tôi đi lang thang một chặp lạc tận thời trung cổ, các vua Trần của đất nước tôi đã giữ ngôi hơn một trăm năm, ông vua đương thời ít học nhưng thích đem sách của ông tổ họ Trần của mình ra giảng, sách Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, cho tới lúc này triết học của tổ phụ ta là vô địch thiên hạ, vua thích nhất là nói ra câu này mỗi khi đứng trước thần dân của mình, ở làng Ma La xuất hiện nhân tài, mẹ tên Đỗ còn cha là thần làng Ma La, tôi nhận làm người trợ giúp ông Ô không phải vì lai lịch có vẻ thần thánh của ông, mà vì muốn thứ âm nhạc kỳ lạ của ông đến với nhiều người, ta muốn anh cùng đi với ta, ông Ô chỉ nói với tôi ngắn gọn thế, nhưng đấy là cái duyên, tôi bắt đầu làm công việc tổ chức các buổi trình diễn [nhận lời mời của các địa phương, lo việc di chuyển] sao cho âm nhạc của ông Ô đến với mọi người mọi nơi, đi, và đàn địch, chúng tôi bắt đầu một cuộc ngang dọc đầy khí phách, Tiếng Vạc, tác phẩm đầu tiên của ông Ô như một đột phá văn hóa trong một xứ sở mà người đứng đầu là vua đương thời chỉ thích các thú vui vật chất, xây thêm dinh thự, tắm sông, uống rượu [về sau, không biết sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói có thiệt không, ở mục “bản kỷ 7, 10a” chép rằng nhà vua đương thời đi chơi thuyền trên hồ súyt bị chết đuối, được thầy thuốc họ Trâu chữa bằng châm cứu, khỏi chết, nhưng bị chứng liệt dương] Tiếng Vạc, một thứ âm nhạc như được trang bị những cánh trắng khổng lồ, bắt đầu bằng những ngôn từ thô sơ của nguyên mẫu, có vẻ như không có gì có thể hiểu được, những âm thanh lăn ra và trôi đi, và dao động, một thứ âm thanh bị gián đoạn như thể đang chờ đợi gì đó, những hạt âm thanh cứ như đang kết tập lại trong sự chồng chéo nhau, quyện vào nhau, cuối cùng là sự bùng nổ trong một đại dương sâu thẳm, ông Ô viết nhạc cho mỗi thứ độc tấu đàn một dây [về sau được gọi là độc huyền cầm] rồi Tiếng Vạc, những gào thét bằng âm thanh, bỗng được ai đó diễn dịch thành lời, bất ngờ ca khúc cất lên…lũ vạc ăn đêm thả những lời oán trách về việc có quá nhiều thứ đè nặng trên đầu dân một nước lẽ ra phải được sống đường hoàng như con cháu các bậc tổ tiên oanh liệt, cả nước cùng ca hát với ông Ô, chúng tôi làm một cuộc triệt phá những ảm đạm của một thời, những bậc cao minh, thông thái trong xứ sở đã viết rất nhiều về âm nhạc của ông Ô,
Hãy lắng nghe nó, thứ âm nhạc như một cuộc đi bộ với một con rồng lửa đang thở, một hình ảnh nói lên điều gì đó về sức mạnh và trí tưởng tượng khổng lồ của con người, âm nhạc đó như hàm chứa thứ hệ thống thời tiết hỗn loạn, không dự đoán được, và lắng nghe, như đang giữa cơn giông, hay ngang qua một trận bão tuyết, đôi khi nguy hiểm, nhưng không thể nào tránh đi theo cách bị thuyết phục
Một thứ âm nhạc đi sâu vào sự im lặng, để cạnh tranh với cái không biết, với cái không thể biết, cuối cùng là chìm vào vô hạn, nó là sự mỏng manh của thế giới, và của nỗi sợ hãi, nhưng là vẻ đẹp vĩnh cửu
Âm nhạc này tồn tại trong một thế giới mơ hồ chỉ trên mép âm thanh, chống lại sự im lặng xen kẽ với những xáo trộn và run rẩy bất thường là những dòng thơ trữ tình tràn ngập nồng nàn, tràn ngập tối tăm
