hồi ức về những con đường đất tôi đã đi qua

 

 

 

 

 

có thể đây là cuộc  trò chuyện với thế giới
thú vị nhất trong cuộc đời tôi

 

 

Một,
Từ Một Cuộc Tẩu Thoát,

 

nếu Platon và Aritote sai lầmthì còn
có Newtonvà nếu Newton sai lầm thì
còn có Einstein…
 tôi lại nghĩ ngợi lung
tung
trong lúc nghĩ về em,

 

nhưng hơn ba nghìn năm trước, mà cũng có thể lâu hơn, đã diễn ra một cuộc tẩu thoát của những con người, mà mãi những ngàn năm sau, thứ niềm tin vào một đấng siêu nhiên có vẻ kỳ lạ của họ lại trở thành nguồn cảm hứng cho các tôn giáo lớn của nhân loại, cầm đầu cuộc tẩu thoát là một vị anh hùng, ông Moses, cái tên nghe rất Ai Cập, nhưng lại không phải là người Ai Cập, mà là một người trong đám lưu dân đến từ đất Canaan, bên bờ Địa Trung Hải, đám lưu dân đang làm công việc trốn khỏi  nền văn minh cổ đại Ai Cập, tẩu thoát là để mở ra hai trình thuật lớn trên một vùng  sa mạc mênh mông mà phía bắc phía tây và phía nam đều là biển, chỉ phía  đông là đất liền, cũng mênh mông, và cũng đang xảy những chiếm đóng, những chống chiếm đóng và những ra đi, trình thuật này là sự luân lạc, và trình thuật kia là sự củng cố lại giao ước với chúa, củng cố lại giao ước để tồn tại trong luân lạc, những trình thuật này là đã được ghi lại một cách cảm động trong sách Xuất Hành, ở góc độ thần học, đấy là sách thánh, ở góc độ nhân học, đấy là sách văn chương, và ở góc độ văn chương thì nó sẽ mở ra những viễn cảnh khác, bỡi hơn ba ngàn năm sau, ở một vùng đất khác, cũng là phương đông, nơi có những ngọn núi mọc lên giữa đồng ruộng phù sa, châu thổ của những con sông lớn, lại diễn ra một cuộc tẩu thoát khác, cuộc trốn chạy khỏi một nền văn minh khác, nền văn minh diễn ra giữa đương đại, chẳng có người cầm đầu, một cuộc trốn chạy mang ý nghĩa triết học hơn là lịch sử, trong cuộc trốn chạy này đã sản sinh ra một người con gái, mà về sau sẽ thực hiện một cách đầy đủ hai trình thuật luân lạc và làm lại giao ước, chỉ có điều ngày xưa là luân lạc giữa sa mạc Sinai, còn ngày nay là luân lạc  giữa cuộc trần ai, giọng con vượn hú trên ngàn cũng khác xưa, lời trần tình của một kẻ bạc tình cũng khác xưa, cách dối trá của một nhà làm xiếc trên sân khấu cũng khác xưa, tiếng đàn cầm đứt dây cũng khác xưa… còn giao ước là giao ước với cả thế giới, giao ước với cả cuộc đời, rằng, hết thảy những trình thuật mới ấy là sẽ được ghi một cách đầy đủ trong những sách Xuất Hành Mới[*], còn có một cách gọi khác là Thi Ca,

______

[*] Nói Thêm Về Sách Xuất Hành Mới,

 

tôi nói sách Xuất Hành Mới là nói về một nguồn thi ca như những nguồn suối cảm hứng bất tận của con người

từ đó mọc lên những ngọn núi lớn

mùa xuân núi gào lên những tiết tấu như thứ giao hưởng kết hợp được hết thảy những giai điệu trời đất thứ tiết tấu vẫn xảy ra trong tiếng hát của loài ong vẫn hát lên trong lúc xây tổ

mùa đông núi gầm lên uy thế của đất trời lừng lững một bàn tay tạo tác

không phải gầm lên tai họa mà gầm lên một cách uy nghiêm về khả năng tạo tác

cũng từ đó chảy ra những dòng sông lớn

dòng sông trí tuệ

mỗi con người có mặt trên mặt đất  là mỗi đứa con thân yêu sinh ra từ dòng sông trí tuệ

mẹ của chúng con

tiếng gọi mẹ  vang lên trong mỗi thời khắc trong cuộc trường tồn là thứ chân lý đến một nghìn lần thật như một thứ phần tử chẳng thể nào lìa xa cội nguồn

tôi nói sách Xuất Hành Mới như những phác hiện những gì từ lâu vẫn còn khuất nẻo những gì từ lâu vẫn ẩn nấp phía bên kia nguồn ánh sáng mặt trời,

 

nhưng em nói từ lâu những kẻ ngông cuồng của thế kỷ vẫn chơi thứ trò chơi của thế kỷ

thứ trò chơi có tên gọi là sự ngông cuồng

và sự ngông cuồng nào thì cũng mang gương mặt man rợ,

 

tôi nói chỉ là do kẻ ngông cuồng chưa chịu nhìn thấy hết những gương mặt tồn tại,

 

nhưng em nói ngông cuồng cũng chính là gương mặt của tồn tại,

 

rốt cuộc thì tôi và em vẫn chưa nói xong về chuyện Thi Ca Đương Đại,

 

 

 

Hai,
Và Miền Đất Đã Sinh Ra Người Con Gái Tôi Yêu,

 

chẳng phải chỉ có ánh nắng dịu dàng của mặt
trời ban maivới bình minh với lời chim hót em biết
không
 ở đó mỗi ngày sẽ còn thật nhiều những ngọn gió vô tình cùng những đám mây lang thang không bờ bến,
 

 

 

tôi cứ ngỡ là mây mọc lên từ những cánh đồng

mọc lên từ sự mầu mỡ

đất đai dường sau khi sản sinh hạt lúa cho người còn muốn tạo dựng riêng mình một dáng vẻ

tháng bảy đi giữa mùi phù sa và núi

tôi cứ thử lắng nghe mỗi tiếng chuông cầu nguyện từ đó năm nào bao nhiêu người đã bước ra khỏi ân sủng của đất đai

tháng bảy qua miền đất quê em

núi giăng trên đồng

như mây giăng trên phù sa mầu mỡ

những người từ đấy ra đi đâu biết rằng năm tháng vẫn dành riêng tôi

cũng chẳng sao nếu từ đấy có những kẻ đã ra đi

tháng bảy đi giữa mùi phù sa và núi

tôi đâu ngờ từ nơi đây đất đai đã dành riêng tôi mỗi người con gái ấy

là em,

 

và tôi, vẫn cứ thủng thẳng bước đi trên mảnh đất quê em với những ý nghĩ mang hình thù sự hàm ơn về một thế giới rộng lớn sung mãng và chu đáo, chu đáo đến tận kẽ tóc, chẳng có gì là không có trong cái thế giới rộng lớn tôi vẫn hàm ơn, trong những bước chân chiều buồn cô độc tôi bỗng nhận ra những hòn sỏi dưới chân mình, những hòn sỏi có từ bao giờ tôi không biết, nhưng tôi biết những hòn sỏi là nằm trên con đường vào làng, con đường dẫn đến mảnh đất có nhau rốn của tôi cha tôi đã chôn ở đó ngay từ lúc mẹ tôi để cho tôi được có mặt ở cái thế giới rộng lớn sung mãn và chu đáo, ở trong làng, buổi sớm, nghe lũ bò ù đòi gặm cỏ,  nghe lũ gà con chiu chít kêu mẹ, tôi cứ giật mình nghĩ đến thứ cách thức tồn tại của cái thế giới rộng lớn sung mãn và chu đáo, đâu phải chỉ có con người, bên cạnh loài giống khôn ngoan nhất mặt đất, có thể là như thế, là cùng lúc có cả một lũ sinh linh ăn thịt, ăn cỏ, ăn hoa quả, hay chỉ ăn khí trời, hay chỉ uống nước biển, khi nghe lũ bò đòi ăn cỏ, nghe lũ gà con gọi mẹ, tôi cứ thấy giật mình về sự có mặt của con người nơi thế giới rộng lớn sung mãn và chu đáo, thứ sinh linh là con người lại có tất cả những khả năng của những sinh linh khác, bỡi con người cũng là con thú ăn thịt, ăn cả thịt con thú khác và thịt đồng loại, cũng là con thú ăn cỏ như trâu bò, ăn khí trời như cây lá trên rừng, cũng uống nước biển như lũ cua cá, và tôi, vẫn cứ thủng thẳng bước đi trên mảnh đất quê em với những ý nghĩ mang hình thù về sự luyến tiếc, tôi luyến tiếc một mùa thu tĩnh lặng, luyến tiếc một mùa xuân thơm mùi thơm hoa trái, ai xé nát một mùa thu tĩnh lặng, làm tan nát một mảnh trời xuân, là sự lỡ tay của con người, con người lỡ tay làm hỏng cả những nét đẹp vốn có của đất trời, những biến cố mùa thu, biến cố mùa xuân, những biến cố mang những  tên gọi vang động đất trời tưởng chừng sẽ làm nên những sự tích lẫy lừng, sự lỡ tay của con người như những giọt  nước mắt lẽ ra chẳng nên chảy xuống cái thế giới rộng lớn sung mãn và chu đáo, tôi vẫn bước đi trên mảnh đất quê em với những niềm luyến tiếc khôn nguôi, sao lại có những  nghĩ ngợi không mấy tốt đẹp như những hạt sạn lẫn vào dòng nghĩ ngợi như con suối mùa xuân trong suốt của loài giống con người, sao lại có thứ triết học như một thứ hạ tiện xen vào  dòng minh triết con người gầy dựng được trong suốt cuộc trường kỳ tiến hóa,

 

 

Ba,
Một Chút Ký Ức Mùa Hè

 

tôi cứ muốn ôm chặt lấy thân thể  em

như ôm lấy trái tim biết nói mọi điều bí ẩn của cuộc đời

cứ muốn hôn lên vầng ngực bồi hồi của em

như hôn lên hơi thở nguyên sơ của đất

cứ muốn đặt lên môi em ngàn nụ hôn

như những ngôn ngữ dịu dàng nhất trong mọi

thứ ngôn ngữ dịu dàng

nếu em chẳng phải hạt giống diệu kỳ

gieo xuống cuộc đời tôi

hạt giống tôi kiếm tìm cả cuộc đời

thì tôi chỉ là thứ đất lặng câm giữ lấy những

ruỗng mục trần gian 

 

 

 mùa hè năm ấy tôi ngồi viết ở rừng thông, từ chỗ tôi ngồi viết vào tới ca đoàn của em phải ngang qua một bãi dương vừa mới trồng đâu vài ba năm trước, nơi tôi ngồi viết là căn nhà tôn xinh xắn vẫn dành cho những nhà thông thái của ca đoàn rao giảng văn minh, em đã về quê với kỳ nghỉ giữa khóa của ca đoàn, còn tôi mỗi sáng mỗi chiều rảo qua bãi cát vắng nhặt từng nạm dương rơi giữa tiếng reo thân thiết của những cành dương còn lại trên cây, những chén trà thổi bằng lá dương khô đượm nỗi buồn xa vắng vì người tôi mong đợi, nửa khuya nhìn qua khu ở của ca đoàn, vắng hiu, tôi cứ tự hỏi là tôi đang buồn hay đang vui, ở  bên kia núi non, ở miền đất xa xôi ấy em có nhớ đến tôi không, trả lời nỗi băn khoăn thầm kín của tôi là tiếng sóng vỗ chẳng ngớt vào rừng thông, em hẹn tôi cuối tháng tám trở lại ca đoàn, nhưng nơi khu ở của ca đoàn, ngọn đèn lung linh đã được ai thắp sáng tự hôm đầu tháng, từng đêm nghe tiếng sóng khuya cùng rừng dương gọi, tôi cứ giật mình trở giấc, khu nhà ở không người vẫn được ai thắp sáng, từng đêm ngồi thừ người nơi bàn viết, cho tới nửa khuya vẫn chưa tìm được chữ nào cho trang bản thảo, tiếng của em trong đêm mới gặp nhau ấy cứ  từng chặp thoảng qua trí nhớ, đêm gặp nhau lần đầu tôi và em cũng đi bên nhau trò chuyện trong tiếng vi vu buồn tẻ của bãi dương, mà cũng chỉ có mỗi lần trò chuyện ấy, cuộc trò chuyện như thể những cuộc trò chuyện của những cuộc tình trong vắt ở chốn trên cao, những cuộc trò chuyện xảy ra về sau vẫn là những thao thức về cái có thể, tiếng thông reo nơi tôi ngồi viết bỗng trở thành mối băn khoăn thầm lặng, sao tôi và em lại nhận ra nhau giữa cuộc đời trăm nẻo, có tiếng còi tàu thoảng qua ký ức, không phải, em vẫn chưa trở lại ca đoàn, khuya hôm đó sóng biển bỗng dưng da diết vỗ vào rừng thông, nửa khua trở giấc nghe sóng vỗ da diết,  tôi cứ thấy như mình đương rơi vào biển nước, biển nước cứ lớn dần, rồi loãng ra thành tiếng gió, và đâu đó như có tiếng nói của em, tôi giật mình trở dậy, nhìn qua màn đêm, bên kia khu rừng dương ai vẫn thắp sáng đèn nơi khu ở của em, đèn ai thắp sáng nơi khu ở của em  hay là ngọn lửa đang bùng cháy ở trong tôi,  

 

 

 

Bốn,
Câu Chuyện Cổ Tích,

 

sao chúng tôi vẫn ngồi bên nhau hằng đêm

như thế

và thời gian là ánh mắt đắm say

mỗi giọt mưa rơi và mỗi tiếng tàu khuya vẳng lại

cũng đủ làm tan đi khoảng yên lặng giữa chúng tôi

ai đã đến từ những giọt mưa rơi và tiếng tàu khuya

mới hiểu sao chúng tôi vẫn ngồi bên nhau hằng đêm như thế

mỗi tiếng tàu khuya

nếu chẳng phải chúng tôi

thì cũng chỉ là dấu hiệu của ra đi hay trở lại

và những giọt mưa rồi cũng rơi vào quên lãng

nhưng tình yêu của chúng tôi

đâu phải những lần ra đi và trở lại

sao chúng tôi vẫn ngồi bên nhau hằng đêm như thế

dẫu mỗi ngày qua đã nói với nhau tất cả

nhưng chúng tôi vẫn cứ muốn ngồi bên nhau hằng đêm

như thế,

 

