ở miền đất ấy

 

 

 

 

 

 

thế giới là cuộc tháo chạy ngẫu nhiên của các sự vật  

 

 

1/ Tôi lên cao nguyên miền Trung là để lấy tư liệu cho luận văn tốt nghiệp đại học của mình. Luận văn về sự hình thành các tập tục của các dân tộc ít người ở Tây Trường Sơn. Trên đường về lại thành phố, tôi ghé vào làng Dang dưới chân núi Đưng là để thăm chơi cho biết, vì bấy giờ việc lấy tư liệu coi như đã hoàn tất. Mùa hạ ở núi Đưng có hoa muồng rực thắm giữa màu lá rừng đương ngã màu, tựa bức tranh cổ u tịch bỗng hiện ra ở đâu đấy một chút le lói. Khách đường xa suốt tháng trời chỉ chăm chắm mỗi việc săn tìm tư liệu là tôi, phút chốc cũng thấy lòng nhẹ bổng trước cảnh nước non mới lạ. Núi Đưng không cao. Chỉ đứng đó như sự che chở cho cuộc sống lẻ loi đương diễn ra trong một vùng trũng rộng lớn, có thể gọi là cuộc bình nguyên trên cao nguyên. Khi người khách đường xa là tôi đã ngồi vào một chỗ ghế học của một lớp học vùng cao, thì cả đám học trò con trai con gái lên năm lên bảy, ở trần có mặc áo có, lẫn cô giáo dạy học, vẫn tự nhiên như không, như con suối Dang đối với tôi, lúc tôi đứng trên bờ của nó ngắm nhìn trời đất. Lũ học trò dường đã xong việc tập viết, làm tóan, đang ngồi hóng cổ nghe cô giáo kể chuyện.

 

Giót là không có gì hết, nhưng cái gì cũng có, là không biết gì hết, nhưng cái gì cũng biết. Có với không, không với có, bỗng quấn quít lấy nhau, cất tiếng khóc thê thảm. Nước mắt chảy, một phần thành đất, một phần thành nước, một phần thành loài người, muông thú và cây cỏ. Trong những người sinh ra từ nước mắt đó có một người đàn ông   chỉ sống được trong bể khơi, và một người đàn bà chỉ sống được giữa thinh không, rồi hai người đó đã thành chồng vợ và sinh ra tổ tiên người núi Đưng.

 

Liêu kể. Cô giáo ấy là Liêu. Còn tôi thì cứ ngồi ngẩn người, tựa hồ đang nghe một trang kinh của một tôn giáo mới nào đó vừa mới xuất hiện ở trần gian. Con người là sinh ra từ những giọt nước mắt của một cõi khác thường. Là sáng thế ký? Mà cũng không phải sáng thế ký. Anh ở bên lâm trường sang chơi? Liêu chợt hỏi. Cô ta tưởng tôi là người bên lâm trường Núi Đưng. Đám học trò dồn mắt cả về   phía tôi. Tôi nói là mình ở dưới miền xuôi đi nghiên cứu lịch sử các dân tộc ít người ở Trường Sơn. Tự dưng tôi tự xưng là nhà nghiên cứu lịch sử. Sau này mới mới biết chuyện kể ấy là lấy ở cuốn sử truyền miệng của người núi Đưng. Còn lúc ấy, Liêu liền rời khỏi bàn thầy giáo, tiến lại chỗ tôi ngồi. Anh phải qua bên nhà em, để gặp cha em thôi. Liêu nói, mỉm cười với tôi. Và giật lấy xách hành lý của tôi, để tự tay cô ta xách giúp cho tôi. Chạy lóc thóc đàng trước là lũ học trò của Liêu. Tiếp theo sau là ông khách lạ là tôi, và Liêu. Ở các nhà sàn bọn tôi ngang qua, có cả ông bà già lẫn phụ nữ và   trẻ con ra đứng ở cửa, ngóng nhìn theo bọn tôi. Những phút đầu tiên tôi đến với người núi Đưng là thế.

 

 

2/ Ông bà Dên, cha mẹ Liêu, là thuộc lớp người ở núi Đưng ra khỏi nhà vẫn thích mặc váy, ở trần, và nghe máy thu thanh thì chưa hiểu người ta nói gì. Nhưng khi nghe Liêu nói tôi đi nghiên cứu lịch sử các dân tộc ở Trường Sơn thì hai ông bà   liền đem rượu cần bày ra giữa nhà sàn. Cha mẹ em muốn giữ anh ở lại nhà em đấy. Sau này mới biết đấy là tập tục. Còn lúc nghe Liêu nói thế, tôi biết là mình sắp không thể tránh khỏi một cuộc phiêu lưu. Từ việc đương trên đường về, tiếp tục việc khoa bảng, bỗng dưng tôi trở thành nhà nghiên cứu lịch sử, để từ đó mở ra một đoạn đời có lắm hạnh phúc và khổ đau. Coi như đã dứt hẳn cuộc du canh du cư. Nhà sàn của ông bà Dên đã có cột kèo, được đục lỗ hẳn hoi. Và đám gia súc trâu bò heo gà đã có chuồng trại riêng biệt. Cuộc sinh nhai cũ dường chỉ còn để lại bóng dáng trên lớp men đen mướt trên da ché rượu cần. Cả việc những ông già ở những nhà bên   mang thêm những ché rượu sang nhà ông bà Dên để đãi khách là tôi, cũng có thể nói là cung cách hình thành từ cuộc du cư du canh xưa cũ. Cả việc cả chủ lẫn khách vây quanh ché rượu, cùng cầm lấy những chiếc cần cùng uống thứ chất vừa ngọt ngào vừa cay đắng, cũng là hình thành từ cuộc sống xưa cũ. Những phút bầy đàn, nhằm củng cố sức tồn sinh. Cho nên lúc men rượu đã đủ bổ sung cho sức sống, mọi người đều đòi kể Giót. Tức trở về với cội nguồn của mình. Để con Liêu kể, nó mới hiểu được. Ông Dên nói. Nó, là khách của cuộc rượu, là tôi. Cuộc rượu khách lập tức biến thành cuộc rượu thánh. Dường như rượu là cách thế dẫn dắt con người quay về với chính mình. Các cụ già cùng ứng lên. Cùng vít cần, rồi cùng ứng lên. Chẳng cần phải rõ nghĩa thứ ngôn ngữ cổ kính ấy, chỉ nghe thôi, cũng đủ mường tượng được cảnh trí một thời cổ sơ. Thứ tiếng nói cổ sơ ấy như có sức chứa cả hình tượng lẫn âm thanh, chỉ nghe thôi, cũng mường tượng ra được những hoang dã, những bất trắc, những máu và nước mắt, trong cuộc chống chọi với tự nhiên để sinh tồn. Phải chờ đến lúc các cụ già nhường việc lĩnh xướng cho Liêu tôi mới hiểu hết những gì mình nghe được. Liêu không vít cần, mà nâng cần lên. Và quì. Kể mà như hát.

 

Đấy là lúc pơtan Đưng đã lập xong nước. Bèn sai ông Khơ Nan coi việc thiên văn địa lý. Và sai Lung đi tìm của cải quí ở dưới mặt đất. Ta tuy là vua, là pơtan của lũ ngươi, nhưng ta cũng là người núi Đưng, nên phải ở cùng lũ ngươi. Pơtan Đưng nói. Nhưng người núi Đưng bảo kẻ đứng đầu một nước phải có chỗ ở khác với chúng dân, mới khiến các nước khác nể nang. Rồi kéo lên núi Đưng đốn cây gỗ về làm chỗ ở cho vua. Chỗ ở của vua Đưng gọi là cung pơtan. Này Khơ Nan, ta không đành lòng khi thấy nhà ở của chúng dân bị ngập lũ. Pơtan Đưng nói. Ông Khơ Nan liền theo lũ kiến đen suốt ba mùa lũ, rồi vẽ họa đồ, định lại chỗ ở cho dân. Này Khơ Nan, ta thấy lúa trên đồng không được nhiều hạt cho lắm. Pơtan Đưng nói. Ông Khơ Nan phải ăn nằm dưới gốc cây môi ba mùa hoa trái, để xem cách đơm hoa kết trái của môi, rồi mới định ra lịch gieo trồng. Lung đã tìm được mỏ sắt trên núi. Sắt đào được đem về để cả ở hang Gió. Nghe chuyện lạ, cả nước kéo tới xem. Lung lấy củi đốt thành than, rồi đem than đốt thì sắt chảy ra đủ thứ hình thù. Cái làm rìu chặt cây. Cái để cuốc đất. Cái thành lưỡi cày. Này Lung, bấy lâu ta chỉ cày bằng lưỡi cày gỗ, nay đã có sắt, ngươi hãy làm cho thật nhiều lưỡi cày bằng sắt cho người núi Đưng cày ruộng. Pơtan Đưng nói. Lung ngồi trong hang Gió cả ngày lẫn đêm để lo nấu sắt, rèn lưỡi cày lưỡi cuốc. Chẳng bao lâu, ruộng nương của người núi Đưng rộng gấp trăm lần trước, dân chúng giàu có vô kể.

Người trong nước muốn pơtan Đưng phải có vợ để sinh con nối ngôi vua. Người con gái nào biết được lúc mặt trời đứng bóng thì cây khư trên núi Đưng ngã bóng phía nào, ta sẽ cưới làm vợ. Pơtan Đưng nói. Cây khư trên núi Đưng được người núi Đưng ví với sự cao quí. Con gái ông Khơ Nan là nàng Hơ Lia nói lúc mặt trời đứng bóng là lúc cây khư trên núi Đưng ngã bóng nơi trái tim của nàng. Pơtan Đung liền đưa con gái ông Khơ Nan về nhà mình. Còn nàng Hơ Mia, con gái ông Nư Năng , lúc bấy giờ là người tình của người thợ nấu sắt là Lung.

 

Bấy giờ, cả ông Dên, cả những cụ già bạn ông Dên, đều thôi uống, chỉ ôm lấy cần ngồi lặng lẽ, như thể đang cùng nhau bước vào cõi cổ sơ. Đêm mùa hạ ở núi Đưng là mùa giao phối của loài chim đỏ mỏ. Giữa những lúc Liêu ngừng kể thì nghe thấy tiếng kêu thảng thốt ở đâu đấy ngòai rừng. Tiếng kêu của lũ chim đỏ mỏ lạc bạn tình. Lúc mọi người đã về hết, trong ngôi nhà sàn chỉ còn tôi, ông bà Dên, và Liêu, tôi mới nghe rõ hết những xáo động ở bên ngoài. Chuyện yêu đương của lũ chim trời cũng thật ghê gớm. Hốt nhiên im lắng, như thể hết thảy đã biến mất. Hốt nhiên rố lên tiếng vỗ cánh rậm rực, tiếng riu rít hân hoan. Rồi thắc thỏm gọi tìm nhau.Từ sáng giờ em đã quên hỏi tên anh. Liêu chưa ngủ. Nghe Liêu nói, ông bà Dên cựa mình, rồi ngủ lại. Tôi bảo cứ gọi tôi là anh nhà nghiên cứu. Qua bóng đêm, tôi nói nửa đùa nửa thật. Liêu bảo, trước cũng có mấy nhà nghiên cứu lên núi Đưng, nhưng lúc đó Liêu chưa thể kể Giót bằng tiếng Việt phổ thông. Tôi bảo, còn bây giờ thì Liêu kể rất hay. Cuộc phiêu lưu của tôi coi như được tính từ đêm hôm ấy. Tôi bị chôn chân ở núi Đưng cho đến lúc mưa đông bắt đầu đổ mới từ biệt Liêu, trở về thành phố. Và lúc trở lại làng Riềng thì Liêu không còn nữa.

 

 

3/ Việc Liêu không còn nữa đối với tôi lúc bấy giờ là sự mất mát không gì bù đắp nổi. Theo lời người làng, trận mưa lũ ấy là lớn nhất trong vòng mấy chục năm qua. Mưa liền mấy ngày đêm. Nước các con suối tràn vào nhau. Làng nào ở yên làng nấy. Nhà nào ở yên nhà nấy. Vừa dứt mưa thì lũ gà heo bò trâu từ trên núi Đưng kéo xuống. Lũ chúng đã lội ngược con nước lũ, tìm đến chỗ cao để trú chân. Liêu sang làng Dang dạy học trước khi có mưa lớn. Ở làng Riềng sang làng Dang phải lội suối Riềng hai lượt, lội suối Mung ba lượt. Lũ bò trâu gà heo trốn lũ trên núi Đưng đã kéo về hết. Thấy Liêu không về, ông bà Dên sang trường học làng Dang hỏi thử. Thì lũ học trò bảo là bọn chúng chờ, nhưng không thấy cô giáo Liêu đến lớp. Trước khi có mưa lớn thì ông Phưa trưởng làng Mung có thấy Liêu ngang qua làng mình. Còn bà Mãng nấu cơm cho công nhân lâm trường Núi Đưng bảo Liêu có đến lâm trường lúc trời sắp mưa. Ông bà Dên này. Ông Nan trưởng làng Riềng này. Ông Din hiệu trưởng này. Cả làng Riềng làng Dang làng Mung đổ ra đi tìm Liêu. Làng báo lên huyện. Huyện có công văn đến các ngành đương có việc làm ở vùng núi Đưng để giúp kiếm tìm Liêu. Nhưng những tai ương trên đời thường là thế, chúng vẫn lặng lẽ thế. Mọi người đều nghĩ là Liêu đã bị lũ cuốn, trừ bà Dên. Con ma xoát đã bắt hụt con Liêu một lần, giờ thì nó bắt đi thật. Bà Dên nói với mọi người. Lúc chửa Liêu thì bà Dên   nằm mơ thấy ma xoát bắt chết Liêu. Ma xóat là chuyện thuộc thời cổ xưa, thời văn minh núi Đưng.

 

 

4/ Có một nền văn minh, nếu không muốn nói là sáng giá, đã bị chôn vùi dưới chân núi Đưng.

Anh đi làng Nhút làng Dìng, đi chín suối mười dốc, gặp không biết mấy nhiêu cô gái, vẫn quay về làng mình để đeo vào cổ em chiếc xi tiu xinh đẹp do chính tay anh làm ra.

Lời người thợ nấu sắt nói với người yêu của mình trong Giót, cuốn sử truyền miệng chép về nền văn minh núi Đưng. Điều này có nghĩa nền văn minh đã bị chôn vùi là thuộc thời kim khí. Ở núi Đưng có nhiều người thuộc Giót. Nhưng chỉ ông Khơn ở làng Riềng là thuộc từ đầu chí cuối. Và chỉ cô giáo Liêu là kể được Giót bằng tiếng tiếng Việt phổ thông. Lần nào nghe   Liêu kể Giót, tôi cũng rơi vào thứ tình cảm nửa tin nửa ngờ. Bỡi những gì gọi là văn minh núi Đưng thuở ấy có vẻ như chẳng dính dáng chi đến cuộc sống hiện tại của người núi Đưng. Hiện tại thì người núi Đưng vừa làm lúa rẫy vừa làm lúa nước, và ở nhà sàn. Trên vách nhà sàn của ông bà Dên còn bức ảnh Liêu chụp chung với các cô giáo vùng cao lúc học lớp sư phạm cấp tốc ở huyện. Liêu chỉ còn để lại mỗi dấu tích đó. Còn những thứ khác như giọng nói, tiếng cười, hay dáng đi , là thuộc về thời khác, tôi có cảm tưởng là rất xa lúc nằm trong căn nhà sàn nghĩ ngợi về Liêu. Vào lúc gần nửa đêm hôm ấy tôi nghe tiếng thở ông Dên có xen lẫn thứ hơi thở nặng nề và gãy khúc. Còn bà Dên thì chốc chốc lại khẽ rên, những tiếng rên vừa phát ra liền tắt nghẽn nơi cổ họng. Người ta bảo đó là nỗi đau trong giấc ngủ. Những thứ tôi nghe thấy đó là xảy ra cùng lúc với việc tôi nằm nghĩ ngợi về Liêu. Nhưng nếu chuyện ma xoát là thật thì sao? Theo cuốn sử truyền miệng của người núi Đưng thì người Xoát và người núi Đưng là văn minh cùng một lượt. Rồi chiến tranh lại xảy ra giữa hai giống người ấy. Người Xoát chết trong cuộc chiến tranh hóa thành ma xoát. Chuyện xảy tự thời xưa cũ, lẽ ra chẳng còn phải lưu tâm nghĩ ngợi. Nhưng ở núi Đưng người ta vẫn thừa kế nỗi sợ hãi những đời trước truyền lại. Bà Dên vẫn nghĩ lũ ma xoát còn lẩn quất đâu đó để ám hại con gái bà.

 

 

5/ Tôi nằm trong căn nhà sàn không còn có Liêu.

Có và không, hai bờ của một cõi đến và đi.

Đến là để mà đi.

Đến cho nhân thế có được những tiết tấu, những hương vị, những sắc màu… luôn là từng cặp sánh nhau : Thiện và ác. Mộng và thực. Đế vương và cùng đinh. Xỏ lá và đường hoàng. Ấm no và hạnh phúc. Quân tử và tiểu nhân. Ngu đần và trí tuệ. Áp bức và tự do. Hòa bình và súng đạn. Kẻ cướp và thánh nhân. Cao sang và nịnh hót…

Có người nói đi là hết. Có người nói đi là về cõi vĩnh hằng. Có người nói đi là hóa kiếp.

Có và không có phải là cách thế của cuộc chơi có tên gọi là cuộc tồn sinh? Dường không có cuộc tồn sinh nào không phải là cuộc chơi.

Có thể nói thế này không, con chim bay trên trời là có cuộc chơi khoáng đạt? Con ốc sên bò dưới đất là có cuộc chơi lẩn quẩn ? Và loài người là kết hợp những cuộc chơi của loài có cánh và loài giáp xác ?

Nhưng bắt đầu và kết thúc của mỗi cuộc chơi là mãi mãi không bị tiết lộ. Cây cỏ và muông thú không biết điều này, nên chúng luôn vô tư lự. Chỉ loài người mới biết điều này, nên suốt cuộc chơi có cả tiếng cười lẫn tiếng khóc, có người đã tóm gọn lại những âm vang dai dẳng ấy bằng một từ gọn hơn, nhưng không kém âm vang : Bi kịch.

Tôi nằm trong căn nhà sàn không còn có Liêu là lúc nghe rõ nhất tiếng vỗ cánh của con chim lẻ đôi, tiếng trầm mặc của đá núi, tiếng la hoảng của dòng suối khô cạn, và tiếng hả hê của lũ sâu bọ vô liêm sỉ.

Nằm trong căn nhà sàn không còn có Liêu là lúc tôi nhìn thấy mình rõ nhất. Là lúc tôi biết chắc là mình đã yêu Liêu.

