Siêu hình học của người [9]

 

cái chết của ông Chảnh để lại trong nghĩ ngợi của tôi một khoảnh nhỏ giống như một ghi chú bên lề, niềm thao thức bỗng dấy lên trong cảnh trí tiêu vong mà hoành tráng, đủ mặt cả, ôngThí đương kiêm trưởng làng, ông Khán nguyên trưởng làng, hầu như từ già đến trẻ đều có mặt ở cái cơ ngơi đang trên đường trở thành di tích của một bộ tộc người đương đại, họ Trần [Chảnh] có mặt tự buổi đầu lập đất lập làng, kiến thức ấy sẵn có trong các thế hệ người làng tôi cùng với nhiều hiểu biết về dòng họ  ấy cắt nghĩa tại sao buổi sáng ông Chảnh vừa tắt thở thì người làng, từ già chí trẻ, đều có mặt ở nơi người cuối cùng của một dòng họ ra đi, những người đến lo đám tang ông Chảnh không có ai họ Trần, chỉ thuộc cộng đồng nhân loại tọa lạc dưới chân dãy núi tôi yêu tự buổi ấu thơ, mọi người đến đấy, và hành động theo kiểu bộ lạc nguyên thủy, tức, không có yếu tố nhà nước, không có ai chỉ huy cả, chỉ là sự tự phát, đám trai tráng khỏe chân tay lãnh việc ra gò thổ mộ của làng đào huyệt mộ và ra bờ rào nhà ông Chảnh chặt tre làm đòn khiêng áo quan, làm lạt buộc áo quan, không đi mua áo quan vì mấy tay thơ mộc gạo cội trong làng lãnh việc hạ cây mít lâu niên trong vườn nhà ông Chảnh, xẻ ván,  đóng quan tài, các bà mẹ bà chị thì, người mang gạo, mang rau, người mang  trứng, mang thịt đến để làm cơm cúng ông Chảnh và khoản đãi những người ở xa đến viếng, cái ban nhạc đồng quê của đám con trai con gái trong làng cũng may là ngoài pop, rok, rap..chúng cũng biết nhạc dân tộc, còn trẻ, nhưng tay đờn tay trống bọn chúng cũng làm ra được thứ âm nhạc rặt người mình, trên con đường đến chỗ trú ngụ cuối cùng, ông Chảnh không ngồi trên chiếc xe cộ kéo bằng bò như nhiều người khác trong làng chết, mà do lũ trai tráng trong làng khiêng, cái cách ra đi như một thứ quà tặng  đặc biệt của người làng, quà tặng cho một người sau cùng của một dòng họ đã sống hơn trăm tuổi, buồn, mà hoành tráng, cờ xí rợp trời, trống chiêng đầy trời, bấy giờ tôi cứ nghĩ đến cảnh ra đi, rất hẩm hiu, của bà Hoãnh, mẹ anh Bốn Chẽn, hồi mới thống nhất đất nước, là do ngọn gió cách mạng lúc bấy giờ nó thổi qua ông Khán trưởng làng mạnh quá, nhưng có lẽ là do cái năng khiếu trị nước của ông, tức, cái tài làm kẻ đứng đầu bầy đàn của ông, khi ngọn gió mới ấy thổi qua ông Khán là ông ấy muốn mọi thứ đều phải mới, ăn ngủ đi đứng phải mới, đám cưới đám tang phải mới, cách nói năng chuyện trò phải mới, ngay cái giọng nói vốn hơi chậm rãi của ông cũng không còn nữa ngay sau buổi ông nhậm chức trưởng làng, phải phá hết, đốt hết, ông Khán hốt nói, hốt gào, thì cứ cho là ngọn gió mới thổi qua ông mạnh quá cứ làm dấy lên trong ông lòng căm thù cái cũ, ông Khán chủ trương cái gì thuộc chế độ cũ là phải phá hết đốt hết, vào một đêm mùa hạ, ngay sau khi thống nhất đất nước, ông Khán đã phóng hỏa đốt ngôi miếu thờ thần làng trên đồng làng tôi, ngôi miếu duy nhất  còn sót lại sau bao nhiêu binh lửa, ngọn lửa đốt đền cất lên giữa đồng làng trong đêm tháng tư như lời tuyên bố hay đúng hơn là sự khẳng định cái thế quan vô cùng mới mẻ của vị trưởng làng, lúc bấy giờ, nhìn ngọn lửa đốt đền cất lên trong đêm, tôi cứ có ý nghĩ hơi lệch lạc hay là ông ấy căm thù kẻ tài giỏi hơn ông là thần làng, tuy được cử làm trưởng làng nhưng ông cũng chỉ mới biết đọc biết viết chữ quốc ngữ, rồi ông căm thù luôn cái kiểu khiêng người chết đi chôn phải có cờ trống, cái kiểu coi như trên đầu ông có một vị thần coi sóc chuyện chết chóc ở trần gian, dẹp hết, ông quát, khi người làng cứ tưởng xưa sao nay vậy, đã mang cờ trống làng sắm sẵn đến đám tang bà Hoãnh, mẹ anh Bốn Chẽn, cha mẹ nào còn mang trong mình tư tưởng chết là phải có cờ trống tôi báo lên trên cho đi cải tạo tuốt hết, ông hét, mẹ anh Bốn Chẽn lại chết vào lúc lòng căm thù cái cũ đang sôi sục trong ông Khán, người làng âm thầm đưa bà lão ra gò thổ mộ của làng trong nỗi lo sợ cũng mới mẻ như ngọn gió mới đang thổi qua làng, trong đám tang ông Chảnh, tôi thấy anh Bốn Chẽn ngồi chẻ lạt mà mắt cứ nhìn về phía ông Khán cựu trưởng làng, cái nhìn có vẻ chẳng bình thường chút nào, ông Khán thì chẳng hề biết con trai người đàn bà nạn nhân của lòng căm thù của ông đang nhìn ông với ánh mắt căm tức, bây giờ việc đưa ma vui vẻ hơn hồi mới thống nhất đất nước ông hả, ông Khán nói với ông Thí đương kiêm trưởng làng có vẻ như đã trở lại với cái chất giọng chậm rãi của ông, và tôi chẳng nghe lời bình nào của vị đương kiêm trưởng làng, khiêng quan tài ông Chảnh toàn những người trẻ tuổi, trừ anh Bốn Chẽn, không biết anh làm thế để đỡ tủi thân khi nghĩ đến việc hồi ấy đi chôn mẹ anh như đi chôn một con bò cày khi già chết, trong cái quang cảnh hoành tráng, người làng không thiếu ai, cờ xí chiêng trống rợp trời, tôi cứ nghĩ đến anh Bốn Chẽn và cái chết của mẹ anh, ngày trước thằng nào trong đám tang mẹ tôi bắt dẹp cờ dẹp trống, giờ đám tang ông Chảnh thằng nào đi dưới cờ dưới trống, tôi thấy anh Bốn Chẽn vừa khiêng quan tài vừa lầu bầu thế.

 

15PM  24.6.2018