 

mùa hè đó ca đoàn rao giảng văn minh thuê tôi đến diễn thuyết về cách tìm kiếm những lời nói bị thất lạc, tôi nói tìm kiếm những lời nói bị thất lạc đã là khó, nói về cách  tìm kiếm lại càng khó hơn, sợ không làm nổi, nhà thông thái  cai quản ca đoàn bảo lời nói là có quan điểm của nó, chỉ xin lưu ý  điểm đó, ca đoàn sẽ trả công xứng đáng cho tôi, nói là diễn thuyết cốt để đám tuổi trẻ của ca đoàn thấy hết thảy những gì bọn họ đang trải qua đều quan trọng, thật ra chỉ là một cuộc chuyện trò, cuộc chuyện trò giữa một người đã có chút kinh nghiệm trong việc tìm kiếm những lời nói bị thất lạc và những người sắp đi làm công việc tìm kiếm, mấy ngọn đèn điện người ta kéo tạm đến nơi diễn thuyết không đủ để tôi quan sát hết những gương mặt của đám tuổi trẻ đang được các nhà thông thái  đương đại tẩy rửa linh hồn chuẩn bị cho công cuộc rao giảng văn minh, chỉ nhìn thấy một cô gái trẻ có mái tóc vàng óng dịu dàng luôn chăm chú nhìn tôi,

 

 có thể nó, những lời nói bị thất lạc, là lời thở than của người mẹ mù lòa trong  đêm nghe tin những đứa con  trai  của mình đã chết cả ngoài trận mạc, và ai đó, có thể là kẻ hàng xóm, hay vị ẩn sĩ ở trong làng, sau khi nghe thấy những lời đau thấu ruột gan của người mẹ bèn đem chép vào trí nhớ, và cuộc đời thì vẫn cứ tiếp tục chất lên  trí nhớ  của vị ẩn sĩ những trang đỏ đen, và vào  cái hôm sắp  mãn cuộc trần thế, vị ẩn sĩ muốn nói với đám cháu con mình những lời gan ruột, thì bỗng nhớ đến những lời ruột gan của người mẹ mất con, bèn đem bút giấy ra ghi, nỗi buồn đau của người sắp lìa xa cháu con là chồng lên nỗi buồn đau của người chẳng còn  có cháu con, mấy chục năm sau, hay mấy thế kỷ sau, đọc được mảnh bút giấy kia lại là một nhà chép sử, trong dòng sử văn đương đại chợt  nổi lên những vần thơ bi tráng, mấy chục năm sau, hay mấy thế kỷ sau, ai đó, có thể là một khách qua đường, lại nhìn thấy được những giọt nước mắt của thơ, kẻ nhìn thấy  những giọt nước mắt của thơ thì người đời gọi là kẻ tìm thấy những lời nói bị thất lạc,    

 

đại khái, tôi cứ theo cái cách như thế để trò chuyện với đám tuổi trẻ đang được các nhà thông thái đương đại chuẩn bị cho thứ hành trang làm công việc rao giảng văn minh, ngay đêm hôm sau, người con gái đã chăm chú nhìn tôi trong đêm diễn thuyết đã đến gặp tôi để trả công  diễn thuyết [*] của tôi bằng tình yêu của nàng, và cho đến khi nàng bị đuổi khỏi ca đoàn thì cuộc đời nàng bắt đầu gắn bó với cuộc đời tôi như một bộ phận hữu cơ trong cuộc trần gian gió bụi,

_______

[*] Nói Thêm Về Cuộc Mặc Cả Trong Việc Trả Công Diễn Thuyết,

 

em cứ nói tiếp đi về chuyện trả công, tôi nói, và cứ thấy vui sướng trong lòng như chưa hề biết vui sướng là gì, bấy giờ thì tôi và em đã ngồi bên nhau nơi bãi biển giữa bầu trời đêm tháng bảy, em nói là em muốn trả công diễn thuyết cho tôi chỉ sợ là tôi không nhận, tôi nói là em cứ nói ra đi, em nói là những đám mây nơi bầu trời mùa xuân, quả tình khi con người ta đương có một cuộc tình treo lơ lửng ở trên đầu thì trở nên vô cùng sáng suốt, bấy giờ như có một thứ ánh sáng kỳ diệu nào đó, chẳng phải là ánh mặt trời, một thứ nguồn sáng thật mới mẻ, mà văn minh đương đại chưa kịp phác hiện, bất chợt soi rọi vào trí óc tôi, và tôi lập tức nhận ra thứ vật thể em vừa mới đem tặng tôi, như một bài tụng ca, tôi bắt đầu nói về những đám mây nơi bầu trời mùa xuân, như thể là đã sẵn có trong tôi tự bao giờ, và giờ đây cứ việc lấy ra, một bài tụng ca về tình yêu,

 

em như đám mây nơi bầu trởi mùa xuân bất chợt nghiêng bóng xuống cuộc đời tôi, nếu em là mây mùa xuân thì tôi nguyện cả đời làm ngọn gió trong lành thổi suốt qua hết thảy  những mùa xuân, vào những chiều buồn em lang thang nơi bầu trời vắng, tôi là  ngọn gió chiều  hôm thoảng lại  nơi ngực em, vội vàng lướt qua đôi mắt u buồn của em, có thấy nhớ tôi không, gió hỏi ngàn mây, vào những sáng tinh sương, trời trở lạnh, tôi là ngọn gió trong lành của buổi ban mai, chỉ nhẹ nhàng lướt qua những giọt sương, rồi ngập ngừng trên đôi môi em, tôi ngập ngừng hôn lên đôi môi thầm lặng của em , và hát, khúc hát của ngày,  gió ru ngàn mây, và vào những đêm trăng sao, em khẽ nép vào nơi góc trời tĩnh lặng nhường cho trăng sao nhìn ngắm trần gian, tôi là ngọn gió đêm nhón gót nhìn em, và bước đến cầm lấy bàn tay mỏng manh của em, nhân lúc cả trăng sao đang chăm chú chuyện trần gian, tôi nói là em hãy sinh cho tôi thật nhiều những đứa con ở trên trời để đêm đêm cùng với trăng sao vui vẻ nhìn ngắm trần gian,  

 

bài tụng ca về tình yêu của tôi là thứ thi ca trên trời có lẫn chút hơi hướng trần thế, sau khi pha chút trần thế vào niềm cảm hứng của mình, tôi liền úp mặt lên ngực em, đúng hơn là tôi vùi đầu vào ngực em, tôi nghe niềm vui sướng của em đang lưu chuyển ồ ạt nơi vầng ngực bồi hồi của người con gái vừa mới bước vào tình yêu, em tan ra thành cát mất, tôi nghe em nói, như từ một miền xa thẳm nào đó em đang cố nói cho tôi nghe, và tôi, cũng nghe thấy như mình cũng đang tan ra thành cát, tôi cũng sắp tan thành cát đây, tôi nói trong thứ hương thơm tinh khiết đang tỏa ra từ nơi thân thể tinh khiết của em, và bắt đầu hôn lên môi lên mắt em, bấy giờ tôi hôn em, và cứ đoan chắc với em rằng, chỉ có biển mới nhìn thấy tôi hôn em, và ngoài biển ra thì chỉ có bầu trời đêm tháng bảy,

 

 

Năm,
Những Ngọn Lửa Biết Nhìn,

 

hãy thắp lên ngọn lửa đi em

dù mỗi ngọn lửa nhỏ thôi

nếu em là ngọn lửa 

 thì tôi nguyện suốt đời  làm người tiếp lửa cho em,  

 

 

sự có mặt của em trong những tháng năm ấy như một sự cố lớn lao đối với cuộc đời tôi

chẳng phải tình yêu người ta thường nghĩ

mà là một phác hiện nếu có thể nói như thế

tôi  phác hiện ra ngọn lửa nơi người con gái như vừa bị xua đuổi khỏi cuộc sống

và em phác hiện ra ngọn lửa nơi chàng hiệp sĩ thời đương đại

một con đường mới tinh khôi  lập tức trải ra giữa niềm háo hức của hai con người nhỏ bé  đang thừa hưởng thứ vóc dáng lung linh của tổ tiên con người truyền lại từ cuộc tiến hóa đầy hiểm nguy

người ta có cố làm cho tắt đi ngọn lửa trong tôi và em bỡi lòng ích kỷ nhỏ nhen

nhưng đấy là chuyện khác

trên đường đi về phía trước tôi và em đã phải trải qua hết thảy những cảnh trí của cuộc sống

những bất trắc như thử thách của thế giới luôn đặt ra trước tôi và em

nhưng trước những chuyến đi bao giờ tôi cũng hôn lên mắt em như hôn lên ngọn lửa biết nhìn,

 

 

 

Sáu,
Nước Mắt Chim Én,

 

có chút gì như nỗi đau thầm lặng
len giữa hồn tôi…
 

 

 

em, mấy mươi năm vẫn chưa nguôi ngọn lửa, lại cháy lên vào những hôm tưởng chừng sự chán nản về thế giới hủy hoại hết những gì tôi còn giữ được trong trí nhớ, vào những lúc như thế tôi lại nghĩ về em, nghĩ về những tháng năm tôi và em đã gầy dựng được một bầu trời riêng trên đầu, những ý nghĩ về bầu trời có lũ chim bay về phía những ước mơ lại làm tôi thấy nhớ những con đường, em, mấy mươi năm những con đường vẫn còn nguyên trong trí nhớ, tháng giêng, con đường ngang qua những vùng nước mắt quá khứ, nước mắt chim én khóc mùa xuân, tôi và em đã phải dừng lại trên đường để lau khô nước mắt cho lũ chim tiếp tục cuộc tìm kiếm mùa xuân,

 

 

 

Bảy,
Sự Ngạo Mạn Của Tồn Tại,

 

tháng sáu hun hút

gió núi thổi về

những cơn gió vẫn âm ỉ

thổi qua trí nhớ tôi…

 

dường có nhiều người lên đường vào sáng hôm ấy

tôi nghe tiếng còi tàu hú gọi vào lúc tinh sương

và gọi em

nhưng em vẫn nằm im không nói

mãi khi nghe tiếng chim ríu rít ngoài vườn em mới mở mắt nhìn tôi

những biến cố cuộc đời có làm em mỏi mệt

nhưng cuối cùng em vẫn trở dậy để cùng tôi tiếp tục cuộc hành trình

trên đường ngược xuôi năm tháng đôi khi tôi nghe thấy những ý tưởng về sự hoàn thiện trở nên những lời ngạo mạn

a

nếu chưa nhìn thấy được

lũ các ngươi cứ coi như đang trong giấc mộng chưa tròn,  

 

 

 

Tám,
Và Sự Nghiệt Ngã Của Sóng,

 

tháng sáu tháng sáu

em mặc lại chi chiếc áo cũ màu tro

để tôi cứ thấy mái tóc vàng óng dịu dàng

của em bay trong tiếng biển vỗ vào

 rừng thông đêm ấy,    

 

trong âm vang ngàn đời của biển tôi chợt nghe mỗi ý nghĩ nhỏ nhoi,

 

nếu không vì mệt nhoài với khuôn mặt những kẻ có trái tim giả chưa đủ tư liệu để khởi tố với công việc tưởng chừng bề bộn nhưng thật ra nếu chẳng còn những kẻ chuyên sống trên mồ hôi nước mắt kẻ khác chưa kịp phác hiện thì chiều ấy tôi đâu nghĩ đến sự nhẫn tâm của sóng,

 

ai nói ở đây thiếu phút lặng yên

dẫu khu rừng thông nơi tôi ngồi viết vẫn gần bên sóng,

 

chiều ấy nghe tiếng biển gào

tôi cứ muốn nhìn lại khuôn mặt em trong đêm tháng ba có tiếng sóng vỗ vào rừng thông,

 

sau một ngày mệt nhoài với những kẻ ngông cuồng của thế kỷ

tôi cứ cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới chật chội,

 

tháng sáu tháng sáu

tôi chẳng thể nào quên những gương mặt nhẫn tâm ngày ấy,  

 

 

Chín,
Nhưng Biến Cố Ấy Lại Mở Ra Con Đường Mới Tinh Khôi,  

 

cứ đành như thế nghe em

hãy tính tháng năm

và dấu kỹ vào ký ức,

 

nhà thông thái rao giảng kinh sách

còn đám tuổi trẻ thì ngồi nghe

ngồi viết ở rừng thông

tôi nhìn thấy nhà thông thái cúi xuống  sách

cắn mấy từ

nghĩ ngợi

rồi bắt đầu phun ra bao nhiêu là lời sang trọng,

 

 rồi sỏi đá lập tức mọc lên ở bên trên những mảnh đất cằn cỗi những lúa sắn và gió bắt đầu làm rung rinh những chồi những nụ bạt ngàn những chồi nụ bạt ngàn tiếng hát của dế kẻ canh giữ nghìn đời của  đất bắt đầu ca ngợi kỳ công của con người và lũ ong đủ các quốc tịch lũ ong từ khắp các khu rừng lớn nhỏ trên mặt đất bắt đầu xô đẩy chen lấn nhau ở bên trên những hoa trái và niềm tích tụ của cảm hứng tạo tác bỗng hóa ra mưa tất cả là sẽ được ghi vào những trang vẻ vang nhất của lịch sử loài người những sỏi đá  những cơm gạo tiếng hát của dế cuộc tranh hút mật của các loài ong  và những cơn mưa bắt nguồn từ trí óc kỳ vĩ của con người hết thảy là những đoạn khúc mang hình thù thời đại có cánh sẽ cất lên vào những buổi sáng có những người trồng lúa đang khóc vì vui sướng,

 

 

ngồi viết ở rừng thông tôi nhìn thấy những linh hồn đang được tẩy rửa phun vào khoảng trống  trước mặt những lời lẽ nhà thông thái vừa phun ra những lời lẽ  giống hệt những lời lẽ  các vị giáo chủ thuật lại cho tín đồ mình nghe sau khi  được sự mặc khải  của các đấng vô hình

và tôi lại thấy nhà thông thái cúi xuống sách

lần này thì thấy ông đã đưa vào mòm

nhưng đột nhiên nhả ra

trả mấy từ ấy trở lại chỗ cũ của sách

hơi nhầm

tôi nghe ông lẩm nhẩm,

 

 những đoạn  khúc có cánh bài ca của thời đại có cánh  là sẽ được cất lên vào những buổi sáng có sương mù che phủ…  

 

ngồi viết ở rừng thông tôi lại nghe  đám linh hồn đang được tẩy rửa cất lên những lời lẽ bọn chúng còn nhớ được ở đâu đấy

tôi biết là bọn chúng đã lạc điệu

chỉ mỗi mình em là ngồi tủm tỉm cười

tôi biết là em biết ông ấy lúc bấy giờ nhả ra là để trả về chỗ cũ của sách chứ chẳng phải là lời rao giảng,

 

hay là nhà thông thái đã nhìn thấy dòng máu nguy hiểm em đang mang trong người khi nhìn thấy nụ cười tủm tỉm của em bỡi ngay sau đó là em bị tống cổ  khỏi ca đoàn rao giảng văn minh,

 

 

Mười,
Và Tôi Phải Hôn Lên Sự Ngu Muội Của Em,

 

tôi vẫn muốn máu của  tôi chảy trên từng  trang viết

cho em

nhưng điều đáng nói là em đã nhìn thấy được

trần gian có bao nhiêu phần thống khổ

 để máu tôi chảy thêm lửa cho thơ,

 

