Ở Phía Đông Tôi

 

 

                          không có ý thức con người thì không
                          có thế giới nào hết

 

cuộc đời bác tôi là cả những tháng năm kỳ dị, có quá nhiều cách sống trên đời, nhưng cách sống của bác tôi đã để lại cho tôi những ấn tượng vừa bí ẩn vừa  đầy tính thi ca, bác tôi đọc nhiều, đi nhiều, vừa đi vừa viết ngôn ký, rồi tới tuổi năm mươi bỗng quay về làng, lập am thần để thờ đủ các vị thần phật, cuộc đời đơn độc không vợ con của bác ấy  như là  dành  hết cho những cuộc trò chuyện và tranh luận cùng các vị thần phật, từ khi về làng lập am thần ở phía đông khu vườn nhà tôi, khu vườn ông bà nội tôi để lại, trừ những thời giờ cho việc ăn uống bên nhà cha mẹ tôi, hầu như cả ngày đêm bác tôi giam mình trong công cuộc  trước tác trong căn nhà rộng thênh thang nhưng có vẻ không còn đủ chỗ cho đám tượng bằng thạch cao có bằng gỗ có bằng xi măng có, những vị phật sống, những vị thần mặt đen mặt đỏ, một người cả ngày lẫn đêm sống với hình bóng của các thế lực siêu nhiên thì có còn là bác tôi nữa  không, tôi đọc sách Ngôn Ký của bác tôi thấy ông luôn đắm mình trong những cảm thức siêu việt, bước qua lại giữa thời gian theo cách các vị thần, có vẻ như  muốn tiến vào miền đất vốn mãi  mờ mịt trong cảm thức con người, đặt chân lên đấy, rồi bình thản bước đi như thể là  quê hương thân thuộc của mình, thỉnh thoảng dừng chân trò chuyện cùng ai đấy, rồi lại bước đi, không có năm tháng, không có ngày đêm, không có xa gần, cứ bước qua lại giữa những tầng, những lớp, những miền, những cảnh… này ta nói cho các vị biết là ta đã sống ở đây tự nghìn năm trước đấy, dường như ông đã nói với ai đó,  tôi cứ cảm tưởng là từ ngôi làng thân yêu của tôi, bác tôi chỉ bước thêm nửa bước là tới các nền văn minh sông Tigre, văn minh sông Nil, hay văn minh sông Hằng…                                     

 

 

                                        SÁCH NGÔN KÝ

 

ta đi, và cảm thấy rất khó khăn khi bước thêm về phía trước, thế này là thế nào, có nhiều người cùng đi với ta kêu lên, ta cố bước thêm, nhưng vô ích, có cái gì đấy, thứ bóng tối đậm đặc, lầm than, hay là thứ khái niệm mông lung, tàn nhẫn, hay chỉ là một thứ vật cản thô sơ, cặn bã của thời gian, ta không rõ, nhưng rõ ràng là có cái gì đấy đã làm cho ta cảm thấy vô cùng khó khăn khi muốn bước thêm về phía trước, không phải là những trở ngại như cơn mưa chiều làm chậm chân một chuyến đi, hay lỡ một chuyến tàu đêm cuối năm, hay phải ngồi lại ở phía bên này một triều đại đang đổ, ta có thể khóc khi cần khóc, nhưng ở đây không phải chuyện để khóc, bỡi khóc chỉ là thứ cách thức biểu lộ tinh thần hết sức thông thường, ở đây còn hơn cả chuyện biến cố, bỡi biến cố cũng chỉ là những bất thường có tính cách bình thường, lúc mặt trời đứng bóng, giờ có những tên gọi khác của thời gian: ngọ, hay ngọ thiêng…ta có cảm tưởng như toàn thế giới đang quì dưới ánh mặt trời gay gắt nhất trong ngày để nguyện cầu, nghi lễ chỉ diễn ra khi con người đang cận kề với hủy diệt

ô hay

trăng chết
mùa tàn
                         
lá cỏ gục ngã dưới mặt trời…

dường khắp mặt đất đang ngân lên thứ tâm kinh có dư vang như thể đang ở đâu đó sau cuộc tàn phá, nhẫn nại và thành kính, bỡi ta có cảm tưởng như hết thảy đang dốc hết tâm sức để biểu lộ sự mong muốn tối thượng: hãy cho chúng tôi bước về phía trước, ta cứ thấy trước mắt ta đầy ắp những hình bóng về vô ưu,  về bất tử, những mong ước thường xảy đến với con người trước khi phải rời bỏ chốn cũ, hết thảy những người cùng chung đường với ta cũng đang nằm rạp xuống mặt đất để lắng nghe, vào lúc xế chiều ta nghe thấy rộ lên những lời tỉ mỉ, chân tình, đầy sức thuyết phục về mặt trời mặt trăng, về các hành tinh vừa khám phá được, về cấu trúc xương cốt của các loài có tư duy và không có tư duy, về sự an bình vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại, dường các nhà khoa học trên mặt đất đang ngồi lại với nhau ở đâu đó để soạn thảo thứ hiến chương mới mẻ nhất của thời đại, ta vùng đứng lên trong niềm hân hoan khôn tả, và bước tới, nhưng tình hình vẫn diễn ra như cũ,  có cái gì đấy thật thô bạo, thật tàn bạo, như ám khí của ngu xuẩn tích tụ trong lịch sử đang làm tiêu tan những hình thù đẹp đẽ của phía trước vừa mới hình thành trong ý thức của ta, hãy để cho chúng tôi bước về phía trước, những người cùng chung đường với ta lại kêu lên, ta cứ có cảm tưởng là  đang đụng đầu vào thứ tường thành hình thành từ cuộc tha hóa của trí khôn con người.

 

 

***

 

 

cũng chẳng phải là huyền ảo gì đâu, mà là thế giới đang bày ra ở  phía khác của ý thức của ta, một cách tiếp cận thế giới của ta, bỡi ta và em vẫn cứ đứng đó chờ cho đến cuối cuộc phù vân, vẫn cứ nghe thấy rùng rùng đứng lên một khoảnh tháng năm, một tượng đài của hiện hữu, a, ta là homo sapien…cứ nghe gào lên niềm kiêu hãnh, và tiếp tục những tiếng, những lời, lịch sử và trước tác, lịch sử và những cuộc đọ sức của trí tuệ, ta là  homo sapiensapien, không còn là homo sapien, mà là homo sapiensapien, có nghĩa là con người nghìn năm, nghìn năm cơn gió lạ thổi sau hè, ta và em vẫn đứng đó chờ cho đến cuối cuộc phù vân, vẫn nghe thấy những cơn gió lạ thổi qua miền lãng tử,  nghe rất rõ,  con người là chủ thể của mọi khách thể, bắt đá phải nói ra những tháng năm câm lặng, bắt các vị thần mới cũ phải nói ra thứ cách thức làm cho tan đi ngu tối, bắt trăng sao phải nhảy múa theo cách của con người, ta là homo sapiensapien, nhưng niềm kiêu hãnh với những ngọn gió lạ lại lung lạc kẻ kiêu hãnh, ta và em vẫn cứ đứng đó chờ cho đến cuối cuộc phù vân, chưa, chưa đến cuối cuộc phù vân nhưng đã nghe thấy đã nhìn thấy rất nhiều những tiếng khóc rất nhiều những lời kêu cứu rất nhiều những cái chết, có vẻ như … hiện hữu là vực thẳm, thời của bi ca…liệu ta và em có còn đủ sức đứng chờ ở đó cho đến cuối cuộc phù vân hay không

 

 

***

 

 

đâu phải chỉ có những cơn mưa lặng lẽ đi qua
con ong  chăm chỉ  với thế giới riêng tư
ngôn ngữ của ngẫu nhiên
với những cơn nắng sớm
với những ngọn gió chiều hôm
dấu vết  của hiện tồn
những cánh cửa mở vào cuộc hải hồ
lạnh lùng
và thăm thẳm
cuối cùng thì em cũng cho ta  biết thêm về thế giới
có thật nhiều những trường đoạn
thật nhiều những giấc mơ
mùa thu không chết
nhưng mùa hè chết
cuối cùng thì ta  cũng nhận ra
đâu phải chỉ có những cơn mưa lặng lẽ đi qua
những điều ta chưa biết về thế giới
cũng lặng lẽ đi qua

 

***

 

 

cha ta lại dẫn ta đi thượng nguồn sông Tưa, đất Bạc, dấu tích của người Chiêm, đất Bạc là tên gọi một vùng  núi non nơi thượng nguồn con sông Tưa gòm có suối đá, rừng cây, và chim chóc, thượng nguồn sông Tưa là ngọn suối hẹp, nhưng chảy xiết, công việc đầu tiên của ta lúc bấy giờ là nhảy xuống con suối lổn nhổn những đá núi, lập tức, nước quấn lấy chân ta, cái vấp ngã trên rừng lần đầu trong đời như thể một nét chạm khắc rất đẹp trong ký ức, cha ta có vẻ rất vui, chắc là ông thấy con trai mình cũng thích cảnh núi rừng như mình, cha ta cả đời đọc sách, thật ra, thời của cha ta, sách vở cũng chỉ lẩn quẩn  việc học cách làm người quân tử, và tránh xa lũ tiểu nhân, cũng chỉ  là những tứ thư, ngũ kinh, tàn đóm văn chương bọn xâm lược phương bắc để lại khi xâm chiếm đất nước ta, có thể nói cuộc đời cha ta là cuộc qua lại giữa đọc sách và lên núi, có lúc sáng đi tối về, có lúc nằm lại ở trên núi, nón lá, chân đất, với bọc cơm khô, hình như phải lên núi vì sách vở không làm thõa mãn trí óc của ông, cha con muốn chép sách mà làm không nổi, mẹ ta nói với ta, nhưng chép sách là sao, ta muốn hỏi mẹ, nhưng cái cách luôn muốn tỏ ra chuyện gì cũng biết khiến ta không mở lời được với mẹ, tuổi thơ ta là một cuộc truy cứu về thế giới chẳng đâu vào đâu, chuyện gì như cũng muốn dòm vào một chút,  trước khi lên núi, cha ta bảo là ông sẽ dẫn ta đi xem dấu tích người Chiêm ở sông Tưa, ta liền bảo…lần nào về ngoại con với mẹ cũng lội sông Tưa có thấy dấu tích gì  đâu, cũng với cái cách làm ra vẻ chuyện gì cũng biết, sông Tưa ở trên núi kia, cha ta nói, đêm, ta không ngủ, nằm tưởng tượng cho được con sông Tưa ở trên núi, cho đến lúc ngã xuống lòng con suối đầy đá núi  ta mới vỡ ra, nó, con sông Tưa trên núi là chẳng dính dáng chi với con sông Tưa trong tưởng tượng của ta, có tiếng chim nghe rất lạ thốt lên  đâu đó, cha ta nói đó là chim vướt, chính là người đưa tin thuở trước chết hóa thành chim đó con, cha ta nói, nhưng thuở trước là thuở nào, ta hỏi, và bắt đầu thấy mình bị quyến rủ bỡi vùng núi non gọi là đất Bạc, rồi như sự im lặng lan truyền từ thuở trước phủ lên câu chuyện kể của cha ta…’’giặc đánh chiếm kinh thành, giết rất nhiều người, và bắt làm tù binh hằng vạn người, kẻ thoát được lên non, chặt cây làm nhà, đốt cỏ trồng lúa, trốn biệt nơi rừng sâu, đời nọ sang đời kia, ngồi dưới bóng núi mà ngóng về cố quận’’…câu chuyện kể như lời truyền, ông cố ta sao chép bằng miệng câu chuyện kể từ miệng người khác, rồi truyền lại, cũng bằng miệng, cho ông nội ta, ông nội ta truyền  cho  cha ta, giờ cha ta truyền cho ta, nhưng người đầu tiên nào đã truyền cho người đầu tiên câu chuyện ấy, câu hỏi giống như khi đặt ra với người chép sử: vậy thì ai là người đầu tiên biết câu chuyện lập quốc, thế giới như thể nơi chốn chẳng thể dấu được chuyện gì, bây giờ thì ta đặt ra những tra vấn có tính bản thể luận như thế, nhưng hôm cha ta dẫn ta đi chơi đất Bạc, trời mùa xuân, mọi thứ đều có vẻ như đang chần chừ, thư thả, lũ chim thư thả hót, nắng sớm mùa xuân thư thả trải xuống núi rừng, cha ta, sau khi kể lại [đúng hơn là đọc lại] lời truyền về đất Bạc, ông cứ ngồi im nơi bờ suối, nghĩ ngợi, ông đang chép sách ư, ta đã nhớ đến lời mẹ ta nói về cha ta, khi làm sách Ngôn Ký, nhớ lại chuyện ấy, ta bật cười, tuổi thơ như thể đến một một hòn đá núi cũng có thể lừa được, ta nhớ, bấy giờ, tiếng chim hót trên đám cây rừng hai bên bờ suối nhiều và rộn rã đến mức ta cứ muốn nhảy lên, la hét, như từng cùng với đám bạn ta nhảy nhót la hét ở núi Rây [phía tây làng ta] khi nhìn thấy lũ chim cắt, lũ chim chuyên bắt lũ gà con, từng con chim cắc cứ thẳng tiến đến làng ta, trong lúc lũ chim rừng hót vang bốn phía, ta cũng làm như cha ta, lặng lẽ ngồi lên hòn đá núi như ai đó đã đem đặt sẳn ở lòng con suối Tưa cho ta ngồi, nhưng giặc là ai, sao những người chạy giặc chẳng còn ai nơi đất Bạc, và thuở trước là thuở nào, ta lại hỏi cha ta, nhưng ông vẫn ngồi im, không nói, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cuốn chép về vua Lý Thái Tông có đoạn…’’ Giáp Thân…1044… Mùa xuân, tháng giêng…vua thân đi đánh Chiêm Thành ….Đến cửa biển Tư Khách…. Vua nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ…. Vua mới cắt đặt quân sĩ dựng cờ nổi trống, sang tắt ngang sông đánh. Binh lính chưa chạm mà quân Chiêm đã tan vỡ, quan quân đuổi chém được 3 vạn thủ cấp. Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu tại trận đem dâng. Đoạt được hơn 30 voi thuần, bắt sống hơn 5 nghìn người, còn thì bị quan quân giết chết, máu nhuộm gươm dáo, xác chất đầy đồng… Mùa thu, tháng 7, vua đem quân vào thành Phật Thệ bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên . Sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng…’’, hay trong trận chiến 1044, những người thoát được cuộc truy đuổi của quan quân vua Lý Thái Tông đã trốn khỏi kinh thành Vijaya [Phật Thệ] lên ẩn trên non, và sau đó, các vua Đại Việt bao nhiêu lần đã đánh chiếm  kinh thành Vijaya, bao nhiêu lần người Vijaya ly tán, cho đến khi ta chép sách Ngôn Ký thì lời truyền về chuyện cư trú trên non của những người chạy trốn cuộc xâm lược, đất Bạc, vẫn còn là chuyện bí ẩn, câu chuyện cư trú, cứ thề, truyền từ đời này sang đời khác, rồi, giờ, thì thành dụ ngôn trên núi, đọc, không phải để nhìn thấy nhà cửa với con người nơi cư trú, mà để nhận ra ý nghĩa, tức tinh thần cư trú: hệ quả của sự tàn bạo của con người, thế giới đôi khi lại được thu nhỏ thành khái niệm, trong đó có cả những khái niệm về sự tàn bạo của con người

 

***

 

 

mẹ ta lại là người sáng tạo ra những giấc mơ cho ta, mẹ nói mẹ sinh ta vào mùa thu, tháng tám  mùa thu  mà  cây bần bân trên núi Rây trổ hoa trắng muốt, cây bần bần trỗ hoa  trái mùa đấy con ạ,  mẹ ta nhìn lên cây bần bân trăm năm tuổi trên ngọn núi ở phía tây làng ta, vẻ nghĩ ngợi, cái cây bần bân ấy cứ giống  một thứ đường biên trong cuộc rong chơi thời thơ ấu của ta, tuổi thơ ta là một cuộc rong chơi vô bờ bến, có thể nói vậy, thả mấy con bò cày của nhà  ở chân ngọn núi mọc rài ở phía tây làng  đó là ta và đám bạn chăn bò bọn ta bắt đầu lao vào những cuộc vui thần thánh, những cuộc phá phách đặt nền tảng trên thứ tư tưởng làm thay đổi hiện thực, có nghĩa, làm cho mọi thứ không còn như cũ, khi,  đứa nào cũng có một con ngựa bằng cỏ đế trong tay, ngựa chiến, là bọn ta bắt đầu lao vào cuộc chiến tranh vô cùng ngu xuẩn, tay cầm chặt con ngựa cỏ, rồi trườn bò trên thứ đất núi màu ba dan, ngọn núi xưa là miệng núi lửa, những người lớn trong làng nói vậy, bọn ta đánh nhau bằng cách  trườn bò  một cách vô cùng vất vả trên thứ sự tích hùng vĩ của đất đai cho đến khi rách cả áo quần, rách cả mặt mày, cứ tự tạo ra trong  nghĩ ngợi  sự dũng cảm và lòng căm thù kẻ địch, bấy giờ thì đứa bạn nào cũng trở thành kẻ địch, cuộc chiến giả định là được đặt nền tảng trên thứ hiếu chiến hiếu thắng giả định, cứ vừa trườn bò đi, vừa gào lên như một lũ điên, nhưng đến khi nhìn lên cái cây bần bần mấy trăm năm tuổi ở trên đỉnh  núi ấy thì bọn ta liền tỉnh ra, đã đến lúc phải kết thúc cuộc chơi, mặt trời đã hụp  xuống phía bên kia ngọn bần bân là bọn ta phải lùa bò về chuồng, quá khứ  như thể một thứ phép thử của trí tuệ con người, ta bắt đầu từ mẹ ta, nhưng mẹ ta lại bắt đầu từ bà ngoại ta, nhà ngoại ta ở phía đông nhà ta, phía mặt rời mọc, nói nhà ngoại ta ở phía đông nhà ta là nói theo phương hướng, thật ra thì làng ngoại ta cách làng ta không biết bao nhiêu là làng xóm, sáng ra, con thấy mặt trời mọc ở chỗ nào thì nhà ngoại con ở chỗ đó, ta nhớ hồi ta lên chín mẹ ta đã chỉ cho ta biết nhà ngoại ta theo cách ấy, theo trí tưởng tượng của ta lúc bấy giờ thì nhà ngoại ta rất gần với mặt trời, bấy giờ ta đinh ninh rằng khi tới nhà ngoại ắt  sẽ gặp được  ông mặt trời, tháng tám, mẹ ta dẫn ta qua sông Tưa [ở phía đông làng ta] để lên đường về quê ngoại, tức đi về phía mặt trời mọc, khi tới nhà ngoại rồi chỉ thấy toàn những người bà con trong họ ngoại đến giỗ kỵ ông ngoại ta, lúc ta lên chín thì ông ngoại ta đã mất, chẳng thấy ông mặt trời đâu cả, ta liền kéo mẹ ta ra phía sau nhà để hỏi cho ra lẽ, dường mẹ  biết  ta muốn hỏi chuyện gì, bà nhìn lên bầu trời trên đầu, bấy giờ là buổi cuối thu, rất nhiều những đám mây đen đang kéo qua  bầu trời trên đầu ta, con nhìn kia, nếu không có những đám mây mưa đó  ông mặt trời đã đến ăn giỗ ông ngoại con, mẹ ta giảng giải, ông ngoại ta là nhà nho ngồi dạy đám học trò trong làng, bà ngoại ta cũng con nhà có chữ nghĩa, mẹ ta cũng được ông bà ngoại ta dạy cho chữ nghĩa, trong bụng mẹ ta bấy giờ đựng đầy chuyện cổ tích, bấy giờ ta rất tin lời mẹ ta  nói, rồi tự hứa với lòng mình là lần sau về quê ngoại sẽ gặp được ông mặt trời, có lẽ mong mỏi lớn nhất của ta lúc bấy giờ là làm sao gặp được ông mặt trời, thứ vật thể ngày nào cũng nhìn thấy lơ lửng trên đầu ta, tuổi thơ cứ như cái khúc đời có nhiều ước mơ nhất, ngay cả được làm thần tiên, hay đấy là lúc tụ hội trong đời một người những kỳ vọng quan trọng nhất, nền tảng cho những sáng tạo của loài  người, ta cũng không biết có phải vậy không, rồi ta đã theo mẹ về quê ngoại không biết bao nhiêu lần, nhưng chưa lần nào gặp được ông mặt trời, ta đã biết thấy xấu hổ, nên không còn dám chất vấn mẹ  về chuyện ông mặt trời, các mùa cứ trôi qua, rồi ngày nào ta cũng nhìn thấy mặt trời chói chang ở  trên đầu, cách trở, biền biệt,  đã cạn hết những lý lẽ cho một cuộc gặp, tuổi thơ là cuộc thám hiểm lận đận, rồi ta nằm mơ, ta nhớ vậy, ta nằm mơ thấy mình đã gặp được ông mặt trời, ta đã thấy ta gặp ông mặt trời ở quê ngoại của ta, nhưng một chặp thì thấy không phải ông mặt trời mà là ông ngoại ta, ông ngoại ta có râu và hơi ốm, cháu có muốn đi hoang không, ông ngoại ta hỏi, đi hoang là đi lung tung chỗ nào cũng đến đó cháu, ta nói là cháu rất muốn, ông ngoại ta vuốt tóc ta, thế thì cháu cứ từ chỗ mặt trời mọc mà đi, ông ngoại ta nói, và ta bắt đầu ra đi.

 

 

***

 

sách Ngôn Ký của ta là nhặt nhạnh những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống để thấy ra chổ cần phải thấy, chỗ cần phải bàn, đôi khi  phải tranh cãi với các bậc tiền nhân,  hay phải dẹp bỏ niềm sợ hãi đối với  những phán xét có vẻ áp đặt một cách tùy tiện của các vị thần, đôi khi, ta cũng cảm thấy mình là kẻ chịu nhiều thiệt thòi, bỡi vậy cứ muốn nói cho rõ ra công việc của sách:
ץ định lại bờ giới của chữ [thì cũng thử làm vậy thôi]
ץ về các cuộc chơi của lũ chuồn chuồn  [có thể là ta thấy nuối tiếc khoảnh đời thơ ấu của mình]
ץ những cuộc thảm sát hoa hồng của con người đương đại vẫn chưa được làm sáng tỏ

ץ những hội chứng văn minh đang  làm khủng hoảng thế giới quan của nhân loại

ץ các dấu vết cũ có vẻ như bị lãng quên của một số loài có trí khôn và  không có trí khôn

ץ những kẻ làm hỗn loạn thi ca như những tội đồ của cuộc tiến hóa của các loài giống
ץ lai lịch của những thịt xương rã tan trong đất nhưng vẫn còn gốc tích nơi mặt đất

 

 

***

 

 

ta đi, và luôn cảm thấy như  đang lạc vào ký ức của  mình, vào một sáng sớm mai thức dậy ta thấy mình đang ở giữa cuộc xét xử của thế kỷ, trống kinh thành, ta như đang nghe thấy trống tràng đình vọng lại từ chốn đế đô nào đó, ông vua mặc áo da hổ, vẻ tức giận, đi ra đi vào chốn hoàng cung, âm vang của những khúc sử đã cũ, và như đang bày ra trước ta những dấu vết phù hoa, ngạo mạn, những vương phủ, soái phủ, tổng phủ, biệt phủ, không phải, chỉ là nỗi sợ hãi của kẻ sắp bị xét xử hóa thân thành những vật thể sử thi, và nơi bầu trời trên đầu ta, mây, và nắng ban mai, dường hết thảy đám sao đêm vẫn còn đủ cả ở đằng sau màu nắng của buổi ban mai, và lũ chim trên các khu rừng vừa mới nghe hót vang đó, bỗng im bặt, đã có tiếng vó ngựa thật gần, đã sắp đến giờ xét xử,, tiếng hô vang của bọn đao phủ, và lừng lững ở trước ta lúc bây giờ là những kẻ đang thay mặt cho chân lý, bỡi trên vầng tráng của các vị đều hiện ra vết khắc: sứ giả của sự thật, ta lập tức hiểu ra đây là phiên tòa của chân lý, chứ không phải phiên tòa của công lý, rồi là bắt đầu rủng roảng tiếng dáo gươm, bắt đầu vẻ chết chóc của pháp đình, và bắt đầu những lời luận tội như thể đang đốt cháy hết thảy những sai lầm của thế giới, lũ chim trên các khu rừng đang im bặt bỗng cất lên những lời kỳ dị như thể những khúc cầm ca, buồn, và nghe rộng như các đại dương, những khúc ca của chim vẫn tiếp tục cất lên giữa những lời luận tội của các sứ giả của chân lý, rốt cuộc ta cũng đã biết được tội trạng của mình là đã nói ra quá nhiều sự thật, nhưng xin thưa quí tòa, ta đã phải đứng lên vì không thể không nói ra hoài bão của mình, rằng, cả đời ta chỉ mong muốn mỗi việc là được nói ra sự thật nhưng chưa bao giờ được nói ra, ta nói, và tiếng dáo gươm lại khua lên, rủng roảng, ta thử nhìn các vị quan tòa, và cứ thấy lảng vảng trước ta thứ cảnh trí máu đổ đầu rơi, nhưng vào phút lâm nguy đó như có ai đó rỉ tai ta, là tiếng nói của một vị hiền triết của nền văn minh nào đó trong quá khứ chăng: đừng sợ, không đến nỗi phải chết dưới tay bọn quan tòa ngu xuẩn đâu, nhiều lắm là ngươi lại tiếp tục lưu lạc giữa cái thế giới đã quá cũ  này.

 

 

***

 

hay là ta lại bắt chước nhà thơ nhà triết học Ý Giacomo Leopardi [1798-1837] gào lên với xứ sở của ta, cái xứ sở, ta cứ có cảm tưởng, là cứ  muốn xét xử ta…
ôi, đất nước tôi, tôi nhìn thấy những bức tường, những cột vòm
những tượng, những ngọn tháp đơn độc
của tổ tiên chúng ta,
nhưng tôi không nhìn thấy niềm vinh quang,
tôi không nhìn thấy sắt thép và cây nguyệt quế nơi đó
tổ tiên chúng ta từng ôm ấp. Bây giờ, không được che chở
em đã để lộ bộ ngực trần và vầng trán của em
À, thương tích thế nào,
máu và những vết bầm gì! Ồ làm cách nào [để]  tôi nhìn thấy em
người phụ nữ quí phái đáng yêu nhất! Tôi hỏi bầu trời
và mặt đất: hãy nói với tôi, hãy nói với tôi:
kẻ nào đã mang em tới đây? Và tệ hơn nữa,
đã cột cả  tay em vào ghế:
với mái tóc rối bời như thế, không mạng che,
nàng ngồi lên nền đất, lơ láo, sầu não,
giấu mặt
giữa sự hạ mình của nàng, và giọt nước mắt
Khóc,

O my country, I see the walls, arches
columns, statues, lone
towers of our ancestors,
but I do not see the glory,
I do not see the iron and the laurel in which
our forefathers were clasped. Now, defenceless,
you show your naked breast and brow.
Ah, how wounded,
what blood and bruises! Oh how I see you
loveliest of ladies! I ask the sky
and the earth: tell me, tell me:
who reduced her to this? And worse,
imprisoned both her arms in chains:
so with loosened hair, without a veil,
she sits on the ground, neglected, disconsolate,
hiding her face
between her knees, and weeping.
Weep,

 [Giacomo Leopardy/Canti/To Italy, bản tiếng Anh của A.S.Kline]

 

 

***

 

 

ta đi, và đã  nhận ra từ phía ký ức, những khoảnh trời tuổi thơ của ta là gòm có dế, chuột, lúa, cỏ, và trăng, và nhiều thứ khác nữa, những cuộc hẹn hò nơi đồng ruộng, núi đồi, phố thị, biển cả, và cả ở những nơi không phải là mặt đất, những cuộc gặp bất đắc dĩ,  những thằng mặt đen, những thằng mặt trắng, tức bọn phản phúc, bọn vô tổ pháp, và bọn nịnh hót, và  những  ngày  đêm của những thứ lịch sử kỳ dị,  tùy tiện, nhưng có thứ lịch sử nào là không tùy tiện đâu, những thứ lịch sử luôn kèm theo những thuyết lý, những biện bạch, tức những ký, những luận, luôn luôn thiếu sót, và vô cùng ám muội, vô cùng hống hách, vô cùng ngu xuẩn, thứ ký ức đang đọng ở trong ta cứ như thể một thứ trận đồ đa đoan, rối rắm, ở đó có cả những gào thét, những nguyền rủa, gào thét và nguyền rủa gì thì đôi khi ta  cứ nghe thấy xốn xang trong nhận thức và không hiểu hết, một người ngã xuống, hay rất nhiều người ngã xuống, hệ lụy thảm hại của những thù hằn, của những tranh gìanh chỗ đứng nơi mặt đất, sự hỗn độn của thứ trận đồ ấy là luôn làm cho ta cảm thấy bất an, cảm thấy mất mát, và nghèo túng trong nghĩ ngợi, nếu không nói là  rơi vào cuộc mù lòa ý thức

 

 

***

 

 

 

