cứ hát, mà không biết hát thế là sao, hát về gì, bài hát cứ thế tồn tại qua những năm tháng, ngó lên hòn núi Chớp Vung, thì ở làng tôi ngày ngày mở cửa là thấy núi, ai lại không nhìn thấy ngọn Chớp Vung, nhìn thấy ở đây là nhìn lên, vì núi cao hơn người, nhìn, tương quan vừa có tính cách vật thể: khi hai sự vật gần nhau, vừa hàm xúc nghĩa thiêng liêng: con người và sông núi, cuộc gắn bó làm nảy sinh những khái niệm vĩ đại về tổ quốc, về đất nước non sông, núi Chớp Vung nằm trong dãy núi Mun ở phía nam làng tôi, vào những ngày mùa nắng, tựa cửa nhìn thì thấy núi xanh tươi, nhưng vào mùa đông, sau những cơn mưa, tạnh nước, mây bắt đầu vần vũ trên dãy núi Mun, đứng tựa cửa nhìn, một chặp, núi Chớp Vung ngập trong mây, chỉ còn nhìn thấy cái đỉnh núi trông tựa chiếc vung [nồi] úp lơ lửng giữa bầu trời buồn bã, hồi học trường huyện, trong bài luận văn thầy ra, tả về mẹ, tôi ví ngọn núi Chớp Vung như bầu sữa mẹ tôi, nếu dân tộc tôi sinh ra từ sữa mẹ Âu Cơ, thì vú mẹ Âu Cơ không lớn hơn núi Chớp Vung là gì, nhưng ngó lên hòn núi Chớp Vung thấy đôi con thỏ nằm chung với mèo thì câu hát ru mẹ tôi ru tôi thuở ấy lại chuyển sang một thứ không gian thời gian bắt người ta phải nghĩ ngợi, ở làng tôi, từ em bé lên năm đến bà cụ chín mươi đều thuộc câu hát ru vừa lạ vừa quen này, chờ để nhìn thấy thỏ và mèo xuất hiện ở núi Chớp Vung là một trong những niềm vui [lớn] buổi ấu thơ của bọn trẻ chúng tôi, phải là mùa mưa để toàn bộ ngọn núi được thu nhỏ lại, chỉ còn là một chiếc vung úp nơi bầu trời, lúc bọn trẻ chúng tôi cho là dễ nhìn thấy nhất lũ thỏ và mèo, những con thú hoang trên núi, cứ tụ tập thành đám nơi hiên hè nhà ai đó trong làng, có khi là ngồi suốt buổi, suốt ngày, chờ, tưởng tượng về một thế giới hoang vu đã thành niềm háo hức của tuổi ấu thơ chúng tôi, chúng tôi đã chờ suốt buổi ấu thơ, và lũ thú ấy vẫn còn nguyên trong trí tưởng tượng của mình, sao lại có hai con thỏ nằm chung với mèo ở đây vậy mẹ, lúc học ở trường huyện tôi còn theo hỏi mẹ tôi, thì mẹ tôi cũng như những bà mẹ khác trong làng, ru con bằng câu hát có lũ thú trên núi, hát mà không biết hát thế là sao, tôi muốn hỏi mẹ là tại sao có chuyện thỏ nằm chung với mèo [một con nhúc nhát, một con hay rình rập kẻ khác, khó có chuyện hòa hợp giữa hai tính cách ấy] mẹ tôi có lẽ bí, xưa nay vẫn hát nhưng nào hiểu hết nghĩa của câu hát, hai hay ba bốn năm sáu con thỏ gì nằm chung với mèo cũng được con ạ, mẹ tôi trả lời để cho có chuyện, tôi hát thử trong đầu [ngó lên hòn núi Chớp Vung thấy bốn con thỏ nằm chung với mèo] thì thấy quả âm vận câu hát vẫn không đổi, nhưng ở núi Chớp Vung không phải chỉ có mỗi chuyện lạ thỏ nằm chung với mèo, chính núi là hóa thân của lòng thủy chung, chàng đi hái lá bần bần cho nàng uống lúc sinh con, hai năm rồi ba năm rồi sáu bảy chục năm chàng vẫn chưa về, nàng ôm con chờ, và đã chết hóa thành ngọn Chớp Vung [vẫn kiểu vọng phu tồn tại trên khắp mặt đất] rừng núi ở đây đã dấu trong nó lòng chung thủy, rốt cuộc, tôi cũng chỉ loanh quanh với những khái niệm duy lý [về sự hòa hợp, về lòng thủy chung] chẳng thể giải quyết được vấn đề vì sao có một câu hát ru khó hiểu [sao không nhìn thấy những thứ dễ nhìn thấy hơn khi nhìn lên núi, rừng cây xanh tươi chẳng hạn, hay con suối nước đổ trắng xóa, hay mây vần vủ đình núi vào những ngày mưa…] tôi cũng bí như mẹ tôi cho đến khi đọc được những gì ông nghè Quân chép trong văn tập Bối Rối.