 

và đêm hôm ấy tôi  đã đi múc nước biển cho em kỳ cọ sự ngu muội

kỳ cọ cái nụ cười tủm tỉm ngu muội lẽ ra không nên xảy ra giữa thời của trí tuệ lưu đày,

 

em nghe rát cả óc não

tôi kỳ cọ cho em

và em kêu nghe rát óc não,

 

đừng nghĩ tới muối là sẽ không còn thấy rát

tôi khuyên em theo kiểu hậu tương lai

và  đưa ra  cách diễn giải về nước biển theo kiểu  tiền băng hà

có nghĩa chẳng theo một thứ lý lẽ nào của con vật có tư duy

và  cuộc trò chuyện thâu đêm đã diễn ra giữa tôi và em,

 

tôi,

vào  buổi ban đầu nghìn triệu năm lưu luyến ấy

hơi nóng ngút trời mây khói

kẻ ra đi là có vẻ như không trở lại

em ra  đi là có vẻ như đi mãi

không về

em nghi ngút lên trời vào  buổi vừa nóng vừa mặn

lên trời là để làm cuộc vòng vo thế sự

để làm nghĩa vụ của cuộc tồn sinh

cho nên là em phải quay về

buổi em quay về là  buổi sau của buổi ban đầu

em quay về là để làm cuộc trường giang chảy suốt qua miền tăm tối hư vô

suốt cuộc trường giang không bờ bến em là con cá lội trên non

là con thuyền giữa núi

một hôm nào cả nhân gian bỗng nghe thấy tiếng em cười cất lên giữa cuộc hồng hoang,

 

 

em,

 có nghĩa  thứ nước biển sơ nguyên vừa nóng vừa mặn  đã làm cuộc ra đi bát ngát giữa đất trời nguyên thủy và nghìn triệu năm sau lại quay về gầy cuộc tồn sinh,

 

tôi nói sự sống là bắt đầu từ bể cả

cả tôi lẫn em cả con giun con dế là đều bắt đầu từ bể cả

tôi nói

và hôn lên sự ngu muội của em,

 

 

 

Mười Một,
Có Một Thời Như Thế,

 

 

khi em là ngọn lửa cho tôi nhận ra hơi thở cây lá

trong vườn cùng  bước chân loài sâu tàn nhẫn

giữa đêm đen thật ít sao trời

em lại đến

lòng tôi cơn bảo tố

 thì có hề gì mỗi lần sai hẹn,

 

 

cơm áo nuôi dưỡng thân xác

nhưng vào những tháng năm ấy dòng máu của dòng họ đang mang trong mình như điều kiện đầu tiên cho sự tồn tại

chẳng phải người ta tính theo máu của các họ người trong lịch sử tiến hóa của loài người

cũng chẳng phải theo máu của một bộ tộc hay một thị tộc

những lý lẽ được đưa ra lúc bấy giờ như những nghĩ ngợi  kỳ dị nhất trong lịch sử văn minh  loài  người

nơi xứ sở của tôi và em vào những năm tháng ấy

dòng máu của một dòng họ được tính đến chỗ hướng tới trong nghĩ ngợi của con người

là có phù hợp hay không

hay có nguy hiểm hay không

đối với xứ sở

dòng máu của một dòng họ  như một  hệ thống tinh thần vô cùng quan trọng đối với sự an nguy của xứ sở

 

có nghĩa

có thể hay khó có thể tồn tại trong xứ sở ,

 

tôi chẳng dám có ý kiến gì về việc em bị đuổi khỏi ca đoàn rao giảng văn minh

bỡi đó là thuộc về lý lẽ của một thời

chỉ lặng lẽ làm chàng hiệp sĩ thời nay lặng lẽ cùng em thử làm công việc biến cái không thể trở thành có thể,

 

 

 

Mười Hai,
Những Ký Ức Mùa Xuân,

 

lúc thắp lên ngọn lửa cho em

tôi đâu nghĩ có ngày con tằm rút ruột

 cho người ra đi,  

 

 

mùa xuân năm ấy em về ăn tết ở quê tôi, đêm tháng giêng còn nguyên mùi hương rạ lúa trì, nửa khuya chúng tôi đứng bên nhau dưới vòm hoa giấy đầu hè, có tiếng con chim ấp muỗi nơi bờ duối và tiếng ếch nhái ngoài đồng mừng cơn mưa tháng giêng bất chợt, còn tôi và em thì chẳng nói được lời nào, có một thứ hương thơm tỏa ra từ đôi mắt và vầng ngực say đắm của em, tôi đặt môi tôi lên môi em, lặng lẽ, và sau đó chỉ còn nghe mỗi thứ lặng lẽ tỏa ra từ nơi thân thể lặng lẽ của em, những tháng năm sau đó cuộc đời vẫn dành cho chúng tôi bao nhiêu niềm cay đắng, có lúc tưởng chừng không còn sống nổi, có lúc chúng tôi vô cớ dày vò nhau, tưởng chừng xa nhau mãi mãi, những mùa xuân sau tôi lại trở về quê, đêm giao thừa, mỗi mình đứng lặng dưới vòm hoa giấy, phải, chỉ riêng tôi mới lắng nghe được thứ hương xuân của riêng mình, tiếng pháo, mùi bánh tét bánh chưng, hương cúc hương lan của nhà bên thoảng lại, với tôi, tất cả chỉ là  những thứ chất độn của cuộc sống, tôi tin rằng bên trên những thứ đó còn có cái gì, làm sao tôi biết được cái gì đó ở mỗi con người trong xóm quê nhỏ bé của tôi, còn tôi, nếu em không còn trên đời này thì tôi cần gì những hương cúc hương lan, năm tháng vẫn lặng lẽ trôi đi, tôi biết con người vẫn sợ hãi tháng năm, những mùa xuân sau đó, chúng tôi cứ giật mình nhìn lại tháng năm, tôi thì mỗi ngày một già hơn, còn em, thì mỗi ngày mỗi bớt đi vẻ thanh xuân, nhưng có một điều giống như ánh mặt trời đối với sự sống trên mặt đất, những thèm muốn tốt đẹp cùng những ý nghĩ thông tuệ lập tức đến với chúng tôi mỗi lần nhớ ra rằng tôi và em vẫn còn bên nhau giữa muôn ngàn gian truân cay đắng, làm sao nói cho người khác hiểu được là tôi và em đã có riêng một thứ mùa xuân như thế,  

 

 

 

Mười Ba,
Cuộc Chiến Không Cân Sức,

 

t tình yêu của em

tôi bước vào mọi ngõ ngách cuộc đời

 như một đạo sĩ rao giảng lòng yêu thương,

 

 

trong cuộc hành trình đi tìm cái có thể em đã phải trải qua những giây phút đau buồn, tình yêu tôi dành cho em như lời tuyên ngôn được viết bằng hơi thở từ trái tim tôi nhằm xóa đi những sắc màu u ám lẽ ra chẳng nên xảy ra ở người con gái đang buổi yêu đời, em, cả một thời con gái em đã dành  cho tôi, và tôi, chàng hiệp sĩ  đương đại trong tay không nửa tấc gươm, chỉ có mỗi trái tim cháy bỏng thừa hưởng của tổ tiên con người  ngày đêm lo nghĩ cách chiến thắng những kẻ ngông cuồng của thế kỷ, em, mấy mươi năm vẫn còn nguyên trong trí nhớ hình ảnh về một cuộc chiến không cân sức, mỗi lần em sắp quị ngã, tôi chỉ còn mỗi cách hôn lên mắt em môi em như để truyền sức  cho nhau, những kẻ ngông cuồng của thế kỷ lại nhìn tôi và em với ánh mắt ngạo mạn, trước sau gì thì tình yêu của các người cũng sẽ bị hủy diệt, mỗi lần thấy tôi và em hôn nhau những kẻ ngông cuồng của thế kỷ lại gầm lên, còn tôi thì cứ chăm chú  nhìn vào những câu chữ trong lời tuyên ngôn được viết bằng máu của trái tim mình, hết nhìn vào những câu chữ bằng máu tôi lại nhìn em, bọn họ đã đi khỏi chưa, mỗi lần nghe em hỏi câu ấy tôi nghe như máu đang sôi trong huyết quản, nhưng trong tay không nửa tấc gươm, nên lại đành nuốt tức giận để cùng em tiếp tục cuộc hành trình đi tìm cái có thể,

 

 

 

Mười Bốn,
Tình Yêu Của Tôi Và Em Không Thể Khiến Cho  Một Mùa Thu Ẩm Ướt Không Còn Ẩm Ướt,

 

 

 tháng giêng

ai còn nhớ một cành lá đơn sơ

 giữa ngàn cánh lộc,

 

 

liệu có ai đó đã nói ở trong tôi

thi ca là thứ khi người ta không thể giữ mãi trong lòng mà phải nói ra

nhưng ở đây chẳng phải thi ca

mà những ký ức về em

những biến cố nơi mặt đất có làm chúng trở nên lẫn lộn trước sau

nhưng hết thảy đó là những chuyện thật có hình thù một câu chuyện cổ tích ai đó đã viết ra trong trí nhớ tôi giờ tôi chỉ cần nhớ lại

tôi thấy trong trí nhớ tôi một tháng tám ẩm ướt

một mùa thu ẩm ướt

ẩm ướt cả những hòn sỏi dẫm dưới chân trên con đường vào làng

hay người ta đã khóc quá nhiều nước mắt ngấm cả vào đất trời

trong quá khứ người làng ấy đã khóc vì chuyện con người với con người đánh nhau chí tử

giờ lại khóc vì chuyện cơm áo

cuộc chiến với cơm áo lại cũng là cuộc tử chiến

vừa khóc chuyện cơm áo lại vừa phải ngợi ca sự oanh liệt của những người đã chết trong quá khứ

tôi biết tình yêu của tôi và em là chẳng thể khiến cho một mùa thu ẩm ướt không còn ẩm ướt,

 

 

 

Mười Lăm,
Nhưng Có Phải Đấy Là Cách Thức Để Tồn Tại,  

 

em thấy không

cát biển phủ kín dấu chân những kẻ

 vừa bước vào cay đắng,

 

 

cũng phải nói thêm rằng tôi và em cũng đã hiểu ra vì sao người ta phải ca ngợi quá khứ

hóa ra ngợi ca quá khứ ở cái ngôi làng còn đói cơm ấy cũng chính là ngợi ca người nữ trưởng làng từng có mặt trong cuộc chiến giữa con người với con người trong quá khứ,

 

người ta đã nói quá nhiều về những cuộc chiến nơi xứ sở của tôi và em

tôi chẳng thể nói thêm được điều gì

chỉ có chút nghĩ ngợi về những nghĩ ngợi của người khác về những cuộc chiến ấy

ở ngôi làng tôi và em ngang qua lần ấy là người ta có cách nghĩ ngợi của riêng mình,

 

mùa thu

những  con đường vào làng như đang muốn dấu diếm điều chi với những kẻ đang đi tìm cái có thể

em nói,

 

tôi nói đấy chẳng qua là những cảm nghĩ mơ hồ của khách đường xa,

 

nhưng em nói là em nghe được cả cách trở mình nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý của những hòn sỏi đang dẫm dưới chân,

 

tự dưng tôi cũng cảm thấy có phần u ám về một mùa thu đang phủ xuống ngôi làng

ngay tự lúc mới bước vào làng tôi và em đã nhìn thấy những biểu tượng về niềm tự hào quá khứ (nụ cười chẳng chút gắng gượng nơi gương mặt bà lão khi nhắc về những đứa con của  mình đã chết và những câu hát ru nghe vẳng lại từ những ngôi nhà vách lá như những bản hùng ca một thời có những kẻ ra đi giữa sắc nắng mùa xuân …),

 

thì ra cuộc chiến cơm áo ở ngôi làng ấy cũng chẳng kém phần oanh liệt

con người thì chẳng tiếc cả hơi thở và máu

nhưng tự nhiên vẫn không hề tỏ mỗi chút trắc ẩn

vẫn cứ cằn cỗi như đã cằn cỗi tự thuở ban đầu

và vẫn cứ không một dòng sông như tự buổi con người lập đất

tồn tại vẫn là sự kết hợp nghìn đời của đất và nước

nhưng ở  ngôi làng có niềm tự hào về quá khứ ấy thì đất và nước vẫn ngàn năm riêng mỗi góc trời

tự nhiên nơi ấy đã không cho con người đến nửa dòng sông

và cũng không cho con người tạo ra nửa dòng sông

không có lúa thời  con gái mơn mởn giữa đồng nước đồng làng

thì người ta phải xoay qua hát về quá khứ,

 

tôi và em đã nhìn thấy một thứ ảo ảnh có hình thù của oanh liệt hiện ra giữa một mùa thu ẩm ướt

có thể đấy là cách thức để tồn tại

hay cũng có thể là bị bắt buộc phải tin vào ảo ảnh để tồn tại,

 

có thể là người ta không muốn để cho tôi và em nhìn thấy quá khứ oanh liệt ở nơi người nữ trưởng làng

đến lúc rời khỏi ngôi làng

tôi và em vẫn chưa được gặp mặt  người nữ trưởng làng ấy,

 

tôi có thể cùng em cùng với người làng ngợi ca một quá khứ thần thoại như một cách thức để tồn tại

nhưng là tôi chẳng thể ca ngợi em bỡi em là thuộc về tôi cũng như tôi là thuộc về em,

 

dường như người ta chỉ có thể ca ngợi những gì còn ở phía thật xa,

 

 

Mười Sáu,
Và Em Nói Với Tôi Là Em Đã Thử Trở Lại Khu Vườn Cũ Ấy,

 

tôi như vừa bước ra từ khu rừng hoang tiền sử

gặp em

 và yêu em,

 

 

sau này em đã kể lại cho tôi nghe là em đã thử trở lại khu vườn ca đoàn rao giảng văn minh, hãy đi nơi khác đi đồ nguy hiểm, bác giữ vườn nói xong thì khóa chặt cửa vườn, và lặng lẽ bỏ đi, em nói là lần đầu tiên em nhìn thấy ông ta nổi giận, người đàn ông mà theo em là hết mực trung thành với những dẫn dắt chí tình trong cuốn cổ thư được làm ra tự những thế kỷ trước, con người ấy cứ cúi gằm xuống mảnh đất mà trước đấy không lâu em vẫn ra công chăm bón, ông ta cứ cúi gằm xuống con đường dưới chân, lặng lẽ bước đi, làm như thể đang vô cùng lo lắng về một thứ tai họa nào đó vô cùng nguy hiểm sắp giáng xuống cuộc đời mình, em nói, vào phút giây ấy, em cũng bỗng thấy giật mình về mình, thì ra, trong cái giây phút đầy bi tráng ấy, em cảm thấy hoang mang mờ mịt về mình, tôi là ai, và đương ở chốn nào, em nói, bấy giờ thì  em cứ muốn hét  lên cho cả thế giới biết là em đang hoang mang mờ mịt về chính mình, bỗng dưng người đàn ông quen thân bấy lâu  bỗng tỏ ra căm ghét và  vô cùng lo sợ khi gặp lại em, em nói như có một cái gì đó, thật kỳ bí, của lịch sử, đang chen vào giữa dòng chảy của cuộc trần thế, nhưng tôi biết là người ta vẫn lo sợ về em, người con gái biết lắng nghe tiếng trở mình của những cánh hoa giữa tiết chuyển mùa, và phân biệt được ý đồ của lũ ong hút mật, mùa thu năm ấy em đã thử trở lại mảnh vườn em từng thiết tha gắn bó, và lặng lẽ ra đi như một thử thách nghiệt ngã, và không lâu sau đấy, trong cuốn sổ hộ tịch của tôi được ghi thêm tên người tạm trú đầu tiên và cuối cùng trong cuộc đời tôi, là em, 

