trò chuyện văn chương với Lê Hoài Lương

 

Gần bảy năm sau, số lượng tác phẩm của Nguyễn Thanh Hiện đã nối nhau ra đời với một tốc độ đáng ngạc nhiên, 

HIEN 30

với các tiểu thuyết: Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát-2010, Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?-2011, Sau Big Bang-2012, Bạt Mạng Ký Sự- 2013, Cuộc Chống Trả Thời Gian-2015, và các trường ca: Những Bài Hát Rong Đương Đại-2012, Những Khúc Hát Gửi Lên Trời-2013, Hồi Ức Về Những Con Đường Đất Tôi Đã Đi Qua-2013, Bài Hành Ca Của Một Khách Hào Hoa-2014, Ký Ức Đen-2014, Những Khoảnh Khắc Của Gió-2014, Cổ Tích Của Đất-2014, Dấu Vết Mặt Trời-2014, Dấu tích-2014, Nhật Ký Những Giấc Mơ-2014, Khúc Ca Bi Thiết Của Một Kẻ Cô Độc-2015, Ngẫu Nhiên-2015, Người Gieo Hạt-1998-2015. Và loạt truyện ngắn còn trong tập bản thảo vi tính: Những Truyện Viết Về Sau-Tập I. Đây là tốc độ làm việc phi thường của một người từng bị cắt thận, phẫu thuật tim thông mạch vành, thoái hóa cột sống… và hàng ngày sống chung với bệnh tật mà sáng tác. Mọi tác phẩm hoàn thành, ông chỉ kịp thuê in dưới dạng bản thảo, tự trình bày bìa và ruột. Những cuốn sách thật đẹp bày trên giá như một ứng xử nghiêm cẩn với văn chương thường khi. Nhiều trong số này đã in dài kỳ trên các trang văn chương mạng… 

*Những cuộc tình bất tận:

-Lần trước ông nói về sự giống nhau của tình yêu và văn chương ở cái “tức thì”. lehoailuongQuan niệm và so sánh này là của riêng ông, có thể sẽ có đồng cảm. Nhưng điều đáng nói là trong vài chục cuốn sách các thể loại của ông, dù nặng vấn đề ý thức hệ với các tư tưởng, triết học hay ngọt ngào, trữ tình, đều có chuyện tình yêu, với một “nàng” xuyên suốt. Bắt buộc phải vậy hay để… câu khách?

-Nó tự đến thôi, tôi không cố tình làm vậy. Nếu làm cho người đọc chú ý cũng quý chứ sao, vì hấp dẫn là một yếu tố cần trong văn chương. Và tình yêu cũng là ám ảnh muôn đời của nhân sinh, không ai có thể giải mã rốt ráo bí ẩn này. Mỗi nhà văn đều có lựa chọn cách viết về tình yêu của riêng mình. 

-Tôi thấy sách “ngôn tình” bày bán nhan nhản ở các tiệm sách, ta có, Tây có, và thời nào cũng vậy. Loại sách này cứ na ná nhau kiểu chiều chuộng tâm lý tuổi mới lớn hoặc bạn đọc bình dân. Thực ra việc giao hoan cũng là hành vi đẹp lộng lẫy mà thượng đế ban tặng cho con người, nhưng có vẻ ít tác phẩm viết về mảng này thành công, ít có những cuộc tình trong văn chương bất tử trong vô vàn sách đã viết ra. Tình yêu trong các tác phẩm của ông không “ngôn tình”, không sex, có thể nói đó là những cuộc tình siêu thực. Liệu có một ẩn ức nào chăng? 

-Đang nói chuyện văn chương kia mà. Vấn đề là tác phẩm và các giá trị của sáng tạo.

-Nhưng cảm giác rất rõ rằng, dù có khuôn mẫu thật ngoài đời cho tình yêu của ông, thứ tình trong tác phẩm của ông vẫn như một kiểu tự tạo ra cho riêng mình để tôn thờ, để thăng hoa, tức là ông xây dựng cho mình một không gian riêng để thỏa mãn, để chuyển tải các thông điệp bằng năng lực sáng tạo? Nói nôm na, chẳng có tình yêu nào cả theo nghĩa tình yêu thông thường? 

