ta nằm mơ thấy mẹ ta, bà nói ta đã nghĩ đúng, ta vẫn nghĩ con đường nối kinh đô Vijaya với đế quốc Angkor hồi thế kỷ 12 là ngang qua làng ta, ngang vùng núi rừng phía nam làng ta, ngang qua nước Nam bàn do vua Lê Thánh Tông đặt ra hồi năm 1471 lúc vua đánh đuổi người Vijaya qua phía bên kia đỉnh Cù Mông đất nước trong nghĩ ngợi của ta là tiếp giáp với vùng núi rừng phía nam làng ta, con đường làm bằng xương máu của người Vijaya cứ thế mà thẳng tới Angkor, sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép… ‘‘Thủ sở An Tượng ở đây. Chân núi có khe là chỗ phát nguyên của sông Tân An. Phía nam có núi Đốc Thực, núi Thủ Đường. Phía tây bắc có núi Ngang, núi Chớp Vàng, núi xà Cù. Phía đông đều là rừng’’ [cuốn chép về tỉnh Bình Định, tức Vijaya], An Tượng là vùng núi rừng phía nam làng ta, gọi tắt là núi Tượng, ta chọn đi núi Tượng vào mùa thu là để có thể nhìn thấy được sự chuyển màu của cây lá, nhưng cốt là ta muốn đi trên con đường nối Vijaya và Angkor ta luôn nghĩ là từng ngang qua đất chôn nhau cắt rốn của ta, mùa thu ở núi Tượng nghe chim vướt kêu rất buồn, con chim, hồi ấy cha ta bảo là người đưa tin của thuở trước chết hóa thành chim, thuở trước là thuở nào, hồi ấy ta hỏi, cha ta im lặng, ông không biết chứ không phải không muốn nói, lịch sử cứ như nơi chốn con người tiếp nối nhau cư ngụ, nắng mưa nhuần gội, hay phá phách, buổi chiều hôm có kẻ ngang qua, thử ngồi lên chiếc giường cũ, nghe được hơi ấm của tháng năm, buột nói gì đấy mà về sau thành điều bí ẩn, ta thấy mình đã đứng trước hang núi to rộng, sầm uất, như thể kiến trúc đá ở đây là được tạo ra từ sự chăm chút đặc biệt của tạo tác, sao những lần vào núi trước đây ta không nhìn thấy công trình cự thạch này nhỉ, những tảng đá trời làm thành cụm ngay trước hang núi như thể những chiếc ghế dành cho khách đường xa, cứ ngồi nghỉ có sao đâu, có tiếng ai vọng ra từ hang núi, không phải, chỉ là ta cứ giả định, rằng, hang núi là một trong những nhà trạm được thiết đặt trên con đường nối Vijaya với đế quốc Angkor hồi thế kỷ 12, trí tưởng tượng thôi thúc ta bước vào hang núi, cái giá buốt như thể đâu tận thời tiền sử ập lên cơ thể ta, lạnh, ta cố giữ cho khỏi run, và, như có nỗi sợ hãi nào đó lung lạc nghĩ ngợi của ta lúc ta đứng nhìn những con chữ kỳ dị như đang cố đeo bám trên vách đá, thứ mẫu chữ thuộc văn minh Ấn, hay văn minh Phật gì đó, ai đã qua đây, và muốn gửi lại người đời sau điều bí ẩn nào đó, rồi ta lại chìm vào âm vang như thể tiếng nhạc ngựa đang tiến đến gần, rồi người kỵ sĩ ấy đã xuất hiện trước ta, núi rừng như lạ hẳn đi trước những chi tiết bất thường: con ngựa nòi phương đông rất trẻ, và kỵ sĩ cũng rất trẻ, nhất định là không phải đến từ xưa cũ, ta nghĩ ngợi trong lúc kỵ sĩ vẫn ngồi trên ngựa chăm chú nhìn ta
đấy là kẻ đến từ hôm nay hay là từ xưa cũ
kỵ sĩ hỏi, vẫn ngồi yên trên ngựa
ta còn thấy sợ hãi hơn là lúc nhìn thấy những con chữ bí ẩn trên vách hang, và cứ thấy như mình bé nhỏ hẳn đi
thưa, kẻ này vốn đang làm sách Ngôn Ký, và muốn đi trên con đường nối kinh đô Vijaya với đế quốc Angkor hồi thế kỷ 12
là nhà trước tác đi điền dã
thưa phải, nhưng có phải là ngài mới từ Angkor trở về
