Jean Michel Baquiat
9/đẹp và kiêu kỳ, đó là cái khúc sử những lý trưởng hương kiểm hương mục của làng đã bị loại bỏ, làng chuyển sang một khoảnh khắc khác của lịch sử, bầu trời trên đầu như có vẻ rộng hơn, và những người đi chân đất, những người rất rành về chất đất, về thời tiết nắng mưa, rất rành về các tập tục cúng bái, bắt đầu được nghe biết những chuyện mới lạ, rất mới lạ nữa là khác, những ông Cứ ông Giao ông Tần vốn cũng là những người cầm cày ra nắm việc làng giờ đã được thay bằng những con người khác cũng là những người cầm cày ở trong làng, chú Bốn Ninh bây giờ không phải chỉ lo mỗi chuyện con bò cái của mình bị nâng mà còn phải lo chuyện no đói sống chết cho cả làng, chú Bốn Ninh bây giờ là trưởng thôn, lý trưởng của làng ngày trước bây giờ là trưởng thôn, chú Tám Phấn giờ vừa giữ cái bẩy heo chỗ chân núi Voi Nằm vừa giữ chức trung đội trưởng dân quân của làng, một hai …bước đều, ngày nào cũng nghe thấy tiếng hô một hai của chú ấy vang lên chỗ khoảnh đất hoang hóa làm đất thổ mộ của làng, Gò Tranh giờ là cái bãi luyện quân, làng chúng tôi đang tham gia vào công cuộc kháng chiến để xóa bỏ cho xong cuộc đô hộ của người Pháp thực dân, ông Thông Thống đâu ngờ cái bầy đàn người của mình lại có một ngày có những con người oách xì dầu như vậy và đang tham gia vào công cuộc giữ nước vẻ vang như vậy, đứng nơi sử thi mà nhìn, quả đó là cái khúc sử đẹp một cách kiêu kỳ, những con người cày cuốc bỗng gánh lấy công việc của đất nước non sông, trong dòng chảy bất ngờ ấy, con chim cuốc như thể cũng đang thay đổi cách kêu mưa của loài giống chúng, nhưng hết thảy những chuyện như vậy là nói theo cảm hứng sử thi, còn những chuyện khác, chuyện con người theo đôi bò trên ruộng, trưa về nhà, quây quần quanh mâm cơm, ăn gì, uống gì, chuyện mặc vải gì, chuyện cuộc sống thường ngày ấy mà, hết thảy là vẫn như cũ, bấy giờ thì cuộc đô hộ của người Pháp thực dân chỉ còn tồn tại ở các thành phố, các thị tứ, và ở các vùng cư dân quanh các thành phố, thị tứ, chúng tôi gọi những nơi đó là vùng tạm chiếm [hay vùng bị chiếm] làng tôi là thuộc vùng kháng chiến, thực ra, cuộc sống ở đây thực chất nó là một thứ hậu thuộc địa, hậu chiếm đóng, người Pháp thực dân đã làm con đường cái quan to lớn ngang qua làng tôi, lúc chưa có cuộc kháng chiến ở đây, ngày ngày người làng tôi nhìn thấy xe cộ chạy trên con đường nhựa đẹp đẽ ấy, lại trầm trồ khen, nhưng đó cũng chỉ là thứ hình ảnh của văn minh nó đang trượt qua nghĩ ngợi của người làng, những thứ gọi là văn minh vẫn là chuyện của người khác, bấy giờ ở làng tôi vẫn thắp đèn dầu, đèn dầu phộng đốt bằng dầu đâu phộng, dầu đậu phộng đựng trong một cái đĩa với một cái bấc vải [đêm khuya bấc lụn canh tàn/ đồng dao] đèn dầu rái thắp bằng nhựa cây dầu rái lấy trên núi Mun, nhựa dầu rái được gói trong lá đèn [một loại lá núi] thành lọn như lọn bánh tét, đèn cháy một chặp thì phải khêu bỏ phần nhưa vừa cháy thành than đó thì đèn mới có thể tiếp tục cháy sáng, thắp đèn dầu rái phải có người đứng bên đèn để khêu đèn, nó có vẻ như một cuộc thách thức với hoàn vũ [tôi đang chỉ huy một cuộc thiêu cháy anh đó/ như thể con người là đang nói với hoàn vũ vậy đó] chú Bốn Ninh họp dân làng ở sân nhà chú ấy, ngọn đèn dầu rái thắp sáng cả một khoảng sân rộng, chú Bốn Ninh vừa khêu đèn vừa phổ biến tình hình của cuộc kháng chiến của đất nước, thỉnh thoảng lại có người đến trễ, lũ chó của nhà chú lại chạy ra ngõ sủa inh ỏi, chú ấy lại phải rời cuộc họp, đi dẹp lũ chó, ở làng tôi, thời hậu chiếm đóng, một vị trưởng làng phải vừa khêu đèn vừa phổ biến công việc của nước,
Bên bờ vịnh Cri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
8 AM 15.1.2022
[trong tiểu thuyết đang viết: NHỮNG ĐỨA CON THẤT THỦ CỦA ĐẤT]