 

 

6/ Không gì bù đắp nổi sự hụt hẩng trong tôi, ngoài việc đi tìm Liêu. Một ngày nắng gió. Tôi đến lâm trường Núi Đưng là để gặp bà Mãng hỏi thử có quả Liêu đã đến đó trước khi có mưa lớn hay không. Nhưng chưa kịp gặp bà ấy, ông Lâm giám đốc lâm trường đã kéo tôi vào phòng ông. Làm sao cho cây gió thành trầm thì đến đời tôi mới nghĩ ra được. Ông rót trà mời tôi, và nói, vẻ rất phấn khích. Tôi chẳng buồn hỏi là đến đời ông thì nghĩ ra được cái gì. Vì tôi đến lâm trường cốt để gặp bà Mãng chứ không phải để trò chuyện với ông. Tôi cũng không biết chuyện ông tổ bảy đời của ông, chuyện tìm trầm đó là có thật, hay do ông phịa ra để cái chức giám đốc lâm trường của ông được coi như là sự thừa kế sự nghiệp một bậc tổ phụ đã sống chết với núi rừng. Ông tổ bảy đời của ông Lâm là ông Trầm. Vì tìm được trầm cho vua, nên   được vua ban cho tên ấy. Chẳng ai biết đó là triều đại nào. Chỉ nghe kể rằng nhà vua sai ông ấy lên núi tìm của quí. Ông cứ ngược theo hướng gió có hương thơm mà đi. Cho đến hôm gặp được cây đại thụ có vết thương nơi gốc, hương thơm phát ra từ đấy. Mất tháng trời ông mới hạ được cây đại thụ. Sau khi đẽo bỏ hết lớp gỗ vỏ thì thấy lộ ra một khối lõi màu xám, ngào ngạt hương. Đem một mảnh nhỏ lõi thơm thả xuống nước thì nặng chìm. Nếu đây là của quí, xin đất trời cho kẻ này đem về đến nhà. Thầm khấn xong, ông ngồi lên khối lõi thơm để nghĩ cách chuyển về. Bỗng khối gỗ nhấc lên khỏi mặt đất. Ông Trầm chỉ còn biết nhắm mắt để chờ chết. Nhưng lát sau thì cả người lẫn   gỗ đã ở trước mặt vua. Đó là vật chi? Vua hỏi. Ông Trầm cứ theo những gì mình đã biết để nói với vua đấy là trầm hương. Lập tức có người ở phương bắc mang vàng đến để đổi. Vua bỗng trở nên giàu có Còn ông Trầm, sau khi được vua ban cho tên ấy, lại lên núi, và biệt tích. Ông cố và ông nội tôi có lấy được trầm không, chẳng rõ, nhưng đều chết trên rừng, còn cha tôi thì chỉ lấy được thứ cây gió làm nhang thơm, tới đời tôi mới nghĩ được cách lấy trầm mà không lên núi. Ông Lâm nói. Và dắt tôi ra khu ươm cây. Lấy trầm mà không lên núi, là sao, thì quả tình lúc ấy tôi cũng chẳng để tâm chi lời ấy. Lâm trường Núi Đưng nằm dọc theo con suối Dang, nơi suối này gần giáp với suối Cái. Ở khu ươm ươn có đủ các giống cây rừng. Bạch đàn, dầu, keo lá tràm, thông ba lá. Là cây gió con đấy. Ông Lâm chỉ vào chiếc giỏ đựng những cây con, cao khoảng gang tay, bảo đấy là cây gió con. Tôi cứ nghĩ ông ấy lại sắp tung ra một truyền thuyết nữa về các bậc cha ông mình, nên vội cáo biệt, nói là mình phải đi gặp bà Mãng nấu cơm cho công nhân để hỏi thăm chút việc. Về xuôi rồi, mới sáng ra bà ấy đã xin phép tôi để về xuôi thăm con. Ông Lâm nói. Và lấy một cây gió con từ trong giỏ ra, bắt đầu thuyết cho tôi nghe về loài cây đó. Hóa ra là cả tháng trời vừa rồi ông cùng đám môn đệ của mình rời lâm trường núi Đưng, lặn lội tận vùng rừng   núi giáp ranh nước Lào để sưu tầm những cây gió con. Một trăm năm, hay lâu hơn nữa, cây gió mới thành trầm, nhưng là phải có thương tích thì mới thành trầm, nhưng anh cũng biết, cây trên rừng là những quần thể có thể bị gãy đổ hết sau một một biến cố nào đó của thiên nhiên, mà cũng có thể trường tồn muôn đời, bằng chứng là ngày nay vẫn còn những khu rừng nguyên thủy. Không phải là ông Lâm muốn thuyết cho tôi nghe triết lý về sự tồn tại. Nhưng phải bắt đầu từ triết lý đó mới có thể dẫn dắt tôi vào khu rừng nguyên thủy, nơi ông tổ bảy đời của ông đã cỡi trầm gặp vua. Nhưng cô Liêu đâu chẳng đi với anh? Tới lúc đó ông Lâm mới để ý việc tôi xuất hiện ở lâm trường mà không có Liêu, việc tôi đi đâu thì cũng có Liêu cùng đi đã trở thành đã trở thành sư kiện bình thường đối với những người ở núi Đưng. Khi nghe tôi nói Liêu đã mất tích trong cơn lũ vừa rồi, vị giám đốc lâm cứ đứng ngớ ra. Số kiếp cô gái ấy sao mà ngắn ngủi thế. Ông Lâm kêu, buông tiếng thở dài. Cái truyền thuyết mới về trầm đã bị bỏ dở ở chỗ vừa ra khỏi khu rừng nguyên thủy, vì ông Lâm bảo là phải cùng tôi sang làng Riềng chia buồn cùng ông bà Dên. Nhưng ra tới đầu lâm trường ông đã dừng lại, đứng ngắm nghía đám rừng cây con đang lên xanh ở trước mặt. Cho đến đời tôi mới nghĩ ra, là đem cây gió về trồng ở đồng bằng, rồi mỗi ngày khắc thêm cho vết thương của nó sâu thêm một chút, cho đến một ngày thì gió sẽ thành trầm, mà trầm là đổi bằng vàng, nếu cả nước trồng gió, thì đất nước ta sẽ trở thành đất nước giàu có. Ông Lâm nói, có vẻ rất hào hứng . Tôi giật mình nghĩ đến chuyện ông tổ bảy đời của ông Lâm. Khắc cây chờ trầm, thì có giống với cỡi trầm gặp vua không?

 

 

 

7/ Để bớt trống vắng, tôi nằm dài trong căn nhà sàn không còn có Liêu để đọc lại những trang sử Giót đã chép được qua lời kể của Liêu.

 

Bấy giờ đã có lịch cày cấy, đã có lưỡi cày cày ruộng bằng sắt, nên ruộng lúa mùa nào cũng tốt. Làm một năm, ăn ba năm chẳng hết. Nhà nào cũng nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Ông Nư Năng nói nay dân trong nước dư ăn dư mặc, nên chỗ ở của dân phải sang trọng hơn xưa. Pơtan Đưng bảo thế thì phải làm lại cả, để nhà nào cũng là nhà mới, làng nào cũng là làng mới. Lung vừa rèn sắt, vừa vẽ họa đồ để xây dựng lại đất nước. Cuối cùng thì hết thảy nhà ở của dân đều xây bằng đá như nhà ở của vua Đưng, hết thảy các con đường trong nước đều lát đá như đường đến cung vua Đưng. Ông Nư Năng nói nay áo quần để mặc cũng nên đẹp hơn trước. Hơ Lia, người vợ giỏi dang của vua Đưng đã chế ra được kiểu áo quần mới, rồi đem bày cho dân trong nước làm theo. Ông Nư Năng nói người núi Đưng là do Giót mà có, Giót là việc gì cũng biết, nên người núi Đưng phải sống sao cho xứng với Giót. Ở trong nước bấy giờ có người con trai tên Ka Tan không chịu làm ăn, chỉ chơi bời lêu lổng. Nghĩa của chữ ka tan là không phân biệt được tốt xấu. Ông Nư Năng nói không tự làm ra cơm gạo để ăn thì không phải con cháu của Giót. Vua Đưng đã sai đem mủ cây khứt bôi lên trán Ka Tan để làm gương. Mủ khứt khô thì ở trán Ka Tan có vết sẹo. Vậy từ nay không gọi là Ka Tan nữa, mà gọi là Khứt, ông Nư Năng bảo. Ở núi Đưng, khứt là loài cây mọc khỏi mặt đất thì cong queo, chẳng dùng được việc chi, ngoài việc làm củi chụm. Ông Nư Năng nói làm lụng cũng phải có lúc nghỉ ngơi. Khi gặt lúa xong thì nên họp nhau lại để uống chén rượu mừng. Khi có trăng tròn thì nên họp nhau lại để cùng ca hát. Lung nói với vua Đưng là anh đã nghĩ được cách làm cây đàn suối. Ở trong làng, Lung và Hơ Mia, con gái ông Nư Năng, thương nhau đã lâu, ai cũng biết. Hơ Mia đòi theo Lung đi tìm cây rổng ruột để về làm đàn suối. Em ở nhà, kéo tơ, xe thành sợi, chờ ta. Lung nói. Rồi một mình đi về phía mặt trời lặn. Đã ba lần trăng tròn. Hơ Mia đã xe được cả nghìn sợi chỉ tơ. Ta chỉ sợ con không ngăn được cái chết ăn lần mòn gan ruột của con, chứ nó thì không chết đâu. Thấy con gái buồn rầu, ông Nư Năng bảo. Quả như ông Nư Năng nghĩ, trăng sắp tròn lần nữa thì Lung về. Kiếm được cây lư lăn rồi, Lung còn phải phơi cho khô mới đem về. Cây lư lăn rổng ruột khi đã khô thì nhẹ tựa những chiếc ống làm bằng vỏ trứng. Đem những chỉ tơ Hơ Mia đã xe bện lư lăn thành từng tấm, rồi đem treo ở thác Ghinh trên suối Riềng. Nước thác chảy làm những tấm lư lăn vừa bồng lên vừa dập vào bờ đá làm phát ra đủ thứ cung bậc. Những người đến thác Ghinh chơi trăng, nghe đàn suối, ai cũng bảo là như sắp bay bổng lên trời. Này Lung, chính ngươi là kẻ đã làm sản sinh   tiếng cười Giót hằng mong thấy được ở thế gian. Vua Đưng nói thật to cho mọi người nghe thấy.

Cây lư lăn rổng ruột

nhưng thấy được nỗi đau của thế gian

Ba lần trăng tròn

em xe cả nghìn chỉ thắm

để buộc cái không nghe thấy

là nhạc của trời

Khi chỉ thắm em xe

đã buộc được sự rổng không
là nhạc của người.

Bấy giờ thì Hơ Mia đã ứng khẩu hát theo tiếng đàn suối đang réo rắt nơi con thác.

  

Mấy trăm năm sau, hay mấy nghìn năm sau, làm sao tôi biết được, cũng tại nơi con thác ấy, thác Ghinh, Liêu đã hát bài hát ấy cho tôi nghe.

 

 

8/ Tôi đòi Liêu đưa tôi đến hang Trớt. Nhưng tới thác Ghinh thì Liêu dừng lại bảo từ lúc lớn khôn cô ta chưa hề thấy ai vào hang núi ấy. Nói rõ ra là từ già chí trẻ, ai cũng coi cái hang núi ấy là nơi cấm kỵ. Nhưng ở trong làng có xảy chuyện không hay, như có ai chẳng ốm đau chi lại ngã ra chết, thì lại nghĩ là do con ma Xoát ở hang Trớt. Theo lời Liêu, người núi Đưng vừa sợ vừa căm ghét cái hang núi chẳng ai rõ đã có   tự bao giờ, chỉ thấy nói trong sử Giót.

 

Vào những đêm tối trời, lũ các ngươi hãy đem con gà luộc hay con ốc luộc đặt ở giữa sân, và nói những lời tốt đẹp về lũ ma Xoát ở hang Trớt.

 

Liêu bảo đấy là lời khuyên của vị trưởng tế trong sử Giót. Rồi dắt tôi leo lên gộp đá. Thác Ghinh đã cạn nước từ lâu. Những gộp đá trần mình ra trong nắng. Phong trần và lặng lẽ. Tôi và Liêu đã dừng lại ở chốn đó để được cùng ngồi dưới bóng của phong trần và lặng lẽ. Thác Ghinh cách làng Riềng không đầy buổi đường. Còn hang Trớt chỉ cách thác Ghinh một cụm cây rừng, nếu đo bằng bước chân thì chỉ cách nhau chừng vài ba mươi bước. Nhưng đó là đoạn đường cả trăm năm qua, cũng có thể là cả ngàn năm qua, người núi Đưng đã không dám vượt qua. Tôi hỏi Liêu đã có nhà nghiên cứu nào đến   tìm hiểu về hang núi ấy chưa. Liêu bảo đã lâu lắm rồi, và chỉ mỗi lần ấy, là có mấy người xưng là nhà khảo cổ học muốn đến hang Trớt để khảo cứu. Nhưng khi nghe người làng nói đấy là hang ma xoát, và cũng chẳng có ai dám dẫn đường, bọn họ đã trở về xuôi. Như vậy cho đến lúc ấy sự hiện diện của cái hang núi ấy vẫn được coi như điều bí ẩn còn lưu lại của một nền văn minh đã tắt. Nhưng tôi thì lại muốn hiểu cho tường tận về nền văn minh ấy, nên cứ muốn vào hang Trớt. Tôi hỏi đã bao giờ Liêu có ý nghĩ là sẽ vào chơi ở hang Trớt chưa. Liêu bảo là chưa. Tôi hỏi đã bao gìơ Liêu nằm mơ thấy mình bị rơi xuống vực sâu, chết, và lúc thức giấc thì thấy mình vẫn còn sống? Liêu bảo là có, nhiều lần như thế. Nhưng sao anh lại hỏi chuyện đó? Liêu có vẻ lo khi nghe tôi hỏi thế. Tôi nói chuyện con ma xoát cũng giống như chuyện ta nằm mơ. Chuyện trong mơ là chuyện không có thật. Liêu bảo hãy giả dụ cách khác cô ta mới hiểu. Tôi nói chuyện đó cũng giống như chuyện tôi và Liêu đang ngồi với nhau ở thác Ghinh. Đây là chuyện thật. Nhưng tối về nằm mơ lại không thấy chuyện cùng ngồi ở thác Ghinh, mà thấy một người ở lại núi Đưng, một người thì về xuôi. Đừng giả dụ vậy . Liêu nói, có vẻ buồn. Đến lúc ấy tôi cũng không rõ đó có phải là tình yêu không. Nhưng mỗi lần nghĩ đến việc xa Liêu tôi lại thấy sợ. Như có cái gì đó thuộc về tôi bị thất lạc, bấy lâu tôi chẳng hay biết, giờ gặp Liêu mới biết là mình đã tìm lại được. Có một đám mây mỏng trôi qua trên bầu trời   làm khuất mất mặt trời trong giây lát. Ứng khẩu hát là tự nghĩ ra câu hát để hát, có phải không? Liêu chợt hỏi chuyện nàng Hơ Mia trong sử Giót đã ứng khẩu hát bài hát về tiếng đàn suối. Tôi nói, theo sử Giót Liêu đã kể tôi nghe, thì ông Nư Năng là người đã nghĩ ra được những tập tục mới mẻ cho người núi Đưng , ông Nư Năng tài giỏi vậy, nên con gái ông làm được bài hát để hát là phải thôi. Liêu bảo hồi ông Khơn còn sống, ngoài sử Giót ra, ông còn kể cho nghe nhiều chuyện khác nữa. Có một chuyện chỉ kể về nàng Hơ Lia, người vợ giỏi dang của vua Đưng. Có một chuyện chỉ kể về chuyện tình duyên giữa Hơ Mia và Lung. Tôi hỏi có phải Hơ Mia và Lung đã bện xong những tấm lư lăn vào một ngày sắp có trăng tròn hay không? Liêu khen tôi nhớ Giót   rất dai. Tôi nói là mình còn nhớ rất kỹ chỗ con thác, nước con thác cứ chảy, còn những ống lư lăn rổng ruột thì va vào bờ đá làm phát ra những tiếng kêu, lúc nghe tựa tiếng lá bứt khỏi cành cây, lúc như tiếng cựa mình nơi bờ dốc của con nai ngủ muộn.

 

Khi chỉ thắm em xe đã buộc được sự rổng không là nhạc của người…

 

Liêu chợt cất tiếng hát. Bài hát về tiếng đàn suối của nàng Hơ Mia. Tôi thì như chẳng dám để hơi thở của mình khua thành tiếng. Còn Liêu cứ áp bàn tay cô ta lên bàn tay tôi như bảo hãy chú ý nghe. Tôi nhìn Liêu hát mà như thấy được trăng cổ sơ đang tan chảy trên bờ đá. Như cả tôi, cả Liêu, cũng đang tan chảy vào cõi xưa cũ.

 

 

 

9/ Tình yêu là một người con trai trần truồngtừ dưới cát trồi lên để gặp một người con gái, cũng trần truồng

Tình yêu là chỉ lấy một cái xương sườn của người đàn ông sinh ra từ cát bụi mà nặn ra được một người đàn bà, để cho người đàn bà thành vợ của người đàn ông, và sinh ra con người.

Phải chăng đấy chỉ là những ẩn dụ về một thứ vật thể, khi muốn nắm bắt nó, thì nó có tên là tình yêu? Một thứ vật thể loài người luôn mong có được, nếu có ai đó nói đã nắm bắt được, thì dường như đó cũng chỉ là cách thể hiện bằng lời.

Cho nên phải có một ông lão chuyên ngồi dưới trăng, luôn mang theo những sợi chỉ thắm nhiệm màu, chực kết buộc lại những đôi thấy cần phải kết buộc, luôn làm sẵn những lược đồ, những thống kê : ai đến với ai, ai không thể đến với ai. Những trang phác thảo của ông lão như những mẫu hình thượng giới soi rọi cho trần thế. Ông lão vẫn ngồi suốt dưới trăng để làm công việc tạo tác của mình. Chẳng ai biết đích xác là ông có làm được hay không. Có điều, người đời luôn dành cho ông niềm trân trọng hiếm thấy. Những lễ vật dâng tặng ông trong những cuộc hiến tế gọi là mâm tơ hồng, là mâm nguyệt lão. Cho đến một hôm trần gian bỗng xảy cuộc bể dâu, người đời gọi là cuộc cách mạng khoa học kỷ thuật, lịch sử loài người mở ra những trang mới có tên là văn minh hiện đại. Trong biến cố này, loài người tưởng chừng như biết rõ được mọi ngõ ngách của trời đất. Ông lão ngồi dưới trăng với những chỉ thắm những sổ nhân duyên lập tức được con người đem xếp cẩn thận vào một nơi có tên là kho huyền thoại nhân loại.

