ta nhắm mắt lại để nghĩ ngợi là nhìn thấy cái u linh nghìn cõi, làng, những khúc thức kỳ hồ, cứ bay lên đi những ý niệm, những mẫu hình, phạm trù của những hệ lụy của cả một dọc dài bầy đàn tủn mủn tỉ mỉ những con sâu, cái kiến, những tương, cà, lỉnh khỉnh những đói khát, những bất công, lừa lọc, làng, nó là nửa cuộc chuyển dịch lận đận, có thể là có kẻ đến rồi ra đi, rồi không trở lại, có thể là có kẻ đến rồi ở lại cho đến khi có được một nấm mồ [đôi khi được gọi là trở về] có thể là có kẻ đến rồi bị buộc phải ra đi như kẻ ngoại cuộc, nó là nửa cuộc nhìn thấy, những sầm uất của áp bức, những năm tháng tối đen như mực, trí khôn con người phải lần dó qua những ngõ ngách của thời gian, và đất đai thì câm lặng, cho đến khi có kẻ hô hoán lên rằng đất trời đang trong cơn gió bụi con người nhất thiết phải quay về với cõi bản ngã quật khởi, nó là nửa cuộc đợi chờ, từ lúc con bò mẹ sinh ra con bò con cho đến lúc con bò con thành con bò mẹ lại sinh ra con bò con rồi cho đến lúc con bò con lại thành con bò mẹ lại sinh ra con bò con, còn lũ chim rừng thì sáng nào cũng hóng mắt chờ mặt trời lên, vừa hóng mắt chờ mặt trời lên, vừa hót, cả một loài giống vẫn hóng mắt chờ, còn người làng ta thì thế hệ sau thay cho thế hệ trước ngồi hóng các vị thần đã hứa trong các giấc mơ về những điều tốt đẹp về hạnh phúc, áo cơm, cứ vậy mà thay nhau chờ, ký ức ta là đầy ắp những thứ nửa cuộc [bạn về đằng ấy nói giúp ta, rằng, các con sông ở đây nước tràn bờ kéo theo các thứ rác rưởi/ các dòng sông ngập ứ rác/lũ chim trời hoảng hốt khi không còn thấy bóng mình nơi sông nước…] ký ức ta là đầy ắp hoa cỏ may, hoa cỏ may trong vườn găm vào tuổi thơ ta như thể trang sức làm lộng lẫy thêm trí nhớ, bỡi một người sinh ra và lớn lên ở làng quê mà không có hoa cỏ may trong trí nhớ là không thể, nhưng mẹ ta đi làm đồng về thì cỏ may bờ ruộng cũng găm đầy quần, đêm bà chong đèn ngồi nhổ cỏ may như thể ngồi gẫm sự đời vậy, ký ức ta là đầy ắp những cuộc bay ngắn hạn của lũ chuồn chuồn, cuộc chơi của lũ chuồn chuồn cũng là thứ tức thì như thi ca, buổi trưa, ta ra vườn coi thử hoa giữa ngọ đã nở chưa, lập tức lũ chuồn chuồn bổ xuống nơi bầu trời trên đầu ta, rồi vụt biến mất, cái cách nô đùa đơn phương như thể một thứ kịch độc thoại nội tâm cũ kỹ, nhưng cái cách chơi ấy lại luôn quyến rủ tuổi thơ ta, nói như vậy không phải lũ chuồn chuồn chỉ có những cuộc bay tức thì, có những hôm như thể lũ chúng đang trải qua một sự cố nào đó thuộc loài giống loài chúng, cứ nhào lộn suốt buổi suốt ngày ở trong vườn, ký ức ta là đầy ắp lời con chim khách, con chim có thứ ý tưởng cách tân là cứ muốn làm cho lạ đi những người cũ trong ngôi làng cũ, ông chú ở nhà bên sang chơi, nhưng con chim khách cứ đứng nơi bờ giếng réo gọi ta: có khách…có khách, quả là một nét hùng vĩ bẩm sinh của làng,
10.30 AM 26.3.2021
trong tiểu thuyết đang viết: NHỮNG GHI CHÚ