 

 

 

Mười Bảy,
Lại Nghĩ Về Câu Chuyện Cổ Tích,

 

cay đắng của tôi và em là một

niềm vui của tôi và em là một

tình yêu ấy cứ như ngọn lửa

 cháy hoài trong ký ức tôi, 

 

 

em, mấy mươi năm vẫn còn nguyên hình ảnh những tháng năm mới bắt đầu câu chuyện cổ tích, người con gái bước ra từ một ca đoàn lừng lẫy với tâm trạng hoang mang , phải từ bỏ một chỗ đứng trong cuộc sống  chính nàng chọn lựa là do người ta phác hiện rằng nàng đang mang trong người dòng máu của một dòng họ chẳng phù hợp với  kẻ làm công việc rao giảng văn minh, vào một ngày đầu mùa xuân,  những nhà thông thái cai quản ca đoàn hô hoán rằng  nàng đang mang lại sự hiểm nguy cho xứ sở, có nghĩa nàng đã bắt đầu cuộc đời luân lạc của mình vào lúc cây lá trên rừng đang đâm chồi nảy lộc, chẳng ai dám nói tiếng nào,  trừ chàng trai vốn đọc sách và cày ruộng dưới chân ngọn núi ấy đứng ra làm kẻ hiệp sĩ thời nay cùng người con gái  bước vào thế kỷ u buồn, em, mấy mươi năm vẫn còn nguyên trong trí nhớ, tôi và em như hai con người nhỏ bé bỗng hiện ra giữa một thế giới rộng lớn có tiếng cười sảng khoái của những kẻ đang mang trong người niềm tin bất tận về những  thứ lý lẽ tuy đã cũ nhưng vẫn còn thu hút sự chú ý của thế giới,

 

 

 

Mười Tám,
Và Sự Êm Ả Trong Nghĩ Ngợi Về Tình Yêu,

 

và sau đó cả nghìn năm

không gặp lại

tôi vẫn  chẳng thể quên dáng hình em

tôi vẫn mệt lã trong những tháng ngày

tìm kiếm

vẫn cứ  muốn trần truồng bước

giữa những lời hò hét

mặc ngai vàng

mặc lũ vua quan

con cuốc gọi

 xé lòng kẻ ở,  

 

 

 

tôi và em sống được là cũng nhờ có niềm tin bất tận vào những lý lẽ của tình yêu

vẫn thấp thoáng phía trước một khung trời

sáng sủa và bình yên

buổi sớm mai nhìn mây bay giữa những cánh chim phóng túng

đêm

sự ra đời của những vì sao trẻ mang lại những âm hưởng mới mẻ

bên dưới bầu trời bình yên là một mặt đất bình yên

chẳng còn nghe thấy tiếng cải vả nhau của những kẻ lấn đất

chẳng còn nghe thấy những lời giả dối phỉnh nịnh nhau của các vị chủ tể của đất

những ngôn ngữ về hận thù về áp bức thống khổ trở nên xa lạ đối với con người nơi mặt đất bình yên

sự êm ả trong nghĩ ngợi về tình yêu tựa bản giao hưởng vĩ đại do bàn tay tài hoa của đất trời tạo dựng,

 

và tôi với em sống được là cũng nhờ có những giấc mơ như những lý lẽ  trần thế vẫn diễn ra hằng ngày trong ý nghĩ ,

 

 

Mười Chín,
Và Bây Giờ Thì Trên Nẻo Đường Đến Đồng Làng Vang Tiếng Ếch Nhái,

 

tôi vẫn mong sao những kẻ có lỗi hay không có lỗi    với cuộc sống đều cảm thấy  vui khi đọc nhữngdòng  hồi ức của tôi,    

 

trong những tháng năm phiêu bạt

tiếng ếch nhái kêu như dáng vẻ đơn sơ của  đất luôn nhắc nhở tôi và em,

 

phiêu bạt

và những lời nhắc nhở của đất

chỉ chờ cho con người chịu đổ mồ hôi ra thì đất chẳng tiếc,

 

mỗi lần nghe ếch nhái kêu tôi lại nghĩ đến thuở hoang sơ

hoang sơ trong tiếng gió gào buổi tàn đông

hoang sơ trong tiếng chim thức giấc giữa trưa nắng chói

và cả trong những nghĩ ngợi chân thành và cháy bỏng của con người

một cuộc thử sức vô tình nhưng tàn khốc của đất

ai đứng lên

và ai ngã xuống giữa những năm tháng hoang sơ

cuộc thử sức tàn khốc của đất kéo dài cho tới hôm người ta nghe  nghe thấy có tiếng ếch nhái trên đồng làng,

 

em

mấy mươi năm vẫn còn nguyên trong trí nhớ tôi hình ảnh người con gái đội nón lá đi chân đất đến đồng làng

trong tâm tưởng tôi tiếng ếch nhái như lời chân tình của đất gửi tới người con gái đội nón lá đến đồng làng để tìm cái có thể

chẳng ai ngờ trong những người con gái đội nón lá đi chân đất đến đồng làng thuở ấy

lại có em,

 

 

tiếng ếch nhái kêu như đang lẫn vào những lời ngợi ca xứ sở đang vang lên khắp nẻo đường làng

nghe tiếng ếch nhái kêu tôi và em cứ thấy hồ nghi

(những hồ nghi vẫn dấu sau sắc nắng mùa xuân

bao nhiêu kẻ ra đi giữa sắc nắng mùa xuân vẫn chẳng thấy về )

mà tiếng ếch nhái nơi đây sao chẳng giống với tiếng ếch nhái vẫn thường nghe thấy trên những đồng làng

nghe tiếng ếch nhái kêu đang lẫn vào những lời ngợi ca xứ sở tôi và em cứ thấy hồ nghi trong lòng,

 

đâu phải ếch nhái kêu

mà là những kẻ ngông cuồng của thế kỷ đến từ phía mặt trời lặn vẫn giấu mặt trong buổi chiều hôm giả dạng tiếng ếch nhái để lung lạc lòng người,

 

nhưng lung lạc thế nào,

 

quyến rủ những kẻ ngông cuồng trong làng thay đổi cách cấy cày thay đổi cách nghĩ ngợi về những ân huệ của các vị thần vẫn nhìn ngó từng miếng cơm manh áo người làng

bao nhiêu năm qua những kẻ  ngông cuồng đến từ phía mặt trời lặn luôn câu kết với những kẻ ngông cuồng trong làng làm khổ người làng,

 

tôi và em trò chuyện với  người làng

mà như thể trò chuyện với những người cõi khác

chẳng phải cõi người,

 

 

 

Hai Mươi,
Và Sự Bí Hiểm Của Lịch Sử,

 

cuộc đời vẫn trao gửi cho

tôi và em

những tặng vật

 chưa hề trao gửi cho ai,

 

 

thời ấy là em cũng hát những bài hát người ta nói là bài ca thời đại

những bài ngợi ca đất nước

ngợi ca  tự do

thì bấy giờ

em cũng khóc

cũng cười

như cái cách khóc cách cười của mọi người

trên thứ đất đai màu vàng sẫm lúc nào cũng nghe thấy tiếng khóc lẫn tiếng cười em vẫn hát những bài ca có tên bài ca thời đại

vậy thì lúc nào dòng máu em trở nên nguy hiểm đối với xứ sở

 

em

mấy mươi năm trong trí nhớ tôi vẫn còn nguyên niềm hoang mang về  sự bí hiểm của lịch sử [*],

_______

[*] Nói Thêm Về Sự Bí Hiểm Của Lịch Sử,  

 

mùa hè đó em đã tìm thấy thứ lời nói bị thất lạc đã bị kẹt giữa một triều đại đã mất cũng chẳng biết là đã bị kẹt cách làm sao mà lại được truyền đi từ những lời nói,  

 

 để làm mới lại cuộc đời người ta phải ăn hết những gì được truyền lại tự những nghìn năm trước,  

 

trời đất sẽ trả công cho bọn ngươi khi cuộc đời đã được làm mới trở lại

người trông coi công việc làm mới cuộc đời

 nói,  

 

và người ta bắt đầu ăn những thửa ruộng vốn được gieo trồng tự thời con người biết đem hạt giống vùi xuống bên dưới mặt đất

 những ngọn lúa vừa mới lên đòng là được nhai ngấu nghiến để đưa vào bụng những người đương làm công việc làm mới cuộc đời,  

 

có thể là đói khát khi chẳng còn những ngọn lúa lên đòng

trong khi nhai ngấu nghiến những ngọn lúa vừa mới lên đòng để đưa vào bụng

 có người nghĩ,

 

 

trước khi làm công việc làm mới cuộc đời  lũ ngươi hãy hôn lên vầng trán mặt trời

người trông coi công việc làm mới cuộc đời

nói,

 

 

và những người đang ăn những cánh đồng lúa của mình hôn lên vầng trán mặt trời

dưới ánh mặt trời đang chiếu rọi  trên đầu

những người làm công việc làm mới cuộc đời đã ăn hết lớp đất đai nuôi  cây lúa những nghìn năm qua

 và bắt đầu ăn lấn sang thứ đất đai màu đen xỉn có chứa những hình thù kỳ dị trông tựa hồ như những ai đó đã nằm ở đó tự hồi não hồi nào để còn để lại những dấu vết ở đó,  

 

là hóa thạch người đó

lũ ngươi cứ tiếp tục công việc của mình đi

người trông coi công việc làm mới cuộc đời

 nói,  

 

dường như kẻ ấy biết rất rõ về những dữ liệu gọi là hóa thạch người

 và những người làm công việc làm mới cuộc đời như có vẻ hơi do dự khi nhìn thấy những hình thù có vẻ rất giống mình,  

 

trời đất sẽ trả công cho bọn ngươi khi cuộc đời đã được làm mới trở lại

người trông coi công việc làm mới cuộc đời

 nói,  

 

 và những người làm công việc làm mới cuộc đời bắt đầu ăn ngấu nghiến những hình thù đã quá cũ kỹ của con người,

 

nhà thông thái cai quản ca đoàn rao giảng văn minh nói ông nhìn thấy rất rõ dòng máu em đang mang trong người sau khi đọc xong những lời nói bị thất lạc em đã tìm thấy

và em đã bị tống cổ khỏi ca đoàn ngay sau nụ cười tủm tỉm ngu muội của em,

 

 

 

Hai Mươi Mốt,
Và Tôi Cũng Đã Có Lần Trở Lại Khu Vườn Cũ Của Em,

 hãy chia cho tôi nỗi khổ của em như tôi đã chia cho em nỗi nhớ,  

 

như vẫn còn nguyên cả

tôi đã trở lại khu vườn cũ của em thử tìm lại âm vang ngày ấy

nhưng nếu chỉ có thế thôi

nếu chỉ có tiếng ve trên hàng keo

và tiếng sóng vỗ

những hàng chữ nơi cổng vườn dấu hiệu của tham muốn một thời vẫn nhìn tôi như người ngoại cuộc

không

tôi nhất quyết rằng chẳng phải chỉ có thế

con ve nào nơi hàng keo vẫn chẳng tiếc lời trong bản giao hưởng chuyển mùa

và tiếng sóng đang da diết vỗ

tất cả như chẳng tiếc lời

chỉ trừ người giữ vườn

vẫn ánh mắt ấy

vẫn còn nguyên những ngôn từ khắc khe của một thời những qui ước tầm thường ngự trị

em biết không

lúc bấy giờ là đương ngã xế

tôi đưa tay gạt đi lớp bụi mờ

bóng cây phượng già nơi tôi đang đứng chợt rung rinh

một dáng đi

không

cũng chẳng phải ánh mắt cũng chẳng phải nụ cười

chẳng phải là gì cả

giữa tiếng biển gào và giọng hát quen thân của bầy ve tháng bảy

tôi đã nhận ra

cũng chẳng phải là nhận ra

em biết không

sau lớp bụi mờ tôi vừa xua tan đó

là em,

 

 

và cũng từ đó là tôi hay nhìn thấy những chuyến đi cùng em

những chuyến đi trong mơ

những giấc mơ vẫn diễn ra trong dòng suy nghĩ của tôi,

 

 

 

Hai Mươi Hai,
Và Tôi,Chàng Hiệp Sĩ Đương Đại Bất Phùng Thời,

 

 

và cũng chỉ là trong phút chốc

tôi và em nhận ra lửa nguyên sơ

một mình em

cùng với một mình tôi

có một thuở cũng một mình trời với đất

gió bạc đầu nghe núi thức

đợi chờ nhau không còn nhớ tuổi

em sẽ vui khi sờ lên năm tháng

thấy nguyên sơ còn nguyên trong cỏ biếc,

 

 

 

tôi một mình bước vào thế kỷ u buồn

và gặp em

như kẻ sắp chết vì cô độc thì nghe có ai gọi

em đã gọi tôi giữa lúc những kẻ ngông cuồng của thế kỷ đang  hò reo trèo lên ngọn núi thần có kẻ phác hiện được hồi thế kỷ trước núi tuy đã già nhưng vẫn còn đủ sức quyến rủ những ai lần đầu nghe nói đến núi chốn non tiên ai đem đặt giữa trần gian khổ lụy luôn nghe thoảng lại mùi hương thanh khiết thứ hương thơm tỏa ra từ thịt da của những kẻ đang hạnh phúc núi là nơi cư ngụ của những kẻ hạnh phúc em gọi tôi giữa lúc những kẻ ngông cuồng của thế kỷ đang trèo lên ngọn núi thần của thế kỷ vừa trèo lên ngọn núi thần vừa hò hét hoan hô niềm vinh quang của thế kỷ hoan hô những kẻ đi tìm hạnh phúc giữa trần gian khổ ải hoan hô những nhà thông thái đương đại xứ sở tôi vốn gòm những người cày ruộng con mắt quen bó lại giữa quảng đồng chật hẹp chỉ thấy có chút thắc thỏm trong lòng cũng chẳng buồn cũng chẳng vui chỉ thấy thắc thỏm trong thứ xúc động lịch sử coi như  được thừa hưởng từ dòng ký ức loài giống khi nghe tiếng hò hét của những kẻ ngông cuồng của thế kỷ hãy giết hết chúng nó lũ người nguy hiểm đối với xứ sở em đã gọi tôi giữa lúc bỗng dưng em bị coi như kẻ nguy hiểm đối với xứ sở và vì sao người ta chưa giết em hay đuổi em  khỏi xứ sở thì tôi không biết tôi chỉ đến với em khi nghe em gọi để cùng em đi tìm cái có thể,

