Những ghi chú

tôi chỉ có mỗi mong muốn coi  như
lớn nhất là làm sao nói cho được thế giới

                          

1/ có điều thời đại của tôi như thứ giai điệu viết dở chừng, cứ chùng xuống những âm thanh mơ hồ, hỗn độn, và làng, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, những khúc thức kỳ hồ, một cõi đi về lận đận, có vẻ băng giá muốn phủ lên nghĩ ngợi con người, ở làng tôi, lũ cú tăng thời lượng kêu đêm, chỉ là bọn chúng đã quá quen với cuộc sống đế vương thời chiến tranh xác chết con người ăn không hết, cái bọn cú đã coi đám cây cổ thụ ở làng tôi như bản doanh của chúng, đám cổ thụ nghe nói còn sót lại tự buổi khai phá rừng già lập ra làng xóm cứ thế mà sống vượt qua được cả bom đạn trong bao cuộc chiến tranh rồi trở thành nơi trú ngụ của lũ cú từ lúc nào chẳng ai còn nhớ, thật ra, lũ cú thấy nhớ nhung buổi thức ăn ăn không hết, lại phải sống trong thời người ta cứ chết theo cách khác, không phải nằm phơi xác trên đồng làng, luôn đói cái ăn, buồn khổ, chúng buông lời thở than vậy thôi, nhưng nghe cú kêu đêm người làng tôi lại suy ra đủ thứ, trong đó có chuyện hoạn nạn, chết chóc, nhưng các trụ cột của làng, coi như chỗ dựa tinh thần của làng, vẫn còn đó, ở làng Cù tôi thi ca  có ông Tú Kết, ông Nghè Huân, sách sử tiền nhân để lại có Cổ Quái Tinh Hoa và Những Khúc Thức Kỳ Hồ, lũ cú cũng chỉ lung lạc người làng tôi ở mức độ nào đó, chỗ cơ bản không phải tiếng cú kêu đêm, mà là thứ khí hậu của thời đại, cứ thấy như có  thứ khe hở lịch sử nào đó cuồng phong đang tuông vào, những người đi chân đất như những người cày ruộng ở quê tôi thì chỉ có nước lặng lẽ cúi xuống mảnh đất cũ kỹ của mình, nếu có thứ phản ứng lịch sử nào đó thì cũng chỉ là nỗi hờn giận không hình hài, những thứ ngưng đọng bất thường như vậy như thể sương mù che khuất lịch sử [người đi cứ ngỡ tiếng hót chim cu là niềm vui vĩnh cửu…] như thể để cho không nguội lạnh đi ngọn lửa trong lòng, người làng tôi sau một ngày làm lụng, đêm lại tụ tập ở nhà  ông Nghè Huân để nghe kể chuyện anh hùng và thời thế [ở làng Cù tôi thì kể chuyện anh hùng và thời thế là kể chuyện lịch sử đó] ông Nghè Huân cỡi lên hết thảy những thế kỷ tai ương để nhìn ra những gương mặt của thế giới, với ông, thế giới cứ như một cuộc tập dược chống lại cái ác, chống lại thứ qui trình loài homosapien quay trở ngược cuộc tiến hóa…a, mi là loài ác quỉ của thời đương đại, ông Bảy Qui nhảy một cái tới kinh đô nước Phù Lỗ, chỉ vào mặt vua nước ấy, hét, mi chớ sai quân sĩ của mi giả dạng thương nhân sang xứ sở ta mua rắn, rồi mua trùn, rồi mua rùa nữa nhé, đồ ác thú, mi muốn biến hết thảy các nước khác thành sa mạc, để cho mi làm chủ thế giới, dưới cách nhìn tân Truyền Kỳ Mạn Lục của ông Nghè Huân, ông Bảy Qui[*], vốn chỉ là nhân vật truyền thuyết của người làng tôi, đã nhảy tỏm vào lịch sử nhân loại, một kẻ chọc trời  khuấy nước,  anh hùng và thời thế là vậy, rồi người làng tôi nghe chuyện ông Bảy Qui giết giặc cũng cảm thấy hả dạ một chút, rồi cũng chẳng biết vì sao lại cảm thấy hả dạ, vì sao lại cảm thấy bớt đi một chút ưu tư,

____

[*] thật  ra ông chỉ là một nhân vật truyền thuyết nhưng lại tác động lên tuổi thơ tôi một cách dữ dội như vậy, ăn cũng thấy ông Bảy Qui, ngủ cũng thấy ông Bảy Qui, cái nhân vật truyền thuyết có cuộc đời kỳ lạ ấy, về sau, khi tôi đã có vốn liếng kiến thức mới hiểu ra chỉ là một nhân vật văn chương, còn bấy giờ, mẹ tôi mà kể chuyện ông Bảy Qui, chỉ một đoạn nhỏ thôi, là tôi cũng có thể thức đến nửa thế kỷ để nghe…vào một hôm tối trời, lũ ma ở gò thổ mộ của làng tụ tập nhau định đi dọa đám trẻ nít trong làng thì ông Bảy Qui đã đứng lù lù trước chúng, hãy dẹp trò ma quỉ ấy đi, đã là ma quỉ thì lũ chúng bay cũng phải sống cho ra ma quỉ một chút chứ, ông hét, vậy là tôi bắt đầu chất vấn mẹ tôi đủ thứ, lũ ma ở gò thổ mộ của làng thì ăn gì, có cắn người như lũ chó hay không, ôi, đâu chỉ bấy nhiêu, tôi còn muốn biết cha mẹ chúng là ai, lũ chúng có ăn cơm uống nước như con người không, vân vân, chỉ bọn con nít tào lao xịt bọp mới không thấy mê ông Bảy Qui, còn những đứa đường hoàng đứng đắn đứa nào lại chẳng mê ông Bảy Qui, thú thật, bấy giờ có những chuyện lớn lao của ông Bảy Qui tôi chỉ hiểu một nửa, hay chẳng hiểu gì cả, nhưng vẫn cứ thấy mê, ví như chuyện ông Bảy Qui đánh chết thằng cha Khổng Lồ thì tôi thấy còn mù mờ lắm, thằng cha Khổng Lồ cao lớn gấp trăm lần ông Bảy Qui, vậy mà ông Bảy Qui chỉ thoi một cái lão đã ngã ra hộc máu chết, tại sao to lớn vậy mà còn đi trộm ổi chứ, lão cứ ung dung đứng bên những cây ổi trái  chín mọng trong các khu vườn trong làng mà ăn ngon lành vậy, rồi thích ơi là thích, những chuyện nho nhỏ vậy đó, hồi đó thì tôi cho là chuyện nhỏ, nhưng khi đã có vốn liếng kiến thức tôi đã hiểu ra đó là những mô hình văn chương rất tuyệt, ví như chuyện ông Bảy Qui hứa với lũ trẻ nít trong làng là lên rừng hái trái cám về cho lũ chúng, ông phải hái cho thật nhiều đó, lũ trẻ nít nói, tất nhiên rồi, ông phải hái thật nhiều trái cám về cho lũ cháu chứ, ông Bảy Qui nói, vậy mà, chiều ông trở về, không có trái cám rừng, chỉ là những trái duối đồng bằng, trái cám rừng to bằng quả trứng, còn trái duối chỉ bằng đầu ngón tay út, nhìn những trái duối nhỏ bé tí, lũ trẻ ôm bụng cười ngoác ngoẻo, ông Bảy Qui cũng cười ngoác ngỏeo, nói, ông biết mà, nếu là trái cám rừng chưa chắc lũ cháu đã vui như thế, tôi biết cái nội hàm văn chương là chỗ đó, con người ông Bảy Qui như theo tôi hiểu hồi đó là thật to lớn mà cũng thật nhỏ bé, tất nhiên là không thể nhỏ như con kiến được, có điều là tôi rất mê ông ấy, và tại sao mê thì tôi không biết, cứ nghe chuyện ông Bảy Qui là tôi thấy mê, đây, cứ xem cái cách tôi nghe mẹ tôi kể chuyện ông Bảy Qui thiến vua Phù Lỗ thì biết là tôi mê đến bực nào…bấy giờ thì vua Phù Lỗ cứ tưởng đem một nghìn binh lính là tiêu diệt được làng Cù, thật ra, ông Bảy Qui chỉ huơ cây đao một cái là cả trăm binh lính của vua Phù Lỗ ngã chết, thua, vua Phù Lỗ mang tàn quân chạy về đất bắc, ông Bảy Qui một mình đuổi theo quan quân Phù Lỗ cho đến tận kinh đô nước ấy, vào tận cung vua, chỉ vào mặt vua Phù Lỗ, nói: ngài là giống người man rợ, nên ngài không được quyền sinh con cái dây dưa giống loài xâm lược, nói xong lời ấy, ông Bảy Qui đè vua Phù Lỗ xuống, hoạn…mẹ tôi kể đến chỗ ông Bảy Qui thiến vua Phù Lỗ thì bắt đầu lên hơi [tức, ngủ] , tôi thì cứ nằm trằn trọc, không tài nào ngủ được, bấy giờ tôi đâu biết hoạn là gì, trời đất ơi,  tôi cứ thấy mê cái cách ông Bảy Qui đè vua Phù Lỗ xuống mà hoạn, nhưng hoạn là gì kia chứ, cứ thế, cái tra vấn ấy nó dày vò tôi, cứ muốn vực mẹ dậy để hỏi, nhưng tôi không dám, tới khi lũ gà trong làng gáy lần đầu, mẹ tôi mới thức giấc, tôi hỏi liền: chuyện ông Bảy Qui hoạn vua Phù Lỗ có thật không mẹ, chắc là mẹ tôi biết tôi vì chuyện thiến vua ấy mà không ngủ được, song bà vẫn cứ vờ như chẳng  có chuyện gì xảy ra, nói, thiệt chứ sao không thiệt, 

 

 

2/và cứ thế, tôi cứ thấy nhớ nhung một cái gì đó, một vẻ huy hoàng đã mất, hay một cuộc phong lưu cổ độ, một đoạn khúc lưu ly, hay một miền trời chưa có, tôi không biết, chỉ thấy nỗi hoài nhớ ròng rã khúc chiết như thứ sức vóc bền bĩ lâu lâu lại tác động tâm trí, và tôi lại mường tượng ra đủ các thứ đất trời, mường tượng ra đủ các thứ bề bộn nắng gió, a là tôi đang bước dọc theo một khúc hát tối giản, nó là con đường chạy giữa một cuộc cổ tích lừng lững trong sử sách, ở phía bên kia là tràng giang đại hải những tiếng nói chân thành, và phía bên này là những kiến trúc, tôi phải nói thế nào nhỉ, hoàn hảo đến mức vô tận, là tôi đang nói đến những kiến trúc của nhà nước, những kiến trúc của chỗ ở, những kiến trúc của ngôn ngữ và những kiến trúc của một nền văn hóa bất thành văn ở những chốn khác người ta gọi là phong tục tập quán, cứ nói hết thảy những thứ đó là sự tuyệt mỹ của thời gian, đang mùa hoa vả, người ta nói với tôi vả ở đây có nghĩa là vô kỷ vô công, tức là không hề hấn gì cả, người ta đang lũ lượt kéo nhau đi múc hương hoa đổ vào trí nhớ, ở đây ký ức là nền tảng của mọi suy nghĩ và cảm xúc, cứ nhớ lại, và bước đi trong cõi không hề hấn gì cả, mới đầu tôi cứ tưởng ông ấy là một thi nhân, anh cứ giắt ngựa đi theo lối này sẽ thấy mở ra một vùng chữ nghĩa đồ sộ, ông nói, tôi phải nghĩ ông ấy là một thi nhân mới có thể nói ra những lời như vậy, nhưng không phải, người đàn ông chỉ đường cho tôi tới quảng trường cổ tích rồi rẽ vào chỗ người ta đương dệt lụa, lời một người dệt lụa mà hào hoa đến vậy sao, con ngựa nòi phương đông của tôi như thể cũng cảm được nét vẻ an nhiên ấy, cứ ngếch mòm lên trời, rên ư ử, ở quảng trường cổ tích người ta đang nhảy múa mừng mùa hoa vả…’’người hãy dừng lại/ghé mắt chốc lát vào chốn cũ/ nó là thứ cánh mỏng nương theo cổ tích…’’cô gái đang nguyện cầu, nàng đang nói với chốn trên cao, người có con mắt thấu thị, bài hát là ngôn ngữ tường trình chân thật, không biết cô gái có biết là tôi cũng chỉ ghé vào chốc lát hay không, thôi hát, quay sang ông khách đầy nỗi ngạc nhiên là tôi, ông cũng đến nguyện cầu ư, nàng nói, tôi thành kính gật đầu, nhìn nàng, rồi nhìn lên chốn trên cao, con ngựa nòi phương đông của tôi hí vang, tôi quay sang nó ra hiệu với nó là tôi đã hiểu nó muốn nói gì, rồi quay lại với cô gái cho đến lúc ấy tôi mới nhận ra nàng như thể vừa mới thoát ra khỏi một miền hoa gấm, áo quần cũng bằng hoa, giày dép cũng bằng hoa, và tóc tai đầy hoa, ở đây chẳng còn thứ cảm xúc trần thế đâu nhé, biết là nàng đang sống trong thứ ký ức cổ tích, tôi cũng lật đật quay về  với thứ ký ức bầy đàn của mình, chúng tôi ôm nhau nhảy trong cuộc tình trường không tên tuổi, ở đó là một cuộc dài lâu, lũ chim hót mãi hót mãi trời đất cứ rộng mãi như vậy, tôi nói, và người đi người về lũ lượt những trùng phùng cuộc dịch chuyển như bài ca không hề kết thúc, nàng nói, rượu vả đã làm cho tôi và nàng quên mất là chúng tôi đã say, ông cứ ôm em mãi như thế này nhé, nàng nói, phải rồi, tôi phải ôm em chứ,  tôi nói, tôi vẫn còn nhớ, cho đến lúc chúng tôi không còn nhảy nổi nữa, tôi nằm dài lên đất, gối lên ngực nàng, con ngựa nòi phương đông của tôi lại hí vang, tôi đã căn dặn nàng, rằng,  cứ để yên như thế tôi mới bớt đi nỗi hoài nhớ của mình,

 

 

3/ những gì tôi nhìn thấy được vào sáng hôm ấy là bầu trời lỉnh khỉnh những đám mây có vẻ rất ngang ngược [mảnh này cứ muốn đâm ngang vào mảnh kia, và mảnh kia thì cự lại bằng cách cứ việc đứng yên] và thứ mặt đất như thể vừa lấy ra từ một trang viết công phu của một nhà cổ vật nào đó, cái gì cũng cũ hết, từ lâu tôi vẫn lặng lẽ chui ra chui vào ngôi làng nơi chôn nhau cắt rốn của mình chẳng hề chú ý đến chuyện tuổi tác của nó, sáng ấy bỗng nhận ra thứ gì ở đây cũng cũ kỹ cả, nhà cửa trong làng hết thảy đều xây cất theo kiểu mái chái, tức mô hình nhà cửa đơn sơ nhất, kiểu cách cũ kỹ đã vậy còn biến mái nhà thành những giàn bầu giàn mướp, cứ thấy như thế hoang hóa đang phủ lên xóm làng, đứng nơi con đường làng đầy những phân bò đang rã mục [lũ bò đã ỉa trên đường làng từ nhiều năm trước, giòi bọ đã ăn hết các phần còn sót chút bổ béo trong phân và để lại rặt những căn bã] tôi cứ có cảm tưởng như mình đang lạc vào một chốn cổ xưa nào đó, mảnh đất từng gắn bó với tôi sáng ấy bỗng trở nên như vậy, nhưng ông già Thế đã ngoắc tôi, vào đây, tôi phải hỏi anh cái này, tôi rẽ vào nhà ông già Thế, nhưng không hiểu sao sáng ấy cứ thấy cái hàng rào chè răng cưa trước sân nhà ông giống cái bình phong ở các chùa miếu tôi đã nhiều lần nhìn thấy hình vẽ của chúng trong những cuốn sách viết về những ngôi làng cổ của đất nước tôi, rồi giọng nói của ông già Thề nghe cũng cổ kính làm sao, anh là người có chữ nghĩa ở trong làng này có thể nói cho tôi hiểu tại sao thằng cháu nội tôi cứ nói ô kê với tôi lúc tôi hỏi nó tới trường nghe thầy giảng có hiểu không, tôi phải giảng giải cho ông già Thế hiểu đó là tiếng nói của người Mỹ, thằng cháu nội ông nói ô kê với ông là nói nó nghe hiểu lời thầy giảng đó, không hiểu ông già Thế có hiểu hay không, cứ thấy lộ vẻ buồn rầu, nhưng đã có khách đi ngựa vào ngõ, chúng tôi tiếp ông khách đi ngựa ở hiên hè, ông muốn gặp ai vậy, ông già Thế hỏi, thưa, muốn gặp hết thảy những người trong làng này, khách nói [tôi nhìn thấy có những đám mây đang muốn choảng nhau trên bầu trời tháng sáu/ai đi giữa hải hồ dang dở…] ông khách xưng với chúng tôi là nhà viết sử đang làm công việc điều tra điền dã, nhưng điều tra điền dã là sao, ông già Thế hỏi, là muốn nghe mọi người ở đây nói về những gì đã xảy ra trong quá khứ bác ạ, khách nói, nôm na là ông ấy muốn nghe bác Thế nói những chuyện đã xảy ra ở làng ta, chuyện sử làng ấy mà, tôi giảng giải thêm với ông già Thế, và thấy nhà chép sử của chúng tôi cười, ông già Thế cũng cười, nói, ở làng này có biết bao chuyện để nói, ông phải chép những chuyện này vào sử sách cho kỹ, là bọn họ đã mua đất đồng làng này với giá cả thiệt cao, bọn người làng bọn tôi khi nhận được tiền thì mừng lắm, đâu nghĩ đến lúc tiêu hết tiền, đất để cày không còn, lũ trai tráng phải xiêu tán tứ xứ kiếm công việc làm ăn, thằng con trai tôi phải đến tận xứ người làm thuê làm mướn,  nhà nước mình đưa đi đó ông, tết nó không về, ông trưởng làng tới thăm khen nó là người yêu nước [ông già Thế cứ rưng rưng muốn khóc, rồi tiếp] con vợ nó thì chạy chợ kiếm đồng ra đồng vào để chờ thằng chồng gửi tiền về, buồn nhớ chồng, con dâu tôi đâm nghiện hút thuốc lá, trên môi con dâu tôi như lúc nào cũng thấy có điếu thuốc, còn thằng cháu nội tôi thì ngày nào cũng nói ô kê với ông nội của nó, thời buổi cứ thấy như thể sáng ra không còn nhìn thấy mặt trời lên trên bờ tre sau nhà ông à, ông già Thế nói, ông nhà chép sử ghi [tôi nhìn thấy có những đám mây đang muốn choảng nhau trên bầu trời tháng sáu/ai đi giữa hải hồ dang dở…]… Và những cuộc tạo tác mới mẻ chỉ được tiết lộ/Khi thời gian đáo hạn đã đến và mặt đất mang thai/Có thể tặng cho bến bờ ánh sáng một cách an toàn/Dòng dõi dễ thương của nàng? Nhưng nếu từ hư vô/Mà thành ra, chúng sẽ hiện ra khắp nơi/Đột nhiên, bất ngờ, trong những tháng năm xa lạ/ And new creations only be revealed/ When the due times arrive and pregnant earth/ Safely may give unto the shores of light/ Her tender progenies? But if from naught/ Were their becoming, they would spring abroad/ Suddenly, unforeseen, in alien months/ OF THE NATURE OF THINGS /BOOK I/ SUBSTANCE IS ETERNAL/ VỀ BẢN CHẤT CỦA SỰ VẬT/CUỐN I/ BẢN CHẤT VĨNH HẰNG, mấy nghìn năm trước, nhà thơ Lucretius của nước La Mã cổ đại [Titus Lucretius Carus, khoảng 99 – 55 tr.CN] đã nói vậy rồi còn gì,  

 

 

4/ nhưng sách Cổ Quái Tinh Hoa còn lưu giữ trong hồ sơ gia phả làng tôi có phần còn ẩn mật hơn sách Về Bản Chất Của Sự Vật của Lucretius  của nước La mã cổ đại, một cuốn bách khoa về những dị biệt thượng thặng trong nhận thức thế giới, một phổ hệ lạ lùng về các hiện hữu nền tảng, cái đại ngã bỗng nằm dài giữa hư không…ở đó, trùng phùng là còn khó khăn  hơn mò kim đáy bể, bạn chớ nói chuyện trùng phùng ở đây, là bọn ảo ảnh trò chuyện nhau [suốt ngày đêm chúng chuyện trò nhau] có vẻ như ai đó vẫn cố làm cho mọi thứ tản ra, rời ra, ai, chẳng ai biết, hay, bấy giờ tồn tại là những mảnh hồn rã ra trong nhịp điệu mệt mỏi của cuộc thương nghị có vẻ chưa thành giữa cái một và cái toàn thể [bọn kiếm sống bằng săn tin giả chạy nhốn nháo khắp nơi, và bọn chuyện ca ngợi và nguyền rủa chạy đến thọt chân cũng chẳng tìm ra được điều để ca ngợi hay nguyền rủa/ôi một thời của  rã rời mà giữ được tiết trinh] buổi giao thời, cứ gọi như thế đi, ồ, những chuyện của buổi cao sang, những vì sao ngấp nghé những nỗi niềm về sự hiện hữu, đã có thể gọi đó là một phương trời chưa nhỉ, dùng dằng một chút mây, dùng dằng một chút gió, một chút tiếng tiêu trầm giữa cõi hoài vọng ban sơ [vậy mà sau đó lại òa vỡ ra thành những bảng lãng vô biên/ ôi thế giới…thế giới] nhật nguyệt muốn dời chân đi nhưng vẫn còn thấy nhớ nhung, những bịn rịn buổi giao thời là thứ triết học bão táp bao gòm cả cái định tính lẫn định lượng [người đi cứ thấy nhớ buổi sớm mai có mây trắng trải ở trên đầu/ đếm thử, chỉ thấy vô tận vô biên]  buổi ấy, bịn rịn là cái khiến cho trinh tiết vẫn cứ còn nguyên vẹn giữa các thứ phong ba biến động, mẹ của ta, dường có thứ cổ vật cổ sơ đang trên đường hoàn thiện nào đó đang cất tiếng gọi cái một, mẹ là mẹ của cái chaos, nhưng chaos lại là mẹ của mẹ, buổi ấy, một khoảnh thời không bất tận, cuộc sinh nở bất tận, mẹ của ta, tiếng nói của nỗi hoài nhớ, cứ giống như buổi chiều có ai ngồi đợi, cứ giả dụ vậy, bỡi buổi ấy đâu đã có sáng nào chiều nào, chưa có sáng nào chiều nào, nhưng cứ giả dụ có ai đó chiều nào ngồi đợi, con nước ròng, cá quẫy, mây bay, vượn hú, gió thổi, con chim bịp gọi buồn, hết thảy là đang lên tiếng gọi, hay, tồn tại chỉ là nỗi hoài nhớ khôn nguôi/CỔ QUÁI TINH HOA/CÁI CHAOS UY VŨ,

 

5/  mà sách ấy cũng chỉ là phản ánh cuộc sống có quá nhiều thứ dị hợm thành ra như cổ quái, con ạ, cha tôi nói về sách Cổ Quái Tinh Hoa như thứ công trình tri thức tập thể, nó là những nghĩ ngợi về cuộc sống của các thế hệ tổ tiên chúng tôi, thời ông nội tôi trần gian loạn lạc đen tối đến nỗi ông tôi phải cho cha tôi học chữ trước học cày, phải có tri thức trước khi đi cày ruộng kẻo bị đám quan quân đương thời nó lừa con ạ, cha tôi nói cái lý do vì sao ông phải thông thạo sử sách trước khi đi cày ruộng, ở làng tôi, có lẽ cha tôi là người cày ruộng duy nhất có thể cắt nghĩa cày ruộng là sao [là đi thương lượng với đất đai về cách làm sao cho có hạt lúa] ông gác cây cày là cầm cuốn sách lên, hồi ông nội con giao cây cày với mấy đám ruộng cho ta thì trời đất cũng vậy, cuộc sống con người cũng vậy, nắng cũng cháy da, mưa cũng rã đất, đám có chức có quyền cũng coi dân như cỏ rác, cũng nói láo và ăn cắp của công, phải đi cày, chứ chỉ đọc sách không thôi, thì không hiểu hết cái ‘‘cũng vậy’’ ấy, con à, cha tôi nói, tôi lắng nghe, và nghĩ ngợi quá chừng, dường như cha tôi, tự hồi nào, đã nhìn ra mối quan hệ sinh tử giữa sách với cày, giữa ruộng với thơ, giữa những cái như thể chỉ làm toàn bằng chân tay với những cái của trí não [cứ gõ lên đường cày thì thấy những thế kỷ trườn bò qua những sa mạc mênh mông lời kêu gào thất thủ của những cuộc tình dang dở/ vàng tiếng kêu con ve sầu đã cạn nước mắt/lòng trắc ẩn đã bị thảm sát…]…buổi sáng cha tôi đứng lặng nhìn đám đậu trắng đậu đen đang nứt mầm xanh ngát trong khu vườn nhà, cái cách những lá mầm như đang tự xé tiền thân của mình là những hạt đã được gieo xuống đất trước đó mấy hôm, chính là trong dòng tiến hóa thầm lặng của vạn hữu, những cánh lá mong manh ấy đã tự vươn lên khỏi đất, một cuộc hóa thân mới mẻ, những hạt đang chuyển sang những cây, tôi đọc thấy trong ánh nhìn của cha tôi thứ khái niệm về sự cộng sinh, dường cha tôi tự hồi nào đã nhận ra sự đồng hành có tính quyết liệt giữa các sự vật trong cuộc tiến hóa, buổi sáng mùa thu, chúng tôi, cha tôi, tôi, và đám đậu trắng đậu đen là cùng hít thở dưới một bầu trời, cứ nhìn ánh mắt của cha tôi thì tôi đã nghiệm ra một thứ triết học về nỗi đam mê của sống [đừng hỏi tồn tại là sao, hay tồn tại là gì, mà chỉ nên biết là chúng ta đang tồn tại/cứ tỉ dụ là tôi đã trích ra từ thứ triết học về nỗi đam mê của cha tôi] …chỉ mỗi cái nhìn đăm đắm của ông cũng đủ khắc vào ký ức tôi thứ thế giá của sống, rồi cha tôi lại ra đồng làng, các bạn cày của ông lại ngừng bò, ngồi hút điếu thuốc với ông, đấy là cuộc đồng hành có tính định mệnh giữa ông và những người cày trong làng, cho đến hôm, những người cày trong làng dừng cày, hỏi nhau, sao bữa nay ông Tám Sách không ra đồng vậy cà, người làng tôi gọi cha tôi là ông Tám Sách, từ bữa đó cha tôi bỏ luôn chuyện cày bừa, đã đến lúc ông không còn đi cày nổi, chỉ nằm nhà đọc sách, rồi mẹ tôi lại chăm sóc cha tôi, ông nhà nó uống đi, kẻo nguội mất, mẹ tôi lại pha bát chè quế đầy vun mang đến cho cha tôi như lúc ông còn đủ sức đi cày [mỗi trưa ở ruộng về, cha tôi lại uống bát chè quế vun đầy do mẹ tôi pha] rồi những người cày trong làng lại đến với cha tôi, anh Tám chớ lo, mấy đám ruộng của nhà anh cứ để bọn này lo cho, ở làng tôi hồi ấy, cái tinh hoa uyển ngữ của bầy đàn nó vẫn còn sung mãn như thế, bấy giờ, nhờ việc học hành tôi cũng đã có chút vốn kiến thức về cuộc sống, đã biết cách nhìn những ẩn dụ  trong mỗi lời nói của cha tôi, tuổi già của con người cũng giống sự suy vong của các triều đại, con à, con người cứ chầm chậm mất đi sức lực, các triều đại thì cứ chầm chậm mất đi vẻ hào nhoáng ban đầu của nó, chầm chậm mất đi cái lý do tồn tại của nó, có triều đại nào lại giữ được mãi cái dáng vẻ có vẻ chính nghĩa của thuở ban đầu của nó đâu, bỡi cuộc chuyển động của nó là tuân theo thứ luật tắc chết người, rằng, những thứ dị hợm, cổ quái, sẽ tự sinh ra trong quá trình chuyển động của nó để làm tiêu ma chính nó, một hôm, cha tôi nói với tôi, ông nói, mắt cứ đăm nhìn về một nơi nào đó, hồi ấy, dường như cha tôi vẫn cứ đăm nhìn về một nơi nào đó, tôi cứ có cảm tưởng như ông đang sống trong nỗi hoài nhớ nào đó,

 

6/ ta nhắm mắt lại để nghĩ ngợi là nhìn thấy cái u linh nghìn cõi, làng, những khúc thức kỳ hồ, cứ bay lên đi những ý niệm, những mẫu hình, phạm trù của những hệ lụy của cả một dọc dài bầy đàn tủn mủn tỉ mỉ những con sâu, cái kiến, những tương, cà, lỉnh khỉnh những đói khát, những bất công, lừa lọc, làng, nó là nửa cuộc chuyển dịch lận đận, có thể là có kẻ đến rồi ra đi, rồi không trở lại, có thể là có kẻ đến rồi ở lại cho đến khi có được một nấm mồ [đôi khi được gọi là trở về] có thể là có kẻ đến rồi bị buộc phải ra đi như kẻ ngoại cuộc, nó là nửa cuộc nhìn thấy, những sầm uất của áp bức, những năm tháng tối đen như mực, trí khôn con người phải lần dó qua những ngõ ngách của thời gian, và đất đai thì câm lặng, cho đến khi có kẻ hô hoán lên rằng đất trời đang trong cơn gió bụi con người nhất thiết phải quay về với cõi bản ngã quật khởi, nó là nửa cuộc đợi chờ, từ lúc con bò mẹ sinh ra con bò con cho đến lúc con bò con thành con bò mẹ lại  sinh ra con bò con rồi cho đến lúc con bò con lại thành con bò mẹ lại sinh ra con bò con, còn lũ chim rừng thì sáng nào cũng hóng mắt chờ mặt trời lên, vừa hóng mắt chờ mặt trời lên, vừa hót, cả một loài giống vẫn hóng mắt chờ, còn người làng ta thì thế hệ sau thay cho thế hệ trước ngồi hóng các vị thần đã hứa trong các giấc mơ về những điều tốt đẹp về hạnh phúc, áo cơm, cứ vậy mà thay nhau chờ, ký ức ta là đầy ắp những thứ nửa cuộc [bạn về đằng ấy nói giúp ta, rằng, các con sông ở đây nước tràn bờ  kéo theo các thứ rác rưởi/ các dòng sông  ngập ứ rác/lũ chim trời hoảng hốt khi không còn thấy bóng mình nơi sông nước…] ký ức ta là đầy ắp hoa cỏ may, hoa cỏ may trong vườn găm vào tuổi thơ ta như thể trang sức làm lộng lẫy thêm trí nhớ, bỡi một người sinh ra và lớn lên ở làng quê mà không có hoa cỏ may trong trí nhớ là không thể, nhưng mẹ ta đi làm đồng về thì cỏ may bờ ruộng cũng găm đầy quần, đêm bà chong đèn ngồi nhổ cỏ may như thể ngồi gẫm sự đời vậy, ký ức ta là đầy ắp những cuộc bay ngắn hạn của lũ chuồn chuồn, cuộc chơi của lũ chuồn chuồn cũng là thứ tức thì như thi ca, buổi trưa, ta ra vườn coi thử hoa giữa ngọ đã nở chưa, lập tức lũ chuồn chuồn bổ xuống nơi bầu trời trên đầu ta, rồi vụt biến mất, cái cách nô đùa đơn phương như thể một thứ kịch độc thoại nội tâm cũ kỹ, nhưng cái cách chơi ấy lại luôn quyến rủ tuổi thơ ta, nói như vậy không phải lũ chuồn chuồn chỉ có những cuộc bay tức thì, có những hôm như thể lũ chúng đang trải qua một sự cố nào đó thuộc loài  giống loài chúng, cứ nhào lộn suốt buổi suốt ngày ở trong vườn, ký ức ta là đầy ắp lời con chim khách, con chim có thứ ý tưởng cách tân là cứ  muốn làm cho lạ đi những người cũ trong ngôi làng cũ, ông chú ở nhà bên sang chơi, nhưng con chim khách cứ đứng nơi bờ giếng réo gọi ta: có khách…có khách, quả là một nét hùng vĩ bẩm sinh của làng,

 

 

7/ và mùa thu như thể niềm an ủi đất trời gửi tặng cho một nơi chốn con người làm lụng vất vả nhưng vẫn thiếu thốn, như thể khi bầu trời trên đầu hơi xám đi, nắng đang gay gắt bỗng chuyển mát mẻ, và trong các khu vườn trong làng lũ dế thôi không còn gọi ngày nữa, thì con người như thể không còn để ý đến những khó khăn vất vả của mình, mùa thu, lúa trì [mỗi năm một vụ] trên đồng làng ta sắp lên đòng, tức, công sức con người bỏ ra sắp có thành quả, còn lũ chim tảnh mảnh [*] kéo về đầy các khu vườn trong làng, nghe tiếng kêu của loài chim trời ấy, con người như phấn chấn ra, đúng ra không phải kêu, mà như thể một cách gõ nhịp thời gian, nghe chim tảnh mảnh kêu con người cứ muốn cho cuộc sống trôi nhanh hơn,  chích chích…chích chích…[ta nhái tiếng chim tảnh mảnh] mùa thu nghe chim tảnh mảnh kêu, con người cứ thấy yêu cuộc sống này hơn, chứ không phải thấy ra mùa thu chết, hay  mùa thu buồn lá úa, hay là con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô… [như các thi nhân từng nghĩ, từng nói] mùa thu nghe chim tảnh mảnh kêu, con người cứ thấy cuộc sống êm ả dị thường, đến mùa thu thì con người có vẻ hòa hoãn hơn trong chuyện cơm áo, bác Bốn Mịch sang gõ cửa nhà ta vào lúc giữa khuya, cái cách thâm giao giữa cha ta và bác Bốn Mịch là gặp nhau bất cứ lúc nào, ông từ đình làng coi vậy mà rất sành chuyện văn chương sử sách, ông hiểu thế nào câu chép ở cuối sách Những Khúc Thức Kỳ Hồ, bác Bốn Mịch nói, hóa ra ông từ đình làng  gặp cha tôi vào lúc giữa khuya là để bàn bạc về một câu thơ cổ trong sách Những Khúc Thức Kỳ Hồ: quen nhau đến thuở bạc đầu mà còn rút gươm ngờ nhau, sách Những Khúc Thức Kỳ Hồ như theo ta biết là bộ sưu tập trí khôn của nhân loại, khuya, lũ côn trùng ngoài bờ rào như thể im tiếng để nghe hai ông già bàn chuyện đời, bấy giờ ta cũng đã có chút vốn liếng kiến thức nên thích nghe những cuộc đàm luận như thế, ta thức dậy tự lúc nghe bác Bốn Mịch gọi cửa, và cứ nằm im trên giường để  nghe cuộc trò chuyện của hai người, cái tội rút gươm ấy không phải là vì bạc đầu ấy chứ, ta nghe bác Bốn Mịch nói, cha ta đằng hắng tới mấy bận, ông lại thèm một bát chè quế nóng thì phải, ta với ông bạc đầu là do tuổi tác thì việc gì phải rút gươm ngờ nhau như bọn họ chứ, cha ta nói, lời ấy của cha ta bấy giờ ta chỉ hiểu được một nửa, còn nửa kia mãi về sau thật lâu ta mới hiểu ra, mùa thu như thể cha ta và bác Bốn Mịch có vẻ hòa hoãn hơn trong cách nhìn thế sự, hổm rày ông có còn nghe bọn họ rút gươm ngờ nhau hay không, cha ta nói, bác Bốn Mịch thở dài, nói, cứ đến mùa thu thì như thể lũ chim tảnh mảnh  hối thúc con người hãy bước cho mau lên, có vẻ bác Bốn Mịch không còn muốn nói đến chuyện rút gươm ngờ nhau nữa, chuyện của chim cũng là chuyện của con người, thời gian cứ vi vút qua đi, có khi nghe được, có khi không nghe được, có khi hiểu được, có khi không hiểu được, rồi không thể không nói ra nghĩ ngợi của mình, cha ta nói, ở ngoài vườn dường lũ chim tảnh mảnh nằm mơ gì đó, chúng thức dậy rúc lên những tiếng kêu thật nhỏ, đêm mùa thu ở làng ta như thể một bức tranh tỉnh vật có thêm thắc một chút tính chất ba rốc [hay dã thú nhỉ] , chính là trong cái im ắng của một nơi chốn chỉ cưu mang những kẻ cả đời bôn ba cơm áo lại thấy có tiếng giật mình thức giấc của một loài chim trời: cái mầu nhiêm của mùa thu, nhưng có một thứ mầu nhiệm mầu nhiệm hơn mầu nhiệm của mùa thu [và của những khám phá khoa học] sự mầu nhiệm làm cho con người thấy mình đang đứng thẳng giữa trời đất, sự mầu nhiệm không thể nói bằng lời, chỉ thấy nhớ nhung,

______
[*] về sau chim tảnh mảnh đã đi vào thi ca của ông Tú Kết…….ta đang đắm say nửa nhịp tang bồng thì hoảng hốt nhớ ra là ta còn có tình trăm năm nơi trần thế, hoảng hốt nhớ ra là ta còn có tình trăm năm và vội vã nói với em như lũ chim tảnh mảnh buồi sớm gọi sương, như con chim tảnh mảnh ta líu lo nói tình ngàn năm ra thành tình hờ, nhưng  đó cũng chỉ là lúc ta hoảng hốt lịu địu giữa những cuộc tình

 

 

8/  rồi những vết bỏng trên da thịt mẹ tôi cứ khô dần thành thứ vết tích thời gian, không thể hiểu hết đâu, bỡi đằng sau thứ dấu vết ấy là cả cái thế giới lưu ly uẩn khúc con tằm tới chết cũng còn vươn tơ cả đời mẹ tôi ngụp lặn  trong đó [những chiều thu  lá úa/ lũ giun dế trong khu vườn nhà nằm chờ nghe tiếng lá lìa cành…] mẹ tôi với ngôi làng thân yêu của tôi là những khúc trần gian lận đận chỉ có thể tính bằng niềm kính ngưỡng, nghe cha tôi nói giọng hò thời con gái của mẹ  đã làm cho đám trai trong làng không còn thấy mệt trong những đêm giã gạo dưới trăng, vào những đêm có trăng thuở ấy, đám con trai con gái trong làng lại rủ nhau đi giã gạo giúp cho các nhà ở trong làng, nhà nào cũng chỉ có mỗi cái cối giã gạo, nên cứ từng cặp gái trai thay nhau đứng vào cối giã, trăng, tiếng hát, và những cuộc tình giản dị cứ vậy mà nên hình dạng, giã gạo hát hò dưới trăng không  còn là chuyện giúp nhau, mà như thể một cách nuôi dưỡng sinh mệnh bầy đàn, khi ấy  con người nhận ra cuộc sống này là đáng yêu biết bao, rồi cha tôi, người cày ruộng duy nhất trong làng am hiểu thi ca, đã làm ra câu hò cho mẹ tôi hát, rồi cha tôi với mẹ tôi đã trở thành cha mẹ tôi [nếu địa chí của làng muốn viết về chuyện đó thì phải dành ra một cuốn]  những vết bỏng trên da thịt mẹ tôi cứ từng ngày thêm lên, mà mẹ thì có vẻ không hề hay biết, cái bi khúc đó là nỗi đau chí tử trong lịch sử của làng, tự hồi còn là con gái, buổi sáng, tự lúc nghe chim chèo bẻo báo thức, mẹ đã thức dậy ra đồng làng còn gì, buổi sáng đi làm từ lúc mặt trời chưa mọc, buổi chiều trở về nhà lúc mặt trời đã lặn, tính ra, ngày ngày  mẹ  ở ngoài đồng ruộng thì nhiều hơn là ở trong nhà, cả đời mẹ là luôn ở bên dưới đường đi của mặt trời, nhưng mùa đông mẹ tôi lại mang áo tơi chằm lá núi lặn lội ở trong mưa, lúa trì của đồng làng tôi là lúa gieo, xuống giống vào tháng tư tháng năm âm lịch, hạt giống nào chống chọi được sức nóng của mặt trời thì mọc lên thành cây ‘‘lúa gieo trì’’, chờ cho mưa đông đổ xuống, cây lúa gieo trì mới nghĩ đến chuyện làm đòng [chửa] để trỗ bông [làm hạt], tới mùa đông thì nhìn thấy rõ những chỗ dày chỗ thưa trên các khoảnh ruộng lúa gieo trì, hệ quả của việc hạt chuyển thành cây trong nắng hạn, đến mùa đông mẹ lại phải lặn lội trong mưa gió để nhổ những cây lúa ở chỗ mọc dày đem cắm ở những chỗ mọc thưa, ‘‘dặm gieo’’, người làng tôi gọi việc làm cực nhọc ấy là dặm gieo, mưa đông đổ xuống thì tự dưng rau riều riều mọc đầy các bờ ruộng, và lũ cua đồng sinh sôi nẩy nở trên những ruộng lúa trì xăm xắp nước, đến mùa đông mẹ lại cho tôi ăn rau riều riều luộc chấm với mắm cua đồng, rau riều riều hơi thơm mùi đất, và mắm cua đồng có vị ngọt theo kiểu trần gian khổ ải, có nghĩa, khi ăn mắm cua đồng thì nghe ở trong miệng có vị ngon pha chút đăng đắng,  kỳ này mắm cua đồng mẹ thằng Cam Sành làm ngon thiệt, dường cha tôi chờ cho đến mùa đông thì nói ra lời ấy, cái cách nói có vẻ như ông muốn cho nó có vẻ  dân dã  chẳng theo thứ phép tắc văn chương nào, mùa đông, mẹ đi dặm gieo về tay mang cua đồng, tay xách rau riều riều, làm mắm cua đồng lại là một qui trình bí ẩn, mắm cua đồng còn gọi là mắm cua chua, chính là cái qui trình bí ẩn ấy đã tạo nên  thứ thức ăn mang vị cay đắng của trần gian, và chẳng ai hiểu rau riều theo con đường nào để đến với đồng làng tôi, theo những ngọn gió bất thường của mùa đông, hay, những đám mây trời đã cưu mang sẵn hạt giống của loài rau ấy,  rau riều riều với mắm cua đồng của làng tôi là thuộc về huyền thoại  những thức ăn của nhân loại, và mẹ tôi là một cuộc nắng mưa vất vả: con ve chưa kịp gọi hè, con cuốc chưa kịp gọi đông… nhưng làng vẫn cứ như thứ sinh mệnh bầy đàn cưu mang những con người bé nhỏ, mẹ tôi cứ vậy mà nuôi tôi cho đến khi tôi viết được địa chí của làng, có một thứ nhất thiết tôi phải chép vào địa chí của làng tôi là cái cách mẹ sắm áo mới cho tôi, bà bắt đầu bằng việc cùng cha tôi trồng cây bông vải, tháng tư trái bông vải  nở trắng trong vườn nhà tôi,  cứ ngóng đến ngày thu hoạch, rồi cả  ngày đêm mẹ  ngồi bắn bông, kéo sợi,   nguyên liệu bông đã thành sợi, những cuộn chỉ cứ như những khích lệ của cuộc cần lao, rồi cả ngày đêm mẹ  lại ngồi lên khung dệt, một thứ công nghệ chế biến bằng tay để biến những sợi chỉ bông vài ra thành vải tấm, chuyện bông thành vải trong  buổi ấy là cả câu chuyện cổ tích, bỗng nàng tiên là mẹ tôi biến những trái bông vải thành ra vải mặc,  rồi chính mẹ đã tự tay cắt vải, may áo mới cho tôi, chưa mặc được đâu, mẹ còn phải nhúng cái áo mới bằng bông vải ấy xuống bùn non trên đồng làng cho thành ra chiếc áo màu đất, như thể không phải  mẹ may áo  cho con trai của mẹ, mà là may áo cho một đơn vị nhân loại vậy,