Cũng từ cuộc bể dâu này, cũng từ nền văn minh này mà đôi khi loài người cũng chẳng cần phải đắn đo suy nghĩ, cứ đem tình yêu xếp chung vào chỗ kho tàng huyền thoại cùng với ông lão dưới trăng.      

 

 

10/ Những ngày ở núi Đưng không còn có Liêu, tôi đâu khác những nhân vật huyền thoại. Ngày nào cũng đi tìm một người mà mình biết là chẳng còn trên đời. Nhưng bấy giờ tôi hiểu rõ mình hơn ai hết. Là không thể không đi tìm Liêu. Ở lại núi Đưng cốt để đi tìm Liêu. Nhưng mọi người vẫn nghĩ là tôi đang tiếp tục làm công việc nghiên cứu. Một ngày cuối đông có mưa dầm. Tôi ngồi đọc lại những trang Giót đã ghi được. Ông Dên sửa dây gùi. Bà Dên mới từ rẫy lúa về, vừa hong lửa bếp, vừa run. Căn nhà sàn như ngập trong ẩm ướt và lạnh. Trời đã nửa buổi mai nhưng khói núi vẫn chưa tan. Khói như ở đâu tận trong lòng đất cứ từng cuộn dâng lên khắp núi rừng, rồi tan loãng vào trong mưa. Mọi thứ như đang chùng xuống bên dưới khối sắc màu vừa bất ổn vừa u ám nặng nề. Mùa này lúa rẫy chắc được. Ông Dên nói, và lấy ống điếu ra nhồi thuốc. Bà Dên vẫn lặng lẽ hơ quần áo, chẳng có lời nào. Tôi cũng nghĩ là mùa ấy lúa rẫy sẽ được. Vì cách đó mấy hôm tôi có ghé lại rẫy lúa của ông bà Dên thì thấy lúa trỗ rất đều. Hôm trỉa lúa rẫy thì ông bà Dên chọc lỗ, còn tôi với Liêu xuống giống. Ở núi Đưng, ruộng nước thì gieo giống mới. Nhưng ruộng rẫy phải trỉa giống cổ truyền mới chịu được mưa nắng. Hôm trỉa lúa rẫy, Liêu bảo tôi phải ở lại núi Đưng cho đến khi lúa chín để ăn thử cơm gạo rẫy cho biết. Tôi nói là mình phải ở lại đến mùa gặt lúa rẫy để biết đám chim trời nói trong sử Giót, vì sử nói là tới mùa lúa chín lũ chúng mới về núi Đưng. Như vậy là năm này trời không cho người núi Đưng ta gặt lúa nước. Tôi nói, khi nghĩ đến chuyện lũ đã tàn phá hết thảy các cánh đồng lúa nước ở núi Đưng. Trời làm, phải chịu thôi. Ông Dên nói, thản nhiên, như chẳng hề có nỗi lo lắng nào trong chuyện áo cơm. Cũng thế, như cũng chẳng hề thấy ông tỏ ra đau đớn về cái chết của con gái mình. Nhưng đêm đến, nằm trong nhà sàn không còn có Liêu, vào những lúc giữa khuya, hay những lúc gần sáng, tôi lại nghe thấy thứ hơi thở nặng nề và gãy khúc của ông. Dường như là trong giấc ngủ ông mới để lộ nỗi đau của mình. Sao trời không lấy luôn rẫy lúa của nhà này đi. Bà Dên chợt lên tiếng. Nhưng ông Dên chẳng có mỗi lời chia xẻ. Ông đi treo chiếc gùi lên vách lá, rồi quay lại chỗ cũ, ngồi nhìn ra mưa. Cứ vào những hôm có mưa như thế, cả ông bà Dên lẫn tôi đều ngồi ở nhà, mưa rả rích trên mái lá, núi rừng thì âm u, lạnh lẽo, có cố làm việc chi tôi cũng không thể quên là không còn có Liêu trong căn nhà ấy. Bà Dên cho thêm củi vào bếp, rồi úp mặt lên gối, ngồi im lặng. Ông Dên và tôi cũng im lặng. Dường những thứ đang thuộc về thời khắc hiện tại là trở nên vô nghĩa. Cả lúa đang trỗ trên nương. Cả ngôi nhà sàn có bếp lửa đang cháy để xua bớt giá lạnh. Cả ông bà Dên, cả tôi, lúc ấy như đang bị một thứ không còn nữa bắt phải nghĩ ngợi về nó. Phải, dường như bấy giờ Liêu có một thứ sức mạnh siêu nhiên nào đó khiến cho ông bà Dên và tôi không thể nghĩ đến thứ gì khác ngoài cô ta.

Nhưng tôi biết, khi tôi cũng không còn nữa, như Liêu, thì cả tôi và Liêu cũng trở thành xưa cũ. Còn xưa cũ hơn cả những gì xảy ra trong sử Giót.

 

 

 

11/ Lúc ấy thì Lung và Hơ Mia vẫn chưa thành chồng vợ. Nhưng cả hai đều ở nơi hang Gió để lo việc nấu sắt, rèn sắt.

Ông Khơ Nan đã nghĩ ra được cách làm một chiếc xe cho vua đi. Thế là thợ đẽo gỗ lên núi đốn cây mằng măng, đốn cây trác, là những loại cây gỗ quí, để   về làm càn xe, thùng xe. Còn Lung và Hơ Mia thì lo nấu sắt để làm hai cái bánh xe tròn. Mất cả năm trời xe mới làm xong. Bao nhiêu người kéo thử, xe chẳng nhúc nhích. Nhưng để cho voi kéo, xe chạy nhẹ tênh. Cho nên xe vua Đưng đi còn gọi là xe voi. Vua Đưng mặc áo xanh, đội mũ xanh, ngồi trên xe voi, trông tựa thần tiên. Còn đám con trai con gái mặc áo đỏ, áo tím, vừa nắm tay nhau nhảy múa, vừa hát theo tiếng đàn khia. Lung và Hơ Mia cũng nắm tay nhau nhảy múa và hát theo đàn khia. Đấy là ngày hội mừng xe vua.

Như vậy thì cũng phải có ngày hội mừng lúa mới cho dân trong nước.

Vua Đưng nói.

Để cho dân trong nước đến mùa lúa chín khỏi tuốt lúa bằng tay, thì phải có thật nhiều những dao cắt lúa bằng sắt. Lung và Hơ Mia phải ở luôn tại hang Gió để lo việc rèn dao cắt lúa. Hơ Mia ngồi thổi bễ. Còn Lung thì rèn. Lửa sắt cứ bay lên như hoa khư đương nở. Hoa khư cũng đỏ rực như lửa sắt. Gặp gió cũng bay lên trời như lửa sắt. Mai mốt mình đẻ con trai cũng cho nó ngồi lò rèn. Lung nói. Hơ Mia xấu hổ, bỏ lò bễ, chạy khỏi hang Gió, làm cho sắt rèn nguội hết.

Đến hội mừng lúa mới, hai người vẫn chưa cưới nhau. Nó sợ con Hơ Mia của ta đẻ con thì mau già, nên đâu chịu làm đám cưới. Ông Nư Năng cha đẻ của những điều tốt đẹp nói vậy. Lung liền cãi lại ông ấy. Vì chưa làm xong chiếc xi tiu, nên chưa làm đám cưới đấy thôi.

Đến hội mừng lúa mới là để ăn bánh bầng bâng. Bánh bầng bâng là làm bằng lúa tươi đã ran chín. Con trai con gái cầm chày đứng thành hai hàng ở hai bên cối giã. Lung và Hơ Mia cũng cầm chày đứng đối mặt nhau. Con trai con gái giã lúa. Lũ đàn bà giỏi việc bánh trái thì lo việc sảy sạch vỏ lúa để lấy những hạt gạo đã được giã xẹp vắt thành những vắt nhỏ cho vừa miệng ăn. Trời sinh lũ đàn bà con gái là để làm bánh bầng bâng. Ông Nư Năng cha đẻ của những điều tốt đẹp vừa ăn   bánh, vừa khen ngon. Nghe ông ấy khen, đám con trai con gái lại giã mau hơn. Nhưng lũ bay cũng nghỉ tay ăn bánh đi thôi. Ông Nư Năng chợt la to lên thế. Đám con trai con gái liền gác chày lên cối, chạy lại cầm những ống uống làm bằng ống lư lăn non. Đến hội mừng lúa mới là để ăn bánh bầng bâng, với uống rượu ướp bằng hoa khư. Lung và Hơ Mia cũng cầm lấy ống uống để cùng với mọi người uống rượu hoa khư. Cây khư là loài cao quí, nên hoa khư ướp rượu để uống cho sang, chứ không say. Lũ người già ăn bánh bầng bâng, uống rượu hoa khư, bàn tính chuyện mùa lúa sau. Còn lũ con trai con gái thì bàn tính chuyện lứa đôi. Hơ Mia nói phải chờ tằm chín, lấy kén kéo sợi, để dệt may cho xong áo mới, rồi mới làm đám cưới. Lung nói mình cũng phải làm cho xong chiếc xi tiu để Hơ Mia đeo lúc đi lấy chồng. Nhưng em có sợ lấy chồng thì hết làm con gái như cha em nói hay không? Lung chợt hỏi như thế. Hơ Mia bảo hết làm con gái thì làm người già, ai cũng vậy thôi, chỉ sợ là mình có sống tới già được không.

 

Tôi không thể không buông tiếng thở dài khi đọc xong đoạn sử trên.Tự những ngàn năm trước, người con gái ấy đã nhận ra sự nghiệt ngã của thời gian.

 

 

 

12/ Ông Phưa trưởng làng Mung bảo trước khi có mưa lớn, chính mắt ông trông thấy Liêu đi ngang qua nhà ông. Tôi hỏi sau đó bao lâu thì trời đổ mưa. Ông Phưa nói ước chừng Liêu vừa qua khỏi suối Mung. Ông nói thế là nghĩ rằng Liêu qua suối Mung để đến trường dạy học. Nhưng ông Din hiệu trưởng nói một cách chắc chắn   rằng hôm đó Liêu không đến lớp. Như thế có nghĩa Liêu qua suối Mung, rồi qua suối Dang, để đến lâm trường Núi Đưng, và bà Mãng đã trông thấy. Ông Phưa bảo nếu quả thế thì khi Liêu ở lâm trường quay về sẽ gặp lũ đang xuống trên suối Dang. Tôi và ông Phưa đi dọc theo lòng suối Dang đã cạn hết nước, và đưa ra bao nhiêu giả dụ. Giả dụ Liêu bị lũ cuốn, dạt ở đâu đó ở suối Dang, thì còn trông thấy xác. Giả dụ Liêu bị lũ cuốn ra sông Cái, rồi trôi luôn sang nước Lào, thì coi như chẳng còn tung tích. Ở núi Đưng, suối nào cũng đổ ra sông Cái. Còn sông Cái thì chảy sang nước Lào. Người làng đã đi hết các sông suối ở núi Đưng. Đã tới chỗ con sông Cái chảy sang nước Lào. Nó không còn nằm ở đất này đâu. Ông Phưa bảo.

 

 

 

13/ Một ngày cuối đông có nắng nhạt. Núi rừng vẫn còn im vắng tiếng chim như những ngày có mưa. Tôi và ông Phưa đã ngồi lại ở một gộp đá cao nơi bờ suối Dang, nơi có thể nhìn thấy làng mạc, ruộng nương bốn phía. Con đường rừng từ làng Riềng sang trường học làng Dang trông tựa con rắn khổng lồ ngoằn ngoèo bò qua bao nhiêu bến suối bao nhiêu mảng rừng cây. Đám học trò ở trường học làng Dang đang ra về. Từ ngày Liêu mất, ông Din hiệu trưởng phụ trách các trường học ở núi Đưng phải điều các cô giáo ở các trường làng khác thay nhau đến đó để dạy thay cho Liêu. Biết đâu con Liêu bị nước cuốn đến chỗ nào đó thì có người cứu sống. Ông Phưa nói. Từ ngày Liêu mất, tôi chưa nghe ai giả dụ như thế. Nhưng xưa nay, đã bao giờ xảy ra vậy chưa? Tôi hỏi thử. Ông Phưa bảo có, đấy là chuyện con gái ông Nua.

 

Do có đôi mắt sáng như mắt chim đa, nên Hơ Linh, con gái ông Nua, được người làng gọi là con chim đa của núi Đưng. Như ngày nào cũng có em ra vô trong nhà, thì có đi tận đầu nguồn cuối suối để tìm cho được mật con ong sinh sanh cho em chải tóc, anh cũng chẳng từ nan. Như ngày ngày có em ở trong nhà để anh

được nhìn đôi mắt sáng của em, thì dẫu sáng nhìn em chiều phải từ bỏ cõi đời, anh cũng bằng lòng. Đấy là những lời tỏ tình của lũ con trai trong làng. Nhưng cuối cùng Hơ Linh chỉ chọn được Din, chàng trai dũng mạnh của núi Đưng. Lúc xây nhà ở cho vua, mỗi mình Din lãnh việc mang đá núi để làm nền nhà. Lúc xây đập chắn nước trên suối Riềng, cũng mỗi mình Din lãnh việc đi lấy đá núi để làm bờ chắn. Lũ voi tự dưng xuống phá lúa ở các nương rẫy. Din bảo đừng lo. Đêm mỗi mình Din leo lên cành cây cao chỗ gần các nương rẫy, để chờ. Hãy trở lại chốn núi cao đi thôi. Din nói, lời anh nói dội vào vách núi. Lũ voi cuốn cuồn bỏ chạy. Hỡi chàng trai dũng mạnh của rừng núi Đưng, nếu đã thật lòng thương con Hơ Linh, con gái ông Nua, thì hãy đi lấy lá khư trên núi Đưng về làm đèn hoa để đốt trong ngày cưới. Người làng khuyên. Lá khư đem phơi khô, rồi gói trong vải, đem đốt thì thành đèn hoa. Hơ Linh bảo là sẽ đẻ cho Din những đứa con trai cũng dũng mạnh như cha nó. Nhưng chưa kịp đẻ thì lũ người không có ống máu kéo tới núi Đưng. Din cầm đầu lũ trai tráng trong nước để chống giặc. Mỗi lần Din giương cây cung lên thì lũ người không có ống máu ngã hàng đàn. Nhưng lập tức bọn chúng lại đứng lên, tiếp tục xông lên làm công việc chém giết. Cho đến khi Din ngã xuống vì máu ở cánh tay anh chảy nhiều quá, thì   thấy đám người không có ống máu đã bị trúng tên của anh vẫn còn sống. Lũ người ấy đã ném xác Din xuống suối Riềng. Đang mùa nắng mà tự dưng suối Riềng đầy nước. Hơ Linh bị lũ người không có ống máu đuổi bắt, cũng nhảy xuống suối Riềng. Khi tỉnh lại thì thấy Din đang ẵm mình đứng ở bờ con sông đầy nước. Đây là chốn nào? Hơ Linh hỏi. Din bảo đấy là nước Thường.

 

Tôi hỏi ông Phưa có phải người không có ống máu còn gọi là người Xoát hay không. Ông Phưa kêu phải, và hỏi làm sao tôi biết được. Tôi nói là Liêu đã kể đoạn sử Giót đó cho tôi nghe. Phải, đó là chuyện lấy ở trong Giót. Ông Phưa nói. Và hỏi tôi có biết nước Thường ở đâu không. Tôi nói là mình có nghe Liêu nói nước ấy rất xa cõi trần gian, chỉ vào thời cổ sơ mới có người đến được. Ông Phưa hỏi thời cổ sơ là thời nào, và vì sao chỉ thời ấy mới có người đến được   nước Thường. Tôi nói thời ấy xảy ra đã lâu lắm, và đã xảy ra ở chỗ chúng ta đang ngồi đây, gọi là thời văn minh núi Đưng. Ông Phưa lấy thuốc lá nhồi vô ống điếu, hút mấy hơi liền, rồi hỏi tôi liệu mai kia người núi Đưng có đến được nước Thường hay không. Tôi nói là tôi chỉ biết, như sử Giót nói, có một nền văn minh đã bị chôn vùi bên dưới mặt đất, bên dưới chỗ ông ấy đang ngồi hút thuốc lá bằng ống điếu, còn mai kia người núi Đưng có đến được nơi đó hay không thì tôi chẳng rõ.

 

 

14/ Tự dưng chuyện nàng Hơ Linh trôi đến nước Thường lại thôi thúc tôi đi tìm Liêu. Tôi một mình đi dọc theo dòng suối Dang đã cạn hết nước, rồi chuyển sang bờ con sông Cái. Nước sông chỉ còn mỗi dòng nhỏ chảy ở giữa lòng sông. Đây là con sông lớn ở Tây Trường Sơn, thuộc miền trung của Việt Nam. Có nghĩa nước con sông ấy chảy sang nước Lào, rồi đổ ra sông Mê Kông, rồi chảy trở lộn về Việt Nam. Như thế, nếu như Liêu bị lũ cuốn ra sông Cái, thì cuối cùng, một phần xương thịt cô ta cũng nằm lại trên đất nước tôi. Kẻ nào khi nằm xuống mà chẳng còn để lại chút xương thịt nào trên đất nước mình thì thật là bất hạnh.

