cổ tích của đất/đất-sự giận dữ

 

 

làm sao đám con cháu lũ khủng long lại dám gỉả dạng con người buông những lời kiêu căng hiếu sát giữa buổi văn minh lũ hổ trên rừng cũng từ bỏ thói hung hăng man rợ

vào một sáng tháng bảy tôi nghe đất gào lên giữa màu nắng buổi chớm thu

và lập tức sau đó những âm vang giận dữ của đất dội lại từ những cành cây kẽ lá những lời bi tráng

một bài hịch ca kỳ dị của thế kỷ

 

 

em chín cửa con sông phù sa bát ngát

ngực trần nghìn năm khoả hương sắc dậy thì

xôn xao lau lách

bờ bến bãi ngồi đứng không yên

ngọn sóng ba đào vỗ nên miền sử thi lộng lẫy

lũ quỉ ở bên kia bờ cõi luân thường nghìn năm rình rập

 

 

em nền văn hoa trầm tích nghìn năm phủ niềm cảm hứng vô biên

những dấu vết một thời hương sắc còn nguyên trong đất

kẻ hậu thế nhìn ra vào một ngày cả thế giới không tiếc lời ngợi ca

ở bên kia bờ cõi luân thường

lũ ngông cuồng của thế kỷ nhảy lồng lên vì ghen tức

 

 

là nơi đâu trên xứ sở đều là vẻ châu ngọc

em kiêu sa nghìn năm văn hiến dấu tích của những cuộc đá cũ đá mới vô tiền khoáng hậu những cuộc đổi thịt thay da bỗng hoá thành hình hài chim hồng chim lạc bay suốt cõi vô thường

ở bên kia bờ cõi luân thường

lũ mặt đen nghiến răng hậm hực

 

 

là cày bằng đao

trồng bằng lửa

hay cày bằng trâu bằng máy

trồng bằng những hạt giống buổi văn minh

hết thảy là thuộc về một dòng sử lịch nối liền rừng biển

con chim hồng chim lạc bay suốt chiều dài lập đất giữ đất

 

 

vào một hôm

lâu lắm

chỉ mới vừa nghe đám cháu chít lũ khủng long ở bên kia bờ cõi luân thường ậm oẹ chuyện lấn đất

lũ chim hồng chim lạc suốt ngày đêm bay suốt dòng lịch sử để báo cho đất biết tham vọng của lũ tham tàn

một ngày sử lịch chép bằng những tiếng thét dậy trời làm bàng hoàng thế kỷ

Leave a Reply

Your email address will not be published.