ta hỏi, câu chuyện cũ vẫn ám ảnh kẻ hoài cổ, tự dưng ta cứ cho là ông khách đi từ Angkor và muốn ghé lại nhà trạm được dựng lên buổi ấy để nghỉ chân, kỵ sĩ nhìn ta, cười, nụ cười như thể không phải thứ niềm vui thường lệ, mà là vỡ ra từ một bất thường nào đó, sự đổ vỡ của một cuộc tình, hay của một triều đại, ta cứ nghĩ ngợi lung tung vậy
mấy trăm năm nay ta vẫn đi lại nơi núi rừng này
kỵ sĩ nói, vẫn ngồi yên trên ngựa
ngài là chủ của nơi này
ta nhìn về phía hang núi, và hỏi
tất cả những thứ ấy là của đất nước ta buổi ấy
kỵ sĩ nói, vẫn ngồi yên trên ngựa
lập tức, niềm hứng thú bắt ta nghĩ đấy là người của đất cũ Vijaya, nhưng đã gần nghìn năm, còn gì, sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép… ‘‘quí dậu, 1693, mùa xuân, tháng giêng, bọn thống binh Nguyễn Hữu Kính đánh bại Chiêm Thành, Bà Tranh bỏ chạy/ tháng 3, Nguyễn Hữu Kính bắt được Bà Tranh và bầy tôi là Tả trà viên Kế Bà Tứ với thân thuộc là Nàng mi Bà Ấn đem về. Chúa sai đổi nước ấy là trấn Thuận Thành’’ [cuốn chép về chúa Nguyễn Phúc Chu, 1675-1725] … vị chúa Nguyễn thứ sáu ấy đã xóa tên cuối cùng của đất nước người Chiêm, đất nước cuối cùng của người Chiêm là phần đất phía nam sông Phan Rang, chót nam của xứ Panduranga vị chúa Nguyễn thứ tư Nguyễn Phúc Tần đã chừa lại cho người Chiêm sau khi lấy hết đất của họ từ đỉnh Cù Mông đến sông Phan Rang…’’ Quí tỵ, năm thứ 5, 1653…..Chúa y cho, khiến lấy sông Phan Rang làm giới hạn, từ phía đông sông đến địa đầu Phú Yên chia làm hai phủ là Thái Khang ( nay là Ninh Hòa) và Diên Ninh (nay là Diên Khánh)……Phía tây sông Phan Rang vẫn về Chiêm Thành, bắt giữ lệ chức cống’’[Đại Nam Thực Lực Tiền Biên, cuốn chép về chúa Nguyễn Phúc Tần, 1620-1687]…tự buổi đầu công nguyên [192] đất nước ấy đã có mặt trên đời, trải dài một dãi từ cửa Sót [nam Hà Tĩnh, bắc Quảng Bình] cho đến mũi Né [Phan Thiết] , khi rộng ra, khi thu hẹp lại, tùy theo mối bang giao với các nước láng giềng, những cái tên Lâm Ấp, Hoàn Vương, Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga đã trở nên quen với thế giới loài người, rồi bỗng một hôm vào cuối thế kỷ mười bảy, 1693, vị chúa Nguyễn thứ sáu ấy đã xóa tên một đất nước tồn tại suốt mười bảy thế kỷ, khi ta sinh ra đời chỉ còn nghe nói đến người Chiêm nhưng không nhìn thấy đất nước người Chiêm, song vẫn canh cánh trong lòng, một ngày nào, sẽ gặp được người của đất cũ Vijaya là đất chôn nhau cắt rốn của ta
nhưng có phải ngài vốn là con dân của đất nước Vijaya hay không
ta buột hỏi theo những chuyển động bất thường trong ký ức của mình
nó, thời gian, làm cho ngọc nát, nhưng cũng làm cho sáng ra, vào lúc trưa, sương tan, nhưng lại rơi lại vào lúc tinh mơ, núi rừng này mấy trăm năm qua là vậy
kỵ sĩ nói, vẫn ngồi yên trên lưng ngựa
nhưng ngài có thể nói cho kẻ này biết điều gì đã chép trên vách núi
lời nguyền của đất nước ta buổi ấy: ‘‘kẻ tiết lộ nơi này sẽ chết, cho đến khi có người muốn nhìn thấy sắc nắng ban mai ‘‘
ta lại thấy sợ hãi, và cứ đinh ninh, rằng, người đang ngồi trên lưng ngựa là ông vua của đất nước Vijaya đã bị mất tích, vua Jaya Indravarman III, ông vua bị vua Angkor Suryavarman II đánh bại hồi giữa thế kỷ 12
nhưng có phải kẻ hậu thế này đã nhìn thấy sắc nắng ban mai, và lời nguyền kia sẽ được gỡ bỏ
ta nói
kỵ sĩ nhìn ta, lại cười, và quất ngựa chạy vào khu rừng già phía trước, hay sự vĩnh hằng không tính bằng thời gian, mà tính bằng niềm yêu thương thuở trước, ta nghĩ ngợi, có tiếng chim vướt kêu ở đâu đó, nghe như khóc
.
[trong Ở Phía Đông Tôi]