 

 

15/ Ở trạm thủy văn đo lũ kiệt chẳng thấy có người trực. Quả tình đã có một cuộc sống lẻ loi diễn ra nơi căn nhà xây bằng gạch, mái vách đều rêu phong, nằm trên bờ con sông Cái. Trước khi đến đây tôi có nghe nói trạm đo nước ấy xây tự thời thuộc Pháp. Nhà không có người, tôi không dám vào, chỉ đứng nhìn từ xa. Bếp nấu kê bằng đá núi ngay trước sân, có vẻ tro tàn lạnh lẽo. Còn nồi niêu chén đũa thì úp trên một tấm ván gỗ kê ở hiên hè. Rừng cây vắng lặng. Dòng sông vắng lặng. Tôi định đi tiếp, chợt có người thanh niên khoảng hai mươi tuổi từ dưới bờ sông bước lên. Anh tìm thầy em? Người thanh niên hỏi. Thấy anh ta tỏ ra như đã thân quen với mình, nên tôi cũng làm ra vẻ thân quen. Cậu học nghề thủy văn? Tôi hỏi vậy vì đoán thầy anh ta là người coi trạm thủy văn. Người thanh niên lắc đầu. Anh Kế trưởng trạm thủy văn về   xuôi rồi. Anh ta nói. Vậy thì người coi trạm tên Kế. Còn thầy anh ta là kẻ khác. Thầy em cũng về xuôi? Tôi hỏi, cũng làm như mình quen biết thầy anh ta. Thầy em lên suối Rưng chiều tối mới về, mời anh vào nhà đi. Anh ta nói. Tôi liền theo chân anh ta. Có thể nói đó là một phòng trưng bày tranh tượng ở trên rừng. Trong lúc người thanh niên đi đun nước, tôi ngồi nhìn thử các thứ tác phẩm đang bày la liệt trước mắt. Tranh lớp treo, lớp cuộn. Còn tượng bằng đất thì nằm ngổn ngang trên nền nhà lót bằng gạch nung nhưng đã sờn tróc gần hết. Thầy trò của một họa sĩ nào đó ở nhờ nhà trạm thủy văn để sáng tác. Em học hội họa đã lâu chưa? Tôi gợi chuyện để biết người họa sĩ đó là ai. Người thanh niên rót nước sôi từ ấm nhôm ra mấy cái ly nhựa đặt trên tấm ván kê ở giữa nhà. Gần hai năm rồi. Nhưng lâu lâu cậu em lại bảo, thằng Nhiên, mày hãy về xuôi thôi, vì theo cậu khổ lắm. Anh ta nói. Như vậy, người thanh niên tên Nhiên, còn thầy dạy anh ta cũng là cậu của anh ta. Nhưng sao hôm nay em không lên suối Rưng với ông ấy? Tôi hỏi. Người thanh niên chợt nhìn tôi có ý dò xét. Tôi đoán là mình hỏi không hợp lúc, khiến anh ta có ý không bằng lòng. Nhưng rồi anh ta cũng trả lời câu hỏi của tôi. Thế là cậu cháu người họa sĩ đã bắt đầu thu hút sự chú ý của tôi. Như mọi hôm, bữa nay cậu Phác em cũng lên suối Rưng đãi vàng. Anh ta nói. Vậy là người họa sĩ tên Phác. Nhưng sao không đi vẽ, mà đi đãi vàng? Thế, trước khi theo học vẽ với cậu Phác, em đã làm gì? Tôi nghĩ, cứ tra vấn anh thanh niên tên Nhiên sẽ rõ mọi sự. Và quả nhiên, anh ta đã khai ra hết mọi thứ cho tôi nghe. Đã nuôi mộng làm họa sĩ tự lúc học lớp hai. Do là cô giáo phụ trách lớp bảo vẽ con bò, thì anh ta liền vẽ con bò, nên được khen là có năng khiếu. Suốt những năm học tiểu học, rồi trung học, anh ta vẫn vẽ. Lúc nào rảnh việc học, rảnh việc nhà, là lại vẽ. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Khi cha anh ta còn sống vẫn thường nói thế. Nên anh ta quyết nuôi mộng ấy suốt những năm còn ngồi trên ghế học trò. Thế là em đã thi vào đại học mỹ thuật, ra trường, thì đi vẽ với ông cậu? Tôi hỏi. Anh ta lắc đầu, bảo là mình không có duyên trường, nhưng lại có cái duyên là có ông cậu ruột, em mẹ, một họa sĩ đã nhận anh ta làm đệ tử. Nhưng cũng chẳng phải được làm đệ tử một cách đường hoàng. Anh ta đã phải trốn nhà ra đi. Quả tình là anh ta vẽ cũng khá nhiều. Đến lúc ấy anh ta mới mở các tranh vẽ ra cho tôi xem. Tranh về các con vật ở nông thôn. Tranh đồng ruộng, nhà cửa, cây cối. Có cả tranh về thần tiên. Đến lúc ấy tôi mới rõ những tranh treo ở trạm đo nước là do anh ta vẽ từ hồi mới tập vẽ đến lúc ấy. Gần hai năm lên đây, em đã chuyển sang nặn tượng. Anh ta nói. Tôi đã ở lại trạm đo nước để ăn cơm trưa theo lời mời của anh ta. Cho đến lúc ngồi ăn cơm trưa, anh ta cũng chẳng hề hỏi tôi lên rừng làm gì, và quen biết thế nào với thầy anh ta. Chỉ nói chuyện hội họa, rồi điêu khắc. Những con thú rừng nặn bằng đất sét đen lấy ở con suối ở đây là để bán ra nước ngoài. Cứ vài tháng là có một ông buôn đồ cổ lên đây. Cứ thế này, thầy trò em sống trên rừng bao lâu cũng được. Anh ta nói

 

 

16/ Tôi nói là mình lên rừng để tìm tư liệu cho một cuốn sách. Ông ấy nhìn tôi, tỏ ra không tin. Ta cũng đang đi tìm đây. Ra khỏi lòng mẹ là ai nấy đều bắt đầu một cuộc tìm kiếm. Ông ấy nói. Còn tôi thì ngồi nghe. Theo lời yêu cầu của tôi, ăn cơm trưa xong, người thanh niên tên Nhiên đã đưa tôi đến suối Rưng gặp ông Phác, cậu anh ta. Đến nơi, anh ta liền quay lại trạm thủy văn. Cũng như người thanh niên tên Nhiên, ông ấy cũng chẳng hỏi tôi từ đâu đến, và tìm ông là có việc chi. Tôi nhắc lại là mình đang tìm tư liệu cho một cuốn sử truyền miệng của người núi Đưng, và rất cần nhiều nguồn cung cấp. Ông Phác nhìn tôi, cười. Ở thành phố đó, ta là thần tượng của hội họa, và coi như cũng đã được chép thành pho sử truyền miệng. Ta sống ở thành phố đó gần mười năm. Ta có phòng vẽ riêng. Có cả một đám người tuổi trẻ ngưỡng mộ ta. Ta vẽ. Còn bọn họ thì ngày ngày đến để ca ngợi tranh vẽ của ta. Ông Phác nói. Còn tôi thì ngồi nghe. Từ lúc có tôi, bàn tay ông vẫn không rời khỏi cát sỏi nơi lòng suối. Nước suối Rưng đã cạn từ lâu. Chỉ còn những cát sỏi đang bày nơi lòng suối. Vừa nói, ông vừa lựa những hòn sỏi ra khỏi cát. Tôi cứ muốn hỏi ông làm thế để làm gì, nhưng lại thôi, vì không muốn làm gián đoạn câu chuyện kể của ông. Tranh của ta hầu hết là vẽ ngựa. Không như các họa sĩ Trung Hoa, vẽ ngựa để thể hiện vẻ đẹp của ngựa, kiểu con ngựa dẫm hoa trở về móng còn thơm. Ta vẽ ngựa là để làm hừng lên nét kiêu hùng của một loài sinh vật đã cùng loài người tham gia chinh chiến. Ngựa của ta có con trên đường đến trận mạc, có con đang vào trận mạc, có con từ trận mạc trở về. Có những bức ta vẽ cảnh ngựa ngã xuống hàng loạt trên chiến địa. Phải vẽ cảnh chết nhiều như thế mới làm lộ ra chất kiêu hùng của loài ngựa chiến. Khi có những bài báo ca ngợi tranh ngựa của ta chẳng kém tranh ngựa của danh họa Lý Long Miêu thời Tống, Trung Hoa, ta liền làm thêm tượng về ngựa. Đám khách nước ngoài đã đổ xô đến mua tượng ngựa chiến của ta. Những lời ngợi ca ta tiếp tục xuất hiện trên báo chí. Còn tiền bán tranh bán tượng thì ta dùng vào việc mở mang phòng vẽ cho to lớn hơn. Không phải ta chỉ ngồi ở phòng tranh của mình để vẽ. Mà còn được ngồi ở nơi để phán tài cao thấp của lớp họa sĩ trẻ tuổi hơn ta. Danh ta lan ra cả nước. Cho đến một hôm   ta nằm mơ thấy đám ngựa ta đã đưa vào tranh và nặn thành tượng. Con nào mình cũng đầy máu me. Chúng bảo ta có được như hôm nay là nhờ lũ chúng, và đòi chia một nửa những gì ta có được. Ta có phần bối rối. Những lời ngợi ca thật ra là của người khác. Còn tiền bán tranh tượng, lúc ấy cũng chẳng còn đồng nào. Ta xin chúng hoãn lại một thời gian để ta xoay xở. Bọn chúng bỗng cất tiếng cười to. Để xem lũ người trần gian của ngươi còn bày những trò chi nữa với nắm xương tàn của bọn ta. Hôm nay đến là để đổi chỗ cho ngươi đây. Chúng thét lên, như sắp xảy trận mạc. Ta thức dậy, nghe mồ hôi ướt đầm áo. Không phải sợ chết. Mà hoảng hốt, vì bấy lâu vẫn lầm tưởng là ta đã tìm được một chỗ đứng giữa trần gian, chẳng gì lay chuyển nổi. Tôi hỏi có phải vì thế mà ông đã lên rừng để tìm một chỗ đứng khác cho mình. Không, ta còn đến bao nhiêu nơi nữa, trước khi lên đây.Ta ra hòn đảo ấy. Và đã gặp tiên. Ông Phác nói, tay vẫn tiếp tục làm công việc lựa những hòn ra khỏi cát. Thật sự, đấy là đãi vàng? Hay là để tìm nguồn sáng tạo? Tôi chẳng dám hỏi, vì ông đang hứng thú kể chuyện gặp tiên cho tôi nghe. Đấy là cô gái tên Duyễn, con nhà làm nghề cá ở đảo Cỏ. Ông Phác ra hòn đảo ấy vào mùa nồm thổi. Tương truyền, ông tổ của dân đảo Cỏ cũng đến vào mùa nồm thổi. Ông tổ ấy vừa đặt chân lên hòn đảo thì tất cả những quạnh hiu trên đảo bỗng biến thành những nàng tiên nữ có gương mặt tươi vui như buổi sớm mai trên biển cả. Dân đảo Cỏ là sự kết hợp giữa quạnh hiu và máu của người trần thế. Rời thành phố ấy là ông Phác vứt bỏ hết những gì có liên quan đến hội họa. Nhưng khi ra đến đảo Cỏ , nghe chuyện cũ, ông quyết thể hiện lại bằng sắc màu sự kết hợp kỳ diệu kia. Mực màu là mài từ đá san hô lấy ở ghềnh đá. Cọ vẽ là cành cây. Giấy vẽ là áo đương mặc của ông. Mặt trời vừa nhô lên biển cả là ông Phác ra ngồi ở ghềnh đá phía đông hòn đảo. Sáng nào cũng vậy, lúc ông đã yên vị nơi ghềnh đá, Duyễn lại mang ra cho ông ấm nước nấu đọt vừng, thứ lá duy nhất ở đảo Cỏ vừa làm rau vừa làm trà uống. Ông ra đảo Cỏ trọ ở nhà Duyễn. Bữa cơm sum hợp chỉ xảy vào buổi tối, khi cha mẹ anh em Duyễn đi thuyền cá đã về. Bữa cơm trưa nào cũng chỉ có ông và Duyễn. Có hai người, có nghĩa không còn quạnh hiu. Nhưng trên khuôn mặt Duyễn ông thấy như lúc nào cũng phảng phất niềm vắng lặng được lưu truyền từ nỗi quạnh hiu cố cựu. Nào ai biết duyên do nào, ngoài ba mươi tuổi Duyễn vẫn chưa lấy chồng. Và cũng nào ai biết trong lòng Duyễn có nảy ra cái ý nghĩ rằng việc ông ra đảo để gặp Duyễn là do duyên trời. Cho nên, vào những bữa cơm chỉ có hai người, ông thường hay bắt gặp trên khuôn mặt vốn buồn của Duyễn những lấp lánh của niềm vui. Vào các buổi sáng, lúc mang trà đọt vừng ra cho ông, Duyễn thường ngồi lặng nhìn những đám cỏ nồm đương trỗ hoa nơi ghềnh đá. Trên hòn đảo chỉ có mỗi loài cỏ nồm tương truyền là do ông tổ dân đảo đã mang ra vào mùa gió nồm ấy. Hoa cỏ nồm tươi vui như ánh mặt trời buổi sớm. Nhưng Duyễn lại hay dấu tiếng thở dài mỗi lần nhìn loài hoa ấy. Vào một chiều ở nơi bãi ghềnh phía tây hòn đảo, ông vừa xong nét vẽ cuối cùng chân dung nàng tiên hiu quạnh, ngồi mỉm cười với ánh hoàng hôn đương sửa soạn buông xuống biển khơi, thì có tiếng thở nhẹ phía sau ông. Ông quay lại thì thấy Duyễn đang đăm đắm nhìn chân dung nàng tiên hiu quạnh. Chẳng có chỗ nào là không giống em. Duyễn nhìn ông, nói, mắt lấp lánh niềm vui của màu hoa Cỏ. Ông cũng nhìn Duyễn, và cứ thấy hoảng hốt ở trong lòng. Vào một sớm tinh mơ nơi bãi ghềnh phía đông hòn đảo, Duyễn đã tiễn ông về lại đất liền. Em cứ giữ lại bức vẽ này. Ông nói, và trao cho Duyễn bức vẽ nàng tiên hiu quạnh. Rồi hôn lên môi người con gái ấy, và bước vội lên thuyền. Ta không dám ở lại nơi đó, vì đã lỡ chạm vào chỗ thiêng liêng của hòn đảo. Ông Phác kết thúc câu chuyện ông gặp tiên bằng câu ấy. Tôi hỏi có phải là ông đã cảm thấy sợ hãi ông tổ dân đảo Cỏ hay không. Ông Phác nói nếu nói là sợ hãi thì có rất nhiều thứ trên đời khiến người ta sợ hãi. Tôi hỏi có phải sau khi rời hòn đảo thì ông lên rừng. Ông Phác bảo là ông đã lên rừng, nhưng không phải là rừng núi Đưng. Ta đã theo đám người đi đãi vàng lên khu rừng thuộc thượng nguồn con sông ấy. Một ông bầu mang theo một đãy bạc đầy, và dẫn theo đám đệ tử gòm những thằng con trai rất khỏe chuyện đánh đấm. Ông bầu bỏ tiền ra mua bến bãi. Ban ngày đám đệ tử của ông xuống sông đãi vàng. Đêm đến thì bọn chúng ăn nhậu, và ngủ với gái điếm ở cái thị trấn nhỏ trên rừng ấy. Vàng thì chưa được hột nào. Nhưng cái túi bạc của ông bầu thì có vẻ đã vơi. Có lẽ để cho chắc ăn, vào một đêm có mưa gió, ta đã chứng kiến cảnh đám đệ tử của ông cắt cổ ông để lấy cái túi bạc đã vơi kia. Cắt cổ ông bầu xong, bọn chúng kéo đi hết. Còn ta thì lấy máu của ông ta để viết ngày tháng lên hòn đá làm bia mộ cho ông. Ta theo đám người tìm vàng kia lên núi rừng là để chiêm nghiệm thêm sự quạnh hiu. Nhưng chôn cất ông bầu xong, ta đã rời rừng núi đó. Tôi hỏi thế thì do đâu ông lại lên đây làm công việc đãi vàng. Tôi hỏi chỉ cho có hỏi, chứ thật ra bấy giờ cũng chẳng biết có phải ông đãi cát tìm vàng hay không. Ông Phác lặng lẽ đứng lên đi lấy chiếc ba lô vải đặt ở gần đấy. Mặt trời sắp khuất. Tôi cũng đứng lên. Thằng cháu ta trốn mẹ, theo ta, chỉ mang theo mỗi cái ba lô vải đó. Ông Phác vừa mang ba lô vào vai, vừa nói. Tôi nói lúc trưa mình cũng có nghe cậu ta kể chuyện đó. Ông ấy hỏi là tôi có thấy đám tượng thú rừng của cậu ta hay không. Tôi bảo có, tượng nào cũng giống như thật. Thằng cháu ta được cái là nặn tượng rất nhanh, mỗi ngày nặn đến mấy chục tượng voi tượng gấu. Năm mười hôm thì tay buôn đồ cổ lại lên đây. Đất sét để nặn tượng ở núi rừng này nhiều vô khối. Chỉ lo một ngày nào, lũ thú rừng tìm đến xé xác nó. Ông Phác nói. Tôi bảo là khó có chuyện kỳ diệu đó xảy ra. Ông ấy bảo là trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra hết. Tôi liền quay lại chuyện đãi vàng, hỏi làm theo cách ông đang làm thì liệu có tìm được vàng hay không. Cứ nghĩ là tìm được. Phải tự huyễn hoặc mình để sống. Ông Phác nói. Rồi mang chiếc ba lô rỗng không bước đi, chẳng nửa lời từ biệt tôi, cũng chẳng nửa lời hỏi tôi sẽ đi đâu, về đâu.

 

 

 

17/ Nếu như phải tự huyễn hoặc mình để sống, như ông Phác nói, thì tôi cũng đang tự huyễn hoặc mình? Tự dưng tôi cứ thấy thích đọc đi đọc lại những lời Lung nói với Hơ Mia trong sử Giót, lúc Hơ Mia đang cơn hấp hối.

 

Hãy ngủ nữa đi Hơ Mia

Không phải là anh không biết em đang đau đớn vì chân em đã bị dập nát  

Thường thì vào giờ này lũ chim xin xao vẫn còn gọi nhau, đang là mùa chim xin xao kết đôi em không nhớ sao?

Nhưng đêm nay có nỗi đau đớn của em khiến con nai trên rừng không dám bước nặng chân

Và lũ chim xin xao cũng không dám cất tiếng gọi nhau.

Gió cũng đang đau nỗi đau của em

Trong lúc em thiếp đi thì gió nói với anh rằng gió đã mang tiếng hát em đi khắp rừng sâu núi thẳm

Rằng tiếng hát em làm dịu cơn hung hãn của con hổ đói mồi làm dịu cơn khát của con nai con lạc mẹ

Gió nói với anh rằng em đã mang đến cho gió niềm cao sang bất tận

Khi có tiếng hát em gió khiến cho tiếng suối trở nên thanh thoát khiến cho tiếng cây lá thành lời ca hát của rừng.

Chớ nghĩ ngợi nữa Hơ Mia

Dẫu lũ người Xoát đã làm dập nát đôi chân em.

Bỡi giờ thì chúng đã mãi mãi biến thành sắt đá chôn vùi bên dưới mặt đất này

Lúc em thiếp đi gió đã nói với anh

Rằng Giót đã bảo gió hát cho em nghe cho đến khi đôi chân em lành lặn

Để cùng anh làm cho thật nhiều những lưỡi cuốc lưỡi cày và những dao cắt lúa

cho người núi Đưng

Và để em sinh cho anh những đứa con trai cũng dũng mạnh như cây khư trên núi Đưng.   

 

 

 

18/ Tôi cũng không biết có phải là Lung trong sử Giót cũng tự huyễn hoặc mình. Theo sử Giót, sau đó Lung cũng chết, vì anh ta cũng bị thương nặng trong cuộc chiến với người Xoát. Và ông Nư Năng đã làm Bài Ca Trước Mộ để hát tặng tất cả những người núi Đưng đã ngã xuống trong cuộc chiến đó. Chớ nghĩ ngợi nữa, hỡi những người núi Đưng thân thiết của ta, bỡi anh em đã ra khỏi giống vật khôn hơn hết thảy các giống vật ở trần gian… Như thế, theo sử Giót, chết không phải là mất, mà là ra khỏi.