 

 

9/  ở bên dưới bầu trời tháng chạp có những đám mây còn ám ảnh nỗi lạnh mùa đông là gòm có lũ chim én  từng đôi lượn qua lượn lại hoài nhưng xem ra là chúng chẳng có mục đích nào cả, và với lũ chim rao có cái tên thường đem vào  những cuộc tình phù phiếm lũ chim có tổ tiên tự hằng triệu triệu năm trước một lũ háo thắng lúc nào như cũng muốn vút tận trời xanh, và với lũ chuồn chuồn lười nhác [hay nhúc nhác nhỉ] bao giờ cũng muốn hạ xuống bay ở những tầng mực thấp nhất bầu trời, và, cuối cùng là mặt đất tôi với đồng loại tôi cư trú đến  tám mươi tám đời nay [tức lâu lắm rồi] song vẫn chưa hiểu hết, và cái thế giới tôi với đồng loại tôi gầy dựng ở trên đó cũng là thứ hiện thực nói hoài không hết, tháng chạp, những người làm công việc cai trị đang dọn dẹp các thứ rác rưởi thải ra từ các công cuộc trị nước, coi bộ công việc dọn rác thải cũng khó khăn không kém việc trị nước, có những thể chế coi ra hết hạn sử dụng từ lâu, các tiêu mục định mục của nó ngập ngụa lũ ruồi muỗi bọ gián, có những văn bản trị nước [tức những chỉ dụ, sắc dụ, nghị dụ…] đã thành băng giá, hoặc đã  rã ra thành những phiến những mảnh lả tả niềm thương đau [ đã nằm xuống những cơ đồ vạm vỡ/ mưu dựng lập trăm năm nghìn năm tê liệt/con chuồn  bay giữa âm cảnh…] mà  rác rưởi đâu phải  sinh ra bỡi đám người bị trị, mà là bỡi đám người cai trị, tỉ như buổi sáng các nhà cai trị ban bố luật cấm chuyện phụ nữ bán phấn buôn hương, nhưng liền tối  đó bọn họ đã rủ nhau đi tửu điếm, ôi, chính trường như giá rét như nóng bức như vội vã như đủng đỉnh như chỗ chứa những điều đáng lẽ phải bỏ đi, thời  đám người cai trị phạm trọng tội nhiều như lá mùa thu, cứ gọi những thứ thải ra trong công cuộc cai trị là rác chính trường, tháng chạp, xe chở rác chính trường  ngang qua những hoài vọng cháy bỏng của nhân loại, dường người ta đang cố điều chỉnh lại nhịp điệu sống cho phù hợp với những bi kịch đương đại, ở thành phố nơi bạn bè  tôi trú ngụ, có huấn dụ, rồi huấn thị, rồi chỉ thị, của ngài thị trưởng, rồi những bài giảng về ăn ngủ đi đứng của ngài toàn quyền,  những đại tự sự kiểu dạy bảo như vậy thì nhiều vô kể, chỉ thiếu những cuộc tình thành thật và thủy chung, tôi  nghĩ ngợi, cứ thấy khó khăn trong lòng, và đi đọc thơ Thomas Stern Eliot … “Rồi hãy để cho chúng tôi đi, bạn và tôi/Khi bóng tối trải rộng ra trên bầu trời một cách không ổn/Như thể con bệnh bị gây mê trên bàn mổ/Hãy để cho chúng tôi đi, qua những đường phố ít nhiều hơi hẻo lánh/Như cuộc rút lui toàn trong bóng tối/Những đêm không yên trong những khách sạn giá rẻ về đêm/Và những nhà hàng với những cái vỏ hàu:/Những đường phố tiếp theo như cuộc tranh luận tẻ nhạt/Về thứ mục đích dối trá/Để dẫn dắt bạn đến một câu hỏi áp đảo/Ồ, đừng hỏi ‘‘Nó là gì’’/Hãy để cho chúng tôi đi và làm cuộc thăm viếng của chúng tôi /Trong gian phòng những người phụ nữ ra vào/Nói về Michenlangelo/Sương giá màu vàng cọ chiếc lưng của nó lên những ô cửa sổ/Ngọn khói màu vàng cọ cái mỏm của nó lên những ô cửa sổ/Chúng thò lưỡi  vào những ngõ ngách của đêm/Ngâm mình trong các vũng ao cống rãnh/Hãy để đổ lên lưng chúng bồ hóng rơi tử những ống khói/Bị trượt ngã qua sân thượng tạo nên cú nhảy đột ngột /Và nhận ra  rằng đó là một buổi tối Tháng Mười êm dịu/Một lần nữa cuộn mình quanh ngôi nhà , và thiếp đi/Và quả nhiên sẽ có lúc /Cho ngọn khói vàng lướt dọc theo đường phố/Cọ lưng vào những chiếc ô cửa sổ/Sẽ có lúc, sẽ có lúc /Để sửa soạn cho một gương mặt gặp những gương mặt  mà bạn [muốn] gặp/Sẽ có lúc để bỏ đi  và tạo ra/Và thời giờ cho hết thảy mọi công việc và những ngày ở trong tay/Nâng lên và thả xuống một câu hỏi trên chiếc đĩa của bạn/Thời gian cho bạn và thời gian cho tôi/Và thời gian cho hằng trăm hành động/Và thời gian cho hằng trăm hư ảnh và sự xem xét lại/Trước khi ăn bánh mì nướng và uống trà/Trong gian phòng những người phụ nữ ra vào/Nói về ichelangelo/Và quả nhiên sẽ có lúc/Tự hỏi: ’’Tôi có dám không’’ và, ’’Tôi có dám không’’/Đã đến lúc quay lại và đi xuống cầu thang/Với một vùng hói ở giữa mái tóc của tôi/(Bọn họ sẽ bảo: ‘‘Làm thế nào mà tóc của anh mọc thưa thế’’)/Áo khóac buổi sáng của tôi, cổ áo kéo chặt tới cằm/Cà vạt của tôi [trông] sang trọng và mô đẹt, nhưng chỉ được bảo vệ bằng một  hiếc kim đơn giản/ __(Bọn họ sẽ bảo: ‘‘Nhưng làm sao tay chân anh [lại] gầy thế’’)/Đố tôi dám/Làm náo động thế giới/Trong phút chốc ở đó là thời gian/Cho những quyết định và cho những sửa đổi phút giây sẽ làm đảo lộn [tất cả] /Let us go then, you and I/When the evening is spread out against the sky/Like a patient etherized upon a table/Let us go, through certain half-deserted streets/The muttering retreats/Of restless nights in one-night cheap hotels/And sawdust restaurants with oyster-shells: /Streets that follow like a tedious argument/Of insidious intent/To lead you to an overwhelming question …/Oh, do not ask, “What is it?”/Let us go and make our visit/In the room the women come and go/Talking of Michelangelo/The yellow fog that rubs its back upon the window-panes/The yellow smoke that rubs its muzzle on the window-panes/  Licked its tongue into the corners of the evening/Lingered upon the pools that stand in drains/Let fall upon its back the soot that falls from chimneys/Slipped by the terrace, made a sudden leap/And seeing that it was a soft October night/Curled once about the house, and fell sleep/And indeed there will be time/For the yellow smoke that slides along the street/Rubbing its back upon the window-panes/There will be time, there will be time/To prepare a face to meet the faces that you meet/There will be time to murder and create/And time for all the works and days of hands/That lift and drop a question on your plate/Time for you and time for me/And time yet for a hundred indecisions/And for a hundred visions and revisions/Before the taking of a toast and tea/In the room the women come and go/Talking of Michelangelo/And indeed there will be time/  To wonder, “Do I dare?” and, “Do I dare?” /Time to turn back and descend the stair/With a bald spot in the middle of my hair —(They will say: “How his hair is growing thin!”)/My morning coat, my collar mounting firmly to the chin/My necktie rich and modest, but asserted by a simple pin —(They will say: “But how his arms and legs are thin!”)/Do I dare/Disturb the universe?/In a minute there is time/For decisions and revisions which a minute will reverse “[THE LOVE SONG OF J.ALFRED PRUFROCK/BẢN TÌNH CA CỦA  J.ALFRED PRUFROCK/trích] người đi, con mắt chim vướn khoảnh trời rối rắm,

 

10/ gã mặt đen cúi mình dưới lau sậy và trườn đi như một con rắn, tháng giêng, lau sậy  lan ra phố, gã nằm dài trong lau sậy nghe con đường chạy dưới lưng như thể một cuộc hành quân gian khổ, cả đời gã là một cuộc hành quân mưu  tiến chiếm bầu trời độc chiếm, gã cứ thấy nhớ nhung những năm tháng  phải cúi xuống bên dưới lằn mức phân định của  con người để ngợi ca lũ rắn, gã nằm dài trong lau sậy nhìn cái thế kỷ vinh quang của gã cứ giống như lá cờ đuổi chim trên cánh đồng làng quê hương gã, không phải, chỉ là tấm huy chương viết bằng  ngôn ngữ hơi lạ [ngươi là hóa thân của xú uế, ngươi là quỉ ma đội lốt con người] gã nằm im trong lau sậy đọc những dòng chữ lạ, gã nghe ra cứ giống những lời tâm huyết, phải rồi, người ta bảo là ta phải đi hết con đường chạy dài dưới lưng, gã thầm nhủ gã, tháng giêng, lau sậy  lan ra phố, gã nằm im trong lau sậy như một con rắn chờ niềm vinh quang như thể đang/cứ tỏa rộng ra  trước gã [gã nói gã nằm mơ thấy mình mặc áo gấm đi giữa ba quân với  cờ xí rợp trời nhưng tỉnh ra mới biết là gã trở về quê hương khoe công trạng uống rượu say ngã trên bờ mẫu đầy cỏ dại]  lịch sử như cuộc mưu toan trường cửu của lũ rắn, tháng giêng lau sậy lan ra phố và nghe những lời tối nghĩa của chim,

 

11/ nhưng làng không thể vắng tiếng chim, làng không có tiếng chim giống như ngôi làng chết, bỡi tiếng chim là nổ lực của một loài có cánh làm cho tiếng nói loài giống chúng gần với cái chaos hơn, cái hỗn mang, hay là cái không là gì cả, nhưng không phải muốn là nói được cái không  là  gì cả ấy,  tự buổi mặt trời bắt đầu cuộc chuyển dịch tuyệt mật ấy thì lũ chim cũng bắt đầu tập nói tiếng nói của chaos, buổi ấu thơ tôi yêu con chim chèo bẻo, sáng ra, ở bên dưới bầu trời tinh tươm, tôi ngồi tựa cửa nhà sau, còn con bèo bẻo thì nhảy nhót trên bờ giếng, con chèo bèo vừa nhảy nhót vừa nhìn tôi, chúng tôi, tôi với con chèo bẻo, chưa biết gì về cái chaos lung linh ấy, nó huyền mặc đến nỗi nhà triết học Martin Heidegger [1889-1976], người có thứ ngôn ngữ khó khăn nhất nước Đức. đại khái đã phải thốt lên: tiếng nói là hồn cốt của các sinh linh, nó huyền mặc đến nỗi nhà viết hư cấu Nguyễn Dữ thời trung cổ của đất nước tôi phải lập Gác Kim Hoa để cho con người học cách nói thứ tiếng nói của chaos [bấy giờ gọi là những buổi đọc thơ/Truyền Kỳ Mạn Lục/Chương 19/ Kim Hoa thi thoại ký] thơ, nói cho rõ ra, nó là cách tập nói về cái chaos sắc nước hương trời, tôi lớn lên giữa tiếng chim ngày ngày ứng lên ở các khu vườn trong làng,  luôn cảm thấy có cái gì đấy có vẻ tuyệt mật, có vẻ như sắp nhìn thấy, nhưng hết thảy lại mất hút vào cõi nghi ngờ lãng đãng, như thể có cái gì đấy đang gõ lên vạn hữu, một thứ mật lệnh chăng, mùa thu lá rụng, và những chiếc lá tre khô trên các bờ tre trong làng tôi rơi suốt trong gió mùa hè, buổi sáng thức ra, lũ chim trong vườn nhà tôi cứ tưởng đã nhìn thấy được điều gì đấy, ứng lên, hót, cho đến lúc mặt trời lên, chúng vẫn cứ làm như đã hiểu, nhưng thật ra chưa hiểu gì cả, vẫn tiếp tục hót, tiếng chim là lời tra vấn, luôn là lời tra vấn về cái tuyệt mật của hoàn vũ, rồi tôi cũng cứ giả vờ như chim, cứ làm như thể đã nhìn thấy được điều gì  đó, tôi gõ lên nỗi buồn, nói, cứ để đấy cho một ngày nắng lên, bụi đường xa lấp loáng trong nỗi hoài nhớ, và hết thảy như đã im bặt, lúc ký ức bầy đàn đã rõ hơn trong tâm trí, tôi sẽ có cuộc chuyện trò với cuộc sắc nước hương trời.

 

12/ và cho đến lúc vào học ở trường làng biết con bò là loài nhai lại, và thậm chí cho đến lúc vào đại học biết con người là con vật lúc nào cũng lãng đãng chuyện tư duy, thì cái sắc nước hương trời, cái chaos hỗn mang ấy vẫn là niềm bí ẩn vô cùng, như thể là nó đã đem chia phần cho tất cả, như thể là ngày nào nó cũng trà trộn vào  những ý nghĩ của tôi, thoắt một âm ba, đêm nghe con dế kêu ở ngoài vườn, cái sắc nước hương trời ấy đã trà trộn vào nghĩ ngợi của tuổi thơ tôi, nghe con dế kêu ngoài vườn, tôi chỉ khều tay mẹ, bỡi không thể diễn đạt được ý tưởng rằng dế là loài giống luôn thở than về thân phận thấp bé của mình, tuổi thơ tôi như thể bị đánh thức bỡi một cái gì đó tiềm ẩn ngay trong cuộc sống tôi đang sống, cái đó rộng lớn như bầu trời trên đầu tôi, nhưng mẹ tôi đã làm cho đơn giản đi, để cho vừa với tuổi thơ tôi, lũ dế hát cho con ngủ đấy, mẹ tôi đặt bàn tay dịu dàng của bà lên đầu tôi, vỗ vỗ, và nói vậy, tất nhiên là tôi im, không hỏi nữa, nhưng không phải như vậy là xong, tôi vẫn nằm im trong vòng tay mẹ, mở mắt nhìn bóng đêm, tiếp tục nghe dế kêu, và cứ thấy thắc mắc theo cách khác, nếu đó không phải là dế hát như mẹ nói thì sao, không phải chỉ là tiếng dế kêu, bấy giờ tôi cứ thấy như thể là có một cái gì đó có thể là rất to lớn, rất đàng hoàng, và rất lạ, đang tiềm ẩn giữa thứ dáng vẻ đơn sơ của làng, khiến cho lũ dế phải kêu lên, giống như  khi nhìn thấy cầu vồng hay nhìn thấy mây đuổi nhau  trên bầu trời ở trên đầu, bọn trẻ bọn tôi đã  kêu lên vậy [người đi giữa buổi hoạn nạn của nắng gió / nửa khúc hát rong…]  nhưng không phải chỉ lúc nằm trong vòng tay mẹ, mà cả khi đã ngồi ở ghế đại học đã biết được nhiều thứ kinh sách của nhân loại, khi nghĩ về làng quê tôi có tiếng dế lung lạc tuổi thơ tôi, tôi lại tự hỏi mình tất cả những chuyện đó là sao, ngôi làng, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, thực chất nó là gì, và tiếng dế của tuổi thơ tôi thực chất nó có phải là tiếng dế hay không, hay là tôi đang dây vào, chạm vào hồn cốt của những sự vật trong trời đất, tôi nghĩ ngợi quá chừng, và cứ thấy nhớ nhung một cái gì đó.

 

13/ bầu trời ấy là không chứa nổi cuộc tình của tôi đâu, cuộc tình bắt đầu từ khi tôi còn là đứa bé mùa mưa ra tắm mưa ngay trên sân nhà tôi, và biết, cứ đến mùa mưa là ông trời lại biến sân nhà tôi thành cái biển nước, cuộc tình kéo dài cho tới lúc tôi đã biết lùa cặp bò cày ra ruộng cho cha tôi cày, cha tôi lặng lẽ theo lũ bò trên ruộng, còn tôi thì đi rình lũ chim chiền chiện, cái lũ chim không lót ổ trên cây mà lót ổ trên đất đồng làng, tôi nằm ấp người sát vào bờ ruộng cho lũ chim chiền chiện không nhìn thấy, cứ nghĩ đến lũ chim sẽ sinh con đẻ cháu trên đất đồng làng tôi, rồi nghĩ đến những luống cày, làm sao cha tôi lại biết lũ chim lót ổ trên luống cày nên đã bày ra việc cày đất lên thành hàng thành luống, thực lòng, bấy giờ tôi cứ nghĩ là cha tôi cày đất ruộng lên thành từng luống cho lũ chiền chiện lót ổ, đẻ con, rồi lại sợ cha tôi không còn cho tôi ra đồng làng nữa, bỡi nghe đâu ông sắp sửa bắt tôi đi học ở trường làng, có nghĩa, tôi không còn có thể ra nấp nơi bờ ruộng để nhìn cánh đồng làng có lắm thứ đã làm cho tôi mê đến như vậy, cuộc tình ấy kéo dài mãi cho đến lúc tôi có thể đọc được các thứ kinh sách của nhân loại, thỉnh thoảng tra vấn ấy lại hiện lên trong tâm trí, vậy thì làng là gì đối với một người đã sinh ra và lớn lên ở đó, rồi tôi lại ra đứng ở đầu con đường vào làng để nhìn thử nơi chôn nhau cắt rốn của mình một lần nữa, rồi lần nào cũng vậy, cũng thấy như có cái gì đó, tôi cứ có cảm tưởng là rất buồn, buồn như một đêm mùa thu có nhiều lá úa, nhưng cái buồn là lớn lắm, lớn như thể một phạm trù hệ trọng nào đó về tồn tại, chỉ cảm tưởng vậy, chứ không diễn đạt được, đấy là thứ đang tiềm ẩn đằng sau hết thảy những thứ trong làng có thể nghe thấy được [ đằng sau tiếng con gà gáy xế, đằng sau cơn mưa mùa hạ bất chợt khiến cho lũ chim cảm thấy bối rối trên các bờ tre làng, đằng sau những ngôi nhà và những con người quen thuộc, đằng sau cái cách những người đi chân đất nổi giận khi biết có ai đó mưu toan bán mắc  bán rẻ đất đồng làng cho ai đó…] đêm, tôi lại nằm lắng nghe thử tiếng động có vẻ tinh tế nhất nơi mặt đất, tiếng của lũ côn trùng cứ đêm đến là ứng lên nơi bờ rào nhà tôi, chắc là tổ tiên tôi có người cũng thử làm như tôi, thử lắng nghe tiếng nói của một loài giống coi như là nhỏ nhất trong các giống loài, rồi lần nào cũng vậy, nghe, và cứ thấy tiếng của lũ côn trùng ngoài bờ rào nhà tôi như thể là tín hiệu của làng [phải rồi/ đấy là tín hiệu của làng/như thể là có ai đó, đứng ở đâu đó, giữa muôn trùng gian nan, giơ cao lên một ngọn cờ bảy sắc/ và nói/ đây mãi mãi là một chốn đất quê/ phải rồi/ có con chim khách nói mãi tiếng nói của đất quê]  thứ tín hiệu luôn lắng lại trong cuộc tình thẳm sâu của tôi.

 

14/ nhưng thế giới đâu phải thuận lợi cho lắm cho ngọn cờ bảy sắc cắm ở trên nóc làng tôi, em, bảy sắc cầu vồng không thể cứ khoe mãi dung nhan kiều diễm bảy sắc mặt trời, thời của thế giới phẳng, có thể nghe thấy những ngọn gió lạ thổi về từ phía bên kia biển [như thể ai về dưới giã hồi hôm/gánh phân đổ ruộng gió nồm bay lên/ đồng dao làng tôi] thời đây, cái xảy ra là những đoạn khúc tiêu tương của những giấc mơ vô tận [dường không còn nghe thấy con cá quẫy trên nguồn…] thời đây, người gánh non sông đi giữa những khúc sử oanh liệt cứ ít dần đi, thế giới buồn hiu, tháng chạp, như nơi nào người ta cũng lo kết toán cuối năm, ở đầu kia mặt đất, nơi nhiệt độ xuống thấp bảy độ âm, người ta thấy thừa thãi quá nhiều những lời lẽ về những thứ isme, những thứ sự thể  luôn mang khúc đuôi isme, chủ nghĩa [hay chủ thuyết thì cũng vậy thôi] chủ nghĩa khủng bố, hay chủ nghĩa dân túy, hay chủ nghĩa quân phiệt mới, hay chủ nghĩa thế giới trá hình, những cái trước là có thật, nhưng cái sau có thể chỉ là nghĩ ngợi chủ quan có thể là sai lạc của tôi, bỡi cứ thấy người ta viết/nói huyên thuyên về thế giới, thế giới với lịch sử, thế giới với văn chương triết học, vân vân, cốt chỉ để khoe khoang kiến thức uyên bác của mình, để lộ bộ dạng  háo danh, thứ háo danh cứ muốn đứng ở đằng trước, tức cứ muốn đứng đầu bầy đàn,  tháng chạp, những đại tự sự đương đại gòm những nghị sự trong những hội họp quốc tế, hay những nghị dụ trong các công cuộc trị nước, hay những nghị luận của các nhà luận thuyết… là nhiều vô kể, cũng thừa thãi như những sản phẩm quần áo, giày mũ, kem dưỡng da… những sản phẩm công nghệ thời 4.0, đêm, tôi lại nghe thấy tiếng cú kêu ở trong làng, lần này không phải là trù ẻo chết chóc, mà là thảm thiết, nghe cứ thảm thiết như thể là lũ chim thính tai ấy cũng biết chuyện thế giới đang buồn [ đang chết chóc vì dịch bệnh, vì đói khổ, vì thù hận…] và tôi thì cứ thấy nhớ nhung một cái gì đó.  

 

15/  và đêm cuối năm như thể hết thảy những năm tháng bất trắc [có khi là cổ quái] dồn hết trong tôi, khối tồn sinh gập ghềnh bờ bãi ấy lại làm dấy lên trong nhận thức tôi thứ hình thù thời gian cũ kỹ, có thể là đang lập lại những tiết điệu rã rời, buồn tẻ, hay lập lại những đoạn khúc chết người, các sự vật vốn đã chơi trò hư ảo làm náo loạn quá khứ, một gã lái buôn mua rẻ bán mắc bỗng trở thành nguyên thủ quốc gia, nhưng chỉ mấy hôm sau lại là chủ một tửu điếm lớn nhất kinh thành, rồi lại vào tù, một cô gái làng chơi cũng có thể thu bạc vạn như chủ tửu điếm của cô ta, một ca kỷ hát sô cũng có thể nói những lời lớn lao của kẻ thắng cuộc, và giờ đây, chim hồng chim hộc bay đến rã cánh cũng không thể nhìn thấy khung trời chúng mong mỏi, cái im ắng bất thường của làng đêm trừ tịch làm tôi không ngủ được, thật ra, bấy giờ, chu kỳ thời gian [năm cũ hết, năm mới đến] đối với tôi chẳng là cái quái gì cả, một kẻ luôn bị năm tháng dày xéo thì làm sao còn nhìn thấy vẻ dịu kỳ của nó, nhưng đêm trừ tịch ấy thì rất khó quên, buổi chiều cuối năm ông khách bỗng tạt vào cuộc đời tôi, ta vẫn cứ thấy thấp thoáng một dáng hình to lớn, và lại đi, ông khách xuống ngựa ở nơi sân nhà tôi, nói, phủi những hạt bụi trên tóc, và nhìn tôi với vẻ thành thực, khiến tôi cứ có cảm tưởng chúng tôi là bạn bè từ thuở nào, một dáng hình như thể tín hiệu của cuộc vĩnh cửu, tôi nói, những lời như  là kiến thức bẩm sinh, nhưng thật ra đó chỉ là hệ quả tất yếu của những tháng năm gió bụi ngập trời, tôi, kẻ, lúc nào cũng nghĩ ngợi về thế giới, những phạm trù kỳ khu, oái ả, từng lớp từng lớp lưu vào vô thức của tôi, chỉ mỗi cánh chuồn va vào hoàng hôn cũng đủ làm bật thốt lên những nghĩ ngợi trong tôi, vào khoảng gần nửa đêm, ông khách choàng dậy, đã nhìn thấy rồi, bạn ạ, ông khách nói, như thể là tín hiệu của cuộc vĩnh cửu, tôi cũng choàng dậy, lập lại lời nói lúc chiều, chúng tôi cùng bước ra sân, đêm trừ tịch như thể bài học cuối cấp cho những kẻ đồng điệu đang muốn học nói về thế giới, ngay từ lúc chiều, nhìn cái cách ông khách bước xuống ngựa và cái cách phủi những hạt bụi dính trên tóc, tôi đã nhận ra đó là đồng điệu của tôi, những kẻ đang mang trong lòng nỗi hoài nhớ to lớn, bấy giờ, có vẻ như mọi thứ là thuộc về cõi tiên nghiệm, cho đến lúc ấy  như thể hoàn vũ đang chuyển vào cõi tối tăm nhất [giao thừa], đêm trừ tịch kín bưng những ý niệm phổ quát về thân phận, số phận, hay về thứ bộ dạng bi hài kịch của con người,  chỉ nghe thấy, hay nhìn thấy, những biểu hiện vụn nát, nghe tiếng pháo giao thừa, lũ chim ấp muỗi thức giấc trở cánh ngoài bờ rào, hay tiếng lũ chim cú cầm canh trên những ngọn cổ thụ trong các khu vườn trong làng, cũng chỉ là những biểu hiện hời hợt thôi, lũ chim ấp muỗi chỉ lưu ý nhân gian về chuyện không gian, và lũ cú thì lưu ý về chuyện thời gian, giờ thì ta đi đây, bạn ạ, ông khách nói, và lên ngựa, rồi chúng ta gặp lại nhau ở chốn đó thôi, tôi nói, phải, chúng ta sẽ gặp nhau ở chốn đó, ông khách nói, rồi quất ngựa ra đi, tôi cứ đứng lặng người chờ cho đến khi tiếng nhạc ngựa mất hút vào đêm trừ tịch, đã hết nghe thấy tiếng pháo giao thừa, thời gian đã chuyển sang một đoạn khúc khác, tôi cứ nghĩ mãi về ông khách,  nghĩ mãi về chốn đó,

 

16/ cứ vậy mà nghĩ mãi về những người đã làm ra nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nơi chui ra chui vào trong những tháng năm qua của tôi, tổ tiên tôi, những ẩn số huyền nhiệm, những nhiều những năm tháng ngọn khói khó nỗi cất lên giữa những chiều hôm [đấy là những tháng năm buồn bã gần như nát hết thi ca…] cứ vậy, như thể cứ nghe mãi trong ký ức tiếng muỗi rừng bần rừng đước, chẳng phải là đang trong cuộc trôi vô định trong biển mặn hay sao, như thể cứ nghe mãi trong ký ức tiếng con nước vỡ bờ, như thể chỉ mãi mãi là giang sơn con rô con diếc [em đừng hòng gặp tôi một sớm mùa xuân giữa phố/bỡi/nếu mãi mãi là giang sơn con rô con diếc/thì tôi và em chỉ là không đầy nửa ngọn khói lam chiều…] nhưng tổ tiên tôi là những ẩn số huyền nhiệm, cứ ẩn hiện giữa muôn trùng lên cao xuống thấp [nhưng con đường đi lên cũng là con đường đi xuống, như Heraclitus nói, em à…] một hôm tổ tiên tôi dừng chân bên con nước đang quẫy cạn, nói, đây là chỗ ở của ta, cuộc cư trú của nhân loại là những lần dừng lại như vậy, những lời như vậy là bảng tuyên ngôn sớm nhất của loài người, cứ vang lên như thể thứ nhịp điệu bất khuất, mà mãi về sau bọn cường khấu đứng ra khỏi cuộc tiến hóa, đi lấn đất, chiếm đất, làm hoen ố ngữ nghĩa thiêng liêng của văn bản ban đầu như thể khải thị của tồn tại, bấy giờ, dù gọi là làng, hay phố [ancient city, một thứ thành phố cổ đại] thì cũng là nơi để cho con người làm ra những gì có thể: thực phẩm, áo quần, chữ nghĩa, và những bài thánh ca về cái gầm trời con người đã bước đi ở bên dưới nó, cứ vậy, tôi cứ nghĩ mãi nghĩ mãi về tổ tiên tôi, làng, và thế giới, và những ngọn lửa chưa tàn, 

 

17/ rồi con rô đi về phía tiếng hát ru, con diếc đi về phía cổ tích, thi ca bắt đầu ca ngợi bầu trời, ca ngợi mặt đất, ca ngợi những cuộc trôi,  con người đứng giữa hoàn vũ với bao nhiêu nỗi niềm, cây cần giuốc chỗ đầu con đường vào làng tôi bắt đầu một cuộc chờ đợi có tính thiên niên  kỷ, có nghĩa, bỏ đi gốc gác của nó [nghe nói, những người mở đất, tự buổi ấy, đã mang nó  từ trên núi Nung xuống] cây cần giuốc chỗ đầu làng tôi cứ như thể cái bến nước, luôn có kẻ ngồi chờ, cứ ngồi dưới tán lá cây cần giuốc [như cái lọng che vĩ đại] là người ta nói ngồi chờ, ngồi chờ cho hết mệt là những người đi làm ở đồng làng trưa về ngã chiếc nón chằm lá núi quạt mồ hôi, thật ra, chỉ là ngồi nán lại với chút ảo ảnh, bỡi cuộc cần lao này là bất tận, ngồi chờ người thân đi đâu xa đương trở về làng, tất nhiên là cái cây cần giuốc chỗ đầu làng tôi là luôn chờ đợi những cuộc hò hẹn, những cuộc tình diễn ra ở bên dưới tán lá của nó, nhưng ngồi ở dưới bóng mát của nó để chờ cho qua đi một thời đại đen tối, chuyện đó, thì là thuộc về thứ triết học lịch sử, có nghĩa, mỗi một khi người làng tôi gặp một thời kỳ lịch sử đen tối, thì chẳng thể ra ngồi ở dưới gốc cây cần giuốc để chờ, mà chỉ lặng lẽ cúi xuống  cuộc đời mình  nghĩ ngợi,  trong thi ca của ông Tú Kết ở làng tôi cũng có nói về cây cần giuộc chỗ đầu làng tôi…’’bất quá nó cũng chỉ là một cái cây trên núi Nung về đứng ở đồng bằng lâu ngày, tiêm nhiễm tiếng con gà gáy sáng, tiêm nhiễm tiếng cười tiếng khóc của trẻ thơ trong làng, tiêm nhiễm những cung cách đi đứng nghĩ nợi của người làng, là rất dễ đau khổ, rất dễ tức giận, rồi mùa thu lá rụng, cây cần giuốc cũng làm ra vẻ ủ rũ, mùa đông mưa bão nó cũng làm ra vẻ lo lắng, thực ra cái cây cần giuốc chỗ đầu con đường vào làng cũng chỉ là một thứ cây núi, nhưng khi đã đứng về phía cách nhìn thế giới của con người, thì nó là đồng điệu của con người’’… tôi hỏi ông Tú Kết có phải ông muốn nói đến cuộc hòa âm của hoàn vũ hay không, cuộc hòa âm khởi lên tự lúc hạt bụi còn hát được khúc kinh cầu, thì ông Tú Kết cười, bảo, đấy cũng là nỗi hoài nhớ của nhân loại.

 

18/ rồi ông Năm Mươi cứ đi đi về về trong trí nhớ người làng, Năm Mươi là năm mươi lần bước vào lâu đài Con Dế Hát, hay là năm mươi lần tỉnh giấc miên trường, hay là năm mươi lần bạt núi cho đất làng rộng hơn, người làng chúng tôi có rất nhiều cách cắt nghĩa về tổ tiên chúng tôi, cắt nghĩa về truyền thuyết ông Năm Mươi, cứ vậy, có khi là ngồi lại với nhau ôn lại truyền thuyết về tổ tiên mình như thể báu vật của làng, nhưng cái cách như thể là niềm khao khát khôn nguôi là lúc nào cũng nghĩ tổ tiên mình có một người là ông Năm Mươi, chính là niềm tự hào là hậu duệ của một nhân vật lừng lẫy như vậy cũng phần nào làm bớt đi nỗi thống khổ trong cuộc áo cơm ở một miền đất không được thiên nhiên ưu đãi cho lắm [trong các trích lục ruộng đất của làng lập tự buổi mới khai thiên lập địa đều ghi là xứ Rừng Kiến, có nghĩa, đất làng là đất rừng] tháng sáu, nắng như đổ lửa trên đồng làng, con cháu ông Năm Mươi đêm ngồi trong nhà cố mường tượng tổ tiên trong truyền thuyết, tháng sáu, thấy có người của tổ tiên mình  ngồi hát dưới mây ngũ sắc, nhưng không thấy bay ra con chim Khổng Tước, mà chỉ thấy lúa đồng làng mất trắng, vào những lúc như vậy, truyền thuyết không còn là niềm khích lệ trong cuộc cơm áo, mẹ tôi, hồi ấy, kể rằng, tháng sáu, mây ngũ sắc rợp trời, ông ấy thì cỡi mây bay là đà trên mặt đất, mẹ tôi không gọi là ông Năm Mươi, mà gọi là ông ấy, như vậy, theo mẹ tôi, ông Năm Mươi không ngồi dưới mây ngũ sắc, mà cỡi mây ngũ sắc, tức cỡi con chim Khổng Tước, nhưng cha tôi hồi ấy thì kể khác, rằng, một hôm gã Mặt Trắng lẻn vào làng ăn cắp đất đai, mi là ai, ông Năm Mươi chận, hỏi,  gã Mặt Trắng bảo hắn là vua của một đất nước giàu có nhất mặt đất [ngày nay gọi là đế quốc] rồi hai người đánh nhau ngót trăm năm, sử gọi là Cuộc Chiến Mặt Trời Mọc, bỡi đêm thì ngủ nghỉ, cứ sáng ra, mặt trời vừa mọc, là lại đánh nhau, nhưng bỗng một hôm ông Năm Mười cứ đứng trừng mắt nhìn gã Mặt Trắng, thì cả gã, cả quân lính của gã, đều cháy thành tro, còn lâu đài Con Dế Hát có người nói là cung điện nghìn  nóc, nghìn  cửa, nghìn cuộc hội ngộ và chia ly, nhưng có người lại nói đó là  bầu trời tháng chạp những vì sao đang đi về, tổ tiên chúng tôi như thể cứ đi đi về về với chúng tôi như vậy, và như thể lần nào cũng nói, rằng, giữa lúc mặt đất này chưa ngập nước, hay chưa cháy thành tro, thì cứ việc ca ngợi cuộc chính nghĩa của chúng ta [vấn đề còn lại là cuộc chính nghĩa của chúng ta là cuộc chính nghĩa nào/ ngẫu nhĩ cứ dài theo ngọn đèn trời đang thắp sáng/ non sông nào là không gấm vóc/người đi/cứ nghe như thể mình là mặt đất dưới chân…] như thể mỗi thế hệ người làng chúng tôi lại thêm vào những phiên bản mới về tổ tiên chúng tôi, những phiên bản mở.

 

19/ và những ngọn lửa như vậy, không phải lửa của Promethe, những ngọn lửa âm ỉ mùi đất rừng và rặt thứ âm điệu gió bấc mưa bay tháng chín, vẫn cứ lặng lẽ cháy trong suốt cuộc cần lao của người làng chúng tôi, tháng chín, mưa bay gió bấc, mùa của lũ chim bịp buồn bã kêu chiều, thằng Cam Sành đâu, vào nhà đi, chớ dầm mưa nữa, mẹ tôi gọi tôi, hồi nhỏ tên tôi là Cam Sành, ở làng Cù tôi, người ta đặt tên con theo đất đai hoa cỏ bất chấp mưa nắng thế nào, tôi là thằng Cam Sành, nhưng có nhiều đứa trong làng tên là Đất, Ruộng, hay Bờ, Buội,  không phải mẹ tôi áp bức gì tôi, thằng Cam Sành đâu, đó chỉ là cách âu yếm mẹ dành cho buổi ấu thơ của  tôi, tôi vẫn còn nhớ đêm tháng chín tối như mực đó, tháng chín, ngày thì mưa bay gió bấc [mưa nhỏ hạt, mà gió thì to, gió thổi mưa bay] đêm tạnh gió mưa,  nhưng trời tối như không còn thấy đường đi, đêm tháng chín, lần đầu tiên, mẹ giảng cho tôi nghe về những ngọn lửa đang cháy trên núi Nung, tôi ngồi với mẹ tôi ở hiên hè thấy có nhiều ngọn lửa đang sáng trên núi Nung [ở làng tôi, cứ ra hiên hè là nhìn thấy núi Nung như trong gan tấc] lửa đốt than đêm của người làng ta đó, từ đời này sang đời khác, đêm  cứ thấy lửa đốt than trên núi Nung vậy đó, hồi ấy với tôi bài giảng như vậy là quá khó, thế nào là đốt than đêm, và thề nào là từ đời này sang đời khác, bấy giờ, tôi hỏi mẹ tôi nhiều lắm, nhưng cái cách hỏi của tôi dường chỉ làm cho mẹ tôi thêm rối rắm, có vẻ cứ để bà tiếp tục giảng giải theo cách bà vừa giảng giải thì tiện hơn…lúa đồng làng ta không đủ nấu, nên người làng ta phải lên núi đốt than củi để đổi thêm gạo nấu, mẹ tôi giảng giải tiếp, mà mãi khi vào học trường làng tôi mới hiểu than củi là sao, là đem củi tươi trên núi đốt cháy thành những hòn than đỏ rồi lấy đất phủ kín cho những hòn than đỏ tắt đi thành những hòn than đen tức là than củi vậy, đêm tháng chín đó tôi ngồi với mẹ tôi ở hiên hè thấy có nhiều ngọn lửa sáng trên núi Nung, rồi sau đó, tất cả chìm vào bóng tối, thì ra, từ đời này sang đời khác, người làng chúng tôi cứ khơi lên những ngọn lửa như vậy rồi lại làm cho tắt đi, phải làm cho tắt đi mới có được thứ muốn có, thứ nhịp điệu tồn sinh buồn như tiếng chim bịp kêu chiều, cứ khơi lên ngọn lửa cho có những hòn than hồng rồi lại phải làm cho tắt đi mới có những hòn than củi, cứ khơi lên ngọn lửa rồi lại dập tắt đi, cái cách phải ngưng lại một quá trình đang tiến triển như thể giữa chừng thì niềm khao khát bị nén lại.

