và ngày ấy tôi đi núi Nung

 

Tôi đùa nói với người đàn em của tôi rằng nhà ngươi đâu phải là một con ngựa sau khi trải qua một đoạn đường thì đòi uống nước mật. Thì cũng là anh em trong làng thôi. Sau khi trải qua một ngày đường, băng qua những làng xóm và những cánh đồng bỏ hoang, người đàn em của tôi cứ lăn ra đất tựa một con ngựa không còn chịu đựng nổi đường dài. Làng tôi con người yếu đuối, con trâu con bò yếu đuối, bờ tre làng yếu đuối, tôi ngày đêm cảm thấy tâm can không yên. Con người là cần phải trải qua  nhiều năm tháng mới hiểu thấu cuộc sống của mình. Nhưng người làng tôi thì  thật vất vả khó khăn trong việc sống cùng năm tháng. Những người già thì cứ quằn người xuống, có kẻ quằn xuống gần tận đất, làm như thể để tỏ ra hiểu thấu nghĩa lý rằng con người lớn lên với đất và bây giờ khi đã già thì phải trở về với đất. Những bờ tre quằn xuống trong mưa bão cũng làm tôi cảm thấy bất an như khi nhìn thấy những người già trong làng quằn xuống. Con người quằn xuống hết mức chịu đựng thì phải về với đất. Nhưng bờ tre quằn xuống là phải đỡ lên, bỡi bờ tre là thứ vật thể sinh ra của cải như ruộng đồng làng. Bờ tre cũng làm ra cơm áo như ruộng đồng làng. Không thể cứ như thế mãi. Tôi muốn làm một cái gì đấy cho bớt đi sự yếu đuối, bớt đi nỗi đau khổ, cho làng tôi. Người đàn em của tôi cứ lăn ra đất, thở. Phải làm một cái gì đấy. Tôi thầm nói với  mình. Và vực anh ta đứng lên. Chúng tôi đi núi Nung để tìm sức mạnh cho làng. Ngọn núi từ thuở nhỏ tôi đã dành cho sự trú ngụ của các vị thần. Từ thuở nhỏ tôi đã tưởng tượng ra các vị thần minh bạch và cao thượng của núi Nung. Bọn họ từ núi Nung bay đi khắp nơi ban phát cho con người áo và bánh. Tôi vực người đàn em của tôi đứng lên. Nhưng anh ta không còn bước nổi. Tôi đành phải cõng anh ta. Chúng tôi phải đến được ngôi làng phía bên kia núi mới lấy được sức mạnh của những con người  tương truyền là có mặt tự buổi khai thiên lập địa. Tôi cõng người đàn em của mình vượt qua núi Nung. Rồi tôi cũng giống như con ngựa không còn chịu đựng nổi đường dài, tôi cũng lăn ra đất. Chúng tôi thiếp đi. Và khi tỉnh dậy thì thấy mình đang ở giữa một xứ sở hoang tàn, lặng ngắt những con đường xuyên qua những làng mạc không một bóng người. Hay bọn  ta đã lạc vào nơi ở của những người chết. Người đàn em của tôi nói. Tôi bảo cứ đợi xem sao. Lát sau thì có mấy người rất sang trọng đi xe tứ mã ngang qua chỗ chúng tôi. Có ai mua núi rừng không? Rõ ràng là chúng tôi nghe thấy tiếng rao từ trong xe tứ mã phát ra. Có ai mua biển cả không? Lần này thì nghe rao bán thêm biển cả. Là lũ cướp rừng cướp biển hay là lũ điên khùng thì bọn ta cũng chết. Người đàn em của tôi lúc bấy giờ có vẻ hoảng lắm. Chúng tôi bắt đầu chạy. Những làng xóm như vừa bị ai phá nát, nhà cửa bị hất tung, xác người xác trâu bò gà heo nằm ngổn ngang trên đường. Chúng tôi vượt qua không biết bao nhiêu cảnh hoang tàn. Rồi lại thấy có  nhiều người rất sang trọng đi trên những chiếc xe tứ mã sang trọng vượt qua chúng tôi. Có ai mua tiếng cười của trẻ thơ không? Rõ ràng là chúng tôi  nghe thấy tiếng rao bán trẻ thơ từ trong những xe tứ mã phát ra. Bọn ta bỏ mạng ở đây mất. Người đàn em của tôi nói, có vẻ như không còn chạy nổi. Cố lên đi. Tôi giục. Và chúng tôi cứ tiếp tục chạy cho đến lúc lũ người ấy tống chúng tôi vào ngục. Lũ các người cứ yên tâm ở đó cho đến khi gặp được tổ tiên các người. Bọn họ nói, có vẻ như muốn ăn tươi nuốt sống chúng tôi. Đây là xứ sở  đang rơi vào tay  bọn chiếm đất nào đó, chẳng  phải là nơi chúng ta muốn tìm đến. Ở trong ngục, tôi nói với người đàn em của mình. Rồi chúng sẽ giết  bọn ta mất! Người đàn em của tôi  như chẳng còn tin có ngày trở về. Có chết cũng chết cho xứ sở của chúng ta. Tôi nói như an ủi anh ta. Rồi vì lo sợ, anh ta đã chết ở trong ngục. Còn tôi, bọn họ thấy chẳng có gì nguy hiểm nên đã thả tôi ra. Tôi trở về làng.  Hết ngày này sang ngày khác tôi cứ lang thang trong làng như một kẻ mất trí.Tôi nghĩ là mình phải  có trách nhiệm về người đàn em của mình đã chết vì bạo lực. Có nghĩa là phải nghĩ đến một chuyến đi khác, nhưng tôi vẫn nghĩ chưa ra. Thấy tôi có vẻ khác thường, mọi người theo gạn hỏi. Nhưng tôi đâu dám nói thật là mình với người đàn em trong làng đã đi núi Nung để tìm sức mạnh cho làng, bỡi tôi cũng không dám chắc những gì tôi và người đàn em của tôi đã trải qua ở miền đất ấy là thật. Nhưng đêm đến, hễ chợp mắt là tôi lại nghe thấy tiếng rao ai mua núi rừng không và  ai mua tiếng cười của trẻ thơ không?

( Trong tiểu thuyết đương viết : “Những tin tức về một ngôi làng” )

Leave a Reply

Your email address will not be published.