Siêu hình học của người [6]

 

thật ra thì thứ văn hóa như nửa tỉnh nửa say ở phía mặt trời lặn hay phía mặt trời mọc, ở một mặt nào đó, đã lây lan cộng đồng người [nhỏ bé] ở làng tôi, người ta có đường phố, có hè phố, có chợ phố… để ca hát, nhảy nhót bất cứ lúc nào, nhưng ở làng tôi thì phải chờ, phải nói là luôn mong ngóng những dịp như thế, mong ngóng có một đám cưới vợ hay một đám gả chồng ở nhà ai đó trong làng, chỉ những dịp như thế mới có thể nhảy nhót, ca hát, cây cỏ đã ngủ yên từ lâu, binh lửa cùng những chuyển đổi triều đại và những chuyển đổi hệ hình văn hóa làm lịm tắt những tiếng hát của tổ tiên xưa: hát lúc làm ở đồng làng, hát lúc giã gạo hay lúc kéo sợi giữa đêm trăng, giữa cảnh đoạn lìa bỗng rót vào những tiếng lạ, nó là những cuộc âm vang của bốn biển, những hình thù ngoại tộc đầy quyến rủ nghe thấy được trên những phương tiện truyền thông, giữa thời bùng nổ tin tức, một bà cụ sáu mươi trong cộng đồng người làng tôi không biết gì ngoài ngôi làng quê của mình cũng có thể nói một câu khi nghe nhạc jazz của người Mỹ gốc Phi phát đi từ một chiếc đài bán dẫn  hay từ một máy thu hình của nhà ai đó  trong làng: nghe đánh trống giống lúc nhỏ đi xem hát bội ở làng quá [con chim quyên xuống đất ăn trùn…hờ ơ…những tiếng đã lãng quên như thế trong cuộc đời của bà cụ là chỗ để cho bà nghe được những tiếng lạ, có thể là còn quá mơ hồ, những tiếng lạ, thứ vật thể bao giờ cũng có vẻ quyến rủ đối với  con vật có tư duy là con người] nhưng đấy là chuyện bà cụ không bao giờ ra khỏi làng, con đường đất bây giờ không còn là chuyện phải bàn, bây giờ việc dịch chuyển qua lại giữa ruộng đồng và phố chợ của một người thuộc cộng đồng người làng tôi là chuyện bình thường, chỉ có điều, những gì một người của cộng đồng cày ruộng nghe thấy ở phố chợ có khi là chẳng có gì, nhưng có khi như một tra vấn âm ỉ trong nghĩ ngợi, có khi như một bùng vỡ trong nhận thức, những khoảng cách văn hóa, có khi là quá lớn, giữa hai vùng đất cùng xứ sở,  có thể làm dấy lên nỗi đau thầm kín, hay nỗi thèm muốn thầm kín, hay cũng có thể làm dấy lên niềm tức giận mơ hồ [tức giận nhưng cũng chẳng biết tức giận ai ] cái cách phân bố hạnh phúc và khổ đau của lịch sử luôn là những tra vấn đối với chính lịch sử, nhưng anh Bảy Chẽn ở làng tôi đã phủ nhận tuốt tư duy của những người có chữ, đã có đất đai ông bà để lại thì không thể bỏ đi nơi khác, anh Bãy Chẽn nói mỗi khi có ai đó rỉ tai rủ rê anh đi nơi khác làm ăn,  mà hầu như người làng tôi ai cũng nghĩ thế, cái thế giới quan như đinh đóng cột này đã giải thích [được] tại sao đồng bào tôi sống được trên những mảnh đất nghèo khó từ thế hệ này sang thế hệ khác, rồi cái văn hóa nhảy múa ca hát từ phía mặt trời lặn hay phía mặt trời mọc xâm nhập vào làng tôi tự hồi nào chẳng để ý, như bản năng tiếp nhận những tồn tại khách quan, ngày ngày người làng tôi  vẫn lưu vào tâm trí những gì nghe thấy nhìn thấy từ các phương tiện truyền thông hiện đại: thứ văn hóa đa phức và  quyến rủ, sản phẩm của vô số những miền phố chợ trên mặt đất, hay như là sự phục hưng văn hóa ca hát của tổ tiên đang bị mai một, hay như là sự bức phá cái buồn tẻ của làng quê, bỗng mọi người thích nhảy múa và ca hát, người chị lam lũ trên ruộng đồng thay bộ quần áo khác bước vào đám gả con gái lấy chồng của vợ chồng anh Bảy Chẽn cầm mi cơ rô lên, hát theo bài hát đang vang ra từ giàn ka rô kê còn mới toanh anh Bảy thuê từ cái ban nhạc đồng quê của đám con trai con gái trong làng vừa hùn hập mua sắm hồi tháng trước, là hát nhép, nhưng hát cách gì cũng là cách thể hiện nhu cầu tình cảm của con người, rồi hết thảy những bà chị, năm mươi hay sáu mươi gì cũng nhảy lên cầm lấy mi cơ rô, có vẻ như một người hát thành thạo để thể hiện những gì đang  khởi lên ở trong tâm tư, rồi không phải chỉ vợ chồng anh Bảy Chẽn, đến lượt ông Tám Theo ông Chín Quờn cưới vợ cho con trai, ông Khá gả con gái lấy chồng, nhà nào cũng rước cái ban nhạc đồng quê về hát, phải có dàn nhạc để bà con trong làng đến hát, về sau, văn hóa ca hát của làng tôi bước sang một bước tiến mới, là khi có cưới hỏi thì phải xuống huyện xuống tỉnh tìm thuê những ban nhạc danh tiếng hơn cái ban nhạc trong làng, có cưới hỏi là phải làm cho ra hồn, và nhất định là phải có dàn nhạc khá danh tiếng để bà con trong làng ca hát, ca hát thành ra nỗi háo hức của những người cày ruộng, ca hát thành ra cái hội chứng, nếu là thời trước thì  người ta không gọi là hội chứng mà gọi là dịch ca hát, thứ hiện tượng xã hội lây lan như sự lây lan của dịch bệnh, sau đám tiệc thì nhà nào cũng thiếu thóc ăn, bỡi nhà nào cũng phải bán bớt thóc ăn để sắm sửa tiệc cưới hỏi, hội chứng ca hát kéo theo hiện tượng xã hội không đủ thóc ăn, tôi cũng không biết nên buồn hay nên vui với những nét văn hóa có vẻ mới mẻ đang diễn ra ở cộng đồng người làng tôi