 

20/ nhưng lửa đốt đồng tháng giêng hàm xúc một  ngữ nghĩa khác, ở đó, nhịp điệu không nén lại, mà mở ra, em, cứ hiện ra giữa những hoàng hôn, ngọn khói vươn lên từ ngọn lửa, nghìn năm cuộc hôn phối giữa lửa khói và mây trời không gì là khác hơn là một cuộc tình, giai điệu không phải sắc nước hương trời, nhưng là hồn cốt của một cuộc cần lao vĩ đại, bỗng thoát ra từ cuộc sống đơn điệu, nhưng khói lửa đốt đồng tháng giêng là nội dung văn hiến nhập vào bầu trời đa sắc đa ngôn, nhưng những người đốt đồng tháng giêng, những người áo vải người làng chúng tôi đâu thấy chính là những thứ có vẻ không là gì cả như vậy [thì đâu có gì lớn lao đâu một ngọn khói đốt đồng] đã làm nên  non sông gấm vóc chúng tôi, tôi cứ muốn gọi em, ngọn khói đốt đồng tháng giêng, là nàng tiên áo vải của miền đất đai con dế hát, từ cuộc cần lao vĩ đại em cứ vươn lên bầu trời, tháng giêng, lũ chim tụ tập trên những hàng cây dọc theo những bờ mẫu toan tính lấy bớt thứ gì đó của con người, nhưng trong các ngôi nhà trong làng đã có tiếng hát ru…tháng giêng/gốc rạ đứng trơ trên đồng làng/ cũng sắp đốt đồng rồi/con người đi nói với các vị thần… nghe hát, lũ chim biết có sự ký kết từ lâu giữa con người và đất trời, từ bỏ ý định ăn cắp gì đó của con người, nhưng lũ ve ngu ngốc, mới tháng giêng, đầu mùa xuân, thấy lửa đốt đồng sáng lên, lại tưởng  sang hè, kêu inh ỏi, lũ trẻ chúng tôi có đứa nghe ve kêu, thấy buồn, tháng giêng, lửa đốt đồng như thể niềm khao khát của con người, cứ vậy, cứ đến vụ gặt tháng chạp, thóc nhiều, và khói đốt đồng tháng giêng lại vươn lên bầu trời…,  có một giọng nói khác, một cảm thức khác,

 

21/  ông Nghè Huân lại nghĩ khác về lửa đốt đồng tháng giêng ở quê  tôi: ’’khởi thủy là tìm kiếm thức ăn, câu chuyện  lung lạc hết thảy những sinh linh trên mặt đất trong suốt cuộc đi về lận đận như thể một thứ triết học của định mệnh [khởi thủy là tìm kiếm thức ăn, ồ, dường  ông Huân muốn đánh đổ thứ siêu hình học đã cũ của châu Âu thời trung cổ] tìm kiếm thức ăn hoặc là chết, nỗi đe dọa đã ghi vào danh mục về tồn tại tự phút đầu  như một mệnh lệnh, rồi con người lại thẩn thơ trong rừng, thấy trái rừng rụng, và ăn được, lại chờ, chuyện này có ghi trong các hang động tiền sử không nhỉ, ta không biết, chỉ mường tượng, nhân loại đã phát hiện ra, rằng, có những sự vật trong trời đất, ở ngoài con người, ăn được, buổi tổ tiên chúng ta ăn trái rụng trên rừng sử gọi là thời hái lượm, thực ra, bấy giờ có khả năng hái trái rừng hay chưa, hay chỉ là chờ trái rụng rồi nhặt, chẳng ai dám xác định, ta, Nghè Huân  làng Cù, cứ  thích gọi  đó là thời văn minh chờ [liệu, nếu nhân loại chỉ dừng lại buổi ấy thì  có chúng ta ngày nay không nhỉ] nhưng tổ tiên chúng ta đã  mở rộng tầm mắt, nhìn thấy thức ăn của con người còn có tôm cá dưới suối, lũ thú chạy trên rừng, và lũ chim  bay ở trên trời, việc còn lại là làm sao để chinh phục chúng, tức săn bắt chúng, sử gọi đây là thời săn bắt hái lượm, ồ đấy là buổi choảng nhau giữa tổ tiên chúng ta và những bạn bè khác họ với tổ tiên chúng ta, choảng nhau với lũ thú trên rừng, và choảng nhau với cả lũ chim khổng lồ chuyên ăn con mồi chết [ta lại nói bừa/nhưng khởi thủy là tìm kiếm thức ăn mà] cho đến hôm tổ tiên  chúng ta bỗng  thấy bầu trời như  rộng ra, tín hiệu của  một cuộc cách mạng, đó là hôm con người nhìn thấy lửa, nhìn thấy những mầm cây vươn lên đó đây,  ta muốn nói đến cái thế giới quan đầy tính phát kiến của tổ tiên chúng ta, [liệu, nếu không có cuộc cách mạng về lửa và cây trồng thì có những Newton, Copernic, Einstein không nhỉ] đâu cần nghĩ ngợi gì nữa, cứ việc  hạ những rừng cây hoang dại xuống, đốt đi, và gieo hạt, bấy giờ đã có hạt lúa chưa nhỉ, những hạt lúa chưa có tên gọi [ta lại nói bừa/nhưng đấy là cách mạng cây trồng mà] cuộc cách mạng làm ra thức ăn đầu tiên của nhân loại, đốt rẫy, và chọc lỗ trỉa hạt, sử gọi là thời cày bằng đao trồng bằng lửa, một cuộc cách mạng to lớn vậy mà chỉ nói trong sáu chữ: cày bằng đao trồng bằng lửa, hay đó là bản trường ca minh triết nhất trong lịch sử thi ca của loài người, lửa, nó là truyền thuyết nghìn đời không đổi, là cuộc nhớ dai dẳng của nhân loại, cuộc cháy òa vỡ những miền trời mới mẻ,  nếu không phải vậy thì tại sao, vào một hôm, chẳng ai còn nhớ, vào một ngày tháng giêng, ngọn lửa đốt đồng đã cất lên ở đồng làng ta, từ đó, tháng chạp gặt lúa gieo trì xong, tháng giêng lửa đốt đồng lại cất lên, một thứ nghi thức cho  một mùa vụ mới, sau đốt đồng tháng giêng, tức đốt cháy những gốc rạ còn lại trên ruộng sau mủa gặt tháng chạp, là cày vỡ, sẽ mở ra một mùa gieo trồng nữa,  hay đó chỉ là sự lặp lại trong vô thức những gì đã xảy ra tự thời tổ tiên chúng ta nhỉ , tiền sử, đốt rẫy/chọc lỗ, và bây giờ,  đốt đồng/cày vỡ, những lời tiếp theo sau lửa đốt đồng tháng giêng như thể là giao cho lũ trẻ trong làng, ‘‘đốt đồng rồi lũ bay ơi’’… tháng giêng, lửa đốt đồng cất lên, lũ trẻ trong làng  lại kéo nhau, chạy khắp làng, hò reo, sau cái đại lễ đốt đồng là lặp lại thứ nhịp điệu cày bằng đao trồng bằng lửa, con người cứ vậy mà bước đi dưới nắng mặt trời, ta cứ mường tượng, buổi ấy,  sau mùa cày bằng đao trông bằng lửa, con người lại nhảy múa đầy trời, hay là vẽ lên hang động của mình hình dạng của những gì vừa xảy ra, nghệ thuật tiền sử chẳng qua là để bày tỏ những nghĩ ngợi chưa đủ đầu đủ đuôi của loài người khi đứng trước vẻ huyền nhiệm của đất trời, sao con người lại làm được những việc như vậy nhỉ, tra vấn có tính bản thể luận làm  vỡ ra nỗi ngạc nhiên trinh khiết, con người không thể nhớ rõ, không thể nói ra, nhưng vẫn cứ thấy thấp thoáng trong trí nhớ điều gì đó, rất lớn, rất huyền nhiệm, cái huyền nhiệm không thể nói bằng lời, chỉ thấy nhớ nhung,

 

22/ ta vẫn ngồi giữa con hẻm văn chương [*]nơi nghe thấy tiếng đục đá núi Voi Nằm, bọn ăn cắp tài nguyên  tổ quốc đó, và nghe thấy bọn ngông cuồng của thế kỷ đang trích dẫn Heraclitus, trích dẫn Plato, Aristos, và trích dẫn cả học trò Hegel, chuyện biến dịch cho tới thời hoàng kim ấy mà, trời đêm hoạn nạn, các ngôi sao già đang chết, và các vị thần hết thời đang tìm đường lẩn trốn, a ta nghe như có tiếng leng keng cung bạc, có sự rối ren nào chăng, bầu trời vẫn bí ẩn như từng bí ẩn, các vị chớ tưởng cứ vờ làm ngọn lửa trời là đánh lừa được thế giới quan đương đại, hãy thôi đi thói buông lời dối trá, ta nói với những nhà kỷ trị đang rướn cổ nói về tinh hoa trị nước của bọn họ, có trích dẫn hết thảy các bậc hiền tài trong thiên hạ, vẫn vậy thôi, có gào thét cho nát hết cỏ cây, vẫn vậy thôi, trị nước, hay cai trị, nó là một thứ thuật toán cổ điển nhất, thứ trí tuệ đầy vẻ kiêu ngạo của kẻ cầm quyền, trong thuật toán ấy là có cả tàn nhẫn, độc ác được dấu trong thứ ngôn ngữ tu từ [những diễn văn của vua bao giờ cũng đẹp/thứ vẻ đẹp của các thứ cây cối hay các loài dã thú tu luyện thành người]  có vẻ các đấng cầm quyền vẫn tin rằng đám dân xứ sở chẳng đời nào hiểu thấu, cứ thế, những thiên niên kỷ cứ trôi đi, những xung đột, những cách mạng, và phản cách mạng, diễn, và thay cách diễn, mới hôm qua thôi ta nghe nói bọn họ đã thay vai diễn, thế giới là một cuộc diễn sầm uất nhất, nát cả cỏ cây, chẳng phải đã có sách The Prince/Quân Vương của Nicolo Machavelli của nước Ý đó sao, nó, như thể thứ trí khôn của các đấng cầm đầu bầy đàn…[Ở những xứ bị chiếm đóng mà dân gian đã quen sống trong nền tự do với luật lệ riêng của họ, kẻ xâm lăng có ba kế hoạch để giữ vững ngôi trị vì: – Một là tàn phá hết – Hai là đích thân đến đóng ở tại chỗ – Ba là cứ để cho dân sống theo tập tục của họ, ta chỉ thụ hưởng lợi lộc cống hiến rồi lập nên một tiểu chính phủ địa phương với nhiệm vụ duy trì tình hữu nghị của nhân dân bản xứ với ta/trích THE PRINCE/QUÂN VƯƠNG/NICOLO MACHIAVELLI/1469-1527] các nhà thuyết khách đương đại chẳng qua là làm cho lạ đi những điều xưa cũ, cái cách cường điệu lên hình thù của ảo ảnh [em đi áo gấm tung bay nắng/thật ra, chỉ là gã vũ phu giả làm giai nhân/chính trường là mật ngọt/ là hoàng hôn giả phủ bóng bình minh…] vẫn là tiếng khóc chào đời của trẻ thơ trong thứ cảnh trí con người luôn thấy trên đầu thứ sức nặng, cứ gọi là những văn bản trị nước vẫn nối nhau trong dòng chảy lịch sử, có bầy đàn là có văn bản trị nước, dù là văn bản không thành văn, vẫn là không phải, luôn là không phải thứ khí hậu như thể mong mỏi lớn nhất của nhân loại: bên chàng đọc sách/ bên nàng quay tơ, mà là: bên là thứ sức nặng của những cung cách trị nước biến hóa khôn lường/bên là đám dân bị cai trị luôn được gán cho tên gọi đẹp như nắng thu: những công dân của xứ sở có luật pháp, hay là nhân loại vẫn tồn tại trong tình cảnh luôn bị đe dọa nghiến nát bỡi qui luật bầy đàn, ta vẫn ngồi nơi con hẻm văn chương sang trọng của ta nhìn thấy lửa cháy ở một miền trời nào đó, có khi thấy thật gần, hay là lửa vẫn cứ cháy trong ta, ngọn lửa đất trời ban tặng ta từ lúc mới chào đời, mẹ ta nói ta chỉ khóc một tiếng và nằm cựa quậy chân tay, mẹ tả buổi chào đời của ta, cũng phải thôi, cái cách như thể ta biết trước ngọn lửa trời sẽ cháy suốt cuộc đời ta, ta vẫn ngồi nơi con hẻm văn chương sang trọng của ta, lửa vẫn cứ sáng lên trong các cuộc hành trình, đã có một tường trình khác về thế giới,
____

[*] ông Nghè Huân nói văn chương vốn là cuộc ân tình con người muốn nói ra tự thuở mới gầy dựng được tiếng nói, vẻ sáng đẹp ấy suốt những nghìn năm qua vẫn lung linh giữa gió bụi trần ai, con người là vẫn cứ  nói ra thứ tiếng nói minh bạch của mình bất chấp cuộc phù vân  đất trời lận đận, thứ tiếng nói đầy âm vang trắc trở là cứ bay lên bay lên, và cõi văn chương hình thành tự khi  nào ngay cả những con người làm ra nó cũng chẳng thể nói được, và một buổi sáng trời ta chợt thấy ta đứng giữa thi ca,

 

23/ rồi cuộc sống của người làng chúng tôi luôn bị tác động bỡi những cuồng phong của thời đại, khác hẳn mưa gió cổ xưa, người ta gọi là những trào lưu, những xu thế, xu hướng, những phong cách, nhiều cách gọi lắm, phản ảnh thời mà lịch sử con người không còn có thể viết theo các lối cũ, biên niên, hay cương mục, hay thông sử…thời, lịch sử của nó là cuộc xáo tung hết thảy những cách nhìn thế giới vốn có bấy lâu, tư dưng tự xưng là chính nghĩa, lập đất nước riêng, lập văn hóa văn minh riêng [ăn ngủ đi đứng theo cách riêng, quan niệm về chiến tranh và hòa bình theo cách riêng…] đi đâu cũng tự xưng là vì một thế giới hòa bình thịnh vượng, ồ, có những khi có những trào lưu xâm nhập vào ngôi làng thân yêu của chúng tôi như một giấc mơ, con đường làng bỗng bừng lên với những buổi ban mai mang tính lịch sử: hàng loạt con người cũ của làng, đàn ông và đàn bà có, ông già  và trẻ em có, lũ lượt kéo nhau đi ở trên đó với những nụ cười và những ý tưởng mới mẻ vừa mới hoài thai, những ý tưởng mới mẻ cũng vừa mới hoài thai, cho nên, vừa đi hết con đường làng thì nhận ra là mình bị lừa, ở một góc độ nào đó, lịch sử làng tôi là lịch sử của lừa đảo và bị lừa đảo, tháng  Giêng năm Ất Mùi có kẻ  xưng là ở phía mặt trời mọc đi ngựa vào làng, nói, hãy đi theo ta sẽ được giàu sang, làng đang sống trong cảnh thiếu thốn, nghe nói vậy, mừng, kéo rốc theo người đi ngựa, hóa ra là đi làm cu li cho một tay nhà giàu nắm trong tay đến mấy chục cái thuộc địa, tháng Hai năm Kỷ Tỵ, có người đội nón lá, đi chân đất vào làng, nói, bọn ta đang làm một cuộc đại cách mạng, các bạn theo ta sẽ có được cuộc sống âm no hạnh phúc, làng cũng kéo rốc theo người đi chân đất, đến nơi mới biết hắn cũng là một tay nhà giàu có trong tay mấy chục chư hầu, cứ tổng kết các thứ biến cố một cách tượng trưng vậy thôi, bỡi những cuồng phong của thời đại đổ vào làng chúng tôi thì nhiều lắm, cứ một vài năm, có khi chưa đầy năm, đã có một trào lưu gì đó, hay một xu thề gì đó, tràn vào làng chúng tôi làm đảo lộn cả cái cách gieo trồng trên đồng làng cha ông chúng tôi đã để lại,  làm đảo lộn cả cách giảng gỉai một khúc hát ru, làm đảo lộn cả những giấc mơ của những kẻ đi chân đất, đêm nằm nghe tiếng con chim vạc vẫn kêu sương như hồi nào, thì buồn lòng, con người lại không bằng con chim vạc hay sao, buồn, và cứ thấy nhớ nhung một cái gì đó, rồi lại tiếp tục sống trong sự chờ đợi, có thể ở một chốn nào đó, không phải là thiên đường hay cõi thần thánh gì đâu, mà gần đó thôi, nghe thấy chúng tôi.

 

24/ và đâu phải chỉ đơn giản là câu chuyện ba thằng con trai với ba cây đàn gỗ, bấy giờ, với chúng tôi, làng quê là nơi để làm ra bao điều kỳ diệu, từ buổi ấu thơ cho đến lúc có thể ôm cây đàn gỗ hát, làng vẫn cứ là nơi chốn để cho đám con trai  chúng tôi nghĩ ra đủ các thứ trò để cho cái dòng sông cuộc sống giữa chốn đất quê không còn buồn tẻ, tư dưng, đêm người ta lại nghe thấy có tiếng đàn vang lên ở trong làng, đêm đầu tiên ba đứa chúng tôi làm cuộc hợp tấu măn đô lin dưới gốc cây cần giuốc chỗ đầu con đường vào làng như thể là thành quả to lớn trong công  cuộc gầy dựng nền văn hiến của nước nhà, đã thêm vào gương mặt vốn buồn tẻ của làng một nét trần gian lưu ly, sầm uất, có thể nói, bấy giờ, tiếng đàn, là một ngoại hạng trong hết thảy những thứ sản phẩm đám con trai chúng tôi bấy lâu đã tạo ra cho làng, có thể là người làng chưa hiểu tiếng  đàn nó  nói gì, nhưng đêm bỗng nghe thấy có tiếng đàn  ở ngay trong làng mình, mà gãy đàn lại là do chính bàn tay  lũ con trai trong làng, thì không thể không nói là đang dấy lên một thứ niềm tự hào không dễ gì có được, xưa nay, khi đêm về, ngoài tiếng côn trùng ở các bờ rào, thứ âm thanh vốn thuộc về cuộc nghìn năm cổ kính, có thêm vào nhiều hơn nữa, thì cũng chỉ là tiếng dế hay tiếng cú cầm canh quen thuộc, nay, đêm bỗng có tiếng đàn xen vào cõi tĩnh lặng cố cựu thì quả là có làm thay đổi bộ dạng cố cựu của một ngôi làng quê, thật ra, lúc còn học ở trường làng, ba thằng chúng tôi cũng chỉ là những đứa trẻ chân ướt chân ráo bước vào chuyện chữ nghĩa, cũng chỉ mới biết được lũ gà trong vườn thuộc loài động vật lông vũ, và lũ bò trong chuồng thuộc loài động vật lông mao, đại khái cũng chỉ biết  vậy, còn động vật là sao, lông mao và lông vũ là sao, quả tình ba thằng chúng tôi còn mù tịt, rồi khi đặt chân đến trường huyện, cách làng quê chúng tôi cũng chừng  hơn năm cây số, nhưng ở đó có nhiều thứ còn thua xa làng quê chúng tôi, không thấy ai dám đi chân đất để biết dưới chân mình đang có những hòn sỏi, không có bờ ruộng để buổi sớm mai bước đi trên đó mà nghe mùi lúa, mùi cỏ, và cả mùi gió có khi là từ phía núi thổi lại có khi là từ phía biển thổi lại,  khi nhìn ra được  những thứ quí báu của làng quê mình, ba thằng chúng tôi lại nảy ra ý đồ, cứ cho là táo bạo đi, là phải mang về cho làng quê của chúng tôi một cái gì đó thuộc nền văn minh của thời đại, cái ý đồ làm nhạc sĩ là nảy ra sau giờ học hát với thầy dạy nhạc ở trường huyện, Ngọn gió phiêu lưu là ngọn gió nào, là ngọn gió thổi qua buội chuối sau hè, thầy dạy nhạc chúng tôi giảng  như vậy, cho nên ông đã làm ra bài hát đó, ông vừa đàn đàn gỗ, vừa hát cho bọn học trò lớp chúng tôi hát theo, lập tức ba thằng chúng tôi bí mật mang khoai sắn của làng mình đem biếu cho thầy dạy nhạc, việc thầy  dạy nhạc ăn khoai sắn làng quê rồi kèm cặp ba đứa chúng tôi biết đánh đàn gỗ, lại còn tặng cho mỗi đứa một cây đàn cũ,  là hoàn toàn thuộc về một qui trình bí mật, và cả cái quyết định thực hiện một cuộc hợp tấu măn đô lin vào đêm tháng tư dưới gốc cây cần giuốc chỗ đầu con đường vào làng tôi là cũng thuộc về một qui trình bí mật, rồi mỗi chủ nhật nghỉ học, về quê, ba đứa chúng tôi đã công khai hợp tấu măn đô lin vào buổi trưa dưới gốc cây cần giuốc chỗ đầu con đường vào làng, cứ tưởng thế là thõa được giấc mơ lãng tử, nhưng không, vào những trưa, ngồi ở bên dưới gốc cây cần giuốc, chúng tôi say sưa đàn hát Ngọn gió phiêu lưu là ngọn gió nào, phải nói là chúng tôi đàn hát đến nát bài ca đó, rồi lần nào cũng thế, đàn hát xong, ba đứa lại ngồi thẫn người ra để nhìn con đường vào làng, cứ cảm thấy có nỗi buồn khó hiểu, đứa nào cũng nói là cứ thấy thiếu vắng một cái gì đó, cái gì, chúng tôi nào biết, ở trường huyện, chúng tôi cũng học được nhiều thứ  lắm, biết châu Âu châu Mỹ nằm ở chỗ nào, biết cả chuyện có rất nhiều những cuộc cách mạng và những cuộc chiến tranh đã diễn ra trên thế giới, vậy mà khi đàn hát xong Ngọn gió phiêu lưu là ngọn gió nào, thì cả ba đứa chúng tôi lại thấy buồn, cứ thấy thiếu vắng một cái gì đó, cứ thấy nhớ nhung một cái gì đó,

 

25/ và giá như hồi ấy tôi như tôi bây giờ, biết dùng lời lẽ diễn tả những nghĩ ngợi trong lòng, thì tôi đã quì xuống dưới nắng sớm giữa khoảng đất trời bao la mà trinh tiết của một sáng tháng hai còn rậm rực những lời lẽ  thâm thiết về mùa xuân của lũ hoa bìm và lũ hoa nở giờ ở trong vườn để nói với con chim yêu quí của tôi, con chim khách, vị khách sớm mai của tôi, rằng, bạn là vị sứ giả lạ lùng nhất đã đến với cuộc đời ta, rằng, bạn đã nhảy tỏm vào chốn thâm u cảm xúc của ta, đã nối ta vào chỗ vô tận của trăng sao ta vẫn nghĩ chẳng đời nào bước vào được, rằng, ngoài bạn, chẳng mấy ai có thể đến đây, đúng hơn là chẳng mấy ai có thể dám đứng ngoài vườn để tự xưng là có khách đến, như bạn từng đứng ở ngoài vườn để gọi ta: có khách…có khách… có nghĩa, giá hồi ấy tôi như tôi bây giờ, thì tôi sẽ nói thật nhiều về mối ràng buộc như thể là thứ mệnh lệnh tiền nghiệm, vậy thì ai đã đặt tôi và con chim trời ấy vào khung khổ thâm thiết, một thứ tình bạn thiêng liêng, để, cứ sáng ra, nghe tiếng chim ngoài vườn, có khách…có khách…là tôi lại bươn bả chạy ra, tôi ngồi im lặng dưới gốc bưởi, còn con chim khách thì từ trên cành bưởi nhảy xuống đất, đứng nghểnh mỏ nhìn tôi, hồi đó thì không, nhưng giờ thì tôi biết đó là thứ ngôn ngữ có đem vạn lời cũng không cắt nghĩa nổi, có điều, tôi không thể mãi mãi là tuổi thơ, cũng như bao người khác, tôi cũng bị các thứ luật trần gian làm nát cảcuộc đời, vào những lúc thấy nhớ con chim khách, tôi viết ra thành câu cú đường hoàng, thì bọn liếm gót giày của chủ bảo là tôi không chăm chỉ làm việc, để cho ma quỉ cướp mất hồn vía, thật ra, tự ngày ấy, như thể con chim khách  đã dùng  cây đũa thần khuấy vào tôi, như thể tiếng chim đã rót đầy cuộc đời tôi, có thể nói là tôi đã bị tiêm nhiễm thứ  chủ nghĩa của chim [thứ chủ nghĩa chẳng chủ nghĩa nào] rồi tôi đã lén trốn khỏi những cặp mắt dòm ngó của bọn liếm gót giày của chủ để tiếp tực nghĩ ngơi về vị sứ giả của cuộc đời tôi …có khách…có khách…như thể tiếng con chim khách đã làm cho làng quê tôi trở nên sang trọng, cứ nghĩ đến chuyện tôi bị bọn liếm gót giày của chủ dòm ngó, thì thấy buồn, rất buồn, cứ thấy như thể tôi đang bơ vơ, thất lạc…’’em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo/ Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng’’…đó là cuộc thất lạc trong sách DIỄM CA/CHƯƠNG II/ĐOẠN XIV,

 

26/ nhưng ông Tú Kết [*] lại làm vỡ ra trong nhận thức tôi một cách nghĩ khác về con chim khách của tuổi thơ, cứ sáng mở cửa ra là như thể lũ chim trên cây gòn trước ngõ nhà ta lại hối thúc ta, cái cảm thức bị hối thúc là rất đẹp, ông Tú Kết nói, tiếp tục nhìn lên bầu trời đêm tháng tư, bác cháu tôi đang làm một cuộc khảo sát bầu trời đêm tháng tư [ ở trong làng, tự lúc nào, thì tôi với ông già khắc nghiệt ấy đã trở nên thân thiết như ruột thịt] tôi cứ có cảm tưởng như một cuộc lồng lộng cao sang đang diễn ra ở trên đầu mình, đêm tháng tư ở làng tôi là thời khắc những người đi chân đất nghĩ ngợi đủ các thứ việc: lúa vụ hè đang trỗ trên đồng làng, nhưng cơn mưa trái mùa đang đe dọa đám bông vải đang nở trắng trong các khu vườn nhà, và trái cây rừng nhiều thứ cũng đang chín rộ trên rừng núi Nung, và tháng tư thì thấy nuối tiếc một thời oanh liệt, thời này mà có người như ông Năm Mươi thuở ấy đố đứa nào dám cạy đá núi Voi Nằm [tương truyền, tháng tư ông Năm Mươi đuổi xong giặc Mân xâm lấn làng Cù thì nằm chết ở núi Voi Nằm như thể để đời đời giữ lấy ngọn núi thiêng] ông Tú Kết bảo thời con người từ chối cuộc hội nhập vĩ đại trong hoàn vũ thì người ta cạy đá núi Voi Nằm bán lấy tiền là chuyện thường, đêm tháng tư, bác cháu tôi lại đi tìm chứng cứ cho quan niệm về một cuộc hội nhập vĩ đại trong hoàn vũ, thời cổ đại chính Pythagore đã nhìn thấy trời đất cấu thành bằng những con số, rồi thời nay người ta đã số hóa cả lòng thủy chung, số hóa cả những cảm xúc thiêng liêng của nhân loại, ngoài ra, còn mưu toan tiến chiếm những nơi chốn khác trong trời đất , coi ra, con người thời nay thực sự muốn từ chối cuộc hòa nhập vốn đã diễn ra tự buổi mới hình thành đường đi của trăng sao, ông Tú Kết dẫn giải cái tình trạng muốn dứt áo ra đi của đương đại, nhưng sáng ra bác vẫn còn thấy lũ chim hối thúc bác kia mà, tôi nói, lũ chim hối thúc ta sáng nào cũng phải mở cửa ra để trò chuyện cùng lũ chúng, còn ta thì thấy món nợ này mỗi ngày một lớn, ông Tú Kết nói, làng là ví dụ sung mãn nhất về cuộc hội nhập ấy, đêm đầu tháng nào thì vầng trăng ấy, vầng trăng thượng tuần ấy, bao giờ cũng là một thứ tình thấm đẫm, trăng thì nơi đầu núi, còn con người thì vẫn đợi một buổi rằm, không nền văn minh nào lại đi khước từ một cuộc tình như vậy trong trời đất, tôi nghĩ ngợi quá chừng, nhưng ông Tú Kết bỗng buông tiếng thở dài, nói, khi con người từ chối những cuộc gặp như vậy, con người và những cuộc điền dã trong giấc mộng trưa hè, con người và thứ thi ca lặn lội tới tận chỗ cuối đất cùng trời, là tự đánh mất vẻ sang trọng của mình, ta cứ mường tượng một cuộc lấm chiếm của hoang vu, ông Tú Kết nói thật nhiều về niềm bơ vơ của nhân loại khi tách mình khỏi cuộc hòa điệu nghìn năm không mỏi, ồ, tôi đã hiểu ra, con chim khách tuổi thơ của tôi không phải là khách, mà là người tình của tôi trong quan niệm về những mối lương duyện vĩ đại trong hoàn vũ, em/ngọn núi mơ hồ/ cứ rực sáng lên giữa khúc hát của chim,

___

[*] một đoạn bút ký của ông Tú Kết:

có một người mê đắm bầu trời như mê đắm người tình, đấy là ông Newton của nước Anh thế kỷ mười tám, thọ tám mươi tư tuổi, mà hình như chỉ một lần, lúc mười bảy mười tám tuổi, đã yêu một thiếu nữ rất đẹp, yêu mà không dám ngỏ lời, rồi thì thôi, ở vậy đến cuối đời. Newton cô độc từ lúc mới sinh, cha ông mất, trước khi ông ra đời, mẹ ông là một người nhà quê, tầm thường, ia phả bên nội bên ngoại của ông cho thấy trong dòng họ không có người nào thông minh, xuất chúng, Newton không thừa hưởng chút di truyền gì của tổ tiên, mà như là người của trời cho xuống trần gian để làm vẻ vang loài người, thuở thơ ấu, suốt ngày chỉ lầm lì để làm những cái diều, những cái đồng hồ bằng nước, những cối xay lúa cho chuột kéo, hoặc cái nhật quĩ để đo bóng mặt trời. Mười chín tuổi vào học ở Cambridge, trường đại học lớn ở Luân đôn bấy giờ, gặp được thầy giáo tài ba Isaac Barrow, Luân Đôn bị bệnh dịch hạch, một thiên tai ghê gớm nhất trong lịch sử châu Âu, Newton phải lánh về trang trại của mẫu thân, bầu trời quê Woolsthrope làm bừng lên trong trí não ông những khám phá mới về vũ trụ, ba mươi tuổi, Newton chế tạo được ống dòm trời, tức kính viễn vọng, tháng sáu năm 1682, một phát minh lớn lao nhất của nhân loại đã xuất hiện : luật vũ trụ hấp dẫn, bấy giờ Newton tròn bốn mươi tuổi, năm 1686, luật Newton được in thành sách, với tên Qui Tắc, một trăm sáu mươi năm sau khi tập Qui Tắc ra đời, nhà thiên văn học người Pháp Le Verrie không dùng kính viễn vọng để ngắm trời, mà chỉ dùng luật Newton để tính toán ra hành tinh Neptune,  Newton mất, triều đình nước Anh làm lễ quốc tang, đặt ông nằm chung với các vua chúa ở điện Westminster, trên mộ khắc hàng chữ :  Loài người nên hoan hỉ rằng một vinh quang lớn lao bực ấy của nhân loại đã xuất hiện ( Let men refoice that so great a  glory  of the  human race  has appeared)  một con người vĩ đại đã sống cô độc nơi trái đất để tìm ra một luật chi phối tinh tú ở trên trời,

 

27/ rồi những câu hát ru làm đổ xuống cơn mưa tháng giêng, thực ra, ở làng tôi, thứ thi ca dân dã ấy nghìn năm qua vẫn lặng lẽ nói lên sứ mệnh của con người, cái cách thực lòng [chứ không phải là gian dối] của một con vật biết tư duy là làm cho mọi vật kề cận nhau trong cuộc hội nhập vĩ đại của hoàn vũ, tháng tám rớt xuống những lời cầu nguyện của chim, nho hạt cứng [ổi tàu] chín mọng trong vườn nhà tôi, nó là thứ thi ca viết bằng niềm biết ơn vô hạn, là tôi đang nói về giọng ríu rít của lũ chim áo xanh khi nho hạt cứng tháng tám đang mang lại cho loài giống chúng sự sinh tồn, và ở trong nhà, thì mẹ tôi đang chiêm ngưỡng công trình thế kỷ của bà đang bước vào thời đoạn huy hoàng, trên các giá bủa [giá nuôi tằm tơ] lũ tằm đang bắt đầu nhả tơ, có nghĩa, một thế giới sinh vật khác sắp sửa chào đời [lũ bướm sẽ thay cho lũ sâu tằm] cái thế giới sinh vật sẽ tặng cho mẹ tôi tơ lụa [thì ra, khi lũ bướm cắn kén để chui ra là lúc kén tằm đã chín, lúc cho tơ lụa] thì ra, trùng điêp những giai điệu sinh tồn, khách đường xa chỉ cần ghé qua một góc làng cũng đủ nghe thấy ở đó [nơi ngôi làng thân yêu của tôi] vang lên thứ tiết tấu của một cuộc hòa điệu vĩ đại…em về Bồ Địch/Giếng Vuôn/ no cơm ấm áo luông tuồng bỏ em…chỉ là câu hát ru, câu chuyện nhỏ của làng quê, câu chuyện về chuyện phụ bạc, nhưng không phải là không hệ trọng, mọi thứ cứ rã ra như thế [người tình của tôi không còn là người tình của tôi, đất nước của tôi không còn là  đất nước của tôi…] tôi cứ sợ là tôi đang nghĩ ngợi trong một thế giới tan rã, nhưng ở làng tôi, tự buổi ấy, thứ thi ca dân dã vẫn cứ cất lên giữa một lịch sử có vẻ như người ta không cần phải chép lịch sử nữa, bỡi, thực ra, không có người chép sử nào có thể chép nổi buổi chiều cả làng tôi lại kéo nhau ra đứng ở đầu con đường vào làng, nơi không bị che khuất tầm nhìn, những người già, cứ coi như là những nhà chiêm tinh của đồng ruộng, bàn về thứ rán chiều màu đỏ đậm đang quét ngang qua chân trời phía tây, có thể là những tiếng thở dài, có thể là những nụ cười, hết thảy là tùy vào cái cách cắt nghĩa điềm trời, không nhà chép sự nào chép nổi thứ kiến văn nửa trời nửa người như vậy, nhưng nhất là, không thể gọi đám trẻ con trong làng chúng nó là gì, ngây thơ, hay ngu muội, khi bọn chúng cứ nhảy lên hò reo bảo là mặt trời đang say, không nhà chép sử nào lại đi chép cái cắt nghĩa rán chiều màu đỏ đậm là mặt trời đang say,

 

28/ nhưng những vết tích xưa cũ vẫn còn nơi trụ đình làng, nó là thuộc về câu chuyện sứ mệnh, không có tuyên bố gì to tát, chỉ là ghi lên đó, ghi lên cái trụ đình đó, năm tháng con người đã làm ra  thứ sự vật là cái trụ đình làng đó, có thể lúc đó là mùa hè, con ve đang gọi nắng, có thể lúc đó là mùa đông, con chim bịp kêu chiều, hay có thể lúc đó là mủa xuân, hết thảy lũ ong đang đi trộm mật hoa, chỉ là những ngẫu nhiên, mà như thể đó là tất nhiên thì cũng chỉ là những chuyện bình thường trong trời đất, nhưng chuyện con người làm ra cái trụ đình làng và ghi lên đó tháng năm làm ra nó là thuộc chuyện sứ mệnh: muốn cho  vạn hữu biết, rằng, là như vầy, ở đây, là loài giống con người  đang hiện hữu, những vết tích như thế cứ như những khúc cầm ca, quá khứ của tổ tiên chúng ta cứ như những bài hát rong về những buổi nước ròng con rô con diếc quẫy dưới chân, hay về những ngọn khói chiều hôm làm cay con mắt những vị thần đang ra sức bảo vệ  cánh đồng làng vừa mới  khai khẩn được, hay về những cuộc dịch chuyển, tổ tiên chúng ta cứ dừng chân chốc lát là lại ra đi, cứ dịch chuyển về phía những hoang sơ, về phía những gian nan, rắc rối, cứ làm cho rộng thêm ra nơi ở, làm rộng thêm ra sự hiện hữu, hát ca, và hiện hữu,  lũ ve, hay lũ chim bịp, hay lũ ong…thì chẳng đời nào  biết mình đang hiện hữu, lũ chúng cũng y chang đám trẻ con chúng tôi hồi ấy, cái thú rượt đuổi nhau quanh trụ đình làng, bấy giờ, chạy quanh trụ đình làng là chạy quanh thứ thế giới có sẵn trong trí tưởng tượng của chúng tôi,  làm sao lại cứ thấy cái trụ đình làng to lớn như thế chứ, cứ chạy cho đến gần hụt hơi, rồi xúm nhau tựa người vào trụ đình làng, tựa người vào cái thế giới to lớn ấy  để  thử đếm cây rừng trên núi Nung ở phía nam làng, thật buồn cười,  chúng tôi ngồi đếm từ sớm mai cho đến hết buổi trưa vẫn chưa đếm hết cây rừng trên núi Nung, có điều, những thứ như thế chỉ làm cho đám trẻ con chúng tôi vui chứ không làm cho chúng tôi biết là mình đang hiện hữu, nhưng những thứ như vậy cũng chỉ là những thứ thuộc chuyện triết học của những ngọn gió thổi qua làng…,

 

29/ nhưng những thứ thuộc chuyện triết học của những ngọn gió thổi qua làng lại là những thứ không phải để cắt nghĩa, giảng nghĩa, làm sao có thể cắt nghĩa, hay giảng nghĩa một niềm vui nhỉ, có thể nói đấy là những thứ  chỉ để lặng lẽ giữa khói sương, nó là những thể nghiệm khôn lường giữa tịch mịch vô biên, y như cái hôm con bò cái của nhà tôi đau bụng đẻ, lũ chúng tôi sửa soạn lùa bò về thì con bò cái của nhà tôi chuyển dạ, cứ coi như suốt thời thơ ấu của mình, tôi đã kiêm nhiệm cả việc đi học ở trường làng lẫn việc chăm sóc mấy con bò cày [buổi nào không đi học thì chăn bò] một cuộc hành giả có cả cái ở trên mây lẫn cái trần thế, chăn bò là chuyện trần thế, và những bài học ở trường là những chuyện ở trên mây, chứ gì nữa, nào là tiên học lễ hậu học văn, nào là một cây làm chẳng nên non/ ba cây chụm lại thành hòn núi cao, nhưng chả biết thế nào là lễ, là văn, thế nào là chụm lại, chỉ có bài học con bò là loài nhai lại, nhưng cũng chả biết nhai lại là sao, chưa có bài học nào về chuyện con bò cái đẻ con, cho nên, bấy giờ tôi chỉ lặng lẽ làm theo tiếng gọi của lương  tâm, tức, đi nhờ mấy đứa bạn đi kiếm củi, đốt lửa lên, bấy giờ là tháng chạp, trời giá buốt, lại nhờ mấy đứa nữa đi múc nước [bằng nón lá] dự sẵn cho con bò uống khi đẻ xong, cứ nghĩ sao thì hành sự vậy, đẻ rồi, thằng Lình con chú Bảy Tỵ hô, và  xắn tay áo lên để làm bà mụ, về sau bọn chúng tôi mới biết là thằng Lình  đã mấy lần cùng chú Bảy Tỵ đỡ đẻ cho con bò cái nhà nó, còn bấy giờ, con bò cái nhà tôi cứ nằm lăn ra, duỗi cả bốn chân ra trên nền gò Tranh [gò thổ mộ của làng cũng là bãi thả bò của làng tôi] và thở, và  con nghé con thò cái đầu nhỏ xíu của nó ra khỏi lòng mẹ, thằng Lình nâng cái đầu con nghé lên, và thoắt cái, cả  con nghé đã chui ra khỏi lòng mẹ, đó là tôi tả cho tỉ mỉ vậy thôi, chứ lúc đó, thì cả đám chăn bò bọn tôi cứ đứng lặng người trong vẻ thành kính để chờ mọi chuyện diễn ra, bấy giờ, tôi cứ thấy có cái gì đó rất sầm uất, tức, có quá nhiều thứ chồng chất trong nghĩ ngợi của tôi, làm sao con bò cái nhà tôi lại có thể làm ra một con bò con như thế chứ, làm sao thằng Lình con chú Bảy Tỵ lại có thể dẫn dắt con bò cái nhà tôi trong chuyện đẻ đái chứ, còn bao nhiêu chuyện bí ẩn nữa còn ẩn dấu trong làng tôi, làng là một cuộc sầm uất, thằng Lình đã cắt rốn cho con nghé, và con bò cái đã đứng lên liếm lên lông của con nghé còn ướt đẫm những máu me mang từ bụng mẹ ra,  thằng Lình cho con bò cái uống nước, con bò cái vừa uống nước vừa nhìn bọn chúng tôi như muốn nói điều gì đấy, tất nhiên là con bò cái chẳng thể nói được điều gì, lũ chúng tôi cũng vậy, chẳng đứa nào nói được điều gì, hết thảy như thể là đang chìm đắm trong thứ cảm xúc thần thánh, buổi trưa tháng chạp, hơi giá buốt một chút, chúng tôi, đứa nào cũng có vẻ như vừa thoát ra khỏi một cuộc bể dâu, tất nhiên việc sinh đẻ của con bò cái nhà tôi không phải chuyện bể dâu, mà chỉ là chuyện thuộc chuyện triết học của những ngọn gió thổi qua làng,

 

30/  cứ vậy mà cưu mang cả một cuộc sinh tồn đằng đẵng, nếu kể từ hôm người đàn ông [hay người đàn bà nhỉ] có tên là tổ tiên tôi dừng bước ở chân núi Nung, nói, đây là chỗ ở của ta cho đến lúc tôi chép ra những ghi chú này thì làng tôi là một cuộc qui tụ vĩ đại, đến rồi đi, hay đến rồi không còn nữa, hay đến rồi còn mãi đó, cuộc qui tụ có khi dở chừng, có khi trọn vẹn, của vô vàn chủng, loài, người làng tôi bảo giống chim ưng giờ không còn nữa, có nghĩa, không phải loài chim ấy chết hết, mà đã bỏ nơi này ra đi hết, tôi lớn lên chỉ nghe con chim ấy trong phương ngữ: ‘‘này chim ưng/mày đến để cho vui thêm núi rừng/hay để  cho nhiều thêm sợ hãi’’… vậy là tôi hiểu đấy là chim hung dữ, nhưng vì sao chúng lại bỏ nơi này ra đi hết thì chẳng phải là tự do tự tại hay sao, hậu duệ của chúa Tiên Nguyễn Hoàng cũng ra đi rồi, tương truyền chúa Tiên vào đây khẩn đất đã để lại một  giọt máu của chúa, là nhà họ Nguyễn hoài, nhưng đến đời cháu thứ ba của chúa thì đã rời nơi đây để tìm về cội nguồn đàng ngoài của chúa, sự tự do tự tại cứ vậy mà cưu mang cả một cuộc sinh tồn, nếu không phải vậy thì làm sao có những cuộc đi về làm rúng động thi ca…’’mười chiều con vượn xuống chơi nương ngô/ ba mười chiều nương ngô đứng đợi/ sao anh không nhớ đường về/cứ như con vượn trên rừng quên nương ngô cũ’’…thi ca phá tan ranh giới các loài, đi và quay về, đi và quên quay về, những dịch chuyển đồng chiều, và trái chiều, cứ tưởng hoàn vũ bình yên, nhưng có những chiều em đứng chờ anh như nương ngô chờ con vượn trên núi…tự do tự tại có nảy sinh chia xa, ly biệt, nhưng vẫn là thuộc tính không thể thiếu  cho bất cứ  sư/cuộc tồn tại nào, nó là một thằng Các Chú con ạ, mẹ tôi giảng giải cho tôi nghe về ngôi mộ nằm ven con đường vào làng tôi, không phải mộ người chết đường mà của một thằng Các Chú con ạ, một thằng Các Chú đi yểm long mạch của làng con ạ, yểm long mạch là làm cho tắt đi tự do tự tại của làng, cho nên tổ tiên ta đã đánh chết  nó chôn ở ven đường con ạ, chôn ở ven đường cho đời đời ngang qua đây thì nhớ kẻ nào làm mất  tự do tự tại của làng thì phải chết, sự tự do tự tại cứ thế mà cưu mang cả một cuộc sinh tồn đằng đẵng,

 

31/  nhưng thế giới vẫn cứ là nơi cho ta giả định về một điều gì đó, có thể, rằng, một ngày nào đó, con chim trong truyền thuyết  trở lại làng tôi, buổi con người có thể trò chuyện với chim không còn là truyền thuyết, sáng ra, con chim trong truyền thuyết gõ cửa từng nhà, ta là chim vưu đây, xin chào, năm này đồng làng ta  được mùa đấy, cách nói của con chim vưu trong truyền thuyết cứ như trích  từ sách thánh, làng tôi như ngày hội, hay, có thể,  những người làng thất lạc đã quay về,  hết thảy những người làng thất lạc đều còn sống, hết thảy đã quay về, bọn họ có kẻ đã chạy trốn cuộc tiến chiếm của bọn rợ phương bắc, có kẻ xiêu tán nơi khác kiếm sống vì nghèo khổ, có kẻ đã tự phác vẽ cho mình một thứ lý tưởng cao siêu, cho đến khi thấy mình trắng tay giữa cuộc đời thì quay về, hết thảy đã quay về, những vết thương đang lành, ký ức lại dày vò tôi, buổi ấu thơ của tôi có bao nhiêu giả định, giả định tôi là một ngọn gió, chỉ thổi qua làng một cái là hết thảy những quả chín trong các khu vườn ăn trái đều rụng xuống, không ai lại có thể đi bắt tội một ngọn gió hái trộm quả, giả định tôi  là bà tiên trong những câu chuyện kể của mẹ tôi, tôi sẽ cười lên một tiếng khi mẹ tôi kể sai về tôi, khi tôi sắp xong bậc trung học, chuẩn bị vào đại học, thì có những giả định to lớn hơn, giả định tôi đỗ đạc, mở tiệc mừng, người làng đến chúc mừng tôi, một cũng ông cử của làng, hai cũng ông cử của làng, hay, giả định tôi là kỷ sư nông học, đã lấy xong bằng kỷ sư nông học, và lai tạo được các giống cây trồng, làng tôi sẽ giàu lên vì đã gieo trồng các giống cây do tôi lai tạo, nhưng có một thứ giả định cho đến giờ vẫn còn dày vò tôi, bấy giờ, tôi cứ giả định, rằng, các cô gái xinh đẹp trong làng ai nấy đều để ý đến tôi [chàng trai trong làng đang theo học đại học] cứ giả định, rằng, thế nào cũng có một người trong số những cô gái xinh đẹp trong làng sẽ cùng tôi xe duyên kết tóc, trong lúc tôi ngồi ở ghế đại học và giả định như vậy, thì đám con gái trong làng lần lượt đi lấy chồng, tôi về làng, cầm mảnh bằng đại học trong tay mà không vui, bỡi thế giới vẫn cứ là nơi cho ta giả định về một điều gì đó, nhưng ông Tú Kết thì nói với tôi rằng, có thể một ngày nào đó trái đất này chán ghét cái cách con người là con vật tư duy, không còn muốn nhận lửa của mặt trời, và nguội đi,

 

