trò chuyện văn chương với Lê Viết Thọ

 

 

Ngày ngày, ông vẫn cặm cụi bên bàn viết, khi đọc một cuốn sách mới ra lò, khi hì hục bên chiếc máy tính đã cũ. Viết nhiều, nghe anh em trong giới kháo nhau là đã xong mấy cuốn tiểu thuyết, vậy mà đã lâu vẫn chẳng thấy xuất hiện trên văn đàn. Đầu năm nay, “Trở lại Xương Quơn” – cuốn tiểu thuyết khá dày dặn của ông – ra mắt bạn đọc. Một cuộc trò chuyện với tác giả Nguyễn Thanh Hiện.

* Cuộc trở lại của “Trở lại Xương Quơn”

* Ông có thể tiết lộ đôi chút về quá trình viết tiểu thuyết này?  

– Cuốn tiểu thuyết này tôi viết lâu nhất. Tôi đã có ý tưởng viết cuốn tiểu thuyết này từ năm 1980, nhưng mãi đến năm 1998 mới viết xong. Tất nhiên, bên cạnh cuốn sách này, tôi còn viết song song vài cuốn tiểu thuyết khác nữa. Viết xong trên giấy đã lâu, vừa rồi mới có thời gian ngồi đánh lại bản vi tính, rồi gửi thử cho NXB. Văn học, vậy rồi được chấp nhận.

* Xương Quơn, cái tên vừa quen, vừa lạ, và cả lời đầu sách nói về một nhân vật xưng tôi và những con cháu của dòng họ Khưu nào đấy, phải chăng là một cách “dẫn dụ” người đọc của ông? 

– Xuân Quơn, mà trong sách tôi đã đổi thành Xương Quơn, thật ra là một làng ngày xưa của Quy Nhơn. Quê của nhân vật chính, cũng chính là quê của tôi, cách nơi này không xa. Cho nên, thoạt nhìn, có vẻ “Trở lại Xương Quơn” là một tiểu thuyết lịch sử, nhưng kỳ thật lại không phải…

* Viết chuyện xưa và gửi vào đó “khát vọng thiết tha đối với việc xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn, nhân ái”, cũng là một cách “né” việc trực diện với những vấn đề đương đại, thưa ông?  

– Thật ra, chuyện sáng tạo rất khó nói. Có những người viết, họ vẫn quen gọi thẳng cái đương đại ra để nói, nhưng tôi thì tôi tự thấy mình không đủ sức để làm được điều đó. Cũng không hẳn là né tránh những vấn đề đương đại đâu, mà nói cho đúng hơn, là mình không có cảm hứng trong cách viết như thế. Mà trong văn chương, cảm hứng là điều quan trọng nhất. Ngày trước, khi hãy còn rất hăm hở, đã thử làm đề cương cho một tiểu thuyết dài hơi, lấy tên là “Bản phác thảo” gồm ba cuốn “Ngôi nhà trên cát”, “Ánh sáng và bóng tối” và “Chỗ còn lại của tháng năm”, cũng định viết theo cách gọi thẳng  đương đại ra mà nói. Làm xong đề cương, tôi có gửi cho một vài người bạn xem, họ thích lắm. Ngày đó, tôi bắt tay vào viết được gần khoảng 300 trang viết tay, xong cuốn đầu tiên, thì bỏ, vì thấy đó chưa phải là văn học. Hình như văn học là cái gì tiềm ẩn đằng sau mà người đọc phải tinh ý mới thấy được, mà ngòi bút của mình lại chưa chạm được vào đó…

*Đọc “Trở lại Xương Quơn”, có cảm giác, tuy cũng là viết chuyện xưa, nhưng ông tìm cho mình cách viết tiện tằn câu chữ, câu văn rất gọn, người đọc tưởng như đang đọc truyện kiếm hiệp hấp dẫn, ly kỳ. Đó là chủ ý, thưa ông?  

Hình như mình phát hiện được cái gì trong cuộc đời, nhìn thấy góc nào trong thế giới, thì tự nhiên mình có cái cách để nói lên điều mình nhìn thấy, tức là có cái giọng để nói lên điều ấy. Đó hình như cũng là một quy luật của sáng tạo.

