… về chân lý chắc chắn, không người nào biết được
XENOPHANES
Sự khởi đầu của một nơi chốn có vẻ như mẫu hình của tồn tại. Cái khả thể từ đó được gọi là một cái gì đó, lúc thời gian bắt đầu có tên gọi.
Ông Khan nhìn thấy trong ý nghĩ mình một quan niệm về tồn tại: Sẽ không có gì cả nếu không có sự khởi đầu của tư duy. Sẽ không có làng Cù thân yêu của ông nếu không có người của nước Nam Bàn đi tới đây thì dừng lại để lập làng. Hồ sơ gia phả của làng ghi rõ. Ông Khan nghĩ ngợi suốt về sự khởi đầu của sự vật. Mà sự vật ở đây lại là ngôi làng thân yêu của ông. Có người của nước Nam Bàn đi tới đây thì dừng lại…Nhưng nước Nam Bàn thì ở đâu? Hồ sơ gia phả của làng chỉ cho ông một ý niệm mơ hồ về tiền nhân. Nhưng nếu ông đến được nơi được gọi là nước Nam Bàn thì có thể là ông sẽ tìm thấy ở đó một dấu vết nào đó, một truyền thuyết, chẳng hạn, truyền thuyết về người đã tạo dựng nên nơi chôn nhau cắt rốn của ông.
Chốn quê hương là luôn thiêng liêng thân thiết đối với một đời người. Buổi sáng thức dậy bỗng nhìn thấy mùi hương rạ tháng chạp với con đường vào làng đầy mùi phân súc vật với những tiếng heo gà vang lên trong xóm … Nhưng khi nhìn kỹ lại thì tất cả những thứ ấy chỉ là những tư liệu quí giá nằm tận trong thẳm sâu ký ức của ta…
Ông Khan nghĩ về thứ ký ức đang lưu giữ trong ông. Với ông, ký ức giúp ông có đủ sức mạnh để thực hiện một cuộc tìm kiếm mà ông biết vô vọng thì có vẻ nhiều hơn là có thể. Ông Khan lên đường đi tìm nước Nam Bàn vào một ngày làng Cù ông vẫn trôi đi trong sự chuyển động quen thuộc của cuộc sống: Những đám mây trời vẫn ung dung kéo qua khung trời cũ kỹ ở trên đầu ngôi làng cũ kỹ, có thể ai đó đang che mắt nhìn bầu trời ở trên đầu, thở dài, vì một ý nghĩ nào đó đang bế tắc trong lòng, nhưng cũng có thể, là gượng cười, chứ còn biết làm sao, để chấp nhận cuộc sống đang diễn ra…
“Nước Nam Bàn xưa do vua Lê Thánh Tông phong ở đầu nguồn phủ Phú Yên xứ Quảng Nam…theo đường núi mà đi hết 14 ngày thì đến nơi hai vua Thủy Xá và Hỏa Xá nước Nam Bàn…Nước ấy có chừng 50 thôn, trong nước có núi Bà Nam rất cao lớn, là trấn sơn một phương, Thủy Vương ở phía đông núi, Hỏa Vương ở phía tây núi, đều có địa phận riêng, gác cây làm nhà, bộ thuộc đều vài trăm người, cày bằng đao trồng bằng lửa, tháng giêng gieo, tháng năm lúa chín, không gặt, mà chỉ tuốt, không biết tháng ngày…”
Đấy là những gì ông Khan đọc được trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn. Sách được soạn ở gác Triêu Dương, kinh đô Phú Xuân, năm 1776. Nước Nam Bàn nếu quả thực do vua Lê Thánh Tông thiết lập sau khi đánh lấy thành Chà Bàn năm 1471, thì nước ấy đã có trước khi soạn sách Phủ Biên Tạp Lục những 300 năm. Từ bấy đến nay những 200 năm nữa. Quả tình ông Khan thực hiện một cuộc tìm kiếm thứ vật thể tồn tại tự 500 năm trước. Cứ theo lời chép trong sách, ông cho rằng nước Nam Bàn là thuộc miền núi rừng phía tây nam làng Cù của ông.
Một nơi chốn vốn tồn tại trong sử sách, nhưng giờ đây đã trở thành thứ âm vọng lớn lao như một tiếng gọi kỳ bí của quá khứ bỗng làm ta thấy yêu mến tiền nhân biết bao, những kẻ khai sơn phá thạch.
Ý nghĩ ấy là nền tảng tinh thần cho chuyến đi 14 ngày đêm của ông Khan. Cứ theo Phủ Biên Tạp Lục, ông cho rằng, nếu từ phủ Phú Yên đi Nam Bàn mất 14 ngày, thì từ làng Cù của ông đi cũng mất 14 ngày, bỡi làng ông là nằm kề cận phủ Phú Yên. Núi rừng thời đương đại không còn tịch liêu và biệt lập với cuộc sống miền xuôi như thời vua Lê Thánh Tông. Có cả những làng xóm đông vui của các dân tộc ít người, có cả những nông trường trồng rừng, có cả những khu khai thác gỗ, và cả tiếng xe cộ ở trên núi. Đám lái thương vẫn thay nhau hằng ngày mang các thứ từ miền xuôi lên. Dân thiểu số ở vùng núi rừng này có vẻ như đã tiếp nhận nền văn minh đương đại một cách khá đầy đủ. Ông Khan ngày đi, đêm nghỉ. Có khi là nghỉ lại ở một nông trường trồng rừng. Có khi là nghỉ lại ở một làng thiểu số. Trên đường đi ông luôn hỏi những người ông gặp: Có biết những gì về một đất nước ở trên rừng có tên nước Nam Bàn? Câu trả lời có khi là cái lắc đầu, để tỏ ra không biết, có khi là một nụ cười ẩn chứa niềm hoài nghi, có thể là người ta hoài nghi ông là kẻ đầu óc chẳng bình thường. Ông Khan đứng giữa miền đất xa lạ, trước mặt ông là những ngọn núi cao mà ngọn nào ông nghĩ cũng có thể là núi Bà Nam, từ thứ giả định trong ý nghĩ là mình đang đứng giữa đất nước Nam Bàn, ông mường tượng về một ngày có một người trên đường săn đuổi con mang đã lạc rừng không còn nhớ đường về đành phải dừng chân ở chốn ấy, hoặc cũng có thể là hai vua Thủy Vương và Hỏa Vương tranh nhau đất đai, cảnh đao binh xảy ra, trong số những người chạy loạn có một người đã lạc đến chốn ấy…Cứ theo hồ sơ gia phả của làng, ông Khan tự hỏi có phải tổ tiên gần của người làng Cù là người Nam Bàn?
Sự thiết lập quê hương tổ quốc tựa như một thứ huyền thoại có thật trong tâm thức con người, nó là sức mạnh neo giữ con người với đất đai, và tổ tiên ta như âm vang nhung gấm luôn tác động lên lương tri ta, sự khởi đầu của sự vật luôn là niềm bí ẩn.
Những ý nghĩ ấy khiến ông Khan cảm thấy cuộc tìm kiếm của mình không phải là vô ích
Giã, tháng 1/2015