32/  rồi cho đến tiếng gù tình của lũ chim cu cũng trở nên sáng giá trong nghĩ ngợi ông Nghè Huân, sách Tân Truyền Kỳ Mạn Lục [*] của ông Nghè Huân chép: Ta cũng chỉ là thứ con dân rẻ mạt trong cõi phồn thực nhiêu khê này, có viết ra một cái gì đó cũng chỉ là thử nói ra nghĩ ngợi của mình, để khi viết xong thì nhìn ngắm lại, coi nó nông sâu thế nào, thực hư thế nào, viết như thế là đã nói được đến đâu cái thế giới cứ thành tâm mà nói là luôn muốn nhấn chìm ta vào ở trong nó, nhưng cũng phải có những lúc ngoi lên chứ, phải ngoi lên mà ngắm nhìn nó chứ, thành tâm mà nói, bao phen ta gần như gần tàn rữa ở trong nó, phải giãy giụa, kêu gào, phải viện đến thứ triết học bi tráng của lũ giun dế, hay phải viện đến những đại tự sự của đất nước lửa và khí ta mới ngoi lên được, và vào một ngày tháng giêng, mùa xuân, nắng ở trên cao thì rất đẹp, ta đã ngoi lên khỏi cái thế giới ấy, và nghe thấy tiếng gù tình của lũ chim cu, trời, phải nói là ta đã giác ngộ, đã hồi tỉnh, hồi phục, ta đã ra khỏi những kiến văn chằng chịt đủ các thứ kiểu chữ của loài người, chép về đủ các thứ lý tưởng siêu nhân, siêu thoát, siêu quần, chép về đủ các thứ cung bậc của hiểu một nửa, hiểu ở giữa, hiểu ở phía bên kia, chép về đủ các thứ hành trạng bầy đàn, nô lệ, áp bức, tự do, có vua, chưa có vua, hay không có vua, phải nói, chỉ mỗi tiếng gù tình của lũ chim cu trên bờ tre trước ngõ nhà ta đã nâng ta lên ở bên trên thứ bến bờ chẳng cần có dòng sông nào hết, chẳng cần có con đò nào hết…’’em/trú xứ của một cuộc tình là hàng hàng gấm, vóc, liễu rũ, bờ trăng, cấu trúc của một thời xa vắng mà đầy sức vóc, người đi nghe âm vọng của nghìn năm trôi nổi, châu thổ của những suy tư, của những lận đận, của những thương nhớ, khao khát, đợi chờ, để cho cuối cùng thì chảy về cái kết cuộc là sáng lên một cuộc hoành tráng, là chỉ còn mỗi thứ tồn sinh có tên gọi là tình yêu…’’ ta đã chuyển dịch tiếng gù tình của lũ chim cu sang thi ca nhân loại, tức, phác họa lại cái thế giới trù mật lũ chim cu đã phác họa trong tiếng gù tình: cứ chảy hoài chảy hoài thứ triết học trắng tinh khôi trong huyết mạch của vạn hữu, gù tình, có nghĩa chỉ nói với nhau thứ ngôn ngữ cao nhất trong những ngôn ngữ, cái buổi sáng tháng giêng ấy ta cứ thấy lũ chim cu trên bờ tre trước nhà ta như thể những sứ giả đặc mệnh toàn quyền được cử đến thời đương đại, và ngôi làng Cù thân yêu của ta như thể đang sáng lên dáng vẻ cao thâm,

____

[*] trích TÂN TRUYỀN KỲ MẠN LỤC/ NGHÈ HUÂN:

tháng chạp chỉ là một đoạn khúc có tính cách tư biện của con người, đi hỏi lũ chim rừng, chúng chỉ tiếp tục ca hát, vì chẳng để ý chuyện tháng chạp của con người, một kẻ con cháu người Aztec ở Trung Mỹ  khi nghe hỏi về chuyện tháng chạp, chỉ cười, như lũ chim rừng, người Aztec ở Trung Mỹ chẳng để ý chuyện tháng chạp, nhưng ta và em sinh ra đã thấy tháng chạp,  người Aztec sinh ra thì  thấy cái chu kỳ hủy diệt nghìn năm không mỏi, chấm dứt tất cả, để lại bắt đầu tất cả, rốt cuộc thì người Aztec vẫn còn chờ, bắt đầu một chu kỳ mới, hay tháng chạp, vẫn là một cuộc chờ đợi, nhưng đi hỏi một người có đạo hindu ở Ấn Độ có tháng chạp hay không, người ấy cũng sẽ cười như người Aztec ở Trung Mỹ, bỡi người  Ấn Độ hindu vừa sinh ra là đã nhìn thấy cái vòng tròn luân hồi bất tận, quay suốt, cái hôm nay sẽ trở thành cái hôm qua của ngày hôm sau, cứ thế, chẳng có tháng chạp, cũng chẳng có một chu kỳ mới nào cả,  nhưng người  Ấn Độ hindu phải khổ công tu luyện vì lo lắng  chẳng được như ý vào ngày hôm sau, còn lo lắng có nghĩa là còn chờ, ta đã chờ em suốt những nghìn năm, những ngày mặt trời luôn bị che khuất, và những đêm trăng sao giá buốt ý nghĩ, những nghìn năm vô vọng gặm nát những ý nghĩ về một thế giới trong lành, nửa khắc  đợi chờ cũng hóa  nghìn năm, vào những đêm trăng sao giá buốt, ta như nghe thấy những lời chân tình thốt lên tự buổi con người mới bắt đầu có tiếng nói,  những lời ngàn năm thơm ngát mùi cỏ cây, vào những đêm trăng sao giá buốt ta như nhìn thấy hiển hiện ở đằng phía trước buổi trinh nguyên sáng lạn của loài giống con người, chỉ ra dấu bằng ánh mắt, không dám nói, dẫu đã  biết làm ra tiếng nói, sợ nói chẳng hết bằng lời nên khi yêu nhau chỉ ra dấu bằng ánh mắt, ta như nhìn thấy những ánh mắt của những kẻ đang yêu của buổi trinh nguyên sáng lạn, những nghìn năm chờ em ta đã nhận ra nỗi buồn của mặt đất, nỗi buồn chẳng thể nào xóa bỏ được của loài giống con người, 

 

33/  ông Nghè Huân nói làm sao lại có thể nói [cho hết] về cuộc sống của một bầy đàn mà sự bắt đầu của nó lại chỉ bộc lộ trong mô tả có vẻ mông lung của một truyền thuyết, rằng ông Năm Mươi phải đánh cho quị ngã một con thú thần có tên con Cù mới lập được làng, truyền thuyết cũng chỉ tắt một lời như vậy, chẳng thấy nói con Cù là con vật thế nào, và ngay cả  ông Năm Mươi, về sau, hậu duệ của ông, tức các thế hệ con cháu chúng tôi cứ lần lượt thêm vào con người chỉ có mỗi cái tên gọi trong truyền thuyết những chi tiết về hình dạng, về đức độ hay tài trí, tất nhiên, bọn chúng tôi vẫn muốn vị thủy tổ của mình là một con người vĩ đại, vẫn muốn trong đám người bị trị chúng tôi đã nổi lên một nhân vật xuất chúng, trong dòng chảy máu me và nước mắt của cuộc tồn sinh  phải có một thứ biện chứng lịch sử như vậy chứ [từ những tàn tro của năm tháng ấy/ cứ nghe thấy cất lên tiếng cười ngạo mạn/ trích Tân Truyền Kỳ Mạn Lục của ông Nghè Huân] mà thật ra, cả đời ông Nghè Huân, chỉ làm mỗi công việc là tìm kiếm những điều vĩ đại của một bầy đàn, trong lúc tôi chép ra những ghi chú này thì ông Nghè Huân đang đi tìm dấu vết của vị thủy tổ làng tôi [dấu vết ông Năm Mươi] trên thân thể lũ chuồn chuồn, đám sinh linh ấy lại là bạn bè  thân thiết của đám trẻ con chúng tôi buổi ấy, một thứ sắp đặt tiền nghiệm chăng, buổi sáng ra vườn, lũ chuồn chuồn lượn lờ trên đầu tôi, chúng bay thấp đến gần như sắp va vào người tôi, chuồn chuồn bay thấp thì mưa, tôi lẩm nhẩm trong ý nghĩ cái cách nhìn chuồn chuồn bay đoán mưa gió của người làng, nhưng chuyện đó là chẳng quan trọng gì đối với cuộc đời tôi, bấy giờ, với tôi, điều quan trọng là con chuồn chuồn đang đậu trên đám cỏ may ngay ở trước mắt tôi, chính vào lúc tôi chạm tay vào đuôi con chuồn chuồn đang đậu trên đám cỏ may là lúc đánh dấu một thứ tri kỷ khác thường: con chuồn chuồn cứ nằm yên vậy để cho tôi chạm tay vào cái đuôi mềm của nó, rồi tôi nằm ngửa người ở trên đất, cởi hết cúc áo để phơi bụng ra, khi tôi đặt con chuồn chuồn lên rốn tôi thì người  bạn tri kỷ của tôi đã dùng cái mỏm nhỏ xíu của nó để gặm rốn tôi, và tôi thì yên trí rằng sau đó tôi sẽ bay được vào bầu trời ở trên đầu, nhưng theo ông Nghè Huân thì buổi ấu thơ của ông Năm Mươi không chơi trò chơi cho chuồn chuồn cắn rốn để biết bay, ông Nghè Huân mang con chuồn chuồn đứt đuôi đến gặp tôi và một sáng tháng ba, ta vừa tìm được nó, hậu duệ của con chuồn chuồn đã bị ông Năm Mươi làm đứt đuôi thời ấy, ông Nghẻ Huân nói, ý bác muốn nói thuở ấu thơ của mình ông Năm Mươi đã làm đứt đuôi một con chuồn chuồn là thủy tổ của con chuồn chuồn bác vừa tìm được này,  tôi nói,  chỉ có thể nhìn thấy được những tương quan sinh tử giữa các loài khi  ta cảm thấy vô cùng biết ơn hoàn vũ đã tạo ra  ta trong một cuộc hòa âm kỳ diệu, ông Nghè Huân nói, chúng tôi đang đứng dưới bầu trời tháng ba, làng tôi là thuộc hệ bán sơn địa, nên cái nắng tháng ba như thể còn giữ lại cái lạnh của mùa đông năm trước, hóa ra, ông Năm Mươi, vị thủy tổ  làng ta, đã đánh chết một con thú thần và làm đứt đuôi một con chuồn chuồn, tôi nói,  trong sự vĩ đại của con người vẫn còn có cái gì đó thật dễ thương anh nhỉ, ông Nghè Huân nói, chính là cái gì đó thật dễ thương là rất khó nhận ra,  bác nhỉ, tôi nói trong niềm xúc động, và cứ thấy nhớ nhung một điều gì đó, điều gì thì tôi không biết, 

 

34/  thật ra thì cõi phồn thực máu me đậm chất trần ai bát ngát gió mưa này chẳng hề hay biết có một thứ cõi đời như thế, có một đơn vị bầy đàn như thế, là làng Cù tôi [tức, không hề có một bản đồ đất đai nào ghi tên làng tôi] người ta hơi sức đâu đi để ý đằng sau cái tên đất Rừng Kiến Xứ ghi trong các trích lục ruộng đất thời xưa cũ là cả một tập họp những lủng củng, những cà kê bất tận, của những định mức tồn tại [các thứ khu trú xóm thôn, đường sá, các thứ tập tục về các thói giận hờn, buồn vui …] đúng ra là [như thể] chẳng có ai đứng ra định mức cả, nó cứ bày ra như thế, cứ hiện hữu như thế, từ đời này sang đời khác, từ trăm năm này sang trăm năm khác, lũ ếch nhái thì vẫn kêu la inh ỏi trên đồng làng, đã có người nằm ở ngay hiên hè nhà mình, trông trời, nói: lạy trời mưa xuống/lấy nước tôi uống/lấy ruộng tôi cày, hay, anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than [ai lại chẳng biết chuyện là như vậy], đã có người cột ngựa ở đầu làng, ngâm nga, không phải ngâm nga, mà hát: đất trời cứ rộng thêm ra tiếng con nhạn lạc bầy [con nhạn lạc bầy hay con nhạn kêu sương nhỉ, vân vân] những lời như vậy, những phát biểu như vậy, không thuộc bất cứ cuốn sử chính thống nào của bất cứ triều đại nào, mà nằm trong thứ văn hiến thô mộc của làng, thứ văn hiến gòm có cả tiếng cây cuốc khua nơi hiên hè, gòm có cả tiếng thở của đôi bò kéo cày trên ruộng, gòm có cả cái cách nửa khuya thức giấc ra sân trông trời, thấy vui trong lòng một chút, sao khuya cứ sáng rỡ lên như thế là mưa thuận gió hòa, hay, cái cách chẳng dám nói ra lời nào, cứ lặng thinh ngồi mãi nơi bờ cỏ đồng làng như thế, cái cách ông bà cha mẹ chúng tôi đã đến với nhau để sinh đẻ ra chúng tôi, tôi cứ thấy mình nợ cái hệ hình thô mộc ấy, nợ rất lớn, phải chép ra bằng chữ nghĩa của văn minh thời này chứ, thật ra, đằng sau cái tên đất Rừng Kiến Xứ ghi trong các địa bạ xưa cũ là cả một góc cuộc sống tràn ngập các thứ học nhân chủng, học cổ sinh vật, học lịch sử, học văn chương triết học [chỉ mỗi chuyện lũ ma học nói dưới gốc đa đình làng mẹ phải mất mười mấy đêm kể tôi nghe buổi ấy cũng đủ làm điên đầu những nhà thông thái, vậy thì ma là thuộc loài giống nào lại phải còn học nói ở dưới gốc đa đình làng là nơi thờ thần làng của loài người] làng như thể là thứ thiết kế ngoại hạng, là chốn nghìn năm để cho ai đi xa thấy nhớ, người vẫn cứ dấu mình đằng sau những thô mộc, đêm, người cứ chờ nghe thử ký ức loài giống có thông điệp gì mới không, đêm thâu có nghĩa là để lắng nghe [nghìn năm ngọn gió thổi sau hè/tin sương…] có thể, các sứ giả của của qui trình tiến hóa vẫn đi lại nơi mặt đất [những nhà thiết kế văn chương, triết học và sử học, những tác giả của những đại tự sự của thời đương đại] có thể là đang nghe thấy những tin tức về các cuộc thương nghị giữa con người với tự nhiên, giữa con người với các loài, giữa con người với con người, những thương nghị đầy tính cách đe dọa và tàn phá, nhưng ở làng tôi, đêm, tiếng dế ở ngoài vườn vẫn cứ là thứ ngôn ngữ chuẩn mực, và thiêng liêng, nghe tiếng dế thì mường tượng được thời cha ông của chúng tôi, nhưng vì sao nghe tiếng dế lại mường được thời cha ông, thì tôi không biết,

 

35/  rồi những mảnh ký ức cứ tưởng chỉ là những vụn vặt của buổi ấu thơ lại hiện ra trong tâm trí như thể một thứ công án thiền làm thay đổi cách nhìn thế giới của tôi, anh Cam Sành nói cho em nghe đi, thật ra, tôi đã quên bẵng con Tia con chú Bảy Ngự, cho đến đêm hôm ấy, trong một giấc mơ muộn, khi lũ lính gác mặt trời đánh thức người làng lần đầu [lũ lính gác mặt trời là lũ gà trống gáy/tôi sẽ nói chuyện tích này sau/lũ lính gác mặt trời đánh thức lần đầu là gà gáy lần đầu đó] thì bỗng nghe thấy con Tia con chú Bảy Ngự gọi tên tôi, giấc mơ cũng chỉ chừng ấy, chỉ mỗi lời của con Tia con chú Bảy Ngự, thật ra thì lời ấy là con Tia đã nói với tôi trong lần chúng tôi tranh nhau nói ra sự hiểu biết của mình về một con vật trời, một con bọ ngựa, bọn trẻ chúng tôi gọi là con ngựa nhà trời, và coi như là con vật trời có vẻ thân thiết nhất với tuổi thơ chúng tôi [nguyên văn lời ấy là thế này: anh Cam Sành nói cho em nghe đi, đó là người nào hay chỗ nào/Cam Sành là tên của tôi hồi ấu thơ] đấy là cái buổi trưa tháng tám, mùa thu, mùa thu ở quê tôi thì cái dịu mát của thời tiết đang len vào thứ nắng hạ [gay gắt] đang tàn, buổi trưa tháng tám, tôi với con Tia con chú Bảy Ngự, nhà kế sát nhà tôi, lục đục ngoài bờ rào vườn, bờ rào chung của hai nhà, để tìm bắt ngựa nhà trời, và khi trong tay mỗi đứa đã có một con ngựa nhà trời, chúng tôi bắt đầu tranh luận về quê quán của con vật trời ấy, tức tranh luận về trời, nơi/kẻ đã cử bọn bọ ngựa xuống chơi với đám trẻ chúng tôi, anh Cam Sành nói cho em nghe đi, đó là người nào hay chỗ nào, con Tia con chú Bảy Ngự nói, anh Cam Sành đã nói ra, em Tia không được cãi đấy nhé, tôi nói, được, con Tia con chú Bảy Ngự nói, tôi nói trời vốn là một cái chảo gang thật to làng dùng để nấu xáo bò mỗi lần cúng đình làng, tức cúng trời, rồi có một lần, những người làm công việc nấu nướng đã ăn thử xáo bò trước khi cúng, trời tức giận, đá cái chảo gang bay lên trời, từ đó người làng luôn nhìn thấy một cái chảo thật to úp ở trên đầu mình, tôi nói theo cách cắt nghĩa bầu trời của mẹ tôi, con Tia bỗng nhảy lên, reo, không phải, anh Cam Sành trật rồi, con Tia bắt đầu cắt nghĩa ông trời theo cách của thím Bảy Ngự, là một người đàn ông không có râu, đêm thì ông ấy cứ leo lên ngồi ở chỗ thật cao để nhìn người làng… trời là một ông không có râu, nhưng có rất nhiều con mắt, con Tia kết thúc như vậy, bỗng chúng tôi chẳng nói chẳng rằng, cứ đứng nhìn nhau như chẳng phải là hai đứa trẻ hàng xóm với nhau, cứ thấy như là những kẻ xa lạ, rất xa lạ, bỡi tôi với con Tia thấy không còn đứng chung với nhau dưới một bầu trời [cái chảo gan to tướng thì chẳng có liên quan gì với người đàn ông không có râu] bọn trẻ con chúng tôi là rất hồn nhiên và thành thật, từ cái buổi trưa định mệnh ấy là tôi với con Tia con chú Bảy Ngự không còn chơi với nhau nữa, rồi tôi vào đại học, rồi con bé Tia trở thành cô Tia xinh đẹp ở trong làng, và đi lấy chồng, và chết trong bom đạn của chiến tranh, cho đến khi mảnh ký ức thời ấu thơ ấy hiện ra trong tâm trí tôi, thì tôi với nàng, quả tình, vẫn không còn đứng chung dưới một bầu trời, đâu phải chỉ Rainer Maria Rilke của nước Đức mới viết được ‘‘Sầu ca  Dunio’’, mà tôi, thì tôi cũng có thể viết được ‘‘Sầu ca làng Cù’’ [*] không hiểu sao tôi cứ có thứ cảm tưởng không yên là như thể càng ngày chúng ta càng không còn đứng chung dưới một bầu trời, cho đến lúc lũ lính gác mặt trời ở làng tôi đánh thức lần thứ hai, tôi vẫn còn nghĩ ngợi về con bé Tia con chú Bảy Ngự, và cứ thấy nhớ nhung một cái gì đấy,

______
[*]
làng Cù tôi/mùa đông mang áo tơi chằm lá núi/con cuốc gọi /năm canh rả rích cơn mưa/những trường đoạn buồn vui/gửi hết cho ánh mặt trời/từ làng Cù tôi đi/chân không dám rời đất mẹ/xanh xao giấc ngủ/cơn ác mộng làm nát lòng ngọn gió sớm mai/ở làng Cù tôi/con gà gáy buổi sớm mai/bờ cỏ đồng làng thức dậy/con trâu nhai rơm/người cha khua cây cuốc ở hiên hè/những cuộc tình khởi lên dưới ánh mặt trời/làng Cù tôi/câu hát đồng dao vắt ngang qua đám hoa muồng đỏ thắm/trên núi Voi Nằm/người đi chín mươi chín trường đoạn thâm u/quay về vẫn thấy/núi Voi Nằm đỏ rực màu hoa muồng…/trong DẤU VẾT MẶT TRỜI của tôi,

 

36/  tôi luôn có cảm tưởng là vẫn còn tiềm ẩn một cái gì đó lớn lao, ẩn mật, cả trăm năm qua, cả nghìn năm qua, và chắc là mãi mãi, nhân loại vẫn không nhìn thấy được, chẳng phải, ngay cả buổi con người còn bị các vị thần linh o ép, vẫn có kẻ, ngay giữa ban ngày ban mặt, đã đàng hoàng vẽ lên các  hang động những nghĩ ngợi của mình, là con chim nằm chết trên cành, hay con bò mộng thơ thẩn nhìn trời, thứ vật thể tư duy đã ký hiệu thành hình ảnh, sao con chim lại chết trên cành, và, sao con bò mộng lại thẩn thơ, những thứ như thể là nỗi khắc khoải băn khoăn về những điều chưa rõ, vào những lúc như thế thì thứ tra vấn như thế [về sau lại trở thành thứ gọi là triết học tự nhiên] là còn mang đậm chất thi ca, có thể, giữa thiên nhiên còn đậm màu thần thánh [con suối reo như lời tình tự của đất, hay gió vẫn cứ trút trên ngàn…] sau khi rỉ tai hỏi nhau tại vì sao cơn mưa bất chợt lại làm tắt ngấm ngọn lửa đêm nơi cửa hang động, thì hết thảy lại ôm nhau nhảy múa dưới trời đêm [ô, những kẻ đang say dưới trời tiền sử] hay thứ ngôn ngữ hình thể đẹp vô ngần ấy cũng chỉ là cách tra vấn về những tín hiệu con người nhìn thấy nhưng chưa rõ sự hiện hữu như thế thực chất nó là gì, hay nghệ thuật hang động là niềm day dứt khôn nguôi của con người trước những bí ẩn của trời đất, cơn mưa làm tắt ngấm ngọn lửa đêm nơi hang động chỉ là tín hiệu của một thứ lớn lao ẩn mật nào đó, về sau, con người cũng có thử nói ra tại sao lại mưa, tại sao thì tắt ngấm, nhưng đó cũng chỉ là cái phần sau, phần tiếp theo, phần nối theo, cũng chỉ là những diễn giải duy lý của khoa học thời nay về cái lớn lao ẩn mật, người ta còn viện đến tôn giáo, hay viện đến những nghĩ ngợi siêu hình, nhưng trông ra có vẻ còn buồn tẻ hơn là cách làm của khoa học thời nay [rốt cuộc, cũng chỉ quẩn quanh cùng những tín hiệu/cứ ngỡ là đã qua được phía bên kia bến đợi…] đêm, nằm trong ngôi nhà cũ kỹ tổ tiên tôi để lại, nghe gió rít ở những đầu kèo nhà rổng đầu [gió vẫn cứ rít lên như thế kể từ hôm tổ tiên tôi dựng lên ngôi nhà này] tôi không thể không mường tượng về một khúc phù trầm, cứ tạm gọi thế, chứ còn biết gọi thế nào, cái đoạn khúc từ đó là giang sơn gấm vóc, hoàn vũ này [thế giới này] là một cuộc gấm vóc, chứ gì nữa, một cuộc sinh linh đồ sộ sánh bước cùng trăng sao [ chỗ này thì đẻ ra thứ triết học tự nhiên] cho nên nhân loại cứ ngày đêm thao thức, các thế hệ cứ hao gầy đi vì luôn muốn nhìn thấy cái đoạn khúc phù trầm lớn lao ẩn mật ấy [chỗ này thì đẻ ra lỉnh khỉnh các thứ triết học khắc kỷ, triết học hoài nghi, triết học khoái lạc, triết học phê phán, triết học ngôn ngữ, triết học huyễn thể, phi lý, hậu quá khứ, hậu tương lai, hậu hiện tại…] tôi cũng không biết nữa, nếu như ngày nay nhân loại thấy được, hay nhập vào được cái đoạn khúc lớn lao ẩn mật ấy thì có sung sướng hơn không,

 

37/  cả mấy nghìn năm nhân loại tốn không biết bao giấy bút để nói về cái lớn lao ẩn mật ấy, sách vở của các bậc hiền sĩ triết sĩ bàn về cái lớn lao ẩn mật ấy, trong mấy nghìn năm qua, có thể chất thành kho lẫm, như thể thiên niên kỷ nào cũng có người nói, thế kỷ nào cũng có người nói [cho nên mới chuyện thế kỷ tăm tối, thế kỷ ánh sáng, thế kỷ phục hưng, vân vân] cứ nói hoài về cái lớn lao ẩn mật ấy, nhưng vẫn chưa nói được, các vị lại cải vả nhau, nguyền rủa nhau, đánh nhau bằng mồm [diển giả, diễn thuyết …] có lúc, chuyện bất đồng trong nghĩ ngợi các vị lại lan ra trong nhân loại, làm bùng nổ các cuộc chiến [kể từ lúc nhân loại đánh nhau bằng gươm đao cho đến lúc đánh nhau bằng hạt nhân thì máu người có thể làm đỏ hết thảy các con sông chảy ngang qua mặt đất] ồ, có nhiều người đã nghĩ tới cái cách cứ ngồi yên trên mặt đất, thôi nghĩ […], thở ra, thở vào, thiệt nhẹ, là sẽ nhìn thấy được cái lớn lao ẩn mật ấy, chưa có gì xảy ra đâu, dường như cũng chỉ là một cách chơi có vẻ hơi nghiêm túc một chút mà thôi, chưa nói được, chưa nhập vào được cái lớn lao ẩn mật ấy, cho nên mới chính trường hoài, phe đảng hoài, tôn giáo hoài, văn chương triết học hoài, cho nên ông Trang Tử hơi lẩm cẩm của nước Tàu cổ mới nghĩ ra chuyện vỗ bồn ca, cho nên ông Diogene lập dị của nước Hy Lạp cổ mới uống nước bằng chum, nghĩ ra thứ cosmopolitan/công dân thế giới, tức là kệ nó, thây kệ những chuyện người ta cứ tưởng là lớn lao, cho nên, ở làng tôi, cứ sáng ra, chú Bốn Nhiều lại dàn ra dưới gốc mít sau nhà chú công cuộc đẽo cày, thô sơ, mà bất diệt, có nghĩa không người nào có quyền cũng như có thể bắt chú ấy dẹp đi công cuộc ấy, ngày nào cũng đẽo cày chú thấy có buồn không, tôi hỏi [tôi thường sang xem chú Bốn Nhiều đẽo cày, nhiều lúc trò chuyện cùng chú ấy cả ngày cả buổi, thật ra, đấy là những cuộc phỏng vấn chính nghĩa nhất trong thời đại bùng nổ thông tin này] tôi mà thấy buồn thì cả nhà tôi đói meo, chú Bốn Nhiều nói về cái huyền nhiệm của công cuộc đẽo cày của chú, nói nôm na, là nói về cái kế để nuôi sống con người, như vậy thì chú Bốn luôn cảm thấy vui chứ gì, tôi nói, chú Bốn Nhiều thôi đục đẽo, xoãi cả hai chân lên cái ách cày đang làm dở, nói, ngày nào cũng làm ra thứ tai ách cho lũ bò thì vui gì, chú Bốn nhiều nói, đẽo cày là từ ngữ chỉ cho công việc làm ra các bộ phận của một cây cày: ách cày, bắp cày, mỏ cày, trạnh cày, náp cày, lúc nào đó tôi sẽ viết một chuyên luận về các thứ này, còn bây giờ thì chỉ nói cây cày ở góc độ triết học của nó, cây cày, qủa đúng như chú Bốn Nhiều nói, nó là cái tai ách của lũ bò, nói tóm, cây cày là công cụ để lật đất lên nhờ vào đôi vai lũ bò, tức, bắt lũ bò phải bỏ sức lực ra để kéo cây cày/bóc lột, chú Bốn Nhiều nói với tôi ông không buồn, không vui, khi làm công việc đẽ cày, có nghĩa, ông ở giữa hai cái tâm trạng thông thường của loài người, có nghĩa ông có tâm trạng của riêng ông, tâm trạng của một người đẽo cày [sáng ra, nghe tiếng kêu của con chim truyền thuyết của làng, chim nói thật, lại thấy nhẹ lòng một chút, lại thấy băn khoăn một chút/ ‘‘không có gì đâu’’/dịch ra tiếng người tiếng con chim nói thật] có điều, tôi muốn nói cho chú biết là lũ cây gỗ trên núi đã về tới tay tôi thì phải biết, một hôm, chú Bốn Nhiều vui vẻ nói với tôi những lời như vậy, hay là chú ấy muốn định nghĩa công cuộc đẽo cày của chú ấy là làm cho tự nhiên biến đổi khác đi, hay là có một người đã nhập được vào cái thế giới lớn lao ẩn mật ầy mà không biết,

 

38/  cả hồn cốt máu xương rối tung lên rồi nhập vào nguồn văn tự, thơ nó là cuộc chuyên chở nặng nhọc sức nước ngàn năm, vậy mà chú Tám Hồ vác cây cày đi như không trong suốt cuộc đời mình, dài bảy mươi mốt năm, một cuộc đời như vậy so với thời gian của Einstein thì chẳng là gì, nhưng đặt nó trong cuộc sống ở làng tôi thì đó là quảng thời gian như niềm ao ước lớn lao của mọi người, có nghĩa, ở làng tôi sống tới bảy mươi tuổi là cực hiếm [phải dùng từ cực hiếm mới tả nổi] bỡi làng tôi là miền đất nghèo, và chật, và muốn kiếm miếng ăn cho đúng nghĩa miếng ăn của con người thì cũng khó khăn như các nhà khoa học tìm kiếm chân lý trong tự nhiên vậy, nhưng đó là cách nói cho ra lẽ khi tôi nói về miền đất đã sinh ra mình, với chú Tám Hồ thì chẳng có chuyện ‘‘to be or not to be’’ [Shakespear/ hoặc là tồn tại, hoặc là không] chẳng có chuyện  ‘‘ đời nửa khói mây chìm bóng mộng’’ [thơ Quách Tấn] mọi thứ, với chú Tám Hồ, cả chuyện kiếm miếng cơm manh áo, đều đơn giản, có nghĩa, chẳng có chuyện nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ tới nghĩ lui, có nghĩa, hết thảy những khái niệm bác học về thời gian là chẳng dính dáng gì với chú ấy hết, thời gian chỉ là cái nó đi ngang qua cuộc đời chú, ngày là để làm lụng ngoài đồng làng, và đêm để ngủ nghỉ, chú Tám Hồ chắc mẫm sáng hôm sau thức dậy là sẽ lừa bò ra đồng làng, tức chẳng chút mảy may hoài nghi về nhịp điệu của năm tháng, nhưng đó cũng chỉ là cái cách mô tả cho nó văn chương một chút khi tôi viết về một người cày ruộng ở làng tôi, tôi đang viết địa chí của làng, và thấy bí về chuyện ‘‘con chim quyên xuống đất ăn trùn’’,  tại sao lại nói như vậy, chú Tám, tôi đi hỏi chú Tám Hồ, lập tức chú ấy chỉnh đốn lại tên của một loài chim vốn coi như là thành viên của làng, con chim cuốc lại nói là chim quyên, ai cũng nghĩ là do các tiền hiền của làng nói vậy rồi thành ra câu hát ru con như vậy, chú Tám Hồ nói, tôi nói chắc là vậy [tôi biết chú Tám gọi các nhà thi ca thuở trước là tiền hiền của làng] nhưng tại sao lại nói như vậy, chú Tám,  tôi phải hỏi chú ấy cho ra lẽ chuyện vì sao lại nói con chim quyên xuống đất, chú Tám Hồ không hề nghĩ ngợi, nói,  cũng  là  các tiền hiền muốn nói vậy, con chim nào lại không ăn trùn, muốn ăn trùn phải đỗ dưới đất, chứ đỗ trên cây thì trùn ở đâu để ăn, con chim cuốc muốn ăn con trùn phải đỗ dưới đất là phải thôi, mà đâu phải con chim mới ăn trùn, con cá cũng ăn trùn, chú Tư không thấy người ta đào trùn để đi câu cá đó sao [chú Tám Hồ gọi tôi là chú Tư, có người làng còn thân mật gọi tôi là chú Tư Cam Sành, tức ghép tên Cam Sành thời thơ ấu của tôi với thứ tư của tôi, ở trong nhà tôi là đứa con thứ tư] từ con trùn, chú Tám Hồ đã nối con chim quyên, tức con chim cuốc, ở trên mặt đất, với con cá dưới nước, một bản tình ca về chim quyên, tôi lại thấy cái cách nói về con chim quyên là mới lạ hơn cách nói của các nhà thi ca thuở trước: Giá cô tại giang Nam/ Đỗ quyên tại giang Bắc/Chim giá cô ở bờ sông Nam/ Chim đỗ quyên ở bờ sông Bắc/Trần Danh Án [triều Lê, 1428-1788)], hay Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu/Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm./Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt/Trăng mờ khắc khoải cuốc kêu thâu/Chu Mạnh Trinh[triều Nguyển, 18621905].. mẹ thằng Tộ đi hái lá chè xanh nấu một ấm cho chú Tư uống chơi, chú Tám Hồ nói với thím Tám Hồ, rồi nói với tôi, cây chè chỗ bìa sân nhà tôi là trồng tự thời ông nội tôi, chiến tranh bao nhiêu bận, cây chè có còi cọc, nhưng không chết, hết súng đạn lại ra lá sum suê, đi cày về, mệt, uống bát chè xanh, thấy khỏe, ông bà ta tính toán chuyện gì cũng giỏi cả, chú Tám Hồ lại đọc cho tôi nghe một bản tình ca nữa, một bản tình ca về đất, tôi lại tới nhà chú Tám Hồ nữa, tới để hỏi tại sao lại nói gió táp mưa sa, mà không nói mưa táp gió sa, cũng là do các tiền hiền thời trước thôi, nắng hay mưa gì cũng gay go hết, chú Tám Hồ nói, tôi cứ có cảm tưởng, một người như chú Tám Hồ, hiểu biết  từng chút lý lẽ của đất đai, cả đời chỉ biết có đất đai, có vẻ như không hề biết ở trên đầu mình, ngoài bầu trời xanh cao, là còn có một guồng máy trị nước, có nghĩa, không hề hay biết về việc mình là kẻ đang sống trong một guồng máy nhà nước to lớn, tôi cứ có cảm tưởng thật buồn cười, rằng, đối với chú Tám Hồ thì một lễ đăng quang rầm rộ của một vì vua hay cái văn bản trị nước đồ sộ ồn ào phải hằng trăm  nhà cai trị bàn luận tháng này sang tháng khác là không quan trọng bằng một cơn mưa trái mùa bất chợt đổ xuống đồng làng, chú Tám Hồ chết, tôi cũng bắt chước người làng vốc nắm đất làng thả lên mộ chú, nhưng tôi thì muốn ngoéo tay riêng với chú ấy, để bắt chú ấy hứa với tôi là đi đến đâu cũng phải kể những câu chuyện về đất đai như từng kể với tôi, làng, và thế giới, và những ngọn lửa chưa tàn,

 

39/  nhưng di sản tổ tiên làng tôi để lại không chỉ có đất đai đồng làng và những con người có gương mặt thật chưa bao giờ phản trắc nhau mà còn có cả một kho báu gòm những thần tích, thần tụng,  những dấu vết, dấu tích, sự tích, những ngợi ca các vị thần linh đã được định vị vào các không gian, thời gian, bỗng những gương mặt quen thân trở thành cái cổ sơ thiên thánh [tháng tư thần đồng ruộng đi nói cho những người cày biết lúa đồng làng sắp trổ, tháng chạp thần vườn khiến cho hương thơm cây trái lan ra …] ban đầu chắc chắn là chỉ truyền nhau bằng miệng, và khi có chữ viết [chữ Hán rồi chữ Nôm] tổ tiên tôi mới chép thành sách…”người cứ đi như vậy từ đêm này qua đêm khác, từ ngày này qua ngày khác, phong sương đến rã rời tâm trí, rồi một hôm có con ve sầu hát, người dừng lại, nghe, mới vỡ ra, không phải chỉ có mỗi người, mà vạn hữu trong trời đất đều trong cuộc tìm kiếm/THẦN TÍCH/SỰ TÍCH THẦN ĐỒNG RUỘNG/ bản dịch chữ quốc ngữ của Nghè Huân, tôi đọc, và cứ thấy cái trí tuệ to lớn của tổ tiên tôi, câu chuyện nào cũng toát lên vẻ thống khoái, cao khoát, người đấy, mà thần đấy, dường bấy giờ những bậc tiền nhân của làng đã nhận ra cái tương thông mãi sau này khoa học đương đại mới nhận ra: sóng là hạt, và hạt là sóng, hiện thực là ảo ảnh, và ảo ảnh là hiện thực, chuyện là bấy giờ tổ tiên tôi đã nhìn thấy có kẻ đang ngắm nhìn hạt lúa đồng làng rồi dựng ngọn bút lên, viết, người cứ đi như vậy từ đêm này qua đêm khác…thần tích là sự tích về cái chót vót cao sang, thay vì nói thần linh, thì nói có kẻ tận chót vót cao sang…”người ngủ để  bộ râu trong nắng, lũ chim rừng tưởng rừng cây, đậu lên, hót, hà hà, chẳng sao đâu, cứ hót nữa đi, người xua tay, nói, và cứ nằm im vậy để lắng nghe, tháng sáu, lúa gieo trì trên đồng làng đang rục rịch làm đòng [trỗ bông] trưa mùa hạ như thể khúc ru nghiện ngập giai điệu buồn chán và nặng nề, ta có qua hết các mùa hoa trái, hương đất trộn nước mắt của kẻ ruộng vườn, thì ta, thần đồng làng, chẳng qua cũng chỉ là cường điệu lên hình thù của những mong muốn, chỉ nghe người nói, người có khóc hay không chẳng biết, chỉ thấy cái cảnh trí như thể đang đọng lại trong sắc màu phong nhã, hốt nhiên chẳng nhìn thấy người, lũ chim vội vã đi nói cho thế giới biết người đã thôi giấc trưa hè/THẦN TỤNG /VỀ GIẤC TRƯA  HÈ CỦA THẦN ĐỒNG RUỘNG/bản dịch quốc ngữ của Nghè Huân, tôi đọc, cứ thấy thần đồng làng tôi giống với thần điền dã trong Prélude à l’après midi d’un faune/Khúc dạo đầu cho buổi xế chiều của thần điền dã, âm nhạc của Claude Debussy…Faune, l’illusion s’échappe des yeux bleus/Et froids, comme une source en pleurs, de la plus chaste/Thần điền dã, ảo ảnh vùng ra  khỏi đôi mắt xanh /Và lạnh lùng như nguồn nước mắt của sự trong trắng nhất/L’APRES-MIDI D’UN FAUNE/BUỔI XẾ TRƯA CỦA THẦN ĐIỀN DÃ/STEPHANE MALLARME…thơ của Mallarmé lại vang lên trong âm nhạc của Claude Debusy, các vị thần ruộng đồng đông tây kim cổ lại gặp nhau trong những giọt nước mắt trinh tiết, tôi đọc thần tụng về giấc trưa hè của thần đồng ruộng của làng tôi không biết bao nhiêu bận, và cứ có thứ ấn tượng như thể là nói về ai đó, quen lắm, là nói về những người cày ruộng làng tôi ư, hay con người trần thế là những vị thần ở chốn trên cao bước xuống đất tham dự vào cuộc cần lao khổ ải,

 

40/ người bảo chúng tôi gọi người là chim vư, con chim vư của chúng tôi là hồn cốt của những bản tình ca ruộng vườn, buổi ban đầu có thể là người sai bảo ai đó đi rao truyền rằng người là con chim vư sinh ra từ hoa cỏ lư, hoa cỏ lư thì như thể là đôi cánh của những bản tình ca về bầu trời nhiều mây [anh có đi xa mấy cũng đừng quên đôi mắt chim vư, đôi khi mắt em cũng giống mắt chim vư, hay, hoa cỏ lư thì kín đáo như lúc nàng mỉm cười nhìn tôi…] cho đến khi nghe người nói người là chim vư mới biết người là một cuộc lãng tử kỳ hồ, tuy có hơi lao đao, bỡi người vừa là thần ruộng đồng vừa là chim vư, nhưng nó là cuộc giang hồ lừng lẫy, cái nội hàm hiện hữu của người như một sức chứa, bỡi người vừa là thần minh, người cai quản cả đất đai và cả con người của đất đai thì không thần minh là gì, vừa là chim vư bay vào tận những nghĩ ngợi của chúng tôi, vào những chiều có rán đỏ, có thể là có mưa, thì người, hay con chim vư gõ lên cây cần giuốc chỗ đầu làng chúng tôi , nghe như có ai đó, những khách quí của làng đang kéo vào làng thì phải, cái cách hót vui như thế làm tiêu tan hết những lo âu, những sớm mai nắng nhạt, có thể là có gió lớn, biết là có thể có bất thường, nhưng người là con chim vư vẫn cất tiếng hót theo cách con dồng dộc bón mồi cho con trên cây cần giuốc, cái cách làm cho kẻ khác ấm lòng, những đêm oi nồng, có thể là có nắng lớn, cái cách trở mình của người là con chim vư trên cây cần giuộc là vô cùng điềm tĩnh như thể nói với mọi người chẳng việc gì đâu, lời người thì giản dị, đấy là thứ hương đất đêm tỏa khắp chốn chúng tôi thường nghe thấy như tiếng của nghìn năm, lời người thì giản dị và có sức lan tỏa vậy, nhưng người lại làm con chim vư để hót, bỡi hót thì dễ vào lòng người lắm, người là vị thần đài các nhất trong các vị thần, bỡi  người mang trong thân thể người màu hoa cỏ lư như hội tụ của màu mặt trời mặt trăng buổi hồng hoang và cái cách cách thư thả đứng giữa trời của cây cần giuốc/SÁCH THẦN TỤNG/TẤU KHÚC CHIM VƯ VÀ NHỮNG GƯƠNG MẶT CỔ SƠ,

 