 

rồi ta đã làm một cuộc đi xa đầu tiên trong đời mình, đi về phía thế giới có nhiều tiếng hát,  ta và những người đồng hành với ta  đang cầu nguyện cho một thế giới có nhiều tiếng hát, buổi cầu nguyện ngoài trời, cho mát, các em bé nói, nhưng những người già thì nói là để những lời cầu nguyện dễ tới tai ông ấy, này, phải đọc thế này, prờ…rờ, các bạn phải mím môi lại, hơi chặc một chút, rồi thả ra, ông ấy đã dạy cho chúng ta bắt đầu một cuộc cầu nguyện là phải đọc như thế, một người già nói, nhưng là dạy hồi nào, một người già khác  hỏi, kẻ này cũng chỉ nghe nói vậy, ta nghe người già vừa mới bày cái cách mở đầu cho một buổi cầu nguyện thẳng thắn trả lời với người già kia  rằng mình cũng không biết ông ấy đã bày ra cách ấy vào lúc nào, ta cảm thấy hoang mang trước những sự thật có vẻ còn bấp bênh, chẳng lẽ tất cả chỉ là ảo ảnh, nhưng dù gì chúng ta cũng phải làm theo lời dạy ông ấy, một phụ nữ nói, chị ta đang cho con bú, đứa bé mới sinh trong đêm đầu tiên của cuộc du hành, thằng bé khóc vì ọc sữa, hãy nín đi  bé bỏng của chúng ta, những người già cùng nói, mọi người đều hướng về đứa bé, tự dưng mọi người không hướng về ông ấy, mà hướng về đứa bé, chúng ta đang cầu nguyện thì chị phải dỗ cho nó nín đi, một người đàn ông nói, nghe giọng nói  có vẻ khó chịu ta biết là ông ta không bằng lòng về việc người phụ nữ để cho con mình khóc trong lúc cầu nguyện, anh có thôi đi cái giọng mộ đạo ấy không, một người đàn ông khác nói, mộ đạo cái con khỉ, chỉ vì sợ ông ấy mà thôi, một người đàn ông khác nữa nói, mọi người cười ồ, cứ tiếp tục thế này thì chả ra thể thống gì cả, ta nghĩ,  thật ra thì ta thấy mọi thứ ở đây chả ra thể thống gì cả, hãy lên đường thôi, ta tham gia vào cuộc du hành chỉ vì người ta hối thúc ta, người ta đi thì mình cũng đi thôi, bỡi vì đó là lệnh của ông ấy, những người đồng hành với ta có ai nhìn thấy ông ấy chưa thì ta không biết, nhưng ta thì chưa bao giờ nhìn thấy ông ấy, cứ tiếp tục thế này thì chả ra thể thống gì cả, ta nghĩ, nhưng một thứ không khí nghiêm trang bỗng ập đến với bọn ta,  chính là  ta cũng chẳng nhìn thấy ông khách đã đến bằng cách nào, sau khi chào hỏi mọi người, ông khách có vẻ rất uy nghiêm đã ngồi xuống đất với bọn ta,  ta thấy ông khách cũng bận áo vải, thứ vải hồi mẹ ta còn sống đã dệt bằng những sợi chỉ kéo từ những lọn bông lấy từ những trái bông do cha ta trồng, tự dưng buổi cầu nguyện bị ngừng lại, kẻ này cũng người ở đây, chỉ vì bấy lâu chúng ta chưa có dịp gặp nhau. ông khách bỗng thổi một luồng không khí thân thiện vào bọn ta, chẳng lẽ lại là ông ấy, quả tình lúc nào bọn ta cũng cảm thấy ông ấy đang ở đâu đấy, rất gần bọn ta, kẻ này tu tập suốt ba trăm năm nay, giờ muốn truyền cho các bạn thứ cách thức đi tìm hạnh phúc, ông khách nói, nhìn bọn ta với ánh mắt dò xét, ý đồ tế thế của ông khách làm tan biến những nhận định của ta, thì ra là một nhà tu hành, một nhà tu kín, ta đoán, nhưng là chúng tôi đang cầu nguyện cho một thế giới có nhiều tiếng hát, lập tức có sự phản ứng của những người già, vừa cầu nguyện cho một thế giới có nhiều tiếng hát vừa đi tìm hạnh phúc, ông ấy đâu có ngăn cấm chúng ta, một người đàn ông nói, làm sao biết được là ông ấy không ngăn cấm, một người đàn ông khác vặn lại, làm sao ông ấy lại đi ngăn cấm chúng ta chứ, muốn có một thế giới có nhiều tiếng hát, thì chúng ta phải có hạnh phúc, hoan hô nhà truyền đạo vĩ đại của chúng ta, người đàn ông đòi vừa cầu nguyện vừa đi tìm hạnh phúc lại làm ầm lên, cứ tiếp tục thế này thì chả ra thể thống gì cả, trong lúc ta suy nghĩ về tình cảnh phức tạp của cuộc du hành  thì ông khách đã biến mất, chính ta cũng chẳng nhìn thấy ông khách ra đi bằng cách nào, đã để mất cơ hội nghìn năm rồi, người đàn ông đòi vừa cầu nguyện vừa đi tìm hạnh phúc lại gào lên, và bỏ mọi người lại, một mình chạy về phía mặt trời lặn, tai đoán là người đàn ông không thế nào dám rời bỏ ông ấy, với lại biết nhà tu hành kia ở đâu mà tìm, quả vậy, chỉ lát sau là người đàn ông quay lại, sao không theo ông khách quí đi tìm hạnh phúc, người phụ nữ có con nhỏ nhìn người đàn ông nói, sợ rồi chứ gì, một phụ nữ khác nói, ta đã nghe thấy tiếng rao của thằng bé bán báo thường vào giờ ấy thì xuất hiện trên đường đi, có tin tức mới đây, bọn ta đi đến ngày thứ hai vạn sáu ngàn thì gặp trở ngại, nắng như trút lửa, hết thảy những người già ngồi thở dốc, các em bé còn bú mẹ chốc chốc lại nhả vú ra, thở, như có ngọn lửa ám muội nào đó từ trên trời đổ xuống, có âm mưu, nhất định là có âm mưu, mọi người rỉ tai nhau,lập tức niềm căm phẫn kẻ muốn ám hại chúng tôi dâng lên trong huyết quản mọi người, vào một sớm tinh mơ, một người đàn ông đã tuyên bố với mọi người rằng  ông đã nhìn thấy kẻ thù, thấy hồi nào, mọi người hỏi, trong đêm, người đàn ông đáp, nhưng là đã tận mắt nhìn thấy chưa, rồi, hắn là một con mèo, lập tức chúng tôi chia nhau đi truy sát loài mèo, giờ đây bọn ta bắt đầu hình dung về sự tàn bạo của một loài sinh vật có vẻ ngu ngơ nhưng lại tạo ra được những ngọn lửa chết người, và bắt đầu kinh tởm chúng, phải giết hết lũ chúng, đám con trai con gái mang băng đỏ màu máu ở cánh tay, hô vang những khẩu hiệu diệt mèo, và nắng vẫn tiếp tục đổ xuống bọn ta, đã có nhiều người già chết vì nắng, bấy giờ bọn ta không  nghĩ về loài mèo nữa, mà hướng đến một âm mưu nào đó, âm mưu của một con người xấu xa tội lỗi nào đó, niềm lo sợ chưa vơi thì trời đổ mưa, mọi người bỗng cảm thấy hết khát, đã có tiếng cười của những em bé, sau khi chôn cất những xác người chết, đêm, những người già rỉ tai nhau : hay là chúng ta đã có sự lầm lẫn nào đó, hay là ông ấy  muốn thử lòng kiên nhẫn của chúng ta, bọn ta đi đến ngày thứ ba vạn sáu ngàn vẫn chưa có ai trong bọn ta có thể diễn đạt được một cách minh bạch về ông ấy, đã trải qua một chặng đường đầy sự cố, chưa định nghĩa được về ông ấy, nhưng mọi người đều ý thức rằng mình đang chịu sự điều khiển của một kẻ dù có đem hết sức lực của một con người để vùng vẫy cũng chẳng thể thoát được, giờ ta đã thành một người già, những người già có mặt trong những ngày đầu cuộc du hành giờ đã thành người thiên cổ, có người chết vì già yếu, có người chết vì đạn bom, có người chết vì sợ hãi, nỗi sợ hãi như một lớp tồn sinh gắn với cả cuộc đời của những người già bấy giờ được coi như những kẻ tiên phong trong cuộc du hành, bọn ta lo sợ bị hất ra khỏi thứ phía trước  có nhiều tiếng hát, và giờ đây, lớp người già của ta như cũng đang kế tục sự nghiệp bảo vệ cho một khung trời còn xa lơ đằng trước, bọn chúng là những đứa ngỗ nghịch, một người già trong lớp người già của ta nói, những kẻ sinh sau chúng ta dường như chẳng muốn hiểu về ông ấy, một người già khác trong lớp người già của ta nói, đả đảo lũ rùa, ta biết đấy là tiếng của đứa cháu nội người phụ nữ đã sinh con trai đầu lòng trong ngày đầu tiên cuộc du hành, thằng bé đang tụ tập những đứa cùng lứa đi diễu hành,  cũng chẳng hiểu  vì sao mấy hôm nay lũ chúng lại tụ tập nhau để  đả đảo lũ rùa, một người già trong lớp già của ta nói, nhưng tôi thì biết, bà lão vốn là người phụ nữ sinh con đầu lòng trong những ngày đầu cuộc du hành nói, bà biết thế nào, một bà lão khác hỏi, bà lão vốn là người phụ nữ sinh con đầu lòng trong những ngày đầu cuộc du hành buồn bã nhìn bọn ta: hay là bọn chúng ta đang bước đi theo cái cách của lũ rùa, hãy thôi những nghĩ ngợi ảm đạm ấy đi, một người già trong lớp người già của ta tỏ thái độ phản đối, hay là tôi với bà trò chuyện nhau  một lát đi, ta nói với người phụ nữ đã sinh con đầu lòng trong những ngày đầu của cuộc du hành, ta và bà lão lê gậy bước về phía bãi phế tích, mới mà đã hơn trăm năm, ông nhỉ, bà lão vốn là người phụ nữ sinh con đầu lòng  trong những ngày đầu của cuộc du hành nói, phải, một trăm năm đã trôi qua, ta  nói, trước mặt ta và bà lão,  kéo dài từ bộ tộc của bọn ta về phía mặt trời lặn và về phía mặt trời mọc  là đống phế tích của thế kỷ, đống phế tích  cao ngút trời, những xác xe, xác pháo, xác tàu bay, xác phi thuyền, xác máy tính…cái đống văn minh đổ nát ấy là như đang nhảy múa điên cuồng trong ký ức ta, cứ chờn vờn trong thứ trí nhớ gần như kiệt sức của ta những cuộc thánh chiến, những cuộc tiến công của những người mù, những khủng bố và thảm sát, những không kích và chống không kích, những hội họp và ký hết [hôn nhau và nguyền rủa nhau] những cuộc ngưng bắn và không ngưng bắn, những ly khai và sáp nhập, những thứ chủ nghĩa nghe cảm động tựa những lời của non nước… thấy bà lão vốn là người phụ nữ sinh con đầu lòng trong những ngày đầu của cuộc du hành cứ đứng im, nghĩ ngợi, ta cũng đứng im, tiếp tục nghĩ ngợi, phải rồi, đã im hết mọi thứ, im hết tiếng đạn pháo, im hết những lời tuyên bố có lửa của những kẻ hiếu chiến, im hết những giọng hô hét của những vị chủ tể những đất nước giàu có, im hết những lời nịnh hót kẻ mạnh của những đám cầm quyền hèn hạ…cuộc sống là một cơn đại mộng, ông nhỉ, bà lão vốn là người phụ nữ sinh con đầu lòng trong những ngày đầu của cuộc du hành nói, phải, một cơn đại mộng, ta nhắc lại lời bà lão, bà ấy chùi nước mắt, rồi lặng lẽ lê gậy trở về nhà làm như thể chẳng phải là đang có cuộc trò chuyện với ta, ta lại thấy nhớ người tình cũ của mình, tháng chạp, mùi hương rạ lúa trì, ta và người con gái ấy dắt nhau đi trên những bờ ruộng vừa gặt xong, hương rạ thoảng qua miền trời của những nỗi niềm như chẳng bao giờ cạn kiệt, chẳng bao giờ phai tàn, tình yêu của ta và nàng vẫn cứ chảy qua những giấc mơ đầy ứ hương thơm, đầy ứ tiếng hát của lũ chim rừng vẫn hát về những cơn gió sớm thổi ngang qua mặt trời ban mai, em nói em mơ một ngày, người con gái nhỏ nhoi là em được chui ra chui vào một mái nhà cũng nhỏ nhoi như em, nhưng ở đó là em chui ra chui vào với người em yêu, chui ra chui vào với ta, còn ta, khi nghe nàng nói, ta gõ tay lên vầng trán nhỏ nhoi của mình để cố nghĩ ra cái cách làm sao cho có một mái nhà nhỏ nhoi để cho người con gái ta yêu có chỗ chui ra chui vào, ta gõ tay lên trán, nghĩ ngợi, và hôn nàng, thì ra là ta đang nhớ về một cuộc tình không có khúc cuối, thuở hoa niên ta có bao nhiêu cuộc tình, sao ta lại đi nhớ  đến người con gái cuối cùng đã bỏ ta mà đi lấy chồng, ta thấy nhớ người tình cũ của mình, và thấy nhớ những ngày cuộc du hành bọn ta còn đông vui, có những lúc bọn ta  là một xứ sở, một đất nước, một thế giới, bọn ta đi, vẫn luôn mang theo trong mình thứ quá khứ bất tường ấy cùng nỗi sợ hãi bị hất ra khỏi con đường đi tới thứ phía trước có nhiều tiếng hát.

 

 

 

***

 

vào những tháng năm  mãi mê đi tìm những cách thức làm cho thế giới trở nên rõ hơn
ta đã gặp nàng
nơi khúc ngoặc của những khúc hát đương đại
nàng như con chim sãi cánh giữa những chữ nghĩa sang trọng

xin chào sứ giả của lãng quên và nuối tiếc
nàng nói

nơi khúc ngoặc của cuộc hành trình nàng lặng lẽ nhìn ta
những cung bậc của âm vọng
chữ nghĩa
sứ mạng tường trình về
hình dáng của nguyên sơ
nền móng của  thăng trầm
hỗn tạp
một thời minh triết khởi lên giữa  phù vân
ngôn ngữ hóa thân thành thi ca triết học
ta cứ ngỡ bản giao hưởng của  trí tuệ con người vẫn vang dội nghìn năm

 

 

***

 

 

tự hồi nào, ta không còn nhớ, cứ mỗi lần nghĩ đến làng quê của ta, là ta lại nghe vang lên thứ cảm thức như thể là ta đang ngồi đâu đó trong khu vườn nhà ta để nhìn ngắm bầu trời thân thuộc ở trên đầu như thể là lúc nào cũng được đánh dấu một cách chắc chắn trong ký ức của ta, hoặc, một áng mây trôi, cái áng mây hình con dê, thoắt cái, đã thành hình con voi, cứ thấy mây bay là ta lại tưởng tượng ra đủ các thứ thế giới, của ma quỉ, của thần thánh, hay của những con vật chẳng đời nào trông thấy mặt nhưng đêm đến là óng ả kêu lên nơi bờ rào trước nhà,  hoặc, một cánh chim vụt qua, lũ chim  ở quê ta như thể sinh ra là để bay vụt qua bầu trời trên đầu ta, vậy đấy, cứ nghe vang lên thứ cảm thức cứ giả sử  là ta đã đi đâu đó, ta cứ tưởng tượng là ta đã đi đâu đó rất xa, và rất lâu, có khi đến mười lăm năm hai mươi năm, và đang trở về, con chó nhà ta tưởng ai, sủa lên, nhưng lập tức biết là ta đang trở về, con chó lập tức  nhảy lên níu lấy áo ta, quê hương là vậy, cho đến  con vật không đời nào có thể thể hiện tình cảm của mình bằng lời, thì có con vật nào là  biết thể hiện tình cảm  bằng lời đâu, thì cũng  bằng cách này, hay bằng cách khác,  để làm cho một loài giống đang cùng với chúng sống trên cùng một mặt đất là loài giống con người biết là chúng đang nghĩ gì, đang muốn gì, ta cứ thấy nhớ làng quê của ta, rất nhớ, là ta đang ngồi ở ngôi nhà của ta, ngôi nhà ở trong làng, nhưng lại cứ thấy nhớ ngôi làng thân yêu của ta, nhớ vô cùng, hóa ra ngôi làng thân yêu của ta cũng chỉ là cuộc lắp ghép lỏng lẻo của tồn tại,

 

 

***

 

ta đã rời bỏ cái bộ tộc buồn bã trong cuộc hành trình đi tìm thế giới có nhiều tiếng hát để đến chơi với những người cùng làng đã chết hồi những thế kỷ trước, con đò hơi chòng chành vì va phải những xác người đang trôi sông, ông có sao không, cô gái đưa đò hỏi, không sao, ta nói dối, vì vẫn đang nghe thấy giọng nói độc địa, thứ giọng nói văn hoa ác hiểm lúc đã lên đò trên sông mê vẫn còn văng vẳng bên tai: bạn có thể tự do bước trên những nẻo đường do bạn chọn lựa, thế giới đương đại, một bước nhảy vọt rất lớn về kiến trúc tự do, thế kỷ tận hưởng của bạn…những viên thuốc đắng nghét, ta qua đò trên sông mê, bối cảnh hơi bất thường, nơi xảy câu chuyện là thế giới của những người chết, địa ngục, khách sang sông mê đến từ mặt đất, ta muốn tìm chút khuây khỏa ở ngôi làng những người cùng làng đã chết đã dựng lên hồi  thế kỷ trước, ta lại ngồi im, nhìn cô gái đưa đò còn rất trẻ, và nghĩ ngợi,  sự quyết định của em như một sai lầm chẳng thể sửa được, đã  từ địa ngục này chuyển sang một  địa ngục khác, cô gái thả lỏng tay chèo, nhìn ta, nói, giọng buồn bã, tự lúc nghe nói ta cũng là người cùng làng với nàng thì nàng tỏ ra thân thiện với ta, cái chết của nàng là do nàng quyết định, tự vẫn để tránh cho thật xa nơi mặt đất nuôi dưỡng sự giả dối và phản bội, hỏa ngục đang có  nhiều tội nhân, hằng trăm kẻ bị hành quyết thả trôi sông, nàng nói, lại thả lỏng thay chèo, con đò lại chòng chành vì va phải những xác người, ông có sao không, nàng hỏi, giọng  mệt mỏi, không sao, ta lại nói dối, những giọng nói độc địa vẫn cứ văng vẳng bên tai: thế giới đang mang trong mình những yếu tố nhân bản,  không bắt nạt nhau, không hận thù nhau… những cộng đồng nhân loại rộng lớn đang hình thành khắp nơi…ta bắt đầu nhìn thấy những con nòng nọc rụng đuôi nhảy lên bờ thành ếch nhái, thì ra lũ ếch nhái  cũng biết choảng nhau, con đò lại chòng chành vì phải luồn lách qua nhiều xác chết, ông có sao không, nàng hỏi, không nhìn dòng sông. mà cứ nhìn ta, không sao, ta lại nói dối, và gần như không còn chịu đựng nổi mùi thịt người thối rữa bốc lên từ lòng sông, ta ngồi đò trên sông mê suốt ba ngày đêm, tính theo số vòng quay kim đồng hồ trên tay ta, nhưng nàng thì  bảo mới đi được  một chặp thôi, có nghĩa, còn một chặp như thế thì sẽ cập bờ bên kia, ba ngày đêm ngồi đò trên sông mê, trò chuyện với cô gái, ta biết được những nét đại thể của địa ngục, từ bờ bên kia rẽ sang phải là pháp đình, nơi tra xét tội nhân, khu vực dành cho những kẻ tội lỗi ở trần gian, và rẽ sang trái là một miền khác của địa ngục, nơi cư trú của những người không phạm tội ở trần gian, những người phải tự kiếm lấy miếng ăn, cơm gạo ở địa ngục là sỏi đá, và người con gái vẫn chèo đò trên sông mê để kiếm sống, nhưng ông định thăm ai ở đó, nàng hỏi, không nhìn mái chèo và dòng sông mà nhìn ta, kẻ này cũng chẳng biết nữa, ta nói, và lơ đễnh nhìn dòng sông như để che dấu sự thất vọng về chuyến đi của mình, có quá nhiều tiếng kêu  khóc vang lên từ phía pháp đình của địa ngục, tra tấn, treo cổ tội nhân, những việc làm  ở đây cũng không khác trần gian mấy, chỉ có điều là không có đất để chôn xác người chết phải thả trôi sông mê, ta chợt nhớ, có lần ta đã nói với  bạn ta về địa ngục, ta nói về một thứ địa ngục theo cách nhận thức của ta lúc bấy giờ: chẳng thể hít thở không khí trong sạch, u uất đè nặng lên mọi thứ ý thức, đè nặng cả lúc ngủ, đè nặng cả lúc không ngủ, đè nặng cả lúc không thức không ngủ, thời gian đọng thành những giọt đắng …ta thấy nhớ lại những lời ấy, và thật giống làm sao với mọi thứ đang diễn ra ở đây, con đò lại đụng phải những xác chết trôi sông, chòng chành, ông có sao không, nàng hỏi, lần này thì  để lộ hết nỗi chán nản của mình, không sao, ta lại nói dối, ngồi đò trên sông mê suốt ba ngày đêm, nghe cô gái tâm sự, ta biết nàng quyết định rời bỏ mặt đất, rời bỏ nơi người tình của nàng sau khi chiếm đoạt thân xác nàng đã bỏ rơi nàng, quyết định rời bỏ nơi nuôi dưỡng sự giả dối và phản bội, bằng cách tự vẫn, nàng đã từ địa ngục này đến địa ngục khác, một bế tắc mang tính định mệnh, ta nghĩ về người con gái đưa đò trên sông mê, rồi lại nghĩ về những con chuột cống đang chạy từng bầy trên mặt đất, những con chuột cống được nuôi dưỡng nơi những cống rãnh sầm uất, những con chuột cống từ những cống rãnh bẩn thỉu ngoi lên mặt đất phá nát hết chữ nghĩa của tiền nhân để lại, phá nát hết những câu hát đẹp như bông hoa mùa xuân được hát đi hát lại bỡi những cô gái xinh đẹp vẫn đi về giữa những đêm trăng đầy trời, lũ mèo thấy chúng đẫy đà to lớn thì làm hòa, liền câu kết nhau, ngày đêm chúng to nhỏ nhau bằng thứ ngôn ngữ chật hẹp phát ra từ cửa mòm của chúng, thứ ngôn ngữ quái đãn chẳng ai hiểu nổi, những con chuột cống và những con mèo… con đò lại chòng chành, ông có sao không, nàng hỏi, rất buồn bã, vì thấy ta cũng rất buồn bã, không sao, ta lại nói dối, bỡi ta vẫn còn  nhìn thấy những con chuột cống và những con mèo chạy qua chạy lại nơi mặt đất, thật khó chịu, cả ta lẫn nàng đều muốn tìm chút khuây khỏa nơi thế giới những người chết, nhưng không được, có hai linh hồn buồn bã trên con đò qua sông mê, một đang chết dần mòn, và một đã chết từ lâu, ta thấy thương nàng, thương ta, cứ muốn giải thoát cho cả nàng lẫn ta, nhất định ta sẽ đưa em về nơi ấy, miền đất ở giữa sống và chết, ta cứ nghĩ vậy.

 

***

 

em hãy tin rằng thế giới là sự hiện diện của những tổ khúc
đám nhân loại phản trắc: đi đứng, ngồi, nằm
nếu không có đám nhân loại phản trắc thì ta đã có thể đứng bên này biển để nhìn em ở phía bên kia biển

 

***

 

rồi ta lại thấy mình đang đứng giữa những khu rừng quyết khổng lồ, đây là đại Cổ Sinh, thời của lũ lưỡng cư và thực vật hạt trần thống lĩnh mặt đất, người đưa tin nói,  bầu trời và mặt đất ẩm ướt làm ta vô cùng xúc động, hóa ra là ta đã đến tận  những khu rừng  nguyên sinh dày đặc đang che chở cho loài sinh vật đang chao đảo trong nhận thức về tổ quốc, loài lưỡng cư đang rời bỏ quê hương, rời bỏ nước lên cạn, những phong ẩn, lân mộc, lư mộc, tên của những loài cây quyết đại cổ sinh ta đã đọc được ở đâu đó như những cây cột chống trời đứng chật cả trần gian, bỗng một vũng thời gian đọng lại thành  khúc di trú, vào quảng nửa đêm, ta và người đưa tin đang nằm dưới một gốc cây quyết đã choàng dậy bỡi tiếng kêu cứu của một loài sinh vật nào đó mà bấy giờ ta cứ cho rằng một con lưỡng cư nào đó đang hấp hối vì chưa kịp thích nghi với cuộc sống trên cạn, chắc là thế, người đưa tin nói, tỏ đồng tình với nhận định của ta, rồi bảo ta hãy đi với ông ta, ta theo người đưa tin bước vào quê hương của lũ cá và  lũ lưỡng cư, nước vốn là chốn quen thân, bỡi buổi ấu thơ của mình ngày nào ta cũng xuống tắm ở con sông chảy ngang qua phía đông làng ta, nhưng lần này, không thể nói là ta không cảm thấy bỡ ngỡ, ta vô cùng bỡ ngỡ khi bỗng đối mặt với một thế giới quá xa lạ, ông chưa bao giờ xuống nước sao, thấy ta có vẻ lúng túng, người đưa tin hỏi, ta phải nghĩ ra cho được cách nói dối sao cho hợp lý để giữ thể diện của loài giống con người khi ở trong nước [nơi cư trú của đám sinh vật trong nghĩ ngợi bao giờ ta cũng coi là loài hạ đẳng] chỉ vì đám rong rêu vấn vít chân ta đấy thôi, ta đã đổ thừa cho lũ rong rêu, người đưa tin đưa ta đến đây cốt để tìm ra những lý lẽ thuyết phục nhất lý giải cho việc tại vì sao vào lúc loài cây quyết phủ kín mặt đất thì lũ sinh vật ấy lại bỏ nước lên cạn, thật lâu về sau các nhà khoa học mới gọi chúng là loài lưỡng cư, còn bấy giờ, ta và người đưa tin chỉ gọi chúng với cái tên gọi chung cho những loài sống dưới nước: lũ sinh vật  nước, bấy giờ, như toàn thể cái thế giới dưới nước ấy đang cất lên những lời trần tình, chậm rãi, và thành thật, lũ cá đuôi dài chăm chú nhìn ta và người đưa tin như thể đang nói lên rằng chúng mãi mãi là sinh vật dưới nước, và, đám rong rêu như đang cố khoe với bọn ta thứ trang phục lộng lẫy và mềm như những giọt nước đầu mùa, và khi nhìn bộ dạng lũ chúng, ta không thể không thừa nhận rằng đấy là một giống loài đầy kiêu hãnh, ai chẳng biết cái đám bọt bèo rong rêu ấy là có mặt từ buổi đầu của tạo tác, nhưng đấy là thành trì kiên cố, giang sơn của một loài giống cần cù nhưng dễ giao động, người đưa tin nói, ta bắt đầu bị quyến rủ bỡi những núi san hô như thể cuộc hôn phối vĩ đại của màu, không còn là những nhìn ngắm đơn biệt, hoặc vàng, hoặc tím, hoặc xanh, ở mỗi nét nhìn là một góc vật thể tổng hòa, thứ màu sáng bất tường của tạo vật, bấy giờ, trong nhận thức của mình ta không thể không thừa nhận đó là thứ đế đô sang trọng vào bậc nhất trong lịch sử vương quyền, ta không thể hình dung các vì vua loài lưỡng cư là như thế nào, nhưng nhất định đó là những nhà thiết kế tài ba, ồ, thì cứ nói thẳng ra giang sơn của loài lưỡng cư là tạo phẩm loại một của tạo tác, chưa hề cư trú, chỉ mới thoáng qua, nhưng ta đã lập tức vướng  vào cảm thức về hạnh phúc, thế thì tại vì sao lại phải rời bỏ ra đi, ta bắt đầu tra vấn mình về lý do bọn lưỡng cư rời bỏ chốn quê hương êm đềm đẹp đẽ của chúng để đi tìm một chốn mới, có một thứ tín hiệu nào đó về sự sụp đổ ở đây chăng, ta nói với người đưa tin, không đâu, nước là nơi chốn khởi đầu của cuộc tồn sinh, nên ở đây dường chỉ có tạo dựng mà thôi, người đưa tin nói, ta nghe, và cố chờ câu trả lời của thời gian, nhưng những thế kỷ sau đó ta vẫn giữ nguyên những nghĩ ngợi của mình về loài lưỡng cư, đó là một lũ phản bội tổ quốc.

 

 

***

 

 

ta như loài lưỡng cư, không phải loài lưỡng cư đại Cổ Sinh bỏ nước lên cạn, mà là lưỡng cư theo nghĩa  qua lại giữa quá khứ và hiện tại, nếu những thứ đó là có thật, cuộc qua lại như thể sự thách thức trong dịch chuyển vốn biết trước có quá nhiều rủi ro, ta vẫn mơ về một bảng danh mục có đầy đủ những gương mặt trần gian, để một chiều tắt nắng nào đó, hoàng hôn, trên con đường làng quê cũ kẻ luôn mang nỗi buồn nhớ mặt đất là ta bỗng nhìn thấy được một chút hé mở của vĩnh hằng, hoàng hôn đang rũ xuống là thời khắc tĩnh lặng nhất của quê ta, lũ bò đã nằm nghỉ ngơi nơi những chuồng trại bao giờ con người cũng dành cho chúng sự ưu ái, đám gia súc gia cầm, những gà heo trong các khu vườn nhà, cũng đã no nê, đang nghỉ ngơi, và hết thảy những ngôi nhà trong làng như đang lặng lẽ tiếp nhận bóng đêm, các thành viên trong hết thảy những ngôi nhà trong làng là đang tụ hội đông đủ nhất trong bữa ăn cuối cùng của ngày, thứ sinh hoạt có tính chất sinh tử trong cuộc tiến hóa của  loài giống, trong cuộc qua lại giữa quá khứ và hiện tại, loài lưỡng cư đương đại là ta vẫn mong muốn nhìn thấy được thứ vật thể ta cứ muốn gọi  là niềm vĩnh hằng như thể đó là thứ ta làm ra, thứ sẽ làm cho ta thấy ta yên ổn nơi mặt đất thân yêu này, tuổi trẻ của ta cứ như một ngọn lửa, ta đi, và bao nhiêu hoài bão, ta đi, và chợt nhìn thấy trong ký ức ta buổi sớm mai trong vô vàn buổi sớm mai, ta thấy ta ba mươi năm mới  trở về quê cũ, mùa thu, những người đắp đường đã già như đất đai, những bậc tiền nhân của làng ta, bọn họ đang chăm chút đám hoa cỏ may cuối cùng đang nở ở hai bên con đường vào làng, anh là người làng này, ông cụ râu tóc nhiều nhất trong những bậc tiền nhân của làng ta nói, mà làm sao mà cụ biết được, ta hỏi, nhìn thấy chứ không phải là biết, đứng ở tòa lâu đài này thì thứ gì cũng nhìn thấy, ông cụ ấy nói, ánh mắt cứ sáng lên, mấy nghìn năm trước bọn ta cũng tuổi trẻ như anh bây giờ, ông cụ ấy  nói, và  nhìn ta với vẻ vô cùng thân thiện, như thể thứ ký ức vạn đại ấy đang chạm vào tâm tư các bậc tiền nhân của làng ta, hết thảy các ông cụ cùng đứng lên khỏi đám cỏ may nhìn về phía nơi chốn xa xôi nào đó ta có cố mấy cũng chẳng hình dung được,  bọn ta đã chiến đấu cho bùn đất, và lâu đài này nó là cuộc chiến thắng của bùn đất, giờ anh bạn trẻ đang bước đi trên đó, ông cụ râu tóc dài nhất nói với ta như thể nói với một đứa trẻ, ta lắng nghe, và cứ thấy mình đang khao khát một khoảnh trời của tuổi thơ
 

***

 

có phải đi là  cách thức tốt nhất cho những cuộc hóa thân, ta từng tranh cãi với các vị thần sông Tưa, con sông phát xuất từ vùng rừng núi phía nam làng ta, rừng núi Tượng, và chảy ngang qua phía đông làng ta, con sông luôn cho ta ý nghĩ, rằng, cứ  đi về phía thượng nguồn của sông, và tiếp tục đi mãi thì sẽ tới được một thế giới mới mẻ

***

 

 

ta lại quên mất là có lần ta  đã lạc vào quá khứ ấy, bỗng thứ tro tàn của hiển hách kích động một trí nhớ luôn đi tìm những vẻ đẹp của tồn sinh, sách sử địa chất học gọi cái quá khứ ấy là đại Trung Sinh, Mesozoic, có nghĩa là các động vật ở vào giai đoạn giữa đại Cổ Sinh và đại Tân Sinh, đây là cuộc sửa soạn cho sự hiện diện của loài người nơi mặt đất, tồn tại bao giờ cũng có những cuộc kéo dài ngút mắt khiến ta luôn cảm thấy thời gian của cuộc đời mình chỉ là cái chớp mắt, hay còn ít hơn thế, ký ức của ta không bao giờ mất đi những từ Kỷ Triat, kỷ Tam Điệp, chẳng qua là một thứ từ ngữ của khảo cổ học chỉ cho lớp trầm tích có ba lớp đá, nhưng đó lại là chỉ cho buổi khởi đầu thời của những tạo vật khổng lồ, ngay cả cây cỏ sinh vào buổi ấy cũng có những thứ khổng lồ, sử sách nói, cây cù tùng, một loài cây hạt trần, loài cây lá kim của buổi ấy vẫn còn đứng trên đất châu Mỹ cao đến 150 mét, như thể loài cây ấy  sinh ra buổi ấy là để che chở  cho một tạo vật khổng lồ khác là loài bò sát khủng long, thứ loài vật to lớn nhất trong các  loài vật vốn có trên mặt đất, làm mưa làm gió suốt hơn 180 triệu năm nơi mặt đất, phát triển lên đến hằng vạn hình thù, có mặt cả trên mặt đất cả trên biển cả và cả ở trên trời, rồi cuộc hoành tráng thiên niên kỷ bỗng đổ ập, mấy từ Kỷ Creta lại khắc họa trong trí nhớ ta, chẳng qua cũng chỉ là một thứ từ ngữ của khảo cổ học chỉ cho lớp trầm tích đá phấn, nhưng nó lại là thời của cuộc tận diệt của loài khủng long tàn bạo, khảo cổ học nói chẳng còn thấy chút vết tích nào của loài khủng long sau Kỷ Creta, có thể có một cuộc va chạm của thiên thạch vào trái đất, hay có thể có một cuộc phun trào của núi lửa, hay thậm chí khi các lục địa cổ Loraxia và Gongvara tan ra và trôi đi bốn phía để thành hình dạng thế giới ngày nay khiến cho khí hậu mặt đất  không còn phù hợp với cuộc sống của một số loài, những thứ vừa liệt kê có thể là nguyên nhân biến khỏi mặt đất của loài khủng long, vào lúc lũ chúng có thể tiêu diệt bất cứ loài giống nào trên mặt đất thì ngã xuống, loài giống con người có mặt vào hôm nay bỡi vì lúc đó, nếu quả thật tổ tiên con người là loài linh trưởng, một loài có vú mới xuất hiện vào những ngày tháng của Đại Trung Sinh đã lọt khỏi danh mục thức ăn của lũ khủng long tàn bạo, nhưng dù những thứ liệt kê trên là nguyên nhân tuyệt chủng của lũ khủng long thì ta vẫn cứ đinh ninh trong lòng một thứ hình ảnh như  kiểu mẫu muôn đời của cuộc chơi tạo tác: bạo liệt đến đỉnh điểm sẽ tắt

 

 

***

 