Và giới hạn của thứ nhạc cụ có vẻ lạ lùng ấy là gì, và ranh giới của âm nhạc ấy là gì, là một nhạc cụ bị hạn chế bởi thực tế của ai đó sẽ chơi trên đó, để tất cả tồn tại khi nghe một người chơi đàn một dây nói rằng Tiếng Vạc là duy nhất, và âm nhạc đó như một hòn đảo, bị cắt đứt từ phần còn lại của lịch sử âm nhạc bởi một biển của sự khác biệt để chu vi của một mảnh không bao giờ ảnh hưởng đến bờ biển của người khác, đấy là thứ âm nhạc đã giải quyết được chủ nghĩa lịch sử trong mỗi nốt nhạc, nó có chứa mọi thứ, đó là cách nó trở nên tuyệt vời, ngay cả khi nó là tối thiểu
Chính thứ âm nhạc dường như luôn làm cho bộ nhớ trở thành chủ đề của nó, gợi lên những ký ức hoặc những hồi tưởng vô thức, với tất cả những kịch bản trong bóng tối, sự thay thế và mất mát, thứ âm nhạc, nơi mà câu chuyện không chỉ là hiện tại như một cái gì đó bên ngoài chúng ta, như một cái gì đó có thể được quan sát hoặc đối xử như một vật thể, mà còn là trong chính chúng ta, liên tục sống với chúng ta, và cũng được hiểu theo nghĩa hiện tại
nhưng ông vua đương thời với tính cách là coi những thành thật của thần dân mình [âm nhạc là một trong những thành thật nhất của con người] như những âm mưu phản loạn, có nghĩa, chúng tôi không còn được ca hát, ông Ô như một bậc tiền bối tôi vô cùng kính trọng, và ông xem tôi như người bạn hiểu ông nhất, ta muốn thôi chuyện ăn uống để chấm dứt cuộc đời mình, nhưng bọn lính canh ngục bắt ta phải ăn, ngay nửa ngọn cỏ của vua ta cũng không còn muốn đụng tới nữa là chén cơm vua, ông Ô nói với tôi khi tôi đến thăm ông nơi giam giữ những kẻ phạm tội, ở bên Khu mật viện người ta nói ông Ô làm ra thứ âm nhạc kích động thần dân chống lại vua là tội đại nghịch bị xử phạt với hai mực, một là chết tan xương nát thịt [trước, tội đại nghịch bị treo cổ, chém đầu, hoặc bị lăng trì, nay thêm bị tan xương nát thịt] và hai là sau khi chết ông Ô bị đày ra một hòn đảo ở ngoài biển Yên, pacific ocean, như thế là người ta phải bỏ ông Ô vào cối giã để giả, tôi dùng vàng bạc lo lót bọn lính triều đi đày ông Ô để được ra đảo lo việc chôn cất mớ thịt xương tan nát của ông, ở hòn đảo ấy chỉ thấy có cỏ với trời mây và nước, tôi chôn ông Ô ở ghềnh đá phía đông hòn đảo, người hãy nằm đây nhìn mặt trời lên và nghe sóng vỗ, tôi khóc nói với người tôi yêu kính [cũng không biết có phải về sau ở trong sách Lĩnh Nam Chích Quái người ta đã gọi ông Ô là Hà Ô Lôi, và cũng không rõ vì sao người ta lại chép ông Ô như để ám chỉ một nhân vật lịch sử nào đó, mà không chép về tài năng âm nhạc xuất chúng của
một người như thể có một ngôn ngữ riêng để tự giải phóng khỏi thứ sức nặng của thế giới, một con người như thể một phần của vũ trụ, như là trung gian giữa con người và các vị thần] rồi tôi lên đường đi Phi Châu để mang thứ cỏ nơi đồng cỏ tồn tại tự thời xảy ra vết nứt Đông Phi [tôi cho là xanh tốt nhất trên mặt đất] về thay cho cỏ trên hòn đảo, tôi muốn ông Ô vui khi ước nguyện của ông lúc còn trong tù đã thành sự thực, vì dù muốn dù không, trên danh nghĩa, cỏ trên hòn đảo vẫn là cỏ của vua