sau bigbang [I]

LỜI ĐẦU SÁCH

Có người bảo cuốn tạp thế sử được chép vào thời trên thế giới xuất hiện hàng
loạt các thi nhân, triết gia, sử gia, thời của các vĩ nhân, nhưng kẻ bảo sách
không phải sử, mà là những sấm ngôn được nói ra từ cửa miệng của một vị
thần nào đó có duyên nợ với nhân gian, bỡi niên đại của sách không chép
theo kiểu lấy năm công nguyên mà lấy vụ nổ lớn (big bang) làm mốc. Mà thôi,
những chuyện đó là chẳng quan trọng, điều đáng suy nghĩ có phải sách là
chép cho loài giống người đương đại hay chép cho một loài giống người chưa
hoàn chỉnh nào đó, cũng thuộc họ người, nhưng khoa học ngày nay chưa
phát hiện được. Sau khi bỏ ra công sức (quá lớn) để sửa chữa sắp đặt lại sách,
tôi mạo muội đề tên tác giả Nguyễn Thanh Hiện cho tiện bàn luận khi nói
đến chuyện sở hữu trí tuệ, và nếu như đấy là một cuốn tạp thế sử thì sử văn
chẳng qua cũng chỉ  là một thứ văn chương hư cấu, do vậy tôi mới xếp sách
vào loại tiểu thuyết theo kiểu sắp xếp đương đại. 

                       

văn chương là vẻ sáng đẹp  của con người,
cho nên văn chương sẽ tàn phá hết thảy
những gì không phải là văn chương.
dụ ngôn trên núi

[1]

đằng sau mỗi tiếng khóc nhân gian là có hằng
loạt những xô đẩy, những chen lấn, những cướp

bóc, những hoán đổi, những mưu mô, những
gian dối, những băng đảng, những nụ cười khả
ố, những lời
chói tai như tiếng sủa của lũ chó
không còn đủ tư cách để sủa

[…] ô môi quốc, năm thứ 14 tỉ sau big bang,

vũ trụ vẫn tiếp tục giãn nở, biển bắc có phần cạn hơn so với năm trước, vua ô môi săn kỳ lân ở cực bắc, gặp lúc tuyết rơi dày, vua kêu buồn, quan trưởng vương hối người về kinh mang thêm ca kỹ và rượu, nhưng vua bảo đừng, buồn là vì nghĩ đến chuyện luật lệ đã lỡ đặt ra, hãy dẹp hết các thứ ấy đi, vua nói, nhưng dường như là chưa phải lúc, thưa bệ hạ, nghe chó nao trắng tru, quan trưởng vương thưa nói, ở ô môi có chó nao trắng tru là có điềm không lành, chó là chó mà người là người, cả những lề thói tổ tiên để lại cũng dẹp hết cho ta, vua nói, mấy hôm sau có chiếu truyền rằng vua không truyền ngôi như cách xưa nay, sau khi chết coi như vua vẫn ở ngôi cho đến khi

có số năm trị vì bằng  mười lần số năm trị vì khi còn sống mới truyền cho con.

[…] ô môi quốc, năm thứ 14 tỉ sau big bang,

dân ô môi có thói quen ăn mỗi ngày một bữa, nhưng gặp lúc tuyết rơi dày, không săn được con tê tê, năm bảy ngày mới ăn một bữa, gặp lúc tuyết rơi dày thì đến cỏ cũng chẳng đủ ăn mỗi ngày một bữa.

phụ lục,

sách hồn trần có đoạn, một gương mặt của một ngọn núi hay dòng sông cũng chỉ là cách thoáng hiện của vĩnh hằng, đằng sau mỗi tiếng khóc nhân gian là có hằng loạt những xô đẩy, những chen lấn, những cướp bóc,  những hoán đổi, những mưu mô, những gian dối, những băng đảng, những nụ cười khả ố, những lời vặn vẹo chói tai như tiếng sủa của lũ chó không còn đủ tư cách để sủa, đằng sau mỗi tiếng hát nhân gian là cả một vũ điệu của những dãi thiên hà, những thành phố của sao, múa và hát vốn là hình bóng của những chuyển động vĩnh hằng, dáng ai đi giữa miền cổ lục, suốt cõi phù du…

phụ lục,

sách trần ai chép, vua ô môi có gương mặt chó, nên mỗi khi dân ô môi lấy máu chó vung  lên  trời để trừ tà ma dịch bệnh thì nhà vua cứ sủa lên ông ổng khiến cho  bá quan hoảng sợ.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.