 

cuối cùng thì ta cũng gặp được ông vua quan tham tán họ Lê gọi là vua Hỏa Xá, thời gian như thể  một trò chơi nguy hiểm, không biết buổi ấy chốn đế đô ấy huy hoàng đến mực nào, theo lời của quan tham tán họ Lê thì có vẻ huy hoàng thật, nhưng trước mắt ta, bấy giờ, nếu muốn nói đến chuyện huy hoàng thì đó là chuyện của  những thứ chẳng dính dáng chi đến chuyện vương quyền, tự dưng ta cứ nghĩ lũ chim ấy là chim tử tước, chắc là âm vọng của một thứ sách vở nào đó ta không còn kiểm soát nổi, một đám chim sang trọng cả trong cách nhìn ngó, cách hót, và cả trong cách nhảy nhót, thật ra không phải nhảy nhót mà là những bước hoàn vũ, chúng đang lượn lờ, trò chuyện trên  rừng  cây tử trạng  mọc um tùm ở bên trên nền vương phủ cũ, ngay cả cái tên của đám cây núi ấy như thể ta cũng vừa mới nhớ ra từ đâu đấy trong ký ức của mình, đám rừng cây  mọc trùm lên thứ dấu tích  vương quyền một cách tàn nhẫn, phải nói cái nền đất rộng thênh bỗng nhô lên rất cao so với mặt đất rừng là một sự tích buồn, nhưng vua xưa đã vào trú ở nơi  hang núi  cận kề nền vương phủ cũ, cũng không biết hồi quan tham tán họ Lê tả  vua ấy trong sách của ông ấy thì vua còn trẻ  mực nào, nhưng vào hôm ta gặp vua ở cái hang núi ấy, nếu chưa đọc sách của quan tham tán họ Lê thì ta đã nghĩ vua là một kẻ lạc rừng, bỡi ông vua cũ trông như một con vượn người thời tiền sử, và đây là cuộc chuyện trò giữa ta và ông vua theo quan  tham tán họ Lê là đã trải qua một thời oanh liệt, đánh nhau với vua Thủy Xá ở phía đông, giành từng tấc đất, máu quân sĩ đỏ suối rừng, cuối cùng, phía đông sáp nhập vào phía tây, một dải giang sơn chim rừng bay mỏi cánh, thưa quốc vương, ngài có thể nói cho kẻ hậu thế này nghe về trận đánh quyết định ấy hay không, ta hỏi, ông vua cũ đã tiếp ta trong hang động bàn ghế chỉ là những tảng đá núi trời sinh, từ lúc ta bước vào hang động cho đến lúc ta hỏi vua lời ấy thì cả chủ lẫn khách chưa nói lời nào, nghe ta hỏi, ông vua cũ bứt mấy lá rừng đưa lên miệng nhai, rồi nhổ ra, và bắt đầu làm dấu bằng đôi tay, thì ra, trí tuệ  mách bảo ta, ông vua cũ muốn nói với ta, rằng, những năm tháng ăn toàn lá  rừng giờ thì ngôn ngữ trong ông đã tắt, ta cố gắng lắm mới khỏi bật khóc, thưa quốc vương, có bao giờ ngài  cảm thấy đau buồn vì cơ đồ của mình không còn nữa, ta nói, và cố dùng đôi tay để diễn tả lại lời nói của mình, ông vua cũ nhìn ta, gật đầu, mỉm cười, làm như thể  đã hiểu được lời ta nói, ta từng đọc sách Phủ Biên Tạp Lục do Lê Quí Đôn [1726-1784] soạn lúc ông ngồi ghế  Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa [1776] thời chúa Trịnh Sâm, không biết là ông đã chép theo những gì chính mình nhìn thấy, nghe thấy,  hay chỉ là ngồi ở kinh sư nghe người khác kể lại, sách có đoạn như vầy: ‘‘Đời Thánh tôn trước kia phong nước Nam bàn ở về phía tây đầu nguồn phủ Phú yên thuộc xứ Quảng  nam, cựu cai đội Luận bình hầu  Văn Thế Nghị, người ở thuộc Thời đôn, huyện Tuy viễn kể truyện lại rằng : Nguyên trước anh ta được trông coi đội nội phủ Sơn -trường (vùng núi thuộc về Nội phủ) đội Thám sơn thủ hương (thăm dò các núi để lấy hương thơm) và đội Tân  am sơn (quen đuờng núi). Ba đội binh ấy thường lên đầu núi lấy hương kỳ nam, từ suối An lạc đi lên các thôn Hà nghiêu, Đất cày, qua núi La hai giáp đất phủ Phú yên đến các xứ Lôi song, Nước nóng, Thượng nhà, rồi đến nguồn Hà lôi,  là chỗ ở của các sách nguời Man người Đê (tục gọi người Đê là người Chàm, Man là người Mọi). Ở nơi ấy cho tiền nguời Man nhờ họ dẫn đường, theo đường núi mà đi, đi hết 14 ngày tới nước Nam bàn là  nơi của hai vua Thủy xá và Hỏa xá. Nước ấy ước độ hơn 50 thôn. Trong đó có núi Bà nam cao lớn, là  trấn sơn một phương . Thủy vương ở bên đông núi, Hỏa vương ở bên tây núi, đều có địa phận riêng, gác cây làm nhà, bộ thuộc đến vài trăm người, cày bằng đao trồng bằng lửa,  tháng giêng gieo, tháng năm lúa chín, không  gặt, mà tuốt, không có lịch không biết ngày tháng. Khi  lúa đã tuốt xong, đem bộ hạ đến thu thuế. Vua thường cưỡi voi, có vài mươi người đi theo, khi đến một thôn nào thì đánh ba hồi chiêng, người trong thôn đều ra đón, họ làm riêng một cái nhà cỏ để vua ở, vì tục ở đây truyền rằng hễ vua vào trong nhà sẽ xẩy ra sự không lành. Số người không kể nhiều ít, đều vui lòng cung cấp như nồi đồng, vải trắng, mía, chuối, lấy bao nhiêu cũng được. Khi thu xong lại đi nơi khác. Hai vị vua ấy đều đen và xấu, còn vợ và nàng hầu rất đẹp, mặc quần áo có hoa sặc sỡ lối Chiêm thành. Khi hai vua còn sống, thường có tinh gọi là tinh dương, sáng như đuốc, cũng có khi to như tấm lụa, thường đến chỗ nằm, hay là bay lên trên trời như tấm lụa. Khi hai vua chết thì cái tinh ấy vào nhà người khác, nguời Man thấy tinh ấy vào nhà nào thì đều nói trời đã dành để ngôi vua cho người chủ nhà ấy, liền suy tôn lên làm vua, ấy là cái tục quen từ ngày xưa đến nay vẫn như thế. Trên núi có thành đá trắng, rộng chừng một mẫu, trong  có 4 cửa đều mở, có voi đá nằm, ngựa đá nằm, gọi là điện Vua Hổ, hai vua không dám ở nơi ấy. Ngày mà vua mới lên ngôi thì lên trên thành, đặt đệm ở voi đá , ngựa đá, rồi lên ngồi, các sách Đê,  Man uớc chừng 40 nguời tù trưởng (tục gọi là chủ làng) đều đến lạy mừng. Lễ mừng xong, vua lại về núi ở’’…quả tình, một thời, ông vua ấy uy nghi thật, vua thì xấu nhưng cung phi mỹ nữ lại rất đẹp, tinh lực của vua  sáng như  đuốc, uy lực của vua khiến người người khiếp sợ, và quyền lực của vua vẫn tồn tại sau khi chết…ta  cứ đăm mắt nhìn ông vua cũ, và thấy vương quyền như một trò vui vậy.

 

***

 

 

hồn sông núi, nó là tất cả những gì giống như thế: không hình hài, không lời nói, nhưng cứ quánh lại như ngọn gió giữa khuya, lan truyền, và quyến rủ, sách Phủ Biên Tạp Lục của quan tham tán Lê Quí Đôn có đoạn: ‘‘Về thời họ Nguyễn cứ 5 năm một lần sai cai đội Phú yên  làm chánh phó sứ mang cho áo mũ gấm, nồi đồng, sanh sắt, bát đĩa sứ các hạng và bắt phải nộp thuế và lễ cống. Bắt những nguời thổ nhân làng Xung dẫn đường đến Phú yên  giáp giới với nguồn Hà lôi, rồi lại khiến người Man dẫn đường đến Man thượng và các sách Man cao để đến nuớc Thủy xá, Hỏa xá. Nước ấy đem kỳ nam, sáp ong vòng, lộc nhung, sừng con tê, mật gấu và voi đực giao cho sứ giả về nộp, lại nộp thứ ngũ vị hương mà họ đã chế ra. Núi ở xứ ấy có tổ kiến làm ở trên cây, loài kiến ấy sắc đen, to nhu đầu đũa, trứng nó thơm, gọi là hương con kiến, nguời Man đem chưng qua, rồi lấy hoa khảm, hoa mạt, rễ bai trộn lẫn vào, lấy dầu tô hợp hòa cho đều, xong rồi lấy lá chuối bọc lấy đem chưng ở trên chõ cơm, khi cơm chín thì lấy bọc ấy ra, khí thơm ngát vào mũi, để vào trong hòm áo, một năm chưa hết hơi thơm ‘‘… ta vừa bước đi vừa giữ lấy trong ý thức  mùi thơm của xứ sở, thử đặt tay lên voi đá ngựa đá ở điện vua Hổ, tất cả đều thức dậy, hồn sông núi nó là cái làm ra cuộc chuyển động vũ bão của  tồn sinh, khách từ đâu đến vậy, hay là có ý viếng thăm, có tiếng hỏi cất lên từ phía điện vua Hổ, ta vén đám hoa khảm hoa mạt để bước vào bên trong  điện, hóa ra vua Hổ  là một con người, ta nhìn  ông vua cổ ấy đang nằm lim dim ngủ trên chiếc giường bằng đá rồi nhìn người giữ điện đang nằm trên nền điện, cũng bằng đá, ở cạnh đó, thưa, cũng người trong một nước đến chơi cho biết, ta nói, hoa khảm hoa mạt gần như phủ kín cửa  vào điện, ngào ngạt hương thơm, tất cả những gì gọi là dấu vết một thời như thể đang được giấu kín đằng sau thứ hương thơm kiệt xuất ấy, quá khứ là hương thơm kiệt xuất, ta nghĩ,  tĩnh mịch và lắng đọng đến mức khiến ta cứ có cảm tưởng đang nghe thấy được tiếng của nghìn năm, mà thật, lời kể của người giữ điện  vua Hổ chẳng phải là tiếng của nghìn năm hay sao…’’ người đi, hương hoa cứ đọng lại, sự tích, nó là cuộc lắng đọng  chắt ra từ những vấp ngã,  từ những đứng lên, những vấp ngã như thể đất sụt, và những đứng lên  lừng lẫy, sự tích, nó là thuộc đặc ân của trời đất, thế giới, tổng hòa những đặc thù, và dị biệt, từ phía bên này trông sang phía bên kia  ngút mắt, đời đời cõng trên lưng những phức tạp, những phiền muộn, những tra vấn, ta cứ nằm im giữa đá nghe thấy niềm cô độc của một loài sinh vật, loài hiển hoa bí tử, nhìn thấy hoa mà không thấy hạt, một cuộc rong chơi kỳ quái của tạo tác, vào một ngày mặt đất giá buốt, băng tuyết đang tràn về phương nam, ta bỗng thấy ta hóa làm sinh vật biết nghĩ ngợi,  kẻ giữ điện vua Hổ là ta, hình hài cô độc trong những hình hài cô độc của giá buốt’’… hóa ra, người giữ điện vua Hổ là bắt đầu từ một loài hiển hoa có mặt từ buổi đầu của nhân loại, những lời ấy không phải để giải bày với ta, là khách, mà là  để phàn nàn về sự có mặt của mình ở nơi mặt đất,  vậy thì sự tồn tại cùng lúc vua Hổ và cuộc chuyển hóa từ hoa thành người giữ điện vua Hổ có nghĩa là sao, ta cứ thấy hồ nghi về sự hiểu biết của mình,  một cuộc đánh tráo về giống loài chăng, ta nghĩ vậy, và bắt đầu lao vào cuộc khám phá, hóa ra, điện vua Hổ là cuộc giải bày của lịch sử, cuộc giải bày như thể  một phép phúng dụ tuyệt vời dành riêng cho loài giống con người,  ta đã cố giữ cho khỏi kêu lên khi thử đưa tay gạt đi những rong rêu trên vách đá, ồ, ai đã qua đây sau cuộc điêu tàn để vẽ lại một cảnh đời, ta  cứ mường tượng, một ngày của những trăm năm trước, khách mặc áo gấm cũ, đi giày cũ, cũng là kẻ mỏi gối chồn chân vì thả hết lòng mình cho việc tìm hiểu cuộc phù du,  xuống ngựa vào một chiều thu tắt nắng, sờ tay lên đổ nát, nhìn những kẻ còn sót sau cuộc đao binh, chảy nước mắt, lấy đá vạch lên đá cho thành hình thù một cảnh đời, ta cứ mường một năm tháng thật xa, đọc bích họa, và hiểu ra  hết thảy những gì đã xảy ra nơi mặt đất giờ chỉ còn nhìn thấy những dấu vết buồn và hơi mộng mị… một ông vua dũng mạnh và thao lược, một kinh thành lộng lẫy như thành phố của các vì sao, kinh thành và dân kinh thành, một cuộc áo cơm giàu sang và hạnh phúc, nhưng ông vua được ông vua dũng mạnh mời đến để làm những con đường đá hoa cho kinh thành hoa lệ là ông vua xảo quyệt, sự lỡ tay của một bậc tài trí, kết quả của sự lỡ tay là kinh thành bị tàn phá, dân kinh thành bị bắt đi làm nô lệ, nơi  kinh thành cũ chỉ còn lại hai con người trong giấc mơ thế sự… ta đã biết được mọi chuyện qua lời ghi trên vách, hông vua cũ dũng mạnh giờ chỉ còn đủ sức nằm dài trên giường đá để nghĩ ngợi về đất nước điêu tàn của mình giữa mùi hoa khảm hoa mạt, và người giữ điện vốn là loài hiển hoa nên còn có thể phàn nàn về sự tồn tại của loài giống con người.   

 

 

***

 

 

 

những người Đê tuốt lúa trên nương nói với ta nước của bọn họ đã mất, vua của bọn họ cũng đã mất, ta bảo là vẫn còn  bao nhiêu sử sách chép về ông vua đã mất của bọn họ, nhưng những người Đê tuốt lúa ở trên  nương buồn bã nhìn ta, và bảo những trăm năm qua bọn họ  chỉ như một thứ hồn sông núi, sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn có đoạn: ‘‘Ở nơi ấy cho tiền nguời Man nhờ họ dẫn đường, theo đường núi mà đi, đi hết 14 ngày tới nước Nam Bàn là  nơi của hai vua Thủy Xá và Hỏa Xá’’, những người Đê tuốt lúa trên nương đã nói với ta vua của bọn họ  là vua Thủy Xá, đêm ta nằm lại nhà một người Đê thuộc vùng rừng núi phía đông  nước Nam Bàn cũ, chủ nhà là một người đàn ông thoáng nhìn cứ như một pho tượng người làm bằng những vật liệu vô cùng  chắc chắn bỡi hết thảy những gì thuộc về đường nét của  một con người là hoàn chỉnh đến mức không thể diễn tả, đôi tai  dài và rộng như thể để có thể lắng nghe được tiếng nói của thời gian, và đôi mắt ấy, sáng và có vẻ hiền như đất rừng, nhưng khi nhìn ta, cứ khiến cho  ta có cảm tưởng không phải ông ấy nhìn, mà là đang thấy ta đang lo ngại, quả là ta đang lo ngại thật, đấy là  lần đầu ta  tiếp xúc với một người Đê mà theo sách ông Đôn là thuộc về một nền văn minh rất lớn, và đã tắt, nền văn minh Chămpa, đến lúc nhìn kỹ người đàn ông như pho tượng người rất cổ ấy ta mới nhớ ra lúc sáng ở trên nương chính là ông ấy đã bưng một hòn đá núi đem đặt trước ta như thể bưng một chiếc ghế đến mời khách ngồi…’’mới đầu lạ nhưng sau quen thôi’’…người đàn ông chủ ngôi nhà mái lá vách lá nói, như để an ủi ta, vì thấy ta có vẻ lúng túng, quả tình, khó khăn lắm ta mới hiểu được lời ông nói, giọng nói cứ như thể là cuộc dồn tụ của những nghìn triệu năm của đất, nước, khí, lửa, tự dưng, trong trí tưởng tượng của ta cứ thấy như  ông ấy vừa mới bước ra từ một cuộc dịch chuyển to lớn, là cả con người lẫn chim chóc đang gồng gánh đi khỏi khu rừng như thể  mái che nghìn năm đổ bóng xuống cuộc luân lạc, dịch chuyển nó là cuộc luân lạc vĩ đại, những lời thành thật của con hổ đói mồi, vô vọng của một loài hoa không tên, không thể giả dối khi ngọn gió chướng quét ngang qua, lá rụng, không phải nỗi buồn, mà là nét vui trước cuộc chuyển động vi diệu,  lịch sử hưng vong của một giống loài chẳng phải cuộc dịch chuyển to lớn hay sao …’’lạnh lắm đấy’’…người đàn ông chủ ngôi nhà mái lá vách lá nói xong lời ấy thì trải tấm chiếu đan bằng vỏ cây tử trạng lên sàn nhà, ra hiệu ta nằm ngủ ở đấy, rồi rút vào bên trong với vợ con mà từ lúc ta có mặt ở đó hết thảy bọn họ đã trốn bặt như thể có sự cách biệt quá lớn nào đó giữa chủ và khách, nhưng nó là sự cách biệt nào, hệ lụy tệ hại của cuộc chuyển động của lịch sử, tra vấn ấy lại dày vò nhận thức của ta, rồi ta cứ thấy những người Đê ấy giống như in những đám cây trên rừng núi cũ của vua Thủy Xá, hùng vĩ thế nhưng có lúc cũng lặng đi, thoáng cái, phía bên trong ngôi nhà mái lá vách lá nơi có cả một bầy đoàn vợ con người chủ nhà bỗng im bặt như thể bọn họ không còn tồn tại, bây giờ là tháng chạp, gió núi xứ Nam Bàn cũ lạnh thấu xương, nằm nghe gió trút bên ngoài, và nghe lũ mọt gặm gỗ cột nhà, ta có cố xua đuổi mấy thì cuộc trò chuyện giả định ấy vẫn cứ hiện ra rành rành trong nghĩ ngợi.

có thấy người đi lang thang ngoài ấy hay không

người đàn ông chủ ngôi nhà ta đang ngủ lại hỏi ta

chẳng thấy ai cả, nhưng ngoài ấy là ở đâu

ta nói, và  xua đuổi mấy thì vẫn nhìn thấy người đàn ông chủ ngôi nhà ta đang ngủ lại trò chuyện với ta, cuộc trò chuyện như thể sự rơi rớt của một biến cố lịch sử nào đó.

ngoài ấy là ngòai bờ cõi đó

người đàn ông chủ ngôi nhà ta đang ngủ lại nói

là bờ cõi đất nước  vua Thủy Xá phải không

ta hỏi

nước mất, có còn ngồi đây cũng chỉ là kẻ ngoài cõi

người đàn ông chủ ngôi nhà ta đang ngủ lại nói, rồi biến mất vào thứ âm thanh như mỗi lúc một rõ hơn phát ra từ đám cột nhà, lũ mọt như đang cố kết thúc cuộc xâm lược của chúng, ta nằm xuống chiếu trong nỗi bàng hoàng khôn tả, những khái niệm về diệt vong, suy vong, lưu vong lại dày vò ta, mang mang, hề, giá buốt, dòng sông chảy ngược… vào khoảng nửa đêm, chẳng hiểu sao, lũ chim tử tước kêu khóc đầy rừng, ta cứ nghe vang lên trong ký ức mình những lời buồn bã:

 

‘‘Nghe đây, hỡi vua  Nebuchadnezzar
Vương quyền ngươi nắm giữ đã vuột khỏi tay ngươi’’

 

 

‘‘Ngay lúc đó, những lời trên đây liên quan đến vua Nebuchadnezzar  đã nên ứng nghiệm. Ông bị đuổi, không được chung sống với người ta, phải ăn cỏ như bò, mình mẩy ướt đẫm sương trời, và rồi tóc tai dài dần ra như lông đại bàng, móng tay móng chân như thể móng chim’’

 

đó là nói về vua Nebuchadnezzar [ 605 tcn- 562 tcn ] của dân Chaldee  nước Babylon cổ đại trong sách Danien chương 4 đoạn 28 và 30.

 

 

                                                        ***

 

 

và cứ như có một khúc sử tách khỏi sử mẹ để nhập vào vùng  núi rừng trong sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn gọi là nước Nam Bàn [Đời Thánh Tôn trước kia phong nước Nam Bàn ở về phía tây đầu nguồn phủ Phú Yên thuộc xứ Quảng  Nam, Phủ Biên Tạp Lục, cuốn II] tự lúc nào, non sông xứ sở  quyện vào ta, trong tận cùng nhận thức là bóng dáng những  dòng sông, ngọn núi, buổi làm ra những xứ sở, tạo tác nào biết về sau thì con người, con vật biết tư duy, ngay cả việc nghe nửa tiếng chim kêu đầu ngõ cũng xếp vào cách nhìn thế giới, nhận thức luận, nó là buổi sớm mai bỗng nhìn thấy vì đâu những người trăm năm trước khóc dòng sông cạn, hay khóc một triều đại đổ, là cách làm sao cho nghìn năm cũ vẫn cứ sáng lên trong từng con chữ, áo ai bay qua miền cổ tích, quá khứ chỉ là một cách nói về cách nhân loại nhìn thấy mình vào buổi vừa đứng lên trong giá buốt, sự thử thách, là con người  tự cõi mong manh, có thể nói là chẳng có gì, mà đứng lên, lại quay sang thách đố với tạo tác, hóa ra con người là một cuộc thách đố dai dẳng, cuộc thách đố vô cùng mạo hiểm, ta đọc sách ông Đôn tới đoạn: ‘‘ Nước ấy ước độ hơn 50 thôn. Trong đó có núi Bà Nam cao lớn, là  trấn sơn một phương . Thủy Vương ở bên đông núi, Hỏa Vương ở bên tây núi, đều có địa phận riêng, gác cây làm nhà, bộ thuộc đến vài trăm người, cày bằng đao trồng bằng lửa,  tháng giêng gieo, tháng năm lúa chín, không  gặt, mà tuốt, không có lịch không biết ngày tháng’’ thì thấy một đám trẻ lem luốc bước ra từ một sách [làng] người Man túa chạy về phía con sông chảy sát ngôi làng gác cây làm nhà, tháng năm, nắng, những người lớn đều lên nương tuốt lúa, ta  nấp đằng sau một cây tử trạng để nhìn lũ trẻ người Man làm trò cõng nhau qua suối, giả làm con nước lũ đang lên, và cõng nhau qua suối, thật ra lòng suối cạn đang bày  lổn nhổn những đá, cõng nhau, và vấp ngã, và đứng lên, giả làm lặn ngụp trong dòng nước  lũ đang chảy xiết trên con  suối rừng, con người, tự buổi ấu thơ đã tập làm quen với cách đùm bọc nhau để chống lại bất trắc, về sau thì bất trắc lại đến từ phía con người, nhưng buổi sơ khai, lúc chưa bầy đàn, bất trắc là cơn gió giật sau hè, hay cơn lũ chảy xiết buổi đầu đông, tháng năm,  ta đứng nơi sách người Man trong sách ông Đôn mà nghiệm ra, con người, tự buổi ấu thơ đã muốn/và biết cách làm thành bầy đàn để sống, không cầm lòng được vì vui, ta cất tiếng gọi: hãy chờ ta với, ta gọi lũ trẻ người Man hãy cho ta cùng bọn chúng làm trò cõng nhau qua suối, có vẻ đương đại với cổ đại vẫn còn vướn nhau bởi thời gian, hay bỡi không gian nhỉ, bỡi con người là những sinh vật luôn cố chấp, ta cứ vói theo: hãy chờ ta với, và, lũ trẻ người Man, khi phát hiện có người lạ, đã kéo hết lên phía bờ suối bên kia, đứng nhìn ta, là vua đấy, chúng gào lên, đấy là tiếng la hoảng thuộc thời  nước Nam Bàn cũ [Vua thường cưỡi voi, có vài mươi người đi theo, khi đến một thôn nào thì đánh ba hồi chiêng, người trong thôn đều ra đón, họ làm riêng một cái nhà cỏ để vua ở, vì tục ở đây truyền rằng hễ vua vào trong nhà sẽ xẩy ra sự không lành, Phủ Biên Tạp Lục, cuốn II] tháng năm, ở sách người Man, ta nghe lũ trẻ hô hoán: là vua đấy, rồi bỏ chạy vào rừng, ông khách đương đại là ta, không cầm lòng được vì vui, đã đuổi theo lũ trẻ, hãy chờ ta với, ta vừa đuổi theo lũ trẻ, vừa gọi, và ngựa trong các hang núi túa ra [Phủ Qui Nhơn thì sản xuất ngựa, ngựa sinh ở trong hang núi hằng trăm hằng nghìn con, có con cao tới 2 thước rưỡi và 3 thước trở lên. Người địa phương tập dạy cho thồ hàng hóa sang phủ Phú Yên. Cho đến đàn bà buôn bán đi chợ hay đi xa cũng cưỡi ngựa là thường, Phủ Biên Tạp Lục, cuốn VI]  bấy giờ, cả ông khách đương đại là ta và cả lũ trẻ sách người Man đều trèo lên lưng ngựa, cứ như có một khúc sử tách khỏi sử mẹ để cho ta và lũ trẻ sách người Man nước Nam Bàn  đuổi bắt nhau bằng ngựa nơi núi rừng cũ của các vua Hỏa Xá, Thủy Xá, núi là một ví dụ sung mãn về thế giới, lên núi để nghe được nhiều giọng nói, của lá, của chim, của đá, của những dòng suối trầm mình giữa thời gian, và của những thế lực cảm nhận được qua hết thảy các dấu tích được lưu lại, dấu tích, nó là những gì khiến cho con người  nghĩ ngợi, nghe lũ chim vui hót là nghĩ đến sự lành lặn của thế giới, thấy con hổ vồ con mang, hay con sói xé xác con thỏ, là  nhìn thấy thứ bản sao của  bạo lực, bấy giờ ta cứ  vói theo lũ trẻ: hãy chờ ta với,  và lũ trẻ vẫn phóng ngựa chạy đằng trước ta, là vua đấy, chúng vừa phóng ngựa vừa gào lên như thể để cho cái khúc sử lạ lùng ấy ngấm vào hồn cây cỏ
 

***

 

 

đêm nằm ở sách [làng] người Man nghe bước chân mơ hồ của tạo tác, ta lần dò về phía quá khứ nghìn năm, này, ta nói cho các ông biết, sử chép các ông là những ông vua tàn bạo bỡi triều đại của các ông là tồn tại trên máu và nước mắt của đám dân chúng lầm than, ta nói với những ông vua cũ, và bọn họ chưa kịp trả lời ta thì ông ấy, kẻ từng dày vò nhận thức của ta, đã xuất hiện trước ta.

‘‘ta, kẻ  dẫn dắt các người trong cuộc hành trình đi tìm thế giới có nhiều tiếng hát’’

sợ ta không còn nhận ra ông,  nên ông ấy đã vội nói, những ông vua cũ thừa dịp đã biến mất, thật ra, sau khi ta rời khỏi cái bộ tộc buồn bã trong cuộc hành trình đi tìm thế giới có nhiều tiếng hát, ông ấy đã đến làng ta tự xưng là thần sông Tưa để khuyên ta trở lại cuộc  đi  ấy, sông Tưa chảy ngang qua phía đông làng ta, ông ấy xưng là thần sông Tưa cốt để tạo sự thân thiện giữa thần và người, suốt những năm tháng đi tìm thứ thế giới có nhiều tiếng hát ấy, có giây phút nào bọn ta dám quên ông ấy đâu, kẻ chi phối cả giấc ngủ của nhân loại, biết đấy là hình bóng của cai trị, thống trị, nhưng những sinh vật biết tư duy là con người đã hiểu ra rằng  từ ngày có bầy đàn thì con người là loài giống phải chịu sự cai trị, thống trị của [những] kẻ cầm đầu đầu bầy đàn của mình, một câu chuyện hài hước trong cuộc tiến hóa.

‘‘mùa này sông Tưa cạn nước, ta buồn, đi lang thang’’

ông ấy bắt đầu cuộc chuyện trò mang tính thiên niên kỷ

sợ đánh động những người Man trong sách, ta và ông ấy kéo nhau ra bờ suối, đêm tháng năm, rừng cũ Nam Bàn vô cùng im vắng.

‘‘con chim Đằng khi đứng bên này suối Nước Nâu hót thì nghe như đêm trường đổ xuống nỗi nhớ nhung của đất, nhưng khi đã đứng phía bờ bên kia  hót thì lập tức nhìn thấy những nụ cười thốt ra từ các loài hoa, mấy trăm năm qua con suối Nước Nâu vẫn là bến bờ cho những cuộc đi, về…’’

ông ấy nói

‘‘nhưng  con chim  với con suối ấy thì ở đâu’’

ta hỏi

‘‘suối Nước Nâu vẫn chảy qua khắp cõi nhân gian, khi thì  trải qua những ruộng đồng thôn dã đìu hiu hút gió, khi thì ngang qua những miền núi non gập ghình hiểm trở, và con chim ấy vẫn đứng hót ở bờ con  suối ấy cho con người  biết cách đi, về…’’

ông ấy nói

lập tức ta hiểu ra kẻ thần thánh ấy muốn đưa ta vào bến bờ  của ảo ảnh, con suối Nước Nâu, với con chim Đằng, cái bẩy của tưởng tượng, cho người nghe  rơi vào cuộc triết học siêu linh

‘‘nhưng đấy chẳng qua là âm vang của thách đố, hay cũng chỉ là ngẫu nhĩ thi ca, hay đấy lại là sự nổ lực của trí tuệ con người trong công cuộc thiết đặt gương mặt thế giới  ’’

ta nói với ông ấy những lời thành thật của mình, rất thành thật,  quả tình cái bến bờ ảo ảnh ấy mới nghe thôi đã quyến rủ ta, nhưng những ngày lao vào cuộc tìm kiếm thứ thế giới có nhiều tiếng hát, ông ấy đã để lại cho  ta bao nhiêu là tra vấn nhọc nhằn, con người trong cuộc tìm kiếm chân lý có cần đến thứ hình ảnh quá đỗi siêu hình như thế hay không, trong những tháng năm ấy, nỗi sợ hãi về thứ thế lực siêu nhiên quả đã quật ngã bọn ta, không được, lần này thì ta phải dừng lại bên bờ con suối Nước Nâu và con chim Đằng của ông ấy để nói cho ông ấy biết, rằng, giờ đây, tự mỗi mình ta, ta cũng có thể tìm kiếm cho mình một bến bờ cuộc sống.

‘‘nhưng có khi một dòng suối cũng chỉ chảy qua những miền thảng thốt’’

ta nói, và đứng lên nơi bờ suối, bầu trời sao trên đầu ta như đang  rực lên một cách bất thường, và ông ấy cũng đứng lên

‘‘tự buổi sinh ra, loài người vốn đã là  những sinh vật sai lầm,  chọn vào lúc giá buốt để sinh ra chẳng phải sai lầm ư, không có một chủ tể sáng suốt dẫn dắt, có thể con người các người sẽ rơi vào họa diệt vong’’

ông ấy nói, như thể những tuyên bố của chủ thể  thế giới, thì chẳng phải  những năm tháng đi tìm thế giới có nhiều tiếng hát, bọn ta vẫn coi ông ấy như  kẻ dẫn đường đầy quyền lực hay sao

‘‘hãy cứ xem những lời cắt nghĩa của ta như những cánh cửa khép hờ, các bạn cứ việc  thử đẩy bước vào’’

ông ấy lại tấn công ta bằng một phép biện chứng đã quá cũ, ta biết, một kẻ vẫn coi mình là quyền lực trước muôn loài, một thứ thế giới quan không hề suy suyễn, và,  một kẻ luôn muốn tạo dựng một tinh thần dân chủ trong cuộc tồn sinh, là ta, thì chẳng thể có cuộc đối thoại nào hết.