41/ và ngay cả chuyện đất Nhụ trở thành câu chuyện thù tạc như vậy là cũng thuộc về hệ thống huyền thoại thời a còng [@], đất Nhụ, chính xác ra là do mẹ tôi đặt ra, khi bà kể chuyện về những vùng đất xung quanh núi Nung, và khi nói đến dãi đất phía nam núi Nung mẹ tôi gọi là đất Nhụ, ở đó, cho đến lũ sâu tằm sắp sửa lên giàn bủa cũng có một thứ nghi lễ, mẹ tôi nói, tôi cũng đã quên nói là mẹ tôi vốn thừa hưởng thứ phong vị văn chương cổ kính từ ông ngoại tôi/ ảnh hưởng di truyền [ngoại tôi là ông nghè Hán học cuối cùng ở làng quê ấy] cộng với chất phong nhã bẩm sinh của cha tôi/những tác động khách quan [cha tôi cày ruộng nhưng lại đọc thi văn] thành ra, mẹ tôi khi rời việc nội trợ để kể chuyện cho tôi nghe, thì ngôn ngữ của mẹ như thể là đêm trước của thi ca, tuổi thơ tôi, thật sự là rất mê đất Nhụ qua lời kể của mẹ tôi, một hòn sỏi đất Nhụ cũng biết phân lẽ trắng đen, con à, mẹ tôi nói, tôi cứ thấy tiếc sao không có một con hạc trời để cho tôi cỡi vào miền đất tuổi thơ đầy mông mị của mình mà phải đi xe đò, sản phẩm của văn minh cơ giới, buổi ấy, để ôn lại chuyện đất Nhụ mẹ kể, tôi lại ra hiên hè ngồi nhìn núi Nung, và đã dứt điểm trong lòng, rằng, chẳng đời nào tôi có thể đi tới chốn thần tiên ở phía bên kia ngọn núi Nung cao vút ấy, chính xác ra không phải tôi đi đất Nhụ ở phía bên kia núi Nung để bù đắp sự thiếu thốn của tuổi thơ, mà vì thứ tin tức làm rúng động thế giới, ‘‘không có ta thế giới này chỉ là sa mạc’’, lời ngài A ba la xa [*] vua đất Nhụ, đã làm rúng động thế giới, tôi cứ mường tượng, sau khi ngài A ba la xa chết thì làng Cù tôi chỉ còn là cái rẻo hoang vắng nằm trong cõi sa mạc mênh mông, thật ra là tôi không tin có một hiện thực như vậy sẽ xảy ra sau khi ngài A ba la xa chết, nhưng có một sự thật, rằng, người ta cứ gọi ngài A ba la xa là nhà tiên tri của thời đại, một sứ đồ [không biết của ai, nhưng người ta cứ việc gọi là sứ đồ] và lời của ngài ấy [‘‘không có ta thế giới này chỉ là sa mạc’’] như thể thứ tin tức quan trọng nhất của thời đại, có thể người ta cũng giống như tôi là không tin sau khi ngài A ba la sa chết thế giới trở thành sa mạc, nhưng ai cũng muốn đến đất Nhụ để xem thử con người ngài ấy nó ra làm sao, chỉ có tôi và một ông già mù xuống xe ở ngả vào xứ sở của ngài A ba la sa, đất Nhụ với vua Nhụ chỉ là những từ dành riêng cho cuộc đời tôi, nó là thuộc về tuổi thơ tôi, bây giờ người ta gọi đất Nhụ của tuổi thơ tôi là xứ sở của ngàn hoa, hay xứ sở của ngài A ba la xa, và không phải vua, mà là tổng trưởng, ngài tổng trưởng A ba la xa, hóa ra ông già mù vốn là nhà khảo cổ học của nhiều năm trước đã bị bọn giàu có ở đất Nhụ chọc cho mù mắt bỡi trong công trình viết về dãi đất phía nam núi Nung có câu: bọn nhà giàu đã cấu kết với bọn nhà nước ở đây để ăn cắp cả đất đai của tổ tiên để lại và cả tiếng lũ chim hót trên bờ tre, trộm cắp như rươi, ở xứ sở này dễ sinh ra kẻ dã man lắm, ông chỉ nói với tôi thế, rồi chống gậy quờ quạng bước vào đám rừng cây tái sinh ở trước mặt, ông nói là ông đi tìm lại ngôi mộ của người bạn đã bị bọn nhà giàu sát hại ngày ấy, tôi đứng một mình giữa miền đất của tuổi thơ, có phải là ông không lầm lẫn đấy chứ, tôi nghĩ ngợi về nhà khảo cổ mù lòa, đã nghe thấy có chút rạn nứt [hay đã là vết nứt hẳn hoi nhỉ] trong niềm cảm xúc khi tôi đã thực sự đứng trên miền đất mộng mị của tuổi thơ tôi, không phải đâu, lũ sâu tằm là đang sắp thành hàng dài trên lưới bủa để bước vào cuộc sinh tồn mới mẻ, cứ như niềm long trọng của một nghi lễ thác sinh dằng dặc những ẩn chứa siêu linh, cái cũ, và cái mới tinh anh, có phải là thác sinh không nhỉ, hay chỉ là nhả tơ để làm ra cuộc sinh nhai khác, tôi lại thấy tuổi thơ tôi lềnh bềnh trôi trên những phiêu lưu sầu mộng, lá úa bay ngang qua cái đêm ngồi nơi hiên hè, bên mẹ, đất Nhụ, miền đất thần tiên của tuổi thơ cứ mập mờ trong trí tưởng, một con ong đang rỉ tai lũ bướm đang hút mật hoa, thảng thốt âm ba cổ độ, ở đây, khi mùa đông đến, mưa, lá ướt hoài, đất ướt hoài, con trâu nằm trong chuồng nhai rơm hoài, sốt ruột chờ cho hết mưa để ra đồng làng, con người chờ đất mở lời, sau mưa, đất sẽ nói với con người thật nhiều về chuyện cây lúa sắp trỗ trên đồng làng, mẹ tôi giảng cho tôi nghe, trí tưởng tượng của mẹ tôi cũng thật ghê gớm, từ trí tưởng tượng của mẹ, tôi lại tưởng tượng ra chuyện đất Nhụ đã cử thần coi ngó lũ chim trời đến bày cho tôi cách bẩy chim, mùi thịt chim te te nướng, một thời, như thể làm rối tung rối mù cả một nền văn hiến dài lâu của xứ sở, buổi ấy, tôi cứ đường hoàng ngồi trên trên đôi cánh mẹ tôi mà tưởng tượng ra đủ các thứ sắc nước hương trời, bà đã chuyên chở tôi đi suốt chặng đường tuổi thơ của tôi, nếu không có con chim nhồng nhắc nhở, tôi vẫn cứ còn ngồi trên đôi cánh của mẹ tôi, khi đã bước vào ngôi làng như thể nhà nào cũng có một lồng chim nhồng treo ở hiên hè, tôi vẫn còn chìm ngập trong ký ức tuổi thơ… ngài A ba la xa thần thánh… ngài A ba la xa thần thánh… con chim nhồng trong chiếc lồng treo ở hiên hè ngôi nhà ấy cứ rống lên thế khi thấy tôi bước vào sân, người đàn ông chủ nhà vái chào tôi, nói, ông mới đến nên chưa biết tập tục ở đây, con chim trời nhắc nhở ông đó, là phải biết kính trọng ngài A ba la xa, người đàn ông chủ nhà nói, rồi sụp xuống sân, lạy, và đọc… ”sau ta hết thảy chỉ là sa mạc”… thì ra, tôi đã hiểu ra, đó là diễn giải lời ngài A ba la xa [ ‘‘không có ta thế giới này chỉ là sa mạc’’/là kinh/ ”sau ta hết thảy chỉ là sa mạc”/là luận/là lời thành kính thốt ra từ cửa miệng đám dân chúng của ngài/ôi lá úa bay ngang qua…] lạy đi chứ, người đàn ông chủ nhà thấy tôi vẫn còn đứng ngây người ra, thì nhắc, để tỏ ra mình là kẻ biết tôn trọng nền văn minh của kẻ khác, tôi cũng quì xuống sân, lạy, và cố gắng đọc, ”sau ta hết thảy chỉ là sa mạc”…tôi đọc, và cứ thấy kinh hãi trong lòng, rất kinh hãi, thì ra, con người tôi muốn gặp, ngài A ba la xa ấy, lại có thể làm cho đám dân chúng của ông trở thành  ngu muội, từ con người cho đến con vật đều ngu muội,

_____
*] tôi tra cứu nhiều cổ thư mới biết vua A ba la xa đã sửa luật nước của ông để làm vua cho đến khi chết, sách Cổ Quái Tinh Hoa cũng có nhắc…”vua ấy mặt dài, mũi quắm, mắt trắng dã, quả là kẻ tàn bạo”

 

42/  rồi con người thì cứ chờ đợi, rồi những điều không muốn nhìn thấy cứ xảy ra, thế giới như thể cứ muốn lừa gạt con người trong cuộc phân phối ân huệ [phân phối chứ không phải phân phát] việc  con người có được những ân huệ thịt xương, hơi thở, trí tuệ, và cả những đại tự sự của đất nước lửa và khí, như thể là chuyện tất yếu, bỡi không có những thứ ấy, những ân huệ ấy, không có hiện hữu con người, và kéo theo sự không hiện hữu của những thứ khác, không có hiện hữu con người thì cả mặt trời mặt trăng và cả những cuộc hoành tráng làm náo động các thứ sử sự, các cuộc trôi, cuộc lở, cuộc tạo lập… hết thảy đều là hư vô, không có hiện hữu con người thì không có gì hết, bỡi khi con người đứng che mắt, nhìn trời, nói, cái này tên gọi thế này, hoặc, cái kia là một cuộc đi không ngừng nghỉ, hoặc, cái đó chỉ là một đoạn khúc phù trầm [Shopenhauer: thế giới là ý chí của tôi/tức, thế giới là nghĩ ngợi của tôi] con người qui định thế giới, nhưng thế giới lại quay sang phản trắc con người là sao [?] hắn là một thế kỷ triết học, hay hắn là một hệ thống lịch sử, hay hắn là một guồng máy chuyển động, một guồng máy cai trị, hay hắn chỉ là một ngôi vua, chỉ là một gã vua ngu, tôi không biết, thế giới là gì mà lại có thể xóa tên một bầy đàn, xóa sổ một nền văn minh, hay có thể đi lại giữa những lầm than, lo âu, sợ hãi, ngôn ngữ nhân loại như thể  không diễn đạt nổi những sản phẩm của chính ý thức nhân loại [ em, đêm không phải im bặt vì cuộc tình chúng ta/cuối cùng thì các dòng sông cũng âm thầm đi ra biển] trăng sao vẫn là trăng sao thuở trước, ở đó, như thể vẫn còn nghe thấy tiếng cựa mình của đất, một cuộc lở, một cuộc trôi, nghìn năm vẫn cứ còn nhìn thấy hòn cù lao lẻ bóng, biển khơi nó là để cho hòn cù lao lẻ bóng, không phải tôi muốn làm cho các sự vật ngổn ngang hồn cốt, nhưng rõ rằng, rằng, ở làng Cù tôi, ngày, con trâu cày trên đồng làng khát nước, đêm thì lũ chim vạc kêu sương, chỗ để cho nhân loại thấy vui và đủ sức  chờ điều mình hoài nhớ là vạn hữu vẫn âm thầm gọi tên nhau,

 

43/  và niềm khao khát còn ẩn dấu trong cả tiếng cựa mình vào lúc nửa khuya của con chim ấp muỗi, hay trong cả cái cách sáng ra chưa rõ mặt anh Bốn Bửu nhà sát cạnh nhà tôi đã ra sân ngồi hút thuốc, vừa hút thuốc vừa nhìn trời, lại dụi thuốc, đằng hắng lên mấy tiếng thật to như sửa soạn nói ra điều gì đấy, lại thôi, tiếp tục hút thuốc, sáng ra thì anh Bốn Bửu lại ra sân ngồi hút thuốc, và nhìn trời, và lẩm nhẩm gì đấy với lũ gà đã ra khỏi chuồng đến quấn quít quanh anh, nhưng lần này thì anh ấy chỉ đằng hắng mấy tiếng, rồi im lặng hút thuốc, chính là cái cách anh Bốn Bửu như đang khao khát điều gì đó làm cho tôi cảm thấy không yên, sáng ra nghe anh Bốn Bửu đằng hắng đằng phía sân nhà anh là tôi thức dậy, nằm nghĩ ngợi đủ thứ, rồi lại chạy sang anh ấy, làm địa chí của làng mà chưa nói được gì về anh ấy thì tôi chưa yên lòng, làm sao địa chí của làng lại không có con người lời lẽ ít oi nhất làng ấy, ở trong làng, dường như anh Bốn Bửu là người không dám dùng ngôn ngữ của tổ tiên để lại để nói ra những nghĩ ngợi của mình, tồn tại như thể cứ làm cho ta luôn cảm thấy không yên, đằng sau tiếng cựa mình vào lúc nửa khuya của con chim ấp muỗi là ẩn chứa bao nhiêu điều bí ẩn, con chim ấp muỗi muốn cho đêm ngắn lại, hay con chim ấp muỗi muốn mình không phải là chim ấp muỗi, chúng ta không phải là chim, chỉ có thể đoán định bằng thứ cảm xúc sinh linh, có thể hết thảy sự sống trong trời đất này là có chung cùng thứ cảm xúc sinh linh, sự giao động như thể thứ cộng hưởng có tính tiền nghiệm, đôi khi con người có thể cảm nhận được một nét xuân xanh của núi, hay cái hao gầy của vầng trăng đầu tháng, nhưng cái cách cựa mình của tôi vào lúc nửa khuya thì có giống với cái cách cựa mình của con chim ấp muỗi hay không thì tôi không biết, lần ấy thì cuộc chuyện trò giữa tôi và anh Bốn Bửu cũng chỉ đưa tôi đến bến bờ mà phía bên kia vẫn là miền trời tôi chưa hiểu hết, lũ gà thì cứ quấn quít quanh anh ấy như thể chúng vẫn coi anh là cùng giống loài với chúng, chú Tư thức dậy chi sớm vậy [đôi khi anh Bốn Bửu lại gọi tôi là chú Tư Cam Sành] anh ấy biết chất vần tôi tại sao tôi thức dậy sớm, nhưng khi tôi chất vấn anh vì sao anh dậy sớm thì anh chỉ cười, không có câu trả lời, chỉ cười, dường như cả đời anh Bốn Bửu ở làng tôi là không có câu trả lời nào khi người ta hỏi anh về điều gì, bất kỳ người ta hỏi anh về điều gì thì anh cũng chỉ cười, như thể cười là câu trả lời cho hết thảy những vấn nạn trong cuộc sống, nhưng lần này thì khác, lũ gà của anh Bốn như càng ngày càng thân thiện hơn với anh vậy, chứ gì nữa, loài người chúng ta với lũ gia súc gia cầm trong nhà đều là vật nuôi của trời mà anh, tôi nói, lần này nghe tôi nói anh Bốn Bửu không cười, mà hút thuốc liền hơi, có vẻ nghĩ ngợi dữ lắm, tôi nói là tôi đang làm sách cho làng, có anh ấy ở trong đó, tôi nói ở trong sách ấy thì anh ấy đang trò chuyện với lũ gà, tôi nói anh thì nói, còn lũ gà thì cứ nhao lên [thì ra tôi cũng mới dự định thế] tôi nói tới đó thì anh Bốn Bửu cướp lời tôi, phải đấy chú Tư, tôi phải nói với lũ gà chứ chú Tư, có nhiều thứ sáng ra là tôi muốn nói với lũ chúng lắm, như thể là trời sắp sập vì anh Bốn Bửu bỗng nói thật nhiều, cứ nhìn cung cách của anh tôi biết là có bao nhiêu niềm khao khát trong anh bấy lâu bị nén chặt giữa thứ ngôn ngữ bị anh tiết chế, niềm khao khát của con người cứ như sự ẩn dấu tiền nghiệm, nó đã sẵn đó tự bao giờ, và rồi người ta lại đem gửi vào mưa nắng, hay gửi vào vận mệnh,

 

44/  rồi niềm khao khát trong tôi cứ thôi thúc tôi  thiết lập một cuộc hội ngộ giả định,  phải gặp bất kỳ một ai đó trong cõi trần gian bát ngát sử sự này, một cuộc hội ngộ bất kỳ có thể làm cho vơi đi niềm khao khát vốn như thứ thuộc tính  cố hữu của con người trần thế, làng Cù tôi cách hòn tháp tiền tiêu của kinh đô cũ Vijaya chừng năm cây số đường chim bay như thể một gợi ý đầy tính sử thi [hay một gợi ý định mệnh nhỉ] tôi đã quyết định làm một cuộc gặp người con gái Chiêm quốc [*] thuở ấy, bên  ngọn tháp cũ như thể luôn toát lên vẻ ưu tư trầm kha của một dân tộc đã mất, cuộc hội ngộ giả định đã diễn ra như một gợi ý lích sử, em cũng chỉ là chút linh hồn lưu lạc giữa thế giới con người thì tàn nhẫn độc ác hơn là thân thiện, nàng nói,  những lời lẽ thù ghét cuộc đời ấy không phải của một cô gái bình thường, một vương phi của vương triều Vijaya thất thế chăng, hay chỉ là một cô gái Chiêm từng trải, tôi không dám hỏi nàng là ai vì sợ chạm vào nỗi đau của một linh hồn thương tích, năm hai mươi tuổi em bị đày đến đất Đại Việt, những người trong cuộc đi đày tứ tán mỗi người một phương, đêm nghe tiếng gà Hóa Châu cứ thấy nhớ đất quê, nàng nói, tiếng gà Hóa Châu ư, một thời đấy là chốn biên cương của Chiêm quốc, tôi biết đây chỉ là cách nói của một người đã bị đuổi ra khỏi tổ quốc của mình, nhưng là nàng bị đuổi khỏi tổ quốc của nàng tự lúc nào,  tôi lại phải nhớ lại những cuộc lấn chiếm Chiêm quốc của tổ tiên Đại Việt của tôi: năm 1044 vua Lý Thái Tông đích thân cầm quân tiến đánh Vijaya chém vua  Sạ Đẩu, bắt vương phi Mị Ê/năm 1069 vua Lý Thánh Tôn có Lý Thường Kiệt làm đại tướng quân đem quân đánh chiếm Vijaya, bắt vua Chế Củ, vua vào thành  Đồ Bàn múa gươm/  năm 1377 vua Trần Duệ Tông đánh thành Đồ Bàn và tử trận/ năm 1470 vua Lê Thánh Tông chỉ huy 100 ngàn quân 150 ngàn chiến thuyền tiến đánh Vijaya, qua năm sau thì vào được thành Đồ Bàn bắt được vua Trà Toàn và đem Vijaya nhập vào Đại Việt, Vijaya trải dài năm thế kỷ, từ 988 đến 1471 [theo ghi chép trong Doanh Nhai Thắng Lãm của Mã Đoan, viên thông ngôn của Trịnh Hòa là nhà hàng hải và nhà thám hiểm người Trung Quốc đã đến đất Vijaya khoảng năm 1413, thì kinh đô Vijaya  thời kỳ ấy được miêu tả như vầy: Đi theo hướng tây nam một trăm lý thì sẽ tới kinh thành nơi nhà vua ngự, người ngoại quốc gọi là Chiêm Thành. Kinh thành có lũy bằng đá bao quanh, ra vào qua bốn cổng… Điện vua thì cao và rộng, phần mái ở trên lợp ngói nhỏ hình thuẫn; bốn bức tường bao quanh có đắp trang trí công phu bằng gạch và hồ, rất gọn ghẽ. Các cánh cửa được làm bằng gỗ cứng, chạm trổ hình thù dã thú và cầm súc. Nhà cửa dân cư trong thành lợp mái tranh, chiều cao mái hiên (tính từ mặt đất) không quá ba thước, ra vào phải khom lưng cúi đầu, ai cao quá thì thật là bực mình]  vậy thì nàng bị  đày vào lúc nào, tổ quốc của mỗi người cứ giống như một cổ xe trời chở ta đến bất kỳ bến bờ nào ta muốn, tổ quốc là một cổ xe trời ông à, nàng nói, cho đến lúc đó tôi mới nhìn kỹ nàng, vẫn là một cô gái hai mươi tuổi, có nghĩa, vẫn trẻ trung như lúc nàng bị đi đày, hay thời gian chẳng là  cái  quái gì cả đối với một người đã bị người ta cướp mất tổ quốc, hay thời gian thì chẳng làm được gì chân lý lịch sử, tôi không biết, và bắt đầu mường tượng  những hoạn nạn lịch sử, có phải mi là thứ bóng tối man rợ đã đổ xuống giữa tiếng kèn saranai, nhịp điệu hùng thiêng của một giống dân luôn yêu mặt trời ở trên đầu, tôi nói với thứ thế lực lịch sử đã đem nàng ra khỏi miền đất tiếng kèn saranai ngày ngày vẫn chảy trong mạch máu của nàng, có phải mi là thứ hố thẳm vỡ ra từ thứ thế giới tăm tối, thứ hố đen vẫn cố bám lấy  mặt đất văn minh loài người vẫn đang truy tìm, tôi nói với lòng dạ đen tối của đám quan quân thắng cuộc, tôi nói, và thấy nàng đang nép mình nơi khe hở lịch sử ngắn ngủi và đầy ruổi ro [ người con gái bị đọa đày nơi non xa nước lạ cứ như chiếc bóng phù sinh thoáng giữa phù trầm…] em cứ rán thở vào thở ra đừng để cho tắt thở giữa chừng, cứ rán đến đâu hay đến đó ông à, nàng nói, lời của kẻ mất tổ quốc là còn buồn hơn cả cảnh tận thế như chẳng đời nào thấy xảy ra trong tưởng tượng của nhân loại, tôi lại mường tượng cảnh dắt díu nhau đi giữa những bạc đãi của cuộc sống, những cuộc thiên di chẳng giống chút nào lũ chim đi trốn nắng trốn mưa, tại vì sao, tôi muốn hỏi lịch sử tôi đang sống ở trong nó, tại vì sao bỗng dưng lại phải dắt díu nhau ra khỏi tổ quốc của mình, chắc là lâu lâu ông lại nghe trống baranưng ở cố đô Vijaya chứ gì, hồi ấy đám con gái bọn em vẫn nhảy  theo trống baranưng, nàng nói, và cầm lấy tay tôi, hãy nhảy với em đi, bây giờ là nhảy baranang, bấy lâu em chỉ nhảy một mình, nàng nói, tôi ôm lấy nàng và bắt đầu múa may theo nàng, về nghệ thuật Chiêm quốc tôi cũng có biết chút đỉnh, nhưng chưa thấy có sách nào nói vể điệu nhảy baranang, hay là nàng đã nghĩ ra cách nhảy một mình ấy cho vơi bớt nỗi sầu đau của một người mất quê hương, tôi với nàng ôm nhau nhảy điệu baranang bên ngọn tháp tiền tiêu ấy suốt mấy tháng liền, cho đến đêm chúng tôi cảm thấy người  mệt lã, cùng tựa lưng vào ngọn tháp cổ mà ngủ, tôi thức dậy vào lúc nghe lũ gà làng Cù tôi gáy sáng, thấy chỉ mỗi mình tôi ngồi giữa đất trời bao la,

____
[*]
trích bút ký của  Nghè Huân trong TÂN TRUYỀN KỲ MẠN LỤC:
…làm xong bài tự thuật, trong đó có câu “trông suốt bầu trời chỉ thấy mây bay phơi phới” vua sai vực mình ra ngồi dựa ghế ngọc, truyền ngôi cho thái tử, rồi chết, ông vua ấy ở ngôi ba mươi tám năm, lấy hiệu Quang Thuận mười năm (1460-1469), lấy hiệu Hồng Đức hăm tám năm (1470-1496), và lúc chết cũng cao sáng như lúc sống, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gòm mười chín cuốn, thì đã dành đến hai cuốn để chép cho ông vua ấy : “…sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thật là bậc vua anh hùng, tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được”, và ngày hôm đó ngự giá khởi hành, trời mưa nhỏ, có gió từ phương bắc thổi lại, nên vua có thơ rằng “bách vạn sư đồ viễn khải hành, xao bồng vũ tác nhuận quân thanh”, trăm vạn quân lính mở đường đi xa, giọt mưa lách tách đập vào buồng thuyền làm tăng thanh thế của binh sĩ, ngày hôm đó là ngày mười sáu tháng mười một, mùa đông, năm Canh Dần, 1470, sau khi ban hăm bốn điều quân kỷ, vua thống lĩnh hăm sáu vạn binh tiến về phương nam làm cuộc bình Chiêm, giữ yên cõi bờ của nước, ở đất Hóa Châu người dân Đại Việt đêm nằm nghe tiếng con gà dân Chiêm gáy ở bên động Cổ Lũy, nhưng đấy là chuyện của người dân hai nước Chiêm, Việt,  còn chuyện phên dậu giữa hai quốc gia thì phiền tạp, nhiêu khê, có chuyện ngự giá bình Chiêm của vua Hồng Đức là do trước đó bốn tháng, vua Chiêm, Trà Toàn, đã xua quân xâm lấn Hóa Châu,

 

45/  rồi khi cơn mưa đầu mùa mưa đổ xuống, người làng Cù tôi đêm lại đốt đuốc lên ra đồng làng soi ếch, cuộc tìm kiếm thức ăn có nhỉnh hơn thời tiền sử một chút cứ vậy mà diễn ra giữa buổi văn minh người ta có thể số hóa hết thảy các thứ niềm cảm xúc, biết được cái thói quen, đúng ra là biết được cái cách mưu sinh của lũ ếch là thứ kiến thức bác học của tổ tiên chúng tôi để lại [đêm nghe tiếng ếch kêu vang trên đồng làng ta cứ có cảm tưởng thứ văn hiến tổ tiên ta thiết lập đang chảy suốt qua những nghìn năm như thể thứ nỗi niềm bất khuất/trích Tân Truyền Kỳ Mạn Lục của ông nghè Huân] đếch sợ, nếu có một ông nước ngoài nào đó, đêm, chận đầu người làng đi soi ếch, hỏi, what do you do, anh làm chi vậy, thì, thật ra, nếu đó là một nhà khảo cứu văn hóa thì có thể dừng lại, thưa, là đi tìm thức ăn đó, nhưng nếu đó là một ông ở phố Wall nước Mỹ chẳng hạn, hay một ông thuộc loại đam mê chứng khoán chẳng hạn, nói tóm, nếu đó là một tay thích vung tiền qua cửa sổ, thì có cắt nghĩa soi ếch là sao cho đến cuối thể kỷ người ấy cũng không hiểu nổi, bỡi đó là cái cách của văn hiến, chứ không phải cái cách làm ra tiền, nhưng có nỗi khổ lớn lắm, gọi là bi kịch, mà những người như chú Bảy Tỵ, chú Bốn Nhiều, anh Bốn Bửu, và rất nhiều người làng nữa ở làng tôi không hiểu nổi, là các ông nhà giàu đó, các ông nhà đang nắm cái yết hầu của thời đại đó, là có liên quan một cách khẩn thiết với chuyện đi kiếm thức ăn của người làng tôi, bỡi người làng tôi không phải chỉ ăn thịt ếch mà còn phải mặc áo quần, phải uống thuốc khi đau yếu, còn phải đi xa đâu đó bằng xe cộ, ôi thế giới nó cứ như thể nồi xáo chuối bò mỗi lần có cúng đình làng ở làng Cù tôi, xáo chuối bò là món nấu hổ lốn gòm có ruột bò, gan bò, cật bò, lách bò, da bò, với cây chuối cây thái mỏng, tức một cuộc xáo trộn thức ăn, ở đó, chẳng còn có thể phân biệt thứ này thứ kia, tức, ở đó là một hệ thống triết học của sự hổ lốn, nhưng những người như chú Bảy Tỵ, chú Bốn Nhiều, anh Bốn Bửu, và rất nhiều người làng nữa ở làng tôi thì đếch cần biết thế giới nó có giống với nồi xáo bò hay không, cứ cơn mưa đầu mùa mưa đổ xuống thì đêm lại đốt đuốc lên ra đồng làng soi ếch, cuộc tìm kiếm thức ăn ấy cứ như một thứ niềm bất khuất, nhưng đấy lại là thứ bi kịch [lớn lắm] của con người đương đại, tôi cảm thấy buồn, và đi đọc Rainer Maria Rilke [Đức, 1875-1926] … Ô nụ cười: ở đâu? Ô cái nhìn đăm đăm/sự mới mẻ, ấm áp, ngọn sóng đang tan ra của con tim/ô, chúng ta là thế. Có phải khoảng trống vũ trụ/chúng ta tan vào, rồi hương vị của chúng ta? Có phải các thiên thần/thực sự chỉ lấy lại những gì thuộc về bọn họ hay những gì tuông chảy từ bọn họ/hoặc đôi khi, nếu bằng cái nhìn tổng thể, một vài thứ gì đó/thuộc về sự tồn tại của chúng ta, như điều tốt đẹp? Có phải khi chúng ta lẫn vào/tương lai của bọn họ là khi có tình trạng mơ hồ trong những gương mặt/của những người phụ nữ đang mang thai? …/ O smile: where? O upward gaze: new, warm, vanishing wave of the heart – /oh, we are that. Does the cosmic space/we dissolve into, taste of us then? Do the Angels/really only take back what is theirs, what has streamed out of them/or is there sometimes, as if by an oversight, something/of our being, as well? Are we as mingled with their/features, as there is vagueness in the faces/of pregnant women?… /BI CA DUNIO/KHÚC 2,

 

46/  rồi những chủ thuyết, chủ nghĩa, nó là những ngọn gió sặc mùi đa đoan thế sự những trăm năm qua vẫn lượn lờ trên đầu đám dân đi chân đất [mi đâu phải là hồn cốt núi sông/trích Tân Truyền Kỳ Mạn Lục của ông Nghè Huân] những chiều vàng ố màu sử sự, người làng lại thấy giật mình, ngồi bó gối, nhìn trời, nghĩ ngợi, tâm tư nó là ngổn ngang thứ thời tiết bất thường của thế giới, những trầm tích lịch sử cứ vậy mà lắng xuống, chìm xuống, những âm ba, ngọn sóng trần thế cứ âm ỉ các thứ đau thương, mất mát, nhưng các vị là ai, lâu lâu lại nhớ lại một gương mặt, nhớ lại một đoạn khúc phù trầm, cái chết bao giờ cũng đến sớm hơn ta tưởng, nhưng sử văn bao giờ cũng vậy, vẫn một mực ung dung để nói về nó … ngày hăm bảy tháng hai, Tân Mão, 1471, vua tự mình đem đại quân phá thành Thi Nại, chém hơn một trăm thủ cấp, ngày hăm tám tháng hai, vua tiến vây thành Đồ Bàn, ngày mồng một tháng ba, hạ được thành Đồ Bàn, bắt sống hơn ba vạn, chém hơn bốn vạn thủ cấp, và bắt sống được vua Chiêm, Trà Toàn, đất Đại Việt từ đấy trải dài đến tận núi Thạch Bi, bên kia đỉnh Cù Mông, cực nam tỉnh Bình Định ngày nay, chép theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, kỷ Lê Thánh Tông… , ví dụ vậy, những chuyện như vậy người ta nói là chuyện làng nước, nhưng làng là thứ địa chỉ lịch sử nhạy cảm, rất nhạy cảm, cái cách chú Bốn Nhiều đẽo cày đặt ra câu hỏi với tôi coi như chú đi hỏi thử một người có chữ nghĩa như tôi là tại sao đời chú phải trải qua nhiều thể chế chính trị như vậy và thể chế nào cũng tuyên bố sẽ làm cho người nghèo hết nghèo nhưng cho đến giờ đời chú vẫn nghèo vẫn ngồi đẽo cày là thứ nhạy cảm nằm ngoài dự định của các nhà chép sử, và tôi, trong sách địa chí của làng, tôi sẽ nói gì về chú Bốn Nhiều, một người cày ruộng tự mình biết làm ra cây cày để cày giống như người hát rong biết làm ra bài hát để hát, hay chú Bốn Nhiều làng tôi cũng là kẻ hát rong, và nếu chú là kẻ hát rong thì chú ấy hát bài hát gì nhỉ, tôi không biết, chỉ biết, theo lời chú ấy thì cuộc đời chú ấy đã trải qua nhiều thể chế chính trị, có nghĩa, có bao nhiêu văn bản trị nước vẫn lượn lờ trên đầu chú ấy, có nghĩa, cả đời chú vẫn đi cày ở bên dưới những đại tự sự chú không bao giờ hiểu hết, vẫn đi cày, và đêm vẫn nghe con chim vạc thảng thốt kêu sương,

 

47/  nhưng những đại tự sự của đất nước lửa và khí luôn là niềm bí ẩn dài lâu kích động và làm giàu có niềm cảm hứng thi ca và triết học của nhân loại, mấy thiên niên kỷ rồi vẫn chưa nói hết câu chuyện của dòng sông, không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông [Heraclitus] hay, nước sông cứ chảy suốt ngày đêm thế này sao [Khổng Tử], câu chuyện về dòng sông thì nhiều người nói lắm, đến nỗi, ở làng Cù tôi có người phải bỏ ra cả đời ngắm sao trời, luận về thiên thể, địa thể, nhân thể, để nghĩ ra cái cách ngửa nón sang sông mà chưa nghĩ ra được, gọi là kẻ gọi gió sai mưa, pháp sư đó, đến nỗi, ở làng Cù tôi, ông Nghè Huân phải viết Tân Truyền Kỳ Mạn Lục, ta đang nói về quyền phép của đất nước lửa và khí đó, một hôm, ông nghè Huân nói với tôi vậy , và đưa bản thảo Tân Truyền Kỳ Mạn Lục cho tôi đọc, có phải là ông ấy viết về những đại tự sự của đất nước lửa và khí không nhỉ…’’ bỗng có một người sai người đến nói với người làng ta, rằng, hãy bỏ lão ta đi, truất lão ta đi, bỡi lão chẳng làm được gì cho đất nước, ta mà thay lão cai trị xứ sở này thì lúa gạo ăn không hết, tinh thần mở ra cho tới các cõi siêu linh [ý ông Nghè Huân muốn nói chuyện tự do tôn giáo] dứt bỏ lão ta đi, đừng nghĩ ngợi gì nữa, mấy hôm sau, thật ra, người làng ta chẳng có ai vác gậy gộc hay súng gươm đi đánh đổ người ấy, người đòi đánh đổ người ấy đã xuất hiện ở làng ta, người đòi đánh đổ người ấy mặc đồ Tây, đi xe Tây trên con đường quan ngang qua làng ta, người làng ta đã có lệnh sắp thành hàng dài hai bên con đường quan để chào đón người đòi đánh đổ người ấy và khi xe của người đòi đánh đổ người ấy đi ngang qua thì người làng ta phải hô lên: đức ông vạn tuế, chín năm sau, người làng ta lại sắp thành hàng dài ở hai bên con đường quan để chào đón người vừa mới đánh đổ người chín năm trước người làng ta đã chào đón, khi xe ô tô của người này ngang qua thì người làng ta cũng hô lên câu đã hô chín năm trước: đức ông vạn tuế, hết thảy những chuyện như vậy cũng chỉ để làm cho rõ nghĩa câu hát ru: ngó lên hòn núi Chớp Vung/ thấy hai con thỏ nằm chung với mèo’’ tôi đọc một hơi đoạn đó, và đến gặp ông Huân, chất vấn: như vậy thì sao gọi là quyền phép của đất nước lửa và khí, ông Huân bảo: anh cứ thử kiếm một cái gì ở ngòai thứ quyền phép ấy cho tôi coi, quả tình, mọi thứ đều có vẻ bí ẩn, chuyện những người ấy thay nhau để cai trị đất nước tôi cũng bí ẩn ngang với chuyện hai con thỏ nằm chung với mèo, tôi cứ có cảm tưởng như vừa trải qua niềm thảng thốt lịch sử,

 

48/  và những ngọn lửa vẫn cứ cháy lên đâu đó, và con người thì vẫn bước đi trong thế giới như thể đã quen thuộc từ lâu, chỉ có điều, mỗi hoàng hôn tắt nắng thì cũng thấy có chút gì đấy trong cảm xúc như là niềm luyến tiếc, hay nỗi hoài nhớ, chưa phải, ngôn ngữ có vẻ không diễn nổi thứ tâm tư khi bóng đêm đổ xuống nghe con chim bịp kêu chiều thì thấy buồn, một chút tâm tư như vậy, thoáng qua như vậy, bỡi, sau cái khoảng khắc ngày làm lụng, đi lại, nói chung là náo nhiệt, giờ làng xóm bỗng rơi vào cảnh yên tĩnh, nhà nào nấy lo, quét dọn vườn tược, cho đám heo gà ăn, rồi cùng ngồi lại với nhau trong bữa cơm tối, có chuyện vãn thì cũng chỉ đủ cho những người trong nhà nghe, hoàng hôn tắt nắng như thể là để chấm hết một ngày, như thể là cái thở phào nhẹ nhỏm của những người đi chân đất, có thoáng buồn [hay bỡ ngỡ] một chút khi ngày đã hết, nhưng đấy vẫn là thứ thời khắc để cho những nhọc nhằn cả đời của mình tạm rời khỏi mình, và có thể, sau đó, sẽ rơi vào một giấc mơ nào đó trong đêm, có thể ở trong mơ sẽ nhìn thấy ngày hôm sau đẹp hơn, có nhiều niềm vui hơn, có điều, hết thảy những gì xảy ra sau đó, dẫu đẹp hơn, hay vui hơn, cũng vẫn là những thứ quen thuộc trong cách nhìn của những người đi chân đất ở làng tôi, và những ngọn lửa vẫn cứ cháy lên đâu đó, những ngọn lửa để tạo ra những giấc mơ, tạo ra các thứ đại tự sự của con người, những ngọn lửa làm cho con người có thể tiếp tục bước đi trong cái thế giới có vẻ đã quen biết từ lâu, nó, những ngọn lửa, cuộc tạo sinh vĩ đại ấy, thực ra, là thuộc chủ thể tư duy, nó nằm trong chốn suy nghĩ bẩm sinh của chú Tám Hồ ở làng tôi, nhưng khi tôi thử hỏi chú có nhìn thấy nó hay không thì chú nói là không thấy, thấy chú Tám Hồ âu yếm tắm rửa cho lũ bò cày của chú chổ con mương đồng làng, tôi hỏi thử, chú Tám có biết tại vì sao chú lại thương yêu lũ bò của chú hay không, thì chú ấy bảo, mình quí lũ bò thì săn sóc chúng chứ còn biết chuyện gì nữa, rõ ràng là chú Tám Hồ không hề hay biết có ngọn lửa, cuộc tạo sinh vĩ đại ấy, vẫn cháy lên ở trong chú, khiến chú phải hành động thế này thế nọ ở trong cuộc đời chú, những hành động như thể từ một nỗi hoài nhớ nào đó, tri thức nhân loại như thể một thứ thảng thốt triết học,

 

49/  tôi lại muốn thiết lập một thứ thời gian giả định cho những hiện hữu theo cách của tôi, thứ thời gian cho tôi có thể đi lại, ăn ngủ, nghĩ ngợi, và gặp gỡ những ai tôi có thể nói ra những điều tôi muốn nói, a con chim quyên đã thôi xuống đất/những dòng chảy đặc quánh niềm hoang tưởng, nham thạch của lịch sử, vẫn cứ tuông qua những bến bờ bất định/có thể đó là nơi chốn của kết tụ tăm tối và lầm lẫn, sử văn thường gọi là thời u ám/vẫn cứ đổ xuống những chiều cô tịch/với cát trắng, với nắng nung/với nghìn trùng hoang vắng, và với xương khô của những thiên kỷ cấm kỵ còn sót lại/ cát trắng thì cứ quánh dần lại/và xương khô thì cứ trắng hêu ra như sự phản trắc đã bị tẩy xóa…tôi đã nhìn thấy ở làng tôi đêm đến thì gã sứ giả của sự giả dối lấp ló ở bờ tre sau nhà để chờ cơ hội truyền bá thứ chủ nghĩa mạt hạng của gã, có gan cứ đối mặt người làng việc chi phải lén lút, tôi hét lên thế vào một đêm tháng tư, nóng bức, và lũ đôm đốm đang làm sáng bờ tre, gã mặt trắng đã chường ra gặp tôi [đám sứ giả của sự giả dối thường là những thằng mặt trắng] ta vừa mới từ hội nghị thơ thế giới quay trở lại đây [gã nói vậy là thừa nhận đã lén lút ở bờ tre nhà tôi lâu lắm ] thơ nó là hơi thở của nhân loại, cho nên nó là âm vang thế giới, ta từ hội nghị thơ thế giới trở về đây là để phổ biến cho toàn thể những người làm ra thơ biết chân lý của thơ [đúng là một thằng hống hách/gã nói với tôi mà cứ như không có tôi đang đứng trước gã] đấy là chân lý của thơ, gã nhắc lại mấy định nghĩa về thơ vừa nêu, và bắt đầu ca ngợi cái rốn của con ễnh ương [ở làng tôi ai cũng biết ễnh ương là cùng loài giống với ếch nhái, một con ễnh ương đôi khi được hiểu một cách nôm na là anh trai hay chị gái của một con ếch] đó là tín hiệu của sự bày tỏ chân lý [ý gã muốn nói cái rốn là một tín hiệu của chân lý] nó cứ bày ra đó giữa đất trời, không hề dấu diếm bất cứ thứ chi [ý gã muốn nói cái rốn con ễnh ương nằm nơi bụng con ễnh ương luôn phơi bày ra đó] chỉ có điều, khi, từ đó tích lũy thứ sức lực để phát ra thứ tiếng nói có hơi to lớn một chút nhưng đấy là sự thật của hoàn vũ [ở làng tôi người ta vẫn nghĩ con ễnh ương phải lấy hơi bụng đến căng rốn ra mới phát ra được tiếng kêu] gã đang giảng giải chức năng sinh lý của cái bụng con ễnh ương thì đột nhiên ngưng lại, đổi sang thứ chất giọng còn lớn hơn giọng của một con ễnh ương [ở làng tôi khi nghe ễnh ương kêu người ta cứ nghĩ đến thứ tiếng nói của một loài quỉ ma to mòm nào đó] này, hết thảy những người làm ra thơ phải nhớ điều này, ta từ hội nghị thơ thế giới trở về đây là để nói cho các bạn biết điều này, là giữa một bài thơ với cái rốn con ễnh ương là có mối liên quan tiền định, gã nói, và làm tôi cứ thấy nhớ đến câu nói của Hegel: ‘‘cái có thực là cái thuần lý, và cái thuần lý là cái có thật’’, thì ra Hegel đã bày cho gã sứ giả của sự giả dối nói về mối liên hệ giữa thơ và cái rốn con ễnh ương [tức, theo Hegel, thì gã cứ việc nghĩ giả dối là đức tính tốt đẹp của con người thì lập tức sự giả dối trở thành tốt đẹp/ôi/ nước non nặng một lời thề…] lũ đôm đốm có vẻ sợ hãi sao đó, bay tán loạn, còn tôi thì cứ có cảm tưởng nhân loại sắp đối mặt với đám phiến quân vô cùng nguy hiểm, và khi nghe như có tiếng ễnh ương kêu giữa mùa nắng thì chú Bảy Ngự nhà sát nhà tôi đã thức dậy,

 

50/  trong thứ thời gian giả định, tôi đã gặp lại nàng, người con gái của dáng vẻ vô biên [Những buổi trưa hè buồn tẻ [em] tìm thấy anh được nuôi dưỡng/Noons of dryness find you fed /H. AUDEN/LULLABY/KÚC RU] nàng ra đi vào lúc ngọn gió chướng thổi vào làng tôi làm đổ ngã toàn bộ loài hoa tiểu muội trong các khu vườn trong làng, lũ ong và lũ ruồi cánh mỏng bơ phờ đói khát bỡi lương thực của lũ chúng bấy lâu là dựa vào loài hoa tiểu muội nở quanh năm, ngọn gió chướng gần như làm đảo lộn toàn thể nền văn hiến được mặc định trong cách đi đứng, nói năng, nghĩ ngợi, giao tiếp, buồn, vui, mừng, giận của người làng, không phải nàng muốn ra đi, mà vì không còn chịu đựng nổi sự ve vãn trân tráo của bọn thuyết khách, bọn người cố dùng thứ ngôn ngữ hoa mỹ, khiêu động để che giấu sự dối trá của chúng, chim chóc cũng bơ phờ dưới bầu trời âm u đầy vẻ tiêu trầm huống hồ là con người, đêm tôi lại nằm mơ, lúc thì thấy nàng bị đám thuyết khách, môn đồ của của thứ chủ nghĩa mạt hạng bức hiếp, lúc lại thấy nàng lạc vào các cuộc ẩu đả của đám chính khách mặt to nơi các chính trường đang diễn ra những cuộc tranh giành quyền lực, em sẽ trở lại thôi, có lúc lại nghe thấy những lời gượng gạo mà thành thật của nàng vang lên từ một vùng trời hiểm trở nào đó con người thì đang hấp hối vì đã chờ đợi quá lâu một phiên bản mới mẻ về cách trị nước của đám người thống trị, tôi vẫn cứ mong đợi nàng, và người làng tôi thì vẫn phải cố thủ trong một cuộc sống đang trong cảnh tiêu tán, vào những ngày ấy tôi thấy nhớ nàng ghê gớm, hóa ra người con gái của dáng vẻ vô biên của tôi là toàn bộ những vẻ đẹp kỳ khu, sầm uất, một trăm năm một nghìn năm con đường làng vẫn làm chùng bước khách lãng du, không thể không dừng lại, nhìn ngó, dẫu một chút sắc lông của một con chim nhỏ, nhưng giờ thì không còn là con chim nhỏ, mà là truyền thuyết về cách thức sinh tử của buổi ban đầu con người muốn tìm cách dừng lại nơi mặt đất, con chim nhỏ bây giờ là truyền thuyết về cuộc cư trú đầu tiên của thế giới, muôn thuở hương thơm của đất và những ngọn lửa cư trú trong trí tuệ con người cứ tràn ra khỏi chữ nghĩa thi ca, không chuyên chở nổi đâu, chữ nghĩa ấy, tôi muốn nói với các bậc đại trí đã bỏ ra cả cuộc đời để dùng chữ nghĩa mô tả thế giới, cái đơn vị cư trú có thể đó là hình thái cư trú đầu tiên, chỗ chôn nhau rún của tôi, làng, là tràng giang đại hải những cuộc tình của con người và của cả chim chóc, cỏ cây, chữ nghĩa không chuyên chở nổi nó đâu, ngay cả trong buổi trùng phùng gặp lại chúng tôi cũng vẫn giữ lặng im, nàng trong bộ áo khinh cừu, tôi thấy nàng mặc áo khinh cừu, còn tôi, đêm cuối năm đang nghĩ ngợi về những ngọn lửa chưa tàn, và nàng đã hiện ra ngay giữa ngọn lửa đang cháy trong tôi, biết là ngôn ngữ chẳng thể diễn được những gì tôi và nàng muốn nói ra, chúng tôi vẫn giữ lặng im, thật lâu sau tôi mới ôm lấy người nàng, người con gái của dáng vẻ vô biên của tôi, và bắt đầu cảm thấy có gì đấy như là nỗi sợ hãi, hay là tôi lại sợ mất nàng lần nữa, hay là tôi đã nhận ra một thứ sự thật đáng sợ là tôi sẽ mãi mãi chẳng thể diễn tả nổi thứ vẻ đẹp kỳ khu, sầm uất, em/nhan sắc phù vân vẫn cứ ẩn náu giữa những tháng năm khốc liệt, hay là tôi cũng chỉ là một thứ thảng thốt lịch sử,

