Như có ai vỗ nhịp trên rừng

 

 

 

ở làng tôi có thứ tiếng động có vẻ đều đều như tiếng mưa rơi, nhưng không hoàn toàn như tiếng mưa rơi, mà như ai vỗ nhịp trên rừng, tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác, có vẻ như không thể khác đi được, cứ thế, có vẻ đều đều như tiếng mưa rơi, đôi khi lại quên, như thể chẳng còn tồn tại, nhưng không phải, quá khứ có vẻ như thứ vật thể rất bền bĩ trong ký ức tôi, tôi vẫn nhớ ở làng tôi có thứ tiếng động như ai vỗ nhịp trên rừng, còn tôi thì ra đồng làng để đuổi chim, tôi ra đồng làng để đuổi lũ chim ăn trộm lúa, tháng chạp, lúa trì chín, lũ chim lại về, bầu trời xám cứ thấp xuống, như thể có nỗi niềm bí mật nào đó đang đè lên vai tôi, tháng chạp, ruộng lúa chín, tôi, lũ chim, và thứ tiếng động như ai vỗ nhịp trên rừng, ngôn ngữ của thứ vật thể tạo dựng tự buổi con người nhận ra mối liên quan giữa các sự vật, ngôn ngữ  cái mõ gió, thứ âm thanh như thể có ai vỗ nhịp trên rừng, hiện hữu giữa dòng sống đầy khiếm khuyết, con nai cướp giật của rừng, con chim cướp giật của người, tháng chạp, lúa trì chín, lũ chim kéo về, bầu trời trên đồng làng có vẻ quên mất thời phân chia tách bạch, những hữu thể chao động, lầm lạc, bất ưng giữa các ranh giới phù vân, một người đi giữa cuộc bể dâu mang theo cả hình hài bầu trời rộng lớn lẫn những tỉ mỉ của thứ chủ thể chật cứng niềm thiển cận trần gian, tôi ra đồng làng giữ không cho lũ chim ăn trộm lúa trên đám lúa đang chín của nhà tôi, nhưng lại bị lũ chúng mê hoặc, cứ ngóng cổ lên bầu trời trên đầu coi thử có con chim trong câu chuyện cổ tích mẹ tôi kể hay không…một hôm chim lại về đậu ở bờ giếng nước sau nhà, có khách…có khách [con chim đậu bờ giếng nước kêu trong lời kể của mẹ tôi] sao chim lại xưng là khách với con người nhỉ, sao mình lại ra đồng làng để đuổi khách của con người nhỉ, tôi ra đồng làng đuổi chim lại nghe thắc mắc trong lòng, gió sớm mai chợt nổi lên, cái mõ gió khua lên như ai vỗ nhịp trên rừng, lũ chim đang sà xuống ruộng lúa nhà tôi vội vã bay lên, sao khách của con người lại đi ăn trộm lúa của con người nhỉ, gió lại ngừng, cái mõ gió không còn khua, lũ chim lại sà xuống ruộng lúa nhà tôi, mãi sau này, khi đã có chút vốn liếng kiến thức sách vở, tôi mới nghiệm ra nhịp điệu của tồn sinh, gió làm rung cái mõ gió, lũ chim từ ruộng lúa bay lên, tả tơi một cõi đi về, huyễn mộng quyện lấy cây cột chống ngôi nhà hữu thể,  ý thức, hay nghĩ ngợi, cũng là nó, ai đó lại đem đặt tên cho cây cột chống nhà, ý thức là cây cột chống ngôi nhà hữu thể, một sớm đi về nghe gió thổi đầu non, không phải, gió thổi qua đồng làng tôi làm cho cái mõ gió rung lên những âm thanh như ai vỗ nhịp trên rừng, lũ chim ăn trộm lúa, và không ăn trộm lúa, tôi ngồi ở bờ ruộng lúa nhìn lũ chim, cái mõ gió khua lên như có ai vỗ nhịp trên rừng, tôi vội vã giơ tay lên trời, tôi giơ tay lên trời vẫy, bấy giờ tôi cũng không biết là tôi đang đuổi chim hay vẫy gọi lũ chim, như thể vẫn còn sót lại nơi đây một cái gì đó chung của trời đất, tất cả là một và một trong tất cả, như ông Parmenis của nước Hy Lạp cổ đại nói, có vẻ như ruộng lúa đang chín, lũ chim, cái mõ gió và tôi là cùng thoát ra từ một cuộc sinh nở

 

giã 15PM  9.10.2017   

Leave a Reply

Your email address will not be published.