gạch hai gian với đứa con gái mười hai tuổi là những thứ mà ông gọi là gia sản riêng của mình. Ngoài gia sản riêng ấy, tôi còn có núi rừng, là nơi lưu giữ thịt xương cô ấy. Rồi đến lượt tôi, và rồi đến lượt con gái của tôi, cũng sẽ gửi thịt xương lại nơi này. Hỏi anh làm sao tôi có thể đến nơi khác để sống  khi thịt xương của vợ tôi nằm ở đây. Cho nên còn sống ngày nào tôi còn phải nghĩ đến việc làm sao cho cuộc sống ở chốn núi rừng này cũng bằng được cuộc sống ở dưới xuôi. Nhưng nếu đem so với cuộc sống thành thị thì cuộc sống nơi đây còn cách xa cả thế kỷ. Suốt bữa ăn tối, cả khi đã chui vô mùng, ông hiệu trưởng vẫn nói về cuộc sống của người miền núi. Vì có khách đột xuất, đứa con gái phải ngủ trên bàn ăn ở gian bếp phía sau, để nhường giường ngủ cho khách. Hai chiếc giuờng ngủ của hai cha con là được kê hai bên bàn nước ở gian nhà khách phía trước. Để tránh mũi đốt, cả tôi lẫn ông ấy đều chun vô mùng ngồi trò chuyện. Đột nhiên ông hỏi tôi ông nói thế là có bi quan không. Đến lúc ấy tôi gọi ông bằng thầy. Thầy nghĩ thế là nghiêm túc nhìn thực tại. Nếu không có sự đột phá nào dành cho cuộc sống của người miền núi, thì khoảng cách thầy vừa nói vẫn còn mãi. Tôi nói. Ông ấy chợt im lặng. Tôi nghe rất rõ tiếng động cơ máy phát điện chạy bằng dầu đặt ở đâu đấy. Bóng đèn điện tròn bốn chục oát treo nơi cửa thông phòng khách với nhà bếp chỉ vừa đủ sáng cho tôi nhìn thấy ông ấy ngồi xếp bằng trong mùng với dáng vẻ ưu tư. Nhưng nếu đem so cuộc sống ở huyện với cuộc sống các làng trên núi thì khoảng cách ấy cũng đến vài ba mươi năm. Tôi buột nói, vì chợt nghĩ đến ngôi nhà sàn của ông bà Dên ở núi Đưng. Đến lúc ấy tôi cứ muốn chuyển câu chuyện sang chuyện đào tạo sư phạm cấp tốc năm nào ở trường trung học của huyện, chuyển sang chuyện đó để may ra ông hiệu trưởng còn nhớ đến cô học viên sư phạm ở núi Đưng, tôi vừa nghĩ thế thì nghe ông ấy hỏi rằng đã bao giờ tôi nghĩ đến cách rút ngắn khoảng cách đó chưa. Tôi chưa kịp trả lời, ông đã nói tiếp. Có thể nói những lời ông nói ra như một thứ phác thảo về xây dựng đất nước. Những nhà khoa học kỷ thuật ở miền xuôi hay ở các thành thị của đất nước ta lên núi làm công việc xây dựng cuộc sống cho người miền núi như thể người của  nước văn minh đến giúp cho nước nghèo nàn lạc hậu. Có nghĩa, làm xong công việc thì quí vị quay về. Cho nên công việc đầu tiên ở trên núi là làm sao cho người miền núi không còn dốt nát, tức là làm sao cho có chữ nghĩa. Phải có chữ nghĩa thực sự mới học được khoa học kỷ thuật. Tức phải có học thức, phải có tri thức, mới xây dựng được cuộc sống mới. Chỉ có người trên núi mới gầy dựng được nền văn minh ở trên núi. Ông ấy ngồi xếp bằng ở trên giường để  nói. Nghe ông ấy nói, tôi có cảm tưởng như đang nghe một nhà giáo dục nói, hay nghe chính phủ nói. Cho đến lúc máy phát điện ngưng phát điện, vì đã đến giờ ngưng phát điện, ông ấy vẫn còn ngồi ở trong mùng thao thao về việc nước. Anh còn nghe tôi nói đó không? Ông hỏi. Tôi đáp là đang nghe. Và chợt nhớ đến vua Đưng trong sử Giót. Vua Đưng trong sử Giót không xếp bằng trên giường, mà xếp bằng trên đá pơtan để bàn việc nước.

Leave a Reply

Your email address will not be published.