‘‘hay là cứ để cho thi ca quyết định mọi chuyện’’

ta nói trong tinh thần coi thi ca như nền tảng của mọi cách nhìn thế giới, một  cách hòa hoãn trong cuộc tranh luận mang tính thiên niên kỷ, có vẻ ông ấy cũng hài lòng với cách nói của ta, rồi ta và ông ấy chia tay nhau trong  im lắng của rừng khuya
 

***
 

buổi thế giới phân rã

thăm thẳm những số phận

tiếng chó
nơi vùng cấm

 

lửa của những linh hồn đã tắt
lặng một âm ba

những người còn sót

nhìn thấy những ngày tháng không danh mục

 

lại về  chốn cũ

mệt nhoài con chim khách

 

con đường chết

nghi ngút khói sóng

ai nằm nghe ký ức
giữa khuya

***

 

 

 

vào lúc ta đang bị thúc ép bỡi một thứ thế lực tồi tệ,  nàng đã đến cứu ta, em, vũ nữ ngực trần nghìn năm nương theo cố xứ, nàng  khóc, nói,  nước mắt nhỏ lên trí tuệ của ta, thì ta cũng đang nương theo cố xứ đây, ta nói, trong niềm xúc động, chẳng phải bình thường, mà như toàn thể tri thức của một  kẻ cô độc đang trổi dậy giữa một nền văn minh đã tắt, apsara…apsara…ta cứ gào lên trong nghĩ ngợi như vậy, như thể  để cho thứ vũ khúc kỳ  bí của một dân tộc kỳ bí phủ bóng lên toàn thể những ngõ ngách trần gian
chùng xuống những cơn địa chấn

ai vớt vầng trăng xứ sở rải lên những ngọn triều yêu dấu

lan xa khúc hát

đất, nước, khí, lửa,  và những câu chuyện
con sóc lần dò qua thế kỷ

em
cuộc hẹn

đấy là bi khúc ta đã nghĩ ra được sau khi đọc được một bi ký  kỳ hồ của cuộc kỳ hồ khí phách của một giống dân ta cứ thấy bất lực trong diễn đạt lòng tôn  kính, chẳng phải  thở than về một cuộc suy vong như cách  nghĩ, cách nói, hay cách viết, của rất nhiều  những kẻ nhìn ngắm từ xa,  không bao giờ ta nghĩ vậy, những chuyện đó, tất cả,  chỉ là thể nghiệm của lịch sự, thể nghiệm về những cách thức của tồn tại, hiện hữu là niềm thống khổ, thống khổ chứ không phải suy vong, đêm hôm đó, đêm tháng tám, mùa thu, yên tĩnh như có thể nghe thấy được bước chân sáng thế, nơi đất cũ Vijaya, buồn, và đầy ắp những chiêm nghiệm, những hoài niệm,  ta và  đám vũ nữ  của vua  uống rượu hoa vả, loài hoa của hào sảng, và của bất khuất, ngất ngưởng say, cứ thấy như thể thế giới  vụn ra thành những cơ đồ, mơ mòng,  kỳ bí, hãy thôi đi thói giáo gươm, quân tàn nhẫn, mi lung lạc đến cả cái chết của loài sinh vật nhỏ nhất thế gian, mi làm u tối đến cả một góc khuất trần gian, như nhà sáng chế lịch sử, ta cứ nói ra với ta những lời khí phách, và vô cùng tha thiết, cho đến lúc nghe thấy tiếng trống từ chốn kinh thành cũ, từ đế đô Vijaya vọng lại, thì ta cứ thấy nhớ  ông vua cũ, nhớ vô cùng…bằng an cho Sri Vijaya Yangkupu của miền thống khổ… bằng an cho Sri Vijaya Yangkupu ở trên trời, ta chúc phúc cho ông vua  trụ lại nơi  xứ sở Vijaya, là Vijaya, hay Đồ Bàn, hay Chà Bàn, hay Phật Thệ, có gọi cách nào  cũng chỉ còn là những âm vọng một thời, lũ chúng em, một lũ người còn sót sau cuộc lưu ly  vẫn  ngực trần nhảy múa  trên chốn nghìn năm trống không, ta nghe đám nữ tì của thần Indra, đám vũ nữ của ông vua cũ cất cao tiếng hát, bọn họ đã kéo ta vào vùng nhã nhạc, cung đình trộn với rượu vả, mùi đắng  sử lịch chìm trong mông lung thế sự, ta nhảy cùng các cô gái đất cũ Viyaya, không phải, là nhảy cùng với các nữ thần Apsara  vợ của những nam thần nhạc công  Gandharva của những xứ sở thần tiên, các nàng là khuấy lên từ sữa các đại dương, hương thơm của những biển, và hương nồng của những đất, ta nhảy cùng các nữ thần apsara, nhưng  đầu óc cứ  ăm ắp  hình bóng  một giang sơn chưa xong giấc mơ, trải dài một dãi từ nơi  tiếng gà Bố Chính Địa Lý Ma Linh cho đến tận chốn có tiếng kèn Panduranga, ta cũng chỉ nhớ mang máng thế, sóng trường đình lớn lắm, có ngọn cao đến mấy trăm năm, mấy nghìn năm, phủ lên ký ức, Lâm Ấp, Hoàn Vương, rồi Chiêm Thành…những tên đất, trong men rượu vả, nghe rất cũ, và rất không cũ, lũ chúng em chỉ là những biểu tượng của  cuộc tồn sinh, ẩn hiện giữa phù vân, các vũ nữ của vua nói,  rồi xòe những ngón tay, dịu dàng trỏ lên trời, và trỏ về phía mặt trời mọc, uyển khúc, những biểu hiệu của mất, hay còn, trong nhận thức, ta không bao giờ nghĩ đó là suy vong, hay diệt vong, nhưng rượu vả, hay là nhan sắc đã quá cũ của các nữ thần apsara khiến cho ta cảm thấy rất buồn , cứ nghe  dội lên trí nhớ bài ai ca khóc Babylon.

 

Hỡi trinh nữ, con gái Babylon, xuống đi, ngồi trên cát bụi ,
hỡi con gái Chaldee , ngồi phệt xuống đất, không ngai không bệ,
vì người ta sẽ không bao giờ gọi ngươi
là cô gái yêu kiều đài các nữa.

 

 

Hỡi con gái Chaldee, hãy ngồi lặng lẽ, lùi vào bóng tối,
vì thiên hạ sẽ không bao giờ gọi ngươi
là nữ hoàng muôn nước nữa.

 

đó là lời dân Chaldee  khóc  đất nước mình chép ở trong sách Isaiad chương 47  đoạn 1 và  đoạn 5

 

 

***

 

 

sử sách hóa thành ký ức, và ký ức lại dày vò ta, lần này thì ta nhìn thấy hình thù sử thư một cách tường tận, đáy sử đầy xương khô, còn bờ sử vẫn cứ tiếp tục chảy những dòng sử sự đen ngòm, ta nhớ bấy giờ là đang mùa thu, đất cũ kinh thành như đang trở nên tươi tỉnh khi được nhìn thấy dung mạo của người nghìn năm trước, thấy ông loay hoay mãi với đám cổ thư nên em phải trở về đây, nàng nói, cứ tưởng người con gái của muôn năm trước cũng cũ kỹ như những thành quách rêu phong, nhưng là ta đã lầm, thời gian có làm cho thành quách rêu phong nhưng lại khiến cho con người bớt đi ngu muội, nàng tiếp tục nói, và ta lập tức quyết định rủ bỏ thứ quảng cách nghìn năm, thưa nương nương, mới đầu  là ta tính mở đầu như thế, nhưng ta lập tức bãi bỏ cách mở đầu như thế, mà em đã nhìn thấy ta tự bao giờ, ta hỏi, nàng vén nhẹ xiêm y, bước tới, con ngựa nòi phương nam của ta hơi nhích về phía đằng sau như để tỏ cung kính với  nữ chủ, ông cứ xem, xưa nay thì đám con gái có chút nhan sắc với  kẻ cầm bút luôn là đồng điệu, mà nhan sắc là tai ương, nàng nói, và nước mắt bắt đầu rỉ ra nơi khóe mắt, ta cảm động vô cùng, và bắt đầu nói, ta nói là ta đã nhìn thấy nàng từ những trang cổ thư nhàu cũ, một bậc giai nhân cao quí, ta đã đọc nàng đến nhàu cũ, tàn bạo và luân lạc, cũng vào một ngày mùa thu ta đã nhìn thấy em đứng ở giữa máu mà hát, máu của những người mông muội có nước da sáng và máu của những người mông muội có nước da không sáng, người ta đã bắt em phải đứng ở giữa máu mà hát, ta nói là ta đã nhìn thấy những cổ kính ngàn năm bị vứt tung giữa những trận cười man dại, ta nói là ta đã nhìn thấy vì vua thắng trận buồn bã đi dưới bầu trời mùa thu khi không chiếm được tình cảm của nàng và đã biến nàng thành cát bụi, nàng bảo dẫu sao thì kẻ biến nàng thành cát bụi cũng là khách của đất cũ nghìn năm, ta giật mình hỏi kẻ giết vua của nàng để chiếm đoạt nàng cũng là khách ư, nàng không trả lời ta mà bảo, xưa nay đã mang tiếng mỹ nhân đều là thế, nhưng kìa, dường có ai đó đang cải vả nhau ở góc cũ kinh thành, đang nói, nàng bỗng dừng lại, hỏi, ta nói hầu như ngày nào lũ chúng cũng tụ tập để tranh nhau trèo lên bức tường thành cũ ở nơi góc cũ kinh thành, nhưng là bọn họ tranh nhau lên đó để chi, nàng tỏ ra không hiểu, lên đó để mà sủa, bỡi sủa ở chốn cao thì mọi người đều nghe thấy, một lũ háo danh của thời đại, ta nói, dẫu gì thì bọn họ cũng là khách của đất cũ kinh thành, nàng nói, ta không tiện hỏi nàng có cách gọi nào khác cách gọi là khách cho hợp tình hợp lẽ hơn hay không, vì bấy giờ  dường có đám quan quân đang tiến về chỗ ta và nàng, a ha đất cũ kinh thành lại nổi lên bóng dáng giai nhân, có nhiều người  trong đám người ấy hét lên, nàng có vẻ ái ngại, chỉ nói đủ cho ta nghe, rằng, chẳng lẽ hết thảy những kẻ tùy tùng của vua thắng trận năm xưa  đã hóa thân thành quan quân hôm nay, ta phải lập tức giảng cho nàng nghe đấy là đám quan quân phóng đãn đời nay, chúng đang ăn nhậu và tắm bùn ở gần đâu đây nghe hơi mỹ nữ thì kéo đến đấy thôi, dường nàng cố nhịn cười khi đám người mình mẫy đầy bùn ấy cứ xoắn vào người nàng, ta có ý định bảo nàng hãy lên ngựa ra đi cho yên chuyện, nhưng từ đằng xa có ai đó đang phóng ngựa về phía ta và nàng, một người đàn ông cao lớn, quắc thước, cỡi con ngựa hồng chạy về chỗ ta và nàng, hãy tránh ra hết đi  lũ vô sỉ, ta sẽ bảo chủ của lũ ngươi giết hết lũ ngươi, người đàn ông trên lưng ngựa tuốt gươm, quát, thấy nàng tỏ ra xúc động, ta lập tức dò tìm trong ký ức của mình, và đã lập tức nhận ra, và trong đám quan quân phóng đãn có kẻ cũng đã nhận ra, là vua cũ của chúng ta đấy, kẻ ấy rỉ tai đồng bọn, và lập tức hết thảy bọn chúng cúi rạp người lên đất, nàng là vương phi của đất cũ, nghìn năm trước ta đã trót bức tử nàng, biết chưa, kỵ sĩ tra gươm vào vỏ, nói to với đám quan quân phóng đãn, rồi quay sang phía  nàng bảo là xưa ông đã có lỗi với nàng, lỗi rất lớn, đến nghìn năm sau thì ông vẫn không thể quên nàng, ông nói, nàng im lặng vái chào ông, và ông vua thắng trận vẫn ngồi trên lưng ngựa, vái chào nàng, rồi quất ngựa đi về  nơi sinh ra và yên nghỉ của mình, ta nghe như nàng đang cố nén tiếng thở dài khi nhìn thấy đám quan quân  phóng đãng đều đang cúi rạp trước  nàng,  dẫu gì thì cũng là khách của đất cũ nghìn năm, chỉ có điều hơi tiếc là kẻ làm quan đời nay lại lấy niềm sợ hãi làm bản mệnh, nàng thì thào, nói, rồi từ biệt ta lên ngựa ra đi, đêm, ta còn trằn trọc nghĩ về dòng sử sự lúc ban ngày thì người con gái ấy lại đến, chỉ hỏi ta mỗi câu, vì sao em lại là mỹ nhân, rồi lại ra đi.

 

 

***

 

 

ta đọc sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển II, chép về vua  Lý Thái Tông, nước Đại Việt, thấy có đoạn  như vầy: ‘‘Giáp Thân….1044….Mùa xuân, tháng giêng…. vua thân đi đánh Chiêm Thành…. Đến cửa biển Tư Khách… Vua nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ…. Vua truyền cho quân bỏ thuyền lên bộ…. sang tắt ngang sông đánh. Binh lính chưa chạm mà quân Chiêm đã tan vỡ, quan quân đuổi chém được 3 vạn thủ cấp. Quách Gia Di chém được đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu tại trận đem dâng. Đoạt được hơn 30 voi thuần, bắt sống hơn 5 nghìn người, còn thì bị quan quân giết chết, máu nhuộm gươm giá, xác chất đầy đồng… .Mùa thu, tháng 7, vua đem quân vào thành Phật Thệ  bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên. Sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng. ….Tháng 9, ngày mồng 1, đến phủ Trường Yên, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự. Khi đến hành điện Ly Nhân, sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất khôn xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong là Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân./Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Phu nhân giữ nghĩa không chịu nhục, chỉ theo một chồng cho đến chết, để toàn vẹn trinh tiết của người đàn bà. Người làm tôi mà thờ hai vua tức là tội nhân đối với phu nhân. Vua khen là trinh tiết, phong làm phu nhân để khuyến khích người đời sau là đáng lắm’’

 

 

***

 

 

nhưng đầu óc ta mãi bị ám ảnh bỡi những giang sơn chưa xong giấc mơ, một khúc sử, một thứ thế giới quan màu tro than cổ kính, nếu không nói là làm lỗi nhịp cuộc bầy đàn, cổ tháp với tiếng kèn saranai trong cuộc va chạm với Đại Việt, em đau buồn vì đã làm chết nửa cuộc phù vân, như thể tính toán sai, con thuyền nan đang đi vào chỗ biển động, biết, nhưng chỉ còn ngồi khoanh tay nhìn, ông đã đến đây thì xin hãy cứu em, nàng nói, nước mắt chảy dài, lịch sử cứ giống như  một canh bạc, cuối cùng hết thảy đều là kẻ thua bạc, xin đừng nói với ta những lời như thế, dẫu gì nương nương cũng là con gái của vua một nước và đương là parameÇvarĩ / người phụ nữ cao quí nhất của một nước, ta cũng chỉ còn biết nói với nàng lời của một kẻ thua bạc, thi ca đã khiến ta lạc vào vùng cấm, hậu cung của vua Jaya Shinhavarman III/Chế Mân, ông vua lừng lẫy của đất nước Vijaya, nhân lúc vua đi vắng, ông hãy tìm cách cứu em, nàng lại nhắc lại ước muốn muộn màng của mình, bỡi việc nàng rời bỏ đất nước của mình để về với ông vua con cháu thần Indra là cuộc đi mang trong mình nó với tất cả những gì gọi là cơ mưu và cuộc chơi tàn nhẫn mà nàng chẳng  hay biết, Vijaya với nàng là đất khách, còn hơn cả đất khách, sử văn chỉ nói tắt một lời: ‘‘Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân. Trước đây, Thượng hoàng vân du sang Chiêm Thành, đã hứa gã rồi [Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển VI]’’… ta đứng nơi hậu cung của ông vua vừa mới hoàn tất một cuộc chơi tình ái, bầu trời kinh thành, nếu không phải là ta, tất sẽ chẳng nhìn thấy vẻ u buồn của nó, ta đứng nhìn bầu trời u buồn, rồi nhìn nàng, parameÇvarĩ / người phụ nữ cao quí nhất nước Vijaya, bấy giờ phải nói như vậy, bấy giờ không phải ta đứng trước người con gái của một vì vua đất Bắc, mà là đang nhìn thấy một bà vương phi mỹ lệ của một xứ sở lung linh âm sắc của những vị thần ngự suốt từ quá khứ xa xôi, nền tảng của cuộc tồn sinh từ con chim nhỏ bé trên rừng cho đến bậc vương tôn trên ngôi cao, là nàng đang đứng giữa nét u huyền sử lịch, ở góc độ sử thi, quả nàng đẹp một cách kỳ bí, vẻ đẹp của sử sự,  kẻ bàng quan tất sẽ chẳng nhìn thấu một cung bậc thời gian lã tã gió mưa, nó là từ cuộc đứng yên sang náo động, nhưng còn hơn cả náo động, nói thế nào nhỉ, bỡi ở đó, giang sơn của chim hồng chim lạc, một nét khuê môn, chỉ nửa bước cũng lụa là, chỉ là không gian của cuộc quấn quít lụa là,  cuộc tĩnh lặng có vẻ như không có gì phá nổi,  rồi bỗng òa vỡ một cõi tương tư, sử văn đã lờ đi, không nói đến cõi tương tư, có thể sử gia không thấy, hoặc vờ không thấy, hoặc không dám thấy, có nghĩa, không thể/không dám nói ra vì sợ động đến cơ mưu của một triều đại đang ở giữa giấc mơ, làm sao người con gái vốn khuê môn ấy lại có thể lên đường làm cuộc vượt sông biển để đến tận một đất  xa  lạ mà không có chút rung động nào theo qui luật tình ái, sử văn im lặng, nàng cũng im lặng trong cuộc tương tư , cuối cùng, cơ mưu của một triều đại muốn nối dài xứ sở, và cuộc chơi tình ái của ông vua dám cắt bớt giang sơn  để đổi lấy người đẹp, đều đạt được kết quả, thi ca đã khiến ta lạc tới chỗ nàng, một ngày không mấy vui của thế kỷ, không vui, bỡi nàng đã nhận ra mình là nạn nhân của một câu chuyện lịch sử, hết thảy những thứ đó là đều nằm ngoài trái tim rung động của nàng, muộn rồi, làm sao em còn có thể quay về, ngay cả khi em đã được đặt chân trở lại chốn khuê phòng cũ, thì cũng không thể nói là quay về,  trong lúc nàng lặng lẽ ngồi chờ ta giải cứu cho nàng, ta đã nghĩ ngợi rất nhiều về chuyến đi định mệnh của nàng, ta nghĩ ngợi, và cứ đứng ngắm mãi nét vẻ phong sương ở người con gái như một ví dụ  về vẻ hoang dại của lịch sử, vua đang đi coi xây đền mộ Pô Klaung Grai ông à, đây là lúc ông có thể cứu em, nàng lại nhắc lại ước muốn muộn màng của mình, cứu bằng cách nào khi đã chép thành sử sách, xin nương nương chớ nói với ta lời cầu xin ấy nữa, ta nói, và nghe đau nhói trong lòng, đã nghe thấy có nhiều tiếng chân ngựa và tiếng va gươm giáo ở bên ngoài, biết là vua Viyaya đã từ chốn đền mộ trở về, ta vội vã vái chào nàng, và bước ra khỏi chốn hậu cung trong niềm luyến tiếc vô biên, ở cửa kinh thành Vijaya ta như nghe thấy những lời kêu cứu đang vang lên từ các châu Ô châu Lý.

 

 

***

 

chỉ mấy tháng sau ta lại trông thấy nàng ở bờ vịnh Sri Bonei/bờ vịnh Thi Lị Bi Nại, vùng sông nước chứa chất trong nó bao nhiêu sử sự phức hợp, chằng chịt những giềng mối trắng đen thật giả làm tốn giấy bút của những bậc thích nhìn ngắm quá khứ, lần này ta chỉ đứng từ xa nhìn nàng, lần này là để thử nhìn ngắm một diễn biến lịch sử cũng tốn nhiều giấy bút của người đời sau, đất nước Vijaya vừa trải qua mất mát lớn, vua Jaya Shinhavarman III đã chết, từ kinh thành Vijaya đang vọng lại những âm vang tang tóc, người ta đang khóc vua của mình, ta cứ mường tượng một thứ âm nhạc buồn đang trổi lên khắp các cổ tháp, thứ âm nhạc bọn nho sĩ trung thành với văn hóa nước Tàu cổ nghĩ sai là hiện tượng mất nước, ta cứ mường tượng đến tiếng đàn kanhi, bài tang ca u uất đang vang lên nơi các cổ tháp, tiếng nói của tiếc thương, bốn chung quanh kinh thành Vijaya là các cổ tháp như thể bàn tay các thần linh xòe ra trong công cuộc giữ nước, sự vây bọc có ý nghĩa triết học hơn là chiến lược, ta vẫn nghĩ vậy khi nghĩ đến các cổ tháp nằm rải rác trên đất Vijaya, không phải tự dưng ta nghĩ ngợi nhiều về đất nước ấy, nhưng tự buổi ấu thơ, một lần, trên đường về quê ngoại, mẹ ta và ta đã dừng lại nơi gò đất cao rộng thênh thang tọa lạc ngay giữa ruộng đồng, bà dậm chân lên thứ nền đất màu gạch nung, chỉ là lập lại những lời kể của bà ngoại ta: đây là thành lũy cũ  của người Chiêm, giống dân rất giỏi múa hát, từ bữa đó hình ảnh hoang tàn của một nền văn minh đã tắt  đã nằm lại một cách kỹ lưỡng trong ký ức ta, cho đến lúc có thể đứng nơi bờ vịnh Sri Bonei để nhìn ngắm một một khúc sử thì trong tận cùng ý thức, ta biết là mình  đang nhìn ngắm các bậc tiền nhân của mình,  nhưng bà vương phi góa bụa gốc Đại Việt đến bờ vịnh Sri Bonei để làm gì, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển VI, chép về vua Trần Anh Tông, có đoạn: ‘‘Mùa đông, tháng 10, sai Nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Da về./Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với [người Chiêm]: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh [23a] hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”./Người Chiêm nghe theo./Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô’’…tháng 6 năm trước (1306) vua Trần Anh Tông theo lời hứa với nước Chiêm của vua cha Trần Thánh Tông, đã gả em gái mình cho vua Chiêm Chế Mân,  năm sau (1307) Chế Mân chết, vua lại sai thuộc hạ sang Chiêm để cướp em gái của mình  về, chuyện lấy đất châu Ô châu Lý là chuyện thật, còn chuyện giao kết  hôn nhân giữa hai nước là chuyện giả, thế giới cứ như là nơi để cho nhân loại thể nghiệm những cuộc lừa lọc, ta chỉ đứng từ xa để nhìn nàng, trong đám tì nữ áo xiêm trắng màu tang tóc tất có cả những tôi tớ cũ nàng mang từ đất Bắc vào, bà vương phi góa bụa với đám tôi tớ cũ đang chuẩn bị làm cuộc vượt thoát lịch sử, không biết là nàng có khóc hay không, ở từ xa ta không nhìn thấy rõ, ông vua lãng tử Jaya Shinhavarman III đã bỏ lại một bà hoàng trẻ tuổi đang đi lại nơi bờ vịnh Sri Bonei,  tháng mười, mùa đông, bầu trời Vijaya đầy mây, lát sau thì thấy thuyền của quan nhập nội hành khiển cập bờ, bà vương phi góa bụa gốc Đại Việt cùng đám tôi tớ cũ lần lượt bước xuống thuyền trước sự ngơ ngác của đám quân lính và tì nữ nước Chiêm, có thể bọn họ cho đó là ý muốn của các thần linh của đất nước  họ, sách Toàn Thư nói tháng 10 năm trước (1307) quan nhập nội hành khiển họ Trần đón bà vương phi góa bụa ở bờ vịnh Sri Bonei, và qua tháng 8 năm sau (1308) mới về đến kinh đô Đại Việt, một năm lênh đênh trên biển, cứ cho là sử nói đúng, nhưng chỉ một ngày, hay một đêm, ở trên thuyền, trên biển, cũng đủ nát ngọc rồi, cho nên sử gia Ngô Sĩ Liên mới tức giận chép trong Toàn Thư: ’’Thói gian tà của Trần Khắc Chung thực quá quắt lắm! Không những hắn giở trò chó lợn ở đây mà sau này còn vào hùa với Văn Hiến vu hãm quốc phụ thượng tể vào tội phản nghịch, làm chết oan đến hơn trăm người’’, sao em lại không chịu lên giàn hỏa thiêu để chết cùng vua cho trọn một bóng hình giai nhân cao quí trong mắt của người đời sau, ta rời bờ vịnh Sri Bonei trong niềm luyến tiếc vô hạn

 

 

***

 

 

 

vào cái đêm có gió phương bấc thổi về, ta chợt nghe như có thứ tiếng hát đang tuông ra khỏi những rêu phong, chẳng hiểu làm sao mãi tới đêm  ấy ta mới bắt đầu cảm thấy có thứ tiếng hát có vẻ giống như từ một chốn thâm u bí hiểm nào đó vọng lại, ngồi ở trong gian nhà có đầy đủ các vị thần cũ mới, bạn hữu của ta, ta  cố lắng nghe thử có bắt được chút tín hiệu sáng sủa nào gửi  qua thứ âm thanh kỳ quặc ấy hay không, nhưng tuyệt nhiên chỉ nghe rặt những lời lẽ kỳ bí…’’ có một mặt trời luôn đi ngang qua trong trái tim em’’… hoàn toàn chẳng có thứ tín hiệu sáng sủa nào, chỉ nghe thấy một cách rành rọt những lời lẽ kỳ bí, nhưng rất tân kỳ…’’có một mặt trời luôn đi ngang qua trong trái tim em’’trời vẫn mưa, nếu vào những lúc khác, cảnh trắng trời mưa rơi là sẽ tạo ra ở trong ta những ấn tượng tốt đẹp về thế giới, trắng trời mưa rơi là biểu tượng thân thiện của thế giới, nhưng lúc bấy giờ thì không, thứ tiếng hát kỳ quặc ấy là đang tràn lên sự thân thiện của thế giới như có năng lực làm thức dậy cả những cỏ cây úa tàn, và ta thì cứ thấy có cảm giác vừa yêu thương vừa sợ hãi, chính vào cái đêm gió mưa ấy em  đã làm cho ta nhận ra điều thú vị, rằng, tất cả chỉ là huyễn hoặc

 

 

***
hóa  ra lại là nàng, vương phi góa bụa  của vua Jaya Shinhavarman III/Chế Mân  và thái tử Đa Da, nàng vẫn đẹp như  xưa, đêm hôm qua em đã mượn tiếng hát để cho ông biết rằng em sẽ đến, nàng nói, vẫn giọng nói buồn như thể niềm u ám của những chiều muộn trên xứ tháp Vijaya cổ kính, ta cứ có cảm  tưởng như mới xảy đâu hôm qua, lại thấy nhớ ngày ấy…nàng và đám tì nữ bước xuống thuyền, vịnh biển Sri Bonei như đang nín thở, không phải là nàng vẩy chào ta,  mà vẫy chào một cuộc tình, kỷ niệm như vết khắc chí mạng trong trái tim giai nhân…đã nghìn năm rồi sao, ta cứ thấy hoảng hốt  như thể sắp phải đương đầu với  hiểm nguy, nhưng làm sao có một mặt trời luôn ngang qua trái tim em, ta hỏi, khi đã nhớ lại toàn bộ những khúc hát ta nghe thấy  trong đêm hôm qua, nói mặt trời là nói lúc sáng tỏ nhất của một cuộc tình, nhưng tình yêu ư, nó là thứ xưa nay vẫn thuyết phục được cả những loài giống ngu si nhất, nàng nói, và vuốt lên tóc của hoàng tử Đa Da, đứa con trai của nàng và ông vua Chiêm bạc mệnh Chế Mân, thì ra là hoàng tử Chế Đa Da như sử cũ chép, về khoản này làm ta vô cùng bối rối  cộng với chút hồ nghi, đã nghìn năm mà sao vị hoàng tử ấy vẫn còn là một đứa trẻ như lúc nàng dắt xuống thuyền ở vịnh biển Sri Bonei ngày ấy, dường biết được những khúc mắc trong lòng ta, nàng nhìn ta với ánh mắt như thể chứa chan toàn bộ niềm thương cảm của một người đã quá lâu mới được gặp lại người thân quen, con trai em nó phải trẻ mãi vậy mới có thể nhìn thấy được toàn bộ những diễn biến lịch sử, nàng nói,  toàn bộ những lịch sử từ đầu tới cuối, ta hỏi, phải, rất tiếc là em không được trẻ mãi như con trai mình để nhìn thấy hết thảy những gì diễn ra trên mặt đất này, nàng nói, ta cứ thấy như đang mở ra một triết học nhân sinh mới mẻ: lịch sử thì vẫn diễn ra, và con người thì sống lâu hơn lịch sử, ta diễn giải lời nàng, và lại thấy có gì đó rất rối rắm và nguy hiểm, thằng bé Da Da bỗng mở miệng cười, và nhìn lên bầu trời có những con chim lẻ loi đang len giữa những đám mây màu xám, chẳng nói lời nào, nàng lại nhìn ta với ánh mắt chứa chan, sao thằng bé chỉ cười và chẳng nói gì, ta nói, nụ cười trẻ thơ là thứ trinh nguyên ông à, con trai em, lúc đặt chân lên kinh đô Đại Việt thì gọi to mấy tiếng cha ơi, mẹ ơi, rồi từ đó không còn nói lời nào nữa, nàng nói, có nghĩa, ngôn ngữ con người đã không còn làm rối rắm cuộc đời thằng bé, ta nói, và tự dưng cứ buông những tiếng thở dài có vẻ rất nặng nề, thằng bé lại nhìn ta, cười, lời nói của loài người đã làm hoen ố cuộc đời em, ông ạ, nàng nói, và òa khóc, ta cứ mường tượng những ngày nàng quay về cố quốc, lênh đênh trên biển với những lời xảo quyệt của con thú người mặc áo quan, thì ta cũng chỉ nghĩ ngợi theo cách nghĩ ngợi của sử quan, xin đừng để chuyện cũ làm mờ nhạt cuộc đời của một giai nhân  vốn cao quí trong chọn lựa cho mình một cuộc đi xa, ta nói với toàn bộ tình cảm chân thành, tự hôm gặp nhau nơi hoàng cung Vijaya, biết là ông đã đem lòng yêu mến em, nhưng em không thể, bỡi vì em đã có vua của mình, nàng nói, và lại òa khóc, nhưng liệu nghìn năm trước tỏ bày với nghìn năm sau, có được không, ta hỏi, nàng không đáp, chỉ lặng lẽ đứng lên dắt tay thằng bé đi về phía vịnh biển Sri Bonei, nàng định đi đâu vậy nhỉ, hay là muốn nhìn lại dấu vết cuộc vượt thoát sai lầm của mình

 

 

***

 

ta đọc sách Toàn Thư  thấy Huyền Trân yêu vua Jaya Shinhavarman III /Chế Mân của nước Vijaya như giai nhân yêu  một lãng tử của thời đại, nhưng  nhà thơ Ovid [43tcn-18scn] của nước Ý cổ đại  yêu  vua Augustus, ông vua đầu tiên của nước ông, là cách  một nhà hiền triết yêu sự thật, ngay những dòng mở đầu sách sách Biến Hình [[Metamorphosee] của ông, Ovid đã viết: ‘‘Kết nối với từng thời kỳ của những bài hát táo bạo của tôi/Sự bất tuân phục từ sự cai quản thô lỗ của đấng toàn năng Chaos cũ kỹ/Cho đến bây giờ thế giới nằm ở bên dưới nụ cười của Augustus/Trong khi đó không phải trái đất cũng không phải biển nơi chốn họ sở hữu / Connect each period of my venturous song/Unsever’d, from old Chaös’ rude misrule/Till now the world beneath Augustus smiles/While yet nor earth nor sea their place possest’’…  Ovid ca ngợi vua mình, và  chê trời [Chaos] cũ kỹ , ta chỉ là cái cánh cửa mở vào quá khứ, một cánh cửa cũng đã quá cũ kỹ, mặt trời bị bỏ lại sau những đám mây màu xám, và bóng tối  phủ dần lên mặt đất, ta thấy hết, nhưng không nói được gì, bỡi ta chỉ là cái cánh cửa mở vào quá khứ, có thể ta, mãi mãi chỉ là cái cánh cửa mở vào quá khứ, cái quá khứ với sự bộc phát của những cơn mê sảng, đám rắn rít tràn qua các làng mạc, tràn qua các núi non, sông hồ, đục phá,  và lớn giọng, ngoài những thứ ấy, còn có cả  những gào thét của những ngu xuẩn, trịch thượng, và của cả khát máu, sự thật chùng xuống, những hoàng hôn buồn bã bày ra, vào một ngày trong những tháng năm khó khăn nhất, có những kẻ cứ giả làm kẻ lạ để gõ lên lưng ta, mi chỉ là cái cánh cửa mở vào quá khứ, bọn họ đùa cợt, và cứ lấy những ngón tay dính đầy máu gõ lên lưng ta,  này, lũ các người chỉ là cặn bã  của thời gian, ta cứ muốn hét to lên, nhưng không thể, bỡi ta chỉ là cái cánh cửa mở vào quá khứ, cái quá khứ hỗn độn, lẫn lộn  vàng  rác, ai đi giữa lưu lạc chỉ muốn lắng nghe mỗi câu kinh, ngắn thôi, dường cả khách lẫn chủ ở miền đất ấy, miền đất có nhiều hoa cúc đỏ, chỉ muốn lắng nghe mỗi câu kinh, ngắn thôi, ta đã nhìn thấy một ngày thật xa, chúng, những cặn bã  của thời gian đã chiếm được chỗ, những thành quách, ngai vàng, cờ xí, chiếu chỉ, ấn tín, quân canh , trống chiêng kinh động, lũ vua quan bạo tàn coi dân như chó lợn, buổi xế chiều em đứng đợi ta ở cuối con đường ở miền đất có nhiều hoa cúc đỏ, con dao lịch sử cắt nửa bầu trời, ta thấy hết, nhưng không nói được gì, bỡi ta chỉ là cái cánh cửa mở vào quá khứ

