hát Giót

BÌA LIEU SU GOIT..

[trích]

Ông bà Dên, cha mẹ Liêu, là thuộc lớp người ở núi Đưng ra khỏi nhà vẫn thích mặc váy, ở trần, và nghe máy thu thanh thì chưa hiểu người ta nói gì. Nhưng khi nghe Liêu nói tôi đi nghiên cứu lịch sử các dân tộc ở Trường Sơn thì hai ông bà  liền đem rượu cần bày ra giữa nhà sàn. Cha mẹ em muốn giữ anh ở lại nhà em đấy. Sau này mới biết đấy là tập tục. Còn lúc nghe Liêu nói thế, tôi biết là mình sắp không thể tránh khỏi một cuộc phiêu lưu. Từ việc đương trên đường về, tiếp tục việc khoa bảng, bỗng dưng tôi trở thành nhà nghiên cứu lịch sử, để từ đó mở ra một đoạn đời có lắm hạnh phúc và khổ đau. Coi như đã dứt hẳn cuộc du canh du cư. Nhà sàn của ông bà Dên đã có cột kèo, được đục lỗ hẳn hoi. Và đám gia súc trâu bò heo gà đã có chuồng trại riêng biệt. Cuộc sinh nhai cũ dường chỉ còn để lại bóng dáng trên lớp men đen mướt trên da ché rượu cần. Cả việc những ông già ở những nhà  bên  mang thêm những ché rượu sang nhà ông bà Dên để đãi khách là tôi, cũng có thể nói là cung cách hình thành từ cuộc du cư du canh xưa cũ. Cả việc cả chủ lẫn khách vây quanh ché rượu, cùng cầm lấy những chiếc cần cùng uống thứ chất vừa ngọt ngào vừa cay đắng, cũng là hình thành từ cuộc sống xưa cũ. Những phút bầy đàn, nhằm củng cố sức tồn sinh. Cho nên lúc men rượu đã đủ bổ sung cho sức sống, mọi người đều đòi kể Giót. Tức trở về với cội nguồn của mình. Để con Liêu kể, nó mới hiểu được. Ông Dên nói. Nó, là khách của cuộc rượu, là tôi. Cuộc rượu khách lập tức biến thành cuộc rượu thánh. Dường như rượu là cách thế dẫn dắt con người quay về với chính mình. Các cụ già cùng ứng lên. Cùng vít cần, rồi cùng ứng lên. Chẳng cần phải rõ nghĩa thứ ngôn ngữ cổ kính ấy, chỉ nghe thôi, cũng đủ mường tượng được cảnh trí một thời cổ sơ. Thứ tiếng nói cổ sơ ấy như có sức chứa cả hình tượng lẫn âm thanh, chỉ nghe thôi, cũng mường tượng ra được những hoang dã, những bất trắc, những máu và nước mắt, trong cuộc chống chọi với tự nhiên để sinh tồn. Phải chờ đến lúc các cụ già nhường việc lĩnh xướng cho Liêu tôi mới hiểu hết những gì mình nghe được. Liêu không vít cần, mà nâng cần lên. Và quì. Kể mà như hát.