-Với tôi, những cuộc tình là lung linh của ý thức chứ không phải cụ thể. Trích từ những cuộc tình, bao trùm lên trên hết trong các tác phẩm của tôi là người con gái của dáng vẻ vô biên. Tôi từng nói rằng không thể có thông điệp mới nhưng có một góc cạnh, khía cạnh mới về thế giới nhờ thông điệp về/ với tình yêu. Tất cả dữ kiện, thông điệp trong tác phẩm tôi đều từ cảm hứng sử thi: ở đó, triết học, khoa học, tôn giáo… đều hòa trong từ trường tình yêu. Có thể hiểu, đời tôi là tình yêu và văn chương. Từ một mẫu hình vào văn chương đã thành một thế giới khác. Tôi viết như bản năng, có thể từ này chưa thật ổn nhưng là vậy. Tức là đọc lại, không thể hiểu sao lúc ấy tôi viết được câu ấy…

-Thực ra, hiểu rằng đời ông tình yêu là văn chương và ngược lại mới đúng. Cả hai không thể tách bạch.

-Dẫu gì, tôi vẫn thấy có lỗi với đời sống gia đình. Lẽ ra không nên làm văn chương. Lẽ ra không nên như thế.

[Ông đã sống trong thế giới riêng/ khác, với tình yêu, với văn chương. Dù gì tôi vẫn thấy ông tận cùng cô độc trong thế giới ông tạo ra. “tôi đưa tay gõ một tiếng lên trời, chỉ thấy niềm cô độc” (trường ca Khúc Ca Bi Thiết Của Một Kẻ Cô Độc). Hoặc: “cũng như hoa cỏ mùa xuân,/ hay tiếng chim hót trên rừng,/ tình yêu của chúng tôi nó là/ dấu tích, một biểu hiện khác/ của tạo tác, bởi chúng ta chẳng/ đời nào nhìn thấy được tạo tác” (Lời tựa cho trường ca Dấu Tích).]

*Văn chương đứng ngoài các hệ tư tưởng:

[Ông phàn nàn nhiều người viết bây giờ cứ nhăm nhăm vào các vấn đề thể chế chính trị, các chủ thuyết chính trị, các chủ nghĩa…, và cho rằng làm như thế là hạ thấp văn chương.]

-Nhưng tác phẩm ông trước sau vẫn đậm đặc vấn đề ý thức hệ…

-Tôi không nói văn chương nằm ngoài chuyện chính trị. Xưa nay đều vậy. Vấn đề là cách thể hiện thế nào. Tôi vẫn nói về cái ác, lên án cái ác…

-Nhưng đó là cái ác của một nước “Ô lô”, nước “Mân”, “Mư”,nước “Lâm Bôn”, miền đất “Pô”, Bạt”, đất“Lu xiu”, “Pơ khan” … nào đó chứ gì? Và nữa, các tác phẩm sau này của ông, vùng miền ông đề cập đã tít xa đến tận Phi Châu, tận Nam Mỹ, tận những xứ sở mênh mông tuyết trắng, thậm chí, về thời gian, ông đi ngược đến thuở hồng hoang của loài người?

-Tôi đã nói cái đích của văn chương là các vấn đề của nhân sinh, vậy thì vùng miền, thời gian, bối cảnh chỉ là phương tiện để chuyển tải ý tưởng. Cái ác thì ở đâu chẳng là cái ác. Tôi chỉ muốn nói văn chương là nghệ thuật của ngôn từ thì nó phải làm sao cho đúng với bản chất ấy. Đừng để các biểu hiện cụ thể của hiện trạng xã hội lôi vào cuộc với phản ánh đơn giản, dù tốt dù xấu, kiểu chức năng của báo chí. Nên nói đứng ra ngoài các hệ tư tưởng là nói theo nghĩa ấy.

Còn không gian, thời gian trong các tác phẩm mới nhất của tôi trở ngược tới thuở hồng hoang, là một phát hiện của tôi trong cách viết. Cái thuở hỗn mang, không gian thời gian chưa phân chia, quá khứ, hiện tại, tương lai chưa phân chia…, là cảm hứng hiện nay của tôi sau “Người đánh cắp sự thật”.

-Một số người đọc những truyện ngắn không một dấu chấm phẩy của ông, thậm chí có tiểu thuyết điểm xuyết vài dấu phẩy mỗi trang, cảm thấy khó đọc, dù rằng ý tưởng “cao siêu” của ông vốn cũng không dễ tiếp nhận. Chẳng lẽ mục đích là khó đọc, khó hiểu mới“cao siêu”? 

