Siêu hình học của người [8]

 

có một người thuộc thề hệ cha tôi còn sót lại trong cộng đồng người làng tôi, ông Chảnh, điều buồn cười là  ông lão sống đến một trăm lẻ năm tuổi trong khi con cháu ông đều chết cả, thôi thì bà vợ ông chết ở tuổi năm mươi cũng được đi, trong khi đó thì con cháu ông gòm con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, đứa sống lâu nhất chỉ bốn mươi lăm năm, đứa sống ít nhất chỉ bốn tháng, thôi thì súng đạn chiến tranh cướp hết mấy đứa con trai và con rể ông cũng được đi, đằng này đứa cháu ngoại của ông mới bốn tháng tuổi đi tiêm vắc xin phòng dịch sốt xuất huyết người ta tiêm lộn thuốc cũng chết đi, đấy là mưu mô của tạo hóa ông à, ông nói,  mưu mô gì bác, tôi hỏi, thì vậy là mưu mô chứ còn gì, để cho một lão già như cái cây một mình đứng giữa trời, ông giải thích, việc ông nhìn thấy cái mưu mô của tạo hóa là một trong rất nhiều những nghĩ ngợi về thế giới rất riêng của ông, made in bác Chảnh, chảnh ở đây không phải làm ra vẻ ta đây, phách lối, mà là do hồi mới thống nhất đất nước mấy chục năm trước có một người Việt thuộc cộng đồng người làng tôi đã coi thường chuyện dấu giọng của tiếng Việt, Chạnh hay Chảnh cũng vậy thôi bác à, người làm hộ tịch của làng nói lúc ông đến trụ sở làng khiếu nại về việc đã ghi sai tên ông trên thẻ căn cước, ông là Chạnh, em trai ông là Lòng, cha ông hồi đó buồn đời sao đó đã đặt tên cho hai đứa con trai là Chạnh /Lòng, gọi tôi là Chạnh hay Chảnh thì chẳng chết ai, nhưng nếu gọi chính quyền cách mạng là chính quyền cách mảng thì chết mẹ thiên hạ, ông nói, hồi đó, tuy chính quyền cách mạng làm sai tên ông trong sổ bộ nhưng ông vẫn vui vẻ, cho đến năm thứ một trăm lẻ năm trên đời thì ông bỏ những niềm vui đồng nội, niềm vui với làng xóm, niềm vui với sách vở [ông Chảnh từng là thầy giáo dạy học thời  thuộc Tây, tiếng Tây giỏi, đọc rộng, hiểu nhiều, lại biết lái xe hơi nên thời tổng thống Diệm tay quận trưởng sở tại cũng thuộc cộng đồng người làng tôi đã chọn ông làm tài xế riêng] ông bỏ những niềm vui cũ để chuyển sang niềm vui mới: ngao du thế giới, nhưng không phải đi bằng chân đâu nhé, mà đi bằng đầu, đi bằng nghĩ ngợi, một tấm bản đồ thế giới [cỡ lớn] một chiếc kính lúp, ngày ngày ông trải tấm bản đồ lên sàn nhà, đeo kính tuổi vào, rồi xoãi người xuống cạnh tấm bản đồ, rồi ngao du thế giới qua chiếc kính lúp, bấy giờ tôi có cái thú  là  sang nhà ông để cùng chu du thế giới với ông, chúng ta đi đâu bây giờ ông nhỉ, ông Chảnh vẫn gọi tôi như thế như để thể hiện sự quí trọng thế hệ thầy dạy học sau ông vì tôi cũng là thầy dạy học,  voa là [voir là] ông nhìn thấy gì không, ông hỏi, rốt cuộc tôi cũng bập bẹ được tiếng Tây, tấm bản đồ thế giới được vẽ với tỉ lệ phần nghìn, nên các tọa độ ông Chảnh dừng kính lúp lại để thuyết minh chỉ có ông mới biết rõ,  voa là, đây là rừng taiga, ông biết không, bao giờ rừng taiga cũng để lại trong cảm nghĩ của ta một chút lạnh lẽo, một chút u buồn, một cuộc tồn sinh lui tới theo cuộc thoái tiến của giá băng thì không u buồn là gì, nếu không nói là quá đỗi  hiện sinh theo nghĩa là hoàn toàn xa lạ với vĩnh hằng, ông nói trong niềm cảm hứng nghiêm cẩn, tôi không biết đích xác nơi ông nói là nơi nào, nhưng rừng taiga là thuộc phương bắc lạnh lẽo, và cả cộng đồng người làng tôi ai cũng biết ông Chảnh chưa bao giờ đi tới phương bắc [hồi lái xe cho tay quận trưởng sở tại, nhiều lắm cũng chỉ đi hết miền nam đất nước tôi] kiến thức sách vở về thế giới rót vào ký ức nằm chồng chất ở đó rồi nhờ tư duy tái lập các hình ảnh, tới cái tuổi một trăm lẻ năm của ông dường như thế giới được thu nhỏ đến mức ông có thể nhìn thấy rõ qua ký ức, và nói ra được bằng lời, đưa chiếc kính lúp lên các nơi chốn trên tấm bản đồ thế giới chẳng qua là cách đánh động ký ức, dường như với vốn liếng sách vở đông tây kim cổ và với sự trải nghiệm cuộc sống, ông Chảnh có thể mô tả thế giới theo cách rất riêng của ông, cái thế giới quan hơi tàn nhẫn một chút, nhưng là rất thật, có lẽ là do cuộc sống đã làm cho ông thành ra như thế, chỉ mỗi chuyện một đứa học trò cũ bắt làm tài xế xe cho hắn cũng làm cho ông thành ra như thế, chỉ mỗi chuyện đứa con trai đầu và đứa con