 “Viết văn là cả một sự khổ ải”

Ngày lại ngày, Nguyễn Thanh Hiện lại ngồi cặm cụi bên máy tính, để viết. Chăm chỉ vậy, đến nay, ông đã có đến 6 tập bản thảo tiểu thuyết chưa in. Vậy nhưng, ông lại “kín tiếng” trên văn đàn. Lâu lâu, mới thấy một, hai truyện ngắn của ông xuất hiện trên báo chí. Hỏi về lý do, ông cười, nói: 

Với tôi, viết không phải để có cái tên, mà hình như, đó là nghiệp của người cứ phải nghĩ ra một cái gì đó, và cũng hình như, cuộc đời cứ luôn bắt mình phải nghĩ. Viết xong một cuốn sách, nhìn lại, vẫn chưa thấy viết được  những gì mình muốn nói, lại muốn viết nữa, để nói cho được…

* Có người nhận xét rằng, với Nguyễn Thanh Hiện, viết văn đã như một thứ “đạo”…

– Có thể là anh em họ nói thật, có thể họ đùa, nhưng tôi thì thấy thế này: trong lúc viết  chính là lúc mình học làm người. Hiểu như thế thì viết văn chính là đạo rồi chứ còn gì nữa phải không. Thật ra, ao ước lớn nhất của tôi là có một cuốn sách mà người ta muốn đọc hoài như muốn gặp hoài người tình của mình vậy. Còn lại, những danh tiếng, với tôi đều là phù du. Nhưng mà nói mình không háo danh thì cũng không phải. Ai là người viết chân chính mà không muốn sau khi mình chết, người ta còn tìm đọc mình. Nếu không có ước muốn như thế thì không thể cầm bút để viết. Hơn nữa, khi mình viết ra giấy, thì tác phẩm đã là của cuộc đời rồi. Viết văn là cả một sự khổ ải và niềm vui của người viết chính là như hôm nay, có một cuốn sách mới, và có người đến để chia sẻ.

* Cách viết của ông trong “Trở Lại Xương Quơn” , mới trong cách dẫn dắt, cấu tứ, nhưng nhìn qua tưởng cũ như một truyện kiếm hiệp. Ông có sợ mình lạc hậu trước những cách viết mới hiện nay, như lối hậu hiện đại chẳng hạn? 

– Tôi nghĩ khi mình viết như thế đã là hậu hiện đại rồi… Ngay “Khúc Rọ Rưa” cũng là hậu hiện đại rồi. Market đã dùng “máu xanh” để ẩn dụ về cái ác trong con người, thì tôi diễn đạt bằng hình ảnh “máu bùn”. Tức là, cùng với thời gian anh đang sống, anh sẽ có cách nói như thế nào cho phù hợp. Với tôi, điều quan trọng và khó nhất là viết như thế nào thì viết, dẫu cho anh viết về cái bi thiết nhất của loài người, đọc xong, người ta vẫn thấy yêu trần gian này, vẫn thấy trần gian này là đáng sống.

* “Không đọc, sẽ thấy mình cũ đi”

Đến nhà ông, thấy ông cặm cụi, viết và đọc. Bên những kinh điển triết học, lịch sử; còn có cả những cuốn sách dịch mới ra lò, hãy còn nóng hổi dư luận. Ông tâm sự: “Tôi vẫn đang đọc lại, học lại, nhất là lịch sử và triết học. Với tôi, ngày nào không nghĩ, không viết, không đọc, lại cảm thấy như mình đang mất mát cái gì đó. Mà người cầm bút, nếu không đọc, thì sẽ thấy mình cũ đi. Cũng là con đường quen thuộc trước ngõ ấy, nhưng nếu anh nhìn bằng trái tim và tri thức, anh sẽ thấy nó khác đi…”.

Còn tôi, người trò chuyện cùng ông, lại hy vọng rằng với cái nhìn khác ấy, sau sự trở lại của “Trở lại Xương Quơn”, người đọc sẽ được đọc những cuốn sách mới của ông.

[ Cuộc trò chuyện văn chương với Lê Viết Thọ vào tháng 3/2008 ]

Leave a Reply

Your email address will not be published.