 

 

19/ Tôi lại đi lâm trường Núi Đưng để gặp bà Mãng. Nhưng bà ấy lại về xuôi. Tôi nghĩ ngợi một lúc rồi thẳng xuống huyện. Đứng ở cổng trường trung học của huyện, tôi nghe rõ tiếng giảng bài của thầy giáo ở các lớp học. Sắp mãn buổi học chiều. Sân trường vắng hoe. Tôi nửa muốn quay ra, nửa muốn vào. Nhưng vào để làm gì, tôi cũng chẳng biết. Chỉ vì Liêu đã học lớp sư phạm ngắn ngày ở ngôi trường đó, nên tôi mới rẽ vào đó. Theo lời Liêu thì cô ta với một số cô gái vùng cao đã học cách làm thầy giáo ở ngôi trường đó suốt ba tháng trời, học để về làm thầy dạy lại đám học trò ở các làng vùng cao. Có nghĩa là Liêu đã từng đi lại trên khoảnh sân trường có ánh nắng chiều cuối đông đương rải lên mặt đất thứ sắc màu lạnh lẽo, và đã từng ra vào ở ngõ cổng ra vào nơi tôi đang đứng phân vân chẳng biết là có nên vào hay không. Tôi cứ nghĩ ngợi phân vân như thế cho đến khi thấy mình đứng trước một căn phòng có biển đề là phòng hiệu trưởng. Cho đến khi đã yên vị trên ghế ngồi ở phòng hiệu trưởng, tôi cũng chẳng biết là mình đến đó để làm gì. Chắc là anh muốn tìm hiểu về trường học của huyện nhà? Chưa rót xong chén trà để mời khách, ông hiệu trưởng đã mở lời. Cái túi vải đựng bản thảo sử Giót tôi vẫn thường mang theo đã cứu tôi thoát nạn. Như thế, nhìn bề ngoài thì bấy giờ tôi giống anh nhà báo. Nhưng từ lâu tôi đã lỡ đóng vai nhà nghiên cứu lịch sử. Tôi nói là mình đang tìm hiểu về nền văn minh cổ ở Núi Đưng, biết ông ấy là người am hiểu về vùng đất ấy, nên muốn đến hỏi xin một số tư liệu. Tôi nghĩ cứ tôn vinh ông hiệu trưởng như thế cũng chẳng sao, miễn sao cho việc tôi có mặt ở phòng ông là có lý do chính đáng. Ông hiệu trưởng làm động tác rùn vai để tỏ khiêm tốn. Mình ở dưới xuôi lên làm việc ở vùng dân tộc ít người lâu năm thế thôi, chứ không dám nhận là am hiểu về các dân tộc ở đây. Ông hiệu trưởng nói. Tôi nói hôm nay đến để xin ý kiến về việc giúp đỡ tư liệu, nếu ông đồng ý, thì sẽ gặp nhau vào một ngày khác. Tôi hẹn thế cốt để tạo đường tháo lui. Ông ấy liền đồng ý với ý kiến của tôi. Nhưng thiết nghĩ, anh đã đến đây thì cũng nên biết một số nét chủ yếu về trường học huyện nhà. Ông hiệu trưởng nói, và lại rót trà mời, để cầm chân tôi. Tôi nói dẫu làm công việc nghiên cứu lịch sử, tôi cũng phải   biết những gì đang xảy ra trong cuộc sống hiện tại, nhất là công việc giáo dục của huyện nhà. Tôi nói cốt để ông ấy vui trước khi mình ra đi, tất nhiên là chẳng đời nào có chuyện gặp nhau vào hôm khác. Nhưng không ngờ câu nói của tôi lại làm bùng lên ngọn lửa nhiệt tình trong ông. Phải, nền giáo dục của huyện nhà nói riêng, và nền giáo dục của đất nước nói chung, còn nhiều vấn đề phải bàn cãi. Anh là người nghiên cứu lịch sử, chắc cũng nghĩ thế. Ông hiệu trưởng nói, vẻ rất phấn khích. Tôi nói mình cũng có nghĩ nhiều về vấn đề giáo dục, vì đấy là một trong những việc lớn của xã hội loài người. Ông hiệu trưởng chợt đứng lên, thọc hai tay vào hai túi quần, rồi ngồi xuống lại. Phải. Thời đại nào cũng phải bàn về giáo dục. Loài người mỗi ngày một văn minh thì giáo dục cũng phải thay đổi. Riêng đây là huyện miền núi, chín mươi phần trăm học trò là thuộc các dân tộc ít người. Nên việc dạy và học còn bao nhiêu vấn đề bức thiết. Nếu không có trống tan học buổi chiều, ông hiệu trưởng vẫn còn nói. Anh chờ tôi một tí. Ông ấy nói, và bước ra cửa phòng, đứng nhìn theo học trò và các thầy giáo đang ra về. Như thế là ông hiệu trưởng vẫn còn muốn cầm chân tôi. Khó khăn ban đầu là tự dưng tôi lại vào ngồi ở đây thì tôi đã vượt qua được, giờ có ngồi lại bao lâu lại chẳng được. Ông hiệu trưởng lại trở lại thời trường học mới thành lập, chỉ có vài ba lớp, và ông ấy đã bị đày lên đây.Thời ấy tôi nghĩ là mình bị đày. Nhận bằng tốt nghiệp sư phạm xong lập tức tôi được đưa đến vùng núi non xa lạ này thì không phải bị đày là gì? Nhưng con người là loài động vật có khả năng tự thích nghi với hoàn cảnh mới rất cao. Đâu chừng vài tháng đã thấy quen với việc sáng thức dậy nghe chim rừng kêu, ngoảnh nhìn đâu cũng thấy núi, và quen với việc thiếu thốn đủ thứ trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Quả tình con người ta có thêm sức mạnh để vượt qua gian khó khi đã có tình yêu. Tôi đã có người yêu, đó là cô giáo dạy cùng trường, là vợ tôi. Cô cũng từ miền xuôi lên đây như tôi. Nhưng khi đứa con gái đầu lòng chúng tôi được năm tuổi thì cô ấy chết vì sốt rừng. Nếu bóng tối của đêm không ập vào phòng, ông hiệu trưởng vẫn còn nói. Hay là đêm nay anh về nhà tôi nghỉ. Ông ấy nói. Cũng chẳng biết vì lẽ gì, tôi bắt đầu thấy yêu mến con người ấy. Đứa con gái ông hiệu trưởng thấy có khách đến nhà vào giờ ấy thì có vẻ lúng túng. Không sao. Con chạy ra quán mua thêm một ít bánh tráng với mấy quả trứng là xong. Chú ấy là nhà nghiên cứu đấy. Ông hiệu trưởng nói với con gái của mình. Trong bữa cơm khách đột xuất, ông ấy có vẻ còn phấn khích hơn lúc gặp tôi ở phòng hiệu trưởng. Ngôi nhà gạch hai gian với đứa con gái mười hai tuổi là những thứ mà ông gọi là gia sản riêng của mình. Ngoài gia sản riêng ấy, tôi còn có núi rừng, là nơi lưu giữ thịt xương cô ấy. Rồi đến lượt tôi, và rồi đến lượt con gái của tôi, cũng sẽ gửi thịt xương lại nơi này. Hỏi anh làm sao tôi có thể đến nơi khác để sống khi thịt xương của vợ tôi nằm ở đây. Cho nên còn sống ngày nào tôi còn phải nghĩ đến việc làm sao cho cuộc sống ở chốn núi rừng này cũng bằng được cuộc sống ở dưới xuôi. Nhưng nếu đem so với cuộc sống thành thị thì cuộc sống nơi đây còn cách xa cả thế kỷ. Suốt bữa ăn tối, cả khi đã chui vô mùng, ông hiệu trưởng vẫn nói về cuộc sống của người miền núi. Vì có khách đột xuất, đứa con gái phải ngủ trên bàn ăn ở gian bếp phía sau, để nhường giường ngủ cho khách. Hai chiếc giuờng ngủ của hai cha con là được kê hai bên bàn nước ở gian nhà khách phía trước. Để tránh mũi đốt, cả tôi lẫn ông ấy đều chun vô mùng ngồi trò chuyện. Đột nhiên ông hỏi tôi ông nói thế là có bi quan không. Đến lúc ấy tôi gọi ông bằng thầy. Thầy nghĩ thế là nghiêm túc nhìn thực tại. Nếu không có sự đột phá nào dành cho cuộc sống của người miền núi, thì khoảng cách thầy vừa nói vẫn còn mãi. Tôi nói. Ông ấy chợt im lặng. Tôi nghe rất rõ tiếng động cơ máy phát điện chạy bằng dầu đặt ở đâu đấy. Bóng đèn điện tròn bốn chục oát treo nơi cửa thông phòng khách với nhà bếp chỉ vừa đủ sáng cho tôi nhìn thấy ông ấy ngồi xếp bằng trong mùng với dáng vẻ ưu tư. Nhưng nếu đem so cuộc sống ở huyện với cuộc sống các làng trên núi thì khoảng cách ấy cũng đến vài ba mươi năm. Tôi buột nói, vì chợt nghĩ đến ngôi nhà sàn của ông bà Dên ở núi Đưng. Đến lúc ấy tôi cứ muốn chuyển câu chuyện sang chuyện đào tạo sư phạm cấp tốc năm nào ở trường trung học của huyện, chuyển sang chuyện đó để may ra ông hiệu trưởng còn nhớ đến cô học viên sư phạm ở núi Đưng, tôi vừa nghĩ thế thì nghe ông ấy hỏi rằng đã bao giờ tôi nghĩ đến cách rút ngắn khoảng cách đó chưa. Tôi chưa kịp trả lời, ông đã nói tiếp. Có thể nói những lời ông nói ra như một thứ phác thảo về xây dựng đất nước. Những nhà khoa học kỷ thuật ở miền xuôi hay ở các thành thị của đất nước ta lên núi làm công việc xây dựng cuộc sống cho người miền núi như thể người của   nước văn minh đến giúp cho nước nghèo nàn lạc hậu. Có nghĩa, làm xong công việc thì quí vị quay về. Cho nên công việc đầu tiên ở trên núi là làm sao cho người miền núi không còn dốt nát, tức là làm sao cho có chữ nghĩa. Phải có chữ nghĩa thực sự mới học được khoa học kỷ thuật. Tức phải có học thức, phải có tri thức, mới xây dựng được cuộc sống mới. Chỉ có người trên núi mới gầy dựng được nền văn minh ở trên núi. Ông ấy ngồi xếp bằng ở trên giường để   nói. Nghe ông ấy nói, tôi có cảm tưởng như đang nghe một nhà giáo dục nói, hay nghe chính phủ nói. Cho đến lúc máy phát điện ngưng phát điện, vì đã đến giờ ngưng phát điện, ông ấy vẫn còn ngồi ở trong mùng thao thao về việc nước. Anh còn nghe tôi nói đó không? Ông hỏi. Tôi đáp là đang nghe. Và chợt nhớ đến vua Đưng trong sử Giót. Vua Đưng trong sử Giót không xếp bằng trên giường, mà xếp bằng trên đá pơtan để bàn việc nước.

 

 

20/ Tôi nhớ Liêu đã đưa tôi đi làng Mừa vào một ngày có mưa núi. Cơn mưa mùa hạ có vẻ bất ngờ. Đang nắng chói chang, bỗng mây đen ùn tới, và mưa ập xuống. Tôi và Liêu chui vào một hốc đá ở bờ suối Dang, tựa hai con người thời tiền sử đang khiếp sợ trước phép màu của trời đất. Cũng may là lúc mưa ập xuống thì tôi và Liêu đã đi đến thượng nguồn suối Dang, nơi bờ suối có nhiều hang hốc. Mưa như trút nước. Sợ tôi bị tạt ướt, Liêu cứ kéo tôi sát vào người cô ta. Mưa mùa hạ ở núi Đưng thường là mưa đá. Ngồi trong hốc đá nghe như mưa đang xé rách hết thảy lá trên rừng. Ông Khơn nói ma xoát rất sợ mưa đá. Không có mưa đá, ma xoát còn làm khổ người núi Đưng nhiều lắm. Liêu nói. Tôi hỏi vì sao ma xoát lại sợ mưa đá. Liêu bảo hồi còn sống ông Khơn nói mưa đá cũng sinh ra từ nước mắt của Giót, nên ma xóat sợ mưa đá là phải. Vừa nghe Liêu nói, tôi vừa nhìn những hạt mưa đang tan chảy trên lòng suối đá. Một cuộc chơi của tạo hóa. Cuộc chơi chỉ xảy chốc lát. Lại trở lại trời quang, nắng sáng.

Theo lời truyền, rừng cây tiếp giáp bờ tây suối Dang xưa là đồng ruộng. Vua Đưng từng đi cày ở đồng ruộng này, nên được gọi là đồng pơtan. Người núi Đưng đã xây cung pơtan cho vua. Nhưng vua vẫn ở trong làng, ngày ngày cùng người làng đi cày ở đồng pơtan. Làng có vua ở xưa gọi là làng pơtan, nay là làng Mừa. Khi bàn việc nước, vua Đưng ngồi ở hòn đá   lộ thiên chỗ đầu làng, nên đá được gọi là đá pơtan.

 

Này Nư Năng, ta thấy ở làng Nhút làng Dìng đàn ông đàn bà ra đường còn thích ở trần. Như thế là còn cổ lỗ. Vua Đưng nói. Ông Nư Năng bảo là sẽ làm bài hát để dạy cho người làng Nhút làng Dìng biết thế nào là cổ lỗ. Vua Đưng hỏi bài hát thế nào. Ông Nư Năng liền hát. Chim xin xao có lông năm sắc, khi bay lượn trên trời thì mây khen chim có quần áo đẹp. Con người ra đường không mặc áo là không bằng loài chim. Vua Đưng nghe xong, bảo bài hát rất hay, nhưng chưa thể đem dạy cho dân. Như đã sắm nổi áo quần mà ra đường không chịu mặc là chê được. Còn chưa sắm nổi, khi ra đường phải ở trần thôi. Cho nên có đem chuyện chim xin xao ra nói cũng chẳng ích chi đối với kẻ chưa sắm nổi áo quần để mặc. Ông Nư Năng hỏi vậy phải nói thế nào cho hợp. Vua bảo ông ấy vốn là cha đẻ của những điều tốt đẹp nên phải nghĩ cho được cách nói thế nào cho hợp. Vua Đưng vẫn ngồi xếp bằng trên hòn đá lộ thiên chỗ đầu làng để nói. Này Nư Năng, phải làm cho dân trong nước biết con người là giống vật cao hơn hết thảy các giống vật ở trần gian. Chỗ ở của con người không phải là hang con chồn, áo quần để con người mặc không phải như lông con chim. Áo quần của con người là lấy từ sợi của cây bông vải, là lấy từ tơ của con tằm ăn dâu. Ai cũng biết được thế thì hết cổ lỗ. Ông Nư Năng liền hát. Hỡi những người núi Đưng hãy nghe kỹ lời này. Là chỉ con người mới biết là mình sinh ra từ Giót, nên con người là giống vật cao hơn mọi giống vật ở trần gian. Vua Đưng nói bài hát rất hay, nhưng cũng chưa thể đem dạy cho dân. Lúc đầu thì nên nói những điều ai cũng hiểu. Chẳng hạn con gái khi đi lấy chồng phải biết nói lời từ biệt mẹ cha, khi đã về nhà chồng thì phải biết yêu chuộng chồng, phải làm được thế thì mới được gọi là người con gái có đức hạnh. Lúc đầu phải nói những điều dễ hiểu như thế, sau mới nói những điều cao hơn…

 

Liêu cũng ngồi trên đá pơtan chỗ đầu làng Mừa để kể Giót. Những ngày nghỉ dạy học, Liêu lại đưa tôi đến những nơi có liên quan với sử Giót, để kể Giót cho tôi nghe. Ở núi Đưng ai cũng biết cô giáo Liêu là người kể Giót hay nhất . Nên khi nghe có cô giáo Liêu kể Giót, lũ nhỏ làng Mừa ùa đến chỗ đá pơtan. Rốt cuộc thì cả trẻ nhỏ lẫn người lớn ở làng Mừa đều kéo đến chỗ đá pơtan. Liêu cũng ngồi xếp bằng trên đá pơtan như vua Đưng để kể Giót. Còn tôi và dân làng thì ngồi xếp bằng trên đất để nghe. Thế là thời vua Đưng đã có chế độ phụ quyền. Lúc Liêu ngừng kể, tôi đã nói cho dân làng biết thời vua Đưng thì người đàn ông có quyền hơn người đàn bà. Giót không có nói như thế. Cô giáo dạy học ở làng Mừa liền cãi. Liêu cũng bảo Giót không nói như thế. Tôi phải bắt đầu từ chuyện sinh đẻ của người phụ nữ, để nói đến chế độ mẫu hệ. Rồi lại nói về việc loài người biết chăn nuôi trồng trọt để nói đến chế độ phụ hệ. Trong sử Giót, vua Đưng đã dạy cho đám con gái phép tắc lấy chồng, tức là bấy giờ đàn ông có quyền hơn đàn bà. Tôi nói. Cả Liêu, cả cô giáo dạy học ở làng Mừa, đều bảo tôi tài giỏi. Tôi nói Liêu mới là tài giỏi. Thuộc được sử sách tổ tiên để lại để kể lại cho người khác nghe, không phải ai cũng làm được.   Em cũng nghĩ ra rồi, thời ấy cũng như ngày nay, con gái thì theo chồng, con gái ông Khơ Nan là Hơ Lia theo chồng là vua Đưng, con gái ông Nư Năng là Hơ Mia cũng về nhà chồng là nhà của Lung. Liêu nói.

Làng Mừa nằm sát chân núi Đưng. Từ nơi đây có thể nhìn thấy các dòng suối nhỏ đổ về con suối Cái.

 

Này Nư Năng, ta thấy ở làng này đàn bà còn giành đàn ông đi cày. Đàn bà còn cầm cày trên ruộng đồng   là còn cổ lỗ. Vua Đưng ngồi ở đá pơtan nhìn xuống đồng pơtan thấy có cả đàn ông lẫn đàn bà đương cày ruộng, nên nói với ông Nư Năng như thế.