 

 

***

 

chỉ là  ngọn gió
chứ không phải là gì khác đã đưa ta đến với nàng
một sớm mùa xuân
hay là một sớm mùa đông nhỉ

thật khó tưởng tưởng
[bỡi ở đây có cả những ngọn gió dữ]

ta và nàng lạc nhau
giữa những  ngổn ngang  của cuộc lật đổ
cuộc cách mạng của củi, của gạo, của quần áo
và của nghĩ ngợi của những vật thể có tư duy

[bọn lừa đảo của thời  đại đã cầm tù hết thảy những người đi tìm lương thảo cho ánh mặt trời và phá nát hết những con đường đến miền hoa thơm cỏ lạ]
ban đầu chỉ là tiếng tức tưởi của những con vật nhỏ bé phải dấu mình bên dưới những lớp lá mục
rồi đến tiếng  gào thét của những hóa thạch của đám người đi tìm sự thật  đã bị sát hại
cuối cùng là lũ cua cá giun dế và lũ sâu bọ đứng lên đòi trả lại ngôn ngữ cho loài giống của chúng

ta và nàng là đang lạc nhau
đương diễn ra cuộc thương thảo giữa mặt đất và bầu trời
như thể chẳng còn thời gian để làm ra ngày đêm
làm ra những cách thức tiến hóa

cuộc thương thảo lần đầu trong lịch sử của sống
có cả những lời tâm huyết của phù vân
có cả thói hách dịch của các vị thần cũ mới

có cả những diễn từ cảm động

lẫn nước mắt của cỏ cây và  của những dòng sông giả định đang lặng lẽ chảy ở trên trời
thời của những đại tự sự của đất, nước, lửa, và khí
thế giới nghi ngút mùi giấy mực của những học văn chương, học nhân chủng, học cấu trúc, học triết học …của các loài
giãn nở của ô nhiễm
và thối rữa  của phẩm tiết

thời của đa phức của hội tụ và phân rã
ta và nàng đang lạc nhau giữa giông gió của thế kỷ
thì gặp nhau

chỗ sơ hở của thế giới

 

 

***

 

 

ta lại đi vịnh biển Sri Bonei vì cứ thấy nhớ nhung những gì đấy, cái vẫy tay của bà vương phi trẻ tuổi của vua Jaya Shinhavarman III của đất nước Vijaya, hay những người con gái trong sách Diễm Ca…‘’ Kìa ai đang tiến lên từ sa mạc, tựa hồ những cột mây/ thơm ngát mùi nhũ hương mộc dược….. Này hỡi trang tuyệt thế giai nhân, nếu quả nàng không biết/ thì hãy ra đi theo vết chân đàn cừu’’... hay những cuộc tình trong thơ của nhà thơ nữ đầu tiên của nước Hy Lạp cổ đại, Sappho…’’ Bao lâu nữa thì hết thảy những ngày đáng yêu của tôi sẽ kết thúc/Và tôi không còn được tìm thấy dưới ánh mặt trời .…Cũng không phải những ngọn gió phân minh thì thầm với lau sậy/Cũng không phải những rừng sồi cao lớn giữa những ngọn đồi/How soon will all my lovely days be over/And I no more be found beneath the sun… Nor where the plain-winds whisper to the reeds/Nor in the tall beech-woods among the hills’’… nhưng dù là Sri Bonei, hay Jerusalem, hay đảo Lesbos, tất cả cũng chỉ là hồn cố quận đọng thành lời sông nước, ta như vừa nghe thấy một tiếng vịt kêu chiểu trên sông nước, quá khứ là những tiếng gọi, chân xác, mà mơ hồ, rõ như nắng mặt trời hằng ngày rọi ở trên đầu, nhưng không thể nghe thấy, hay nhìn thấy, mà chỉ cảm được qua nhận thức nỗi tức giận của nghìn xưa, có quá nhiều nỗi tức giận trong quá khứ, là ta đang bước đi trên sông nước Sri Boei, đằng đẵng bóng núi vẫn đổ dài cả buổi ban mai lẫn chiểu hôm, vẫn đổ dài cả thời chưa có sử, vẫn đổ dài trên các vì vương tướng của các đất nước, ta đang nói về ngọn núi trải dài phía đông vịnh biển Sri Bonei ngày ngày ngã bóng trên sông nước, núi, giang sơn của lũ chim trời, còn vịnh biển, nước, là để cho lũ chim soi, gương mặt quá khứ là những dòng nhật ký kỳ diệu và đau đớn của vịnh biển Sri Bonei, ta cứ cảm thấy như là ta đang kẹt giữa trận chiến năm xưa, hai vạn quân sĩ, năm vạn hộc lương, tất cả là góp lấy từ phía bắc Vijaya, những của và người của Đại Việt, vua đang tức giận trong giáp trụ và thanh gươm, ngựa hí trên bờ, thuyền chiến dày đặc dưới nước… từ đây đến kinh thành Vijaya chỉ còn như trong gan tấc…mùa xuân, tháng giêng, ngày 23, năm Đinh Tỵ, 1377, đại quân của vua Trần Duệ Tông vào đến vịnh biển Sri Bonei/Thi Lị Bi Nại, ngày 24 vua mặc áo đen, cỡi ngựa nghê thông, sai Ngư Câu Vương Húc mặc áo trắng cỡi ngựa trắng, và truyền tiến quân, đại tướng Đỗ Lê can, rằng, giặc đã tháo chạy cả rồi [thật ra thì Chế Bồng Nga đã lập kế phản công] nên không nên tiến sâu vào đất giặc, ngươi chính là đàn bà, vua nói, rồi sai lấy áo đàn bà mặc cho Lễ, rồi cho tiến quân, giờ tỵ, đại quân của vua Trần bị phục binh của vua Chiêm Chế Bồng Nga, vua bị hãm trong trận mà chết, ta lại nhắc việc binh theo sách Toàn Thư, một mảnh nhật ký buồn của vịnh biển Sri Bonei, có nhiều nỗi buồn trong quá khứ, sách Ngôn Ký của ta chỉ dựa theo quá khứ mà chép, một cuốn sách buồn, chuyện cũ cứ như thi pháp của đất, thời gian làm vỡ vụn tất cả, thế giới là những cuộc tháo chạy ngẫu nhiên

 

 

***

 

 

rồi những cơn mưa tiếp tục nhuần gội đất đai, sáng ra ta lại thấy mình đứng giữa bầu trời rộng lớn, nghĩ ngợi, luyến tiếc, hay đợi chờ, nơi vầng trán thế kỷ có quá nhiều nếp nhăn, ta nhìn thấy ở đó những câu chuyện viết bằng bụi, những câu chuyện về một ngày của nhiều người hay của một người, một người đang bước trên ruộng đồng thấy bóng mình cứ ngã theo những luống cày mới vỡ chợt nghĩ đến việc cả người cày cả lũ bò kéo cày đều đã sắp già, cuộc đời phía trước cứ giống chiếc bóng, một người khác đang đuổi theo những hình ảnh tìm thấy được trong cuốn cổ thư được chép từ nhiều thế kỷ trước, gọi là những mục tiêu cao nhất, vừa lao về phía những hình ảnh vừa gào lên thứ ngôn ngữ của kẻ cuồng trí, mới hôm qua nàng đã nói với ta,  rằng mặt đất ở đó đang mệt nhoài vì giá rét, những kẻ vô gia cư đến từ phía bên kia biển đang giắt díu nhau đi về phía tây để tìm những miền đất ít gió tuyết hơn, rằng năm nay mùa đông đến muộn, nàng  nằm dài dưới những cơn mưa tưởng tượng về các thành phố thời cổ đại, các ancient city, thành phố nàng đang sống hơn hẳn các ancient city, nhưng người ta đang nhổ hết các cây cổ thụ vốn được trồng trên các đường phố tự nhiều thế kỷ trước để trồng lại những loài cây theo quan niệm về cái đẹp của bọn họ, có nghĩa phải đợi mười lăm hai mươi năm nữa mới có thể đi trên các con đường có bóng mát của cây, ta cứ nghĩ ngợi miết về cái thế kỷ con người tàn nhẫn với cả cây cỏ, đất đai, đêm, lũ dế ở dưới lưng ta ra rả thứ giọng điệu như chẳng nể nang ai, này, lũ côn trùng vô học đừng tưởng lúc ta phải nghĩ ngợi về mảnh đất ta đang sống lũ các ngươi đắc chí hát ca, ta nằm im, thét, nhưng chẳng ăn thua, lũ dế cứ tiếp tục ra rả dưới lưng ta

 

 

***

 

 

những quyền lực trong lịch sử thực ra là thứ sức mạnh chính trị thuộc về một cá nhân, hay thuộc về một tập họp những cá nhân, có khi là cá nhân con người, có khi là cá nhân các vị thần [trong cách nhìn thần học] , thứ quyền lực khủng khiếp nhất trong các thứ quyền lực của con người, có vẻ như  có thể làm thay đổi lịch sử nhân loại…’’…Ngày mồng 6 tháng 11 năm 1470 , vua xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành,  bèn gọi 26 vạn tinh binh nghe chiếu chỉ, tờ chiếu có đoạn:/Bọn Chiêm Thành ngu xuẩn kia, thập thò trong hang thỏ, như loài ong độc, được nuôi rồi đốt lại, như giống cầm thú, ăn no lại quên ơn/Ngày  mồng 7 tháng 11 năm 1470,  vua tấu cáo ở Thái miếu,  có lời:/Là phường cha chó, mẹ lợn nhuốc nhơ, làm việc cướp, giết vua bạo nghịch. Để vỗ cho Thi Nại béo no, nó dao thớt cắt xẻo Tượng Quận, Chức ác ngập trời, làm hại khắp cõi./Thần đã bàn bạc nơi miếu đường, lại lắng hỏi ở lòng dân. Mọi người đều cho rằng nó là loài rắn độc hung tàn, là mối lo cho sinh linh trong cõi.  Phải kíp đem quân hỏi tội/Ngày hôm ấy [26 tháng 11, năm 1470] ngự giá khởi hành, trời mưa nhỏ, gió bấc. Tư thiên giám Tạ Khắc Hải tâu rằng:/”Mưa là mưa nhuần quân, gió từ phương bắc là gió hòa”. Cho nên khi thuyền đi vua đi, có câu thơ rằng: /Bách vạn sư đồ viễn khai hành, Xao bồng vũ tác nhuận quân thanh. (Trăm vạn quân đi đánh cõi xa, Mui thuyền mưu đội thấm quân ta). Đó là ghi sự thực. /Ngày 27 tháng 2, 1471,  vua tự mình đem đại quân đánh phá thành Thi Nại, chém được hơn 100 thủ cấp.[Toàn Thư cuốn XII, chép về vua Lê Thánh Tông]’’…ta trích chép lại sách Toàn Thư cốt để thấy chính vua Lê Thánh Tông là một thứ quyền lực lịch sử,  ông vua kiêu căng, ngạo mạn, cách thức của một ông vua nước lớn, chính vua  quyết định trận đại chiến  Đại Việt/Vijaya năm 1471 dẫn đến sự tan rã đất nước Vijaya của người Chiêm, nhưng theo Virgil [70tcn-19tcn] nhà  thơ lớn của nước La Mã cổ đại thì quyền lực lịch sử lại thuộc về các vị thần, minh họa cho cách nhìn ấy là  cuốn sử thi Aeneid của ông, Aeneid, con trai của nữ thần tình yêu Aphrodite và Anchises, thuộc hoàng tộc thành Troy [Anatolia, bờ đông Địa Trung Hải ] sau khi Troy bị phá hủy [trong cuộc chiến thành Troy  hồi khoảng thế kỷ 13 tcn], Aeneas đã cùng với những người Troy còn sống sót cùng lênh đênh trên  Địa Trung Hải để đi tìm đất mới, lưu lạc đến Carthage [bờ nam Địa Trung Hải,  bắc Phi Châu], ở Carthage, Aeneas đã đáp lại tình yêu của nữ hoàng Dido, muốn ở lại đây, nhưng đã không cưỡng nổi  ý muốn các vị thần, phải lên đường đi tiếp, cuối cùng thì đến được đất Latium, đánh nhau với Turnus vua  xứ Rutuli…’’Tôi ngợi ca vũ khí và người đàn ông thế hệ cũ từ bờ biển Troy đến, cuộc lưu vong định mệnh, đến Ý và bờ biển Lavinium , trôi nổi khó khăn nơi đất liền và chốn sâu thẳm bỡi bạo lực thiên đàng, bỡi sự cố tình giận dữ của nữ thần Juno hung ác, và còn chống đỡ khó khăn trong chiến tranh nữa, trước hết anh ta có thể tìm thấy một thành phố và mang những vị thần của mình đến Latium, từ đây là chủng tộc Latinh, các lãnh chúa của Alba [các lãnh chúa trong huyền thoại Ý] và thành phố hùng vĩ Rome/I sing of arms and the man who of old from the coasts of Troy came, an exile of fate, to Italy and the shore of Lavinium; hard driven on land and on the deep by the violence of heaven, for cruel Juno’s unforgetful anger, and hard bestead in war also, ere he might found a city and carry his gods into Latium; from whom is the Latin race, the lords of Alba, and the stately city Rome[Aeneid /Cuốn thứ I/Cuộc hành trình của Aeneas đến Carthage]’’….’’Trong khi đó ngôi nhà thiên đường toàn năng mở ra cánh cửa của nó, và cha của các thần và vua của loài người triệu tập cuộc hội nghị [các vị thần] trong ngôi nhà đầy sao, khi người nhìn thẳng xuống toàn thể mặt đất, doanh trại của dân Dardanian [dân thành Troy] và người Latium. Các vị thần ngồi xuống trong  lối vào cửa này đến lối vào cửa kia: vua bọn họ bắt đầu [nói]:/’Lạy Chúa thiên đường, vì sao sắc lệnh của bạn bị đảo ngược, và tâm trí bạn vì thế mà xung đột một cách [đầy] mâu thuẫn? Ta cấm Italy tham gia trận chiến với những người Teucrian [tức những bộ tộc người sinh sống ở thành Troy, tức những người Troy cùng đi với Aeneas] , tại sao có sự đối đầu với mệnh lệnh của ta? Sự kinh khiếp nào khiến cho người này người khác chạy theo cuộc vũ trang và cầm thanh kiếm lên? Thời gian thích đáng của cuộc chiến sẽ đến, đừng gọi nó là phía trước/‘Ô Chúa ô Ngài thống lĩnh vĩnh cửu của loài  người và các sự vật—có  gì nữa có thể chúng ta chưa khẩn cầu— cho bạn thấy làm cách nào những người Rutulian dũng cảm, và  Turnus đưa những xe ngựa chiến vào hàng diễu binh, quét sạch ngọn sóng chiến tranh một cách đẹp đẽ?/Meanwhile the heavenly house omnipotent unfolds her doors, and the father of gods and king of men calls a council in the starry dwelling; whence he looks sheer down on the whole earth, the Dardanian camp, and the peoples of Latium. They sit down within from doorway to doorway: their lord begins:/’Lords of heaven, wherefore is your decree turned back, and your minds thus jealously at strife? I forbade Italy to join battle with the Teucrians; why this quarrel in face of my injunction? What terror hath bidden one or another run after arms and tempt the sword? The due time of battle will arrive, call it not forth/’O Lord, O everlasting Governor of men and things—for what else may we yet supplicate?—beholdest thou how the Rutulians brave it, and Turnus, borne charioted through the ranks, proudly sweeps down the tide of battle?. [Aeneid/Cuốn thứ 10/Cuộc chiến trên bờ biển]’’…ta trích dẫn sử thi Aeneid cốt để thấy lịch sử loài người chỉ là việc hiện thực hóa những lời tiên tri của các vị thần, cả  trong cuộc chiến Đại Việt/Vijaya và cả trong cuộc chiến Dardanian/ Rutulian, dù quyền lực lịch sử  thuộc cá nhân con người hay  thuộc cá nhân các vị thần thì thứ sức mạnh mù lòa và trác táng ấy đều dẫn đến cái chết, thế giới là những cuộc rong chơi tốn  nhiều máu và nước mắt loài người, lắm khi, bừng con mắt dậy thấy mình tay không
***

                                                                                         

ta thấy người  hát rong thời cổ đại đi dọc bờ con sông vừa mới hình thành trên  mặt đất và hát về vẻ đẹp của những loài hoa dại đang nở ở ven bờ

‘chảy đi những hình dạng tích tụ từ cuộc giao hoan vô định’

một nghìn năm sau có người con gái thức dậy sau cơn mơ thấy mình nằm giữa khói sương, thử bước đi, nghe nhẹ bổng như bước giữa hư không, có người hỏi nàng từ đâu đến,  không đáp, người con gái cất tiếng hát bài hát người hát rong thời cổ đại đã hát nghìn năm trước, có người hỏi như thế là sao, không nói, nàng lại cất tiếng hát, bài hát có vẻ như nói về các cách thức của sự hiện hữu

‘thức dậy sau nghìn năm rong chơi
lừng lững vô ngôn
em hát cho cuộc ái ân của những kẻ không nhà’
***

mấy năm sau đó ta lại lạc vào chốn hoàng cung Vijaya, chẳng có ai hỏi han ta, đã là phế tích rồi sao, không phải…  ông hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển trong sách Nguyễn Thị Tây Sơn Ký  đã chép: ‘‘‘Phía bắc tỉnh thành cách mười dặm có bức thành cổ, quốc sử gọi là thành Đồ Bàn tức là nơi đây./Bàn  có đã lâu đời, khắc phục tự nhà Trần, bị phá vỡ tự đời nhà Lê,  khôi phục được từ nhà Tây Sơn, rồi sau dần dần phế bỏ, mà nay nền cũ vẫn còn ở bên con đường trạm tất phải đi qua./Thành Bàn là đất dụng võ, mà nay dấu tích Chiêm Thành đã quá cũ rồi, sự tích Tây Sơn cũng không hỏi vào đâu được, nên thường phải ôm mối hận như Lư Lăng Âu Dương Tu khi hỏi sự tích Từ châu  vậy…./ Coi đó thì nước Chiêm Thành đã đồng thời cùng với nước Vạn Xuân[của Tiền Lý Nam Đế, 541-547], và nước Đại Cồ Việt [của Đinh Tiên Hoàng, 968-979]. Đô thành Đồ Bàn cũng đứng ngang hàng với thành Hoa Lư [của vua Đinh] và thành Đại La [do cao Biền xây dựng trong khi sang làm tiết độ sứ vào khoảng năm 866, tức Hà Nội ngày nay] [Nguyễn Thị Tây Sơn Ký/ Đồ Bàn Thành Ký/ Tô Nam dịch]’’

nhưng đấy là chuyện của sử sách
ta nghe thấy có giọng nói của một người con gái phát ra đâu đó từ chốn hoàng cung vắng vẻ

phải, đấy là chuyện trong sách của ông hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển, có thể người chép sách hoặc đi điền dã chưa đến nơi đến chốn hoặc chỉ nghe người khác kể, chuyện cũ cứ dần xa sự thật
ta nói

đã không thấy nói về nỗi khổ đau của vũ nữ…

sau lời ấy là một vùng trời đất buổi hoang sơ, cái có chen lấn vào cái chưa có, như thể những hoa gấm lung linh tự chốn cao thẳm buông xuống miền khuất tất, bấy giờ, trước mặt ta là một vẻ đẹp hoang sơ, ngây ngất nét dịu êm, chuyện là thế này: người con gái ấy đã đứng ở trước ta

em nay chỉ còn như dấu tích

nàng đứng ở trước mặt ta, và nói, và ta thì thấy mình đã bình tĩnh để nhìn ngắm một cuộc diện, sau những phút giây mọi chuyện đều ngoài sức tưởng tượng làm ta nghiêng ngả, giờ đã trở lại bình thường

nhưng làm sao em lại ra nông nỗi này

ta phải hỏi thế, bỡi lúc bấy giờ, trước mắt ta , người con gái ấy mình đầy thương tích như thể người lính mới từ chiến trường trở về, một đóa hoa tàn tạ, ta thấy nàng khóc, và bắt đầu câu chuyện từ cung điện Angkor Wat trên đồi Ba Khèng nghi hút màu sương khói, không phải, nàng bắt đầu từ con đường đất vạn dặm xây bằng máu của con người nối liền Vijaya với đế quốc Angkor, đám vũ nữ chúng em ngày đêm lê lết, nàng bắt đầu nói về con đường đất không hiểu sao về sau sử sách ít nhắc đến, con đường làm ngắn lại bước chân xâm lấn và làm dài ra mộng làm chủ thế giới của Jayavarman VII, ông vua thép của đế quốc Angkor đã làm Vijaya suy yếu đến tận cùng bằng cách biến vua Jaya Indravarman IV của Vijaya thành tù nhân của mình và để cho con trai mình đến cai trị đất nước Vijaya

đám vũ nữ bọn em chết đi sống lại nơi những nhà trạm, có đến hằng chục nhà trạm trên đường nối Vijaya với xứ chùa Tháp, và ở đồi Ba khèng, đám lính bại trận của đất nước Vijaya và đám vũ nữ bọn em là đám người  nô lệ  trong cuộc trùng tu  cung điện Angkor Wat không phút nghỉ ngơi, roi vọt và sự sỉ nhục, đêm đến, đám vũ nữ  bọn em là thứ trò vui thân xác của đám quan quân thắng trận,  xin ông cứ coi em như ngọn gió nhỏ hay là chút hương xứ sở còn sót sau cuộc đao binh

nàng nói, mỉm cười, vẫn đứng nguyên ở trước ta như lúc mới xuất hiện, và ta thì thấy quá khứ như thể một khúc truyền kỳ, quả tình, người con gái ấy là rất đẹp, vẻ trẻ trung thuở ấy vẫn còn ẩn kín đằng sau thứ thời gian nhìn thấy được nơi những vết sẹo trên da thịt và nụ cười như thể là sự đọng lại của toàn thể niềm đau thương của một người vừa trải qua cuộc chuyển động có vẻ hướng về sự trống trơn hơn là hiện hữu, là ta đang nhớ đến khúc năm tháng được ghi bằng niên lịch của nhân loại: thế kỷ thứ mười hai, 1190-1192, Vijaya thất thủ dưới lưỡi gươm của đế quốc Angkor do vua Jayavarman VII nắm giữ, nhưng thật ra, trước đó, một khúc tháng năm khác, buồn  hơn, 1145-1149, Vijaya cũng thất thủ dưới lưỡi gươm của Angkor do vua Suryavarman II nắm giữ, cuộc xâm chiếm khiến vua Jaya Indravarman III của Vijaya biến mất, nhưng lũ các người chớ bảo đó là đau thương, bỡi các người, cũng bao nhiêu lần xâm lấn tàn phá đất nước Angkor của ta, như thể là ta đang nghe thấy tiếng thét của ông vua hiếu chiến Suryavarman II, ta nhớ được những chuyện ấy bỡi chuyện thù hận bạo tàn chết chóc thì làm cho người ta khó quên

giờ  em phải ra đi

vũ nữ bỗng nói lời từ biệt, ta cứ nghe như chốn hoàng cung đang rung lên, tiếng bàn ghề giường chiếu gươm đao cũ đổ loảng xoảng

nhưng em đã trở về đây bằng cách nào, và giờ thì đi đâu
ta hỏi
và thấy vũ nữ lại khóc

cứ theo những nghĩ ngợi mà trở về
và giờ cũng cứ theo những nghĩ ngợi mà ra đi
nàng nói, bước khỏi hoàng cung Vijaya, biến mất vào sử lịch

em, ta không thể gọi là phế tích, mà gọi là dấu tích của những kỳ tích, chớ buồn, lịch sử chẳng qua là câu chuyện hận thù,  vô cớ và dai dẳng
ta cũng vói theo nàng bằng nghĩ ngợi
***
hay cứ để cho ta nhìn em qua khoảnh trời buổi sáng có lũ chim lao đi giữa những ngọn gió, những đám mây thì va vào những cánh chim, còn những ngọn gió cứ vang lên thứ âm thanh như thể những bài hát cổ xưa, hãy cứ để cho ta  nhìn em như thể ta cũng đến từ phía cổ xưa, những tro than phủ lên những niên kỷ, những tiếng gọi thầm của đất, những giọt nước mắt của cỏ hoa, có phải em đã bước ra giữa buổi xế chiều của cuộc tiến hóa, lũ người man di đang sửa sang lại những thành quách cũ, những ngai vàng đang thuộc về những kẻ ngông cuồng, cứ coi như ta cũng  đến từ phía cổ xưa, những vẻ đẹp đơn sơ  còn nguyên trong ký ức, vẻ đẹp của đám cỏ trỗ hoa bên đường, vẻ đẹp của những cuộc hò hẹn dưới trời đêm, ta cũng đến từ phía những năm tháng cũ, và nhìn em qua khoảnh trời đang mở ra trên đầu cuộc nhân gian rối rắm, mặc lũ người man di đang xây thêm thành quách lâu đài, ta đang cố mường tượng nụ cười của em để quên đi nỗi buồn năm tháng.

***

 

ta nằm mơ thấy mẹ ta, bà bảo là ta đã nghĩ đúng, ta vẫn nghĩ con đường nối kinh đô Vijaya với đế quốc Angkor hồi thế kỷ 12 là ngang qua làng ta, ngang vùng núi rừng phía nam làng ta, con đường làm bằng xương máu của người Vijaya, sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép… ‘‘Thủ sở An Tượng ở đây. Chân núi có khe là chỗ phát nguyên của sông Tân An. Phía nam có núi Đốc Thực, núi Thủ Đường.  Phía tây bắc có núi Ngang, núi Chớp Vàng, núi xà Cù. Phía đông đều là rừng’’  [cuốn chép về tỉnh Bình Định, tức Vijaya]’’… An Tượng là vùng núi rừng phía nam làng ta, gọi tắt là núi Tượng, ta chọn đi núi Tượng vào  mùa thu là để có thể nhìn thấy được sự chuyển màu của cây lá, nhưng cốt là ta muốn đi trên con đường nối Vijaya và Angkor ta luôn nghĩ là từng ngang qua  đất chôn nhau cắt rốn của ta, mùa thu ở núi Tượng nghe chim vướt kêu rất buồn, lịch sử cứ như nơi chốn con người tiếp nối nhau cư ngụ, nắng mưa nhuần gội, hay phá phách, buổi chiều hôm có kẻ ngang qua, thử ngồi lên chiếc giường cũ, nghe được hơi ấm của tháng năm, buột nói gì đấy mà về sau thành điều bí ẩn, ta thấy mình đã đứng trước hang núi to rộng, sầm uất, như thể kiến trúc đá ở đây là được tạo ra từ sự chăm chút đặc biệt của tạo tác, sao những lần vào núi trước đây  ta không nhìn thấy công trình cự thạch này nhỉ, những tảng đá trời làm thành  cụm ngay trước hang núi như thể những chiếc ghế dành cho khách đường xa, cứ ngồi lại nghỉ… có sao đâu, có tiếng ai vọng ra từ hang núi, không phải, chỉ là ta cứ giả định, rằng, hang núi là một trong những nhà trạm được thiết đặt trên con đường nối Vijaya với đế quốc Angkor hồi thế kỷ 12, rồi trí tưởng tượng đã thôi thúc ta bước vào hang núi, cái giá buốt như thể đâu tận thời tiền sử ập lên người ta, lạnh, ta cố giữ cho khỏi run, và,  như có nỗi sợ hãi nào đó lung lạc nghĩ ngợi của ta lúc ta  nhìn thấy những con chữ kỳ dị như đang cố đeo bám trên vách đá, thứ mẫu chữ thuộc văn minh Ấn, hay văn minh Phật gì đó, ai đã qua đây, và muốn gửi lại người đời sau điều bí ẩn nào đó, rồi ta lại chìm vào âm vang như thể tiếng nhạc ngựa đang tiến đến gần, rồi người kỵ sĩ ấy đã xuất hiện trước ta, núi rừng như lạ hẳn đi trước những chi tiết bất thường: con ngựa nòi phương đông rất trẻ, và kỵ sĩ cũng rất trẻ, nhất định là không phải đến từ xưa cũ, ta nghĩ ngợi trong lúc  kỵ sĩ vẫn ngồi trên ngựa, chăm chú nhìn ta

 

đấy là kẻ đến từ hôm nay hay là đến từ xưa cũ
kỵ sĩ hỏi, vẫn ngồi yên trên ngựa

 

ta còn thấy sợ hãi hơn là lúc nhìn thấy những con chữ bí ẩn ở trên vách hang, và cứ thấy như mình bé nhỏ hẳn đi

 

thưa, kẻ này vốn đang làm sách Ngôn Ký, và  muốn thử đi  trên con đường nối kinh đô Vijaya với  đế quốc Angkor hồi thế kỷ 12

là nhà trước tác đi điền dã

thưa phải, nhưng có phải là ngài mới từ Angkor trở về

ta hỏi, câu chuyện cũ vẫn ám ảnh kẻ hoài cổ, tự dưng ta cứ cho rằng ông khách đi từ Angkor và muốn ghé lại nhà trạm được dựng lên buổi ấy để nghỉ chân, kỵ sĩ nhìn ta, cười, nụ cười như thể không phải thứ niềm vui thường lệ, mà là vỡ ra từ một bất thường nào đó, sự đổ vỡ của một cuộc tình, hay của một triều đại, ta cứ nghĩ ngợi lung tung vậy

mấy trăm năm nay ta vẫn đi lại nơi núi rừng này

kỵ sĩ nói, vẫn ngồi yên trên ngựa

ngài là chủ của nơi này
ta nhìn về phía  hang núi, và hỏi

 

tất cả những thứ ấy là của đất nước ta buổi ấy
kỵ sĩ nói, vẫn ngồi yên trên ngựa

lập tức, niềm hứng thú bắt ta nghĩ  đấy là người của  đất cũ Vijaya, nhưng đã gần nghìn năm, còn gì, sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép…  ‘‘Quí dậu, 1693, mùa xuân, tháng giêng, bọn thống binh Nguyễn Hữu Kính đánh bại Chiêm Thành, Bà Tranh bỏ chạy/ tháng 3, Nguyễn Hữu Kính bắt được Bà Tranh và bầy tôi là Tả trà viên Kế Bà Tứ với thân thuộc là Nàng mi Bà Ấn đem về. Chúa sai đổi nước ấy là trấn Thuận Thành’’ [cuốn chép về chúa Nguyễn Phúc Chu, 1675-1725]’’  … vị chúa Nguyễn thứ sáu ấy đã xóa tên cuối cùng của đất nước người Chiêm, đất nước cuối cùng của người Chiêm là phần đất phía nam sông Phan Rang, chót nam của xứ Panduranga vị chúa Nguyễn thứ  tư Nguyễn Phúc Tần đã chừa lại cho người Chiêm sau khi lấy hết đất của họ từ đỉnh Cù Mông đến sông Phan Rang…’’ Quí tỵ, năm thứ 5, 1653…..Chúa y cho, khiến lấy sông Phan Rang làm giới hạn, từ phía đông sông đến địa đầu Phú Yên chia làm hai phủ là Thái Khang ( nay là Ninh Hòa) và Diên Ninh (nay là Diên Khánh)……Phía tây sông Phan Rang vẫn về Chiêm Thành, bắt giữ lệ chức cống’’[Đại Nam Thực Lực Tiền Biên, cuốn chép về chúa Nguyễn Phúc Tần, 1620-1687]’’…tự buổi đầu công nguyên [192] đất nước ấy đã có mặt trên đời, trải dài một dãi từ cửa Sót [nam Hà Tĩnh, bắc Quảng Bình] cho đến mũi Né [Phan Thiết] , khi rộng ra, khi thu hẹp lại, tùy theo mối bang giao với các nước láng giềng, những cái tên Lâm Ấp, Hoàn Vương, Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga đã trở nên quen với thế giới loài người, rồi  bỗng một hôm vào cuối  thế kỷ mười bảy, 1693, vị chúa Nguyễn thứ sáu ấy đã xóa tên một đất nước tồn tại suốt mười bảy thế kỷ, khi ta sinh ra đời chỉ  còn nghe nói đến người Chiêm nhưng không nhìn thấy đất nước người Chiêm, song vẫn canh cánh trong lòng, một ngày nào, sẽ gặp được người của đất cũ Vijaya là đất chôn nhau cắt rốn của ta