 

51/  và truyền thuyết lại làm tôi rối tinh rối mù trong nhận thức về thế giới… mi có thể là buổi sớm mai [hay buổi hoàng hôn] của các vị thần vẫn lưu lạc giữa trí nhớ nhân gian, tôi thầm nói với con chim truyền thuyết của làng tôi, sáng nay, bỗng con chim truyền thuyết của làng tôi làm rối ren nhận thức của tôi, tự buổi ấu thơ tôi đã thấm đẫm nét êm đềm dị mộng: con chim truyền thuyết ấy đã dẫn dắt tôi vào bao nhiêu miền trời xa lạ, những cuộc rong chơi bạt mạng dưới các cơn mưa trái mùa có cầu vồng bảy sắc trên đầu, những chuyến truy đuổi các thứ hình bóng cổ xưa: cầu cơ, cầu hồn, hay chọc ghẹo các vị thần làng nơi ngôi đình làng cổ kính nằm núp dưới bóng cây da mấy trăm năm tuổi, những tưởng tượng cao xa, khoái hoạt, nếu không nói đôi khi là hiểm nguy, bỡi mỗi sáng thức dậy, tôi còn nằm trong vòng tay mẹ đã nghe thấy tiếng kêu của con chim ấy: trăm trâu khó cột… vậy đấy, tự buổi ấu thơ tôi đã nằm lòng tiếng kêu của con chim truyền thuyết được chuyển sang tiếng người theo cách của người làng tôi, giờ đây, trong cuộc rong chơi điền dã, tôi có thể nghe tiếng con sơn ca trong âm nhạc của Ralph Vaughan Williams [Cho tiếng hát cho đến khi lấp đầy thiên đàng của chim/Đó là tình yêu đất đai chim thấm nhiễm/For singing till his heaven fills/Tis love of earth that he instils/Lark Ascending/Ralph Vaughan Williams(Anh, 1872-1958)] hay một chút trăng mầu nhiệm trong âm nhạc của Claus Debussy [ Clair de Lune/Claus Debussy(Pháp, 1862-1918)] nhưng chim trăm trâu ở làng tôi là một góc điền dã khác, một đoạn khúc hoàn vũ khác, bỡi nó đã làm chấn động tuổi thơ tôi, cứ vậy mà chàng trai chăn trâu đã gầy dựng đàn trâu lên đến trăm con, trâu thì ăn lá rừng, người chăn trâu thì ăn trái rừng, trâu với người cùng uống nước suối rừng, làm sao chàng trai biết thần núi ấy đã ăn hết đàn trâu của mình, cho đến khi đàn trâu không còn con nào, chàng trai chăn trâu vẫn cứ tưởng mình không đủ sức chăn dắt chúng, không muốn bỏ rừng mà đi, chỉ hóa thành chim [truyền thuyết chim trăm trâu] buổi ấu thơ tôi mê chuyện chim trăm trâu như mê chuyện Tấm Cám, ngày ngày con chim ấy đậu trên những ngọn cây trên các khu vườn trong làng để tự trách mình: trăm trâu khó cột, tôi nghe và cứ nghĩ là con chim truyền thuyết ấy trò chuyện với tôi, trí tưởng tượng cứ lớn dần và chim trăm trâu đã thành vị thần điền dã của tuổi thơ tôi, làng, hóa ra là chốn của những gì lạ thường nhất, không việc gì đâu, tôi lại nhái tiếng chim theo cách của tôi, cái cách nhái tiếng chim của tôi như thể là ngày ngày con chim thần khuyến khích tôi cứ việc rong chơi phá phách, thế giới cứ như một thứ cấu trúc hổ lốn, thần núi lại đi ăn trâu của thần điền dã, và thần điền dã thì theo an ủi tôi, cho đến giờ vị thần điền dã của tuổi thơ tôi vẫn chưa hay biết chi về chuyện thần núi đã ăn hết đàn trâu của mình, ngày ngày vẫn cứ đậu trên các ngọn cây trong làng để tự trách mình: trăm trâu khó cột,

 

52/  chỉ có vầng trán u buồn của lịch sử mới cắt nghĩa nổi vì sao cứ đứng ở đầu con đường vào làng mà nhìn thì thấy ngôi làng thân yêu của tôi như lúc nào cũng bao phủ thứ khí hậu như thể làng là kẻ trầm cảm [hay trầm uất nhỉ] hay đấy là hệ quả của toàn bộ những gì của lịch sử cuộc sống đã để lại cho nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, hay làng quê chẵng qua là thứ trầm kha lận đận sau những bão tố của quá khứ, tôi không biết [Nữ thần Muse hãy nói với tôi tại sao, những gì phụ thuộc vào thần tính của nàng, hoặc những gì làm phật ý nàng, Nữ hoàng thiên đàng có phải là người cai quản quá tuyệt vời trong bản chất tốt đẹp để vượt qua quá nhiều tai họa, đối mặt quá nhiều cực nhọc? Có phải sự giận dữ là quá tàn nhẫn trong tinh thần thiên thể? /Muse, tell me why, for what attaint of her deity, or in what vexation, did the Queen of heaven drive one so excellent in goodness to circle through so many afflictions, to face so many toils? Is anger so fierce in celestial spirits?/VIRGIL/AENEID] hay là có một vị thần linh nào đó, một vị thần đương đại hẳn hoi, chứ không phải là nữ thần Muse trong tác phẩm Aeneid của Virgil, muốn thử sức những người đi chân đất ở làng tôi: để cho lũ các người biết lũ các người là một nỗi buồn…có những phút giây, tuy không chắc lắm, nhưng tôi đã nhận ra sự thể, đó là những lúc tôi nhìn thấy nỗi thống khổ chúng làm như thể chẳng dính dáng chi với những người đi chân đất ở làng tôi, chú Tư coi đường cày của thằng Lắm nhà tôi coi như yên ổn rồi đó, anh Bốn Bửu nói, rất vui, đồng làng tôi đang mùa cày vỡ, tôi đi lấy tư liệu cho cuốn địa chí của làng, tư liệu về chuyện học cày, thằng Lắm con anh Bốn Bửu học cày vào lúc lên tám, rõ ràng là đã nhìn thấy sự yên ổn trong lòng anh Bốn Bửu, chú Tư coi nhà thêm người cày coi như thêm lúa gạo rồi đó, anh Bốn Bửu nói, như thể với anh thế giới này chỉ là chuyện nhà có nhiều người cày hay ít người cày, lúa gạo, cái đích cuối cùng của người cày ruộng, có điều, như thể hết thảy những người đi chân đất ở làng tôi không hề biết có một thứ là nỗi thống khổ đã bước vào cuộc đời mình rất sớm, sự thể là tôi đã nhận ra ý đồ của hắn, không phải thử sức, mà là áp đặt, lịch sử là cuộc áp đặt dai dẳng, con người vẫn cứ tiếp tục bước về phía đã được phát thảo, toàn bộ những thứ gọi là văn minh nhân loại là thứ phác thảo cho một cuộc đi dai dẳng, những cách thức dựng nước, giữ nước, trị nước [những nền văn hóa] những cách thức đi vào cõi trăng sao [những phát kiến, phát minh] con người với con người và với hoàn vũ, con người phát thảo toàn bộ những tương quan vĩ đại ấy, muốn là sáng sủa văn minh, nhưng lắm khi tăm tối man rợ, hắn, những tăm tối man rợ [những chủ nghĩa mạt hạng, những bọn học đòi làm chính khách, bọn chính trị gia nói cà lăm, bọn triết gia văn gia giả cầy…] luôn ngụy trang trong bộ dạng của một vị thần đương đại làm cho anh Bốn Bửu, cha của thằng Lắm đang học cày, và có lẽ là toàn bộ những người đi chân đất ở làng tôi, bị mờ mắt đi, không còn hay biết là nỗi thống khổ đã bước vào cuộc đời mình từ rất sớm, tôi cứ lòng vòng với chữ nghĩa như thể không thể thoát ra khỏi ngôi làng quê nhỏ bé của mình, bỡi nhân sinh nó rắc rối đến nỗi nghe kẻ nào cũng xưng là chính nghĩa, kẻ nào cũng xưng là thông thái, thấy rõ ràng là chúng giết người cướp của nhưng đến khi tin tức loan truyền thì bảo là chống bạo loạn/cứ vậy mà nghe theo gió cuốn đi những mảnh hồn… để cho lũ các người biết lũ các người là một nỗi buồn, những tăm tối man rợ hắn nói thật đấy, chẳng lẽ nhân loại cũng chỉ là một thứ thảng thốt lịch sử,

 

53/  rồi nỗi hoài nhớ cứ như mảnh hồn sông núi ẩn khuất trong trí nhớ nhân gian, vào những lúc đã rời khỏi cuộc chen lấn cơm áo, đêm, hay buổi sáng thức dậy nằm chờ một ngày nữa, cứ thấy ta còn thiếu một cái gì đấy, cứ thấy nhớ nhung một cái gì đấy, thứ nổi niềm vô thức mà lừng lẫy như ngọn lửa cháy mãi trong hết thảy các cuộc hành trình của nhân loại, rồi tôi cũng gặp được tổ tiên tôi trong niềm hoài nhớ vô thức ấy, người là thời gian cô đặc thành minh triết, ông của cháu là tổ phụ thứ mấy mươi của cháu vậy nhỉ, tôi thử hỏi về độ dài thời gian tổ tiên tôi đã trải qua, nhưng người chỉ cười, bảo, tổ tiên con người nó là một thứ giấc mơ, đôi khi thoáng hiện như nỗi nhớ, còn hình hài thì chỉ là một cách thế của tri thức, người nói với tôi những lời cao sâu như vậy, rồi lấy từ ngực áo của người ra một giải yếm hồng, nói, đây là ký ức của một đoạn khúc tháng năm được giả dụ thành sự vật, người nói, giọng nói của người cứ như một thứ đằng đẵng của nuối tiếc, mong đợi, thế giới nó là cuộc đằng đẵng của cả những lừa dối, tàn bạo, giết chóc, và của cả những phút giây con người nhận ra mình là hiện hữu cao cả, cháu của ông à, người nói, và sờ lên mái tóc màu minh bạch của người, một nghìn thứ luật lệ trần gian đã trút lên đầu của ông của cháu, chuyện thường ngày ở làng mà cháu, có tay trưởng làng thì dòm ngó từng lời nói của ta, có tay trưởng tổng thì hạch hỏi ta đủ điều, thân ai, ghét ai, có tay trưởng huyện thì bắt ta phải thuộc lòng những lễ nghi cùa hắn đặt ra, dường đám cai trị thời nào cũng sợ dân không ưa chúng, chống lại chúng, nhưng con người đâu phải chỉ có mỗi chuyện bị cai trị hỡ cháu, sáng ra ta còn phải ra đồng làng, hết thảy đám cày ruộng  bọn ta là vậy, đồng làng là chốn để bọn ta lui tới, không có đồng làng thì sống với cái gì nào, chén cơm ăn cũng lấy từ đó, câu hát ru con cũng lấy từ đó, lễ nghĩa với trời đất cũng lấy từ đó, tháng sáu, con mương đồng làng khô nước, con bò uống nước giếng không đã khát, đứng nhìn trời đất, khóc, ta thấy lòng ta quặn thắt, người nói chuyện con bò khát nước và tôi thì nhận ra mối liên quan sinh tử giữa vạn hữu, nhưng cả chuyện cái chết của người và cả chuyện người trở về làng để gặp tôi cũng chẳng dễ dàng chút nào, sau này nhớ lại ta mới biết, lúc ta chết thì đám người cầm quyền đang nhân danh là người của cuộc cách mạng giải phóng con người dẹp hết các thứ  lễ nghi tổ tiên để lại, đi chôn ta không cờ không trống như đi chôn một con vật, người làng khiêng quan tài của ta ra đất thổ mộ của làng, đặt quan tài của ta xuống huyệt, lấp đất là xong, người đang nói về cái chết của mình, bỗng ngưng lại, thở dài, vẻ ngao ngán, trên đường trở về đây để gặp cháu ta phải trải qua vùng cấm bay am mà tò, cháu ạ, bọn chúng gọi vùng cấm bay của chúng với tên gọi như vậy, am mà tò là thứ đường biên của lòng tham muốn khốn nạn, cách chiếm cứ mặt đất thô bạo nhất trong lịch sử chiếm cứ, nhưng ở xứ Phù Lỗ thì người ta vẫn tiếp tục truyền thống ăn thịt người, cháu của ta à, ở đâu cũng thấy có cỗ đầu người kèm thứ diễn văn sặc mùi hiếu chiến và thù hận, nếu ông của cháu không cải trang thành ông tổ ăn thịt người của bọn chúng thì chúng đã thịt ông, thế giới ngày nay khác rồi, lũ các ngươi hãy thôi chuyện ăn thịt người đi, ta giả giọng ông tổ ăn thịt người của bọn chúng, nói, rồi bước ra khỏi xứ sở ấy trong thứ thời gian giả định, thật ra thì trong thứ thời gian giả định cháu mới có thể gặp được ông của  cháu, tôi nói, ta biết chứ , người nói, chúng tôi trò chuyện  cho đến khi nghe gà trong làng gáy lần đầu, giờ ta phải đi thôi, người nói, tôi biết giờ thì tổ tiên tôi chỉ có thể trú ngụ được ở bên ngoài trần gian ô trọc, nên chỉ lặng lẽ tiễn người ra tận đầu làng, đang đi, người bỗng khựng lại, bảo, ta nghe như có mùi man rợ phương bắc trong gió sớm cháu ạ,

 

54/  nhưng dẫu có xảy bất cứ điều gì làng vẫn cứ như là thành trì của trăm năm nghìn năm gió mưa đi về giữa thứ triết học của tiếng hát chim cu, mong manh vậy mà chống cự được những thế lực tăm tối, anh nói về thứ triết học của tiếng hát chim cu, người làng bảo anh là kẻ có thể vạch mặt bọn người đi giày rơm giả đứng về phía của người nghèo, ta phải làm cho cả thế giới biết thế giá của bọn chúng chỉ là sự giả dối, anh nói về bọn người đang tụ tập trên mặt đất tuyên bố đủ điều to tát thật ra chỉ là một lũ người giả dối, mùa xuân, anh bước đi trên thứ đường biên làm bằng tiếng hát chim cu, tức, có cả bầu trời cao trên đầu, có cả ngọn gió tháng giêng cưu mang cả mùi biển mùi rừng và mùi đất đồng làng, có cả những ký ức còn nguyên [có người cột ngựa ở đầu làng trò chuyện suốt bảy ngày bảy đêm với người làng rồi hết thảy kéo nhau về phía có ánh mặt trời để đòi bọn cướp đất phải trả lại những gì chúng đã cướp đi, và có người cứ đứng hoài giữa lịch sử để nói hoài về hương thơm của đất đai và cây cỏ…] cứ lắng nghe, ta sẽ có tất cả, anh nói, có một loài chim cứ bay qua bay lại hoài trước mặt anh, do anh tâm sự với mọi người nên mới biết có chuyện như vậy, ta gọi nó là con phượng hoàng của thời đại, thì cứ gọi đại thế, bỡi xưa nay phượng hoàng vẫn được xem là loài chim sang trọng, cứ nhìn ngắm ta mãi như vậy bạn sẽ thành con phượng hoàng như ta mất, con phượng hoàng của ta nói với ta, có lẽ là nó thành thật nghĩ vậy, hay là nhờ nó mà ta nhìn thấy được thế giá giả dối của bọn người đi giày rơm giả đứng về phía của người nghèo, anh nói với mọi người, rồi bọn người đi giày rơm đã gửi cho anh bức thông điệp dài tám mươi trang, đại khái bọn họ bảo cách nhìn thế giới trên nền tảng triết học của tiếng hát chim cu của anh là thứ thế giới quan ruỗng mục, và kêu gọi anh hãy từ bỏ cách nhìn thế giới đó đi để cùng bọn chúng gầy dựng một thế giới mới mẻ, anh im, không thèm nói chi, bí mật nhờ con chim phượng hoàng của anh triệu tập hết thảy các loài chim trên mặt đất mở đại hội nghị của người và chim, làng bỗng vui như ngày hội, trong diễn văn khai mạc đại hội nghị của anh có đoạn: ‘‘ ngày nay, bọn người đi giày rơm giả đứng về phía người nghèo, môn đồ của thứ chủ nghĩa mạt hạng, là kẻ thù lớn nhất của nhân loại thời đương đại đó’’,, con phượng hoàng cầm đầu lũ chim hát vang bài ngợi ca đất, nước, lửa, và khí, những chuyện như vậy cứ như thứ phép mầu làm cho con người ta có thể trải qua những nỗi đau,

 

55/ tôi bước dọc theo những chuyện cũ của làng, chốc chốc lại nghe vang lên lời nguyền rủa… lũ chúng bay/cặn bã của thời gian/những đứa con của ô nhục/ hậu duệ của giống loài không tim óc/ môn đồ của thứ chủ nghĩa mạt hạng… những nguyền rủa như những ngọn lửa bốc lên từ những đám cháy đang lan ra đâu đó nơi mặt đất, quá khứ vẫn cứ như những tai nạn lịch sử chưa kịp khảo sát, tôi ghi lại ở đây, và thấy chữ nghĩa rợn ngợp thứ màu sắc sử sự như thể là sự tột cùng của nỗi đau thế sự, ồ, sẽ còn lại những tro tàn sau những đám cháy, nhưng mi không phải là cái thế giới ta đang từng ngày sống và thở ở trong đó hay sao, tại vì sao mi lại đi chứa chấp, dung dưỡng những điều để bị nguyền rủa, tôi nói với cái thế giới tôi đang sống trong nó, buổi trưa, tôi thử chạm tay vào một con ong đang hút mật hoa tiểu muội, khu vườn buổi trưa như khẽ rùng mình trong cơn gió đang thổi lại từ dãy núi phía nam làng, và lẽ ra, con ong phải giật mình nhìn tôi, rồi bay đi, đằng này vẫn cứ nằm im trên ngọn hoa say mê hút mật làm như thể thế giới chung quanh chẳng là gì cả, hay đã đến thời một con vật nhỏ nhoi của loài có cánh, là con ong, cũng có thể tỏ ra kiêu ngạo với con người, tôi không biết, và ý nghĩ mang hình thù cổ xe trong cõi hồng trần như bay vừa nảy ra trong đầu tôi đã vội

xua đi, không thể làm kẻ lánh đời được đâu, bỡi mi làm sao lại có thể thóat khỏi cuộc bủa vây này trong khi vẫn ăn cơm uống nước và đi lại trong thế giới này, tôi nói với tôi, và chỉ thử ngồi lên cổ xe hồng trần thử chạy một đoạn, làng tôi đang trong khói lửa, ông Năm Mươi, vị tổ phụ của chúng tôi, đang đánh nhau với con thú thần, hãy cẩn thận đấy, tôi nghe tiếng ông Năm Mươi thét lên khi tôi đang cho xe hồng trần lao vào chốn chiến địa, thật ra, tôi chỉ thấy lạ, không hề thấy sợ chút nào, bỡi trong lòng kẻ hậu thế là tôi luôn ấp ủ hình ảnh uy dũng của vị tổ phụ như thể ngọn lửa chính trực luôn sáng lên trong các thế hệ người làng, tôi đã nhìn thấy một cuộc chiến, ở đó là cuộc va chạm giữa cái tinh anh bất khuất của một miền đất với xú uế trần gian tích tụ trong thứ sự vật có tên là xâm lược, con xin chào vị tổ phụ muôn vàn kính yêu của những thế hệ người làng, tôi xuống xe hồng trần, lạy, nói, khi nghe vang lên lời sấm sét, là hịch ư…’’cổ độ, cuộc phân chia minh triết, con chim hót trên cành, cây lúa mọc trên đồng làng, người làm thơ nói  ra những cuộc trò chuyện giữa con người và vạn hữu, kẻ nam nhi đứng ở chỗ cao nhất trong trời đất, văn hiến của một xứ sở là  ngọn giáo đâm nát kẻ gian tà’’…ông Năm Mươi đã ném con rắn ấy vào lửa, thật ra, đấy chỉ là một con rắn có cái đầu [nhỏ xíu] na ná giống đầu người, con rắn giả làm thần linh đi cướp đất đai của kẻ khác truyền thuyết [của làng tôi] gọi là con Cù, tổ quốc nó là nỗi nhọc nhằn, một cuộc tai ương dai dẳng, cháu của ta à, buổi khai thiên lập địa, tổ tiên chúng ta đã khóc, bỡi đất trời đang trong cuộc phân lập, các chủ thể trong hoàn vũ đang tranh nhau chỗ đứng, bao giờ cũng là chỗ đứng, cháu của ta à, sông nước của con cá con tôm, bầu trời của con chim, thậm chí, sình lầy hoang hóa là của muỗi vắt, vậy mà có kẻ đã đến đây cắm cây cọc xuống đất, tổ quốc là cuộc định vị lừng lẫy của tổ tiên, và hắn, kẻ xâm lược, chẳng qua là xú uế trần gian tích tụ mà thành ra, hắn là con Cù, hay gọi là gì cũng được, chỉ là để nhắc nhở con cháu về sự xâm lấn của kẻ thù, bấy giờ, điều bất ngờ đối với tôi, rất bất ngờ, là vị tổ phụ trong truyền thuyết của làng tôi lại minh triết đến vậy, nhưng chắc là người biết rõ ai đã đến đây trước nhất để làm ra tổ quốc của chúng ta, tôi liều mình hỏi điều bấy lâu vẫn cánh cánh trong lòng, thứ cội nguồn bất cứ người dân đất nước nào cũng muốn biết, và tôi không bao giờ dám nghĩ, rằng, một người đánh bại được cả một thê lực đen tối như thế lại khóc, ông Năm Mươi khóc, nói, chúng ta đang ở vào những câu chuyện cũ của làng, cháu của ta ạ, cứ để cho tri thức về nguồn cội của chúng ta giản lược thành khái niệm, cứ tắt một lời là ‘‘tổ tiên chúng ta’’ và cứ mường tượng, khi đứng nhìn làng xóm đã được dựng lên một cách đường hoàng giữa hoang hóa, ‘‘tổ tiên chúng ta’’ đã khóc, thì ra, tôi đã hiểu ra, đây là câu chuyện cũ của làng tôi, câu chuyện đầy cảm động, một bản thể luận về tổ quốc,

 

56/ tôi có đắn đo một chút rồi cỡi xe hồng trần lên núi Lũng, cỏ cây thơm mùi tháng giêng, ai đó đang vỗ đá hát: hãy thôi đi những trù tính đen tối/ở đầu kia mặt đất đã nhìn thấy những kẻ mặc áo gấm bước ra khỏi giá buốt…câu hát như thể sấm truyền của thời đại, tôi cảm thấy hứng thú, dựng ngọn bút xuân thu của mình lên, với làng Cù tôi, núi Lũng như một cuộc tham khảo dài hạn, một cuốn bách khoa toàn thư, ở đó, người ta có thể hỏi về cách thức bước đi như một người có nhân cách bằng cách đứng nhìn một con nai bước đi trên bờ suối, cái cách thức một con nai bước đi trên bờ suối là không còn phân biệt nó với bờ suối, không còn phân biệt nó với cái bóng của nó trên dòng suối, một cuộc thể nhập như thể thứ năng lực tiền nghiệm [một thứ bẩm sinh của hoàn vũ] và khi thấy cái bóng con nai trên dòng suối chợt tan bỡi có đám mây chợt kéo qua  bầu trời che mất ánh mặt trời người ta không thể không nghĩ đến cuộc tương quan huyền nhiệm giữa các sự vật trong trời đất, ồ, núi, cứ như thể một đoàn người, tự buổi ấu thơ núi đã mang lại cho tôi nỗi ngạc nhiên, cứ mở cửa ra hè ngồi nhìn núi thì đám rừng cây trên núi ấy cứ như thể một đoàn người đang bước dần về phía tôi, cái hùng vĩ của núi rừng đã thành ra thứ biểu tượng đầy tính nhân loại, có thể là bạn đi hỏi núi thế nào là một cuộc tình, và sẽ được lũ chim giảng cho bạn hiểu bằng cách chúng cùng ứng lên, hót, tiếng hót của chim là bản tình ca vĩ đại, bỡi chính rừng cây với suối nước với bầu trời cao đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng, tiếng hót của chim là cuộc tường trình về những cuộc tình trong trời đất, nếu không có lũ chim giảng cho bạn nghe, bạn cứ việc ngồi lại dưới một gốc cây rừng, chỉ trong chốc lát bạn sẽ thấy mình muốn tựa người vào cái cây rừng ấy để nghĩ ngợi, chỉ là vì bạn không chịu xua đi những ký ức tồi tệ về cuộc sống, khi đã tựa vào một cái cây rừng chẳng biết nói năng như thế bạn không thể không nghĩ ngợi về thiên nhiên như một cuộc sinh tồn thầm lặng [cũng là một thứ bẩm sinh của hoàn vũ] có phải trên đầu bạn cái mái che bằng lá cây rừng mặt trời đang xuyên qua nó đang rắc lên người bạn thứ chữ đủ các thứ hình dáng, chẳng có thứ nào nói với bạn lời nào, nhưng là bạn vẫn cứ nghe thấy sự sống vẫn đang dịch chuyển [ào ạt] từ đất lên cây và từ cây xuống đất [cũng một cuộc trao đổi bẩm sinh] và những thân rễ cành nhánh của cây đang quyện chặt vào nhau, bạn đang ở giữa cuộc hòa âm của hoàn vũ, một cuộc tình theo nghĩa chân xác nhất, ồ, núi, cứ như  những gợi mở bất tận, buổi sáng tháng giêng, tôi cứ giữ chặt ngọn bút xuân thu của mình, và ngồi lại với minh triết của cỏ cây,

 

57/  tôi cho xe hồng trần lượn theo niềm đau khổ của núi, với người làng Cù tôi, núi Lũng là người mẹ theo nghĩa cảm động nhất của từ này, nhưng chúng nó, lũ ngông cuồng của thế kỷ đó đã làm cho mẹ chảy máu, ồ, những tiếng hát ru còn đọng nơi vành nôi, núi ấy, người mẹ ấy, những cái giường nằm của tuổi thơ, chiếc nôi, không phải chỉ gọi suông là chiếc nôi, nó là cuộc đón nhận như thể thứ động tác huyền nhiệm của trời đất, thì cứ giải thích đi tại vì sao núi lại cung cấp cho con người thứ vật liệu để làm ra chiếc giường nằm cho mỗi đứa trẻ mới vừa bước vào đời [ta chào mi/ con đường phía trước cứ dài theo tiếng hát ru/lời của núi/ ví dụ vậy]  tôi nghĩ ngợi, và cứ thấy sống lại trong trí tưởng tượng buổi tôi còn nằm nôi nghe mẹ hát bài hát về con cò con vạc…về sau, thường thì bọn trẻ chúng tôi thích làm thuyền giấy thả vào trong nước, có phải là sự biến hóa của thứ ký ức về buổi mình còn nằm nôi không nhỉ…’’gỗ chò núi Lũng thì được dùng làm quan tài cho người chết, và việc vào rừng đốn gỗ về làm quan tài cho người chết là một nét văn hóa lớn, trước khi đốn gỗ thì người đi lấy gỗ và người của Hạt kiểm lâm phải làm lễ hỏi rừng, một con gà dò, một chén xôi, một chén nước suối, chỉ vậy, đây không phải lễ bái bình thường, mà là cuộc thương lượng với tự nhiên, lễ hỏi rừng là cuộc thương lượng trên nền tảng tư duy biện chứng: con người  muốn núi rừng cung cấp cho vật liệu để làm nơi ở cuối cùng cho con người, và núi rừng thì chỉ im lặng như là sự ân chuẩn [TÂN TRUYỀN KỲ MẠN LỤC/NGHÈ HUÂN] rồi bọn ngông cuồng của thế kỷ bỗng nhảy vào, đứng chàn hản giữa con đường tiến hóa, chẳng còn lễ hỏi rừng, chẳng còn chuyện thương lượng, cả các bậc đại trí thấy được sức hút của đất đai thấy được cái trống không trong vạn hữu cũng chẳng dám lớn tiếng như vậy, buổi người làng tôi nhìn thấy bọn ngông cuồng của thế kỷ hạ rừng cây đục đá núi Lũng mà chẳng dám nói lời nào, chỉ khóc, là buổi lầm than, bọn chúng nói với người làng tôi là bọn chúng đang cải tạo thế giới [ta chào mi/ cuộc lên đường/ người đi phía trước/người còn đằng sau/trong CỨ NÓI TO  LÊN MỘT TIẾNG/TÚ KẾT] hết một nửa rừng cây núi Lũng bị đốn hạ, mảng rừng cây hai bên con suối Bà Đưng, phải biến rừng núi Lũng thành ánh sáng của nhân loại, bọn chúng tuyên bố với người làng tôi, thủy điện Bà Đưng chưa kịp phát điện, nước lũ đã tràn vào làng tôi, làng Cù tôi thuộc dông đất có cao trình tương đối cao, năm ấy, nước lũ chỉ mới tràn vào nhà dân, ông trưởng làng không dám đánh mõ báo động vì sợ lũ ngông cuồng của thế kỷ làm tội, thực ra, chưa lấy được điện ở núi Lũng, nhưng bọn chúng đã lấy được tiền bán gỗ quí của núi Lũng, tôi cho xe hồng trần lượn theo rừng núi cũ, đám cây rừng ở hai bên bờ suối Bà Đưng đã lên xanh, cuộc tái sinh ấy như thể đang cho tôi thứ cảm thức huyền nhập,

 

58/  và mấy nghìn năm trước nhà thơ  Lucretius [Titus Lucretius Carus, La Mã, khoảng 99 – khoảng 55 tr.CN ] đã nói về sự huyền nhập…Hãy nhìn lại đi/ Với chúng ta chẳng phải hết thảy đều xưa cũ /Trước khi chúng ta sinh ra thời gian đã là vô hạn/ Và Tự Nhiên giấu kỹ điều này như chiếc gương soi/ Thời gian là khi ta chết đi và ra đi/ Và có cái gì quá khủng khiếp xuất hiện ?/ Giờ thì có điều quá buồn bã nào về tất cả ?/Không có yên tĩnh nào xa hơn bất kỳ giấc ngủ nào? /Look back/Nothing to us was all fore-passed eld/ Of time the eternal, ere we had a birth/And Nature holds this like a mirror up/Of time-to-be when we are dead and gone/And what is there so horrible appears ?/Now what is there so sad about it all ?/Is’t not serener far than any sleep?/ LUCRETIUS/ OF THE NATURE OF THINGS/BOOK III/FOLLY OF THE FEAR OF DEATH/VỀ BẢN CHẤT CỦA SỰ VẬT/CUỐN III/ NỖI SỢ HÃI NGU NGỐC VỀ CÁI CHẾT…tôi nói với Lucretius rằng cái chết theo ông  là đoạn khúc êm đềm trong chuỗi thời gian vô hạn, nhưng tôi thì tôi  sợ hãi cái chết, rất sợ, nhưng bạn còn cỡi xe hồng trần dạo chơi là còn rất khá, Lucretius nói, tôi nói xe hồng trần cũng chỉ chở tôi quanh quẩn trong làng, đi xa nhất cũng chỉ tới núi Lũng hay núi Voi Nằm, cuộc sống nhân loại là một cuộc luẩn quẩn ngài Lucretius ạ, sinh ra rồi già đi rồi  chết rồi lại sinh ra, tôi rất sợ cái chết, và cứ thấy nhớ nhung ngôi nhà cũ của mình, có điều chẳng còn lại trong ký ức chút gì về ngôi nhà ấy, tôi nói, ta biết, hết thảy chúng ta đều có ngôi nhà cũ của mình ở chốn ấy luôn ngân lên thứ âm tiết của đất đai như thể là nơi khởi xướng của lời, thế giới của  ngôn ngữ uyên nguyên, ở nơi đó, cho tới con giun con dế cũng biết thốt ra lời ngọc bích kim cương, Lucretius nói, tôi nói trong lòng kẻ hậu thế này ngôi nhà vĩnh cửu của mình đã bặt dạng tự bao giờ, nhưng không sao đâu, ta cũng vừa mới cơ cấu trong thơ một chốn trú ngụ, Lucretius nói, và bắt đầu đọc…’’và Rome, và Octavian Augustus/từ đất đai các bậc thánh quân và của niềm tin ta bước sang miền lãng tử/ô mùa thu leng keng tiếng cung bạc/các vị thần từ Mesopotamie sang săn bắn/con thú ẩn mình trong những nghĩ ngợi minh triết/không phải tại mùa thu tiếng hát xế chiều của chim trở nên buồn bã/ chỉ là một cách nói năng cho hiện hữu không còn là phù sa lắng đọng của cánh chim bay/ và Alps, và con sông Tibre nước trắng cứ bay lên bay lên những đám mây cổ tích’’… chờ cho Lucretius dừng lại tôi hỏi như thế là sao, tôi nói là tôi chưa hiểu về chốn trú ngụ ấy, nhưng ông ấy chỉ im lặng nhìn tôi rồi nhìn lên vầng trăng giữa tháng đang tỏa sáng trên bầu trời trên đầu chúng tôi, cũng chỉ là  cuộc gặp ngẫu nhiên, và chúng tôi đã chuyện trò trong cái thế kỷ còn có quá nhiều lầm lẫn,

 

59/  đêm ấy, khi nghe gà gáy lần đầu thì tôi quyết định cho xe hồng trần [bấy giờ có cả ngài Lucretius] đậu xuống sân nhà tôi, nhưng  không hiểu sao lại rơi trúng sân nhà chú Bảy Ngự [ở sát nhà tôi] như một định mệnh, ô là xe trời cha ơi mẹ ơi, lũ con chú Bảy Ngự kêu toáng lên, sáng nào cũng vậy khi chưa rõ mặt người thì  thằng Lá con đầu của chú Bảy Ngự cũng dắt đàn em nó ra sân đứng chờ xem sao rơi, sáng ấy, khi thấy bầu đoàn xe cộ chúng tôi từ trên trời rơi xuống chúng kêu toáng lên thế, xe trời, chính là nhờ lũ con chú Bảy Ngự mà xe hồng trần còn gọi là xe trời, điều lạ là chú Bảy Ngự điềm nhiên như không khi ra sân vì lũ con chú làm toáng lên như vậy và trông thấy tôi đang lúng ta lúng túng vì không biết sắp xếp xe hồng trần vào đâu, chú Tư định đi đâu sớm vậy, chú Bảy Ngự vui vẻ hỏi, cũng bình thường như mọi khi chúng tôi chuyện vãn khi gặp nhau, rồi ông quay sang ngài Lucretius, nói, chú chắc là bạn chú Tư, cũng chép sách như chú Tư chứ gì, ngài Lucretiuas chắc cũng đang hứng thú, sau mấy nghìn năm bỗng đặt chân lên chốn trần gian xa lạ trong thứ khoảnh khắc như thể đang bày ra bản thể của một miền đất thuần thành quê mùa mách qué, có thể là chú Bảy Ngự trông ngài ấy cũng chẳng cách biệt mấy về tuổi tác so với tôi nên mới gọi ngài ấy chú này chú nọ như vậy,  chú với chú Tư  hãy vào nhà uống chén trà sáng rồi đi đâu hẳn đi, lũ con của chú Bảy Ngụ cứ như đàn sếu mới từ phương xa lại thấy thứ gì cũng lạ, xe trời, rồi ông khách râu ria xồm xoàm chúng nào biết là đến từ nước La Mã cổ đại,  rồi cha bọn chúng lại gọi ông khách là người chép sách, rồi cả tôi, chú Tư Cam Sành thân thuộc của bọn chúng cũng trở nên lạ lẫm là đã cùng ông khách lạ đi xe trời từ trên trời xuống, thật ra, tôi còn kinh ngạc hơn lũ nhỏ, sao ngài Lucretius bỗng trông ra trẻ trung như vậy [mới khiến chú Bảy Ngự trông thấy chẳng có cách biệt tuổi tác nào giữa một người của mấy nghìn năm trước là ngài ấy với một người của mấy nghìn năm sau là tôi] và sao chú Bảy Ngự chẳng có chút gì là nghi ngờ hay thắc  mắc về sự cố ấy, việc lũ con chú phát hiện có xe trời từ trên trời rơi xuống chẳng phải là sự cố ư, có thể là ngài Lucretius quá hứng thú khi bỗng thấy mình đứng nơi sân nhà một người ở một miền đất xa lạ mà người cha của lũ trẻ thì có vẻ rất gần gũi với sự thật hơn là  với một người thuộc tầng lớp có chữ nghĩa như ngài ấy, còn lũ con của người ấy thì có vẻ đứa nào cũng thông thái bẩm sinh, thoạt cái, chúng gọi đó là xe trời, bất ngờ được mời dùng bữa ăn sáng như vậy làm sao ngài ấy, người đã viết về bản chất của sự vật, lại không nhìn ra một điều gì đó như thể là  bản thể luận về một chốn trần gian dị biệt [ chú Tư với chú gì đây đi ăn sáng rồi đi đâu hãy đi, bất ngờ, thìm Bảy Ngự nắm tay chúng  tôi, lôi đi, đi ăn sáng đi mấy chú…]  bữa ăn sáng đã để lộ truyền thống của một bầy đàn: rau má chấm mắm cá, và canh rau má nêm mắm cá, tôi cắt nghĩa mắm cá theo kiểu duy vật biện chứng và duy tâm chủ nghĩa, rằng, để có được tri thức, con người phải lao động làm ra thức ăn, và khi đánh bắt được con cá, ngoài việc ăn liền, ăn tươi, con người còn phải nghĩ đến cách biến con cá thành một thứ thức ăn khác để dành được, thứ thức ăn khác không phải là  cá nhưng vẫn là cá, mắm cá là thứ thức ăn như vậy, và người ta bảo đấy là niềm hạnh phúc của nhân loại, ngài Lucretius có vẻ khoái lắm khi nghe tôi thuyết trình về món mắm cơm ở làng tôi, có thể cả Diogense [404-323] lẫn Epicurua [341-270]  đều thích trò chuyện với bạn đó, ngài Lucretius nói, và phá lên cười, vẻ sảng khoái, lũ con của chú Bảy Ngự cũng cười ầm  lên… con cá chi lạ vậy chú Tư, cá cũng là mắm sao chú Tư [thời đó, Diogense là ông hoàng của lãng tử học, và Epicurus là ông hoàng của nguyên tử học…] tất nhiên là chú Bảy Ngự cũng hứng thú chẳng kém ngài Lucretius, cũng tham gia vào cuộc đàm đạo theo cách của chú ấy, ồ, đám cà dĩa nhà tôi vừa hết trái, chứ không, cà dĩa  chấm mắm cá thì ngon hết ý, các chú ạ, tôi xin tả lại bữa ăn sáng bất ngờ đó: chủ nhà là chú Bảy Ngự, hai ông khách bất thường là tôi với ngài Lucretius, hầu bàn chạy bàn là thím Bảy Ngự với cả đám con của thím ấy, cứ mỗi lần nghe chúng tôi phát biểu ý kiến, cả thím Bảy Ngự lẫn đám con thím ấy đều bụm miệng cười, một cách vui cười khiêm tốn,  khi nghe tôi nói chú thím Bảy Ngự ăn ở nhau gần năm chục năm và sinh được mười mấy mặt con cả trai lẫn gái thì ngài Lucretius nghĩ ngợi thật lâu, rồi nói, hẳn là  thuộc về hệ thống triết học phồn thực rồi… một buổi sáng định mệnh, xe hồng trần lại rơi trúng sân nhà chú Bảy Ngự để  diễn ra bữa cơm khách chưa từng, và phát hiện ra thứ  triết lý  chưa từng, tôi nghĩ ngợi, mặt trời đang lên, và có tiếng gà gáy từ trong thôn vọng lại, cũng là tiếng gà gáy sáng ư, ngài Lucretius hỏi, tôi bảo đấy là tiếng gà gáy báo hiệu sáng đã lâu, tiếng gà  gáy muộn, cho đến lúc đó thì tiếng gà trong thôn vẫn chưa được xếp vào tri thức hoàn vũ,

 