 

Liêu lại tiếp tục kể Giót. Còn tôi thì vừa nghe, vừa thử mường tượng buổi đầu của tộc người từng tồn tại dưới chân núi Đưng. Người đàn ông đầu tiên chỉ sống được trong bể khơi ấy là ai? Theo sử sách ngày nay, các tộc người vùng núi Đưng thuộc hệ ngôn ngữ Mã Lai Đa Đảo. Có phải khi nói chỉ sống được trong bể khơi là nói về người của hải đảo? Đã từng xảy ra cuộc di dân từ bể Đông đến cao nguyên miền trung Việt Nam? Còn người đàn bà đầu tiên chỉ sống được giữa thinh không ấy có phải là tiên không? Lại có vẻ như là truyền thuyết Rồng Tiên của dân tộc Việt?

 

 

21/ Trưa hôm ấy, ở nhà ông Đung trưởng làng Mừa, tôi lại được nghe Liêu   kể Giót. Tôi gọi là kể, nhưng ông Đung và bà con trong làng gọi là khan, tức là hát. Loáng cái, dân làng Mừa lại kéo tới chật nhà ông Đung để nghe Liêu hát Giót.

 

Hỡi người bạn tình đương gieo lúa rưng chớ quên.

   Khi thấy trăng tròn thì hãy đem lá khư đặt dưới gối gối đầu.

   Được chín chiếc lá khư dưới gối gối đầu thì lúa rưng trên đồng trỗ.

   Được chín chiếc lá khư dưới gối gối đầu thì hai ta cũng thành chồng vợ,

   Hỡi người bạn tình của ta chớ quên

   Nhờ Giót mới có đất

   Nhờ Giót mới có lúa

   Nhờ Giót mới có hai ta

   Đất với lúa với hai ta là một

 

Đấy là Bài Ca Lúc Mặt Trời Lên. Buổi sáng sớm ra đồng, con trai con gái thường hát bài ấy. Liêu nói lúc tôi và cô ta rời khỏi làng Mừa. Lúc rời làng Mừa thì đêm đã buông xuống. Do có mưa trong buổi sáng, nên đường rất trơn. Từ làng Mừa đến suối Dang là quảng đường dốc, là xuống dốc. Phải cẩn trọng từng bước, tôi mới khỏi bị tuột chân. Khi tiến tới đồng pơtan thì hết thảy người Xoát đều bị giết chết, nên hồi ấy ở vùng này nhiều ma xoát lắm. Liêu đi trước tôi, vừa đi vừa nói, tưởng tôi chẳng có chuyện chi trong việc đi đứng. Sử Giót chép thế? Tôi hỏi. Liêu bảo Giót chỉ chép việc người Xoát bị người núi Đưng giết chết ở đồng pơtan. Còn chuyện ma xoát là ông Khơn kể. Hồi ấy ma xoát nhiều lắm. Khi lũ chúng bị nhốt vào hang núi Trớt, người núi Đưng mới được yên. Tôi hỏi ai nhốt ma xoát vào hang Trớt? Liêu nói không nghe ông Khơn nói chuyện ấy. Như vậy là cho tới lúc ấy tôi đã biết được chỗ ở của vua Đưng, biết được đồng pơtan, nơi đã chôn vùi một dân tộc có tên là dân tộc Xoát, tiếp đến là biết được vong hồn dân tộc ấy một thuở vật vờ khắp cả núi non, tiếp đến nữa là biết được những biến đổi của sơn xuyên, xưa là đồng ruộng nay lại là rừng. Có một điều, đến lúc đó tôi rất muốn biết, nhưng vẫn chưa biết, có quả hang Trớt là hang ma hay không, và nếu quả vậy thì ai nhốt ma ấy vào hang ấy? Cuối cùng tôi cũng bị tuột chân ngã trên quảng đường rừng ai đó đã mở ngang qua một vùng dâu bể. Là do anh chưa quen đấy thôi. Liêu nói, đỡ tôi đứng lên. Và một hai bảo tôi phải vịn vào cô ta cho khỏi ngã nữa. Tôi nói phải vịn vào người khác để bước thì xấu hổ lắm. Ai vô đây thấy mà xấu hổ. Liêu nói. Phải, bấy giờ chỉ có mỗi tôi với rừng đêm, với người con gái hồn nhiên đến thánh thiện ấy.

 

 

22/ Những ngày ở núi Đưng đi tìm Liêu, tôi phải đương đầu với những nguồn ý kiến trái ngược nhau về việc mất tích của Liêu. Ở núi Đưng bỗng dưng người ta cũng bàn tán nhau về chuyện vì sao Liêu không còn nữa. Đúng hơn, không phải bàn tán, mà rỉ tai nhau. Ông Din hiệu trưởng bỗng rỉ tai tôi, rằng Liêu đã có chửa nên xầu hổ bỏ làng đi. Tôi rất hoảng, y như lúc nghe tin Liêu chết. Nhưng thầy có tin đấy là chuyện thật không? Tôi hỏi trong tâm trạng hoang mang. Ông ấy lắc đầu, bảo Liêu là một cô gái tốt. Người nói với ông Din chuyện Liêu có chửa lại là bà Din. Bà Dên bỗng rỉ tai tôi là có người nói với bà như thế. Tôi hỏi người ta nói gì, thì bà ấy khóc, bảo Liêu đã có chửa, nhưng không phải chửa ai đó, mà là chửa ma xoát. Theo sử Giót, người Xoát muốn chiếm hết thảy các nước trên thế gian để bắt hết thảy đàn bà phụ nữ trên mặt đất này phải đẻ ra giống Xoát. Con Liêu đã chết, sao có kẻ còn độc mồm độc miệng ăn nói thế. Ông Dên than thở với bà con trong làng. Nhưng bà Dên thì cho đây là chuyện thật. Vì theo bà, con ma xoát không giết được Liêu trong bụng mẹ, nên giờ lại giết Liêu bằng cách làm cho Liêu có chửa. Bỡi có chửa với ma xoát có nghĩa cả xác thân lẫn hồn phách của Liêu đã bị loài ma ấy đem về thế giới của chúng. Phải cúng giải oan cho con gái ta thôi. Bà Dên một hai bảo ông Dên phải cúng ma xoát, để chúng thả Liêu về lại núi Đưng. Em nghĩ là có kẻ đã bịa ra chuyện ấy. Cô Nà công nhân lâm trường bỗng rỉ tai tôi. Theo Nà, có ai đấy muốn làm hại Liêu, nên đã bịa ra chuyện Liêu có chửa với ma xoát. Vì có lời đồn đại Liêu có chửa với ma, nên cô ta đã phải bỏ làng ra đi. Nhưng vì đâu người ta lại muốn hại Liêu? Tôi hỏi. Nà bảo không biết, cô cũng đoán vậy thôi. Không chừng là thằng Lình con trai ông Đung trưởng làng Mừa đã bịa ra chuyện con Liêu có chửa. Ông Din lại rỉ tai tôi. Theo chỗ ông biêt thì Lình, công nhân lâm trường núi Đưng, có tình ý với Liêu từ lâu. Trên đường đến lâm trường, Lình thường ghé lại trường học để gặp Liêu. Hầu như là ngày nào anh ta cũng ghé lại trường. Rồi bỗng không thấy anh ta đến nữa. Chắc là con Liêu không thích thằng Lình, nên nó đã không đến nữa. Ông Din hiệu trưởng nói. Nhưng như thế thì anh ta bịa ra chuyện Liêu có chửa để làm gì? Tôi hỏi. Chuyện gái trai yêu đương là ghê gớm lắm, thằng Lình nó thù con Liêu, anh rõ chưa. Ông Din nói. Như thế, theo ông Din, lời đồn đại Liêu có chửa là xảy ra sau khi Liêu không còn. Trong lúc Liêu không còn, Lình đã nói ra thế cho bỏ giận, thế thôi. Tôi lại cảm thấy băn khoăn, nếu không muốn nói là hồ nghi trước cái chết của Liêu. Nếu Liêu bị lũ cuốn thì sao không tìm thấy xác? Còn theo sử Giót, giống người Xoát đã chuyển từ thịt xương sang sắt đá, và bị chôn vùi bên dưới mặt đất núi Đưng tự thuở nào. Nhưng nếu ma xoát đã ám hại Liêu bằng cách làm cho Liêu có chửa, như bà Dên nghĩ, hóa ra giống Xoát đã tái xuất hiện ở trần gian? Trước kia, khi nghe Liêu nói về người Xoát, tôi cũng chỉ xem chuyện ấy như một biểu tượng đẹp của nền văn hóa cổ ở núi Đưng. Nhưng đến lúc ấy, giống người không có ống máu ấy cả ngày đêm ám ảnh tôi.

 

 

23/ Bấy giờ thì người Xoát đã đánh chiếm nhiều nước trên thế gian.
Ông Nư Năng nói. Nhưng vua Đưng vẫn chưa tin.
Ta chỉ nghe có nước Xoát ở bên kia núi Đưng, chứ chưa nghe có người Xoát dũng mạnh đến thế. Vua Đưng nói.

  Ông Nư Năng lại phải quì, để kể hết cho vua nghe những gì ông đã biết được về giống người ấy.

     Người Xoát cũng cày ruộng như người núi Đưng. Nhưng một hôm vua Xoát đã lệnh cho dân chúng đốt hết cày bừa, giết hết trâu bò. Có rất nhiều người bị giết, chôn chung với trâu bò, vì đã cưỡng lại lệnh vua. Đến lúc không còn bóng dáng một người nào trên ruộng đồng, vua Xoát lại ra lệnh đốt hết lúa gạo, giết hết các loại gia súc gia cầm. Không ăn. Và chỉ uống nước. Đấy là cách sinh sống, vua lệnh cho hết thảy dân chúng phải tuân theo. Cả nước kinh hoàng, cho là vua đã hóa điên, muốn tiêu diệt nòi giống của mình. Cảnh sống vẫn còn diễn ra trên đất nước, nhưng ai nấy đều cảm thấy như là cảnh chết. Đói. Trẻ thơ không còn khóc nổi. Người lớn muốn bỏ đất nước ra đi, nhưng không còn nhấc chân lên nổi. Đường không còn thấy bóng người. Làng xóm cả ngày lẫn đêm   chỉ còn nghe tiếng gió gào. Đến lúc ấy vua Xoát mới đi gặp chúng dân trong nước. Nếu lũ người còn thấy đói, muốn ăn, và thấy khát, muốn uống, là còn bị buộc vào vòng sống chết. Nay, lũ ngươi vẫn còn ăn rau cỏ, còn ăn các thứ rễ cây và củ quả, vẫn còn uống nước sông, uống nước giếng, tức sẽ còn phải chết. Hãy nghe ta, nếu lũ người muốn thoát khỏi vòng u tối. Là kể từ đây, không được đưa bất cứ thứ vật chi vô miệng, dẫu đấy chỉ là mỗi cộng cỏ, hay mỗi một giọt sương. Và vào lúc đêm chưa hết, ngày chưa đến, vào thời khắc giữa ngày và đêm ấy, lũ ngươi, từ già chí trẻ, hãy cùng ngẩng mặt lên trời để cùng uống thứ hơi thở thần Giót ban riêng cho nòi giống Xoát chúng ta. Hãy nghe ta, nếu lũ ngươi muốn thoát khỏi vòng sống chết. Vua Xoát đã đi khắp nước, bảo ban dân chúng. Bấy giờ chẳng còn ai đứng lên nổi để đi tìm cái ăn cái uống, đành bò lê trên mặt đất để làm theo lời của vua. Có một hôm, vào lúc đêm chưa hết ngày chưa tới, những người dân Xoát còn sống sót sau cơn đói khát, đã đứng lên được bằng chính đôi chân của mình. Có người lấy cỏ ăn thử, thì   nuốt không vô. Có người lấy nước uống thử, cũng nuốt không vô. Thế là ai nấy đều cảm thấy kinh hãi. Không còn đường nạp thức ăn thức uống, tất sẽ chết. Nhưng vua Xoát đã đi khắp nước, gặp hết thảy những người còn sống sót sau cơn đói khát. Hãy nghe ta. Vào lúc mặt trời ở đỉnh đầu, đúng vào thời khắc ấy, lũ ngươi từ già chí trẻ hãy cùng uống lấy thứ ánh sáng thần Giót ban tặng riêng cho nòi giống Xoát chúng ta. Nhà vua nói. Vào một hôm, lúc dân trong nước đang cùng uống thứ ánh nắng giữa trưa, trời đất bỗng tối sầm, như ai lấy mất mặt trời. Cả nước lại một phen hoảng sợ, đổ về chỗ vua ở. Nhà vua đã giảng cho mọi người nghe, rằng đấy là phút giây thần Giót mang giống dân Xoát ra khỏi vòng sống chết. Hết thảy lũ ngươi đã thành thần, rõ chưa. Vua thét lớn cho mọi người đều nghe thấy. Nhưng ai nấy đều không tin. Bèn rủ nhau cắt thử da thịt   của mình, thì thấy máu không còn chảy nữa. Từ đó vua Xoát mang quân đi khắp thế gian để cứu con người ra khỏi vòng sinh tử. Nghe kể đến đây, vua Đưng   sợ hãi đến ngã bệnh. Ông Nư Năng phải làm Bài Ca Giữa Ngọ để chữa bệnh cho vua. 

 

 

24/Tôi đòi đi hang Trớt, nhưng Liêu lại đưa tôi đến làng Mừa để kể cho nghe đoạn sử Giót trên. Phải ngồi ở đá pơtan thì kể mới hay. Liêu nói. Tôi hỏi rốt cuộc ông Nư Năng có chữa được bệnh cho vua hay không. Cứ nghe xong thì biết. Liêu nói. Và hát cho tôi nghe Bài Ca Giữa Ngọ.

 

Như sáng với tối

     Như ngày với đêm

     Sống với chết đã thay nhau không ngừng nghỉ.

     Bên ngoài cõi không ngừng nghỉ là không gì cả.

     Một ngày nào Giót không còn nói với ta điều này thì ta cũng không thể nói điều gì nữa cả.

     Cũng như nói xưa con người không biết lửa là gì

     Giót bảo thế này thế này

     Con người đã tạo ra được lửa.

     Cũng như nói xưa kia con người sống lẫn lộn với muông thú.

     Giót bảo thế này thế này

     Con người biết chế ra áo quần để mặc và biết làm nhà để ở.

     Cũng như nói xưa con người không rõ mình là ai

     Giót bảo thế này thế này

     Con người liền hiểu mình sinh ra từ Giót

     Con người là sinh ra từ Giót thì chẳng thể trở thành những vị thần ở   trần gian này sao?

 

     Hoá ra là cả làng Mừa đã kéo đến chỗ đá pơtan để nghe Liêu hát Giót.

Tôi nói với Liêu rằng nghe Bài Ca Giữa Ngọ như nghe kinh.

 

 

25/Tôi và Liêu đi hang Gió. Một ngày cuối thu. Tới hôm ấy tôi mới chịu đi hang Gió, vì lần nào tôi cũng đòi đi hang T’rớt. Con ma Xoát ở hang T’rớt vẫn ám ảnh tôi.

Nếu hang T’rớt là nơi lưu giữ tai ương, thì hang Gió là chốn để chiêm ngưỡng nền văn minh quá khứ của một dân tộc.

Đường lên hang Gió lội suối Riềng ba lượt, lội suối Mung năm lượt. Ông Khơn bảo vua Đưng phải chọn nơi hiểm trở thế này để lập nước. Liêu nói, lúc qua khỏi suối Mung. Tôi hỏi Liêu đi hang Gió được mấy lần rồi. Liêu nói một lần đi với bà Dên, hồi Liêu tròn mười tám tuổi, một lần đi với ông Khơn, sau khi đã nghe ông kể xong sử Giót. Ở núi Đưng, con gái tới tuổi mười tám đi hang Gió để lấy may. Liêu nói. Tôi hỏi lấy may là sao. Liêu bảo lúc đến nơi sẽ nói cho nghe. Có thể nói đấy là hang động trời không chỉ dành cho những kẻ có đầu óc trị nước. Con suối Mung một hồi ngoằn ngoèo qua sườn núi Đưng, tới đây, bỗng khoét vào vách núi làm nên hang động như thể để tạm dừng chân trước khi uốn lượn về hạ nguồn. Dưới mắt nhà địa chất, đấy là hiện tượng kas tơ hiếm khi thấy xảy ra ở Trường Sơn. Còn với nhà điêu khắc thì đấy là loại kiến trúc vượt ngoài khả năng tạo tác của con người. Từ màu sắc đến hình thể, đến gió và nước, bố cục của hang động là kết quả của niềm ngẫu hứng của trời đất. Trước đến đây, tôi cũng đã nghe Liêu kể những đoạn sử Giót nói về hang Gió. Đ’Lung lấy củi đốt thành than, rồi lấy than đốt cho sắt chảy thành các công cụ. Hang Gió là lò luyện sắt, nơi làm nên nền văn minh núi Đưng. Sử Giót nói người Xoát dẫm nát ruộng nương của người núi Đưng, phá tan tành cung pơ tan của vua Đưng, nhưng chẳng biết có lò nấu sắt ở hang Gió. Tìm ra mỏ sắt là công của Đ’Lung, người đã được vua Đưng sai đi tìm của quí ở nơi lòng đất. Còn việc đặt lò nấu sắt ở hang Gió là thuộc đầu óc trị nước của vua Đưng. Tôi cứ đứng tần ngần ở cửa vào hang động. Không phải không dám bước vào, mà vì không thể vượt qua phút giây đối mặt với dấu tích của một quá khứ oanh liệt. Hết thảy những gì thuộc xưa cũ, được gọi là lịch sử quá khứ, dường đang ngưng đọng lại nơi trang sách trời kỳ tuyệt ấy. Liêu bảo hôm cô ta đi với bà Dên nắng cũng âm u thế ấy, còn lần đi với ông Khơn thì trời mưa rất to, suối Mung đầy nước, phải leo qua mười hai con dốc trên núi Đưng, để tới hang Gió. Ông Khơn muốn em phải leo dốc như thế nên chọn đi vào ngày có mưa. Liêu nói. Rồi đưa tôi vào hang động. Có tiếng nước chảy đâu đó vẳng lại những âm thanh mơ hồ. Ông Khơn nói có một ngả suối ngầm chảy ở bên dưới, nên hang Gió không đời nào bị ngập nước, mưa hay nắng, Đ’Lung với H’Mia vẫn nấu sắt. Liêu nói. Tôi hỏi lò nấu sắt đặt ở đâu. Liêu bảo chuyện này thì không nghe ông Khơn nói. Và Liêu nói không phải ông Khơn nói, mà là sử Giót nói, rằng vua Đưng đã đích thân đến đây coi việc rèn dáo mác, bấy giờ người Xoát đã đánh chiếm nhiều nước trên thế gian, vua Đưng muốn nước mình phải lo trước, nước có bao nhiêu đàn ông con trai thì rèn bấy nhiêu dáo mác,   đàn ông con trai sẽ mang dáo mác, cỡi ngựa cỡi voi ra trận, đàn bà con gái đánh trống, ở núi Đưng nhà nào cũng có trống phất bằng da voi, vua Đưng giảng cho mọi người nghe phép hành binh, nhưng ông Nư Năng bảo sở dĩ người ta chết là vì máu chảy quá nhiều, mà người Xoát thì không có ống máu, bấy giờ Đ’Lung đã tìm được chất gặp lửa thì cháy, nên ông Khơ Năng hiến kế cho vua Đưng là làm cho thật nhiều tên lửa để giết người Xoát, có ống máu hay không gặp lửa cũng cháy, người anh hùng núi Đưng là M’Din liền thét to lên là người núi Đưng sẽ chiến thắng, vợ chồng D’Lung và H’Mia lại ngồi suốt ngày trong hang Gió để để nấu sắt rèn dao mác, cả nước của vua Đưng sắp sửa vào trận, chỉ mỗi ông Nư Năng là nghĩ khác. Ông Nư Năng đang nghĩ về giống người không có ống máu. Tôi nghe có tiếng gì vang lên ở cuối hang động như có ai đang gõ lên vách núi. Là tiếng nước đấy. Liêu nói. Nhưng sau đó thì sao. Tôi buột hỏi, vì chợt nghĩ đến sự lụi tàn của một nền văn minh, tựa có nhát dao cắt làm đôi dòng lịch sử, trước đó là biết cả thuật luyện kim, biết cả khoa thiên văn, khoa nông học, còn sau đó là lớp hậu duệ cũng làm lúa nước, nhưng những lưỡi cày lưỡi cuốc là do kẻ khác làm ra, sáng thức dậy thấy có mưa mới biết là trời mưa, tôi muốn hỏi điều gì đã xảy ra, do cuộc chiến chống người Xoát, hay là do một điều bí ẩn nào đó của tự nhiên hay của lịch sử, đã làm tắt lịm   những sáng chói của một thời. Nhưng Liêu lại tưởng tôi muốn hỏi chuyện đôi vợ chồng Đ’Lung và H’Mia. Sau đó thì cả hai người đều ra trận, người Xoát làm cho máu của hai người chảy nhiều quá, nhưng không chết, hai người liền dìu nhau trở về hang Gió, Đ’Lung hát cho H’Mia nghe, và H’Mia hát cho Đ’Lung nghe, khi yêu nhau người ta không thể rời nhau, phải không anh. Liêu chợt ngưng kể về Đ’Lung và H’Mia, hỏi tôi, rồi cất tiếng hát.