trai út của ông cũng đủ làm cho ông thành ra như thế, đứa con trai đầu là bị bắt vào quân trường quân dịch của chính phủ quốc gia, đứa con trai út tới tuổi trưởng thành thì cộng đồng người làng tôi ban ngày thuộc chính phủ quốc gia ban đêm thuộc chính phủ cách mạng lâm thời miền nam, thằng út được đưa lên rừng nhập quân giải phóng, hai đứa con ông đều đi cầm súng để bắn nhau, cả hai đều chết mất xác, tôi cũng không hiểu tại làm sao chúng là anh em ruột thịt lại phải cầm súng bắn nhau, ông thường chảy nước mắt nói với người làng, rồi chỉ mỗi chuyện đứa con dâu ông nhìn thấy cách mạng đào hầm bí mật trong làng nên phải chết  cũng đủ làm cho ông thành ra như thế, chưa hết, đến một nghìn lẻ một chuyện đại loại thế, cái thế giới đang bày ra trước ông là một thứ hổ lốn, có quá nhiều thứ trái khuấy, nếu không nói là có quá nhiều thứ bậy bạ, ông không thể không nghĩ ngợi về nó, ông không thể không nói về nó, với ông, thế giới là cuộc phê phán bất tận, voa là, ông biết không, đi quá rừng taiga một chút là chốn điện các cổ kính, giọng ông Chảnh chuyển sang u uất, tro than, rút…rút …ông đặt kính lúp lên bản đồ, và bỗng kêu lên, dựa theo vị trí của kính lúp trên bản đồ, và tiếng kêu thảng thốt của ông, tôi lờ mờ nghĩ về  nước Nga, voa là, ông biết không, vua, rồi không vua, rồi vua, có một thằng cha làm vua không đặt tay lên cuốn Kinh Thánh thề thốt như các ông vua trước đó, mà đặt tay lên bản hiến pháp do thằng cha ấy sửa đi sửa lại để thằng cha ấy được làm vua suốt đời, một thằng cha vua hèn mạt nhất lịch sử, ông ấy nói, tôi cảm thấy thứ không khí buồn bã đang tràn ngập ngôi nhà  vách gạch mái tôn nằm ở đầu khu vườn có nhiều bóng dừa, tiếp theo sau ngôi nhà này là tám ngôi nhà vách gạch mái tôn khác của tám đứa con ông Chảnh [gòm cả nhà của con trai, con gái, con dâu, con rể] tôi cứ thấy rưng rưng khi nghĩ đến lúc ông Chảnh chết thì bộ tộc họ Trần trong cồng đồng người làng tôi coi như bị xóa sổ, voa là, ông nhìn thấy không, ông Chảnh bỗng nhích kính lúp lên, cười to lên, có hai thằng cha đang hát xiếc đấy, một thằng cha cao to nhưng cái miệng thì quá nhỏ như thể không thể đút vào được một quả chuối với một thằng cha thì miệng như còn hôi sữa, bọn họ đang dắt tay nhau đi trên một thành phố Biển như hai kẻ thù giả làm thân thiện nhau, giả làm đồng tâm hiệp ý nhau, một người nói sẽ không tiếp tục làm chuyện này nữa, một người nói sẽ không tiếp tục làm chuyện kia nữa, chuyện gì vậy nhỉ, ai mà biết bọn họ nói có thật lòng không, các nguyên thủ quốc gia thời nay có vẻ siêu hình vậy đấy, ông Chảnh nói, và nhổ một bãi nước bọt vào khoảng không trước mặt, trước khi nhổ nước bọt là ông đã gấp tấm bản đồ lại, giờ lại mở ra,  rà kính lúp lên khắp các lục địa Âu Á Phi Mỹ, rồi bỗng sa sầm  mặt, voa là, ông có nhìn thấy gì không, ông Chảnh đặt kính lúp lên một vùng đất trên bản đồ và nói, tôi chẳng biết đấy là nơi nào, bỡi chiếc kính lúp đang đè lên một khoảnh rộng lớn trên tấm bản đồ, là chúng đang mang đất đai tổ tiên chúng để lại đi cống nộp cho ngoại bang đấy, cái xứ sở này sắp tàn rồi ông biết không, sắp tàn rồi…ông Chảnh hét lên, giận dữ, rồi nước mắt chảy dài, tổ tiên xưa có triều đại nào là không chống ngoại xâm đâu, văn hiến của xứ sở là máu và nước mắt của tổ tiên, ông biết không, vậy thì giờ đây tại sao chúng lại làm chuyện như thế, hữ, ông Chảnh lại hét lên, giận dữ nhìn tôi, tôi hoảng lắm, nhưng chẳng biết nói gì, làm gì, hỏi gì…bây giờ chừ, ta biết đi đâu về đâu, bấy giờ trời cũng sắp tối, lợi dụng lúc ông Chảnh đứng lên vung tay múa theo điệu múa gươm, tôi lẻn ra cửa sau, chạy một mạch về nhà, đêm ấy tôi thức trắng với hình ảnh ông lão sống hơn trăm năm trong một thế giới như là đối tượng của phê phán, thế giới là cuộc phê phán bất tận, vâng,  lại sợ ông Chảnh có mệnh hệ nào, hôm sau, mới tờ mờ sáng tôi đã gọi cửa nhà ông, ông Chảnh ra mở cửa, nhìn tôi: ông ấy không có ở nhà, ông nói, và đóng sầm cửa, chỉ mấy hôm sau thì ông ấy thực sự không có ở nhà, để chuẩn bị cho việc đưa ông Chảnh về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi viết bài hát của ông lên cờ phướng: bây giờ chừ, ta biết đi đâu về đâu 

 

giã 17 PM  15.6.2018