 

 

tôi một mình bước vào thế kỷ u buồn

và gặp em

cuộc tìm kiếm của tôi và em như đang diễn ra giữa buổi con người chưa có lời nói

những nghĩ ngợi chân thành được nói ra đều trở nên vô nghĩa giữa buổi con người chưa có lời nói

người ta không chịu nghe tôi và em nói

nhưng người ta lại nói về tôi và em

kể từ hôm tôi cùng em đi tìm cái có thể

người ta chưa nói với tôi điều gì

nhưng tôi biết là người ta vẫn nói với nhau

rằng tôi cũng là kẻ nguy hiểm đối xứ sở,

 

 

tôi một mình bước vào thế kỷ u buồn

và gặp em

cuộc gặp gỡ như một thứ thời sự đương đại

cuộc tình giữa tôi và em

như một thứ thời sự đương đại,

 

 

và tôi đã trở lại khu rừng thông nơi  vẫn ngồi viết trong bao nhiêu năm vì cứ thấy nhớ tiếng gió gào

cứ thấy nhớ đến đêm đầu tiên tôi gặp em trong buổi diễn thuyết nơi rừng thông có tiếng gió gào

nhà thông thái cai quản ca đoàn rao giảng văn minh từng mời tôi diễn thuyết đã nhìn tôi với ánh mắt khác

anh vừa đi săn tìm cuộc tình tiền sử trở về phải không

nhà thông thái chỉ nói với tôi mỗi lời ấy

rồi bỏ đi

lời nói tựa cơn gió chướng thổi vào miền đất vốn chẳng bình yên,

 

 

 

Hai Mươi Ba,
Nhưng Hậu Quá Khứ Là Thời Nào Vậy Em,

 

tôi vẫn dấu kỹ lời em vào năm tháng

giữa mờ mịt bụi trần gian

vẫn còn mới tinh khôi

li em nói với tôi

thuở ấy

đã thành hồn phách kẻ lãng du

và đất khách

và khoảnh trời xa ấy

 chẳng còn xa trong cơn mơ lữ khách,

 

 

trong cuộc hành trình cùng em đi tìm cái có thể, vào một hôm, ngay giữa ban ngày, nơi rừng thông ấy, tôi đã rơi vào cơn mơ kỳ dị, có tiếng con bò rừng, hay tiếng con voi ma mút rống lên đâu đó, và từ những hang động thâm u bước ra những con người mình đầy lông lá, hay anh và em đã lạc vào thời tiền sử, em rỉ tai tôi, vẻ sợ hãi, tôi bảo cứ bình tĩnh chờ xem, và, như có sức quyến rủ nào đó của sự sống, đám người lông lá và trần truồng lao về phía trước, bọn họ cũng rống lên, tiếng rống dội vào vách núi, nhưng chẳng phải tiếng rống có tính cách gọi đàn của lũ bò lũ voi, mà như một lời thề quyết tử, và lát sau, như có ai đó  thư thả bước ra từ tòa lâu đài to lớn ở phía bên kia những hang động,  kìa, nhà thông thái từng dạy em cách tẩy rửa linh hồn, em lại rỉ tai tôi, vẻ hoảng hốt, tôi bảo hãy cứ bình tĩnh xem sao, và liền đó thì nhà thông thái của em bước lên chiếc bục cao lớn làm bằng nhựa kê ở sân tòa lâu đài, bắt đầu thuyết giảng về nền văn minh nhân loại, vì cách khá xa nên tôi và em chỉ nghe câu được câu mất, đương thuyết giảng,  ông ta bỗng la thật to, lần này thì tôi và em nghe rất rõ, xin chào các vị đến từ  xứ sở mặt trời mọc và mặt trời lặn, xin chào, nhà thông thái của em cứ gân cổ, rống lên, hình như là có tiếng súng từ phía lâu đài, em lại rỉ tai tôi, vẻ kinh hãi, còn tôi thì lại nhìn thấy đám phụ nữ ăn vận sang trọng đang thay nhau ôm hôn  nhà thông thái, hoan hô con người trí tuệ của thời đại, đám phụ nữ cũng rống lên, và liền sau đó thì bọn họ, đám phụ nữ và những nhà thông thái, bấy giờ thì từ trong tòa lâu đài bước ra rất nhiều nhà thông thái và rất nhiều phụ nữ, hết thảy bọn họ đều trần truồng, là bọn họ ôm nhau giãy dụa ở trên đất có vẻ đang rất vui sướng, tôi và em nhìn thấy mồ hôi mồ kê và các thứ chất lỏng từ cơ thể bọn họ chảy ra lênh láng trên sân tòa lâu đài, rồi lại có tiếng súng nổ, tiếng kêu cứu, rồi tiếng hoan hô và đả đảo vang lên đâu đó, rồi tôi lại nhìn thấy ai đó đang giang tay đỡ lấy những hòn đá từ trời cao đang rơi về phía mặt đất, hay là chúng ta đã lạc vào thời hậu quá khứ, tôi buột nói với em, nhưng cũng chẳng biết mình nói thế có nghĩa là sao, và khi tỉnh ra thì tôi thấy em đang ôm giữ lấy người tôi, rất chặc, 

 

 

gió

và những con đường đầy cát

dường  có ai vừa mới gào lên trên những ngọn thông

tôi nói là những linh hồn của đám tuổi trẻ đã chết trong những cuộc đụng độ giữa con người với con người trong quá khứ

nhưng em bảo đấy là tiếng hát của ông già mù (*) chết hồi năm trước,

________

(*) Ghi Chú Về Ông Già Mù Chết Hồi Năm Trước,

ông bắt đầu hát tự lúc người ta mới bắt đầu đem giấy bút ra  sao chép những lý lẽ trong cuốn cổ thư được làm ra tự những thế kỷ trước

những lý lẽ tựa những lời tỏ tình đầy quyến rủ

nhưng tiếng hát của ông già mù thì như tiếng vó ngựa gõ lên mặt đường  sỏi đá như đang làm nát nhừ  xương cốt quá khứ,

 

 ta nhìn trần gian trong từng nhịp chảy trong huyết quản của ta, buổi sớm mai nghe chim hót trên những ngọn thông thấy thảnh thơi trong từng  nhịp thở,  ta biết là ở một nơi nào đó trên mặt đất  có kẻ đang yêu nhau, đêm, nghe nỗi giận dữ của những vị thần vừa bị tước hết quyền lực giữa buổi đương đại, máu trong huyết quản ta cứ  di chuyển theo thứ cung cách làm cho ta cứ cảm thấy buồn  cười, vào những hôm bão tố phủ lên mặt đất, nghĩ  đến những kẻ không cơm áo không nhà đang chui rúc dưới gầm trời thế kỷ , máu trong huyết quản ta cứ di chuyển theo thứ cung cách cứ làm cho ta muốn khóc, trần gian với ta là những nhịp đập bất thường nơi huyết quản của ta, máu trong huyết quản ta là những nỗi niềm, ta vẫn ngồi yên giữa thế kỷ nhìn mây bay trên bầu trời trên đầu và trông thấy  những người đi mở đất những nghìn năm trước, những người mở đất có con mắt mở bước đi giữa giá băng lạnh buốt, bước đi giữa  gai góc nguyên sơ, mò mẫm bước và ít khi còn sống sót là cách thức bước đi của những người mở đất buổi nguyên sơ, ta vẫn ngồi yên giữa thế kỷ để nhìn nỗi giận dữ của những người mở đất những nghìn năm trước, những người mở đất giận dữ nhìn về phía hậu thế khi những kẻ  ngông cuồng của thế kỷ đang làm hoen ố đất đai,  

 

người ta vẫn tiếp tục sao chép những lý lẽ trong cuốn cổ thư được làm ra tự những thế kỷ trước

còn ông già mù thì vẫn hát

ông hát từ lúc lũ chim bắt đầu hót trên những ngọn thông cho đến khi nghe tiếng cú cầm canh

ông hát giữa niềm vui và nỗi buồn nhân gian

hát giữa mưa và nắng

hát giữa rừng thông đầy cát,

 

những con đường đầy cát băng qua rừng thông vẫn thức dậy cùng với tiếng hát của ông vào những hôm có gió chướng thổi về

những nhà thông thái đương đại đã nói với những người cai quản rừng thông về sự nguy hiểm của tiếng hát của ông

rằng tiếng hát của một người mù làm chậm bước đi lên của xứ sở,

 

và người ta đã đưa ông đến một viện cô đơn dành cho những người già hồi năm trước

viện cô đơn rất xa rừng thông,

 

con chim không còn khoảnh trời tự do để hót

con chim chết,

 

 

Hai Mươi Bốn,
Và Bây Giờ Thì Trên Những Nẻo Đường Làng Vang Lên Lời Ngợi Ca Xứ Sở,

 

vào những tháng năm ấy, ngài trưởng xứ đã

ký sắc lệnh cho phép hết thảy người dân trong

xứ sở được dùng đến hai tiếng anh hùng trong

khi nghĩ về những con người đã có công trong

 công cuộc tiếp cận với đất  ở ngôi làng ấy,  

 

 

tháng sáu hun hút gió lào

ngay từ phút đầu tiên đặt chân lên con đường làng là tôi và em đã bị rơi vào cõi hun hút bụi mù thế kỷ,

 

làng đang tiễn đưa em bé con nhà ai về nơi an nghỉ cuối cùng

biết là em bé bỡi nhìn thấy chiếc áo quan nhỏ xíu lủng lẳng trên chiếc đòn khiêng

đám tang đi giữa những lời ngợi ca xứ sở đầy phấn khích

bỡi các người là thuộc về niềm vinh quang của thời đại

những lời ngợi ca vang lên từ những ngọn cây hai bên con đường dẫn đến gò thổ mộ của làng

con đường sỏi đá vung vãi  đầy xác những xiêm y võng lọng tàn tích cuộc đại yến vinh thăng người làng diễn ra tự mấy năm trước

đám tang đi giữa những bia công tích làm bằng xi măng cốt thép

những bia ghi công về sự nghiệp tiếp cận đất đai của con người đã được dựng lên  khắp nẻo đường làng tự buổi người làng được vinh thăng

những bia công tích như đang nhắc nhở những người đưa tang rằng các người là những người hùng trong công cuộc tiếp cận  đất đai,

 

bỡi các người là thuộc về niềm vinh quang của thế kỷ

xứ sở của tôi và em thuở ấy rợp bóng những lời ngợi ca chiến thắng

trên khắp các nẻo đường vào xứ sở đâu cũng nghe thấy những lời ngợi ca đầy phấn khích,

 

những nhà thông thái đương đại muốn đẩy lùi toàn bộ những nghĩ ngợi không phải là những nghĩ ngợi được chép trong cuốn cổ thư được làm ra tự những thế kỷ trước

nhưng dẫu đó là xu hướng triết học, là hệ hình tư tưởng, là chủ nghĩa này hay chủ nghĩa kia

hết thảy cũng chỉ là những thứ thời khắc trong dòng chảy bất tận của cuộc trường kỳ tiến hóa của loài giống con người,

 

 

tháng sáu hun hút gió lào

tôi và em đã nhìn thấy những bờ cỏ cháy khô và những đồng lúa cháy khô

điều này có nghĩa trâu bò đang thiếu cỏ ăn và con người đang thiếu  cơm áo

hết thảy như đang bị đè bẹp bên dưới thứ sức ép tàn nhẫn của đất trời,

 

 

tôi và em lại cùng với người làng tiễn đưa con người về nơi an nghỉ cuối cùng

lần này là một người già

cũng đi lại trên con đường sỏi đá trong những lời ngợi ca xứ sở đầy phấn khích

con đường đến gò thổ mộ của  làng vẫn còn nguyên xác những xiêm y võng lọng  tàn tích cuộc đại yến vinh thăng diễn ra từ mấy năm trước

lần này thì những bia công tích trên con đường sỏi đá cũng nói với những người đưa tang

rằng các người không được quên mình là những người hùng của thời đại,

 

 

 

Hai Mươi Lăm,
Và Sáng Ấy Tôi Khờ Khạo Bước Đi Dưới Bóng Lá Xà Cừ,

 

chẳng thể nói với người tôi yêu

lời dối trá

trăm năm sau cũng những điều của trăm năm trước

chó cũng sủa

trâu cũng nằm nhai lại

khi đã hiểu thấu lời con dế hát…

 

 

sự tinh khiết của những giọt nước vẫn cố xếp đặt lại bao vụn nát

và lấp đi những hố thẳm làm bằng ti tiện nhỏ nhen

vụn nát nào chẳng chịu nối lại giữa cuộc đời

thì non cao vẫn là điều nguyên vẹn

những ý nghĩ vụn nát lại diễn ra

và tôi đang bước đi dưới bóng lá xà cừ

tháng tám

tôi bước đi dưới bóng lá xà cừ thỉnh thoảng dừng chân lấy thư em ra đọc

những dòng chữ

nỗi niềm

như vọng lại từ cơn giông tố

mỗi khoảnh khắc thôi

nhưng nhìn thấy được cả chuỗi dài năm tháng,

 

cát bụi

lạ lùng lắm

buổi mai như đọng lại trong tôi hết thảy những lời giông tố,

 

 

thì hãy cứ bắt đầu và mãi mãi là sóng gió đi

tôi nguyện sẽ mãi mãi làm giọt nước đầu mùa để rưới vào nỗi đau khổ trong mắt em,

 

 

 

Hai Mươi Sáu,
Nhưng Ở Đó Là Đàn Tế Trời Nào,

 

tôi  chắt mót tháng năm  còn lại

để đi tìm

 dẫu biết chẳng tìm ra,  

 

em nói với tôi là để mỗi mình em đi tìm cái có thể

và tôi vẫn nghĩ ở nơi đó là đang diễn ra giấc mơ thế kỷ

giấc mơ về sự hòa điệu giữa con người và trời đất,

 

mùa hè ở đây như đang rút ngắn lại bỡi sự hối hả của con người thời đại, các nhà thông thái đương đại đến và đi như mắc cưởi, đến từ các cuộc công cán trên rừng và các cuộc công cán dưới biển, đến từ những ngôi làng khác trong xứ sở, và đến từ chốn kinh thành hoa lệ, diễn thuyết, và biểu dương sự đồng thuận, các nhà thông thái đến từ chốn kinh thành liên tục tổ chức các cuộc diễn thuyết về một công cuộc có tính đột phá của xứ sở, những người làng ở những ngôi làng nằm dưới chân ngọn núi thiêng ấy như đang bị hút vào  những cuộc biểu dương về sự đồng thuận to lớn, sự đồng thuận về một công cuộc mang tính cách cách mạng, vào một hôm đẹp trời ngài trưởng xứ đã nhìn thấy được từ những gợi ý của quan giữ lương, những gợi ý ăm ắp niềm cảm hứng thời đại nhưng cũng chẳng biết có phải đấy là thành ý của người đang nắm giữ huyết mạch của xứ sở hay không, nói là quan giữ lương là để cho phù hợp với giấc mơ thế kỷ đang diễn ra ở nơi này, thực ra đó là ngài thống lĩnh công việc tiền tệ của xứ sở vào lúc ấy bỗng có thứ tiếng nói vô cùng trọng lượng khiến cho  ngài trưởng xứ nể nang một cách tuyệt đối, nếu không nói là sự nể nang mang tính bí ẩn lịch sử, dường ngài trưởng xứ muốn dốc hết sức người sức của vào công cuộc có tính đột phá, những phương tiện văn minh hiện đại xứ sở đang có trong tay là đang được điều động đến nơi này, mùa hè ở nơi đây như đang rút ngắn lại bỡi sức làm việc như vũ bão của con người và máy móc, con đường dẫn đến ngọn núi thiêng là đang được hình thành từng giây phút, và những con người ở nơi đây là đang thấp thỏm đợi chờ ngày được nhìn thấy công cuộc có tính đột phá của thời đại, ngày được nhìn thấy đàn tế trời được dựng lên trên ngọn núi thiêng ấy,  