 

nhưng có phải ngài vốn là con dân của đất nước Vijaya hay không

ta buột hỏi theo những chuyển động bất thường trong ký ức của mình
nó, thời gian, làm cho ngọc nát, nhưng cũng làm cho sáng ra, vào lúc trưa, sương tan, nhưng lại rơi lại vào lúc tinh mơ, núi rừng này mấy trăm năm qua là vậy
kỵ sĩ nói, vẫn ngồi yên trên lưng ngựa

nhưng ngài có thể nói cho kẻ này biết điều gì đã chép trên vách núi

lời nguyền của đất nước ta buổi ấy: ‘‘kẻ tiết lộ nơi này sẽ chết, cho đến khi có người muốn nhìn thấy sắc nắng ban mai ‘‘

 

ta lại thấy sợ hãi, và cứ đinh ninh, rằng, người đang ngồi trên lưng ngựa là  ông vua của đất nước Vijaya đã bị mất tích, vua Jaya Indravarman III, ông vua bị vua Angkor Suryavarman II đánh bại hồi giữa thế kỷ 12

 

nhưng có phải kẻ hậu thế này đã nhìn thấy được sắc nắng ban mai, và lời nguyền kia sẽ được gỡ bỏ

 

ta nói

kỵ sĩ nhìn ta, lại cười, và quất ngựa chạy vào khu rừng già phía trước, hay  sự vĩnh hằng không tính bằng thời gian, mà tính bằng niềm yêu thương thuở trước, ta nghĩ ngợi, có tiếng chim vướt kêu ở đâu đó, nghe như khóc
 

***
 

ta lại nghĩ đến  vua  Gilgamesh của thành phố Uruk, Mesopotamia [Tây Á] hồi 2000 năm trước, ông vua đi tìm sự vĩnh hằng, và đã thất bại…Nhưng bây giờ, người phụ nử trẻ, người làm rượu vang, bỡi  ta đã nhìn thấy cô ta ngăn cản không cho ta nhìn vào gương mặt cái chết ta rất sợ hãi/Nàng nói, ‘‘Gilgamesh, chàng đang vội đi đâu? Chàng sẽ không bao giờ tìm thấy cuộc sống chàng đang tìm kiếm/Khi các vị thần tạo ra con người bọn họ đã dành cái chết cho con người, nhưng cuộc sống [thì] bọn họ vẫn giữ lại trong sự bảo tồn riêng của bọn họ. Với chàng, Gilgamesh, hãy làm no bụng chàng với những điều tốt đẹp, ngày và đêm, đêm và ngày, hãy nhảy múa vui vẻ, hãy tiệc tùng vui chơi. Hãy để cho áo quần chàng tươi mát, tắm mình trong nước, yêu thương đứa con nhỏ đang cầm tay chàng, và làm cho vợ chàng hạnh phúc trong vòng tay chàng, bỡi hầu hết những người đàn ông đều làm điều này’’/Nhưng Gilgamesh nói với Siduri, người phụ nữ trẻ, ‘‘Làm sao ta có thể im lặng, làm sao ta có thể nghỉ ngơi khi [bạn ta] Enkidu người ta yêu [đã] là  cát bụi, và ta cũng sẽ chết và nằm trong đất. Em sống bên bờ biển và nhìn thấy trái tim của biển, người phụ nữ trẻ, giờ hãy nói với ta, làm cách nào để đến [với] Utnapishtim, con trai của [vua] Ubara-Tutu? [của thành phố cổ Shuruppak, vị vua cuối cùng của Sumer, Utnapishtim kẻ được thần Ea  giao cho phải sống  sau đại hồng thủy để làm lại loài người ] Có những hướng đi nào cho cuộc vượt biển, hãy chỉ cho ta, ồ, hãy chỉ cho ta hướng đi. Ta sẽ băng qua biển nếu có thể, nếu không thì ta sẽ lang thang xa hơn trong miền hoang dã’’./ Người làm rượu nói với ông ta, Gilgamesh, không có con đường nào qua biển, với bất cứ ai [muốn] đi, đã lâu lắm không còn thể vượt qua biển. Mặt Trời trong niềm vinh quang của nó đã vượt qua Biển, nhưng kẻ ở gần Shamash [vị thần mặt trời của người Mesopotami cổ đại]  thì không bao giờ vượt qua biển? Nơi đi và lối đi thì khó khăn, và những dòng nước gây chết chóc thì sâu thẵm chảy giữa biển. Gilgamesh, bạn sẽ vượt biển như thế nào?/Khi bạn đến vùng nước chết bạn sẽ làm gì? Nhưng Gilgamesh ở trong rừng, ông sẽ tìm thấy Urshanabi, người đưa đò [qua con sông chết] của Utnapishtim, với anh ta [Urshanabi] là những gì thiêng liêng, những gì vững chắc như đá. Anh ta [Urshanabi] đang làm nên hình thù con thuyền có đầu thuyền hình rắn./Hãy nhìn anh ta [Urshanabi] thật kỹ, và nếu có thể, có lẽ bạn sẽ cùng anh ta vượt qua con nước, nhưng nếu không thể, rồi thì bạn phải quay về./Khi Gilgamesh nghe thấy điều này ông lập tức rơi vào cơn giận dữ. Ông ta giữ lấy rìu trong tay, và mang dao găm nơi thắt lưng. Ông ta trườn về phía trước và ngã xuống giữa các thứ như một ngọn lao. Rồi thì ông ta đi vào rừng, và ngồi xuống. [Người đưa đò] Urshanabi nhìn thấy con dao lóe sáng và nghe thấy chiếc rìu, bỡi Gilgamesh trong cơn giận dữ đã đập nát hết những phụ kiện của con tàu. Urshanabi nói với Gilgamesh ‘‘Nói cho tôi biết tên của ông’’. Tôi là Urshanabi, người đưa đó của Utnapishtim xa vắng. Gilgamesh trả lời anh ta: ‘‘Tôi là Gilgamesh, đến từ Uruk, từ ngôi nhà của thần bầu trời Anu’’. Rồi thì Urshanabi nói với Gilgamesh, ‘‘Tại vì sao gò má bạn quá hõm sâu và gương mặt bạn mệt mỏi. Vì sao trái tim bạn tuyệt vọng và gương mặt bạn như thể của kẻ đã trải qua chuyến đi dài, phải, vì sao gương mặt bạn bị đốt cháy với lửa nóng và với [cả] giá lạnh, và vì sao bạn đến đây lang thang trên cánh đồng đầy gió?’’/  …’But now, young woman, maker of wine, since I have seen your face do not let me see the face of death which I dread so much.’ /She answered, ‘Gilgamesh, where are you hurrying to? You will never find that life for which you are looking. /When the gods created man they allotted to him death, but life they retained in their own keeping. As for you, Gilgamesh, fill your belly with good things; day and night, night and day, dance and be merry, feast and rejoice. Let your clothes be fresh, bathe yourself in water, cherish the little child that holds your hand, and make your wife happy in your embrace; for this too is the lot of man.’ /But Gilgamesh said to Siduri, the young woman, ‘How can I be silent, how can 1 rest, when Enkidu whom 1 love is dust, and I too shall die and be laid in the earth. You live by the sea-shore and look into the heart of it; young woman, tell me now, which is the way to Utnapishtim, the son of Ubara-Tutu? What directions are there for the passage; give me, oh, give me directions. I will cross the Ocean if it is possible; if it is not I will wander still farther in the wilderness.’ The wine- maker said to him, ‘Gilgamesh, there is no crossing the Ocean; whoever has come, since the days of old, has not been able to pass that sea. The Sun in his glory crosses the Ocean, but who beside Shamash has ever crossed it? The place and the passage are difficult, and the waters of death are deep which flow between. Gilgamesh, how will you cross the Ocean? / When you come to the waters of death what will you do? But Gilgamesh, down in the woods you will find Urshanabi, the ferryman of Utnapishtim; with him are the holy things, the things of stone. He is fashioning the serpent prow of the boat. /Look at him well, and if it is possible, perhaps you will cross the waters with him; but if it is not possible, then you must go back.’ /When Gilgamesh heard this he was seized with anger. He took his axe in his hand, and his dagger from his belt. He crept forward and he fell on them like a javelin. Then he went into the forest and sat down. Urshanabi saw the dagger flash and heard the axe, and he beat his head, for Gilgamesh had shattered the tackle of the boat in his rage. Urshanabi said to him, ‘Tell me, what is your name? I am Urshanabi, the ferryman of Utnapishtim the Faraway.” He replied to him, ‘Gilgamesh is my name, I am from Uruk, from the house of Anu.’ Then Urshanabi said to him, ‘Why are your cheeks so starved and your face drawn? Why is despair in your heart and your face like the face of one who has made a long journey; yes, why is your face burned with heat and with cold, and why do you come here wandering over the pastures in search of the wind? [Epic of Gilgamesh/The search for everlasting life/Translate in to English by Nancy Katharine Sandars, Anh, 1914-2015/[Sử thi Gilgamesh/Đi tìm cuộc sống vĩnh hằng/Bản tiếng Anh của Nancy Katharine Sandars, Anh, 1914-2015 ]



***
 

bây giờ thì trong những ngọn gió thổi qua bầu trời có cả những giọng nói các loài tảo giọng nói các loài lưỡng thê  và giọng nói các giống chim muông cây cỏ, đêm, ta nằm nghe chúng thì thầm nhau, dường trong thời của con người chúng không dám nói to lên thành lời, bây giờ thì thời gian với lũ rong rêu không phải để hóa kiếp hay với lũ nòng nọc không phải  để rụng đuôi, lũ rong rêu có hóa thành loài giống khác và lũ nòng nọc có rụng đuôi hay không rụng đuôi chẳng còn là chuyện quan trọng, những giấc mơ đã thuộc về quá khứ, những câu chuyện  đã cũ,  bây giờ thì  thế giới loài chim không phải chỉ dành cho lũ chim, con người cũng muốn trở thành loài chim để bay lượn và để hót,  lũ chim hót về tiếng suối reo hay tiếng gió ngang qua rừng cây, nhưng con người thì hót về niềm vinh quang của các triều đại của mình, một vị quan đầu làng hay một vị quan đầu phủ hay đầu huyện đầu tỉnh đều có thể hót về cách trị nước của mình, bây giờ thì trong những ngọn gió thổi qua bầu trời có cả giọng nói các loài rong rêu muông thú và có cả giọng nói con người, ta không phải là rong rêu hay muông thú, nhưng giữa thời con người có những giấc mơ quá lớn ta cũng không dám nói to lên thành lời, đêm, ta nằm nghe vang lên những lời gào thét của các vì vua chúa, lời gào thét của các nhà làm ra của cải, và của bọn quậy phá của thời đại, mặt đất chung quanh ta như cứ rung lên, từng chặp rung lên, những cuộc đuổi bắt, dày xéo nhau, có cả cách thức  man rợ tiền sử lẫn những xảo quyệt đương đại,  đêm nghe những ngọn gió thổi qua bầu trời mang lại bao nhiêu niềm kinh động, ta cứ cố thu mình cho đến mức còn có thể

 

 

***

 

 

mẹ ta vẫn là người tạo ra những giấc mơ cho ta, bến sông Tưa, con đường về quê ngoại băng qua gò Lũy, và cả cuộc đời ông ngoại ta cũng hư ảo  như những bóng cổ thụ già nơi cái gò đất hoang tàn ấy, những câu chuyện cổ tích có vẻ đã ngự được nơi tuổi thơ ta, và bầu trời trên đầu ta như lúc nào cũng diễn ra những cuộc bay hoành tráng của các vị thần, tất nhiên, những thu hoạch như mùa bội thu của tuổi thơ  là nhờ có mẹ ta, bà là vị thần ở dưới đất kết nối ta với những vị thần trên trời, từ kinh thành Vijaya tỏa đi bốn phía là những tháp, những thành lũy, như cánh tay nối dài hay như con mắt trông xa của một triều đại, khi tháp đổ và thành lũy đổ, lịch sử trở nên những biểu tượng khó khăn cho nhận thức, bây giờ thì không còn là tháp là lũy nữa, mà là những gò Tháp, gò Lũy, những đổ nát… hóa ra lại trở thành những tên gọi đặc chủng lan tỏa thành tri thức nhân gian, lung linh và huyễn diệu, ông ngoại ta cũng trụ lại được một chút thời cũ, câu chuyện cổ xưa mà ông đã được tham dự vào đã được đem ra kể với với mẹ ta như thể một báu vật của đời ông, đó là một cô gái Chiêm, mẹ ta nói, ở nơi  gò Lũy hoang tàn ấy, ông ngoại ta đã gặp được một cô gái trẻ tuổi người Chiêm ấy

chàng là người của thôn này
cô gái hỏi

đêm tháng tư, gió nam thổi ngọt, ngọn gió bắt đầu từ phía tây nam vượt qua dãy núi ở phía nam làng cứ gào lên như thể đang có cuộc lấn chiếm nào đó của trời đất, tiếng con chim vạc lẫn vào miền trắc ẩn

nhưng có phải là em đi tìm ta
chàng trai hỏi

trăng đầu tháng soi không đủ thấy gương mặt giai nhân, nhưng cô gái đã ngã vào lòng chàng, ngây ngất một cuộc tuần hoàn, thì kết tập âm dương là vậy, chứ còn gì, nhưng đâu phải thế, đấy chỉ là ám hiệu của sử lịch, lập tức vây quanh chàng là những vũ khúc dày đặc những năm tháng lầm than, vũ nữ như thể những con đại bàng cánh rã rời bay trên xứ sở điêu tàn, và, âm ba của tiết điệu là những máu, tươi đỏ, cuồn cuộn chảy từ những uốn lượn mệt nhoài của những thân thể thương tích, cũng phải đến nghìn vũ nữ vây lượn quanh chàng, thơ mộng mà chết chóc

hãy trả lại cho bọn ta những ngày tháng cũ
bài hát cất lên, như nỗi hờn căm
chàng ôm chặt giai nhân, đứng chết lặng trong niềm sợ hãi

 

đấy là toàn bộ câu chuyện ông ngoại ta đã đem ra kể với mẹ ta, bấy giờ ta theo mẹ về nhà ngoại ta, ông ngoại ta vẫn ngồi im lặng ở trong ảnh nơi bàn thờ  nhìn ta, ta cũng im lặng chờ thử ông ngoại ta có nói gì với ta  không, và cứ thấy nhớ  câu chuyện kể về cái vũ khúc đầy máu me ấy, nhớ  không sót chỗ nào, ta cứ lặng lẽ đứng nhìn ngoại ta, và mường tượng một cuộc gặp đầy tính sử thi, giờ thì ta nói đấy là cuộc gặp sử thi, còn lúc ấy, đứng nhìn ông ngoại ta nơi bàn thờ ta cứ có cảm tưởng như toàn  thể  những bóng ma trong câu chuyện kể là đang lẩn quất đâu đấy, đang vây quanh ta và ngoại ta, theo lời ngoại ta kể với mẹ ta thì cô gái Chiêm trẻ tuổi là từ bóng một cây cổ thụ già nơi gò Lũy bước ra, trên đường về quê ngoại, đến cái gò đất màu gạch nung đầy những viên gạch hư nát ấy bao giờ mẹ ta cũng bảo ta ngồi lại nghỉ chân, chỉ một chặp nữa thì tới nhà ngoại, nhưng bao giờ mẹ cũng bắt ta phải ngồi lại nơi đó để mẹ nghĩ ngợi gì đó, như thể  những dấu tích cũ đang chinh phục được bà, có vẻ như mẹ ta mãi mê nghĩ về chốn cũ nào đó mà bà cảm thấy đáng yêu, một hôm, khi ngồi lại nơi gò Lũy, mẹ ta lại  kể  cho ta nghe câu chuyện kể của ông ngoại ta, kể xong, mẹ ta rưng rưng nước mắt, có phải những cô gái Chiêm  oán ghét ông ngọai con hay không, ta  hỏi, không phải, nhảy múa ca hát đến chảy máu cốt  để cho người đời biết bọn họ rất khao khát được nhìn thấy quê hương xứ sở của mình,  mẹ ta nói, với ông ngoại ta, vũ khúc đầy ấy  là biểu hiện của nỗi hờn căm của những con người đang chịu đau thương mất mát, nhưng khi đến mẹ ta thì đấy lại là niềm khao khát đời đời tồn tại nơi loài giống con người, lịch sử cứ như lá rụng trên rừng, chồng chất lên nhau, lẫn lộn vào nhau, rữa mục trong nhau, đa phức huyền hoặc thấu xương, nhà chép sử ảo tưởng đến chết, bỡi không đời nào nhìn thấy được sự thật
***

rồi xe mặt trời đến đón nàng, ta đứng nhìn theo cho đến khi nàng khuất dạng nơi chí tuyến, rừng taiga lan dần về phương nam, loài lá kim vẫn ấp ủ những niềm vui định mệnh, cái lạnh thế kỷ làm nản lòng loài gấu phương bắc, gió, và những dịch chuyển của những hoài niệm cũ, nàng vẫn chờ ta nơi cao nhất của ký ức, tuyết cựa mình trên những đỉnh núi,  nước và sự quánh lại của những dục vọng, những chiếc cầu đất phóng dật không thể khép lại những tham vọng đương đại, kỷ Giuna, và chim, và cây hạt trần, và loài có vú, nàng đi giữa gió, và nghe những bước đi của tổ tiên con người vang lên bên dưới những tàng cây không chịu sinh trưởng theo kiểu giao phối thường tình, có loài chim nào có tiếng hót như tiếng khóc hay không, tồn tại, và tiêu vong, loài cây che chở cho những bước đi  của tổ tiên con người đang dần biến khỏi mặt đất, thay vào đó là những tuyên bố có tính khải huyền của những vị thủ lĩnh ngu tối và hiếu chiến, những huyền thoại của thế kỷ có gương mặt của rừng taiga đang biến dạng, sự lấn dần của đầm lầy và cây lá rộng, taiga…taiga… em đang ở đâu
***

 

 

ta lại đi thượng nguồn sông Tưa, khi  ta và nàng hẹn gặp nhau ở con nước đầu nguồn  thì mặt đất vẫn còn bao nhiêu bất trắc, con đường dẫn đến đầu nguồn của sông mỗi lúc một tách xa dòng sông, lúc đầu còn nghe thấy tiếng hát của nàng, chỉ nghe hát cũng hình dung được nàng một thân một mình trên sông nước, có một người con gái đang ngược dòng sông định mệnh đi tìm sự vĩnh hằng, lúc đầu còn nghe thấy tiếng hát của nàng, nhưng sau đấy thì chỉ còn nghe tiếng hót của lũ chim, có tiếng chim vướt, ta lại nhớ đến cha ta, người đưa tin về thuở trước, con chim vướt cũng là người đưa tin  về thuở trước, bấy giờ là đang vào đông, gió từ phía thượng nguồn thổi lại, giá buốt, ta thì  lo cho nàng mỗi mình  trên sông nước, còn  con ngựa của ta thì có vẻ  chán nản con đường trước mặt, như đang đếm từng bước chân mệt mỏi, con đường dẫn về đầu nguồn của con sông Tưa mỗi lúc một khó khăn, hết lên dốc, lại xuống dốc, và rồi những làng xóm hiện ra, những làng xóm dị thường, ở ngôi làng  ấy như đang có lễ hội gì đó, từ  xa ta nhìn thấy cảnh người nhốn nháo, đến nơi mới biết người ta đang in sách của vua, không phải in bằng mực, mà là bằng máu, sách lớp còn đang in dang dở, lớp đã xong, đang đem phân phát cho người làng, ta và ngựa của ta chẳng phải  cư dân của làng, nhưng để tỏ lòng tôn kính  ông vua xứ sở ấy, ta phải làm công việc chở sách của vua đi phân phát cho người làng, cuối cùng thì cả ta lẫn ngựa đều bê bết máu, cho đến lúc đó ta cũng chưa biết đấy có phải là máu người hay không, ở ngôi làng kế đó thì người ta đang tự trói tay lại mà hát, trói bằng những sợi dây mà bọn họ bảo là phải đi lấy trên dãy núi trước làng, thấy bọn họ vất vả trong việc tự trói mình, ta toan làm giúp, nhưng liền bị từ chối, ở đây con người ta phải  tự trói  mình lại trước khi ca hát, bọn họ bảo, những  bài hát ngợi ca vua, hết thảy mọi người đều gân cổ lên mà hát, như thế là thế nào, ta  hỏi thử một ông cụ, cũng đang tự trói tay ngồi trông coi nhà cửa, khi con người ta đã mất hết tự do là thế, ông cụ bảo, ta  nói mất tự do thì mất việc gì phải tự trói tay, khi bị tước mất hết tự do thì anh sẽ hiểu, ông cụ bảo, đêm, ta ngủ lại nhà ông cụ ấy, vào khoảng nửa khuya, con ngựa của ta cứ nhảy lồng lên, còn ta thì cứ thấy bứt rứt, đứng ngồi không yên, ta nghĩ  là do nhớ nàng không ngủ được, nhưng ông cụ bảo: hãy tự trói tay chân đi thôi, ta đi trói chân ngựa, rồi tự trói tay mình, và quả tình ngủ được, sáng ra, ta tự mở trói cho ta rồi đi mở trói cho ngựa, từ giã ông cụ, ra đi, người đưa thư mang thư nàng đến giữa lúc ta còn đang chìm đắm trong những nghĩ  ngợi về việc bị tước mất tự do, thư của một người con gái đang đi thuyền trên sông, người đưa thư bảo… ‘‘em phải ghé vào trạm chuyển thư ở trên bờ để viết thư cho anh, bằng giá nào anh cũng phải đến được đầu nguồn của sông, ở đó chúng ta sẽ có tất cả, một tình yêu vĩnh hằng trong một thế giới tốt đẹp, em sẽ chẳng thể sống nổi, nếu không còn được gặp anh, sao các dòng sông vẫn cứ chảy hoài như thế’’…chưa kịp viết mấy dòng hồi âm cho nàng, người đưa thư đã quất ngựa lên đường, ta chỉ còn biết vói theo ông ta…’’ hãy nói giúp với người con gái ấy, rằng, nếu còn sống thì ta sẽ gặp nàng ở đầu nguồn của sông’’…rồi  lại chìm đắm trong nỗi lo sợ bị tước mất  tự do, nếu một lúc nào đó ta cũng bị tước mất  tự do thì ta cũng phải tự trói tay mình để sống  như những người làng ấy đã sống, có nghĩa, chẳng còn có cuộc tìm kiếm nào nữa cả, nàng sẽ chết dần mòn trong sự đợi chờ nơi đầu nguồn của sông, còn ta thì chết dần mòn trong cuộc sống đã bị tước mất hết tự do… lũ chúng mày hãy bay đi cho thật xa chốn này, ta cứ gào lên với lũ chim đang đi trốn đông cho vơi đi nỗi lo sợ, dường biết nỗi lo lắng của ta, con ngựa của ta cứ chốc chốc dừng lại, ngoái cổ lại nhìn ta với ánh mắt buồn bã, cuối cùng, ta cũng đã đến được đầu nguồn của con sông Tưa…’’ tình yêu em dành cho anh là cả những nghìn ngày gọp lại’’…nàng nói với ta, và cứ ngã vào vòng tay ta, đêm, ta gối đầu lên người  nàng  để ngủ, nàng đã hát cho ta ngủ, ta đã nhìn thấy  khúc hát nghìn năm thương nhớ trôi ở trên trời, ta cứ gối đầu lên người nàng mà ngủ, nhưng khi thức giấc thì  biết là ta đã gối lên cánh tay mình mà ngủ giữa cuộc tìm kiếm gian truân.

 

 

***

 

ta buồn bã nằm giữa nơi ta sinh ra

đất cũ Pangiea

cứ thấy chòng chành như thể buổi đất trôi
miền đất cổ sinh
ẩn ức

siêu lục địa Pangiea tự chia thành những Loxia, Gonvana
biển cũ Panthalassa
và cuộc trôi
phiêu lưu và phóng dật
sự thiết đặt chổ ở cho con người
phác thảo hài hước và đầy khiếm khuyết của các vị thần

ta xin lỗi tạo tác nhé
bỡi sự  sinh ra vốn là cuộc hấp hối
ta buồn bã nằm giữa nơi ta sinh ra
thở theo nhịp tan rã của nghìn xưa
đất dưới chân ta
hình hài của thứ triết học mông lung

những kẻ qua đây đã bị xóa sạch hết dấu chân

lữ thứ chưa kịp nói gì cả

nhưng dịch chuyển như thể tự lừa dối mình

bỡi nàng vẫn hiển hiện trong tâm trí ta
buổi sáng hay buổi chiều mùa thu nhỉ

ta thấy nàng ngồi mỉm cười nhìn lá rụng trong vườn

mùa thu vẫn trôi theo sự quyến rủ của thơ
bấy giờ thì thơ là cuộc hóa giải mang tính bản thể luận
trắc ẩn và nghiêm khắc đến cả những kẻ thù lớn nhất
hết thảy những sự vật lớn nhỏ trong trời đất ngã nhoài ở bên dưới những chữ viết

thơ lại thuộc về  trí tuệ của lũ còng

xe cát như thể bài ký biên thùy
nghìn năm con còng vẫn chép về cuộc trôi dạt thiên niên kỷ
ta một mình nằm giữa nơi ta sinh ra

nghe con người la hét

nghe lũ chim ca hát

và nghe gió gào
có nghĩa, con người chim và gió biết nói
có thể trước đó hết thảy những sự vật trong trời đất đều có ngôn ngữ
ai đã làm cho hết thảy câm lặng nhỉ
để bớt cô độc
ta bày ra cho mình cuộc nghĩ ngợi
ở phía đông ta
mỗi buổi sớm mai mặt trời vẫn cứ trồi lên khỏi bờ rào vườn nhà ta
để khỏi buồn bã

ta bày ra những cuộc gặp dưới ánh mặt trời
những tia nắng buồn cười của mặt trời như thể buổi sớm mai nào cũng để lại những vết tích trong nghĩ ngợi của ta
ta buồn bã nằm giữa nơi ta sinh ra

đất cũ Pangiea
có phải mọi thứ đều thay đổi dưới ánh mặt trời hay không
những tra vấn có vẻ buồn cười bỡi buổi sớm mai nào ở phía đông ta mặt trời cũng trồi lên khỏi bờ rào vườn nhà ta
nàng là một trong những cô gái cũ ta đã gặp trong cuộc thiết đặt những giấc mơ dưới ánh mặt trời

đấy là mẹ của mẹ chúng ta
nàng nói

ta hỏi là nàng nói về ai 
đất cũ Pangiea
nàng đáp

đấy là buổi sáng hay buổi chiều mùa thu nhỉ
ta và nàng ôm nhau nhảy múa làm nát hết những cảm thức về trôi giạt
 

***
ta lại đọc Giacomo Leopardi [Ý, 1798-1837] nữa, đọc để hiểu ra thế nào là sự trôi giạt  trong tình yêu,
Những nghĩ ngợi của tôi quay trở lại ngày tôi cảm thấy được
cuộc chiến của tình yêu ở trong tôi,  với lần đầu, và tôi bảo:
’A, nếu đây là tình yêu, nó dày vò tôi ra sao!’

Khi, với đôi mắt đã hoàn toàn định lại nơi mặt đất,
tôi lấy làm kinh ngạc về nàng, người [Tình Yêu] lần đầu mở ra,
với tất cả hồn nhiên, con đường đến trái tim tôi

A, Tình Yêu, bạn đã cư xử với tôi tồi tệ thế nào!
Vì sao thứ cảm xúc ngọt ngào như thế [lại] mang đến
quá nhiều khao khát, và quá nhiều thất bại?

Và vì sao niềm vui như thế đã  nhập vào tim tôi
chẳng thanh thản, chẳng trọn vẹn và tươi sáng
mà đầy đau khổ và rắc rối?

Hãy nói với tôi, trái tim dịu dàng, sợ hãi gì
đau đớn gì đã nhập vào nghĩ ngợi
[mà] đem so với nó thì hết thảy các thú vui [đều] là sự phiền não?

 Ý nghĩ trọn vẹn đã dâng tặng chính bạn [dâng tặng chính Tình Yêu],
trong ngày và đêm, khi mọi thứ có vẻ
yên tĩnh nơi bán cầu này,


Bạn làm tôi rối rắm, bất ổn, hạnh phúc,
khốn khổ, bị bủa vây
phấp phổng lắm trong từng thời khắc.

Và bất cứ lúc nào, buồn, cực nhọc, mệt mỏi,
tôi nhắm mắt ngủ: ngủ làm tan đi
khao khát thèm muốn từ cơn mê sảng

 

Ồ làm thế nào ảo tưởng ngọt ngào vươn lên, sống,
giữa những bóng tối, đôi mắt khép chặt của tôi
đăm đắm vào nó ngay dưới bờ mắt tôi!

Ồ, làm thế nào những dịch chuyển ngọt ngào nhất ấy lan ra
khắp xương cốt tôi, ồ, làm thế nào hằng nghìn
những nghĩ ngợi bối rối vòng qua

linh hồn run rẩy của tôi! Như cơn gió nhẹ tràn qua
cả bề cao khu rừng cổ,
và tạo nên tiếng rì rầm dài, không chắc

[Giacomo Leopardi/Thi Khúc/ Tình Đầu, theo bản dịch tiếng Anh của A.S.Kline, Anh, 1947]

 

My thoughts turn to the day when I felt love
war in me, for the first time, and I said:
‘Ah, if this is love, how it torments me!’

When, with eyes fixed wholly on the ground,
I marvelled at her, she who was first to open,
all innocent, the passage to my heart.

Ah, Love, how badly you’ve treated me!
Why does such sweet affection bring
so much desire, and so much grief?

And why did such delight enter my heart
not serenely, not entire and pure,
but filled with agony and trouble?

Tell me, gentle heart, what fear
what anguish entered with that thought,
compared with which all pleasures were annoyance?

Fulfilling thought that offered up yourself,
in the day and night, when all things seem
to be at peace in this hemisphere,

you troubled me, unquiet, happy,
wretched, lying beneath the covers,
throbbing strongly at every moment.

And whenever, sad, afflicted, weary,
I closed my eyes in sleep: sleep vanished
consumed by fever and delirium.

Oh how the sweet vision rose, living,
among the shadows, my closed eyes
gazing at it beneath my eyelids!

Oh, how that sweetest of motions spread
through my bones, oh, how a thousand
confused thoughts rolled through

my trembling soul! As a breeze, flows
through the heights of an ancient forest,
and creates a long, uncertain murmuring.

