Âm bản

 

 

 

 

và dường như bất cứ sự kiện nào xảy ra ở làng tôi người ta cũng cho là quan trọng, khi gọi là phát kiến, hay sáng kiến, hay sáng tạo, khi gọi là cách mạng với nghĩa phá bỏ một cách triệt để cái cũ, ở ngôi làng, con người luôn mong mỏi có sự thay đổi nào đó về cuộc sống cơ cực đang diễn ra nên luôn bị cuốn hút vào những câu chuyện như thế, cải tạo thế giới, hay làm lại thế giới, nỗi ám ảnh gần như thường trực trong cuộc sống người làng tôi, rồi một hôm, sáng ra có người phát hiện thấy có dấu chân người rất to trên con đường làng, từ ngoài đi vào rồi mất hút ở trong làng, thứ ý nghĩ như hóa thân của niềm mơ ước cháy bỏng lập tức dấy lên trong nghĩ ngợi của mọi người, đêm có vĩ nhân vào làng có nghĩa làng ta đã đến lúc hết cơ cực, mọi người rỉ tai nhau, cái dấu chân người to lớn để lại trên con đường làng đối với mọi người lúc bấy giờ là của một bậc vĩ nhân, một kẻ xuất chúng nào đó như cứu tinh của làng, thứ tin tức như thể để tự huyễn hoặc mình lại làm cho người ta thấy bình yên hơn trong cuộc sống vốn vẫn như bấy nay, cứ nghĩ  là có vĩ nhân xuất hiện trong làng là cảm thấy bình yên, rồi một hôm, sáng ra bỗng nghe ông trưởng làng thông báo là sẽ có nhà thông thái ở kinh về nghiên cứu đất đai của làng để qui hoạch việc làm ăn kinh tế cho làng, lập tức mọi người nghĩ đến hệ quả của việc vĩ nhân xuất hiện, thì chẳng phải đã đến lúc thái lai rồi sao, người làng tôi lại rỉ tai nhau, sau khi nghiên cứu đồng ruộng của làng, nhà thông thái họp dân thuyết giảng: tầng địa chất ruộng đồng đã quá già cỗi, phải thay cây lúa bằng con cá, và nhân danh nhà sáng lập tổ chức nuôi trồng thủy sản đa quốc gia ông hứa sẽ cung cấp cho các giống cá khi làng đã hoàn tất việc đào ao, nhà thông thái đi rồi, làng xóm tôi rơi vào tình trạng tê liệt, không còn ai muốn ra đồng làng, cuộc cách mạng được đề xuất bỡi nhà thông thái có sức tác động ghê gớm, tất cả đều rơi vào nỗi sợ hãi, sợ hãi cái gì nhỉ, không diễn tả được, quả tình là tôi cũng rơi vào nỗi sợ hãi, cứ thấy sờ sợ thế nào ấy khi tưởng tượng cánh đồng làng nghìn năm qua vẫn xanh màu lúa bỗng biến thành cái biển nước, ông trưởng làng có vẻ như còn bình tĩnh hơn, chẳng lẽ thằng cha nhà thông thái muốn lừa chúng ta để bán cá giống, đồng ruộng lại vào mùa gieo trồng, và người làng tôi lại tiếp tục trồng cây lúa, rồi mọi người lại cảm thấy lo lắng như vừa đánh mất một cái gì đó, đã để vuột mất một cơ hội đổi đời chăng, nỗi sợ hãi lại chuyển sang nuối tiếc, rồi lại nghĩ đến chuyện vĩ nhân xuất hiện để tự an ủi mình, rồi một hôm, sáng ra lại nghe ông trưởng làng thông báo sẽ có nhà thông thái ở kinh về giảng cho nghe về cuộc cách mạng trong nhận thức, làng  lại háo hức chờ đợi một sự thay đổi nào đó, đêm tháng ba ở quê tôi gió nồm thổi mạnh lắm, nhà họp của làng lại xoay ra đồng làng như thể  hứng hết thứ hương vị biển gió nồm mang lại, nhà thông thái ở kinh khen làng tôi có thứ non nước hữu tình, rồi bắt đầu thuyết giảng về cuộc cách mạng trong nhận thức: ngày nay, ruộng đất trong nước không thuộc bất cứ  cá nhân nào hay tổ chức nào, đất đai là thuộc sở hữu toàn dân, mọi người dân đều là chủ đất đai của đất nước mình, có con tắc kè kêu ở cây vông đồng chỗ đầu làng, và có người làng có ý kiến: xin hỏi, kể từ nay, có phải đến mùa cày thì cả nước cùng vác cày xuống ruộng hay không, nhà thông thái bảo sở hữu toàn dân là khái niệm về việc làm chủ đất đai chứ không phải cả nước cùng cày một khoảnh ruộng, lại có tiếng con tắc kè kêu chỗ cây vông đồng, và lại có người làng có ý kiến: xưa nay đi cày ruộng chứ chưa có ai đi cày khái niệm, mà khái niệm là cái gì vậy, rồi cả làng lại rơi vào nỗi sợ hãi, mọi người cứ cảm thấy như sắp mất hết đất đai, cứ nghĩ đến chuyện cày trên khái niệm tôi cũng thấy bối rối trong lòng, có còn cuộc cách mạng trong nhận thức nào nữa không nhỉ, lại nghe nói có người đương là con người nhưng đầu óc bỗng chuyển sang những nghĩ ngợi khác thường, cả thứ tiếng nói con người đang sử dụng kẻ ấy cũng muốn chuyển sang cách nói gần với giọng nói cầm thú, lại một cuộc cách mạng về giọng nói của một nhà thông thái nào đó nữa.

                 

giã 15PM   15.12.2017

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.