Đấy là lúc pơtan Đưng đã  lập xong nước. Bèn sai ông Khơ Nan coi việc thiên văn địa lý. Và sai Lung đi tìm của cải quí ở dưới mặt đất. Ta tuy là vua, là pơtan của lũ ngươi, nhưng ta cũng là người núi Đưng, nên phải ở cùng lũ ngươi. Pơtan Đưng nói. Nhưng người núi Đưng bảo kẻ đứng đầu một nước phải có chỗ ở khác với chúng dân, mới khiến các nước khác nể nang. Rồi kéo lên núi Đưng đốn cây gỗ về làm chỗ ở cho vua. Chỗ ở của vua Đưng gọi là cung pơtan. Này Khơ Nan, ta không đành lòng khi thấy nhà ở của chúng dân bị ngập lũ. Pơtan Đưng nói. Ông Khơ Nan liền theo lũ kiến đen suốt ba mùa lũ, rồi vẽ họa đồ, định lại chỗ ở cho dân. Này Khơ Nan, ta thấy lúa trên đồng không được nhiều hạt cho lắm. Pơtan Đưng nói. Ông Khơ Nan phải ăn nằm dưới gốc cây môi ba mùa hoa trái, để xem cách đơm hoa kết trái của môi, rồi mới định ra lịch gieo trồng. Lung đã tìm được mỏ sắt trên núi. Sắt đào được đem về để cả ở hang Gió. Nghe chuyện lạ, cả nước kéo tới xem. Lung lấy củi đốt thành than, rồi đem than đốt thì sắt chảy ra đủ thứ hình thù. Cái làm rìu chặt cây. Cái để cuốc đất. Cái thành lưỡi cày. Này Lung, bấy lâu ta chỉ cày bằng lưỡi cày gỗ, nay đã có sắt, ngươi hãy làm cho thật nhiều lưỡi cày bằng sắt cho người núi Đưng cày ruộng. Pơtan Đưng nói. Lung ngồi trong hang Gió cả ngày lẫn đêm để lo nấu sắt, rèn lưỡi cày lưỡi cuốc. Chẳng bao lâu, ruộng nương của người núi Đưng rộng gấp trăm lần trước, dân chúng giàu có vô kể.

    Người trong nước muốn pơtan Đưng phải có vợ để sinh con nối ngôi vua. Người con gái nào biết được lúc mặt trời đứng bóng thì cây khư trên núi Đưng ngã bóng phía nào, ta sẽ cưới làm vợ. Pơtan Đưng nói. Cây khư trên núi Đưng được người núi Đưng ví với sự cao quí. Con gái ông Khơ Nan là nàng Hơ Lia nói lúc mặt trời đứng bóng là lúc cây khư trên núi Đưng ngã bóng nơi trái tim của nàng. Pơtan Đung liền đưa con gái ông Khơ Nan về nhà mình. Còn nàng Hơ Mia, con gái ông Nư Năng , lúc bấy giờ là người tình của người thợ nấu sắt là Lung.

    Bấy giờ, cả ông Dên, cả những cụ già bạn ông Dên, đều thôi uống, chỉ ôm lấy cần ngồi lặng lẽ, như thể đang cùng nhau bước vào cõi cổ sơ. Đêm mùa hạ ở núi Đưng là mùa giao phối của loài chim đỏ mỏ. Giữa những lúc Liêu ngừng kể thì nghe thấy tiếng kêu thảng thốt ở đâu đấy ngòai rừng. Tiếng kêu của lũ chim đỏ mỏ lạc bạn tình. Lúc mọi người đã về hết, trong ngôi nhà sàn chỉ còn tôi, ông bà Dên, và Liêu, tôi mới nghe rõ hết những xáo động ở bên ngoài. Chuyện yêu đương của lũ chim trời cũng thật ghê gớm. Hốt nhiên im lắng, như thể hết thảy đã biến mất. Hốt nhiên rố lên tiếng vỗ cánh rậm rực, tiếng riu rít hân hoan. Rồi thắc thỏm gọi tìm nhau.Từ sáng giờ em đã quên hỏi tên anh. Liêu chưa ngủ. Nghe Liêu nói, ông bà Dên cựa mình, rồi ngủ lại. Tôi bảo cứ gọi tôi là anh nhà nghiên cứu. Qua bóng đêm, tôi nói nửa đùa nửa thật. Liêu bảo, trước cũng có mấy nhà nghiên cứu lên núi Đưng,  nhưng lúc đó Liêu chưa thể kể Giót bằng tiếng Việt phổ thông. Tôi bảo, còn bây giờ thì Liêu kể rất hay. Cuộc phiêu lưu của tôi coi như được tính từ đêm hôm ấy. Tôi bị chôn chân ở núi Đưng  cho đến lúc mưa đông bắt đầu đổ mới từ biệt Liêu, trở về quê. Và lúc trở lại làng Riềng thì Liêu không còn nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published.