60/  ứng với lời trong sách Cổ Quái Tinh Hoa, ở mục nói về các loài ma quỉ: đến năm chuột chạy, phù thủy Kinh Ngung [*] sẽ bị đuổi ra khỏi đường biên của nhân loại, thì đúng vào một sáng mùa xuân năm Mậu Tý [năm con chuột] lũ con nhà chú Bảy Ngự đi đào dế chỗ gốc duối trăm tuổi chỗ đầu làng Cù đã đào trúng một cổ vật gòm một bản gỗ kích thước chín mươi sáu mươi [phân] và một túi ni lông là vật đựng bản gổ, trên bản gỗ là chằng chịt những chữ viết theo mẫu tự Hindu, đây là bùa yểm long mạch, sau khi xem xong nội dung đám chữ viết Hindu trên bản gỗ, ông Nghè Huân, tác giả sách Tân Truyền Kỳ Mạn Lục tuyên bố, trong sự nghiệp nghiên cứu nền văn hóa của một xứ sở vốn có nhiều chủng người định cư trong một thời gian dài như vậy, ông Nghè Huân buộc phải thông thuộc nhiều thứ chữ viết ngoài chữ quốc ngữ gòm có chữ Hán, Nôm, Chămpa, Hindu và cả Pháp ngữ, Anh ngữ…’’ta có mẫu quốc của ta còn lũ các ngươi mẫu quốc của lũ các ngươi là gì nào  chẳng phải xưa tổ tiên lũ các ngươi vốn là đám man di ăn theo cách ăn của tổ tiên ta ngủ theo cách ngủ của tổ tiên ta đám man di lũ các ngươi hãy chết hết đi nay ta nhân danh thần thánh của mẫu quốc ta tuyên bố rằng hết thảy sông suối nơi man di mọi rợ của lũ các ngươi sẽ cạn kiệt dòng giống man di lũ các ngươi sẽ tuyệt diệt’’, ông Nghè Huân đã dịch nội dung chữ Hindu sang chữ quốc ngữ cho người làng nghe, chú Bốn Nhiều đẽo cày là người hay mủi lòng nhất làng, khóc, nói, sông suối cạn hết nước thì làm sao sống, có nhiều người làng khóc theo chú Bốn Nhiều, cái buổi sáng mùa xuân chim đang hót, hoa cỏ đang nở, cây cối trong vườn như đang thay áo mới, con người đang ra vào làng hăm hở, thì cái cổ vật chết tiệt ấy như thể tai ương của thế kỷ đương không ập xuống, tôi nói với ông Nghè Huân: chỉ bác Huân mới có thể vực nổi người làng khỏi nỗi u buồn, lập tức, tác giả Tân Truyền Kỳ Mạn Lục đăng đàn, thuyết pháp, phải gọi là thuyết pháp bỡi đây là một cuộc bút chiến chống lại luận điệu man dại trong bùa yểm của mụ phù thủy Kinh Ngung , người làng tôi qủa quyết chính là mụ phù thủy Kinh Ngung chép trong sách Cổ Quái Tinh Hoa đã mang bùa yểm long mạch chôn chỗ gốc duối trăm tuổi chổ đấu làng Cù tôi, cái bục diễn cao ngất là được xếp chồng lên nhau từ những chiếc bàn gỗ do chính người làng mang từ nhà mình tới, sân đình làng cũ bỗng biến thành cuộc hội quân đầu tiên cho một cuộc chiến [ta có chết ở chốn chiến trường bạn cũng đừng khóc/ con người đang dẫm lên  khúc sử gai góc phù du…] ‘‘kẻ thù của chúng ta đã rõ/ đó là kẻ đã đặt ách thống trị lên xứ sở ta thời tổ tiên ta/một cuộc đồng hóa man rợ/ nhưng sách Cổ Quái Tinh Hoa trong hồ sơ gia phả làng ta đã nói rất rõ/rằng phù thủy Kinh Ngung sẽ bị đuổi khỏi/ Kinh Ngung thật ra là tên một loại quặng thấp, một loại đất dẻo/ sách Cổ Quái Tinh Hoa còn chú thích rất kỹ/rằng phù thủy Kinh Ngung có đôi gò má cao và đôi mắt hình móc câu, một kẻ như vậy là sát nhơn/ hoan hô anh em thằng Lá con ông Bảy Ngự đã lập công lớn cho làng/ không có anh em thằng Lá con ông Bảy Ngự thì bùa yểm long mạch còn nằm im trong đất/ làng sẽ còn khổ/không phải tự dưng con chó nhà ông Bảy Tị đang khỏe mạnh vậy bỗng lăn ra chết hay sao, không phải ruộng lúa của ông Bốn Mịch đang trỗ ngon lành vậy mùa lên lại lép hết hay sao/ mụ phù thủy Kinh Ngung hãy chết đi/bè lũ bọn cướp đất hãy chết hết đi’’ … sau bài thuyết pháp của ông Nghè Huân là thứ thời tiết như thể là niềm căm hận bọn cướp đất của người làng tôi đã hóa thành niềm im lặng sử thi, người làng cứ vậy mà mang niềm căm hận lặng lẽ quay trở về nhà, nửa khuya hôm đó tự dưng ở núi Lũng có nhiều tiếng nổ lớn, tôi đến gõ cửa nhà ông Nghè Huân thấy ông còn ngồi chong đèn như đang đợi ai, biết thế nào anh cũng đến, ông Nghè Huân nói, dẫu là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng có thể gọi đó là điềm trời không bác Huân, tôi nói, gọi điềm trời cũng được mà gọi là nỗi tức giận của hoàn vũ cũng được, ông Nghè Huân nói,

 

61/  con người dẫm lên khúc sử gai góc phù du cứ thấy như là đang rơi vào thứ hiện thực của một giấc mơ, thứ mô hình có vẻ phổ quát của thế giới đương đại, không biết có ai đó ngồi ở đầu kia mặt đất vỗ bồn hát khúc tiêu tương hay không, thế giới cứ đồn ầm lên rằng vị thần cổ đại còn sống sót trong cuộc đại chiến giữa các vị thần tự hồi những thiên niên kỷ trước đang muốn tả lại vẻ đẹp tráng lệ huy hoàng của cuộc chiến ấy trong một khúc tiêu tương mà lời bài hát là sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa ý thức và vật chất [cái chết đẹp và ngân vang như thể nghiệm về độ dài ngắn của thời gian/một chút ngừng lại tự ngắm mình/nhan sắc và cuộc đài các phiêu du/người ta còn bịa ra cả nội dung khúc hát để mê hoặc lòng người] lời đồn lập tức trở thành niềm cảm hứng đương đại [có vẻ bất tận] các nhà triết học đua nhau cho ra đời các hệ thống triết học về sự bất trắc của thời gian [các thuyết âm mưu, thuyết ngẫu nhiên, thuyết tận thế…] về sự đàn hồi và bền bĩ của vật chất [ các thứ chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bài ngoại, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa bành trướng…] các nhà văn chương đua nhau lập ra các trường phái nguyền rủa, trường phái nịnh hót, trường phái tự ngâm, tự sướng…cái thế kỷ văn hóa của bóng đen bỗng chen vào cuộc chuyển dịch của tiến hóa, không biết là có chuyện sát hại nhau để tranh ngôi đoạt ngôi có chuyện sửa luật lệ để làm vua ở các nước ấy hay không, bỗng các nhà xã hội học viết sách về sự phân kỳ chính trị, về lũ chuột trong các chính trường, về buổi hoàng hôn của tri thức nhân loại với thứ giọng điệu buồn bã chết chóc như thể văn minh con người sắp kết thúc, không biết có chuyện các ông chủ các nước giàu có có đưa tiền cho các phi hành gia như là tiền cọc chỗ ở trên sao hỏa hay không, bỗng dưng các bầy đàn nghèo khổ trong thế giới bắt đầu sống với những ngày tháng lo âu buồn bã, bỡi, rồi đây mặt đất sẽ vắng hoe, bọn nghèo khổ sẽ chết dần mòn ở mảnh đất cũ kỹ…chuyện gì cũng có thể xảy ra hết khi con người dẫm lên khúc sử gai góc phù du [một nửa trăng soi, một nửa đáy nước, một nửa hồn cây cỏ, một nửa trần gian dắt díu nhau đi…],

 

62/  tôi không dám hỏi nhiều chú Bốn Nhiều bỡi đó là giây phút thiêng liêng cũng sánh bằng giây phút một phi hành gia cho phi thuyền của mình ráp vào trạm không gian ISS, cứ coi như cái buổi sáng tôi đến phỏng vấn chú Bốn Nhiều về kỷ thuật ráp cày là có lũ chim áo đà [loài chim mỏ đà chân đà lông đà miền trung du] ríu ra ríu rít trên đám xoài mận trong vườn và một bầu trời cao rộng trên đầu, tháng giêng, gió sớm còn mang thứ hương đêm, ai chẳng biết tận trong đêm và tận vùng rừng núi Lũng gió mang theo cả hương vị bão táp của cây rừng lẫn thứ hương vị như thể mật ngọt nghìn năm từ những lớp lá rụng, núi rừng còn có nghĩa là chốn lưu giữ cuộc nghìn năm lá rụng như chứng tích của chuyển dịch, tôi phải làm cho rõ ra cái thế giới đang xảy ra sự cố mang tính thiên niên kỷ: ráp cày, từ ngữ chưa hề tìm thấy trong bất cứ cuốn từ điển nào [rồi em sẽ đứng vào sử sách, nghìn năm vẫn lượn lờ qua những bến bờ lận đận/tôi nói với cây cày gỗ đang được chú Bốn Nhiều lắp ráp] tiếng gõ đục nhẹ nhàng đến nỗi tôi cứ cảm tưởng chú Bốn Nhiều đang vỗ về một con vật nuôi, chính là cái náp cày đang phải được chỉnh sửa kích cỡ đường rãnh cho vừa với kích cỡ cái nán cày, náp cày với nán cày như thể là cái then truyền bằng gỗ trong hệ thống ‘‘động cơ gỗ’’ là toàn thể các bộ phận của một cây cày gỗ, cày sâu cày cạn là nhờ nó đó chú Tư, chú Bốn Nhiều cũng chỉ có thể nói tới đó cho tôi hiểu việc điều chỉnh náp cày trên nán cày là để tạo ra đường cày sâu cạn, tiếng vỗ đục của chú Bốn Nhiều vẫn tiếp tục vang lên trong thứ ngữ cảnh như thể ngôn ngữ con người bất lực trong diễn đạt thứ công cụ làm nên văn minh lúa nước [anh đi chín mươi chín miền sông nước vẫn cứ thấy nhớ cánh đồng làng với cây cày gỗ/đồng dao làng Cù] tôi cứ muốn hỏi chú Bốn Nhiều, hậu duệ của một người mang tên là tổ tiên tôi, người đã phải trải qua ngàn vạn năm đốt rẫy với cuốc đất với chọc lỗ tức cày bằng đao trồng bằng lửa, câu hỏi có tính bản thể luận, rằng, tại sao chú lại có thể làm ra được các bộ phận tỉ mỉ công phu của một cây cày gỗ [mỏ cày, rồi trạnh cày, rồi bắp cày, rồi nán cày, rồi náp cày, rồi ách cày, tôi cứ việc kể ra đây một cách đại lược như vậy và chờ một ngày nào làm được một luận văn về cây cày gỗ] nghe tôi hỏi, chú Bốn Nhiều ngừng đục đẽo, vấn thuốc, hút mấy hơi liền, như thể là để hoãn binh, ở làng tôi, chú Bốn Nhiều là người kiệm lời, dễ khóc…ông bà mình giỏi thiệt chú Tư, chú Bốn Nhiều nói, và chảy nước mắt, tôi biết đó là câu trả lời đầy đủ nhất của chú ấy, và bắt đầu mường tượng, dưới bầu trời tiền sử, khói mây vấn vít cây lúa trên nương, rồi bỗng, như thể đất trời sấm dậy, thật ra là đã nổ ra trong nghĩ ngợi ai đó cái cách thay cây cuốc gỗ bằng cây cày gỗ, thời gian cứ như thứ ánh sáng mầu nhiệm soi rọi tư duy nhân loại, từ cái thô sơ chuyển thành hoàn chỉnh, giữa khói mây tiền sử đã hiện ra khoảnh sinh tồn đầy tính sáng tạo: cây cày gỗ với lưỡi cày bằng kim loại, và ruộng lúa nước, còn chuyện làm sao để nghĩ ra cái lực kéo bằng đôi vai của trâu bò là cũng thuộc về cuộc hành trình vượt qua man rợ, vào khoảng giữa trưa, lũ chim áo đà đã dồn về một góc vườn, tiếng chim như ấm hơn, chú Bảy Nhiều đã lắp ráp xong cây cày gỗ cho tôi chép vào địa chí của làng, bây giờ thì nghe ra có vẻ đơn giản vậy, nhưng nó, cây cày gỗ đó đã trải qua biết mấy phong sương, một nét hùng vĩ đời đời cho mặt đất thân yêu này,

 

63/  rồi những sự cố ấy xảy ra như thứ ‘‘tội tổ tông’’ người làng Cù tôi phải gánh chịu…’’ta dù có bị coi như đồ bỏ đi cũng cứ ngồi đây để ngắm cuộc xáo trộn luân thường/dù các người có hô hét đến khản cổ thế kỷ thì lũ chim cũng bay về rừng ăn trái rừng uống nước suối rừng/mây vẫn cứ bay trên bầu trời gió lộng/và con người thì cứ việc nghĩ ngợi/bỡi tồn tại là cuộc sắc nước hương trời’’…tôi cố tưởng tượng ra lời của cây cày gỗ như sự cố thủ của văn hiến, nay, lão trưởng làng xương cốt đã rã ra trong đất nhưng người làng Cù tôi không thể nào tha thứ tội lỗi của lão, một) cho bọn đại gia, bọn group, đục đá núi Voi Nằm, hai) để cho bọn thương nhân buôn thần bán thánh vào làng cướp đất của người nghèo, ba) rước kẻ vong thân về làm thầy giảng cho công cuộc chấn hưng văn hiến của nước nhà, bốn) nghe lời phỉnh dụ của bọn buôn bán lời nói thời a còng [@] xua người làng vào các cuộc đỏ đen…tôi phải dựng ngọn bút xuân thu của mình lên mới tả nổi, thứ khí hậu thời đại như thể huyễn tượng của cuộc hành trình vô định, hết thảy bọn ngông cuồng của thời đại cứ làm ngược lại những gì chúng nói, con người luôn bị rình rập, thế giới như thể chốn thử nghiệm của cường quyền, cho đến lũ ếch nhái trên đồng làng cũng chẳng dám mở lời kêu mưa, tôi tham khảo sách Cổ Quái Tinh Hoa [trong hồ sơ gia phả của làng] thấy những lời tiên tri…’’rồi ngu si và độc ác sẽ chen vào dòng phù du gió cuốn, sáng ra thấy có kẻ nanh vuốt trên lưng con tuấn mã vốn của người hiền đã bị sát hại, con mắt mặt trời như thể tới lúc cũng phải vờ nhìn đi chốn khác, kẻ độc ác tưởng đến lúc có thể ngồi đỉnh núi Thái, luôn mồm khoác lác, rằng, chúng đã dựng được cơ nghiệp, ồ, chưa bao giờ ta có được giang sơn gấm vóc như thế, chúng cứ luôn mồm gào lên thế, biết là lời của kẻ ác, chim không lặng, cứ rố lên, hát, lời của chim như sấm ngôn của thời con mắt mặt trời không còn muốn nhìn xuống nhân gian, đêm cứ nghe sấm vang khắp nẻo, con người lại rỉ tai nhau: có phải chân lý đang bị sát hại, thế gian cứ rủng rẻng những chiếc túi của bọn buôn bán lời nói thời a còng, lũ trẻ thấy lạ, chờ cho bọn chúng ngủ quên, lén mở thử, thì thấy toàn những lời giả dối, có người đi ở phía bờ bên kia con sông đang chảy lên trời, vừa đi vừa hát: chúng nó sẽ đục văn bia tổ tiên chúng ta đã dựng lên ở đầu con đường vào xứ sở’’, những lời trong sách ứng với việc đám đại gia, đám group, đục đá núi Voi Nằm,

 

64/ đấy là những tháng năm cây duối trăm tuổi chỗ đầu làng che chở cho lời nói của người làng tôi, có những lời nói nói ra như một thứ quyết định luận [nói ra là đã quyết như vậy] ngồi ở đây, ngổi chỗ cây duối trăm tuổi chỗ đầu làng nhìn vết thương của núi con người có hiền lành mấy cũng phải nổi giận, sự giàu có cùng với quyền lực đã phá nát vẻ gấm vóc của đất đai, núi là thần tích, trong hồ sơ gia phả của làng mục về thần tích ghi rõ: ‘‘gọi là bạn của đất đai cũng được, gọi là người chứng cũng được, gọi là cuộc định vị cho một cuộc định vị cũng được, bỗng có cuộc tạo lập núi sông diễn ra như một số mệnh, núi có dáng con voi phủ phục, như biết trước được điều sẽ xảy ra mà nằm chờ, cuộc chờ như một phần của phiêu lưu đài các của cuộc dời đổi nghìn trùng của hoàn vũ, rồi chuyện đã xảy ra thật, có người đứng ngắm nhìn núi hồi lâu rồi quyết định dừng lại, đã hình thành một cõi con người, ở đó đã cháy lên ngọn lửa tư duy, và con người bắt đầu nghe chim hót trên núi Voi Nằm, người là người chứng, là gợi ý cho cuộc cư trú của chúng tôi, con người bao đời nay vẫn nói với núi như vậy’’…lời ghi trong thần tích là ngợi ca của con người, thần tụng, tôi đọc, và đã hiểu ra, hóa ra vẫn có sự gắn bó có tính tiền nghiệm giữa con người và núi non, nhưng những thứ như vậy là ở bên ngoài, thật xa, lãnh thổ của tiền bạc và quyền lực, kẻ giàu có và quyền lực không đời nào biết những chuyện như vậy đâu, cho nên bọn họ đã cho xe ủi ũi núi Voi Nằm để lấy đá quí xẻ làm gạch lót nhà lót sân cho đám nhà giàu, những tháng năm ấy người làng tôi tụ tập chỗ cây duối trăm tuổi chỗ đầu làng cũng chỉ là để ngồi nhìn diễn biến của đương đại như thể thứ tai họa lẽ ra đừng bao giờ xảy ra với một sự vật mà người làng tôi bao đời nay vẫn thầm tôn vinh trong lòng không giống  bất cứ sự tôn vinh nào, sự tôn vinh cũng chỉ có thể diễn đạt như thế này: cứ mở cửa là thấy núi, và lại thấy vui trong lòng, những tháng năm ấy người làng tôi cũng chỉ biết tụ tập chỗ cây duối trăm tuổi chỗ đầu làng để nhìn vết thương của núi như mỗi ngày một rộng hơn, bọn group cho xe cơ giới loại hiện đại nhất trấn áp thì núi làm sao chịu nổi, ở trong làng, lão trường làng cũng ra sức tuyên truyền, rằng đây là công cuộc kiến quốc vĩ đại nhất, cái cách nói năng như vậy cũng là một cách trấn áp, chẳng phải ai không ca ngợi công cuộc kiến quốc lão ấy nói là phản bội xứ sở hay sao, ngồi chỗ cây duối trăm tuổi chỗ đầu làng, người làng tôi cũng chỉ thầm nói với nhau, rằng, chúng ta tụ tập ở đây chính là một cuộc tử thủ của văn hiến của làng vậy,

 

65/ cuộc quần thảo còn diễn ra trong những ngày sau đó, sự cố thủ của văn hiến thật ra là cuộc quần thảo vĩ đại của nhân loại, bỡi nó đặt trên nền tảng tâm linh chứ không trên sự chiến thắng  [cuộc quần thảo diễn ra kể từ hôm con người tìm ra lửa/nhưng tăm tối vẫn cứ còn đó/ thì cứ gọi ta là kẻ thua cuộc đi/con chim không còn lời để hót/ có lần ta đã hờn dỗi nói với em…] cái thế kỷ kỳ dị, bọn thương nhân mang thánh thần đi rao bán khắp nơi, tôi muốn nói đến thứ lý thuyết mạt hạng có lúc đã được đem đi rao giảng khắp mặt đất, từ bấy đến nay lũ chim đã biết trò chuyện trên cành về sự gian dối và ngu muội của con người, nhưng bọn thương nhân vô lại vẫn cố giữ trong gánh hàng hóa của chúng những thứ đã cũ, trong những thứ bọn chúng đang rao bán có thứ Thánh Lễ Người Nghèo cũ kỹ, là giảng về lầm than áp bức và cách giải trừ, người làng tôi, những kẻ dễ mủi lòng, đám người lương thiện thời nào cũng bị người ta lừa gạt, một ngày người nghèo đi nghe Thánh Lễ ba lần, một ngày ba lần bọn thương nhân buôn thần bán thánh cướp đất của người nghèo để xây những khu  thần tiên hoa lệ với những cái tên gọi ngạo mạn The Houses Of Paradise/Những Ngôi Nhà Thiên Đường, hay, The Place Of The Hight/Chốn Trên Cao, vân vân, không còn đủ đất để cày, người cày ruộng khóc ròng, tôi cứ băn khoăn, chẳng hiểu, chẳng lẽ đây là cái thế kỷ dành cho bọn thương nhân vô lại, chúng nó phá núi làm thánh địa, cho đến các thời thịnh nhất của Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Phật giáo cũng không sánh kịp, những thánh tẩm, tôi gọi chốn thờ tự thánh thần bọn chúng lập ra là thánh tẩm, tức cái nguy nga tráng lệ của đình miếu là vượt ngoài sức tưởng tượng con người, chưa hề thấy trong lịch sử tôn giáo của nhân loại, ô thời thần thánh lấn chiếm núi rừng, con chim rừng ngơ ngác, con suối rừng kinh dị, ô những thánh điển, cái tung tích kỳ khu bỡ ngỡ của thánh thần thời đương đại, nhưng con người cứ tưởng chuyện thật, đã bỏ tiền ra để vào chiêm nghiệm, chiêm ngưỡng, bọn chúng đưa ra một đồng thu lại một triệu, các lý thuyết Newton, Einstein đổ loảng xoảng…tôi không nói nữa, đi đọc Borges đây… Adam là tro tàn của mi/ Ngọn gươm rồi sẽ chết y như chùm trái cây chín rụng/Gương chưa hẳn dễ vỡ hơn đá/Mọi hiện hữu trên đời đều thấy trước chúng là cát bụi/Sắt thì rỉ sét. Giọng nói hẳn là thứ tiếng dội nghìn năm/A dam, người cha thời trai trẻ, là tro tàn của mi/Khu vườn sau rốt cũng là khu vườn đầu tiên/Chim sơn ca và nhà thơ kinh điển Pindar đều là nghững giọng nói/Binh minh [cũng chỉ] là ánh chiếu của hoàng hôn/Mycenaean giai đọan cuối thời đại đồ đồng Hy Lạp cổ đại, chiếc mặt nạ chết bằng vàng của nó/Tường thành cao ngất, cõi điêu tàn ô nhục/Urquiza, người đã để lại cho đời sau chiếc dao găm/Chính là khuôn mặt nhìn thấy trong gương/

Không phải khuôn mặt của ngày hôm qua/Đêm/Làm tiêu tan nó. Thời gian mong manh đã hun đúc chúng ta/Niềm vui nào biến thành thứ nước không thể nào thương tích/Điều đó hẳn chảy qua ngụ ngôn/Của Heraclitus, hay ngọn lửa rối ren/Nhưng bây giờ trong một ngày dài không thể kết thúc/Ta cảm thấy không thể thay đổi và cô đơn/The sword will die just like the ripening cluster/The glass is no more fragile than the rock/All things are their own prophecy of dust/Iron is rust. The voice, already an echo/Adam, the youthful father, is your ashes/The final garden will also be the first/The nightingale and Pindar both are voices/The dawn is a reflection of the sunset/The Mycenaean, his burial mask of gold/The highest wall, the humiliated ruin/Urquiza, he whom daggers left behind/The face that looks upon itself in the mirror/Is not the face of yesterday. The night/Has spent it. Delicate time has molded us/What joy to be the invulnerable water/That ran assuredly through the parable/Of Heraclitus, or the intricate fire/But now, on this long day that doesn’t end/I feel irrevocable and alone/ JOGE LOUIS BORGES/ADAM IS YOUR ASHES/A DAM LÀ TRO TÀN CỦA MI…làng, và thế giới, và nỗi hoài nhớ những ngọn lửa chưa tàn,

 

66/  nhưng liệu đó có phải là bi kịch của thời đại hay không, việc nhan sắc phai tàn theo lời phỉnh dụ của bọn thuyết khách thời bốn chấm không [4.0], mọi chuyện diễn ra lúc ban đầu cứ như cơn mưa mùa hạ trút xuống đồng làng, con người như lúa đồng làng đang khát nước, con người đang khát một thứ ánh mặt trời mới hơn, đang khát một ngọn gió mát hơn, và tiếng chim kêu nghe hay hơn, nói tóm, đang khát một chốn cư ngụ mới mẻ không còn nghe thấy tiếng con chim cú cầm canh buồn bã, không còn nhìn thấy sức vóc con người cứ hao gầy đi vì cơm áo, thật ra thì con người vẫn cứ thấy nhớ nhung thứ không dễ gì có được, biết là không dễ gì có được nhưng vẫn cứ mong ngóng, chờ đợi, vẫn cứ thấy, luôn thấy, ở phía trước mình là một miền trời, cứ gọi đó là miền trời [chứ còn biết gọi thế nào] hoa gấm, và đằng đẵng bao la, thì ra, chốn đó đã sẵn đó, nó cũng chỉ là cái chốn xưa [theo nghĩa nghiêm khắc của từ này] chốn xưa, ồ, bỗng có bọn người mặc quần áo rằn ri bước vào làng tôi để nói về chốn đó, một sáng mùa hạ, đang nắng hạn, đồng làng đang khát nước, bọn thuyết khách thời bốn chấm không [4.0] đã bước vào làng tôi để nói về miền trời tuyệt đẹp đó…xin chào các bạn, bọn chúng tôi đến từ phía mặt trời mọc, tức từ phía sản sinh ra chân lý, sản sinh ra thơ ca, sản sinh ra hạnh phúc của nhân loại, người làng đầu tiên bọn họ gặp là anh Bốn Bửu, người được người làng tôi gọi là phật đất, tức, người chẳng muốn làm chết một con kiến, anh Bốn Bửu nghe bọn thuyết khách tuông ra những lời lẽ như vậy thì chỉ đứng cười khan, sau này, khi mọi chuyện đã qua, anh Bốn Bửu đã thuật lại cho tôi nghe tâm trạng của anh lúc ấy: tôi đâu hiểu mấy ông ấy nói gì, chú Tư, nghe, cứ thấy tức cười vậy thôi, không hiểu gì hết, và cứ thấy tức cười, thế, nhưng khi nghe những lời lẽ như thế, người làng tôi bỗng nhìn thấy hoa gấm đầy trời, tôi cũng nhìn thấy hoa gấm đầy trời, ngày nào thì người làng tôi cũng nghe bọn thuyết khách tuông ra những lời lẽ hoa mỹ như vậy, bọn họ gọi thứ thảo chương rằn ri chữ nghĩa và ý tưởng đang đem ra nói với người làng tôi là đỉnh cao của nhân loại, chúng tôi là đang bước lên cái đỉnh cao đó…các bạn bước lên đó sẽ gặp cuộc vĩnh hằng, ngày nào bọn chúng cũng đăng đàn, gào lên thế, cuộc vĩnh hằng như thể thứ bùa yểm bọn chúng đem đặt ngay vào chỗ khao khát của người làng tôi, ngày nào thì người làng tôi cũng lẻo đẻo theo sau bọn thuyết khách đi tìm chốn vĩnh hằng, cho đến khi có người kiệt sức, ngã xuống, bọn thuyết khách nói với những người còn đủ sức đi theo bọn họ đó là qui luật đào thải tự nhiên, có nghĩa, cuối cùng thì bọn thuyết khách thời bốn chấm không [4.0] cũng tạo ra được một đám người làng cuồng tín đi theo bọn chúng [rồi những ngọn khói lam chiều bốc lên bầu trời rách nát, lũ chim cu không còn muốn dừng chân ngắm nhìn bờ tre cũ, hết thảy bỏ đi hết về rừng, con người đã nhận ra mình đang đứng trong một bè đảng vô luân, chừng nào con người còn bè đảng, thế giới còn vô luân/trích Tân Truyền Kỳ Mạn Lục của ông Nghè Huân[*] cuối cùng thì hết thảy người làng tôi đều kiệt sức, ngã xuống, cứ gọi đó là thời đen tối của làng, nhưng nỗi hoài nhớ đã dấy lên trong tâm tưởng, nỗi hoài nhớ như niềm thiết cốt để tồn tại, đến lúc ấy người làng tôi mới nhận ra việc mình hao tốn nhan sắc bây lâu chỉ là chuyện phù du,
_____
[*]
một bài thơ khác của Nghè Huân:
dường như ta đã nhìn thấy được cuộc chơi ấy của tự nhiên/cuộc chơi bắt đầu bằng cách  ném những cái không có vào chỗ chẳng có/gió loay hoay để thành những giọt nắng/rưới xuống biển khơi/có cả những tiếng gào thét chẳng biết  của ai/những thứ không có/cứ loay hoay mãi để trở thành tiếng nước chảy trên mặt đất/trở thành những áng mây ở trên trời/trở thành tiếng chim/trở thành tiếng cóc ếch nhái/và tiếng nói của một thứ sinh linh/mà triệu triệu năm sau/đã kể lại được cuộc chơi ấy,

 

67/  và cái khúc sử chỉ mỗi tay trưởng làng dốt nát lại có thể làm thay đổi toàn bộ truyền thống của làng đã tồn tại hằng trăm năm, cái khúc sử mùa xuân không được cúng xuân, mùa thu không được cúng thu, cái khúc sử quan tài người chết không được đặt lên ngôi nhà vĩnh biệt để đưa về nơi an nghỉ cuối cùng, đó là mê tín dị đoan, đánh đổ nó đi, lảo trưởng làng nói, đám tang không còn có cờ trống lễ nhạc truyền thống, người làng chỉ làm mỗi việc đơn giản là lặng lẽ khiêng quan tài người chết ra chôn ở thổ mộ của làng, cái khúc sử như thể văn hiến của làng bị đánh một đòn chí mạng, còn văn chương ông Nghè Huân như mê hồn trận của cõi tâm thức lang thang, như  thứ lửa thiêu đốt tâm can, không phải là tại văn chương nó như thế, mà tại thế sự nó sinh ra văn chương như thế…’’trong chuyển động thời gian, con người cứ muốn biến lịch sử thành thứ của riêng, lịch sử lại được nhìn qua con mắt cá nhân, Hegel coi lịch sử như một thứ biện chứng trong khái niệm, cái đỉnh cao của nó là sự tuyệt đối, Marx coi lịch sử như cuộc chiến sinh tử giữa áp bức và bị áp bức, Lev Tolstoi coi lịch sử như cuộc thử sức của chân lý, còn ta, Nghè Huân, thì coi lịch lịch sử như một thứ bản nháp về sự điêu tàn, đôi khi, nó, lịch sử, lại giống một cuộc chơi phóng đãn, thật ra, hết thảy chỉ là những nghĩ ngợi trong đầu, duy lý, những nghĩ ngợi như thế, đôi khi, rốt cuộc, chẳng nói lên được cái gì cả, có điều, thế giới rối ren thì ma quỉ lộng hành, khi thế giới rối ren, thường, đám có chữ xuất hiện trước nhất , ỷ mình có chữ, đám có chữ sẽ đủ thứ tào lao thiên địa, sẽ nhân danh này nọ, ta là nhà triết học, hay, ta là nhà văn, hay, ta là nhà tôn giáo, vân vân, để ca ngợi, hay phỉ báng cái nọ cái kia, tôn giáo và triết học lừa đảo là con đẻ của thế giới rối ren, cho nên ta, Nghè Huân ta đã cầm ngọn bút lên thì ta coi ta như là kiếm khách, kiếm khách, hề, bâng khuâng, một bầu trời rộng lớn, và một người  đi, đơn độc, văn chương là cuộc đi đơn độc, thấy cái bóng mình đổ giữa hoàng hôn, chồng lên cái bóng của những kẻ đi trước đã ngã xuống ở phía bên kia cái cách nghĩ của tâm thức lang thang, văn chương, cái bản thể của sự vật, thứ dấu vết của thế giới, rõ nhất, mơ hồ nhất, thật nhất, nhưng cũng  không thật nhất, tôn giáo và triết học chỉ làm công việc an ủi, chỉ văn chương như thế mới có thể cứu rỗi nhân loại’’/trích TÂN TRUYỀN KỲ MẠN LỤC/NGHÈ HUÂN, sách THẦN TÍCH, THẦN TỤNG  còn lưu trong hồ sơ gia phả làng tôi, ghi rõ: một) mùa xuân cây cỏ tốt tươi, cúng xuân là cuộc giao ước giữa con người và trời đất, con người quí trọng cỏ cây thì trời đất cũng phải quí trọng con người bằng mưa thuận gió hòa, hai) cúng thu là tri ân các bậc tiền nhân lập đất lập làng nay đã trở thành những hiện hữu thiêng liêng: các vị thần làng,…‘‘nay, ta Nghè Huân, cũng không hiểu vì sao chỉ mỗi tay trưởng làng chẳng có kiến thức bao nhiêu lại đánh đổ được các thứ truyền thống coi như công trình trí tuệ của các bậc tiền nhân, đánh đổ xong trí tuệ của tiền nhân, lão ta lại dắt người làng ta đi xem trăng cuối tháng, đó là đỉnh cao của nhân loại, lão trưởng làng tuyên bố, và cứ đến cuối mỗi tháng là người làng ta phải dắt díu nhau đi xem trăng cuối tháng, cứ thức trắng đêm để canh trăng lên, cho đến sáng ra, chỉ thấy mặt trời lên, và vầng trăng vẫn bặt dạng, ta, Nghè Huân, cứ nghĩ mãi về cái khúc sử có tay trưởng làng làm điên đảo người làng ta, và cảm thấy như thể các hệ thống nhận thức của nhân loại đang đổ loảng xoảng’’ /trích  TÂN TRUYỀN KỲ MẠN LỤC/NGHÈ HUÂN,

 

68/  tôi nói, không biết rồi làng ta còn xảy chuyện gì nữa hay không, nhưng ông Tú Kết nói, cứ tới đâu hay tới đó, cứ nghĩ là sẽ bình an, chú Tư, ông Tú Kết bảo thiên hạ cứ nói to lên một tiếng [tựa sách bút ký của ông] nhưng khi trò chuyện về cuộc sống, tôi có cảm tưởng con người vô cùng thông thái ấy rất ngại ngùng, chẳng dám nói to, tôi với ông Tú Kết mới chỉ lai rai vài ba câu về chuyện đi xem trăng cuối tháng lão trưởng làng bày ra hồi ấy đã thấy bà Tú Kết mang đồ nhấm lên, khô nai nướng với rượu làng Cù, thật ra, chỉ là cái cách như một cách xiển dương văn hiến của làng, khách đến nhà không trà cũng rượu, tôi với ông Tú Kết chẳng phải những kẻ sành rượu, nhưng mỗi khi tôi đến nhà thì bà Tú Kết lập tức bày ra cái góc văn hiến ấy, rượu làng Cù với một chút thức nhấm, khi là hạt đậu phộng ran, khi là món dưa cải chua, và hôm ấy, như thể là thứ thức nhấm dành cho thượng khách, thật ra, tôi cũng hiểu được tình cảm ông Tú Kết đã dành cho tôi một kẻ hậu sinh: vừa quí mến, vừa trân trọng, thịt nai là của ngài hạt trưởng kiểm lâm đó chú Tư, ông Tú Kết đã kể cho tôi nghe chuyện anh Bốn Bửu, cháu gọi ông bằng cậu ruột, đi bứt mây ở núi Lũng gặp con nai mẹ đẻ con khó và chết chỗ bờ suối ấy, để thực hiện công cuộc bảo vệ động vật hoang dã, ngài hạt trưởng kiểm lâm đã cho mang con nai mẹ xấu số về trụ sở hạt kiểm lâm, và trước khi cho mang con nai đi, ngài hạt trưởng đã không quên cắt hai tai con nai xấu số để thưởng anh Bốn Bửu người có công đi báo cho hạt kiểm lâm về chuyện có con nai chết trên rừng, dù sao ngài hạt trưởng kiểm lâm cũng là kẻ thảo ăn, chú Tư, ông Tú Kết nói, và giục tôi uống với ông một chút, thường thì trong cuộc rượu có tính nghi thức như vậy, chúng tôi cũng chỉ đặt môi lên chung rượu để gọi là trọn nghĩa với cái góc văn hiến ấy của làng, nhưng lần này ông Tú Kết uống thật, tôi biết là ông đang buồn, ông vẫn đang buồn về chuyện thằng Bính, thằng con trai út của ông, đã rã xác trong chuyến theo lão trưởng làng đi tìm cái vĩnh hằng, đúng đấy chú Tư, nó chính là cuộc phù du, ông Tú Kết uống liền ba chung rượu và nói, dạ, đúng là chuyện phù du, thưa bác, tôi nói, và biết là ông sắp nói về chuyện gì nên vội hướng câu chuyện sang hướng khác, tôi nói về những ngọn gió nam đang thổi ngọt, ở làng Cù tôi, đến mùa gió nam thổi thì như thể con người bước vào một chí tuyến khác của địa cầu, cái nóng bức khô rát ấy là hoàn toàn khác với bất cứ thứ thời tiết nào trong năm, phải, thằng Bính ta cũng chết vào mùa gió này, ông Tú Kết nói, và như thể đang cố cầm lại những giọt nước mắt, tôi cũng luôn bị ám ảnh, chứ đâu phải chỉ mỗi ông Tú Kết, bấy giờ, tôi đang trong đám người đi ở đằng trước thì nghe trong đám người đi đằng sau có nhiều tiếng thét kinh hãi, những người kiệt sức đã ngã xuống trong cuộc hành trình đi tìm vĩnh hằng, và sau đó là tiếng quát tháo của lão trưởng làng: hãy tiến lên thôi, đó là cái đỉnh cao của nhân loại đó, thằng Bính con trai út ông Tú Kết thuộc số những người làng đã chết trước khi được bước lên cái đỉnh cao đó, nó cứ từa tựa một cơn đại hồng thủy thời đương đại, chỉ có điều là hơi khác một chút với cơn đại hồng thủy thời tiền sử, không phải chết cả, mà rất nhiều người còn sống sót và rơi vào thứ ‘‘hội chứng đương đại’’ là cứ luôn thấy mình bị lưa gạt, nước rút đi thật lâu người ta mới tìm thấy xác thằng Bính, ‘‘ xương thịt đã rã ra trong khói mây của thế kỷ’’, câu này là rút trong tập bút ký Cứ Nói To Lên Một Tiếng cua ông Tú Kết, và trong cuộc rượu nhấm nai khô ấy, ông Tú Kết đã nói về đứa con trai yêu dấu của mình: khi nhiệt huyết trong ta bị kích động thì biến thành lửa triêu dương, ngọn lửa sớm mai ấy đốt cháy ý thức , con người trở thành cuồng vọng,

 

69/  nhưng cái địa chỉ ấy, cuộc định vị ấy, làng, như thể cái cột mốc mang tính định mệnh trong cuộc lưu ly hải hồ bạt mạng của nhân loại, có thể không phải, hay không còn là đơn vị cai trị trong đồ bản cư trú của một khúc sử nào đó, nhưng nó, cái tên gọi ấy, không gian ấy, như một tâm tư bảng lảng những âm vọng không rời, tôi cứ thấy nhớ  tiếng hú gọi nhau trong những sớm tinh sương, có thể là họ thức dậy từ hồi gà chưa gáy sáng, nằm chờ mặt trời lên, rồi không còn chờ được, phải ra đi, với người làng tôi thì dãy núi rừng ở phía nam làng  như thể cánh đồng làng thứ hai vậy, vào đó để kiềm thêm thóc ăn, dây mây rừng, trái rừng , hay cái trạnh cày, bắp cày… lấy từ rừng núi Lũng là thóc ăn đó, buổi sớm tinh sương hú gọi nhau vào rừng kiếm thêm thức ăn, thứ âm vọng chứa chan sức sống mà lầm than ấy không thể không diễn ra ở nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, buổi sớm tinh sương nghe tiếng hú gọi tôi thức dậy nằm im trong vòng tay mẹ, muốn hỏi thử, nhưng không biết hỏi cách sao, rồi cuối cùng cũng hỏi được, có một sớm tinh sương, tôi còn nhớ, sáng nào người làng mình cũng hú gọi nhau chi vậy mẹ, rốt cuộc tôi cũng hỏi được, nhưng câu trả lời của mẹ tôi thì thằng Cam Sành là tôi lúc bấy giờ không hiểu hết, phải đợi là tôi lúc này mối hiểu được, người làng mình vào núi Lũng kiếm thêm gạo nấu đó con, mẹ tôi đã nói vậy, và cho đến lúc này tôi mới hiểu ra thế giới là một cuộc kiếm thêm thức ăn [tất nhiên là có những nhiều những kẻ dư thừa thức ăn do cướp bóc được từ cái thế giới là một cuộc kiếm thêm thức ăn] tôi cứ nghĩ đến mẹ tôi và cái buội dứa lúc nào cũng tươi tốt chỗ bờ rào nhà tôi, bữa nay mẹ cho thằng Cam Sành của mẹ mấy con ngựa chiến nghe chưa, mẹ nói đến lũ ngựa chiến, và hái lá dứa thắt cho tôi một bầy ngựa có những cái đuôi dài vểnh lên trời, ngựa chiến mà, như thế là tôi lại được biết ngựa chiến thì chạy nhanh đến vểnh đuôi lên, bữa nay mẹ cho thằng Cam Sành mấy con bò cày nghe chưa, mẹ tôi đã lấy từ buội dứa chỗ bờ rào nhà tôi những ngựa, bò, những xe cộ, nhà cửa , thuyền bè, có khi là cả một xứ sở, bằng sức tưởng tượng của mẹ và sức tưởng tượng của tôi, tự buổi ấy, mẹ tôi đã nâng trí tuệ và tình cảm của tôi lên, làng là nơi để diễn ra những chuyện như vậy, những âm vọng ấy cứ như một thứ giọng nói cứ nói hoài về những ngọn khói cơm chiều vốn cất lên tự buổi con người cũng vừa mới dựng lên cái mái lá bên tiếng con cá quẫy nơi khu rừng ngập nước, cứ nói hoài về chuyện làm sao con người lại có thể tách ra khỏi đám động vật hoang dã nghĩ ra được cái cách bận áo quần nghĩ ra được ngọn lửa nấu thức ắn và đứng lên nói với những bạn bè cũ của mình rằng ta là homosapien rồi lập đất lập làng, tôi cứ muốn xác định tính triết học của những mưa nắng đổ xuống làng và  của những ngọn gió thổi qua làng [*],

