Kiếm lá

tranh Yolande Biver-Thụy Sĩ

 

 

 

 

rồi, ngọn gió lạ, mà uyên nguyên, tôi vẫn nghĩ vậy, như thể vẫn tiếp tục thổi qua miền đất dưới chân núi Lũng, nơi tọa lạc một ngôi chùa Phật to lớn, đúng hơn là tọa lạc một cuộc trần gian tiềm ẩn những yếu tố siêu nhiên, nếu không, cũng đang nung nấu những cuộc vượt thoát chưa từng như thể là hệ quả tất yếu của những cảnh giới bụi bặm thì nhiều hơn hoa cỏ, nếu không phải thế thì vì đâu một cô gái chỉ làm công phu nhà chùa lại đòi học kiếm phổ lưu ly, em muốn chàng Trác dạy em  cách đánh kiếm, được không, một hôm, nàng Hạnh bỗng nói với người đang gìn giữ và bảo bọc mình, Trác  nghĩ đến việc thầy chuyển giao kiếm phổ lưu ly cho mình thì hiểu ra rằng những thứ ấy là được truyền đi chứ không phải giữ trong lòng, từ đó, đêm đêm, nơi sân chùa Phật lại diễn ra những cuộc luyện kiếm, có lạ đời không, hai con người vẫn quấn quít bên nhau, một người không biết cha mẹ mình là ai là người được giữ gìn bảo bọc, và một người cũng không biết cha mẹ mình là ai là người làm công việc giữ gìn bảo bọc, cả nhà chùa đều nghĩ trước sau bọn họ cũng thành phu thê, lại không nói với nhau những lời tình tứ, mà đêm đêm, cùng múa kiếm, và nói với nhau thứ ngôn ngữ rặt mùi chiến trận…‘‘rồi hết thảy sẽ chìm vào đêm tối, nếu không biết cách để cho đôi  chân bước lên chỗ khoảng trống được thiết lập tự buổi uyên nguyên, nó là tiên thiên, tức, cái có trước tất cả, trong đó có cái không thể rã ra, và cát bụi, cuộc kiếm tìm, một thiết kế kết hợp, khi đã xóa bỏ hết những ngu xuẩn, khi những cái khác biệt vẫn còn cố tình chiếm lấy những miền riêng, khoa học,văn chương, triết học, tình tứ học, tín ngưỡng học, cổ kiêm học, chẳng phải tất cả, qua bao nhiêu thiên niên kỷ [lịch sử] chỉ làm mỗi công việc là đánh đuổi ngu xuẩn ra khỏi thế giới hay sao, nước mắt với nụ cười không phải là minh triết, một sớm mai gió trút qua u tịch, cái còn sót lại, cuộc kiếm,  nó là cuộc kỳ duyên, lớn trùm cả thiên hạ, lưu ly không phải là riêng ra, mà là giọt chảy liền một cõi, người đi, nặng nhọc chốn lam hồng, gió mưa, hề, mang mang, cỡi lên năm tháng, hát bài nguyệt sầu’’…đây là tôi chép liền một mạch một đoạn kiếm phổ lưu ly, còn trong chuyện kể, nó là những lời qua lại giữa những người luyện kiếm, mẹ tôi nói, chàng Trác vung gươm, và đọc to lên những lời trong kiếm phổ, liền tiếp theo, nàng Hạnh cũng vung gươm, đọc… khi mẹ tôi kể đến chỗ này, cái ý nghĩ buồn cười bỗng bật ra trong đầu tôi, rằng, chuyện đã đến nước này thì phải nghĩ rằng cả chàng Trác lẫn nàng Hạnh đều được sinh ra từ một bờ suối nào đó trên núi Lũng, và cái trò chơi, vốn chưa có hình hài, tôi nung nấu tự buổi đầu nghe mẹ kể chuyện chàng Trác, đã ngang nhiên hiện ra một cách đầy đủ trong tâm trí tôi, đại khái, trong phút giây hứng thú kỳ cục ấy, tôi đã nhìn thấy trò chơi kiếm lá của tôi chỉ gòm có tôi đóng vai chàng Trác và chỉ một người nữa đóng vai nàng Hạnh, và cũng trong phút hứng thú kỳ cục ấy tôi cũng nhìn thấy chỉ có một đứa ở trong làng có thể đóng vai nàng Hạnh là thằng Bến con chú Chín Bậc, thật tình là tôi chẳng có mưu đồ chi cả, tới lúc đó thì mọi thứ nó cứ hiện ra trong nghĩ ngợi  tôi như thế, chỉ có tôi với thằng Bến sẽ vung kiếm lá và hát những lời trong kiếm phổ lưu ly, chỉ đơn giản vậy, có nghĩa, chẳng giống chút nào với những trò chơi có phạm vi nhân lọai, như trò chơi quyền lực, thậm chí là trò chơi dân chủ, luôn có quá nhiều mưu đồ và tốn quá nhiều máu xương con người, cuộc chơi của chúng tôi, cho đến những chiếc kiếm cũng là của trời cho, hóa ra, thằng Bến còn thuộc kiếm phổ lưu ly hơn tôi, hóa ra, thằng Bến cũng được mẹ  kể cho nghe chuyện chàng Trác nhiều lần, được, tao sẽ thủ vai nàng Hạnh, khi nghe tôi rủ rê chơi trò kiếm lá, thằng Bến đã hét lên thế, vào các buổi trưa, hết thảy người làng đều yên nghỉ, tôi và thằng Bến lén mọi người luyện gươm dưới lũy tre nhà tôi, gió trưa hây thổi, và những chiếc lá tre khô lảng đảng rơi trước mặt hai đứa tôi, chúng tôi cứ vung tay lên [tức múa gươm] và hát, không hiểu thằng Bến nghĩ sao lúc luyện kiếm, còn tôi, cứ giả vờ là có ai đó đang đợi mình, tôi sẽ đến đó, để làm một việc gì đó, rất lớn lao, quả tình, tôi chỉ là một thằng tuổi thơ cứ giả vờ có ai đó đợi mình ở đâu đó, để cảm thấy háo hức, mong chờ, và vui sướng, hóa ra cha tôi đã nhìn thấy tôi và thằng Bến luyện kiếm, thấy rất nhiều lần, lời cha tôi nói về tôi cứ làm tôi đứng ngồi không yên, rằng, tôi có hoài bão muốn làm một chuyện gì đó, nhưng trong tay chỉ có những chiếc lá tre khô thì chẳng làm được chuyện chi, rồi vào một hôm, chẳng hiểu sao, tôi bỗng hốt những chiếc lá tre khô, vung lên, hát…’’ta sẽ phá tan tành các thứ bóng tối ’’…là tôi đã chế [sáng tạo] ra lời đó, hát, mà chẳng hiểu hát thế là sao, đó là hôm thằng Bến cứ đứng như trời trồng, lặng nhìn tôi, cho đến lúc kể lại chuyện này, tôi vẫn nghĩ, trò chơi kiếm lá của tuổi thơ tôi quả như giấc mơ không khúc cuối, nhưng cái cách chơi ấy cứ làm tôi có nghĩ ngợi, nó, trò chơi ấy,  không phải là chuyện chánh thắng tà, mà cứ gợi ra điều, liệu có thể có sự hiện hữu một thứ vật thể như thể cuộc chơi kiếm lá trong công cuộc làm mới thế giới,

 

 

 

 [trong Hệ Lụy Của Những Bài Ca Của Đất]