 

những lời lẽ em viết cho tôi khiến tôi cứ thấy thấp thoáng một khung trời mới mẻ

khung trời của những cánh chim tự do bay lượn

đàn tế trời là đồng nghĩa với sự thay đổi lớn lao trong  suy nghĩ của những người đang cầm nắm xứ sở

tôi vội vã mở sách vở của tiền nhân

mới biết

xưa các vì vua thương dân mùa xuân xuống đồng để cày ruộng với dân

và lên đàn tế trời để cầu trời đất mang lại mưa thuận gió hòa cho nước

thuở ấy đàn tế trời  là chiếc cầu định mệnh bắc ngang qua con sông định mệnh

bờ bên này của sông là sự minh triết của bậc minh quân và bờ bên kia là những lẽ huyền nhiệm của đất trời

nhưng giờ thì người đứng đầu xứ sở của tôi cũng sắp bước lên đàn tế trời của thời đương đại

tôi  đọc đi đọc lại những lời lẽ em viết cho tôi

cứ thấy thấp thoáng một khung trời  trong sáng

và ở bên dưới khung trời  ấy người con gái tôi yêu đang bước đi trong niềm vui thế kỷ,

 

nhưng cuối cùng tôi đã nhận được thư em

bức thư định mệnh,

 

những kẻ ngông cuồng của thế kỷ đang  muốn tái lập một hình thái xã hội đã bị đẩy lùi từ nhiều thế kỷ trước

 đang muốn biến cái có thể trở thành không thể,

 

 

 

Hai Mươi Bảy,
Và Bỗng Một Hôm Tôi Và Em Đã Tìm Thấy Được Cái Có Thể,

 

 em lại hiện về trong giấc mơ tôi giữa
một ngày biết bao điều chẳng thực,
 

 

 

những năm tháng ấy tôi và em lang thang khắp xứ sở của mình

không nghĩ là mình nhìn thấy được cái có thể

đi giữa xứ sở thân yêu nhưng cứ thấy như đang đi giữa những miền xa lạ

và một đêm tháng chạp

định trút bỏ hết nổi buồn phiền ở một nơi heo hút chẳng ai biết tôi với em là ai

cuối cùng thì tôi và em đã lạc vào ngôi làng trên núi,

 

 

rừng đêm đối với em trong những tháng năm ấy như một thứ biểu tượng về nỗi đe dọa

tất nhiên là người ta không tìm được lý do nào để nói tôi đang mang trong người dòng máu nguy hiểm dẫu tôi đang cùng em trong cuộc hành trình đi tìm cái có thể

nhưng vì sao người ta chưa đuổi em khỏi xứ sở thì tôi không biết

nỗi ám ảnh về sự không thể tồn tại nơi xứ sở của mình như nỗi đe dọa của thế kỷ vẫn đang chờ em phía trước

chỉ mỗi tiếng động nhỏ của thời gian cũng đủ làm em hoảng hốt

và trong đêm tháng chạp nơi núi rừng ấy em đã thét lên trong niềm kinh hãi

bỡi cứ tưởng  ai đó đang đuổi theo mình

thực ra thì chỉ là một con thú hoang đang trốn chạy bước chân người

và chàng hiệp sĩ thời đương đại  đã cõng trên lưng cả nỗi niềm thế kỷ đi giữa rừng đêm tháng chạp,

 

 

những người anh em người thiểu số ở ngôi làng ấy sợ người khách trong đêm chết giữa đêm trừ tịch

và tôi cũng sợ em chết khi chưa nhìn thấy được cái có thể

nhưng cuối cùng thì em không chết

vào buổi sáng đầu tiên của mùa xuân nơi núi rừng ấy em đã chứng tỏ với mọi người  là em không chết bằng những ánh mắt vui sướng,

 

mỗi ngày người ta cho em uống một loại lá cây rừng

đến hôm từ biệt mọi người để trở về em còn khỏe hơn lúc ra đi,

 

 

sao chưa thấy nói chi về những cách thức trồng cây lúa rẫy sao cho thật nhiều trái

với cách thức  làm sao cho thật nhiều con thú rừng mắc bẩy

tưởng tôi và em là những kẻ giỏi dang ở dưới đồng bằng

những người anh em thiểu số ở ngôi làng ấy cứ theo tra hỏi

tôi nói chỉ tôi và em là mới học được cách làm con người của những người anh em ở ngôi làng ấy

bọn họ cùng cất tiếng cười vang dẫu chưa hiểu hết lời tôi nói

hôm tiễn tôi và em qua khỏi con suối chảy qua  ở cuối làng

bọn họ cũng cất tiếng cười vang,

 

tôi nói với em là cứ coi như tôi và em đã tìm thấy được cái có thể,

 

 

 

Hai Mươi Tám,
Và Vẫn Có Những Khoảng Lặng Trong Cuộc Đời Tôi Và Em,

 

phủi áo đứng lên

tôi bước tiếp

chen chúc nhau trăm nẻo

đi về

lớp lớp phế hưng im trong đất

giật mình

nghe thoảng tiếng binh đao,

 

tôi và em vẫn gửi gắm những ước mơ vào câu chuyện cổ tích

vẫn cứ nghĩ là cuối cùng sẽ nhìn thấy được cái có thể

thời gian

dòng sinh thành và nuôi dưỡng

khả năng kỳ vĩ của con người

mỗi tiếng chim kêu hằng khắc mỗi lời nhắn gửi

câu chuyện mùa đông

bếp lửa

đôi mắt ông cụ xuyên suốt màu đêm

và tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh

ngày xưa ngày xưa

những âm vang nào hóa thân thành dòng sông cuộc sống

thời gian

dòng sữa nuôi dưỡng trí tuệ con người

huyễn tượng vẫn  được tiếp tục giữa chuyển hóa của trí não

và vẫn cứ ngoi lên trong sự đi lên của trí não

nếu tiếng chim là khai từ cho khúc hát dựng xây

thì máu xương con người vẫn phải đổ xuống trong công cuộc biến đổi hướng chảy của một dòng sông,

 

 

có một thứ thành thật của loài sâu bọ trong vườn

và của loài cọp ở trên rừng

thành thực trước là sự tả tơi của hoa lá

và thành thực sau là nỗi  sợ hãi của những loài thú nhỏ,

 

và có một thứ thành thật của tôi  và em

trong cuộc hành trình đi tìm cái có thể,

 

 

 

Hai Mươi Chín,
Nhưng Mỗi Ngày Như Mỗi Thêm Những Chiều Hướng Không Thuận Lợi Cho Tình Yêu Của Tôi Và Em,

 

lũ dế đã đem cả loài giống ra để hát về đất

một hôm

lúa ở nơi ruộng đồng nói với dế

rằng các bạn đã làm nảy sinh một tình yêu lớn

và một hôm khác

thì người con gái ấy thức dậy nhìn thấy người yêu của mình

 đất là nơi hội tụ những vẻ cao sang …

 

 

ngồi viết ở rừng thông tôi mệt lã với các thứ khái niệm mới của thời đại, vào cái đêm có gió phương bấc thổi về, sóng biển như sắp tràn vào rừng thông, tôi đã nhìn thấy những con người mẫu mực của nhân loại  bước đi trên những dòng sông quá khứ ngoằn ngoèo qua suốt bao nhiêu thời đại, ở tận đâu những thế kỷ xưa cũ, tận đâu phía thật xa chỗ tôi ngồi, nơi xuất phát những đám mây lạnh lẽo, bọn họ cứ gào lên ta là chính nhân, và tôi loáng thoáng nhìn thấy những vì vua đang cúi gập mình trước những kẻ tự xưng là chính nhân, và ở tận đâu những thế kỷ trước nữa, tận đâu phía mặt trời lặn, nghe vẳng lại tiếng gươm đao, vẳng lại tiếng vó ngựa đang tràn qua những làng xóm, ngồi ở rừng thông tôi đã nhìn thấy những kỵ mã  phi nước đại ở đằng trước những đoàn quân đông nghịt, xin chào các vị  anh hùng, tiếng chào gọi vang lên giữa tiếng gươm đao, và sau đấy là tôi trông thấy máu chảy trên mặt đất, thì ra, vào những thế kỷ ấy, thứ mẫu mực của nhân loại có tên là anh hùng lại chính là kẻ biết cởi ngựa và biết làm cho máu người chảy thật nhiều trên mặt đất, và ở tận đâu những năm tháng xa xăm trước đấy, ở tận đâu phía đầu kia mặt đất  lại vọng lại những tiếng gào, mới đầu nghe có vẻ  như  những bước chân chim trên thảm cỏ đang lạc đi trong tiếng gào của biển, nhưng là tôi đã lầm, không phải là tiếng biển gào làm lạc mất tiếng chân chim, mà là tiếng gào của kẻ tự coi mình là thông thái nhất  loài giống con người, vào cái đêm sóng biển như  tràn vào rừng thông, tôi cũng một mình một ngựa, gào lên, chẳng có thứ mẫu mực nào hết, lũ chim chóc với hươu nai ấy, là lũ chúng chẳng  biết có lịch sử, chẳng biết có văn minh, thời gian đối với chúng chẳng là cái quái gì cả, chim là chim, hươu nai là hươu nai, cho nên là chúng cóc cần những thứ gọi là mẫu mực, cho nên là chúng một nghìn lần bình yên vui vẻ hơn loài giống con người, trong cái đêm có sóng biển vỗ vào rừng thông, vì cứ nghĩ đến em, người con gái đang bị xua đuổi khỏi cuộc sống, tôi cứ một mình một ngựa mà gào khản cả giọng, rồi lại bắt đầu bị cuốn vào thứ kiến thức sách vở lùng nhùng như chẳng có lối ra, thứ kiến thức về thứ vật thể quỉ quái có bao nhiêu cách gọi, cách nói, suốt bao nhiêu thế kỷ người ta vẫn nói về nó, có khi người ta phải dùng hằng ngàn trang giấy để nói về nó, phải tốn hằng bao nhiêu thế kỷ để cãi nhau về nó, nhưng cuối cùng thì dường như vẫn chưa nói được điều gì cả, thứ vật thể có những cái tên quỉ quái là tư tưởng, là tư duy…vào cái đêm có gió phương bấc thổi về, tôi chợt nghe thứ tiếng hát như đang tuông ra khỏi những mái ngói rêu phong, chẳng hiểu làm sao mãi tới đêm  ấy tôi mới bắt đầu cảm thấy thứ tiếng hát có vẻ giống như từ một chốn thâm u bí hiểm nào đó vọng lại, ngồi ở rừng thông tôi cố lắng nghe thử có bắt được một thứ tín hiệu sáng sủa nào gửi  qua thứ âm thanh kỳ quặc ấy hay không, nhưng tuyệt nhiên chỉ nghe rặt những lời lẽ kỳ bí, có một mặt trời luôn đi ngang qua trong trái tim em, hoàn toàn chẳng có thứ tín hiệu sáng sủa nào, chỉ nghe thấy một cách rành rọt những lời lẽ kỳ bí, nhưng rất tân kỳ, có một mặt trời luôn đi ngang qua trong trái tim em…,trời vẫn mưa, nếu vào những lúc khác, cảnh trắng trời mưa rơi là sẽ tạo ra ở trong tôi những ấn tượng tốt đẹp về thế giới, trắng trời mưa rơi là biểu tượng thân thiện của thế giới, nhưng lúc bấy giờ thì không, thứ tiếng hát kỳ quặc ấy là đang tràn lên sự thân thiện của thế giới, như có năng lực làm thức dậy cả những cỏ cây úa tàn, và tôi thì cứ thấy có cảm giác vừa yêu thương vừa sợ hãi, và cũng chính vào cái đêm có gió phương bấc thổi về ấy người con gái đang bị xua đuổi ra khỏi cuộc sống, là em, đã đến nói với tôi, rằng, tất cả chỉ là huyễn hoặc

 

 

 

Ba Mươi,
Và Có Những Nơi Như Thế,

 

tôi vẫn làm kẻ lãng du trên đất mẹ

để được nhìn thấy em khi gối mỏi chân chồn

để  đi tìm những gì còn tìm được

một tiếng lá rơi giữa mùa thu vắng

một chút nắng rơi trên con đường cỏ

hồn phách tôi vẫn nương theo em chốn ấy,  

 

 

có khi là ngược về điều đã cũ

có khi lại nhảy vào chốn mai sau

tôi và em như thoắt  bị cuốn vào chỗ bụi trần

thoắt  bay vào cõi mông lung

cuộc hành trình đi tìm cái có thể

là cuộc phiêu lưu về nơi không bờ bến,

 

 

những tháng ngày em tìm về nơi ấy

tôi chưa có đêm nào yên giấc

những sáng những chiều nhìn mây giăng phương ấy,

 

 

tôi muốn nói với em về những con đường chưa quen

những con đường xuyên qua xứ sở của tôi và em

tình yêu như con đường chưa quen,

 

tôi muốn nói với em về mỗi dòng sông tôi chưa đến

dòng sông chảy qua suốt cuộc đời tôi,

 

và cứ thế

vào một hôm dưới ánh mặt trời thể kỷ

tôi nghe nói có kẻ đang đánh cắp thật nhiều sự thật

ở nơi ấy,

 

và vào một hôm có gió phương bấc thổi về

tôi chợt  nghe có tiếng gì như nước mắt em rơi,

 

 

 

Ba Mươi Mốt,
Và Lại Có Một Nơi Như Thế,  

 

có lẽ những người trồng khoai sắn nơi đây

mới hiểu hết niềm cô độc trong tôi

những người vẫn âm thầm cúi xuống mảnh đất sỏi đá

và âm thầm gánh những giọt mồ hôi đi giữa những

 dấu tích của vinh quang và sỉ nhục, 

 