[bấy giờ ta bỗng thốt lên những lời chẳng ăn nhập vào đâu]
bấy giờ ta cũng thấy tâm can nhừ nát như bao nhiêu người khác trong làng, cái ngả ba lịch sử chết tiệt ấy, bấy giờ ta thấy như mình đang rơi vào thứ trận đồ lầm than, mộng mị, giống như những gì ta đọc thấy trong những cuốn tiểu thuyết cổ trang, chứ còn gì nữa, làng xóm thân thuộc bỗng trở thành trận địa vừa có tiếng súng nổ vừa ẩn giấu trong sự im lặng giả tạo những mưu đồ,
có đến hai nhà, không phải, có đến ba nhà, đúng hơn là ba nhà, dù đang thất thế, hay đang đổ nát, hay đang khởi lên, phải kể ra lúc bấy giờ có cả thảy là ba triều đại, mà dường như cả ba đều thấy ở mình bóng dáng triêu dương, đều nghĩ mình là buổi sớm mai đầy hoa thơm cỏ lạ, thứ chủ quan lịch sử luôn mang trong mình bóng dáng của chết, sự thật thì bấy giờ ở đâu cũng có thể nói là đêm trường lịch sử, thì chuyện mới xảy ra đó, ngay ở trong làng, nhưng đố ai có thể nói sự thật nó là thế nào, bấy giờ thì chẳng ai có thể nói được sự thật, kẻ qua sông Linh Giang truyền hịch gọi kẻ khác là giặc, kẻ bước ra từ núi rừng Tây Sơn thượng đạo gọi kẻ khác là thù chung của muôn dân, kẻ bôn tẩu phương nam gọi kẻ khác là kẻ thoáng nghịch, đêm nằm nghe tiếng chó sủa trong làng và những bước chân vội vã trên con đường trước ngõ, ta cứ nghĩ là mình sắp bị mang đi, mang đi đâu ta chẳng biết, nhưng cứ có cảm tưởng là sắp bị người ta mang đến một ngõ ngách nào đó, bấy giờ lịch sử như những ngõ ngách tối tăm, bụi bặm, thường trực trong nghĩ ngợi của ta là nỗi sợ hãi, sợ ngã xuống nơi không còn có tiếng cười nói của con người, vào một đêm cuối xuân, cây cỏ trong làng còn gượng tươi xanh, vừa mới tối lũ chó trong làng đã sủa ối óng, như thể có đám người nào đó đang tràn vào làng đuổi giết lũ chúng, lũ chó sợ cũng phải, thường, kẻ lạ, đêm vào làng bắt ai đó trước phải giết lũ chúng, lần này thì như hết thảy lũ chó trong làng cùng sủa lên, tiếng chó sủa khiến tâm can ta nhừ nát như thể đang bị ai đó băm ta thành mảnh, sáng ra, ta cứ tưởng rất nhiều trai tráng trong làng đã bị người ta bắt đi như những lần trước, nhưng không phải, chỉ có mỗi ông hương trưởng Thời bị mất tích [bấy giờ thì gọi người đứng đầu trong làng là hương trưởng cũng được mà gọi là lý trưởng cũng được]người làng ta âm thầm tỏa đi tìm, nhưng chẳng thấy ông hương trưởng cũng chẳng thấy xác ông đâu cả, vợ con ông hương trưởng Thời đóng cửa khóc, ở cái thời đâu phải cứ muốn khóc là khóc muốn cười là cười, vợ con ông hương trưởng chờ, cả làng chờ, một tháng, hai tháng, rồi sáu bảy tháng, chẳng có tin tức gì, một hôm có người làng trông thấy ở sườn núi Chớp Vung xác người chết đã thối rữa, nhờ bộ râu và con dấu của trưởng làng còn nằm trong thắt lưng quần, người ta mới biết đó là ông hương trưởng Thời, nhưng chẳng ai dám nói chắc ông hương trưởng sợ, đi trốn, rồi chết trên núi, hay là người ta giết ông rồi đem bỏ trên núi, người làng ta lại âm thầm mang xác ông hương trưởng về nhà ông để khâm liệm, ta đến thăm, nhìn kẻ chết, cố nén nước mắt, thời buổi mạng sống con người nhỏ biết bao, ta chợt ngó lên hòn núi Chớp Vung thấy đôi con thỏ nằm chung với mèo.
ghi chú: đoạn văn trên là trích trong văn tập Bối Rối của ông nghè Lê Quân, tựa đề là do tôi đặt, văn tập chắc được làm vào khoảng cuối thế kỷ 18, ai đó bấy giờ đã đọc văn ông nghè Quân, và câu thơ lục bát đã truyền ra ngoài thành câu hát ru.
giã 16PM 28.10.2017