Peter Kapeller[Áo 1969]
rồi niềm khao khát trong tôi cứ thôi thúc tôi thiết lập một cuộc hội ngộ giả định, phải gặp bất kỳ một ai đó trong cõi trần gian bát ngát sử sự này, một cuộc hội ngộ bất kỳ có thể làm cho vơi đi niềm khao khát vốn như thứ thuộc tính cố hữu của con người trần thế, làng Cù tôi cách hòn tháp tiền tiêu của kinh đô cũ Vijaya chừng năm cây số đường chim bay như thể một gợi ý đầy tính sử thi [hay một gợi ý định mệnh nhỉ] tôi đã quyết định làm một cuộc gặp người con gái Chiêm quốc [*] thuở ấy, bên ngọn tháp cũ như thể luôn toát lên vẻ ưu tư trầm kha của một dân tộc đã mất, cuộc hội ngộ giả định đã diễn ra như một gợi ý lích sử, em cũng chỉ là chút linh hồn lưu lạc giữa thế giới con người thì tàn nhẫn độc ác hơn là thân thiện, nàng nói, những lời lẽ thù ghét cuộc đời ấy không phải của một cô gái bình thường, một vương phi của vương triều Vijaya thất thế chăng, hay chỉ là một cô gái Chiêm từng trải, tôi không dám hỏi nàng là ai vì sợ chạm vào nỗi đau của một linh hồn thương tích, năm hai mươi tuổi em bị đày đến đất Đại Việt, những người trong cuộc đi đày tứ tán mỗi người một phương, đêm nghe tiếng gà Hóa Châu cứ thấy nhớ đất quê, nàng nói, tiếng gà Hóa Châu ư, một thời đấy là chốn biên cương của Chiêm quốc, tôi biết đây chỉ là cách nói của một người đã bị đuổi ra khỏi tổ quốc của mình, nhưng là nàng bị đuổi khỏi tổ quốc của nàng tự lúc nào, tôi lại phải nhớ lại những cuộc lấn chiếm Chiêm quốc của tổ tiên Đại Việt của tôi: năm 1044 vua Lý Thái Tông đích thân cầm quân tiến đánh Vijaya chém vua Sạ Đẩu, bắt vương phi Mị Ê/năm 1069 vua Lý Thánh Tôn có Lý Thường Kiệt làm đại tướng quân đem quân đánh chiếm Vijaya, bắt vua Chế Củ, vua vào thành Đồ Bàn múa gươm/ năm 1377 vua Trần Duệ Tông đánh thành Đồ Bàn và tử trận/ năm 1470 vua Lê Tánh Tông chỉ huy 100 ngàn quân 150 ngàn chiến thuyền tiến đánh Vijaya, qua năm sau thì vào được thành Đồ Bàn bắt được vua Trà Toàn và đem Vijaya nhập vào Đại Việt, Vijaya trải dài năm thế kỷ, từ 988 đến 1471 [theo ghi chép trong Doanh Nhai Thắng Lãm của Mã Đoan, viên thông ngôn của Trịnh Hòa là nhà hàng hải và nhà thám hiểm người Trung Quốc đã đến đất Vijaya khoảng năm 1413, thì kinh đô Vijaya thời kỳ ấy được miêu tả như vầy: Đi theo hướng tây nam một trăm lý thì sẽ tới kinh thành nơi nhà vua ngự, người ngoại quốc gọi là Chiêm Thành. Kinh thành có lũy bằng đá bao quanh, ra vào qua bốn cổng… Điện vua thì cao và rộng, phần mái ở trên lợp ngói nhỏ hình thuẫn; bốn bức tường bao quanh có đắp trang trí công phu bằng gạch và hồ, rất gọn ghẽ. Các cánh cửa được làm bằng gỗ cứng, chạm trổ hình thù dã thú và cầm súc. Nhà cửa dân cư trong thành lợp mái tranh, chiều cao mái hiên (tính từ mặt đất) không quá ba thước, ra vào phải khom lưng cúi đầu, ai cao quá thì thật là bực mình] vậy thì nàng bị đày vào lúc nào, tổ quốc của mỗi người cứ giống như một cổ xe trời chở ta đến bất kỳ bến bờ nào ta muốn, tổ quốc là một cổ xe trời ông à, nàng nói, cho đến lúc đó tôi mới nhìn kỹ nàng, vẫn là một cô gái hai mươi tuổi, có nghĩa, vẫn trẻ trung như lúc nàng bị đi đày, hay thời gian chẳng là cái quái gì cả đối với một người đã bị người ta cướp mất tổ quốc, hay thời gian thì chẳng làm được gì chân lý lịch sử, tôi không biết, và bắt đầu mường tượng những hoạn nạn lịch sử, có phải mi là thứ bóng tối man rợ đã đổ xuống giữa tiếng kèn saranai, nhịp điệu hùng thiêng của một giống dân luôn yêu mặt trời ở trên đầu, tôi nói với thứ thế lực lịch sử đã đem nàng ra khỏi miền đất tiếng kèn saranai ngày ngày vẫn chảy trong mạch máu của nàng, có phải mi là thứ hố thẳm vỡ ra từ thứ thế giới tăm tối, thứ hố đen vẫn cố bám lấy mặt đất văn minh loài người vẫn đang truy tìm, tôi nói với lòng dạ đen tối của đám quan quân thắng cuộc, tôi nói, và thấy nàng đang nép mình nơi khe hở lịch sử ngắn ngủi và đầy ruổi ro [ người con gái bị đọa đày nơi non xa nước lạ cứ như chiếc bóng phù sinh thoáng giữa phù trầm…] em cứ rán thở vào thở ra đừng để cho tắt thở giữa chừng, cứ rán đến đâu hay đến đó ông à, nàng nói, lời của kẻ mất tổ quốc là còn buồn hơn cả cảnh tận thế như chẳng đời nào thấy xảy ra trong tưởng tượng của nhân loại, tôi lại mường tượng cảnh dắt díu nhau đi giữa những bạc đãi của cuộc sống, những cuộc thiên di chẳng giống chút nào lũ chim đi trốn nắng trốn mưa, tại vì sao, tôi muốn hỏi lịch sử tôi đang sống ở trong nó, tại vì sao bỗng dưng lại phải dắt díu nhau ra khỏi tổ quốc của mình, chắc là lâu lâu ông lại nghe trống baranưng ở cố đô Vijaya chứ gì, hồi ấy đám con gái bọn em vẫn nhảy theo trống baranưng, nàng nói, và cầm lấy tay tôi, hãy nhảy với em đi, bây giờ là nhảy baranang, bấy lâu em chỉ nhảy một mình, nàng nói, tôi ôm lấy nàng và bắt đầu múa may theo nàng, về nghệ thuật Chiêm quốc tôi cũng có biết chút đỉnh, nhưng chưa thấy có sách nào nói vể điệu nhảy baranang, hay là nàng đã nghĩ ra cách nhảy một mình ấy cho vơi bớt nỗi sầu đau của một người mất quê hương, tôi với nàng ôm nhau nhảy điệu baranang bên ngọn tháp tiền tiêu ấy suốt mấy tháng liền, cho đến đêm chúng tôi cảm thấy người mệt lã, cùng tựa lưng vào ngọn tháp cổ mà ngủ, tôi thức dậy vào lúc nghe lũ gà làng Cù tôi gáy sáng, thấy chỉ mỗi mình tôi ngồi giữa đất trời bao la,