________
[*]

câu chuyện như thế không thể gọi là câu chuyện mà như thể là một cái gì đó, cứ gọi là ký ức thôi, thứ ký ức luôn làm ngân lên trong ý thức tôi những tra vấn có tính bản thể luận, đó là những đêm trăng ở làng, tôi cứ  thích gọi buổi ấy là buổi hoa niên của tôi, ở tuổi mười lăm mười bảy ấy mà, buổi cứ thấy dấy lên trong nghĩ ngợi những cảnh trí êm đềm tựa  đang dẫm chân lên chốn thấn tiên, một thứ cảm thức sơ khai của tình yêu, tức, đang chớm nở  niềm khao khát nhẹ nhàng như con ong khao khát hương hoa, nhưng khi con ong hút mật lại là chuyện khác, chuyện của dục vọng, không phải tôi muốn nói lòng vòng vậy, bỡi cho đến giờ tôi vẫn cứ thấy ngại ngùng khi nói về chị Vàu của tôi, những bài hát thời kháng chiến chống ngoại xâm cho đến giờ vẫn còn lung lạc tôi là do đã nghe chị Vàu của tôi hát, Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa… đây dòng Lô, đây dòng Lô…ôi, đấy là giọng hát của chị Vàu của tôi, chị Vàu là con gái bác Bốn Mịch, chị cả của Khái, bạn nối khố của tôi, chị Vàu lớn hơn tôi chừng mười tuổi, tôi với Khái là chỗ chí cốt, nên chị Vàu cũng coi là ruột thịt của tôi, nhưng tình cảm tôi dành cho chị Vàu của tôi thì hoàn toàn khác với tình cảm tôi dành cho Khái, thứ tình cảm làm nên thứ ký ức  cứ làm ngân lên trong tôi niềm day dứt khôn nguôi, nó là trăng làng, và thứ cảm xúc bàng bạc của buổi hoa niên của tôi,  làng những đêm có trăng đối với tôi  lúc bấy giờ như thể một sự cố, bỡi đêm có trăng tôi nhìn chị Vàu của tôi hát rõ hơn những đêm không trăng, thời kháng chiến gian khổ, bọn tuổi hoa niên bọn tôi cứ chờ đêm xuống để được ca hát,  chị Vàu của tôi hát mẫu, rồi bọn chúng tôi hát theo, đây dòng Lô… sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa…giọng chị Vàu của tôi như thể giọng một con chim, thì tôi cũng chỉ có thể ví von vậy, chị xướng lên một lời bài hát nào đó là bọn chúng tôi cất tiếng hát theo, tôi thì chỉ nhóp nhép miệng, hát thầm, vì sợ hát to làm át mất giọng hát  chị Vàu của tôi, khi bài hát đã nhuyễn mới nhảy múa, thằng Khái bạn tôi thì nắm lấy tay phải của  chị Vàu của tôi, còn tôi thì lúc nào cũng tranh với những đứa khác để  được nắm lấy tay trái của chị ấy,, tôi nắm chặt lấy tay chị Vàu  để cùng chị và lũ bạn tôi nhảy nhót dưới thứ ánh trăng bao giờ cũng mát rười rượi như thể một thứ quang cảnh trời đất chế tạo riêng cho bọn chúng tôi, nghỉ nhảy múa, chị Vàu cùng với chúng tôi ngồi xuống sân cũ đình làng, vẫn giữ nguyên cái vòng tròn hội quần tiên ấy, đứa biết hút thuốc thì hút thuốc, đứa không biết hút thuốc thì trò chuyện, tôi thì ngã đầu lên vai chị Vàu của tôi, cứ thấy như trời đất đang quay, mặt trăng trên đầu tôi cũng đang quay, chị Vàu có nói gì đâu, chỉ ngồi im cho tôi ngã đầu lên vai chị, nhưng tôi thì thấy là chị đang nói với tôi thật nhiều, giọng hát em hay lắm, chỉ hơi lệch về phía trên cao một chút, giọng chị Vàu của tôi bấy giờ nhỏ như sợi chỉ, ôi, hơi lệch về phía trên cao là sao, tôi không biết, chỉ thấy tôi như đang rã ra thành cát, đêm ấy tôi không ngủ được, cứ thấy mình chìm ngập trong thứ tra vấn mênh mông, đó đã là tình yêu chưa, và tôi, thằng Cam Sành với tuổi hoa niên, đã có quyền yêu chị Vàu của tôi chưa, là tôi đang rơi vào thứ cảm thức vừa hạnh phúc vừa đau đớn, sáng hôm sau tôi dậy sớm lắm, ra đứng chờ ở con đường ra đồng làng, cứ thấy hồi họp như sắp sửa gặp điều hiểm nguy nào đó, chị Vàu cũng dậy sớm lắm,  tự dưng tôi cứ thấy bẻn lẻn khi chị đi tới chỗ tôi đứng, em, chị chỉ nói vậy, rồi đi, chẳng biết có phải vậy không, tôi thấy chị Vàu của tôi cũng bẻn lẻn như tôi, đó là quảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời tôi, tôi bắt đầu thấy sợ hãi, sợ chị Vàu của tôi biết được thứ tình cảm tội lỗi của tôi, nhưng lại mong chị nhìn thấy được thứ tình cảm tôi còn nghi ngờ không biết có phải tình yêu hay không ở trong tôi, rồi những đêm trăng tiếp sau đó chị Vàu vẫn tập cho bọn chúng tôi múa hát, chỉ có điều khác trước là tôi không còn dám nắm tay chị Vàu của tôi nữa, chỉ nhìn, và cứ thấy cháy lên trong tôi niềm khao khát như thể cây lúa đồng làng mùa hạn hán khát nước vậy, rồi tôi vào đại học, ý thức của một kẻ đã có vốn liếng kiến thức về thế giới mách bảo tôi rằng, đó là thứ tình yêu thánh thiện của con người, tôi tin vào ý thức của tôi, và càng thấy yêu chị Vàu của tôi hơn, tôi quyết định mùa hè ấy khi về làng tôi sẽ nói thật với chị Vàu  tình cảm của tôi, nhưng khi vừa bước vào nhà, mẹ tôi đã thông báo: con Vàu bị trúng bom giặc chết rồi con à, tôi lại thấy đất trời quay cuồng y như hôm tôi ngã đầu lên vai chị ấy, đêm ấy tôi không thể nào rời khỏi hình ảnh chị Vàu của tôi, là lúc ký ức về chị rõ ràng nhất trong tôi, gần sáng tôi mới chợp mắt một chút và thấy mình lạc đến chốn gọi là trần gian danh bộ viện, vị thần ở đó vừa trông thấy tôi, nói lớn: mối tình của người với người phụ ấy là thuộc tình yêu của tuổi hoa niên, tôi không tin vào giấc mơ cho lắm, nhưng  tôi tin đó là tình yêu của buổi hoa niên của tôi, những thứ như vậy đã làm nên thứ khái niệm trần gian uyển chuyển giữa khói sóng của tháng năm, khái niệm về làng,

 

 

 

70/  và nàng là toàn bộ vẻ giang sơn gấm vóc phủ lên tiếng con chim bịp kêu chiều/phủ lên ngọn gió lơ đãng thổi hơi chậm đi một chút so với mọi lúc/phủ lên thứ nghi thức hơi khó khăn như thể là đã mỏi gối chồn chân sau một ngày mệt lã đuổi theo những vọng tưởng cuộc bay nào của lũ chuồn chuồn lại không là vọng tưởng/nhưng dù sao/nàng/cái vẻ dáng tuy muộn mằn ấy vẫn cứ là sắc nước hương trời/trước lúc rời đi vẫn cứ chạm vào hoa lá và chim chóc trong vườn/bạn lại đi nữa sao/dường đám hoa cúc tần lên tiếng hỏi/cuộc trò chuyện như thể chứa đựng sức luân hồi cường tráng/chẳng phải có thứ đi là đi mãi đó sao/có điều chắc chắn là nàng còn trở lại/hết thảy đất đai cây lá và chim chóc trong vườn đều biết hôm sau là nàng trở lại/rồi sẽ cười vui tái ngộ/có điều, lại cứ thấy như thể hết thảy đều mới ra khi gặp lại, các cổ thư gọi là sự triển nở/ cuộc vận hồi của nàng như thể kế sách bí ẩn và dài lâu của hoàn vũ/thật ra, đấy cũng chỉ là xác định triết học về dịch chuyển/cứ để cho kẻ khác tưởng đi là đi mãi/ cứ để cho kẻ khác rơi vào nỗi ngạc nhiên như thể là cách thức làm mới lại vạn hữu/cuộc vân du của nàng là nỗi niềm hoành tráng vượt qua mọi hiểu biết của vạn hữu/thấy nàng sắp ra đi con nghé lạc mẹ trên đồng làng cứ gào lên/lũ gà con lạc mẹ trong vườn cứ rối lên/hay cái cách chiu chit của lũ gà con lạc mẹ chỉ là để tỏ ra chẳng muốn nàng ra đi/nàng là tạo hóa của những cung bậc buồn vui/nhưng dẫu sao/em/cái vẻ dáng tuy muộn mằn ấy vẫn cứ là sắc nước hương trời/có thể là em làm ngừng lại những bước chân lữ thứ/nhịp nghỉ hay cái dấu cách tạm thời của cuộc hành trình/cuộc chiêm quan chẳng phải là bất ngờ/lồng lộng nét vẻ kiêu sa viễn xứ/thoắt một đoạn khúc cổ xưa/thật ra nàng cũng thuộc cổ xưa/ lữ khách ngồi lại với nhau để nói về nàng/để nói về cái cổ xưa/em/vạt nắng cuối ngày/huyền thuyết của hương thơm và mật ngọt,

 

71/  còn tiếng gù tình của lũ cu đồng thì như ngọn triều yêu dấu, lại là huyền thuyết về những sức vóc trên cao, lần này, cái uyên nguyên cỡi sóng lại nằm trong thứ âm vọng kỳ dị được trích ra từ tiếng gù tình của lũ cu đồng, cũng chỉ là tiếng hát chim cu mà thành ra một khoảnh nhân sinh bao quát nghĩa lý cuộc đời lấp loáng cả cái hào hoa náo động lẫn cái bi cảnh không cầm được nước mắt, bây giờ, tôi không còn dám gọi Khái bằng thằng như những đứa bạn khác, dẫu ở trong làng Khái là bạn chí cốt của tôi, bạn tự thuở lên ba, bỡi cái chết của Khái là quá khác với những cái chết khác, nó cứ gờn gợn trong tâm tưởng tôi về cái chết của một bậc thánh [ồ thời con người như thể mất hết lòng trắc ẩn, ở trên thế giới người ta vẫn giết người như ngóe, các cuộc tàn sát dân chúng của những nhà cầm quyền độc tài, các cuộc khủng bố không gớm tay của các tổ chức cực đoan, các vụ thủ tiêu tàn nhẫn trong các tranh đoạt chính trị, bạn tôi đã chết một cách thánh thiện trong một thời đại như vậy] đừng cấm cản thằng Khái nữa, cứ để cho con nó thoái mái mà sống, hồi ấy, cha Khái đã nói với mẹ Khái như vậy, hay bác Bốn Mịch, cha Khái, ông từ giữ đình làng, người thấm nhuần ý nghĩa trần gian, đã linh cảm được điều gì đó ở đứa con trai yêu quí của ông, Khái đề xuất việc đi nhử cu đồng là để bớt gánh nặng của nhà, Khái tính toán với mẹ, một ngày nhử được hai con cu đồng thì nhà có hai bữa canh rất ngon lành, cu mồi là mua của một người ở làng bên chuyên nuôi cu đồng cồ [con trống] để làm mồi nhử, lồng chim là tự tay Khái làm, tôi đến nhà bác Bốn Mịch thấy Khái tự tay chặt tre trong vườn để chẻ nan đương lồng, và ngồi thiết kế cái lưới rập công phu, cái bẩy rập bằng lưới cắt từ lưới đánh cá đã thải ra của một người bạn bác Bốn Mịch ở tận dưới Giã, thì biết là thằng bạn nối khố của tôi đã sa vào một niềm đam mê mới mẻ, một buổi Khái cùng tôi đến trường, một buổi quảy lồng cu lặn lội vào các khu vườn trong làng, ngay bữa đầu tiên Khái đã quảy lồng cu về không, tức không rập được con cu đồng nào, sau khi Khái chết, tôi đọc thấy trong nhật ký của Khái: ‘‘lũ chim cu chúng có cái tình đồng loại của chúng, thâm sâu lắm, nghe con chim cồ ở trong lồng cất tiếng gù thì như thể hết thảy lũ cu có mặt trong khu vườn đều kéo đến, con cu cồ trong lồng tiếp tục gù, và lũ cu đứng rải rác trên các cành cây cạnh đó lắng nghe, chốc chốc lại cất tiếng đáp, rồi một con đã bước vào cái vuôn sân định mệnh trong hệ thống lồng nhử, và sa lưới, không phải đâu, không phải ta thấy cái lưới rập sa xuống, mà nhìn thấy đất trời đang sập xuống trước ta, trong thứ cảm xúc thương tích ấy, ta hạ lồng chim xuống đất, nhấc cái bẩy lưới lên, con cu đồng nạn nhân của ta bay vút qua nỗi bàng hoàng của ta, phải rồi, ta không thể hủy đi một cuộc tình’’…ngay tự ngày đầu tiên đi nhử cu đồng, Khái đã hoàn toàn thất bại trong kế sách kiếm thêm thức ăn, đám sinh vật không biết nói tiếng người ấy đã hút hồn Khái, cà bốn mùa trong năm mùa nào Khái cũng quảy lồng nhử cu ra đi, không phải đi nhử cu mà đi nghe lũ chim cu gù tình, mẹ Khái lo Khái chểnh mảng việc học nên ra sức ngăn cản Khái, hay là bác Bốn Mịch, ông từ đình làng, người giữ toàn bộ hồ sơ gia phả của làng, đã lãnh hội được các thứ trí khôn tiềm ẩn trong các thư tịch trong hồ sơ gia phả nên đã nhận ra việc làm của con trai mình là hợp với lẽ trời, cứ để cho con nó thoái mái mà sống, cha Khái đã khuyên mẹ Khái như vậy, sau khi Khái chết, tôi đọc thấy trong nhật ký của Khái: ‘‘Tiếng gù tình của lũ cu đồng không còn là sự vật của tình ái, cái dục vọng thường tình, có những hôm ta ngồi cố lắng nghe, thì thấy, trong khoản âm lượng của thứ tiếng hót ấy là chan chứa những khái niệm tinh khiết về cái tương quan tinh khiết, tương quan của những xung động thảnh thoát, như thể hai thứ vũ trụ đang chuyện trò nhau, ngôn ngữ của buổi sơ khai, ồ cái nhất thể đôi khi lại lãng đãng thành ra như rời rạc quấn quít nhau như thấy bên ấy đang réo gọi mình, hóa ra thế giới cũng chỉ là một tiếng gù tình bất tận’’…mùa đông ấy bão lớn lắm, cây cối trong các khu vườn trong làng Cù tôi ngã đổ hết, chim chóc chết hết, lũ cu đồng chịu gió mưa dở nhất nên chết nhiều nhất, thằng Khái, bạn tôi, đau buồn, bỏ ăn bỏ ngủ mấy hôm thì chết,

 

72/  tôi lại phải bắt đầu  với bác Bốn Mịch ông từ đình làng người giữ hồ sơ gia phả của làng luôn ôm trong mình một đống cổ thư, Những Khúc Thức Kỳ Hồ, rồi Cổ Quái Tinh Hoa, rồi Thần Hệ, Thần Tích, Thần Tụng, thứ văn hiến lưu ly biệt lệ, để may ra có thể cắt nghĩa về cái chết của con trai bác ấy, Lê Khái, thằng bạn chí cốt của tôi, ở trong làng, tôi với Khái chơi với nhau tự buổi hỉ muỗi chưa sạch, cùng chơi đủ thứ trò nghịch ngợm, đi hốt ổ chim trên cây, lén dộng chuông ở chùa thầy Tư Phát dưới chân núi Voi Nằm, thân thiết đến độ phải đánh nhau cho tới mẻ đầu lỗ trán, rồi ôm  nhau, khóc, ở làng quê, lũ trẻ nít chúng tôi có cái kiểu thâm giao như vậy mà giữ được cho tới buổi bạc đầu, rồi qua đi thời nông nỗi, tới tuổi trưởng thành, tôi và Khái lại cùng cắp sách đến trường, học tiểu học ở trường làng, rồi học trung học ở trường huyện, ngày nào là cũng nắm tay nhau đến lớp, thứ tình bạn cứ giống như lửa bếp, cái cách gắn kết như củi bếp với lửa, cháy, có thể nói cuộc thâm giao của hai đứa chúng tôi là một cuộc cháy, vậy mà, vào một ngày mùa đông buồn bã thằng bạn nối khố của tôi lại bỏ tôi mà đi, cái chết của Khái như làm cho cuộc đời tôi  khuyết đi một cái gì đó như thể tôi bị khuyết mất thịt da,,  Khái đã chết thật rồi, nhưng nghe ra cứ như điều chẳng thật, tại sao lại chết vậy nhỉ, tra vấn ấy cứ vang lên lên trong tâm thức tôi, chuyện là từ lúc còn học trường làng, Khái đã nghĩ ra việc mang lồng chim mồi đi nhử cu đồng, một buổi Khái đến trường, một buổi Khái mang lồng đi nhử cu, trường huyện cũng gần làng tôi, nên khi học ở trường huyện Khái vẫn tiếp tục việc  nhử cu, động cơ ban đầu nhử cu là kiếm thêm thức ăn cho gia đình, nhưng ngay buổi đầu tiên, Khái đã bị lũ cu đồng hớp mất hồn, quảy lồng về không, tiếng gù tình của lũ chim cu đã làm cho Khái phải chuyển sang hướng khác, không còn là săn thức ăn, mà là một cuộc trải nghiệm cảm xúc trên thứ nền tảng của tự nhiên, nói tóm là Khái mê tiếng hót chim cu, treo lồng chim mồi lên cây là lập tức lũ cu ở khắp nơi kéo tới, rồi chúng bắt đầu với thứ ngôn ngữ của chim, lũ cu gù nhau suốt buổi, và Khái cũng ngồi nghe suốt buổi, cuộc hành trình trải nghiệm cảm xúc cứ vậy mà trài dài trong suốt những ngày tháng của Khái, ở làng tôi người ta đã quá quen với hình ảnh chàng trai học trò quảy lồng chim lặng lẽ đi vào các khu vườn trong làng rồi lặng lẽ quảy lồng quay  về, nếu không có mùa đông bão tố ấy, cái mùa đông làm cho đám cu đồng trong các khu vườn trong làng tôi chết gần hết ấy, thì Khái có chết hay không, bác Bốn Mịch nói Khái do buồn rầu lũ chim mà chết [dứt mưa bão, Khái đi một vòng qua các khu vườn trong làng, thấy lũ cu đồng nằm chết la liệt, về, bỏ ăn bỏ ngủ một ngày một đêm thì chết]…”cho đến khi dịch sang tiếng người hết thảy các cuộc trò chuyện của chim thì ta sẽ tuyên bố cho thế giới biết là đã có một khoa học mới về chim”,  Khái đã viết thế vào những ngày cuối bậc trung học, giờ, tôi đọc nhật ký của Khái, cứ thấy lạ, một học trò trung học lại có những nghĩ ngợi rất giống với nghĩ ngợi của những nhà nghiên cứu khoa học, hay cái chết quá nhiều của lũ chim cu đã gây nên cú xốc quá lớn trong cõi tư duy như thể một thứ tiền tư duy khoa học nơi Khái, rồi tôi lại nghĩ đến bác Bốn Mịch, người đã đọc nát hết các cổ thư trong hồ sơ gia phả của làng, các cổ thư ấy, tôi biết, là dòng văn hiến luôn âm thầm tác động lên cuộc sống người làng tôi từ thế hệ này sang thế hệ khác, một cụm mây bỗng biến hóa thành dòng người bước xuống trần gian làm nên đại cuộc, hay, chỉ chốc lát vị thần đồng làng đã  thành ra câu hát ru, ví dụ những nội dung vậy, những cổ thư ấy như thể là thứ kho báu lưu linh uyển động, một thứ tinh thần thế tục nhuốm màu u linh chắc là đã thấm vào bác Bốn Mịch từ lâu, rồi bác ấy lại hoài thai cho mẹ Khái để sinh ra Khái, có thể  thằng bạn nối khố của tôi là hệ quả của một cuộc chuyển hóa khôn lường, nơi Khái có thể là hồn cốt cao sang biệt lệ đến mức chỉ cái chết của chim cũng đủ để làm ngân lên giây phút phù trầm, thì tôi cũng nghĩ lang mang vậy thôi, tôi còn nhớ hôm ấy khi tới nhà Khái thì thấy Khái đã chết mà nằm ở trên giường như đang trong giấc ngủ vậy, ông bà Bốn Mịch, cha mẹ Khái, thì ngồi ở hai bên giường Khái, khóc, tôi ngồi xuống bên bác Bốn Mịch, và cũng không cầm được nước mắt, đã hết mưa bão, nhưng trời mùa đông vẫn còn buồn bã, rất buồn, cháu cứ thấy giống như tai họa, mà đâu phải tai họa, cũng không biết nói thế nào về cái chết của Khái bác ạ, tôi nói, bác Bốn Mịch chùi nước mắt, nói, cháu là bạn chí cốt của thằng Khái nhà ta, thì cháu cứ coi đây là  chuyện cát bụi, cháu ạ,

 

73/ hóa ra sách Cổ Quái Tinh Hoa còn lưu giữ trong hồ sơ gia phả của làng tôi là cuốn sách chứa quá lớn [ đại tàng thư] ở đó là chẳng thiếu thứ gì, từ cái cách người làng đi chôn một con bò cày say sắn chết đột ngột đến việc ông vua của nước ăn nằm với gái góa trong làng dẫn đến cái án tử hằng trăm người làng vì đã vô tình nhìn thấy việc ái ân của vua, tôi như thể kẻ lạc đường đã tìm thấy ngõ cũ, bỗng nghe thấy những tiếng nói của người xưa, cả cái quá khứ dài dằng dặc của người làng tôi là được chép ở trong đó, mà bút pháp của sách lại là cuộc phá vỡ toàn bộ những tiêu chí kinh điển từng ràng buộc con người trong trước tác, bác Bốn Mịch, ông từ đình làng, người giữ hồ sơ gia phả của làng, đọc Cổ Quái Tinh Hoa đến nghỉn bận, thuộc từng ngõ ngách của từng câu chuyện, ta biết đây không phải sách sử do người chuyên chép sử viết, mà do các bậc tiền nhân của làng ta muốn cho con cháu ngày sau biết cha ông mình đã sống ra sao nên đã cùng nhau làm ra sách, cứ mỗi thời các vị lại thêm vào một ít về việc của làng, lâu ngày thành ra cuốn sách lớn chúng ta có trong tay, có điều khi đọc, ta cứ thấy dấy lên trong lòng thứ cảm tưởng những điều nói trong sách như thể các sấm  ngôn về họa mất nước, cái đám pháp quan[*] ấy thì thời nào cũng đầy tội lỗi, cháu à, chính là câu nói bác Bốn Mịch bất ngờ buột ra ấy khiến tôi có ham muốn  sẽ chú giải tòan bộ ý đồ [thông điệp] các bậc tiền nhân của làng gửi gắm trong sách, về đám pháp quan, tôi đọc thấy có  chỗ như vầy:  ‘‘mùa đông, tháng chạp, năm Mậu Tý, người làng Cù đứng lên chống lại đám người Phù Lỗ giả dạng thầy thuốc  kéo vào làng Cù đào giun đất, săn bắt rắn, chuột… nói là để chế thuốc trị bệnh cứu người nhưng thật ra là để làm hỏng đất đai cho dân làng thiếu đói, vua sợ làng Cù làm mích lòng Phù Lỗ là nước đang bảo trợ ngôi vua của mình, bèn sai quan tư mã đi thảo phạt, nửa vạn quân triều cùng hai vạn quân điều động từ các miền biên ải tiến chiếm làng Cù trong đêm trừ tịch, toàn bộ dân chúng làng Cù bị bắt giam vào ngục, một pháp đình đã được mở ngay tại làng Cù, hai trăm pháp quan được điều động từ Đại pháp đình ở kinh và từ các Pháp đình các địa phương đến làng Cù để tham gia việc xét xử, chủ tòa là quan chủ Đại pháp đình ở kinh vốn là kẻ giữ ngựa  nhờ chăm sóc đám ngựa của vua chu đáo [ngựa chiến, ngựa đua, rồi ngựa cỡi dạo chơi…]  nên được vua cho làm quan chủ Đại pháp đình, hãy đưa hết đám dân phản nghịch đến đây, quan chủ tòa lệnh, lập tức, cứ năm binh triều thì dẫn một người làng Cù đến hầu tòa, lũ các người đã biết tội của mình chưa, quan chủ tòa hỏi, vào cái khúc sử ấy thì trưởng làng là người đứng về phía dân làng đã đứng lên nói lớn: lần này thì quan trên đã bắt nhầm người rồi, chống lại bọn xâm lược đất nước là có công lớn đó, quan chủ tòa có vẻ rất tức giận, liền đứng lên tuyên án: cố ý sát hại những thầy thuốc làm công việc cứu người là bất nhân bất nghĩa, phải chết, để làm gương cho những nơi khác, quan chủ tòa đã cho treo cổ bảy mươi hai người dân làng Cù’’, ở dưới đoạn này  có chú thích như vầy: ‘‘cái họa pháp quan thật ra  là một điềm triệu mất nước, bỡi sau đó thì người Phù Lỗ tràn vào xứ sở, ở đâu cũng thấy có người Phù Lỗ, tiệm ăn của người Phù Lỗ, tiệm vải của người Phù Lỗ, nhà chứa đĩ điếm của người Phù Lỗ, thâm chí là những công trình thờ phượng thần thánh kiểu người Phù Lỗ đã được dựng lên ngay ở kinh nơi vua đang ngự’’…tôi đọc, và không dám nhắc lại trong sách địa chí của làng vì biết đấy là cái vết nhơ trong lịch sử làng tôi,
____
[*]
về đám pháp quan, sách Cổ Quái Tinh Hoa chép rất rõ: bọn họ chia làm pháp quan của triều đình, pháp quan của các địa phương tỉnh, quận, thực ra chỉ là thứ hình thức để che mắt dân chúng mà thôi, giết ai, tha ai là do vua  định đoạt cả, ôi cả một thời đen tối …tôi đọc, và cứ thấy hoang mang, bỡi không biết sách chép như thế là vào giai đoạn nào của lịch sử

 

74/  mà những cuộc tình [*] chép trong Cổ Quái Tinh Hoa cũng rất lạ, về người con gái ấy tôi thấy sách chỉ chép mỗi chữ Bân, nàng Bân, tên gọi một kiểu rét buốt ở phương bắc, làng Cù tôi không có rét nàng Bân,  mượn tên một thứ giá rét ở chốn khác để đặt tên cho người con gái ấy quả có ẩn ý sâu xa nào đó khiến tôi luôn cảm thấy hâm mộ, sách chép như vầy: ‘‘có người còn nói nàng Bân sinh ra từ hư vô, nhưng đấy lại là chuyện khác, chuyện ai cũng biết là một sáng mùa hè ông từ đình làng thức dậy thấy có một bé gái nằm ngủ chỗ gốc cây muồng trên sân đình làng, tháng tư, hoa muồng rụng gần ngập người đứa bé, có lẽ do chuyện này nên có người  mới bảo nàng Bân là sinh ra từ hoa, nhưng sinh ra từ hư vô hay từ hoa lại là chuyện khác, ông từ đình làng như người cha nuôi nấng nàng thành người, cho nàng ăn học thành kẻ thông thạo sử sách, ông chết, nàng gìn giữ ngôi nhà tranh vách đất, gia sản duy nhất của ông, ngày ngày nàng phải ra đồng làng làm công việc của những nhà khác để kiếm gạo nấu vì ông từ đình làng chẳng có ruộng đất chi , đêm nàng đóng cửa khóc cha, có người hỏi như thế là thế nào, đáp, là để báo hiếu đó, chính nàng cũng không biết là mình từ đâu đến, nên khi nghe người làng nói nàng sinh ra từ hư vô, hay sinh ra từ hoa, nàng cứ cho là chuyện thật, và ngay cả cái buổi sáng ở sân đình làng, nghe ông từ đình làng gọi dậy đi  Bân, nàng vùng dậy, và cho đến lúc ấy nàng mới biết mình tên Bân, nàng khóc ông từ đình làng với tình cảm chân thành của một đứa con gái khóc cha mình, bỡi nàng vẫn hiểu một cách đơn giản rằng người nuôi dưỡng mình từ tấm bé chính là cha mình, có điều lạ, tuy được nuôi nấng và lớn lên trong cảnh nghèo khó vậy nhưng nàng lại có dáng vẻ  quí phái, bấy giờ, ở trong làng, nàng Bân như thể đóa hoa lạ đầy hương sắc, nói thế nào nhỉ, nàng đẹp một cách xa lạ, cứ như thể nàng tiên ngủ quên trong rừng rồi ngưới làng  khuân về, đã tỉnh giấc, nhưng cái cách đi đứng nói năng  như thể vẫn còn trong mơ…em sống một mình như vậy chắc là buồn lắm, có chàng trai trong làng thấy yêu nàng, hỏi thử, đáp, em cũng không biết nữa, nàng nói trong bộ dạng như một nhà triết học giả vờ làm một người bình thường để nói ra những lời giản dị nhưng cũng rất âm vang, nhưng em có chịu đựng nổi hay không, thấy nàng làm lụng vất vả ngoài đồng làng, có chàng trai làng thấy thương nàng, kiểu thấy thương một đóa phù dung bị chìm trong nắng gió, hỏi thử, nàng bảo như vậy là cùng chung khổ với mọi người, ồ, vào thời các vị thần còn mù mờ chưa xác định được cách làm sao cho nhân gian không còn đau khổ [chứ gì nữa, nếu không phải vậy thì tại sao có nàng Bân không còn biết quê hương gốc gác của mình] thì chỉ mỗi ông từ đình làng nhỏ nhoi lại thấy trước rồi ra sẽ có được một người con gái của làng còn quí hơn vàng bạc, rồi làng lại xảy ra chuyện lạ, sau một ngày làm lụng ở đồng làng, nàng Bân lại ra ngồi ở đầu làng ngóng nghìn về phía trời xa, chuyện gần như một nhịp điệu của của cuộc sống, cứ chiều ra nơi đầu làng  sẽ thấy nàng Bân ngồi chờ ai đó, cứ tưởng chỉ có vậy thôi, nhưng không phải,  nàng Bân cứ tiều tụy người đi, rồi bỏ ăn, bỏ ngủ, rồi chết, người làng phát hiện thấy nàng Bân chết trong lúc còn cầm trong tay sách Những Khúc Thức Kỳ Hồ, ai cũng biết trong sách ấy có chuyện  chàng tuổi trẻ, người anh hùng trong trận chiến chống lại bọn quái thú để bảo vệ trần gian, cuốn sách lúc còn sống, ông từ đình làng thường đem ra kể cho bọn trai trẻ trong làng, kẹp ở chỗ sách nói về chàng tuổi trẻ ấy là thư của nàng Bân:  chàng Nhụ yêu thương của em, dẫu núi có mòn sông có cạn em cũng chờ chàng’’, sách Những Khúc Thức Kỳ Hồ còn lưu giữ trong hồ sơ gia phả của làng, tôi  thử đọc lại đoạn về chàng tuổi trẻ anh hùng chống bọn quái thú: ‘‘chàng Nhụ nói với bọn quái thú, tức bọn nửa người nửa thú, tức bọn có thân mình là người nhưng đầu là đầu trâu, đầu bò, hay đầu ngựa, đầu chó, rằng, trời đã lỡ sinh ra bọn mi như vậy thì bọn mi cũng phải biết thân biết phận của mình, lập tức, bọn chúng la ầm lên, rồi kéo nhau đi lập bè lập đảng, bày ra thuyết nọ thuyết kia, làm khổ nhân gian một lúc lâu’’, nhưng tôi thích nhất vẫn là câu này : ‘‘sau khi trừ xong bọn quái thú, chàng Nhụ cỡi một con chuồn chuồn bay về phương nam’’,
___
[*]
một bài thơ tình rất hiện đại trong Cổ Quái Tinh Hoa:
ta lặn lội tận nơi tận cùng của dịch chuyển để nhìn cho rõ gương mặt mùa thu, nhưng hoài công vô ích, cảm thức con người thật bé nhỏ trước dòng chảy bất tận của thời gian, chẳng bao giờ ta nghe thấy đám cây trong vườn nhà ta nói gì về mùa thu, đến mùa thu thì lá trên cành cứ lặng lẽ rơi, nhưng đâu phải hết thảy đám cây trong vườn nhà ta đều rụng lá, điều đó có nghĩa cái chết của lá chỉ là nghĩ ngợi của con người, đến mùa thu của con người thì tràn ngập chữ nghĩa nói về sự ảm đạm của bầu trời, về nỗi buồn của chim, trong lúc lũ dế lại đi ca ngợi mặt đất ấm áp của mùa xuân, lũ sinh vật bé nhỏ hay lớn tiếng về đêm đâu có lời nào về mùa thu, mùa nào lũ chúng cũng chỉ thở than về thân phận  bé nhỏ của mình, vậy thế giới là gì nhỉ, ta đi hỏi thử tạo tác, hãy vứt bỏ bảng danh mục ấy đi, danh mục về thứ thời gian đầy những ám ảnh về sự sống chết, dường như có ai đấy đang lên tiếng trong ta,

 

75/ ta thức ra thấy mình đang  trên đỉnh phù vân/trời viễn xứ đầy ắp lời lẽ tro tàn của các thế kỷ/lũ bạn ta có kẻ đến từ miền cổ sơ/chưa có con cò con vạc, chưa có đen trắng ra vào giữa cõi, chưa có tiếng khóc thầm của đất đai/các sự vật chỉ biết nhau bằng khoảng cách/ hay chỉ bằng các thứ tín hiệu u thiết và hoài nghi và trắc trở/lũ bạn ta có kẻ đến từ miền đương thời người ngợm trang bị đủ các thứ máy móc, trang bị đủ các thứ chủ thuyết, đủ các thứ tham vọng đủ để nhảy vào những miền hoài vọng  có cả cái cao sang thanh khoác lẫn địa ngục u trầm/buổi chiều mùa đông có kẻ lạc đến tắm miền sông hồ con nước ngầu đục bỡi bọn cường khấu đang xả lũ ở thượng nguồn/lần này thì cơn đại hồng thủy đương đại ngập đến tận răng các nhà tiên tri về thân mệnh, quốc mệnh, thế mệnh/ cơn đại hồng thủy tháo tung miệng lưỡi bọn thuyết khách tâm địa xấu xa độc ác  mấy mươi năm làm khổ bầy đàn, mấy mươi năm không ngày nào là bọn chúng không nhai đi nhai lại các thứ bài học lãng nhách về cách đi đứng ăn ngủ, về cách đánh phá mối mọt và lũ ve sầu/gió mùa thu thổi tung những ám ảnh/có người đi không bao giờ trở lại/khái niệm tổ quốc trở thành nỗi dày vò của kẻ lương thiện/thời của bọn cường khấu, kẻ lương thiện như con chim mùa đông gãy cánh/ta thức ra thấy mình đang trên đỉnh phù vân/ trời viễn xứ xa và ám khói/thứ khói lam chiều cất lên tự buổi phần lớn giang sơn là của con rô con diếc của đầm lầy cổ độ/ta ngồi nơi đỉnh phù vân cứ thấy nhớ nhung tiếng quẫy mình của tôm cá trên sông nước buổi ra đi luôn có bầu trời tiền sử minh bạch trên đầu/ cứ thấy băn khoăn ở  trong lòng/các vị thần cũ mới đang tụ hội trên đỉnh núi Lũng quê ta/lần này thì thế giới có thể được cân đo/các ý kiến của các vị thần là lời giải/này, các người là một bọn tham lam vô độ, mấy chục nghìn triệu năm man rợ, rồi là vượt qua man rợ, rồi là các thứ bây giờ các người gọi là văn minh, mấy chục nghìn năm các người chưa làm nổi việc an định đất đai, vẫn cứ chửi rủa nhau, chém giết nhau, giờ lại lăm le tiến chiếm các miền trời khác, trời đất sẽ chẳng dung tha các người đâu/ sao lại có những lời giận dữ của thần Jeus nhỉ/sự giận dữ của thần của các thần/chẳng phải là ta đang trên đỉnh phù vân đấy sao/sao cứ thấy nhớ nhung một thứ gì đấy ta lại không hình dung nổi/ ồ mây đen đang vần vũ/ồ các thứ hình thù kỳ dị đang nhảy múa trong những công cuộc trị nước/ồ những cuộc diễu hành của cường quyền/ hóa ra là ta đang bước đi trên con hẻm văn chương sang trọng của mình,

 

76/  người giữ đất bảo đấy chẳng qua  là cách thức của tồn tại, thả những cuộc chơi vào thời gian là thứ cách thức làm ra những nhịp điệu, thật và không thật, chân lý và sai lầm… những nhịp điệu vĩnh cửu,

mới hôm qua, trong cuộc chơi tranh giành về chỗ đứng nơi mặt đất, có người nói như thế là hơi tàn nhẫn, bỡi  những thứ gọi là niềm vui chiến thắng thì luôn thuộc về  kẻ mạnh,

người giữ đất bảo khi để cho cuộc chơi trở về nơi mặt đất là để cho con chim bằng có thể bay lượn giữa trời cao và để cho con còng có thể vui đùa trong chuyện xe cát nơi bãi biển, nó là nhịp điệu hồi sinh, còn những chuyện như niềm vui hay chiến thắng là do các loài nơi mặt đất nghĩ ra,

 

 

77/  nhưng hát thuyền chép trong sách Cổ Quái Tinh Hoa thì luôn ám ảnh tôi, những tường trình nghiêm khắc vể một khoảnh thời không huyễn diệu thế sao gọi là hát chứ, có quá nhiều cách luận của người đời sau về hát thuyền  khiến tôi bối rối, có người nói, trong cơn đại hồng thủy người và thần cùng lánh nạn trên một con thuyền và ca hát để quên đi nỗi sợ hãi, có người lại bảo,  có một lúc nào đó thì thần và người là cùng hội cùng thuyền, vân vân, nhưng tôi thì cứ có thứ cảm tưởng, rằng, thuyền ở đây là cuộc hành trình, một cuộc đi, sách Thần Tích của làng nói mùa xuân tế thần đồng làng có múa kiếm và đô vật, mùa thu tế các vị tiền nhân lập đất lập làng có hát thuyền, như vậy đã rõ, hát thuyền là một thứ hát lễ, trong tế tiền hiền vào mùa thu có phần hát lễ là hát thuyền [ở quê tôi còn có một thứ hát lễ nữa là hát tuồng/hát bội] tôi đọc kịch bản hát thuyền và không thể không kinh ngạc, tổ tiên làng tôi lại có những bậc thông tuệ như vậy, hát thuyền không kém Oresteia của Aeschylus [525/524 TCN – 456/455 TCN] hay Oedipus của Sophocles [497- 406 TCN ] hay  Medea của  Euripides [480 – 406 TCN], một văn bản kịch một màn nhiều cảnh hoành tráng và cơ mật như thế khi đưa lên sân  khấu diễn sẽ có tác động ra sao vào thời ấy thì tôi không rõ, và tôi cũng không thể tưởng tượng nổi thời ấy lại có những người làng có thể thủ vai những nhân vật kịch có vẻ uyên bác lịch lãm như vậy,

             trong bầu trời có nắng, có vần vũ mây mưa, cũng không biết là sẽ
             tiếp tục nắng hay là sẽ có mưa, các vị Thần Tóc Đỏ và Thần Tóc
             Xanh là đang định đi đâu đó, 

 

THẦN TÓC ĐỎ [từ góc trời phía nam đi sang góc trời phía bắc nơi có Thần Tóc Xanh ngự trị] ta phải đi nói với bọn họ một tiếng chứ,
THẦN TÓC XANH [đang vén những đám mây đang phủ xuống chỗ ở của mình, và Thần Tóc Đỏ bước vào] ồ, cả ngày hôm qua ta đợi bạn mãi,.
THẦN TÓC ĐỎ [có vẻ nghĩ ngợi]  ta nhớ ra rồi, cả ngày hôm qua là ta lỡ hứa với lũ người ở đó là giảng cho bọn chúng hiểu chân lý là gì,
THẦN TÓC XANH [hơi to tiếng một chút] phải phải phải, chúng ta phải luôn tỏ rõ chúng ta là thần minh chứ,
THẦN TÓC ĐỎ [hơi ỡm ờ một chút] nhưng giờ thì chúng ta đi đâu đây,
             ở góc trời phía đông đang nổi lên những cụm mây màu nhũ bạc,
             các Thần Tóc Xanh và  Thần Tóc Đỏ bỗng vỗ tay reo, 

 

THẦN TÓC ĐỎ [có vẻ vui lắm] là hắn đang trên đường tới đây,
THẦN TÓC XANH [có vẻ hơi bí ẩn]  ta sẽ cho hắn một trận về tội thất hứa, cả ngày hôm qua ta cũng đợi hắn như đợi bạn vậy,
THẦN TÓC ĐỎ [cười]  ồ,
THẦN TÓC TRẮNG [áo quần hơi xốc xếch, lao vào góc trời phía bắc] ồ các bạn có vẻ tươi tắn lắm, nhưng giờ thì chúng ta đi đâu,

           ở góc trời phía tây thấy có những luồng khi màu đen đang bốc lên
           mỗi lúc một nhiều như thể tín hiệu trần gian phía ấy có nhiều  
           nỗi buồn, 

 

NGƯỜI THỨ NHẤT [là một ông già lưng chưa còng, mắt còn sáng, đang nói to lên cho mọi người nghe thấy] không phải là hòn đá cản đường đâu, mà là một thứ gì đó giống như lưới săn chồn săn thỏ vậy, những giây dợ đỏ đen giăng mắc chằng chịt ở trước chúng ta,
NGƯỜI THỨ HAI [là một người đàn ông có vẻ thông thái] những thứ đó gọi là cõi hỗn mang đó,
NGƯỜI THỨ BA [là một bà lão có vẻ có quá nhiều khí phách] chỉ một mình ta thì ta cũng phải đi đến đó, bỡi những đứa con thân yêu của ta là đang đợi ta,
NGƯỜI THỨ TƯ [là chàng trai trẻ] con thì con đang chờ sự quyết định của các cô chú bác,
NGƯỜI THỨ NĂM [có vẻ như là chủ của bầy đàn, đang lim dim ngủ, chợt đưa tay dụi mắt] ngáp,

         có thứ tiếng gì như tiếng một thứ động cơ nào đó, nhưng
         một  chặp thì nghe giống tiếng kêu của con ve sầu, và các
         vị thần thì đang  chăm chú nhìn
,

THẦN TÓC TRẮNG [có vẻ thẩn thờ] đấy là tiếng nói của ngày mai đấy các bạn ạ, lũ người là đang đi về phía của ngày mai đó,
THẦN TÓC ĐỎ [cũng có vẻ thẩn thờ] ờ, đấy là tiếng của ngày mai đó, lũ người thật khôn, chúng đang đi về phía ngày mai đó,
THẦN TÓC XANH [cũng có vẻ thẩn thờ] ờ đó là tiếng của ngày mai đó,
      

             cả ba vị thần bỗng choang vai nhau bước ra giữa góc trời phía
             bắc, lũ ve vẫn reo, buồn bã,

CẢ BA VỊ THẦN [cùng nhướng mắt về phía lũ ve sầu, cùng reo to] ồ đúng là tiếng của ngày mai đó, 

           bỗng ở góc trời phía tây có nhiều luồng khí màu vàng bốc lên, tiếp
           theo là có rất nhiều tiếng kêu khóc, 
 

NGƯỜI THỨ NĂM [có vẻ như là chủ của bầy đàn, đang nằm ngủ, bỗng bật dậy] có chuyện gì vậy cà,
NGƯỜI THỨ NHẤT [là một ông già lưng chưa còng, mắt còn sáng, nói lớn] có nhiều người chết trong cõi hỗn mang đó,
NGƯỜI THỨ NĂM [có vẻ như là chủ của bầy đàn, hét lên] như vậy là phải quay lại thôi [ông hét lên thế, và lấn mọi người quay trở lại điểm xuất phát của bọn họ]
NGƯỜI THỨ HAI [là một người đàn ông có vẻ thông thái, cũng hét lên] đồ hèn [ông chửi người đàn ông có vẻ là chủ của bầy đàn, và bước tới, nhưng  loạt người từ phía hổn mang đang chạy ngược lại, khiến ông cũng vội vã chạy theo]
NGƯỜI THỨ BA [là một bà lão có vẻ có quá nhiều khí phách, chợt gào lên] ồ ta đã nhìn thấy rồi, ở đằng trước chúng ta đó, là ánh  bình minh đó [bà gào lên, trườn tới, nhưng lượt người từ phía hỗn mang ùa ngược lại, khiến bà  không thể bước nữa,, đành quyết định ngồi lại ở giữa đường]
NGƯỜI THỨ TƯ [là chàng trai trẻ, khóc, nói] con thì con cứ thấy nhớ nhung một cái gì đó,

        có thứ tiếng vọng rất lạ, như thể có ai đó từ trên cao nói vọng  
        xuống: ta là tâm thức lang thang ta biết rồi lũ các người cũng lẩn
        quẩn  chốn đó thôi… cả các vị thần lẫn con người đều ngơ ngác
        lắng  nghe,

 

 

78/  làng,
và thế giới,
và nỗi hoài nhớ những ngọn lửa chưa tàn,

 

bên bờ vịnh Sri Bonei [Thi Lị Bi Nại]
tháng 12.2020
háng 04.2021