-Vậy thì cậu nghĩ thế nào về anh?

[Ông mỉm cười, đột ngột hỏi lại, có vẻ ai đó cũng hỏi câu  cắc cớ này với ông rồi. Tôi chỉ nói, mọi thứ đều có 2 mặt, nếu sử dụng phù hợp sẽ đạt hiệu quả cao và ngược lại nếu lạm dụng. Tôi bảo đọc hình thức viết liền mạch của ông vẫn thấy ngọt, và dẫn chứng trước ông, người ta cũng viết nhiều, trong nước, ngoài nước. Nhưng chắc rằng với người đọc quen cú pháp lâu nay, sẽ khó kiên trì tiếp nhận văn bản và ý tưởng ông muốn chuyển tải.]

Với người làm văn chương  đúng nghĩa hẳn không có gì “khó đọc” hình thức này. (Ông trầm ngâm một lát rồi tiếp). Cũng không dễ viết kiểu này nếu ý tưởng và những suy tư không phù hợp. Cái ánh chớp ấy, nếu viết theo hình thức liền mạch dễ thăng hoa hơn, dễ đạt hiệu quả hơn theo ý mình. Còn tiếp nhận của người đọc thế nào thì phải chấp nhận thôi.

-Văn chương mạng gần đây giúp ông có nhiều bạn, nhiều đồng cảm, chia sẻ, nhiều những bùng phát về ý tưởng. Có vẻ không phải “trời cho” mà “công nghệ cho” chăng? 

-(Ông cười vui) Cũng do trời cả thôi. Không có hoàn cảnh thuận lợi nào khả dụng nếu chỉ làm đẹp lòng nhau, tán nhau vài câu. Nhà văn không lựa chọn hoàn cảnh mà nên. Tất cả đều là tặng vật của trời! (cười lớn).

Có thể thấy, sau phát hiện về yếu tố không gian, thời gian thời hỗn mang, có vẻ như ông viết dễ dàng hơn nhiều, nhanh hơn nhiều so với trước đây, một truyện ngắn nếu ý tưởng đến, ông chỉ hoàn thành trong vài giờ, một tiểu thuyết cũng chừng vài tháng… Ông nghĩ với tốc độ này, liệu có bảo đảm chất lượng?

-Chất lượng và sự tiếp nhận là ở người đọc. Mỗi người viết có cách phát hiện và hoàn thành cuốn sách của mình khác nhau. Tôi nghĩ mình có may mắn là bắt được cái mạch của mình. Bạn có nghi ngờ chất lượng của ông A. Tsekhov khi có năm ổng viết đến vài trăm truyện ngắn? Hay hơn 30 năm cầm bút, ông H. de Balzac in đến gần trăm cuốn tiểu thuyết? Vấn đề không phải thời gian mà là cái mạch. Hầu như ngày nào tôi cũng có thể ngồi vào bàn viết. Chắc là tôi đang chạy nước rút…, ông trời cũng hay chơi xỏ lắm, không trừ ai!

-Ông vẫn ám ảnh về thời gian…

-Không phải ám ảnh, nó thật với tôi từng ngày từng giờ. Tôi đã cận với cái mong manh về thời gian như đã thấy cái đường biên của chân lý và sai lầm. Các truyện ngắn sau này của tôi là  men theo cái mong manh ấy…

[Tạm biệt ông, trên đường về, trong tôi cứ hiện lên hình ảnh ông gầy guộc với mái tóc bạc phơ, đôi mắt to, sáng, ánh nhìn thông tuệ và soi mói, con người ấy đang chạy băng băng qua cánh đồng cày khô nẻ bằng đôi chân trần tứa máu giữa trời nắng chang chang, vấp ngã rồi lồm cồm đứng dậy chạy tiếp, đến khi kiệt sức, ngã xoài dưới một bóng mát tình cờ mà cảm nhận cái ngui ngút dịu êm của một người đã chạm thấu niềm hạnh phúc vô biên của sáng tạo: đó là gánh nặng chữ nghĩa với nhân sinh và tột cùng cô độc.]

tháng 6/2015

Leave a Reply

Your email address will not be published.