 

Cho đến khi máu ngừng chảy trong thân thể em, thì em cũng không muốn rời xa anh.

 

Tôi hỏi có phải đấy là bài hát H’Mia hát cho Đ’Lung nghe hay không. Liêu chỉ im lặng, nhìn tôi. Ở cuối hang động như có ai lại gõ lên vách núi.  Hơ Mia hát cho Đ’Lung? Hay Liêu hát cho chính mình?

 

 

26/ Tôi bỗng rơi vào tâm trạng như tâm trạng bà Dên, rằng Liêu chết là do lũ ma Xoát ở hang Trớt. Thế là tôi lại đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu bận đoạn sử Giót về cuộc chiến giữa người núi Đưng và người Xoát Liêu đã kể tôi nghe ngày ấy.

 

Nghe theo lời ông Nư Năng, vua Đưng cho làm nhiều tên lửa. Tên bằng vỏ tó, gặp lửa thì cháy, gặp gió   không tắt. Hết thảy những người khỏe mạnh trong nước đều ra trận. Núi Đưng là một quần thể gòm nhiều ngọn, chập chùng, núi không cao, nhưng cây cối rậm rạp, hiểm trở. Các nước láng giềng đều ở phía bên kia núi. Binh đội của vua Đưng phải án giữ quan ải quan yếu này. Kỵ binh đi trước nhất. Tiếp đến là tượng binh. Sau tượng binh là bộ binh. Sau cùng là những người chuyển cung tên, lương thảo, và đánh trống. Trên mỗi ngựa chiến có hai kỵ binh, một cầm cung, một giữ đuốc lửa. Tượng binh dùng dáo dài. Bộ binh dùng dáo ngắn. Dàn binh xong, vua Đưng cùng ông Khơ Nan và ông Nư Năng leo lên hỏa đài. Hỏa đài trên núi Đưng bấy lâu chỉ để canh chừng lũ cọp lũ gấu phá nương rẫy. Đốt lửa lên. Vua Đưng lệnh. Tức thì trống trận vang lên. Mới đầu tiếng trống chỉ ở trong quân, sau đó thì lan cả nước. Tiếng trống tựa thác lũ từ núi Đưng đổ về khắp nơi, rồi từ khắp nơi đổ ngược về núi Đưng. Hãy giương cung lên. Vua Đưng hô to lúc trông thấy lũ người Xoát đã kéo tới chân núi phía bên kia. M’Din liền quất ngựa chạy về phía trước. Cả đám kỵ binh cùng quất ngựa xông lên. Bắn. Người   anh hùng núi Đưng thét. Tên lửa lao vun vút về phía người Xoát. Từ trên núi tràn xuống là biển lửa. Từ dưới chân núi tràn lên là biển người Xoát. Người Xoát với dáo mác cầm tay cứ bước đi giữa biển lửa như bước giữa chốn rổng không. Rừng cây gặp lửa cháy từng đám lớn. Chim chóc hươu nai hoảng sợ bay chạy tán loạn. Không xong rồi. Ông Khơ Nan kêu lên lúc nhìn thấy đám người Xoát đã vượt qua biển lửa tràn vào đám kỵ binh. Ngựa chiến và nhiều người núi Đưng đã ngã xuống. Ông Nư Năng rỉ tai vua Đưng. Vua liền ra lệnh thu quân. Ngựa chiến voi chiến bắt đầu tranh nhau chạy. Nhưng người Xoát bỗng dừng lại trước cảnh hỗn loạn của người núi Đưng. Lát sau có tiếng vua Xoát vọng xuống núi. “Chớ luyến tiếc cuộc sống trần gian hỡi những người núi Đưng, bỡi lũ các người là giống người còn chìm đắm trong vòng sinh tử”. Cho đến lúc về đến cung pơtan, vua Đưng vẫn không tin những gì mình đã trông thấy. Nghe theo lời ông Nư Năng, vua Đưng đã cho thu quân về cố thủ ở làng pơtan. Cung điện của vua ở làng pơtan đang trong yên ổn. “Lũ người Xoát là loài quỉ ma hiện giữa trần gian” Vua Đưng nói. Ông Nư Năng bảo theo lời đồn đãi bấy lâu thì người Xoát là giống người đã ra khỏi sự sống chết. M’Din bảo phải đánh một trận nữa mới phân thắng bại. Ông Khơ Nan chỉ im, bỡi nỗi sợ hãi còn nguyên trong lòng ông. “Này Nư Năng, hãy nói ta nghe có quả giống người Xoát đã thoát khỏi luật sống chết?”   Vua Đưng lại hỏi. Ông Nư Năng chỉ buông tiếng thở dài, bỡi ông cũng chưa hiểu hết việc ra khỏi sự sống chết. Lúc vua tôi vua Đưng còn đương bối rối   thì có tin người Xoát đã tràn vào các xóm làng trong nước. Người ta đã tận mắt trông thấy người Xoát chỉ toàn đàn ông con trai khỏe như những con thú đực khỏe nhất trong các thú. “Hãy diệt hết những mầm mống của giống người còn chìm đắm trong vòng sinh tử”. Vua Xoát lệnh. Và người Xoát đã thi nhau giết những đàn ông con trai người núi Đưng, và thi nhau ăn nằm với đám đàn bà con gái, gặp đàn bà con gái   người núi Đưng bất cứ ở đâu đều bắt ăn nằm với lũ chúng.” Ta chưa hề nghe nói có giống người cầm thú như thế” Vua Đưng thét lên, nước mắt chảy dài. Ông Nư Năng nghe toát mồ hôi. Ông Khơ Nan cũng nghe toát mồ hôi. M’Din, người anh hùng núi Đưng, cầm ngọn dáo đứng lên. Hơ Linh, vợ của M’Din, cũng cầm ngọn dáo đứng lên. Phải giết lũ cầm thú. M’Din thét. Và cả hai vợ chồng cùng lao ra khỏi cung vua. Nhưng liền sau đó thì có tin cả hai đều đã bị người Xoát giết, ném xác xuống suối Riềng. Ông Nư Năng thấy mắt mình có lửa, liền rỉ tai vua Đưng: “Phải lấy lửa trong máu người núi Đưng để đốt chúng”. Trận chiến cuối cùng diễn ra ở cánh đồng pơtan. Những đàn bà con gái người núi Đưng bị người Xoát cưỡng hiếp đều tự vận chết. Những người thoát khỏi con mắt của lũ chúng đều chạy về   đồng pơtan. Người cả nước đã kéo hết về   đồng pơtan. Vua Đưng đã sai ông Nư Năng lo việc phòng thủ hang Gió, nơi cất giữ quặng sắt và chế tạo những đồ dùng bằng sắt. Và đích thân vua cầm quân chống giặc ở đồng pơtan. Ông Nư Năng nói với con gái là Hơ Mia và con rể là ĐLung đang rèn sắt ở hang Gió sở dĩ người núi Đưng giàu có, cả cung vua và đường sá trong nước đều xây lát bằng đá quí, là do có được thứ của cải những nước khác không có, thứ của cải chìm trong đất, là mỏ sắt, thứ của cải đã làm ra cái cày bằng sắt để làm ra lúa gạo ăn không hết, nay lũ người Xoát đã xâm phạm xứ sở, lũ các con phải ra sức canh giữ   chốn thiêng liêng này của nước. Nhưng ĐLung bảo đánh giặc phải đánh từ xa, không phải chờ đến nhà mới đánh. Rồi cùng Hơ Mia lên ngựa chạy về cánh đồng pơtan. Lũ người Xoát đã kéo đến đồng pơtan để nghinh chiến. Vua Đưng cứ ngỡ bọn chúng đã kéo hết đến đây. Không ngờ làng pơtan bốc cháy, cung điện của   vua ở làng pơtan cũng bốc cháy. “Hỡi những người núi Đưng, hãy để cho lòng căm hận của anh em tràn lên óc”. Vua Đưng gào lên. Rồi quất ngựa xông vào giặc. Hết thảy những người núi Đưng cùng gào lên. Và cùng quất ngựa xông vào giặc. Máu chảy lênh láng trên cánh đồng pơtan. Và từ máu của người núi Đưng, lửa ngùn ngụt bốc lên. “Cả đời ta chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp, chỉ trừ lần này”. Ông Nư Năng đứng ở cửa hang Gió thấy lửa bốc lên ngùn ngụt ở đồng pơtan thì ngửa cổ than. Lát sau ông thấy ĐLung và Hơ Mia mình đầy thương tích đang dìu nhau trở lại hang Gió.

 

 

 

27/ Ở đồng Pơtan, xác của người núi Đưng nằm lẫn với sắt đá. Hết thảy những người Xoát khi bị lửa trong máu của người núi Đưng đốt chết đã hóa thành sắt đá. Vua Đưng đã chết trong trận chiến đó. Ông Khơ Nan cũng chết ở trận chiến đó. Hơ Lia, con gái ông Khơ Nan, vợ vua Đưng, cũng chết ở trận chiến đó. Để tri ân vua Đưng và những người núi Đưng đã chết trong cuộc bảo vệ đất nước núi Đưng, ông Nư Năng đã làm ra Bài Ca Trước Mộ để đọc lúc tế vong hồn những người đã chết. Cái hang núi dưới chân núi Đưng, hang Trớt, đã trở thành nơi giam giữ lũ ma Xoát. Lũ người Xoát khi chết thì xác thân hóa thành sắt đá còn hồn vía trở thành ma Xoát. Giót nói: Đừng bao giờ đặt chân đến hang Trớt, nơi đã dành cho vong hồn của giống người kỳ dị nơi mặt đất, và vào các đêm tối trời lũ các người hãy đem con gà luộc hay cái trứng luộc đặt ở giữa sân nhà, và nói với lũ ma Xoát rằng đấy là thức ăn con người dành cho chúng. 

Mãi đến khi những cơn mưa đầu mùa đông đổ xuống, Liêu mới kể cho tôi nghe đoạn sử Giót nói về hang Trớt, cái hang động ngay từ lần đầu nghe nói đã ám ảnh tôi. Tôi nhớ sau đó mấy hôm thì tôi từ biệt Liêu trở về thành phố. Và khi tôi quay lại làng Riềng thì Liêu không còn nữa.

 

 

28/ Tôi cứ đọc đi đọc lại mãi những đoạn sử Giót đã chép được qua lời kể của Liêu. Con người sinh ra từ Giót rồi lại trở thành Giót, thần sinh ra người rồi người lại trở thành thần, có phải là cuốn sử ấy muốn bày ra một thứ thuyết lý kỳ dị để bắt người đời sau phải ngẫm nghĩ? Tôi có ngẫm nghĩ nhiều về sử   Giót. Nhưng chủ yếu là cố tìm trong thứ sử văn đầy ẩn dụ ấy những biến cố nào những đoạn sử nào là nơi ẩn náu trái tim của người con gái ấy. Tôi bỏ việc khoa bảng trở lại làng Riềng lần ấy với niềm đam mê có phần hơi quá sức như thể để lấp đầy sự trống vắng khi không còn có Liêu. Hầu như ngày nào tôi cũng đi, hết làng Riềng lại sang làng Dang làng Mung làng Mừa, hỏi han những ông bà cụ biết hát Giót, nghe hát xong, lại đi. Gặp cả ông Din hiệu trưởng để học hỏi thêm về tiếng nói của người núi Đưng. Tôi đã tìm ra được cuộc hành trình tiếp theo của mình là được đi lại trên những con đường rừng Liêu đã từng đi, được nhìn thấy từng ngày những núi non trùng điệp dưới bầu trời như lúc nào cũng có màu khói. Cuộc hành trình tôi đặt ra cho mình ngày ấy coi như đã mất hút tận cõi lãng quên. Tôi thực sự say đắm một cuộc đi, ở một nơi, tôi cho là đã diễn ra một cuộc tình.

 

 

29/Cứ gì anh mà già như ta cũng còn say đắm cõi trần gian này. Ông già họa sĩ Phác đang đãi cát ở suối Rưng nói làm tôi giật mình. Chỗ ông ấy ngồi đãi cát là đáy của một con thác, nước khô cạn từ lâu. Tôi nhìn vào mắt người họa sĩ già, và im lặng. Ta biết thế nào anh cũng trở lại. Ông Phác vừa nói, vừa bước lại chỗ để đồ đạc của mình, lấy từ túi xách ra một viên sỏi màu đỏ. Ta đến vùng núi rừng này đã hơn ba năm, bữa đầu tiên   vào trú ở trạm đo nước, người phụ trách trạm chuyện trò với cậu cháu ta như những người thân đi xa vừa gặp lại, nhưng đến khi thấy chỉ mỗi thằng cháu ta vẽ, còn ta xuống sông Cái, rồi lên suối Rưng, đãi cát tìm vàng, anh ta bắt đầu   xa lánh ta, ban ngày cậu cháu ta nấu cơm ăn ngoài trời, đêm mắc võng nằm ở vòm cây sau trạm đo nước, hơn ba năm ở vùng núi rừng này ta gặp đủ hạng người, thợ rừng dưới xuôi lên đốn gỗ trộm, các vị hảo háng đi tìm trầm, bọn họ ngang qua chỗ ta mồi điếu thuốc, hay xin miếng nước, rồi đi, chẳng ai hỏi ta đang làm gì, dù chỉ nửa câu, cho đến hôm có người đến chỗ ta xưng là nhà khảo cổ, gần cả ngày ta chỉ nghe ông nói, về các loài sinh vật thời thái cổ, về những hóa thạch người, về những con nòng nọc đứt đuôi thế nào để thành ếch nhái, lúc mặt trời sắp tắt ông hỏi ta đang làm gì, ta nói là đãi cát tìm vàng, ông nhà khảo cổ tỏ ra thất vọng, rồi lẵng lặng ra đi, ta nhìn lên nửa vầng mặt trời còn lại trên đỉnh núi, lẵng lặng nhặt một viên sỏi đỏ cất vào ba lô, ta đã dành cho ông nhà khảo cổ một viên sỏi đỏ, nhưng qua hôm sau ta trả lại cho suối Rưng, bỡi trong đêm, nằm ở sau trạm đo nước, ta đã nghe người phụ trách trạm với ông nhà khảo cổ bảo ta là lão già điên khùng, sau những ngày sống như kẻ xa lạ với loài người ở chốn núi rừng này, ta bỗng nảy ra cái ý muốn xem thử có còn kẻ nào trên đời này đến trò chuyện với ta không. Ông Phác nói, mắt vẫn không rời viên   sỏi đỏ trên tay. Nhưng cho đến nay thì bác đã cất giữ được bao nhiêu viên sỏi như thế? Chỉ mỗi viên dành cho anh. Ông già họa sĩ nói, và bỗng ngưng việc đãi cát. Có bao giờ anh trông thấy một dòng sông luôn khô cạn, hay một mùa đông bất tận? Tôi   bảo về mùa đông quả không phải là thế, nhưng dòng sông chẳng những khô cạn, mà sau một biến cố nào đó, có thể trở thành đất bằng. Biến cố ư, nếu do con người làm, lại là chuyện khác, còn như không phải do con người, thì trở thành đất bằng đâu phải là khô cạn, đấy chỉ là cách thế khác của tồn tại, cách thế khác của cuộc đắm say của tồn tại, không còn đắm say là sắp đi vào cõi hủy diệt. Tôi chẳng hiểu hết lời ông nói, nhưng cảm thấy vô cùng hân hoan. Nhưng từ ngày lên đây bác đã tìm được thứ bác tìm kiếm chưa? Tôi hào hứng hỏi. Chưa, nhưng ta nghĩ là sẽ tìm được. Ánh mắt ông Phác chợt tối sầm. Hôm ấy là mưa suốt ngày, nước con sông Cái lên rất nhanh, người coi trạm đo nước đã về xuôi, mưa quá, cậu cháu ta đã dọn cả các thứ tranh tượng vào nhà đo nước, thằng cháu ta vẫn ngồi đăm mắt vào bức tranh vẽ dở, ta ra bờ sông nhìn cột đo nước lúc trời tạnh mưa, một trăm bảy mươi lăm, rồi một trăm chín mươi sáu milimet,   nhìn con nước lũ đang hung hăng điên cuồng, ta lại nghĩ đến cuộc đối đầu với tự nhiên của con người, các vị thần trên trời không còn thống trị được con người, còn con người thì như đang lăm le làm bá chủ tự nhiên, nhưng tự nhiên thì cứ thản nhiên, làm như không nghe thấy, nửa đêm hôm ấy, làm như không biết có cậu cháu ta đang trú ở trạm đo nước ấy,   nước con sông Cái đã tràn vào nhà trạm, cuốn hết những tác phẩm của thằng cháu ta, cả tranh vẽ núi sông, cả tượng gấu tượng voi, tượng cua cá, chỉ phút chốc đã trở về với trời đất, chẳng lẽ cứ ngồi chòm hỏm thức trên nền nhà xăm xắp nước, cậu cháu ta đã quyết định phải đấu lưng lại mà ngủ, vào khoảng gà gáy lần đầu, nước sông Cái lại tràn vào nhà trạm một đợt nữa, kéo theo xác một thiếu nữ, quần áo của cô ta đã bị nước lũ xé rách, gần như đang trần truồng, đừng   sợ, đây là nhà trạm đo nước, còn ta từ dưới xuôi lên đây đãi cát tìm vàng, ta nói khi nhận ra thiếu nữ vẫn còn sống, cô gái liền ngồi dậy trước mặt ta, chẳng hề tỏ   e thẹn, nhờ có sấm chớp liên hồi, ta đã nhìn rõ được cô gái, thì ra chẳng phải áo quần bị nước lũ xé rách, một thứ xiêm y ta chưa hề trông thấy, chiếc yếm lóng lánh như hạt móc đỡ lấy đôi bầu vú căng đầy, không phải là hoa, mà như là bụi mưa trải lên mái tóc dài tận bờ vai, đừng nhìn em thế, đây là cơ duyên, cô gái nói, ta vừa vui vừa sợ, không phải bị lũ cuốn, mà cô gái theo cơn lũ đi rong chơi, lần rong chơi này em muốn lưu chút vết tích ở trần gian, cô gái nói, giọng háo hức, có phải là vua chốn thủy cung, thưa nữ chúa, ta mạnh dạn hỏi, đừng gọi thế, dẫu là vua em cũng là thân con gái, hãy hôn em đi, thiếu nữ nói xong những lời ấy, liền xích sát vào ta, ta bàng hoàng ôm chầm lấy người con gái chốn thủy cung, hôn lên vầng ngực thơm mùi biển, rồi lịm đi trong niềm hân hoan có lẫn nỗi sợ hãi, chính là lúc ta nhớ ra là ta đã lịm đi, thì lại nhận ra là người con gái đang tựa vào lưng ta mà ngủ, ta có nghĩ đến cát sỏi, nghĩ đến giá vẽ, hộp màu, rồi lại thiếp đi trong mùi thơm của biển, con lũ trên sông Cái đã rút từ lâu, nhưng nền nhà trạm đo nước vẫn còn loang loáng nước, thằng cháu ta ngủ rất ngon, vẫn tựa vào lưng ta mà ngủ. Như thế là bác đã tìm thấy vàng ở trong cát, tôi nói. Quả tình là tôi đang bị kích động bỡi câu chuyện kể. Ông Phác lại thẩn thờ nhìn lên vách con thác. Thì đấy cũng chỉ là một cách tự huyễn hoặc mình. Ông nói.

