con tằm đến thác vẫn còn vương tơ

Còn cha tôi thì cố đánh đổ niềm tin rằng tổ tiên của người làng Lâm Thượng là một con người  sống lâu nhất và to lớn nhất trong loài người: ông khổng lồ. Lâm Thượng là tên làng tôi, tên lâu đời nhất ngày nay còn biết được qua hồ sơ gia phả của làng. Thời cổ đại, khi tiến hành cuộc xâm chiếm dải đất phương nam, đám rợ phương bắc đi đến đâu cũng tung ra truyền thuyết rằng ông tổ tạo dựng đất nước chúng, một con người vĩ đại, khi đi  về phương nam đã  tạo dựng ra các đất nước phương nam, truyền thuyết ông khổng lồ là học thuyết của bọn chiếm đất. Cha tôi nói với mọi người. Quả tình, hình tượng ông khổng lồ có mặt ở nhiều làng quê đất nước tôi. Cách nghĩ của cha tôi về truyền thuyết ông khổng lồ khiến tôi thấy hoài nghi về tính chân xác của sự liệu. Cuốn thứ nhất của sách Cương Mục chép: …Đầu là Kinh Dương Vương, tương truyền là vua trước tiên của nước Việt ta. Kinh Dương Vương sinh Lạc Long Quân. Hùng Vương là con Lạc Long Quân. Nguyên xưa, Đế Minh, cháu ba đời Viêm đế Thần Nông thị(1), đi tuần sang Nam, đến Ngũ Lĩnh(2), lấy Vụ tiên nữ, sinh con là Lộc Tục có đức tính hoàn toàn. Đế Minh yêu Lộc Tục lắm, muốn truyền ngôi cho, nhưng Lộc Tục cố nhường cho anh là Nghi. Bấy giờ mới lập Đế Nghi làm vua nối ngôi, thống trị phương Bắc (Trung Quốc), phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương, thống trị phương Nam. Và Cương Mục chú thích:  (1)Thần Nông thị, một vua đời thượng cổ Trung Quốc, lấy lửa tượng trưng cho đức tính mình, nên gọi là Viêm đế, bắt đầu chế cày bừa, dạy dân làm ruộng, nên gọi là Thần Nông thị. Hóa ra, theo Cương Mục, tổ tiên của dân tộc tôi cũng người phương bắc! Có thể nói cả đời cha tôi chỉ đeo đuổi hai mục đích lớn. Một là cuộc đánh đổ truyền thuyết nói trên, thứ niềm tin ông cho rằng đã làm hại bao nhiêu thế hệ người làng trong  nhận thức về thế giới. Và hai là cuộc thương lượng với đất để làm sao cho đồng làng sản sinh thật nhiều cơm áo cho người làng. Tôi gọi là cuộc đánh đổ truyền thuyết bỡi cha tôi  bắt đầu làm công việc này từ lúc ông còn sống và kéo dài mãi cho tới sau khi ông mất. Ông vẫn đi đi về về với tâm trạng bất an của kẻ còn nguyên những hoài bão ở trong lòng. Và trở về làng lần này, cha tôi như một sứ giả của những người chết đi thương lượng với những người còn sống:

 

Ta muốn mượn hình ảnh con tằm vương tơ để nói về sự tác động dai dẳng của trí nhớ, ta đã qua chín mươi chín cõi chết, nói bằng ngôn ngữ của kẻ lưu đày, nhìn bằng đôi mắt của một người đã rời bỏ thế gian, ta rời bỏ thế gian đã lâu lắm, nhưng như vẫn cứ vương vất trong thứ trí nhớ có vẻ đã ra khỏi ta ngày ấy, tiếng con nghé con lạc mẹ buổi chiều hôm, thảng thốt một sinh linh bé nhỏ giữa cái thế giới đặc quánh những sự kiện, đặc quánh những cạm bẩy, và nửa khuya, con chim ấp muỗi lại vỗ cánh bay lên, thế gian vẫn cứ diễn ra cuộc đi lại vô thường, con quỉ đực  đè lên con quỉ cái, đám vua quan đè lên đầu cổ thần dân, ảo ảnh, hay không là ảo ảnh, có vẻ như vẫn chưa ra khỏi thứ trí nhớ có vẻ đã ra khỏi ta ngày ấy, sáng ra, thấy có người chết trên đồng làng, trăm năm trước người ta chém giết nhau, trăm năm sau người ta cũng chém giết nhau, một cuộc rong chơi chẳng có thể thống gì cả, trưa ra, thấy ai ngửa mặt nhìn trời hát dưới nắng rằng con rắn đen đang trườn bò đi giữa đất nước, điên và không điên, ai có thể kể ra cho hết những cuộc tháo chạy ngẫu nhiên của các sự vật trong trời đất, tối ra, thấy có ngọn gió thổi qua hàng cây trước ngõ, một người đi, rồi trăm nghìn người đi, những nghìn năm qua người ta vẫn cứ đi tìm, chân lý và không chân lý, nửa khuya, ta biết có con chim ngủ ở hàng cây trước ngõ giật mình bay khỏi thế gian, một cuộc rong chơi vô bờ bến, ta đã qua chín mươi chín vương quốc của những người chết, vẫn chưa nhìn thấy có ai là sống lâu nhất và cao to nhất trong loài người chết xuống đây, ở đây, không có cả cái lớn nhất và không có cả cái không lớn nhất, ở đây, ta nhìn thấy những ngu xuẩn và cố chấp đang chập choạng bước như những kẻ không chốn nương thân, đang tan biến  thành hư không, những ngu xuẩn và cố chấp vẫn ẩn náu trong đám người hèn hạ nhưng lại muốn làm nên lịch sử của những xứ sở trần gian, vẫn ẩn náu trong những thứ học thuyết tàn nhẫn và vô liêm sỉ, và vẫn ẩn náu trong thứ sách vở văn chương không làm cho con người ta vui sướng, ở đây, ta chỉ nhìn thấy một sự ngang bằng nhau vô bờ bến, là sự bình đẳng  ở phía bên kia của sự sống, ta đã qua chín mươi chín vương quốc của sự bình đẳng, vừa giả làm vua vương quốc, vừa giả làm thần dân của vương quốc  bình đẳng, ta trò chuyện với ta, thưa quốc vương, ở đây học thuyết nào là lý tưởng nhất và được nhiều người sùng bái nhất, học thuyết không phải là tiếng nói của bình đẳng, mà chỉ là ngôn ngữ của trần gian nhằm để lừa nhau hay để an ủi nhau về sự  nhỏ bé và ngắn ngủi của kiếp con người, ngôn ngữ là phương cách tiện nhất để cho con người trần gian hiểu biết lẫn nhau, nhưng cũng là phương cách hèn mọn nhất để cho con người lừa nhau và giết chóc nhau nơi mặt đất, vị quốc vương nói, và nhìn ta với ánh mắt nghiêm khắc, ta sợ, sờ thử lên đầu, lên chân tay ta, thì thấy như là máu đang lưu chảy trong châu thân.                             

(Trong tiểu tuyết đang viết: “Những tin tức về một ngôi làng”)

Giã 10AM  8.11.2016

Leave a Reply

Your email address will not be published.