Những ký ức vụn/trắng những nỗi niềm

 

một khúc sử xem ra có vẻ hơi kỳ cục, nếu không nói là hơi lạ đối với thời thế giới phẳng, nhưng quả tình là rất cảm động, bỡi nó xảy ra giữa lúc bao nhiêu xứ sở trên mặt đất đang vào thời cực thịnh của nền sản xuất hàng hóa, và vào lúc đó, thì cha tôi cuốc đất trồng bông, và mẹ tôi dệt vải.

một ngày tháng sáu, cây bông vải bắt đầu nở rộ ngoài vườn, đã hơn nửa năm người khách thương đến nhà đặt mua vải với phương thức đổi thóc, mẹ hẹn sang tháng tám, lời hẹn như sự khẳng định cho một sự thể vẫn còn nằm trong những cái có thể, tháng sáu, cây bông vải đã nở trắng ngoài vườn, nhưng vẫn còn là những cái có thể.

 

không phải là tôi hoài cổ khi kể lại cảnh trồng bông dệt vải, nhưng vì đó là một khúc sử không thể không nhắc lại, năm hôm một phiên chợ làng, tôi theo mẹ ra chợ làng bán vải, ai về dưới giã hồi hôm, những dặm dài, đôi chân trần tứa máu, để sáng bữa chợ phiên của làng có gánh cá gánh tôm những người chạy nò mang lại [chạy nò là cách gọi những lái thương đi mua cá biển dưới giã đem về bán ở chợ quê] chợ làng đối với thời niên thiếu của tôi là một thế giới rộng lớn, tôi vui sướng theo mẹ bước vào cái thế giới rộng lớn ấy, và cảm thấy như không có gì có thể trói buộc tôi, ở chợ làng, tôi thấy có cả những người bán gạo bán rau và bán mắm, có cả những người bán trứng bán thịt bán nong nia thúng mủng, chỉ trong chốc lát cây vải khún của mẹ tôi đã  bán hết, cá tôm của những người chạy nò cũng bán hết, gạo thóc khoai củ nong nia thúng mủng cũng bán hết, một khúc sử mà hàng hóa trong một buổi chợ làng chỉ trao đổi qua lại giữa những người họp chợ, chị bán tôm cá bán xong tôm cá mang tiền đến mua vải của mẹ tôi, và mẹ tôi bán xong vải mang tiền mua trứng mua thịt của chị bán trứng bán thịt

 

một ngày tháng sáu, cây bông vải đang  nở rộ ngoài vườn, tôi cũng bắt đầu nghĩ đến việc bắn bông, kéo sợi, thế giới cứ xảy ra theo cách của nó, còn tôi thì  theo cách của tôi, tôi bắt đầu nghĩ đến ngày bông vải  chín ở ngoài vườn, và sau đó thì lũ con gái mười lăm mười sáu ở trong làng kéo đến giúp mẹ tôi bắn bông, kéo sợi, ở làng tôi lúc bấy giờ dường chỉ mỗi nhà tôi trồng bông dệt vải [tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng thế] trồng cây bông vải cho có trái đã khó, còn dệt vải thì phải có nghề, mẹ tôi đã được bà ngoại tôi truyền cho nghề dệt vải sợi, tháng sáu, tôi nghĩ đến lúc tôi cùng với lũ con gái mười lăm mười sáu trắng những đêm bắn bông kéo sợi, tôi cũng đã đến tuổi thường nghe lòng mình rạo rực chuyện yêu đương

 

cái cách cha tôi, một người am hiểu sách vở kim cổ, cầm cây rựa chuốt con thoi dệt cho mẹ tôi là một cách tuyên bố với thế giới rằng những kiến thức sách vở đọc được chẳng là gì cả đối với tri thức nhân loại, cái người nào đó là thật tài tình khi nghĩ ra được cái khung dệt bằng tay, đương sợi cũng bằng tay, đương sợi bằng con thoi, như  cách người ta đương nong nia, để sau đó  cho ra những tấm vải mịn màng, những tấm vải làm từ trái bông vải, cái cách cha tôi cầm cây rựa đẽo gọt khúc gỗ lồng mức cho ra hình thù con thoi, rồi cầm lấy cây đục, gõ, đục, ngắm nghía, để hoàn tất công đoạn cuối của một con thoi dệt, là một cách tuyên bố với mọi người rằng, ngoài việc đọc sách, ông còn có thể làm công việc một anh thợ mộc chế tác các chi tiết cho một khung cửi dệt, nói tóm lại, trước sau cha tôi vẫn là một người thông chữ nghĩa cầm cày trên ruộng

 

mẹ tôi ngồi lên khung cửi dệt, đạp thử, tôi cứ mường tượng đến lúc những tấm vải dệt xong được cuộn thành những cuộn tròn trắng muốt, những cuộn vải khún [tên gọi thứ vải làm bằng trái bông vải] cha tôi hỏi khung dệt chạy có tốt không, mẹ tôi nói chạy rất tốt, tôi lại mường tượng ngày theo mẹ ra chợ làng bán vải

 

một ngày tháng sáu, cây bông vải vẫn đang nở rộ ngoài vườn, nhưng cơn mưa mùa hạ như một tai họa bất ngờ đã ập xuống, trái bông vải rụng trắng vườn, cha tôi ngồi ở trong nhà nhìn mưa, và cứ lặng đi, mẹ tôi cũng cứ lặng đi, tối hôm đó cả nhà tôi thức trắng.

 

một vụ mùa được thóc, một bữa cơm có đủ dưỡng chất…có thể là khó thể xảy ra, hoặc chẳng thể nào xảy ra, nhưng những thứ đó, những cái có thể, là thuộc về những nỗi niềm của cha mẹ tôi

Leave a Reply

Your email address will not be published.