 

 

30/ Trong giấc mơ đêm hôm ấy bà Dên đã mơ thấy ma Xoát hóa làm con hổ đến bắt Liêu đi. Đang mùa tuốt lúa. Tôi và Liêu đang tuốt lúa trên nương. Bà Dên từ nhà vừa lên tới đầu nương thì trông thấy con hổ đang chồm lên phủ Liêu. Bà thét lên. Nhưng chẳng còn kịp. Tôi hỏi làm sao biết đấy là ma Xoát hóa làm con hổ. Bà Dên nói là bà đã nhìn thấy khi tha Liêu ra khỏi nương lúa con hổ lại hóa thành con ma Xoát. Tôi hỏi hình thù ma Xoát ra sao. Bà Dên bảo lúc chửa Liêu bà nhìn thấy con ma Xoát không đầu, còn lúc nó giả làm con hổ thì con ma Xoát đi bằng đầu. Rõ ràng là già này nhìn thấy con ma Xoát đi bằng đầu, vừa đi bằng đầu vừa nắm tay con Liêu lôi đi, lúc già này chạy gần kịp thì nghe con ma cười sằng sặc. Bà Dên nói. Tôi nói trong mơ thì người ta thường nhìn thấy lung tung. Những chuyện thấy trong mơ thường là chẳng có thật. Không có con ma Xoát làm sao già này nhìn thấy tới hai lần? Bà Dên nói, nước mắt ràn rụa. Ông Dên chỉ thở dài. Từ hôm mơ thấy ma Xoát giả hổ bắt Liêu đi, bà Dên lại đòi   phải cúng ma cho con gái. Nhưng nhà ông bà Dên đâu có con trâu nào. Ông Dên lại chạy đến ông Nan trưởng làng Riềng. Ông Nan lại hẹn mùa lúa lên người làng sẽ góp nhau mua trâu cúng cho Liêu. Rồi bà Dên lại nằm mơ thấy Liêu về khóc lóc với bà. Đâu phải Giót bảo nó chết, là do ma Xoát oán hận người núi Đưng đấy thôi. Bà Dên nói. Ông Dên cũng nói nếu là Giót bảo chết thì làm sao con Liêu còn về được. Tôi chợt nhớ đoạn sử Giót nói về lẽ sống chết:

 

Giót sinh ra người núi Đưng, rồi đến ngày sẽ đem người núi Đưng đi…

 

Có một hôm, ở bến suối Riềng, tôi đã nghe bà Dên trò chuyện với Liêu. Trời đã sập tối. Trăng non đầu tháng bắt đầu phủ xuống núi rừng thứ ánh sáng màu nhũ bạc. Ở nhà ông Din hiệu trưởng trở lại nhà ông bà Dên, tới bến suối Riềng, tôi ngồi nghỉ chân. Cách đó mấy hôm có cơn mưa lớn, nước suối Riềng vẫn còn đầy. Con nước chảy làm rung rinh bóng cây vừng hai bên bờ suối khiến tôi có cảm tưởng có đám người đang bơi trong nước. Đã bao nhiêu lần qua lại bến suối này, ban ngày có ban đêm có, khi đi một mình khi có Liêu, nhưng tự dưng lúc ấy tôi cứ cảm thấy khó khăn khi nghĩ đến việc lội qua bến nước ấy. Ở phía bên kia, dường có ai vừa lội xuống bến, tiếng nước khua như tiếng cá quẫy. Nhưng nhìn kỹ thì chẳng thấy ai. Một lúc lại nghe có tiếng thở dài từ bến nước bên kia vọng lại. Tôi lật đật đứng lên. Bóng đám vừng vẫn dập dềnh trong nước, lúc dài ra lúc thu ngắn lại trông tựa tay chân con người đang co duỗi trên dòng suối. Với tôi, ma Xoát là chuyện hoang đường. Nhưng lúc ấy, những hình ảnh quái dị đang diễn ra nơi dòng suối khiến tôi không thể không nghĩ đến lũ ma Xoát. Cố kiềm chế nỗi sợ, tôi căng mắt ra nhìn, và thử lắng nghe. Thì ra, đúng là có tiếng người trò chuyện ở phía bờ bên kia: ”Cho nó ăn con trâu thì nó thả con ra, mẹ biết mà, tổ tiên nó không có máu, nên đẻ ra nó là con ma thèm máu”… Tôi nhảy bừa xuống nước, bươn bả lội về phía bến bến kia. Bấy giờ tôi bỗng thấy tin những điều bà Dên thấy trong mơ. Là Liêu đã trở về thật. Dẫu đó là hồn ma bóng quế, tôi cũng phải gặp Liêu cho bằng được. Cho tới lúc tôi đã leo lên cái gọp đá chỗ bến nước bên kia, bà Dên vẫn còn trò chuyện với Liêu. Từ hôm Liêu mất, cứ năm ba hôm bà Dên lại đem quần áo cũ của con gái ra suối giặt. Con Liêu nó đi rồi. Bà nói, khi biết có tôi đến. Tôi chẳng buồn nói là mình đi đâu về. Cứ lặng lẽ cùng với sự lặng lẽ của bầu trời đêm núi Đưng.

 

 

31/ Lẽ ra phải đợi đến lể đâm trâu cúng ma Xoát cho Liêu, nhưng sáng hôm ấy ông bà Dên đã đem rượu cần ra uống. Đây là uống mừng trước. Ông bà Dên nói. Ngoài ông bà Dên với tôi, còn có mấy người già ở mấy nhà bên. Lúa trên nương đã chín gần hết. Tuốt lúa xong là làng sẽ cùng nhau giết trâu để cúng cho Liêu. Có con Liêu kể Giót nó mới hiểu, có con Liêu mới dẫn nó đi chỗ này chỗ nọ. Mấy người già vừa uống rượu vừa chuyện trò nhau. Bọn họ nói về mối quan hệ giữa Liêu và tôi. Nó trong cuộc chuyện của bọn họ chính là tôi. Ông Dên vít cần rồi buông cần, nhìn tôi nhoẻn cười. Uống mừng cho em nó đi. Bà Dên nói, trao cần rượu cho tôi. Làm như thể tới lễ đâm trâu cúng ma Xoát thì Liêu trở về. Ở đây là uống mừng trước việc Liêu trở về. Ở trong nhà, tôi biết là ông bà Dên chẳng hề nghĩ ngợi gì về mối quan hệ thân thiết giữa tôi và Liêu. Những người ra đường còn thích ở trần mặc váy và chưa bao giờ ra khỏi núi Đưng, như ông bà Dên, thì chẳng đời nào nghĩ đến chuyện con gái mình lại đi phải lòng một anh nhà nghiên cứu là tôi, mà theo bọn họ là rất tài giỏi. Là đoạn nào trong sử Giót? Tôi rất đỗi bất ngờ vì chưa bao giờ thấy ông Dên hát Giót. Một người mà khi   con gái chết thì dấu kỹ những giọt nước mắt để đêm đến thì để cho nỗi đau trào lên trong hơi thở, một người ai cũng tưởng đã khô cạn xúc cảm trong lòng, giờ bỗng cất tiếng hát vui như ánh nắng ban mai. Vẫn thứ ngôn ngữ cổ kính tôi đã từng nghe. Thứ ngôn ngữ khiến ta không muốn nghĩ cũng phải nghĩ, nghe chẳng hiểu gì cả nhưng cứ thấy là như đã hiểu. Không biết ông Dên hát đoạn nào trong sử Giót, nhưng nghe ông hát cứ thấy như có tiếng nước vỗ vào khe đá, như có ai đang đi trên con đường rừng…Uống mừng cho em nó đi. Bà Dên lại giục tôi. Quả tình là cả ông Dên lẫn bà Dên đều đang vui. Chẳng ai nói ra là sắp tới Liêu sẽ trở về. Nhưng qua niềm vui của họ tôi biết là họ đang tin chắc rằng Liêu sẽ trở về trong lễ đâm trâu sắp tới. Mấy ông bạn đến uống với ông bà Dên cũng đang rất vui. Có con Liêu hát Giót nghe mới hay. Có con Liêu mới kể được Đlung và Hơ Mia. Bọn họ bàn luận về Liêu như thể là Liêu sắp quay về. Ông Dên dường như đã say, ông buông cần rượu, nhìn mọi người, khóc. Mình biết mà, cứ đem miếng thịt trâu máu me nhét vô bụng nó…Ông Dên nói, nước mắt chảy trên hai gò má. Những nước mắt vui sướng. Tôi chẳng uống bao nhiêu, nhưng cũng thấy phấn khích trong lòng. Tự dưng thấy muốn đi hang Trớt. Bà Dên hỏi tôi đi đâu khi trông thấy tôi rời khỏi ché rượu cần, bước ra cửa. Nó đang vui, muốn đi đâu kệ nó. Tôi nghe mấy ông bạn của ông bà Dên nói lúc đã xuống khỏi nhà sàn. Đầu óc tôi còn đang nghĩ lung tung thì đám rừng cây muồng đã hiện ra trước mắt. Cho đến khi đã đứng giữa rừng cây âm u trước hang núi ấy tôi vẫn còn tự hỏi mình đi đâu đây.   Chẳng có câu trả lời nào. Chỉ thấy gương mặt Liêu càng lúc càng rõ hơn trong trí nhớ. Liêu ngồi ở đó đăm nhìn về quá khứ để giảng cho đám học trò của mình nghe về cuộc hôn phối như có vẻ tình cờ của tổ tiên, còn tôi thì vừa ngóng cổ nghe vừa nghĩ đến một cõi sinh diệt nào đó tự chốn cổ xưa. Lần đầu tiên tôi gặp Liêu thế đó.   Ký ức tựa ngọn gió vô tình thổi đến đó thì làm rung rinh những chiếc lá trên cây. Rừng muồng trước cửa hang Trớt đang mùa không có hoa. Lũ chim thì dè xẻng từng tiếng kêu. Đừng tưởng chốn vắng tiếng chân người thì chúng tha hồ ca hót. Trên đầu tôi, nơi các vòm cây, đám chim đỏ mỏ đang lặng lẽ rượt đuổi nhau. Dường lũ chim đa tình cũng biết rõ đấy là chốn đất thiêng. Là lúc khác, chắc cũng khó có chuyện mỗi mình tôi dám vạch gai gốc chui vào hang núi ấy. Không phải bao nhiêu bận tôi cùng Liêu đứng lặng nhìn rừng muồng âm u rồi cùng quay về đó sao. Nói vạch gai gốc chỉ là một cách mô tả. Thực ra đám muồng   mấy trăm năm tuổi đã che khuất hết ánh mặt trời, chẳng mấy loài dây gai sống nổi dưới tàng cây của chúng. Chẳng mấy chốc tôi đã vẹt được đám dây gai yếu đuối, cái hang núi đã hiện ra. Sau này nhớ lại tôi vẫn còn thấy rõ tâm trạng mình lúc ấy: Cứ nghĩ là nhất định   sẽ trông thấy một điều gì đó liên quan đến Liêu. Càng vào trong, hang núi càng lớn rộng ra. Ánh sáng có bớt dần nhưng vẫn đủ để nhìn thấy các thứ. Rong rêu và các loài thạch thảo mọc đầy bốn phía vách hang. Tổ tiên người núi Đưng quả có lý khi đem nhốt lũ ma Xoát vào chốn âm u lạnh lẽo này. Tôi có lấy làm thích thú khi nghĩ đến điều này. Đã bắt đầu nghe thấy nước ở nơi trần hang nhỏ xuống người tôi lạnh ngắt. Và dưới chân tôi cũng nhớp nháp những nước. Là đang giữa trưa. Nhưng ánh sáng trong hang như sắp buổi hoàng hôn. Gió thì lúc có lúc không, cứ thấy lành lạnh tựa đang giữa đêm khuya. Bấy giờ tôi có cảm tưởng như đang bước đi trong một cơn mơ đầy hứng thú. Cho đến lúc thấy thấp thoáng ở đằng trước như có ai đứng chặn lối vào hang tôi mới giật mình dừng lại. Có lẽ rượu cần của ông bà Dên tới lúc đó mới ngấm nên tôi mới có đủ can đãm đứng   nhìn. Không phải người. Mà tượng người bằng đá. Ở từ xa tôi đã quyết đoán đó là một công trình điêu khắc đá ai đó đã đem cất vào hang núi. Như nhà khảo cổ vui mừng trước một cổ vật bất ngờ được phát hiện, tôi chạy ùa tới chỗ tượng đá. Khi đã gỡ bỏ các thứ giây leo và rong rêu, các chi tiết của tượng đá đã hiện rõ, tôi mới thấy hoảng. Là tượng ma Xoát ư? Bấy giờ tôi cố định thần xem thử có phải rượu cần của ông bà Dên đã làm mụ đầu óc mình hay không. Cứ nhắm mắt lại, rồi mở ra, tôi làm vậy thật nhiều lần, nhưng lần nào cũng trông thấy như thế. Một người đá đi bằng đầu. Mắt tôi hoa lên. Và, dường như con ma đá đang vặn mình tiến về phía tôi. Sau này nhớ lại tôi vẫn còn thấy rõ hình ảnh thảm hại của tôi lúc đó. Bấy giờ là tôi đổ ập xuống hang núi, và như chỉ còn trông thấy một bầu trời u tối. Nhưng có phải đấy là vị thần mang trái tim quỉ trong Bài Ca Trước Mộ của ông Nư Năng? Chẳng hiểu sao trong cơn hoảng sợ tôi lại còn nghĩ được con quái vật bằng đá là có liên quan với sử Giót. Cho đến lúc tôi lơ mơ thấy mình và Liêu cùng ngồi trong huyệt mộ thì nghe có tiếng hát của ông Nư Năng :

Hỡi những người núi Đưng thân thiết của ta chớ nghĩ ngợi

bỡi anh em đã ra khỏi giống vật khôn hơn hết thảy

các giống vật   ở trần gian

đây là những lời thốt ra tự đáy lòng ta

Chớ nghĩ ngợi hỡi những người núi Đưng thân thiết của ta

bỡi nơi anh   em đến

không có cả ánh sáng không có cả bóng tối

không có cả lãng quên không có cả không lãng quên

không có cả cái có không có cả cái không có

Còn đây là Giót mách bảo ta

là lũ người Xoát đã hóa thành sắt đá

chôn vùi dưới mặt đất của người núi Đưng

Nhưng Giót lại bảo

một ngày nào đó loài người sẽ biến thành sắt đá biến thành

ngọn lửa thiêu cháy cả mặt trời

là giống vật khôn hơn hết thảy các giống vật ở trần gian

loài người sẽ biến ánh sáng thành bóng tối sẽ biến bóng tối thành ánh sáng

sẽ lấy cả bầu trời lẫn mặt đất làm của cải của mình

loài người giàu có sẽ tắm bằng thứ rượu quí giá nhất trần gian

và ngợi ca chính mình cho đến lúc chẳng còn lời để ngợi ca

bỡi làm bằng nước mắt của Giót loài người sẽ sỉ vả nỗi thống khổ của mình

cho đến lúc chẳng còn lời để sỉ vả

để xua đuổi thống khổ

loài người sẽ tắm bằng máu của chính mình

vừa tắm bằng máu của mình vừa hát những lời thân thiết nhất trần gian

Ta phải nói cho anh em biết điều này nữa

bỡi Giót đã mách bảo ta

rằng một ngày nào đó

loài người sẽ tự biến mình thành những vị thần mang trái tim quỉ

và tự sát hại trần gian của mình

 

Ông già Nư Năng cứ ngồi yên trước mộ của tôi và Liêu mà hát.

 

 

32/ Tôi bỏ việc khoa cử lên cao nguyên nằm lại Tây Trường Sơn theo sử Giót suốt bao nhiêu ngày tháng, và cuối cùng cũng vào được hang núi Trớt, tận mắt nhìn thấy hình ảnh ngược của con người .

 

 

Nam Tượng-Qui Nhơn, 2003-2017 

Leave a Reply

Your email address will not be published.