[Leopardi/Canti/First Love, translate in to English by A.S.Kline, Anh, 1947]

 

***

 

 

 

những biến động của thế giới làm lầy lội trí nhớ của ta, nàng, đang lạc giữa hỗn mang, có thể là ta không còn được gặp em…[ ‘‘Vĩnh biệt, những khúc bi ca như tiếng thở dài của tôi, vĩnh biệt/Tôi sẽ không còn quan tâm đến tình yêu hay quan tâm bạn nữa/Nhưng những gì tôi viết[là] bản thể của tôi sẽ còn mãi/ Và nhà thơ luôn sống trong câu thơ của mình’’/Adieu, my sighing elegies, adieu!/I’ll be no more concern’d with love or you/But what I write my being shall survive, /And in his verse the poet ever live’’ Ovid/Amores/Book III/Elegy XV/To Venus, that he may have done writing elegies/Ovid/Tình yêu/Cuốn thứ III/Bi khúc XV/ Gửi Venus, rằng ông ta có thể thực hiện viết bi ca] …dường các ngả đường lịch sử đều có kẻ canh giữ, và ta, đang giữa cơn mơ, có ai đó vừa mới thử mở những trang sử cũ, ngột ngạt, và  ám ảnh, có lẽ là có quá nhiều những giọng nói phát ra từ vô số hệ hình nghĩ ngợi đông tây cũ mới tích đọng thành chữ viết, người ta nói đủ thứ, về cái đã qua, về cái chưa qua, về cái không biết đã qua chưa… người hát rong bỗng ngã chết giữa một sớm mai hồng hóa thành con chim màu đen đêm đêm về đậu nơi tàng các thư ở kinh đô một vương quốc ông vua còn đủ chân tay nhưng phải đi xe lăn vì tàn tật trong nghĩ ngợi, hóa ra vẫn còn có kẻ giả mặc áo vải đi giày vải và ngủ đất để nói những lời lớn lao về tổ quốc mình, xin nói, tất cả đều là giả, chỉ cốt để được  đi vào sử sách, hóa ra có kẻ còn  coi thế giới là cái lò giết mổ, cứ sợ không còn gặp được em, tắt đường, đám chủ hiếu chiến các bầy đàn vẫn đang gườm nhau, thách đấu, ta cứ muốn lật tung cả mặt đất đã quá lâu đời và quá nhiều những thành lũy tri thức này để có thể nói ra được, vậy thì  thế giới ta đang sống nó là gì, em có nhìn thấy buổi sớm mai ta  ngửa mặt nhìn trời và vẫn cô độc giữa sự đông đảo của thế giới… [Khi ông A-đam được một trăm ba mươi tuổi, thì ông sinh ra một người con trai giống như ông, theo hình ảnh ông, và đặt tên là Sết.  Sau khi sinh ông Sết, ông A-đam sống tám trăm năm và sinh ra con trai con gái.  Tổng cộng ông A-đam sống được chín trăm ba mươi năm, rồi qua đời. Khi ông Sết được một trăm lẻ năm tuổi, thì sinh ra E-nốt.  Sau khi sinh E-nốt, ông Sết sống tám trăm lẻ bảy năm và sinh ra con trai con gái. Tổng cộng ông Sết sống được chín trăm mười hai năm, rồi qua đời. Khi ông E-nốt được chín mươi tuổi, thì sinh ra Kê-nan.  Sau khi sinh Kê-nan, ông E-nốt sống tám trăm mười lăm năm và sinh ra con trai con gái…./Sáng thế ký/ Chương 5/ Đoạn 3,4,5,6, 7,8,9,10,]…giữa những giấc mơ, ta lại nhìn thấy em, tuyết rơi, và em, lũ gấu phương bắc vẫn thắc mắc hoài về chuyện tại sao tuyết vẫn rơi nhiều ở phương bắc, em vẫn bối rối  lúc nhìn ngắm mặt đất, hóa ra thế giới như thể thứ thi ca vừa có quá nhiều ý nghĩa vừa vô nghĩa,  giữa những giấc mơ dai dẳng, ta không thể quên là mình đang trôi giạt giữa những cuộc chơi nghiêm trọng và có vẻ không bao giờ dứt

 

 

***

 

 

những cảm thức về trôi giạt thôi thúc  ta đi vịnh biển Cri Bonei/Thi Nại, con cá quẫy, bóng núi vẫn choàng lên sông nước, nghìn năm còn thức chăng, không phải, chỉ là dư âm của đất cũ, vang động mà đau xót, một cuộc trôi, dai đẳng, và khốc liệt trong cả sự đối địch kẻ địch và trong cả người trong một nhà, về sau, sử có ghi lại cũng chẳng qua là cố sắp đặt lại những vụn vỡ hoang tàn trong cách nhìn đầy thiên lệch, có kẻ, khi chép sử, coi anh em người buôn trầu, anh em ông Nhạc, là cách mạng, có kẻ cho là giặc, ngụy, không phải ngẫu nhiên mà nhìn thấy, cuộc quá khứ vô bờ bến tràn tận trí não, tâm can của một ngày thì nhìn ngắm được bao nhiêu thế sự nhỉ, ta đi vịnh biển Cri Bonei vào một ngày cứ cho đó là kết quả của trí tưởng tượng đang bị lịch sử  khuynh đảo, đã đứng nơi bờ vịnh, đất dưới chân ta, lũ chim biển đang lượn lờ trên bầu trời trên đầu, và ta, vẫn cứ thấy hiển hiển những thế lực thù địch, Nguyễn của chín đời chúa ở Nam Hà, và Nguyễn của anh em người buôn trầu đất Tây Sơn, xin chào người chép sách Ngôn Ký, một ông Tây râu tóc xồm xoàm đến chào hỏi ta, nhưng ông là ai, ta hỏi, người ấy cười, giờ thì không có thời gian trò chuyện đâu, người ấy nói, rồi vội vã đi về phía đang có tiếng súng, ta đã nhớ ra, ông Tây trong đội quân của Nguyễn Ánh, xin chào thủy chiến  1801, ta đã nhớ hết chuyện cũ, và buột kêu to, người mới chào hỏi ta là Philippe Vannier, tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Chấn, thuyền trưởng thuyền đồng Phượng Phi (Le Phoenix) trong trận thủy chiến 1801…’mùa hạ tháng 6.1792…lấy khâm sai cai đội là Oliver làm vệ úy Ban trực tuyển phong hậu vệ thần sách [Đại Nam thực lục, quyển 6, chép về Nguyễn Ánh]’…’mùa xuân tháng 2. 1795.…sai vệ úy Oliver sang Hồng Mao (Pháp?) mua võ khí [Đại Nam thực lục quyển 7, chép về Nguyễn Ánh]’…’ mùa đông tháng 10. 1796…sai cai đội …Ba Da Di, Laurent Barizy, đi Hạ Châu mua võ khí [Đại Nam thưc lục quyển 9, chép về Nguyễn Ánh]’…. mùa xuân tháng 2/ 1800…vua cho là người Hồng Mao quen thủy chiến, sắc cho thuyền trưởng là Khâm sai cai đội Ba La Di [Laurent Barizy] tập họp các thuyền buôn lại, khiến dự bị quân nhu và chiến cụ để đợi điều khiển…. Sai Khâm sai thuộc nội cai đội Nguyễn Văn Chấn [Philippe Vanier] quản tàu đại hiệu Phương Phi, Nguyễn Văn Thắng [Jean-Baptiste Chaigneau] quản tàu đại hiệu Long phi, Lê Văn Lăng [Godfrey De Forçanz] quản tàu đại hiệu Bằng phi, theo Trung quân sai phái đánh giặc (Bọn Chấn đều là người Phú Lãng Sa) [Đại Nam thưc lục quyển 12, chép về Nguyễn Ánh]… thật ra, trong cuộc trôi giạt lịch sử đầy bí ẩn, chẳng ai biết trước mình sẽ đặt chân lên bờ bến nào, ngay kẻ được coi là thông thái, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đất Nghệ An, cũng hoang mang do dự không biết xuất xử thế nào khi anh em Tây Sơn đã quật đổ cuộc cai trị tàn bạo của chúa Trinh  bên cạnh ông vua Lê hư vị ở Bắc Hà… [Cụ tới. Huệ trách rằng: Đã lâu nghe đại danh. Ba lần cho mời tiên sinh không thèm ra. Ý tiên sinh cho quả nhân là thằng giặc nhỏ, không đủ làm kẻ anh hùng trong thiên hạ chăng?/ Cụ trả lời: Hơn hai trăm năm nay, quyền về tay họ Trịnh hung bạo. Vương mới đưa quân ra một lần mà dứt được, lập lại nhà Lê. Với danh nghĩa chính, thì anh hùng ai lại chẳng theo. Nếu giả tiếng nhân nghĩa, nói dối tôn vua để lấy tiếng, thì lại hóa ra một kẻ gian hùng/ Huệ bèn đổi sắc mặt, ngồi dịch ra mà tiếp đãi rất trọng. Cụ ngồi nói chuyện hồi lâu mới về [Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, Hội kiến ở Phù Thạch]… cho đến khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua [1788] để đánh Tàu, thắng Tàu, và Nguyễn Nhạc, tức vua Thái Đức nhà Tây Sơn đã  xưng vương trước đấy [1776] tất cả lại trôi giạt vào một bến bờ khác, Nhạc  lo sợ ông vua em lấn quyền mình, rồi cả hai vua lại trôi giạt vào cuộc tương tàn, việc Nguyễn Huệ đem quân ở thành Phú Xuân vào đánh anh mình ở thành Hoàng Đế là một vết nhơ làm hoen ố hình ảnh người anh hùng từng đại thắng quân xâm lược Tàu, rồi Huệ chết vào năm trước, năm 1792, Nhạc chết vào năm sau, năm 1793, để cho đám con cháu của hai người tiếp tục trôi giạt vào những bến bờ hiu hắt, mà ngay cả hậu duệ của chín đời chúa Nam Hà, Nguyễn Ánh, cũng không ngờ có ngày mình trôi dạt vào phương nam, kẻ như vừa chết đi sống lại đã có thể lên ngôi vua ở đất Sài Gòn [1780] dựng được triều chính, rồi lại trôi dạt vào cuộc cầu viện người Tây để đánh người cùng nòi giống mình, những ông Tây đi truyền đạo, những ông Tây thích phiêu lưu mạo hiểm hay bị quyến rủ bỡi sự xa hoa của các triều đình phương Đông, đời sau, có kẻ chép sử cho hành động của Ánh là phản bội tổ quốc, những trôi giạt lịch sử cứ như những khúc bi ca của máu và sự hoài nghi, tâm can của một ngày thì nhìn ngắm được bao nhiêu thế sự nhỉ, ta đã trôi giạt giữa cuộc thủy chiến 1801, khói lửa ngút trời ở vịnh biển Cri Bonei/Thị Nại, đám lính Gia Định gòm có cả những người của sông nước phương nam, gòm có cả những người Miên, người Chiêm, người Hoa và đám cai đội Tây, những thuyền trưởng những con tàu vỏ đồng, và đám lính Tây Sơn thì gòm có cả dân Thanh Nghệ, dân Thuận Quảng, và dân miền núi Tây Sơn thượng đạo, Tây Sơn hạ đạo, quân Gia Định với chủ tướng Nguyễn Ánh và với những cơn gió thổi lại từ phía nam làm thiêu rụi hết thảy những thuyền nan của quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của các chiến tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Thực lục quyển 13 của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: Mùa xuân tháng giêng 1801….vua mật định đêm hôm 16 cất quân đánh úp…  Duyệt [Lê Văn Duyệt] thề chết, vẫy quân xông lên, giờ thân vào được cửa biển, dùng đuốc hỏa chiến thừa chiều gió phóng đánh thuyền Đại hiệu của giặc. Quân Tây Sơn cả vỡ, chết rất nhiều. Dũng thua chạy. Thuyền Tây Sơn bị đốt cháy gần hết. Quân ta bèn giữ cửa Thi Nại. Người ta khen trận này là võ công to nhất…ta đã nhìn thấy xác tàu, xác súng đạn, xác người và xác cá trên vịnh biển Cri Bonei,  thư của viên cai đội  Laurent Barizy gửi cho bạn chiến đấu đã cho biết bên Gia Định mất 4000 quân, bên Tây Sơn mất 50.000 quân, 1800 thuyền chiến và 600 khẩu đại bác [Tạ Chí Đại Trường, Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam 1771-1802/ Đánh và giữ ở Qui Nhơn]… ta đang nghĩ ngợi về tổn thất của đám hậu duệ của anh  em ông Nhạc thì từ dưới vịnh biển trồi lên bờ những kẻ áo quần ướt sủng, người ngợm tả tơi, hãy chạy đi… thuyền Gia Định sắp tới nữa đó, bọn họ vừa chạy vừa hốt hoảng kêu la, ta chưa kịp nghĩ ngợi thì  từ dưới vịnh biển lại tiếp tục trồi lên bờ những kẻ cũng ướt sũng…hãy chạy đi… quân Tây Sơn sắp đến rồi đó, vừa chạy bọn họ vừa gào lên, lúc đầu ta có kinh ngạc, nhưng liền hiểu ra, ta cũng cắm đầu cắm cổ chạy theo bọn họ, đó là những kẻ còn sống sót trong trận thủy chiến 1801, và đang rơi vào hội chứng Cri Bonei/hội chứng Thi Nại

 

***

 

mấy tháng sau ta lại thấy mình gặp ông Nhạc ở thành cũ Vijaya, tháng tư, chim nhạn từng bầy đảo lượn trên những khoảnh đất hoang trong kinh thành đang được cày xới, những con bò kéo cày, và những người cày, sao không phải thành Hoàng Đế uy nghiêm mà là một chốn kinh thành còn nguyên dấu đổ nát, thưa đức vua, ta hỏi, vua Tây Sơn nhìn ta: xin đừng hỏi gì cả, ông ôn tồn bảo, rồi mời trầu ta, hoàng cung vắng vẻ khác thường, chỗ vua ngồi là căn phòng trống trải, chỉ gòm một bộ bàn ghế gỗ đã cũ, những bức tranh vẽ tùng lộc treo trên vách đã sờn rách gần hết, ngoài vua Tây Sơn, chẳng còn thấy ai, lòng ta hoang mang, nhưng không dám hỏi, anh không biết ăn trầu chắc, vua Tây Sơn nhả trầu vào ống nhổ, nói, thưa, kẻ này nghe nói thuở trước đàn ông cũng ăn trầu, răng đen, nhưng đời nay, ở trong làng, chẳng còn thấy ai ăn trầu, ta nói, đời nay là đời nào, vua Tây Sơn nói, mỉm cười, rồi lại quệt trầu, bỏ vào miệng nhai, những thao tác của vua làm ta thấy nhớ mẹ ta ghê gớm, hồi ấy mẹ ta cũng ăn trầu, phải rồi, đâu phải chỉ mỗi ông Nhạc ăn trầu, ta đã nhớ, lúc ở cổng  thành, tay lính gác cổng  thành miệng nhóp nhép nhai trầu, chặn ta, hỏi muốn gặp ai, ta nói là muốn gặp đức vua Tây Sơn, tay lính nhổ toẹt miếng trầu trong miệng, và bắt đầu giảng giải: bây giờ thì không phải như ngày trước, đức vua buồn, ngày nào cũng muốn có người trò chuyện, sáng giờ chưa ai tới, vua đang chờ ông đó, quả như tay lính gác cổng thành nói, vua đang chờ khách, trầu đã têm bày sẵn ở trên bàn, miếng trầu là đầu câu chuyện, vua Tây Sơn nói, thưa, kẻ này có biết chuyện đó, ta nói, và nhìn ra phía những người đàn ông đang cày, và những người đàn bà theo sau thì đặt những cái hom sắn xuống những luống cày mới được mở ra, hom sắn là cây sắn đã được chặt ra thành khúc nhỏ làm giống gieo trồng, đất hoang hóa đang được canh tác lại, ta nhìn xa một chút, có nhiều căn nhà tranh dựng trên những khoảnh đất trống, rõ ràng đang có sự phục hồi một cảnh đổ nát, ta lại thấy rối rắm trong nhận thức, đây là buổi vua Lê Thánh Tông chiếm xong đất người Chiêm [1471], kinh thành  Vijaya đổ nát đang được phục hồi, hay là buổi Nguyễn Ánh đã dẹp xong triều Tây Sơn [1802], kinh thành Hoàng Đế đổ nát đi bỡi Nguyễn Ánh không còn sử dụng thành trì này nữa, thưa đức vua, đây là vào lúc nào, ta buột hỏi, như thể câu hỏi chẳng dính dáng chi với cuộc trò chuyện, không biết vua Tây Sơn có hiểu ý của ta không, vua cười, nhìn ra phía ta vừa nhìn, rồi hỏi: vào lúc nào là sao, thưa, kẻ này muốn hỏi về thời đại lịch sử đó, ta nói, tất cả chỉ là hoài niệm, vua nói,  cả những gì đức vua và kẻ này đang nhìn thấy đều là hoài niệm, ta hỏi, vua Tây Sơn nhìn ta, khẽ gật đầu, rồi lại lấy trầu ra nhai, ta cứ thấy nhớ hôm ta gặp Huyền Trân, bà vợ góa của vua Jaya Shinhavarman III/Chế Mân, thuở ấy, một hoàng cung Vijaya lộng lẫy, hồi nãy anh có ngang qua chỗ người ta họp chợ chỗ phía tây cổng kinh thành hay không, vua Tây Sơn chợt hỏi về cái chợ xỏm nhóm họp dưới chân một đoạn tường thành hư nát, gòm những người bán trầu cau, bán măng khô, cá khô, thưa có ạ, chính những người họp chợ nói cho biết đức vua đang muốn gặp dân chúng nên kẻ này mới dám vào hoàng cung, ta nói, vua Tây Sơn có vẻ ngẫm nghĩ, rồi nhìn ta: anh cũng người đất này, rồi không chờ ta trả lời, lại nói về cái chợ xỏm ấy: từ buổi theo anh em ta tụ nghĩa chống Trịnh -Nguyễn, bọn họ, những người bạn buôn trầu của ta đã quen với việc họp chợ như thế,  vua nói, rồi chỉ trong mấy năm đã dẹp xong cuộc nội chiến, dựng nên một triều chính, ta nói, những cái gọi là triều chính ấy, từ lúc dựng lên cho tới khi tàn, đều phải dùng máu của dân, dẹp xong nội chiến Trịnh Nguyễn, không ngờ bọn ta lại đánh nhau với Ánh, cũng là cùng nòi giống đánh nhau, và cả việc anh em ta, người cùng một nhà, cũng đánh nhau, vua Tây Sơn nói, bỗng thở dài, buồn bã, nhưng dẫu gì cũng đã làm nên những trang sử rất đẹp, dẹp được cuộc nội chiến kéo dài mấy trăm năm, đánh đuổi bọn Tàu hiếu chiến, cả người Tây cũng nói rất nhiều về đức vua và ông vua em của đức vua, ta nói, vua Tây Sơn cười, lũ Tây theo giúp ông Ánh để đánh anh em ta chứ gì, bọn họ nói gì về anh em ta, cái bọn lắm chữ lắm lời ấy, vua Tây Sơn đang nói thì có khách, không phải, tay lính gác cổng kinh thành lúc nãy đã trò chuyện với ta, thưa, những người cày đất hỏi là trồng cả sắn và các họ đậu có được không, tay lính gác cổng thành cung kính hỏi, được, vua Tây Sơn đáp, lại lấy trầu ra nhai, lại nhổ trầu, vua nhà Hậu Lê đánh đuổi người Chiêm, chiếm kinh thành Vijaya, anh em ta lại lấy thành lũy người Chiêm làm thành lũy của mình, ông Ánh đánh anh em ta lấy thành lũy của bọn ta làm thành lũy của ông ấy rồi lại bỏ đi, giờ thì anh thấy đó, người ta đang cày đất kinh thành để trồng sắn trồng đậu, vua Tây Sơn nói, đến lúc ấy, ta nhìn kỹ, thấy ông Nhạc đã già lắm, hơn 200 năm còn gì… chớ hỏi đây là vào lúc nào, tất cả chỉ là hoài niệm, không phải nhìn thấy, mà là hoài niệm, anh chỉ nên nhớ mỗi điều, là anh em ta đặt gánh trầu xuống và ngồi lên ghế vua, thành ra mọi sự đã xảy ra như thế, khi nghe vua Tây Sơn nói thế, không hiểu sao ta cứ nghe văng vẳng bên tai câu thơ cổ…’’Đã quen nhau đến bạc đầu mà còn rút gươm ngờ nhau’’

 

***

 

 

rồi ta bỗng thấy như toàn thể khu vườn rùng rùng thức dậy, những cây lá cọ mình vào nhau, vội vã, như thể để thông báo cho nhau có biến, và lũ côn trùng như không còn dám to tiếng như từng đêm chúng từng to tiếng, mà rỉ rê trong thứ cách thế tự kiềm hãm mình như tiếng hòn sỏi lăn  khó nhọc  trên đất, ngồi ở trong nhà, ta lắng nghe, nghĩ ngợi, nỗi nghi ngờ mỗi lúc một tăng thêm, ta nghi ngờ rằng đã có ai đó bước vào khu vườn nhà ta, tiếng chân, hay hơi thở, đã khua động hết thảy những vật thể trong vườn, cảm thức của ta mách bảo ta rằng đó không phải kẻ trộm, mà đường hoàng bước đi như thể người chủ  bước đi trên đất đai của mình, nếu không phải thế thì điều gì giải thích cho nỗi sợ hãi của đám cây lá trong vườn và của đám côn trùng vốn chẳng muốn nể nang ai, trí tuệ mách bảo ta, rằng, trong cách thức choàng dậy của khu vườn tiềm ẩn một nỗi sợ hãi bất thường, không phải hoảng sợ, gào thét, mà như cố giấu đi, không muốn để cho ai biết mình sợ hãi, toàn thể sự biểu lộ của các sự vật ở trong vườn lúc bấy giờ làm ta vô cùng rối rắm, lại là đêm thượng tuần tháng tư, tháng của gió tây nam thổi, những cơn gió cứ gào lên như thể hết thảy đang sụp đổ trước bạo lực của nó, ta bước ra vườn trong thứ ánh trăng thượng tuần yếu ớt, trăng cũng sắp lặn, nhưng ta cứ có cảm tưởng thứ ánh sáng mỏng manh ấy sắp tan chảy bỡi những cơn gió đang giật ngược những nghĩ ngợi trong ta, ai, nếu là chủ của đất đai này thì xin hãy bước ra trong niềm kiêu hãnh, ta bắt đầu thiết lập cuộc đối thoại giả tưởng đầy trí tuệ trong nghĩ ngợi của mình, đấy là một người đàn ông đi ngựa, quí phái, dũng lược, bước ra từ  con sông có con nước ngầu đục, con sông có tên trường giang, cả người lẫn ngựa đều ướt sủng, xin cho biết là người của xứ sở nào, ta hỏi, ông khách vẫn ngồi im trên ngựa, nhìn ta, có phải là chúng ta từng quen nhau hay không, ta phải hỏi thế vì thấy ông khách có vẻ ra vẻ thân thân thiện với ta, thấy ông khách vẫn im lặng, ta lại hỏi thêm mấy lời nữa, ông khách vẫn ghìm ngựa, ngồi im, nhìn ta, cười, cuộc đối thoại, hóa ra chỉ là ta trò chuyện với ta, cuộc độc thoại  buỗn bã nhất trong cuộc đời ta, rồi ta bỗng  phát hiện ra điều mới mẻ, ta bỗng thấy ta và ông khách đều ở trần, mặc khố, ồ, có phải thuở ấy ta và ông khách là những người cùng bộ tộc hay không, ta còn băn khoăn thì những cô gái  ấy đã cất tiếng hát…hồn sông núi lạc vào giữa cơn say tham muốn… bài hát làm ta lạc lối, ông khách hơi nhích ngựa về phía trước một chút, và vẫn ngồi im trên ngựa, nhìn ta, nhưng  những cô gái ấy đã bắt đầu múa, trời đất ơi, là đám vũ nữ appsara, những người Vijaya đã trở lại, ta bắt đầu cảm thấy nỗi sợ hãi bí ẩn của khu vườn đang lây lan sang ta, nhưng là còn lớn hơn  nỗi sợ hãi của khu vườn, ta cứ sợ, buổi chiều hôm  không còn được ngồi nhìn hoàng hôn đổ xuống cây lá trong khu vườn nhà mình, thứ phép màu của ánh mặt trời, không phải mất đi, mà trụ ở đâu đó để chuyển cái nhìn thấy rõ sang cái không còn nhìn thấy rõ, hoàng hôn như thể cuộc luân lưu của vần điệu thi ca, ta cứ sợ ta bị đuổi khỏi thứ đất đai thân thuộc, bỡi như kẻ mù lòa bỗng ta lại được sinh ra nơi đất đai con người cứ làm như thể những kẻ vô tình chuyền tay cho nhau, a, những người cũ đã trở về đất cũ, những người Vijaya thuở ấy đã quay về, tức, ta phải ra đi, tức, bấy lâu ta chỉ là khách, đi và để lại những thứ bấy lâu như thể một phần thịt xương của ta, bỡi ngay phút chào đời của ta đã có chúng ở bên ta, ngay cả thứ vật thể nhỏ nhoi là đám cỏ may trong vườn, không có trong sử sách nhân loại, nhưng luôn hiện hữu trong trí nhớ ta, ta ra đi làm sao không thấy nhớ chúng, khi nghĩ chuyện ra đi thì thứ vật thể nhỏ nhoi ấy trở thành đại thể: đám cỏ  may từng dính áo tuổi thơ của ta, ngồi nhổ cỏ may trên áo mà lại nghĩ đến lũ chim trên bầu trời trên đầu… hay thế giới là cuộc chơi tàn nhẫn, cuộc chuyền tay nhau đất đai, ông khách đi ngựa vẫn ghìm ngựa, ngồi im, nhìn ta, cười, có phải nơi ta sinh ra, hay quê hương, hay tổ quốc, là những thứ làm công việc ôm ấp ta từ khi ta mới chào đời, hay khi thịt xương đã rã tan trong đất vẫn còn muốn quay về với nó, ta không biết
 

 

***
ở bờ vịnh Cri Bonei ta gặp người đàn ông có vẻ rất quen thân, anh không còn nhớ sao, ta đến từ con sông có con nước ngầu đục trong nghĩ ngợi của anh hồi đêm qua đó, thấy ta cứ đứng ngây người, ông ấy nói, trời đất ơi, con người có vẻ quen thân ấy còn rõ cả những nghĩ ngợi trong đêm của ta, một người của muôn năm cũ, nhưng là muôn năm cũ nào, tự dưng, ta cứ thấy sợ hãi trong lòng, nhưng quyết không để cho con người ấy thấy được nỗi sợ hãi của mình, ta vờ hứng thú nói về con sông ông ấy vừa nói, phải, đấy là con sông chảy qua cuộc đời của hết thảy mọi người, ta nói, và cứ nhìn đôi bàn chân của người đàn ông cho đến lúc ấy ta vẫn cho là rất quen thân, đôi bàn chân thô kệch, gân cốt, nhầy nhụa, nếu không nói là có quá nhiều trầy xước như thể dấu vết của một cuộc băng qua quá nhiều năm tháng, cuộc trải nghiệm trần gian nào nhỉ, anh nói chí phải, đó là con sông cả anh và ta đều từng ngụp lặn trong nó, anh không còn nhớ đấy thôi, hôm ta tiến vào kinh thành có cả tiếng kẻ chợ ồn ào thất đãm có cả tiếng trong trẻo của một cuộc văn hiến ngàn năm, nhưng mặc kệ, ta cứ việc làm công việc của ta, bấy giờ anh chỉ là đứa trẻ của thế sự mộc mạc, còn là đứa trẻ thì biết gì, người đàn ông nói, nhìn ta, cái cách nhìn phải nói là tiềm ẩn quá nhiều thứ, có thể đấy là niềm bí ẩn lịch sử hay là nỗi đe dọa của quá khứ, nhưng ông ấy là ai vậy nhỉ, ta lại thấy sợ hãi, lại thử nhìn lại đôi bàn chân của con người có vẻ kỳ lạ ấy, phải nói là đôi bàn chân đã trải qua quá nhiều những gian truân thử thách…nhưng rồi lúc bấy giờ ông có thử lên tiếng gọi ta hay không, một đứa trẻ đang tắm trên sông, ta hỏi, vờ như đang rất hứng thú với câu chuyện gợi ra của ông ấy, nước là thứ quyến rủ đối với tuổi thơ, nhưng ta không dám gọi anh vì sợ chạm đến hoài bão vô thức của tuổi thơ, ông ấy nói, và hơi lùi ra phía sau một chút, hoài bão vô thức của tuổi thơ ư, ta vội rời mắt khỏi ông ấy, nhìn xuống bóng mình trên vịnh biển như thể để củng cố thêm thứ sức mạnh vào lúc sáng tinh mơ cứ như ngọn lửa thôi thúc ta đi vịnh biển Cri Bonei, có vẻ như lúc nào đi vịnh biển Cri Bonei ta cũng cảm thấy có một ngọn lửa ở trong lòng, nó, cái vịnh biển ấy, dấu tích của những tồi tệ nhất của cuộc sống, năm tháng cứ như làm cho những tồi tệ ấy rõ hơn trong tâm trí kẻ đời sau, anh đang nghĩ về lũ ngựa chiến chết đuối trên vịnh biển hay sao, người đàn ông bỗng hỏi, câu hỏi không thể không kích động tâm can ta, quả tình, cho đến lúc đó, trong suy nghĩ của ta đang tồn tại một nỗi nghi ngờ, hồn cốt của cuộc gặp, cái ngẫu nhiên đang dẫn về cái tất nhiên, ta đang nghi ngờ rằng ta có thể sắp nói ra được tên người đàn ông có vẻ quen thân ấy, ông muốn nói đến lũ ngựa chiến trong những cuộc tranh chấp hồi cuối thế kỷ 14 phải không, ta hỏi như thể để thăm dò thêm cho những phát hiện của mình, người đàn ông nhìn ta với ánh mắt như thể không dấu được sự ngạo nghễ, phải, lũ ngựa chiến thì luôn thuộc về lịch sử, cũng như ta và anh là cũng thuộc về lịch sử, ông ấy nói, giọng nói như thể hàm chứa niềm ẩn ức nào đó, thì ta cũng đang lần dò về phía miền ẩn ức đây, lịch sử, vào những phút giây như thế cứ giống như thứ tiếng đàn ai đó đang gảy lên, người nghe cố lắng nghe, nhưng cũng không biết là nên vui hay nên buồn, ông vừa nói đến việc tiến vào kinh thành, ta hỏi, như thể để tiếp tục thăm dò thêm một chút nữa cho nỗi nghi ngờ của mình, người đàn ông cho đến lúc đó ta vẫn cho là quen thân bỗng rưng rưng nước mắt, phải rồi, bấy giờ ta kiêu hãnh tiến vào kinh thành của một nước lớn, anh biết không, với ta, bấy giờ, đó là một nước lớn, ông ấy nói, chợt quay lưng lại ta, và bỏ ta mà đi, đêm ấy, ta nằm trong nhà lắng nghe tiếng gió, không ngủ được, cứ lần dò trong trí nhớ những thứ gọi là lịch sử để dò tìm ông ấy, cho đến khi đụng phải tên một người, ta quyết định dừng lại: Chế Bồng Nga, Minh sử gọi là Ngo-ta Ngo-tcho, sách của G. Codès gọi là Binasuor, có nơi lại gọi là Po Bin Nothon, phải rồi, ông vua Vijaya ấy, hồi cuối thế kỷ 14 mấy lần đem quân tiến chiếm kinh thành Thăng Long của Đại Việt và cuối cùng đã vong mạng, không hiểu sao, khi nghĩ đến đó, ta cũng thấy rưng rưng muốn khóc

 

***

 

 

rồi con tắc kè như đuối sức trong cuộc kêu gọi cuộc tiến hóa
ta thức dậy cùng tiếng tắc kè đang vang lên yếu ớt như thể còn đang trong mơ
đêm như dài ra
cho thứ tiếng nói bí ẩn
nghìn năm tiếng con tắc kè bí ẩn
khi chép sách Ngôn Ký ta mới nhận ra làng ta
nhỏ hẹp
nhưng khi nói về nó thì chữ nghĩa dằng dặc từ tiếng kêu của con tắc kè đang đuối sức cho đến những đêm tháng sáu, cái nóng, và tiếng con chim vạc, sương không còn rơi, nhưng chim vạc vẫn bay trên bầu trời đồng làng
nghìn năm con chim vạc kêu sương
cái đại ngã vẫn cứ mở ra cùng với tiểu ngã
đêm ta thức cùng  tiếng tắc kè
vẫn nghe đất trời rộng lớn
thử nghĩ một chút về làng quê  mình
thấy cây vông đồng trước ngõ
thấy những ngôi nhà cứ mọc trên đất đai chứa đầy tiếng khóc trẻ thơ và tiếng cười của người già như thể những bút ký chép bằng ngôn ngữ phù du
và những người mở đất thì đang vác cây cày buổi sớm lội xuống những sình lầy, cơn đại mộng đọng lại thành những ngọn khói chiều thơm mùi đất
ta đã nhìn thấy hình thù đêm tiền sử
thật ra, chỉ đem câu chuyện kể về những vị thần làm ra bánh và áo mới mẹ kể ta nghe hồi ấy kết hợp với lời bình của cha ta về con chim vướt lúc ông dẫn ta đi thượng nguồn sông Tưa thì thành ra đêm tiền sử
các vị thần làm ra bánh và áo mới thì làm ra những người chưa có áo quần và làm ra ngọn lửa
còn con chim vướt thì bay ngược về thuở ấy mà hót
ta dựng xong đêm tiền sử thì đem đặt giữa thời đương đại
đó là gì vậy
có kẻ nhìn thấy, hỏi, ta nói đó là phúng dụ về tri thức của nhân loại, kẻ ấy cười, bảo ta là đồ điên, và bỏ đi
năm tháng vẫn lặng lẽ trôi 
vẻ nguyên sơ tiều tụy trong cuộc rong chơi cuồng nhiệt của thế giới
có ông vua hiếu chiến vừa bị đánh đuổi khỏi ngai vàng
lạc vào đêm tiền sử ta đã dựng lên hôm ấy
ngọn lửa cũ đang rực cháy
nhưng hoang vắng
đó là đâu vậy
ông vua vừa bị truất phế hỏi
ngài vừa tạo ra những thứ ấy nhưng ngài đã quên rồi sao
ta nói
ông vua khách vẫn cứ ngơ ngác đứng nhìn những người không có quần áo
và ngọn lửa tiền sử thì vẫn cứ bùng lên

.