 

có một nơi mà sáng thức dậy, vừa mở mắt ra đã nhìn thấy diễn ra sự hòa quyện kỳ diệu giữa tiền sử và đương đại, anh bạn người thiểu số trên ngọn núi cao ở trước làng phố núi vừa hạ được con nai tơ ở trên núi bằng cung tênh, sẵn đường mang luôn con mồi nhậu xuống phố chợ của làng phố núi, anh bạn tây đến từ phía mặt trời lặn, trong cuộc  du lãm về phía đông của mình, cứ ngây người đứng ngắm người đàn ông đi chân đất ở trần và mặc khố như vừa mới từ một hang động nào đó bước ra, những cung tênh trên vai là còn dính đầy máu con mồi săn, cứ  tưởng là anh bạn tây sẽ kêu lên khi nhìn thấy con người mang  đầy hơi hướng tiền sử bỗng lù lù hiện ra giữa làng phố núi,và anh bạn người thiểu số trên ngọn núi cao trước làng phố núi thì cũng tròn mắt ra nhìn anh bạn tây đến từ phía mặt trời lặn như đang mang đến chốn ấy cả bầu trời văn minh của thế kỷ, cứ tưởng là anh bạn ở trên núi cao sẽ la to lên khi nhìn thấy người khách lạ từ phía mặt trời lặn đến phố chợ của làng phố núi mang theo cả một gia tài đồ đạc, đã ba lô trên lưng, những túi xách trên vai, lại còn cả một va ly dài ngoằn như một chiếc xe tải đang lăn bánh ở trên đường, nhưng cuối cùng thì chẳng có ai la to lên, cuối cùng thì bọn họ đều cất tiếng cười vang, dường như là bọn họ vừa nhận ra một dáng vẻ đáng yêu nào đó của loài giống con người, nhưng liền sau đó thì người bảo vệ  văn minh đương đại đã đến đưa anh bạn người thiểu số ở  trên ngọn núi cao trước làng phố núi với con nai tơ đã chết  đến ngôi nhà ở gần đó, ngôi nhà có tấm biển hiệu được viết bằng nhiều thứ chữ, chữ của xứ sở có ngôi làng dưới chân núi được gọi là làng phố núi, và chữ của những nước phía mặt trời lặn và phía mặt trời mọc, ngôi nhà đang chứa thứ luật lệ đương đại có tên là luật bảo vệ các loài vật hoang dã,

 

 

quả thực là một thứ bố cục văn minh phức tạp, tôi và em đã gặp đủ chủng loại người ở ngôi làng phố núi ấy, đến từ các miền quê xa xôi dưới xuôi,  từ những thành thị lớn trong xứ sở,  từ các vùng núi cao khác, và đến từ phía mặt lặn và phía mặt trời mọc, có nghĩa là người của những châu lục khác cũng có mặt ở đó cho những cuộc viễn du dài ngày của mình, và chỗ này là phố xá, với nhà tầng nhà gác, cũng rực rỡ huy hoàng như bao phố xá khác trên mặt đất, chỗ kia là  xóm nhà ổ chuột chen chúc những mái tranh mái ngói, chỗ khác nữa là khu họp chợ theo cái cung cách cho cả những  người của phố thị, cho cả những người đến từ núi đồi và đồng ruộng, có nghĩa là có cả hàng bán gương lượt, phấn son, hàng bán vải, bán thịt, bán rau, và cả các hàng thổ sản rừng ruộng, tức lũ vật nuôi heo gà bò chó ngỗng vịt, và những trái cây vườn, trái cây rừng, những nong nia thúng mủng, ngôi làng trên núi đang được thành thị hóa  quả là nơi có thể làm thức dậy trong nghĩ ngợi một thứ cách thức chuyển hóa của con người trong cuộc trường kỳ tiến hóa,

 

 

 

Ba Mươi Hai ,
Như Một Khúc Cầm  Ca,

 

 còn thẳm sâu hơn lòng đất những gì tôi đã dành cho em,  

 

tường là khách văn từ phương xa đến, người chép sử bằng đất đã tiếp tôi và em với nỗi niềm của kẻ đang khát khao một cuộc trò chuyện

sau khi tự nói mình là nhà chép sử kỳ cục của thời đại

ông bắt đầu nói như ngâm

một khúc cầm ca,  

 

vào một hôm núi rừng trở lạnh

ta nghe như có ai đến gõ vào lưng của mình

này nhà chép sử kỳ cục của thế kỷ

ông đã chép xong chưa

ta cứ nghĩ đấy là vị thần chuyên đem lại sự đau đớn cho xương cốt con người mỗi khi núi rừng trở lạnh

xin ngài hãy đi nơi khác cho tôi nhờ

ta nói như một cách thức xua đuổi sự mỏi mệt sau những giờ liền ngồi chăm chú nhìn dòng lịch sử nhân loại đang trôi đi

nhưng chẳng phải là thần đau đớn

và ta

người đang mang tiếng là kẻ chép sử kỳ cục bắt đầu cảm thấy như đang có một nỗi sợ hãi kỳ dị nào đó đang gõ lên lưng mình

nhắm mắt và cố không nghĩ ngợi nữa

nhưng cái cơn lũ xám ngắt ấy

ta gọi nỗi sợ hãi ấy là cơn lũ xám ngắt

thứ màu tro than lạnh lẽo ấy là cứ  tràn qua ý nghĩ của ta

và cho đến lúc ta không còn thể để cho những thứ kỳ dị ấy tiếp tục xâm chiếm ý nghĩ của mình

lúc ta đưa tay cố xua đuổi kẻ đang gõ lên lưng mình

 thì bàn tay ta bất chợt chạm vào một thứ quá khứ chỉ gòm có tiếng khóc và những hình hài chẳng còn nguyên vẹn,  

 

tôi chép lại lời của nhà chép sử kỳ cục như một mảnh ký ức mang màu tro than, đẹp, và buồn như tro than, bấy giờ, khi nhà chép sử vừa dứt những lời ấy thì tôi thấy nước mắt em ứa ra,

 

ai đời lại đi thương tiếc một nỗi buồn,

 

khi thấy em khóc

ông ấy nói,

 

tôi nói có những nỗi buồn phải thương tiếc đến nghìn năm,

 

nhưng là các vị đã đặt chân đến một nền văn minh có cả yếu tố ở truồng lẫn yếu tố mặc áo, thì không thể để bụng đói, văn minh là duy lý, nhưng bụng đói thì chẳng thể duy lý, ông ấy nói, và đã cho tôi và em ăn cơm gạo trắng với cá khô nướng lửa bếp, chỉ trong bữa ăn ấy là tôi và em đã hiểu ra cách tồn tại của ông ở nơi núi đồi ấy, thức ăn là  không phải mua, mà trao đổi như thời chưa có tiền tệ và mua bán, thì ra  căn nhà mái và vách đều làm bằng lá núi ấy như một thứ bảo tàng nghệ thuật trên núi, trên đường ra vào làng phố núi , người ta tạt vào chỗ người chép  sử bằng đất là để đổi lấy những tác phẩm nghệ thuật do ông nặn bằng đất sét lấy từ những con suối ở vùng đồi núi ấy, theo lời ông thì đến nghìn đời sau vẫn không hết đất, những vị nguyên thủ quốc gia  áo xiêm lộng lẫy nhưng mặt mày luôn cau có trong các cuộc tranh ngôi, những cuộc tàn sát bằng lưỡi vô cùng đẫm máu trong những tháng năm con người đã đặt chân lên mặt trăng, những cuộc trốn chạy não lòng của những người theo chủ nghĩa hậu tương lai, những cuộc hội họp mang tính chất toàn cầu của những kẻ thích giả dối, những vị thần tài mặt tươi roi rói, những vị bồ tát luôn mở miệng cười, và búp bê lên hai có, búp bê lên năm có, uyên ương gãy cánh có, uyên ương còn nguyên cánh có, và ngân hà lác đác mưa ngâu để chờ kẻ ở phía bờ bên kia…cái đám sinh linh bằng đất ấy là chen chúc nhau đứng chật cả gian nhà tranh vách lá,

 

mỗi năm tháng trong thứ thời gian vô tận, mỗi nơi chốn trên mặt đất bao la, và mỗi con người giữa cuộc trần thế… là mỗi  nỗi niềm, ta cố phác vẽ ra đây hết thảy những nỗi niềm,

 

ông ấy nói về những tác phẩm nghệ thuật của mình,

 

và lúc người ta mang gạo rau đến đổi lấy những nỗi niềm ấy chính là lúc  tiên sinh chăm chú nhìn dòng lịch sử nhân loại đang trôi đi

tôi nhớ lúc bấy giờ em nói thế,

 

còn tôi thì như đang bị một thứ năng lực kỳ lạ nào đó từ người chép sử bằng đất truyền sang ,

 

đêm ấy tôi và em đã quyết định nghỉ lại khu rừng cạnh nhà bảo tàng nghệ thuật của nhà chép sử kỳ cục

cho tới nửa khuya tôi vẫn còn thao thức

đến lúc đã nghe thấy em rơi vào giấc ngủ thì tôi vẫn còn chập chờn trong thứ trạng thái kỳ dị  như thứ nguồn cảm hứng lịch sử kỳ dị từ con người kỳ dị ấy đang truyền sang tôi

và liền đó thì tôi đã nhìn thấy được con người huyền sử [*],

______

[*] Ghi Chú Về Con Người Huyền Sử,

 

trong thứ cảm hứng kỳ dị ấy, tôi đã  nghe thấy có tiếng nhạc ngựa vang lên ở trong rừng, tựa một giấc mơ,  giấc mơ diễn ra vào một đêm mùa hạ giữa rừng cây có tiếng suối chảy, tiếng chim kêu, tiếng gió hú, tất cả đều quen thuộc, chỉ ông khách đi ngựa  là có vẻ vừa rất lạ vừa rất quen, ta ra đi từ những thế kỷ trước, khi ngang qua khu rừng này thì trông thấy ngươi, người kỵ sĩ già mình đầy máu me bước xuống ngựa, nói, thật kỳ lạ, bấy giờ tôi cứ có cảm tưởng nhất định là mình đã gặp con người ấy ở đâu đó trên mặt đất này, thưa, tiền bối có ý định lưu lại chốn này phải không, câu hỏi đầu tiên tôi hỏi y như rằng xuất phát từ thứ tình cảm thân quen, thì ngươi thấy đấy, ta đi suốt bao nhiêu thế kỷ, chẳng còn tóc, chẳng còn răng, vượt quá mọi sự già nua của con người, nhưng vẫn chưa giết được hắn, người kỹ sĩ già nói, máu vẫn tiếp tục rỉ ra khắp châu thân, là sát thủ đang mang trong mình nỗi hận thù truyền kiếp, nhưng kẻ ông ta muốn giết là ai, khi nghe tôi hỏi hắn là ai, thì ông ta bắt đầu nói về kẻ giết người, đúng hơn không phải nói, mà là tường trình, một cuộc tường trình kỳ dị, tôi như đang nhìn thấy các sự việc diễn ra trong thứ thời gian và không gian không hẳn là của con người,

 

khi ấy hắn là kẻ cầm quyền, một vị nguyên thủ quốc gia, xứ sở của ta lúc bấy giờ không phải là nhỏ hẹp, và hắn không phải là nguyên thủ của một quốc gia nhỏ hẹp, con người thì rất khỏe, và mặt đất thì rất giàu có, mặt đất là có cả rừng, biển, có cả những của cải nằm sâu trong lòng đất, nhưng con người thì chết dần mòn vì không chịu nổi uất hận trong cuộc cơm áo do sự sắp đặt ngu xuẩn của hắn, còn hắn thì  ăn dần hết của cải của đất nước, cuối cùng thì con người phải chui rúc trong những khu cư trú chật chội như những bầy chuột, hắn ăn dần hết rừng, hắn  ăn dần  hết biển, của xứ sở, lũ muông thú trên rừng và lũ cua cá dưới nước là phải bỏ chạy đến những xứ sở khác, hắn nói hắn là nguyên thủ  quốc gia thì hắn có quyền ngủ với hết thảy những nữ công dân của đất nước, nhưng đấy chỉ là cách lý luận của hắn, thật ra  hắn chỉ thích mỹ nữ, bán hết rừng hết biển cũng chỉ vì mỹ nữ, thật ra, thì cũng không phải chỉ là mỹ nữ của xứ sở hắn cai quản, bỡi mỹ nữ trên trần gian này là vô hạn, hắn có ban bố cái sắc lệnh chết người, “hết thảy những nữ công dân trong nước  đều là những trợ lý hậu bị của nguyên thủ quốc gia”là cũng để che đậy cái hắn thích là mỹ nữ, ta nói là sắc lệnh chết người bỡi vì người vợ thương yêu của ta đã chết vì cái sắc lệnh chết tiệc ấy, nàng đã chết ngay khi hắn vừa ban bố sắc lệnh ấy, tự treo cổ mà chết, “phải ra đi trước khi con quỉ của thời đại đem thân này về kinh” lời nàng để lại cho ta, thì ra người vợ thương yêu của ta tưởng mấy từ hậu bị trong cái sắc lệnh chết tiệc ấy là chuyện thật, bỡi hậu bị có nghĩa là hắn có quyền điều động bất cứ một nữ công dân nào vào bất cứ lúc nào, ta gào lên, nguyền rủa cái sắc lệnh ấy, và đi tìm hắn để giết, nhưng ta là  dân đen thấp cổ bé họng, nên ta phải chết dưới lưỡi gươm của hắn, nhưng cuối cùng thì hắn cũng bị giết chết bỡi đám dân đen của xứ sở,chỉ có điều là cả hắn  cả đám dân đen của xứ sở đều chết cả trong trận so gươm mang tính lịch sử ấy, ở thế giới của những người chết ta trông thấy hắn quì xin quan tòa  tha cho hắn khỏi hình phạt cắt thành muôn khúc, ở thế giới ấy chỉ những người chết vì oan khúc như ta mới còn nguyên vẹn, ta đã thấy hắn đem cái cách năn nỉ của bọn ti tiện ở trần gian để năn nỉ  vua những người chết, và trong lúc vua những người chết đọc lệnh băm xác đám tội nhân, hắn đã dùng thuật lẩn trốn của bọn ti  ở trần gian để thoát khỏi  chết, những thế kỷ trôi qua, ta luôn đuổi theo hắn, quyết giết cho bằng được kẻ đã cướp mất người vợ thương yêu của ta, và biến ta thành kẻ không còn tổ quốc, nhưng rồi ta vẫn chưa giết được hắn, bỡi có lúc là hắn tồn tại trong hình hài xương thịt của kẻ có quyền lực nhất nước, có lúc hắn lại mặc áo vua chễm chệ trên ngai vàng, có lúc là hắn lại mặc áo của  một nhà sáng lập tinh thần, nhân danh chân lý để cứu độ nhân loại, có lúc là hắn lại tồn tại một cách lơ lửng giữa non nước trời mây, có nghĩa, bấy giờ hắn là chủ thuyết, là tư tưởng dẫn dắt loài người, và chiều nay, khi ngang qua đất nước này, ta biết là hắn đang có mặt ở đây, bỡi ta đã nghe thấy cái giọng nói trơn tru thông thái, ngôn ngữ của giả dối, và ngửi  thấy thứ mùi hăng hắc như mùi xác quạ, xác của lũ chim chuyên ăn xác người, ta đã truy đuổi hắn, truy đuổi sự  giả dối và tàn bạo suốt những thế kỷ qua, nỗi hận thù trong ta vẫn tiếp tục rỉ máu, nhưng ta vẫn chưa thể giết được hắn, bỡi ta là đang thuộc về thế giới của  những người chết,

