tranh Miroslava Rakovic- Serbia
cho tới tận bây giờ cho tới tiếng gà trong thôn cũng thấm đẫm nỗi thống khổ nhân gian, ông nói, vẫn cái cách nhìn thế giới rất riêng của ông, không hề bi quan, chỉ là cái cách làm sao để nói cho hết những nghĩ ngợi, thứ nghĩ ngợi cứ giống cơn đại hồng thủy quét qua mặt đất, một là, ta không đủ khả năng để viết ra những thứ đó, chỉ là cuộc sống tù đọng lâu ngày thành chữ, và hai là, sách chẳng phải sự thật, anh phải bước qua xác nó mới nhìn thấy sự thật, ông nói về cuốn sách ông đã tặng tôi, ông cụ, kẻ duy nhất trong làng viết được sách, ta có cố lắng nghe nhưng nhạt nhẽo và giả dối làm sao những lời bọn họ nói ra, ông nói về đám quan quân đương thời, ông cụ, kẻ duy nhất trong làng vẫn bình yên khi nói về chính sự, cuộc chuyện trò của chúng tôi cứ giống như một cuộc tẩy rửa nỗi buồn, lúc chiều, khi làng hoàn tất lễ cúng thanh minh, lễ cầu hồn cho những vong hồn không ai thờ phụng, ông cụ căn dặn tôi thế nào tối cũng lại nhà ông để trò chuyện, và tôi đã sang, chẳng có vẻ trăn trối chút nào, dẫu chỉ sau đó mấy hôm ông cụ vĩnh viễn ra đi, ta đã gõ cửa đương đại quá nhiều lần và thấy hoang dã làm sao, chỉ rặt những cơn gió chướng, lẽ ra phải là những ngọn gió trong lành, thời con người thắng được tự nhiên nhưng không thắng nổi mình, thực ra, những điều ông nói với tôi đêm hôm đó cũng là những điều đã quá nhiều lần ông nói với người làng tôi, “Bản tường trình ngắn gọn về cuộc đời một người”, tên cuốn sách ông tặng tôi, hết thảy những gì ông nói với người làng tôi đã viết thành sách, không ngắn gọn chút nào, bỡi đấy là ông thay cho con người đương đại để nói về mình, không hề bi quan, bỡi đấy là những lời tự thú, cái rủi ro của thời nay là có quá nhiều kẻ chẳng ra gì cầm đầu bầy đàn loài người, cứ cho là sự rủi ro của nền văn minh đương đại, nhưng làm thế nào những sai lầm như thế vẫn cứ còn chỗ đứng trong nền văn minh hiện đại vậy nhỉ, cứ mỗi lần có cuộc chọn người cầm đầu bầy đàn ở đâu đó là cả thế giới lại làm ầm lên, những chào đón, những ca ngợi, những chia xẻ, nhưng làm thế nào sau đó lại có thể là một kẻ đứng đầu bầy đàn ngu dốt hay bạo ngược, những hệ lụy của những thứ như thế có thể là những xáo trộn cơm áo của cả thế giới, hoặc nguy nan hơn, là những cuộc chém giết lan ra khắp nơi, ông cụ đã viết trong sách, nhưng cái đêm tháng ba hôm ấy thì buồn bã làm sao, lũ dế ra rả ngoài bờ rào nhà ông cụ, và tôi chỉ ngồi lắng nghe ông nói, có lẽ cái giọng buồn chết người của ông khi đọc văn tế cô hồn trong lễ cúng thanh minh lúc chiều vần còn ám ảnh tôi, trong nhà ông, vợ và con cháu ông đều bị chiến tranh và bệnh tật cướp mất cả, ông cụ cứ giống như một cái cây còn sót lại sau những giông bão, ta đã sống quá nhiều năm tháng, khi con người ta sống quá lâu thì sinh nản lòng, ông thường nói với người làng tôi thế, hôm ông cụ mất hết thảy người làng tôi đều khóc, người làng đã cày giúp ông khoảnh ruộng để ông có gạo nấu, và ông là nguồn an ủi của mọi người, làm sao chúng ta lại không biết tính toán vậy nhỉ, số thóc còn trong bồ lẫm nhà tôi đủ cho tôi nấu cơm ăn vài ba tháng nếu đem nấu cháo thì cả làng ta cũng ăn được vài ba tháng, ông cụ đã làm một bài toán như thế vào cái năm trời hạn, đồng làng tôi mất trắng, ông đã đi nói cho người làng tôi biết cái thế giới chúng tôi đang sống trong đó là gòm có những gì: sự thống khổ thì nhiều hơn niềm vui, và nơi đâu cũng thế, người làng mỗi người một nắm đất vun lên nơi an nghỉ cuối cùng của một con người cho đến lúc chết chúng tôi vẫn cứ cho là nguồn an ủi của chúng tôi: ông chết mà nhìn gương mặt vẫn tươi vui như lúc còn sống, nhưng rồi mọi người đều có vẻ hoảng hốt rỉ tai nhau rằng ai cũng nghe thấy tiếng ông cụ khóc từ dưới mộ, chỉ có tôi là nghĩ khác, chỉ vì ông cụ đã trích dẫn cho chúng tôi nghe quá nhiều tiếng khóc trong quá khứ đấy thôi
giã 10 AM 29.1.2019