***

 

 

rồi đêm đến thì như có ai đó cứ thấp thoáng trong ký ức ta, ám ảnh của những cái chết khốc liệt nào đó trong lịch sử, hay những vết nhơ chí mạng của cuộc sống vẫn rắc đầy trí nhớ nhân gian, cuối cùng thì ta đã rõ, không phải những gì như nghĩ ngợi, mà là sự xuất hiện của kẻ bấy lâu ta vô cùng ngưỡng mộ, sự thẳng thắng của một trí thức thời loạn, nhưng lại làm ta hoài nghi về cách xuất xử, một kẻ dòm chừng lịch sử, ông, La Sơn Nguyễn Thiếp, người đời vẫn tôn vinh là phu tử, thật ra, ông ấy cứ ngấp nghé mãi chỗ biên thùy của nước Bắc Hà cũ tới khi nghe ta nói thống nhất rồi đâu còn phân biệt bắc nam mà ngại, ông mới chịu dời chân đi, hóa ra, lần này, ta lại trở thành anh hướng dẫn viên du lịch, những ngày Nguyễn Thiếp đi chơi đất cũ Vijaya, thì ta, không ngày nào là không ở bên ông, đấy là đám hậu duệ của những người thợ đúc súng thời hoàng đế Quang Trung đấy ạ, ta nói với ông về những người làm nghề rèn ở một làng rèn gần thành cũ Vijaya, ông Thiếp gật gù: cũng thuộc vào hàng những ông vua hiếu chiến, lần đầu tiên ta nghe có người nói hoàng đế Quang Trung là ông vua hiếu chiến, về sau, ông hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển, trong một bài ký chép về thành cũ Viyaya, ông Hiển gọi là thành Đồ Bàn, đã nức nở khen sông núi nơi đây, nhưng ông Thiếp, sau khi đứng nhìn cảnh hoang tàn của thành cũ Vijaya của người Chiêm, thì buông tiếng thở dài, nhìn núi sông thì không đến nỗi, nhưng cái đổi dời là chuyện của nhân gian rắc rối, ta cũng chỉ hiểu một cách lơ mơ về thứ tâm trạng có vẻ ẩn dấu của ông, rồi đất Trường Trầu, Tây Sơn Hạ, như thể đã tạo thêm vẻ lưu ly cho cuộc chuyện trò phóng túng giữa ta và cây đại thụ văn chương đất Nghệ An, thưa, theo phu tử, thì đây có phải là đất địa linh nhân kiệt hay không, ta hỏi, sử sách bấy lâu vẫn cho nơi anh em ông Nhạc ông Huệ sinh ra là đất địa linh nhân kiệt, đấy chỉ là vì người ta muốn vinh danh xứ sở của mình, ở đâu cũng là địa linh bỡi sông núi trong hoàn vũ thì luôn kỳ diệu, nhưng không phải chỉ anh hùng đánh giặc giỏi hay một vì vua sáng mới là nhân kiệt, ai bảo không phải nhân kiệt những người miền núi vẫn từ đời này sang đời nọ, chẳng chịu dời đi, cứ giữ lấy núi đồi của mình, giữ lấy cái sinh lực của đất nước non sông của mình, ông Thiếp nói, ta có hơi hoảng một chút, bỡi từ lâu cứ tưởng ông cụ cao tuổi, lẩm cẩm, về chuyện này thì ông Thiếp rất mới, quá mới là khác, ông Huệ đánh giặc thì quá giỏi, là nhân kiệt, chắc rồi, nhưng vừa lên ngôi là lập tức nhiễm bệnh vua quan, sao không dùng thành Hoàng Đế đang dùng mà một hai phải lập kinh đô mới ở Nghệ An, vừa ra Bắc Hà lần đầu đã lập phi, chẳng phải những thứ đó là bệnh vua quan ư, ông Thiếp nói, nhưng dù gì đấy cũng là bậc anh hùng, ta nói, rồi phải mô tả đầy đủ sự tích của những sông núi nơi đây cho ông Thiếp nghe, ông ấy nghe xong thì bảo: đất cằn, núi sông thì có vẻ nông nổi, cho nên con người sống nơi này có vẻ dễ nổi giận, ông Thiếp nói, thưa, phu tử có thể nói cho rõ hơn được không, ta nói, bao nhiêu lần ông Huệ viết thư hỏi ta về chỗ lập Trung Đô Phượng Hoàng, ta biết ông ấy muốn xóa bỏ nhà Lê và xóa bỏ cả ông vua anh Thái Đức Nguyễn Nhạc, nên vẫn chần chừ không nói ra ý kiến của mình, ông Huệ lại thư, cuối bức thư này, ông viết…’’Nếu lấy cớ mà từ, thì ra tại Quả cung không đủ cùng tiên sinh ra mưu tính việc thiên hạ. Tiên sinh riêng có kế cứu đời. May chi không dấu đi thì may vậy’’ [Hoàng Xuân Hãn/La Sơn Phu Tử], ông Huệ cho là ta đang có mưu kế riêng thì không phải đã nổi giận với ta còn gì, ông Thiếp giảng giải, La Sơn Nguyễn Thiếp vào đất cũ Vijaya vào mùa hạ, tháng tư, con sông Tưa chảy ngang qua phía đông làng ta nước trong vắt, ta muốn đưa  ông Thiếp về làng ta là để cho ông ấy biết ta đã sinh ra trên đất cũ Vijaya, biết anh không phải kẻ thích nhiều lời, chỉ hỏi tắt một điều sao con sông có tên sông Tưa, ông Thiếp hỏi, cười vui vẻ, ta cũng cười, sông núi cũng như phu tử vậy, phải có một cái tên, sông này chảy ngang qua phía bắc thành cũ Vijaya rồi chảy về vịnh biển Cri Bonei/Thi Nại, còn vịnh biển Cri Bonei thì thông với bốn biển, ta nói, ông Thiếp thở dài, nhìn trời, ta cũng nhìn trời, cứ thấy như có một cuộc hoa gấm nào đó đang chờ chực ai đó, tháng tư, làng ta như đang ngẫm nghĩ về một cuộc đi xa nào đó, con đường vào làng như vẫn đang lặng lẽ chờ khách, và đám cây nguyệt bách, đám cây trăm rằm, trong các khu vườn nhà, như thể đang khâm phục cúi đầu trước dáng vẻ cao rộng của bầu trời tháng tư trong trẻo…trời đất lớn rộng thế thì biết đi theo đường nào, ông Thiếp bỗng nói ra những lời không vui, hay là cứ nương theo mặt trời mặt trăng mà đi, thưa phu tử, ta nói, đấy cũng chỉ là cách nói cổ xưa, ông Thiếp nói, rồi lặng lẽ lội xuống sông Tưa, và bặt dạng, ta cũng không lấy gì làm ngạc nhiên cho lắm, bỡi từ lâu phu tử vốn là người thích ẩn mình nơi non xanh nước biếc

                

***
 

ta không đủ sức viết về xứ sở

nơi ta sinh ra và lớn lên cùng với những ngọn gió thổi sau hè

có ai đó muốn viết về những buổi sớm mai hồng

phải ngưng
bỡi có con chim lạ mỏ đen đến gõ [mỏ] lên bầy đàn người

cha ta nói

xứ sở nơi ta sinh ra là sương từ trên trời rơi xuống

và đất luôn ở dưới chân

khi làm sách Ngôn Ký ta nghiệm ra

nắng gió cứ dội vào những ý tưởng trong ta rồi chảy thành chữ viết
ta vắt óc thử

thấy con chim không phải bay bằng cánh

mà bằng mong mỏi về một khoảnh trời cao rộng
đêm ta ngồi viết
nghe con cuốc gọi nơi bờ rào sau nhà

không dám nghĩ
bỡi biết đó là vật thế thân của dòng sinh tồn thăm thẳm nghìn trùng, tức những hải hồ non xanh nước biếc chảy từ buổi chưa có loài giống nào cho đến khi có con chim người đời gọi chim cuốc, trong cuộc trôi giữa vằng vặc thế sự vấp phải thống khổ thì thốt thành tiếng
có lúc trong giấc ngủ cũng nghe cuốc kêu
khi viết sách Ngôn Ký ta nghiệm ra
ngoài cái hồi nhỏ mẹ gọi là con của mẹ, lại đây con của mẹ, hồi nhỏ, mỗi lần muốn nói điều gì với ta thì gọi thế, ở trong ta, ngoài cái gọi là con của mẹ, tức ngoài cái là con người, ta còn là con chim, là ngọn gió, là cây lá trong vườn, nếu không phải thế thì làm sao ta viết được về con chim, về ngọn gió, về cây lá trong vườn
không phải ta muốn nói vạn vật là một [vạn vật nhất thể]
ta không đủ khả năng để nói về chuyện ấy đâu
ta là ta
và con chim là con chim
ngọn gió là ngọn gió
nhưng ta lại viết được, viết rất hay là khác, về con chim và ngọn gió
nhiều khi ta nói con chim và ngọn gió là đồng điệu của ta
nhưng nhiều khi ta thấy rất cô độc
bỡi con chim và ngọn gió có đời nào nói với ta lời nào đâu

đang tiềm ẩn cuộc tuyệt giao của thế giới chăng
hay có sự đánh đố nào đó của hoàn vũ
ta cứ tưởng tượng
mới đầu có những vị thần chưa đủ khả năng tạo tác

đã tạo ra những khiếm khuyết

chẳng hạn ngoài con người chẳng có loài nào có chữ viết
hay là ta chưa thấu hết trời đất

hay con chim, ngọn gió, cây lá trong vườn…là chữ viết của trời
khi viết sách Ngôn Ký ta gắng đọc

cứ thấy thấp thoáng bài thơ biền ngẫu về cách thức chảy của những dòng sông trên mặt đất

cả những đám mây trên trời và cả những cái bóng của nó trên những con nước trên sông đều biết nhảy múa
có phải hoàn vũ là một cuộc vui
khi nhớ lời cha  ta nói với ta hồi ấy

‘‘cả cái con biết nghĩ ngợi, cả cái con biết nói năng, đều là giấc mơ’’

ta cứ thấy thấp thỏm không còn dám nghĩ nữa

 

 

***

 

khi ta và nàng  ngồi vào chiếu, người con gái ấy đã so xong dây đàn

lại thêm một cuộc tình nơi mặt đất

ông cụ, tác giả Truyền Kỳ Mạn Lục nói

ta nói chỉ là một người bạn tri kỷ

thì xưa nay bạn tình đều là tri kỷ

ông cụ nói, nhìn về phía dòng sông lấp lánh ánh sao

đêm tháng tư lấp lánh ánh sao, ngôi nhà ở bên sông, ta và nàng, người con gái của đất cũ Vijaya, và kỳ nữ gác Kim Hoa với cây đàn nguyệt với ông cụ

 

 

lại thêm một cuộc tình nơi mặt đất.

ông cụ nói.

lần này thì nhìn ta và nàng

ta chợt nhớ đến Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa trong Truyền Kỳ Mạn Lục

 

 

 

Một lúc sau bầu nghiêng chén cạn, chủ khách vái chào từ giã nhau. Ông khách ra rồi, Tử Biên cũng đi nằm ngủ. Đến lúc mặt trời đã mọc, chàng ngồi vùng dậy, té ra thấy mình nằm trên cỏ, áo đầm những sương, chỉ có đông tây hai ngôi mộ nhà ai nằm đó. Mở quyển sách ra xem thấy toàn là những giấy trắng chỉ có bốn chữ “Lã Đường thi tập” nét mực còn óng ánh chưa khô. Bấy giờ chàng mới hiểu ông khách ấy, tức là Lã Đường Sái tiên sinh  và hỏi thăm người ở đây, mới biết hai mộ này là mộ vợ chồng quan Giáo thụ họ Phù

 

 

ta viết khúc ấy tự lúc người kỳ nữ của ta mới ngoài hai mươi

ông cụ nói, nhìn người gãy đàn

tiếng đàn bỗng im

có phải là có tiếng nước mắt rơi ở trong ấy
ta và người con gái đất cũ Vijaya nhìn ông cụ, cùng nói

dường như là thế.

ông cụ im một lúc
đáp

và lại đọc

 

 

Ta tuy chân không bước đến thị thành, mình không vào đến cung đình, nhưng vẫn thường được nghe tiếng ông vua bây giờ là người thế nào. Ông ấy thường dối trá, tính nhiều tham dục, đem hết sức dân để dựng cung Kim Âu, dốc cạn của kho để mở phố Hoa Nhai,  phao phí gấm là, vung vãi châu ngọc, dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn, hình ngục có của đút là xong, quan chức có tiền mua là được, kẻ dâng lời ngay thì giết, kẻ nói điều nịnh thì thưởng, lòng dân động lay, nên đã xảy ra việc quân sông Đáy  bờ cõi chếch mếch nên đã mất dải đất Cổ Lâu . Vậy mà các kẻ đình thần trên dưới theo hùa, trước sau nối vết?

[Truyền Kỳ Man Lục, Chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na]

 

 

ta đã viết những lời ấy khi về ẩn ở đất Thanh, cố làm sao cho hợp với thời đại

ông cụ nói

và tiếng đàn lại cất lên

dường trời sinh ra ta  để làm ra thơ cho người  kỳ nữ ấy phổ nhạc, và sinh ra kỳ nữ là để đàn cho ta nghe

ông cụ nói giữa tiếng đàn

rồi quay sang ta và nàng

lại thêm một cuộc tình nữa nơi mặt đất

giọng ông cụ có vẻ rất xúc động

 

 

nhưng tiên sinh đã dọn về đất Vijaya tự khi nào

ta đánh liều hỏi khi không còn nén  được sự tò mò

 

 

lần trước, cách nay gần trăm năm, ta về đây là để trò chuyện với kẻ đã làm ra cuốn sách làm chấn động thế giới, còn lần này là để gặp lũ các người, ông cụ nói, ta và nàng phải cố giữ lắm mới không để lộ nỗi hốt hoảng

 

 

nhưng tiên sinh đã nói chi với người làm ra sách.

 

 

triết nhân thời nào cũng rất quí, chỉ  có điều, nói về nhân sinh rối rắm thì được, còn làm sao cho dứt rối rắm, xưa nay chưa mấy người làm được

 

 

nhưng sách ấy đã làm chấn động thế nào

 

 

khiến cho người ta hoang mang hơn về thế giới

 

 

ta và nàng lại thay nhau hỏi ông cụ về lai lịch người làm ra cuốn sách đã làm  chấn động thế giới, rồi quay sang hỏi về chuyện cầm ca ở đất Thanh thuở ấy, hóa ra ông cụ đã biết trước việc ta và nàng đến đây để  hỏi ông thế nào là một cuộc tình

 

 

những ngẫu nhiên thường để lại trong lòng người niềm xúc động dài lâu, ngẫu nhiên mà gặp, ông cụ nói, mỉm cười,  nhìn ta và nàng, như thể để cho biết là ông đang nghĩ  ngợi về cuộc tình của ta và người con gái của đất nước Vijaya cổ kính,  nhưng vì sao nàng lại đi theo ta, cuộc tình như giấc mơ không khúc cuối

 

 

bấy giờ thì tiếng đàn nguyệt của người kỳ nữ gác Kim Hoa tựa dòng sông lung linh, uẩn khúc
 

***

 

sách Ngôn Ký của ta là thứ văn chương hổ lốn, chữ  nghĩa gập gềnh  như khi trèo  núi,  hay xuống dốc, cứ nương theo những gì của thuở trước mà nói ra những nghĩ ngợi, có khi dài đến trăm câu, có khi ngắn vài ba chữ, có thể nói chưa tới, hay nói không tới, nhưng ta thì luôn thật lòng, văn không phải là người thì là gì, con giun con dế đều là loài quí, nhưng mỗi khi  chúng  chen vào văn chương con người  sẽ làm mất hết  vẻ sáng đẹp của văn chương

 

***

 

lại cứ thấy nhớ  về một thế giới mới mẻ, và lại đi, ta ra khỏi làng lúc vừa mới hừng đông, hơi sương, và mùi gió đêm còn sót lại, sự bắt đầu một ngày cứ làm ta cảm thấy bồn chồn, ta đi, chăm chắm một ngày nhìn thấy được những lời thân thiện viết lên mặt đất thay cho những gương mặt thù hận còn đọng lại từ bao thế kỷ, ta đi, và chợt thấy hiện ra những thành quách đền đài rêu phong,  những triều đại nào đây nhỉ, ngắn có, dài có, thì ra là trống điểm canh đang dội lại từ chốn đế đô nào đó, trong mớ kiến thức sách vở hỗn độn của ta chợt chồng chất lên nhau những biến cố, những sự cố, những thay ngôi đổi chủ, chỗ gọi là soán đọat, cướp đoạt, chỗ gọi là sụp đổ, là lật đổ, là cách mạng, ta như thể không còn kiểm soát nổi kiến thức sách vở của mình,  trườn qua những tháng năm buồn tẻ là những danh mục thống thiết, ngày đó tháng đó chiếm được chừng đó đất đai kẻ địch, giết được chừng đó kẻ địch, chém giết nhau đã trở thành thứ khái niệm cũng bình thường như khái niệm về chiếc lá hay cơn mưa, nhưng  hãy ra khỏi nơi đây ngay bây giờ, ta chợt nghe vang lên tiếng nói của ai đó, sự xua đuổi, hay đe dọa , hay cảnh báo, không phải là từ những kiến thức sách vở, rồi bỗng thấy hiện ra trước ta một xứ sở vừa buồn, vừa lạ, mùa xuân, hoa đang nở trong các khu vườn quí tộc, ai đang bị đuổi ra khỏi xứ sở vậy nhỉ, một kẻ phản bội tổ quốc, hay một kẻ đang chống lại những kẻ phản bội tổ quốc, ta vội vã rời khỏi xóm làng đó,   vòng qua một ngọn núi cao, rậm, có vẻ  thâm u, ta cứ  có cảm tưởng  xấu hổ khi đi cạnh thứ vật thể không có  tri thức nhưng lại to lớn hơn mình quá nhiều, kẻ cản đường ta cũng là một thứ vật thể không có tri thức, một con rắn từ trong ngọn núi lớn bò ra đường ngóc cổ nhìn ta với vẻ  không thân thiện, hãy đi đi… ngươi là hình ảnh  tăm tối của  tồn sinh, ta nói với con rắn, thẳng thắn, và thành thật, nhưng chẳng ăn thua, con rắn vẫn cứ nằm ngang trên đường, nhìn ta với vẻ thù ghét, loài người bọn ta có kẻ bị lũ ngươi dụ dỗ trở thành kẻ giả dối, tàn bạo, nhưng dẫu gì, cũng còn hy vọng trở nên lương thiện, nhưng lũ ngươi thì không, lũ căn bã của tồn sinh, ta nói, không biết vì xấu hổ, hay vì không thể thịt được ta, con rắn lặng lẽ bò trở vào núi, ta đi, vẫn chăm chắm một ngày nhìn thấy được một thế giới mới mẻ, phía bên kia núi là một làng xóm có vẻ rất bình yên, nhưng ai đã bước qua đám chuối tơi tả sau hè, bước qua những thửa ruộng trên đồng làng còn để lại những dấu vết của tàn phá, ta bắt đầu hoài nghi về sự bình yên của một vùng đất, và cố nghe thử tiếng hát ru của một người mẹ, âm vọng nguyên sơ, hay điệu khúc nảy sinh sau cuộc điêu tàn, ta  cũng không biết sự bình yên nào đã tồn tại trên thứ cấu trúc đã bị xô lệch của làng xóm, đêm, ta ngủ lại ở bờ con sông đã cạn gần hết nước, thực sự là ta chưa ngủ, thực sự không phải là ta nằm mơ, nhưng ta lại nhìn thấy những con sông lớn trên mặt đất  tràn vào con sông nhỏ ở quê ta, một cuộc chuyển dịch,  khởi thủy là sự tràn đầy chăng, tra vấn mang tính bản thể luận lại hành hạ nhận thức của ta,  một hôm ta  dừng chân ở thành phố ấy, những cao ốc đón chào ta với vẻ ngạo nghễ, vô cùng ngạo nghễ, từ những cửa ngõ kiến trúc theo lối tổng họp đông tây kỳ công ấy, ta bất chợt nhận ra được  vẻ đồ sộ khó lường của những cuộc giàu sang, ồ, đây là hình ảnh của những xa hoa vô tận nơi mặt đất, ta cứ lập đi lập lại ý tưởng ấy trong nghĩ ngợi như thể một chiến công là mình vừa phát hiện được bản chất của sự giàu sang, nhưng nếu không phải  ta, mà là người mẹ của xóm làng bình yên giả tạo kia đứng trước những cuộc kín cổng cao tường này, tất nhiên là bà phải cố nén lắm mới không buông tiếng thở dài, một nỗi đau của thân phận, hóa ra những cuộc giàu sang lại là một ví dụ về sự tàn nhẫn, nhưng lại có quá nhiều những ví dụ về sự tàn nhẫn trong cuộc sống khiến ta cảm thấy vô cùng bối rối, nhưng có phải khởi thủy là sự tràn đầy, tra vần có tính bản thể luận ấy lạin khiến ta luôn cảm thấy khó khăn trong nhận thức, thứ cảm xúc về sự tràn đầy lại xuất hiện vào lúc ta lạc vào một vùng núi non rộng lớn, vừa trông thấy  cánh rừng toàn những cây to lớn già nua cổ lỗ ta đã lập tức rơi vào thứ cảm xúc tràn đầy niềm cảm hứng nguyên thủy, ta nhìn thấy đầy trời một cuộc chuyển biến phong lưu, cả phía bên này và cả  phía bên kia là những thực thể vô hạn, những tạo dựng vô hạn, những kiến thức vô hạn, và cả những tra vấn vô hạn,  nhưng đây không phải là nơi chốn dành cho những kẻ đi tìm vẻ đẹp của tạo tác, ta  nghe như có ai đó từ trong  rừng núi nói to lên, lời cảnh báo của tự nhiên, hay là  sự nhạy cảm trong nhận thức của ta, sự nhạy cảm về một bất trắc, ta còn đang bối rối trong suy nghĩ thì đám người ấy xuất hiện, bọn họ bảo là bọn họ tha chết cho ta bỡi ta chỉ là một sinh vật nhỏ bé có muốn chống lại bọn họ cũng không chống nổi, hãy đi đi, và không được kể lại với bất cứ ai là đã gặp những người muốn dịch chuyển những núi non này về một phía khác của mặt đất, sau những lời  ngạo mạn của bọn người ấy, ta chạy gần hụt hơi, đến lúc ấy ta mới để ý đằng sau ta đầy tiếng xe cộ, tiếng  máy móc, tiếng rao giảng luân lý, rao giảng triết học…thì ra là lũ người  ăn cắp  xứ sở người khác, ta vừa chạy vừa tự nhủ, ta đi, không còn nhớ là đã trải qua bao nhiêu ngày tháng, vượt qua bao nhiêu xứ sở, chỉ biết là mình  mệt mỏi và cô độc, sự cô độc của một người một mình lầm lũi đi tìm những thứ mình chưa hề thấy, và một hôm ta bỗng nhìn thấy hiện ra trước mắt những cảnh trí núi non đồng ruộng rất giống với cảnh trí núi non đồng ruộng quê ta, tiếng chim kêu trên rừng cũng hệt với tiếng chim ở khu rừng phía nam làng  ta, và bầu trời mùa thu cũng buồn thấp như bầu trời mùa thu  quê ta, ta bắt đầu cảm thấy hoài nghi về cuộc hành trình của mình, và liền đó thì thấy mình đang đứng trước ngôi nhà thân yêu của mình, nắng chiều sắp tàn, chiếc bóng mệt mỏi của ta đang đổ dài trên sân.

 

***
 

nhưng tất cả những chuyện ấy như thể một thứ hoài bão đã được báo trước, thứ hoài bão to lớn choàng lên cả cuộc đời ta: làm thế nào để nhìn thấy được một thế giới mới mẻ không còn chút dấu vết nào của ngu tối, nguyên nhân của mọi mất mát đau khổ, ta lại đi núi Rây, buổi sáng mùa xuân, như thể gió núi vẫn còn lảng vảng đâu đó ở nơi chân núi, từ rừng cây trên núi cho đến bầu trời trên đầu ta, chẳng hiểu sao, hết thảy bỗng trở nên khác đi, với ta lúc bấy giờ thì hết thảy đều trở nên mới lạ, hay là  đang có cuộc thanh tẩy bí ẩn nào đó của mùa, nhưng là cuộc thanh tẩy nào, bãi bỏ cái úa tàn, hay bớt đi những màu, những tiếng, có con chim nhỏ lông đen thời tuổi thơ thốt lên nơi ký ức, ta cố thử lắng nghe, khựng lại cùng kỷ niệm cũ, chốc lát, rồi lại bước đi, con đường rừng gần như bị ta dẫm nát buổi ấu thơ bỗng trở nên lung linh, uẩn khúc, là chuyện gì đang xảy ra, hóa ra, là ta đang cảm thấy rất sợ hãi trong lòng, cái bẩy của tự nhiên, hay là đang có sự sai lệch nào đó trong nhận thức của ta, thì chẳng phải là ta đã đứng nơi đỉnh núi Rây vô cùng thân thuộc đó sao, chữ nghĩa của ta đang chờ đợi một thứ gì đấy, quyền năng hơn, ta đi núi Rây là để tìm kiếm thêm chút sinh khí núi sông cho việc làm sách Ngôn Ký, có thể đấy là một tiếng chim, không phải để nghe, mà đánh thức được hết thảy những gì đã quá  cũ, tiếng nước trên dòng suối đã cạn từ lâu, hay là cái vang động của những sụp đổ của những triều đại đã bị phủ nhận trong qua khứ, hay, cũng có thể đấy là cuộc tường trình gay go nhất trong những  tường trình, giọng nói của một con dốc cao lầy lội  khiến ta  gẫm được bản thể  của sự vật, thì chẳng phải là ta đã đứng dưới bóng cây bần bần nơi đỉnh núi Rây vô cùng thân thuộc đó sao, thứ  đường biên của tuổi thơ ta như thể chẳng còn muốn nói thêm điều gì với kẻ đang nhờ vả chữ nghĩa để mô tả thế giới, nhưng nếu chẳng phải đang có cuộc thanh tẩy nào đó của mùa thì là gì khi bỗng dưng ta lại cảm thấy mọi thứ như đang lạ hẳn đi, rồi ta cứ có cảm tưởng như nơi rừng cây phía trước đang có cuộc cấu trúc nào đó, mới tinh khôi, hết thảy là đang được vẽ lại, ta cứ lơ mơ nhìn thấy một tấm bảng đồ, hay một  phác thảo  hành trình, hoàn hảo, và tráng lệ, và, tuyệt nhiên, như thể là một cuộc chơi sang trọng, xin chào người viết  ngôn ký, từ trong rừng bước ra những người đàn ông đã cũ, a,  các ông vua Vijaya mình còn đầy máu me vẫy tay chào ta, ta cố ghìm xúc động, xin chào những người đưa tin của lịch sử, ta nói, rồi cứ để cho ký ức ta lôi kéo ta trở về tận những năm tháng hỗn độn, những bang giao, những trận đánh, và những vương triều Vijaya… định nói thật nhiều thật nhiều về những nghĩ ngợi của ta, nhưng các ông vua Vijaya đã vẫy chào ta, quay hết vào khu rừng, thì ra bọn họ đang nhường lại thứ thời gian quí hiếm của  người chết cho những khác là những ông vua Đại Việt đã chết, xin chào người viết ngôn ký, thì ra là ông vua Đại Việt  từng múa gươm nơi cung điện của ông vua Chiêm bại trận hồi cuối thế kỷ 11, vua Lý Thánh Tông của triều Lý đã bước lên trước mọi người, vẫy chào ta,  xin chào những người  thắng trận, ta nói, chuyện đã cũ xin chớ nhắc, các ông vua Đại Việt đều nói, nhìn ta, cười, rồi lùi hết vào trong rừng, bấy giờ chỉ còn lại mỗi cha mẹ ta, thần  núi Rây sẽ giúp con, cha ta nói, ta thấy mẹ ta  lau nước mắt, rồi cả hai người cũng vội vã lùi vào khu rừng, tất cả những người chết là đều lùi vào trong rừng, hay là cuộc thanh tẩy nào đó của mùa đã khiến cho những người chết vội vã, chẳng phải là huyền ảo gì đâu, mà là thế giới đang bày ra ở một phía khác của ý thức của ta, bưổi trưa, ta nằm ở tảng đá núi dưới bóng cây bần bân mà nghĩ ngợi, cứ lơ mơ thấy như những người chết đang vội vã chạy trốn cuộc thanh tẩy nào đó của mùa, rồi như có ai đó đọc Metamorphores của Ovid nhắc về bài giảng triết học của Pythagoras và những lời kiêu căng của tác giả: …’’Và bây giờ thì thần truyền cảm hứng cho lưỡi của tôi, lưỡi của tôi/Sẽ làm theo những gì thần dạy bảo/Tôi sẽ tiết lộ những sự thật của tôi, bày ra [giữa]cả miền trời /Và sấm ngữ của thiên linh trí nhớ tiết lộ/Tôi hát những điều vĩ đại’’ / “And now the god inspires my tongue, my tongue/“Shall follow what th’ inspiring god directs,/“My truths I will disclose, display all heaven,/“And oracles of mind divine reveal./“I sing of mighty things’’…’’Trên những ngôi sao cao nhất. Vẫn là sự vĩnh cửu/Sẽ là tên tôi. Nơi sức mạnh của Rome trải ra/Trên  sự chế ngự mặt đất, thơ tôi sẽ được đọc’’/ ‘‘Above the loftiest stars. Eternal still/Shall be my name. Where’er Rome’s power extends/O’er conquer’d earth, my verses shall be read’’ [Ovid/Metamorphorse/ Fifteenth Book/Ovid/Biến Hình/Cuốn 15], ta vừa chợp mắt thì thấy có người đàn ông râu bạc trắng đến xưng với ta là thánh Rây, ta có hơi băn khoăn, vì cha ta chỉ nói là có thần núi Rây đến giúp, xin hỏi thánh Rây là ai vậy, ta nói, là thần của các thần trên núi Rây, người đàn ông râu bạc trắng nói, thì ra là vị thần đến giúp ta còn cao hơn vị thần cha ta nói, thưa, kẻ trần gian đã mạo phạm, xin ban cho lời chỉ dạy, ta nói, đừng sợ, ta sẽ gúp ngươi hiểu ra thế nào là thế giới, nhưng thế nào là thế giới là sao, ta cứ thấy hồi họp trong lòng, thần của các thần núi Rây chợt quay lưng lại ta, chậm rãi bước về khu rừng phía trước, vừa bước đi vừa nói những lời như trong sách nói: “Ngươi hãy trỗi dậy, ra thung lũng và ở đó Ta sẽ phán với ngươi [Sách tiên tri  ÊDÊKIEN, chương 3, mục 22]’’

 

 

HẾT SÁCH NGÔN KÝ

 

 

 

 

và đấy là một ngày mùa đông, mưa như trút nước, bác tôi mặc quần áo lụa trắng, mang dép da, đội nón lá, lao ra ngoài mưa, ta đã có cách… ta đã có cách… vừa chạy trong mưa, bác tôi vừa la thật to, tôi đuổi theo ông, nhưng không còn kịp nữa, bác tôi đã đến bờ sông Tưa, con sông chảy qua phía đông làng tôi, ở từ xa, tôi  trông thấy bác tôi  ngửa nón, thả xuống sông, rồi ngồi lên nón, nhưng chỉ thoắt cái con nước lũ đã nhận chìm bác tôi, bác tôi đã mất, nhưng ở phía đông tôi, am thần, cái di sản sầm uất và kỳ khu nhất thế giới vẫn còn nguyên đó, tôi lập thêm bàn thờ bác tôi ở cạnh bàn thờ các vị thần phật cũ, và đem đặt lên đó sách Ngôn Ký của ông, mỗi lần mở cửa am để lau dọn bụi bặm, tôi nhìn thấy các vị thần mặt đen mặt đỏ như đang nhìn tôi mỉm cười đầy ẩn ý, còn tôi thì như nhìn thấy bác tôi đang ngửa nón làm đò sang sông.

 

 

 

giã

tháng 11. 2019
tháng 01. 2020