 

 

 

Ba Mươi Ba,
Thời Của Trí Tuệ Lưu Đày,  

 

từ tình yêu của em tôi đã nhìn thấy dòng
chảy bất tận của cuộc trường tồn 
và đằng sau nó
luôn hiện ra gương mặt của cả văn minh lẫn man rợ,
                                   

 

 

và trước đó khá lâu thì tôi đã viết về một loài hoa, người ta nhìn thấy sự nhạy bén trong tiếp xúc của chúng, đã gán cho chúng vẻ e thẹn của một người con gái, người ta gọi hoa là hoa mắc cỡ, thậm chí còn nói là vẻ e thẹn của một người con gái tiết trinh, hoa trinh nữ là cái tên mang màu sắc thi ca người ta đã gán cho một loài hoa dại, và tôi đã bỏ em một mình trong cuộc hành trình đi tìm cái có thể để lên rừng ăn nằm với người trinh nữ của rừng xanh, đêm, tôi  khẽ chạm vào hoa, quả tình là trinh nữ của núi đồi, những chiếc lá nhỏ nhắn, hay là xiêm y của trinh nữ, vội khép vào thân hình nhỏ nhắn, cứ nghĩ đấy là chuyện trong đêm, đợi đến lúc mặt trời  soi rõ núi rừng, tôi lại thử khẽ chạm vào người trinh nữ của rừng xanh một lần nữa, giữa ánh bình minh tôi nhìn thấy rõ niềm e ấp của hoa, cho đến hôm, ở khu rừng ấy, máu những cây gỗ quí của trời đang thấm ướt đất đai, và khoai lúa ai đó gieo trồng đang bị đè bẹp ở bên dưới sức vươn dậy có vẻ tàn bạo của đám hoa trinh nữ, hết thảy lúa khoai đang lên là đang nằm bên dưới một thứ vòm trời xanh rậm làm bằng hoa lá của loài cây trinh nữ, người ta chỉ nhìn thấy đám cây trinh nữ ở một cách thế tồn tại khác, nhưng tôi thì đã nhìn chúng ở một cách thế tồn tại khác nữa, một loài cây trời đã nhìn thấy được qui luật lịch sử của con người, khi con người ngu ngốc phá bỏ rừng cây quí như vàng để thay vào đó thứ lúa khoai  ọp ẹp trên đất rừng, thì chúng, loài hoa tưởng là trinh trắng ấy, lập tức đến lấn chiếm chỗ của lúa khoai, tôi đã nhìn thấy đằng sau cái dáng vẻ thi ca ấy là những mưu toan đen tối, nếu không nói là tàn bạo,

 

 

những nhà thông thái đương đại thời ấy là gòm những người được gọi là thi sĩ chuyên viết những câu thơ sao cho giống với hình thù những câu chữ trong cuốn cổ thư được chép tự những thế kỷ trước, là gòm những người được gọi là nhà sử học tuy chưa có trước tác lịch sử nào nhưng khi nói về lịch sử loài người theo cái cách nói trong cuốn cổ thư được chép tự những thế kỷ trước thì đến hằng vạn năm sau ngày đêm đốt đuốc tìm vẫn chẳng tìm thấy những người như thế, những nhà thông thái đương đại thời  ấy là bao gòm những người được gọi là những nhà văn hóa kiệt xuất, những nhà lý luận kiệt xuất, tôi vẫn nhớ  thế, hết thảy những nhà thông thái lúc bấy giờ là đều kiệt xuất,

 

 

bài thơ tôi viết tặng hoa trinh nữ đã đến tay các nhà thông thái đương đại

ban đầu bọn họ chỉ nói theo cách nói của những người thưởng thức thơ

( thơ viết lạ  nên khó gây ấn tượng )

bấy giờ là tiết chuyển mùa

đang vào mùa hè

hay là cái nóng nung của đất trời khiến các nhà thông thái đương đại nổi cơn thịnh nộ khi đọc lại thơ tôi viết tặng cho hoa,

 

 

người ta đã nhìn thấy con rắn vườn địa đàng thuở ấy bò vào xứ sở của tôi

và phun ra thứ nọc độc đương đại

người ta chưa gọi tôi là rắn

cũng chưa nói tôi phun nọc độc

chỉ bảo thơ tôi là nọc độc của thời đại,

 

 

những chiều buồn cùng em lang thang trong cuộc hành trình đi tìm cái có thể

tôi vẫn mang thứ tâm trạng bi thiết  như đang bị lưu đày trên chính mảnh đất mình được sinh ra,

 

 

 

Ba Mươi Bốn,
Khúc Hoan Ca,  

 

ai la hét ở đầu kia mặt đất

hay những kẻ ngông cuồng của thế kỷ lại đang gây gổ

 một thoáng trần gian nặng trĩu trăm năm,    

 

và thứ tâm trạng bi thiết ấy vẫn cứ đeo đuổi tôi cho đến khi chỉ còn mỗi mình tôi trong cuộc hành trình đi tìm cái có thể

tôi  nhớ đến em

nhớ đến những ngày tôi và em lang thang trong thứ tâm trạng lưu đày

để chống lại buồn nhớ

tôi viết khúc hoan ca Rốt Cuộc Thì Cũng Trả Được Mối Thù,  

 

ta nhớ lúc bấy giờ là lão ta nhìn ta cười, vừa mới bước ra khỏi cuốn cổ thư lão đã nhìn ta cười ngạo mạn, chúng khạt  nhổ ra trên giấy rồi bẹo môi léo lưỡi bảo là tinh hoa trí não, đồ lừa lọc nhân gian, là lão chửi kẻ làm ra sách, tất nhiên là ta phải lên tiếng, sách là do lớp người đi trước làm ra, nhưng là đang nằm trên giá sách nhà ta, nên sách là của ta,  phỉ nhổ sách hay đốt sách không phải là việc làm hay ho, ta nói theo cách nói của thế gian, đây không phỉ nhổ, không đốt, chỉ xé toạc vô minh, lão tà giáo xốc áo đứng lên, ta lật đến trang cổ thư ấy thì lão ta từ những dòng chữ ấy bước ra như một kẻ vô danh, tà giáo là cái tên ta đã gán cho lão lúc lão đã đi khỏi, còn lúc lão xốc áo đứng lên nói thì  căn phòng như dãn ra trước thứ ngôn ngữ phong  nhiêu của lão,

 

 nghìn năm triệu năm bóng trăng đáy nước, vồ lấy cái đẹp nơi dòng sông, huyễn hoặc vút tận trời, hồn chết, kẻ ở người đi, từ ngày làm ra chữ viết con người đã biết cách chơi lấy hồn ra lấy hồn vào, biết cách lấy chữ nặn ra ngọn gió thổi mây, nhưng ngươi có biết không, đấy là cách chơi của kẻ ngồi nơi đỉnh núi chơ vơ, nhưng chơ vơ là núi nào, đừng tưởng là đông vui cõi thế,  xưa có kẻ khóc cạn  nước mắt thì bỏ lên ngồi ở đỉnh núi chơ vơ, hóa ra lũ muông thú trên rừng cũng đang ăn nhau, bèn lấy chữ nặn ra niềm cô độc, nhưng đấy chỉ là chuyện nhỏ, 

 

còn chuyện lớn là sao, ta cố lần dò tông tích của lão,

 

sủa là cách diễn đạt những nghĩ ngợi của chó, may ra, có trục trặc nào trong tiến hóa, nhưng chưa chắc là không còn sủa, sở dĩ diễn đạt bằng sủa là do lũ chó không có chữ viết, con người nghĩ ra được chữ viết  quả  là chuyện lớn, đã có chữ viết mấy trăm nghìn năm nay, nhưng có kẻ vẫn cứ muốn diễn đạt theo cách của chó, chúng nó vừa sủa, vừa khạt nhổ ra trên giấy, chứ sử sách gì,

 

ta đang đọc là sử của làng, nhưng lão tà giáo bảo chẳng phải  sử sách chi cả, cũng có sông núi, ruộng đồng, chim chóc,  cũng có những  đàn ông đàn bà hỉ nộ ai lạc dưới bầu trời trăng sao, cũng có phân biệt giữa chánh với tà, giữa thiện với  ác, bắt đầu là sao, kết thúc là sao,  thì sao không là sử sách, cứ tưởng là lão sẽ nổi giận vì cách chất vấn  của ta, nhưng không,  ta lại sợ ngươi bị chìm vào cõi tăm tối, lão lại răn bảo ta,

 

 xưa có người ngủ dưới gốc minh linh suốt mấy mươi  năm để nghĩ ra cách làm cho cây minh linh trỗ hoa suốt bốn mùa, chuyện ấy có chép trong sách ấy không, những nghìn năm qua, đám dân của làng vẫn âm thầm sống với mảnh đất sỏi đá, không nửa lời  oán trách, vì đất trời đã ban cho đất đai để sống thì sao còn oán trách, chuyện ấy có chép trong sách không, những  nghìn năm qua đám dân của làng vẫn cứ  chửa đẻ không ngừng để cho nước có dân, để cho đám vua chúa các triều đại có lính tráng canh giữ bờ cõi, canh giữ  ngai vàng, chuyện ấy có chép trong sách không,

 

ta bí, bỡi lão tà giáo nói đúng cả,

 

sách chép là chép công lao trị nước của các triều đại, dân sống được là do cái phép cày vua ban, chứ không phải là do cái cách  cày của dân, sách chép là chép cái sức giàu của  nước, rừng vàng, biển bạc, kho lẫm luôn đầy, sách chép là chép cái  sức mạnh của một nòi giống, người đông, đánh chiếm giỏi, lừng lẫy  bốn bể mười phương, là chúng nó sủa phải không,

 

lão lại tiếp tục tấn công ta, nhưng  còn khạc nhổ, ta lại vặn lão,

 

 ca ngợi bọn vua chúa kê giường trên đầu dân để ngủ với đám  mỹ nữ thì không khạc nhổ là gì,   

 

lão tà giáo nói, và giật lấy cuốn cổ thư trong tay ta, xé toạc một trang, là phép màu ư, từ  nơi trang sách nhàu nát lại bước ra một  người con gái, ta thích mà sợ, cô gái choàng lên người lão tà giáo chiếc nhung y, để có sức mà xé toạc vô minh, cô gái nói, một cuộc hát thơ,

 

em đi giữa khuôn trời lạnh ngắt trăng sao, tiếng chào hàng của những kẻ cố giữ lấy giọng nói như đang nghẹt giữa kẽ nứt của đêm, gió treo ngược buổi sáng có mặt trời đã khuyết mất bình minh, em lao vào cuộc chờ chực chia phần, tiếng chào hàng như cứ tiếp tục vang lên từ kẽ nứt của đêm, chen nhau nhận lấy nhân phẩm từ những kẻ chào hàng em như gần hụt hơi giữa những buổi sáng có ánh mặt trời đã khuyết mất bình minh, các cuộc ban phát như cứ nới rộng ra, cứ nới rộng ra, mặt đất đầy dẫy những cuộc chờ chực chia phần, nhân phẩm trở thành thứ vật liệu thông dụng luôn được nói ra từ cửa miệng của những kẻ chào hàng, cho đến hôm người ta bảo em là kẻ biết chào hàng, em đã lập tức được đứng vào chỗ những kẻ chào hàng không phải để ban phát mà để nhận lấy nhân phẩm được ban phát từ những kẻ chào hàng đang cố giữ giọng nói, em như gần hụt hơi vào những sáng  những trưa những xế những chiều những đêm  để nhận lấy nhân phẩm từ những kẻ chào hàng đang cố giữ lấy giọng nói,

  

lão tà giáo không giải mã thì  ta cũng chẳng hiểu cô gái đã nói những gì,

 

từ làng này ra đi nên ta biết tỏng  lũ người xu thế, đầm đìa giọt sương, ta đi giữa những gào thét của lũ người thuyết lý, kể từ lúc nhận ra ngọn lửa trí tuệ trong người là con người đã quen thói thuyết lý, hương thơm của những miền không có đâu, ánh sáng của những năng lực huyền bí, trực giác và vô ngôn, thuyết lý như những giọt cam lồ rưới lên nỗi  khổ đau của con người, và con người thì  chẳng hay biết tự lúc nào thuyết lý đã  trở nên thứ  phương sách hai mặt, để xích lại nhau hơn, và cũng để thù hận  nhau hơn, nàng đã lạc vào giữa cuộc hận thù của thế giới, đứng vào chỗ những kẻ chào hàng  để có cơm ăn  áo mặc, cho đến lúc nàng chẳng còn đủ hơi sức để chào hàng thì lũ người thuyết lý đã đem ném nàng vào thứ lò dưỡng sinh đương đại, ta chuộc nàng từ tay cai ngục để kết nghĩa phu thê, lập tức lũ chúng, cái lũ người nhân danh chánh giáo hô hoán lên rằng ta là kẻ trụy nát, ta lặng lẽ cam chịu làm kẻ trụy nát để cho tròn nghĩa phu thê, nhưng cho đến lúc lũ người thuyết lý lập đàn tế trời, kêu gọi lương dân đem sức ra phá rừng trồng kê, ta không im tiếng được, bảo rừng là trời sinh để thở dưỡng chất cho con  người, phá rừng là làm cho con người không còn thở nổi, lập tức lũ chúng bảo ta là phản trắc, ta nói thà làm kẻ phản trắc chứ không thể để cho kẻ ngu làm cho lương dân thoi thóp, lập tức chúng đuổi ta ra khỏi làng, và ghi vào sử sách rằng ta là kẻ theo  tà giáo, mấy trăm năm qua phu thê ta đã đi khắp thế gian để nói cho mọi người hay những thuyết lý xưa nay đám vua chúa đem ra để trị nước chẳng qua là những nước bọt đã  cô đặc  thành chữ nghĩa, nhưng ta lại đang lo cho số phận của ngươi,

  

lão tà giáo vò nát trang cổ thư ném xuống chân, bảo, rồi dắt  cô gái  bước về phía vô hạn đang mở ra ở phía trước,

 

 

Ba Mươi Lăm,
Và Bây Giờ,

 

 tôi vẫn buồn bã ngồi giữa đất trời đương đại để chờ em,  

 

và tôi cũng không biết là người ta có đọc những gì tôi viết hay không

nhưng vẫn cứ thấy vui sướng trong lòng

vì đã làm được công việc quan trọng

là để cho thi ca lịch sử và triết học hòa quyện nhau

trong những nghĩ ngợi của mình,

 

 

và bây giờ thì em là thơ tôi đang chảy ở  trong tôi

kẻ đang biết mình đang mỗi mình bước giữa thế kỷ u buồn,

 

 

Giã,
tháng 6/ 2013
tháng 9/2013