ở miền đất ấy [16]


Đã đăng Ở miền đất ấy
[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10][11][12][13][14][15]

 

16/ Tôi nói là mình lên rừng để tìm tư liệu cho một cuốn sách. Ông ấy nhìn tôi, tỏ ra không tin. Ta cũng đang đi tìm đây. Ra khỏi lòng mẹ là ai nấy đều bắt đầu một cuộc tìm kiếm. Ông ấy nói. Còn tôi thì ngồi nghe. Theo lời yêu cầu của tôi, ăn cơm trưa xong, người thanh niên tên Nhiên đã đưa tôi đến suối Rưng gặp ông Phác, cậu anh ta. Đến nơi, anh ta liền quay lại trạm thủy văn. Cũng như người thanh niên tên Nhiên, ông ấy cũng chẳng hỏi tôi từ đâu đến, và tìm ông là có việc chi. Tôi nhắc lại là mình đang tìm tư liệu cho một cuốn sử truyền miệng của người núi Đưng, và rất cần nhiều nguồn cung cấp. Ông Phác nhìn tôi, cười. Ở thành phố đó, ta là thần tượng của hội họa, và coi như cũng đã được chép thành pho sử truyền miệng. Ta sống ở thành phố đó gần mười năm. Ta có phòng vẽ riêng. Có cả một đám người tuổi trẻ ngưỡng mộ ta. Ta vẽ. Còn bọn họ thì ngày ngày đến để ca ngợi tranh vẽ của ta. Ông Phác nói. Còn tôi thì ngồi nghe. Từ lúc có tôi, bàn tay ông vẫn không rời khỏi cát sỏi nơi lòng suối. Nước suối Rưng đã cạn từ lâu. Chỉ còn những cát sỏi đang bày nơi lòng suối. Vừa nói, ông vừa lựa những hòn sỏi ra khỏi cát. Tôi cứ muốn hỏi ông làm thế để làm gì, nhưng lại thôi, vì không muốn làm gián đoạn câu chuyện kể của ông. Tranh của ta hầu hết là vẽ ngựa. Không như các họa sĩ Trung Hoa, vẽ ngựa để thể hiện vẻ đẹp của ngựa, kiểu con ngựa dẫm hoa trở về móng còn thơm. Ta vẽ ngựa là để làm hừng lên nét kiêu hùng của một loài sinh vật đã cùng loài người tham gia chinh chiến. Ngựa của ta có con trên đường đến trận mạc, có con đang vào trận mạc, có con từ trận mạc trở về. Có những bức ta vẽ cảnh ngựa ngã xuống hàng loạt trên chiến địa. Phải vẽ cảnh chết nhiều như thế mới làm lộ ra chất kiêu hùng của loài ngựa chiến. Khi có những bài báo ca ngợi tranh ngựa của ta chẳng kém tranh ngựa của danh họa Lý Long Miêu thời Tống, Trung Hoa, ta liền làm thêm tượng về ngựa. Đám khách nước ngoài đã đổ xô đến mua tượng ngựa chiến của ta. Những lời ngợi ca ta tiếp tục xuất hiện trên báo chí. Còn tiền bán tranh bán tượng thì ta dùng vào việc mở mang phòng vẽ cho to lớn hơn. Không phải ta chỉ ngồi ở phòng tranh của mình để vẽ. Mà còn được ngồi ở nơi để phán tài cao thấp của lớp họa sĩ trẻ tuổi hơn ta. Danh ta lan ra cả nước. Cho đến một hôm  ta nằm mơ thấy đám ngựa ta đã đưa vào tranh và nặn thành tượng. Con nào mình cũng đầy máu me. Chúng bảo ta có được như hôm nay là nhờ lũ chúng, và đòi chia một nửa những gì ta có được. Ta có phần bối rối. Những lời ngợi ca thật ra là của người khác. Còn tiền bán tranh tượng, lúc ấy cũng chẳng còn đồng nào. Ta xin chúng hoãn lại một thời gian để ta xoay xở. Bọn chúng bỗng cất tiếng cười to. Để xem lũ người trần gian của ngươi còn bày những trò chi nữa với nắm xương tàn của bọn ta. Hôm nay đến là để đổi chỗ cho ngươi đây. Chúng thét lên, như sắp xảy trận mạc. Ta thức dậy, nghe mồ hôi ướt đầm áo. Không phải sợ chết. Mà hoảng hốt, vì bấy lâu vẫn lầm tưởng là ta đã tìm được một chỗ đứng giữa trần gian, chẳng gì lay chuyển nổi. Tôi hỏi có phải vì thế mà ông đã lên rừng để tìm một chỗ đứng khác cho mình. Không, ta còn đến bao nhiêu nơi nữa, trước khi lên đây.Ta ra hòn đảo ấy. Và đã gặp tiên. Ông Phác nói, tay vẫn tiếp tục làm công việc lựa những hòn ra khỏi cát. Thật sự, đấy là đãi vàng? Hay là để tìm nguồn sáng tạo? Tôi chẳng dám hỏi, vì ông đang hứng thú kể chuyện gặp tiên cho tôi nghe. Đấy là cô gái tên Duyễn, con nhà làm nghề cá ở đảo Cỏ. Ông Phác ra hòn đảo ấy vào mùa nồm thổi. Tương truyền, ông tổ của dân đảo Cỏ cũng đến vào mùa nồm thổi. Ông tổ ấy vừa đặt chân lên hòn đảo thì tất cả những quạnh hiu trên đảo bỗng biến thành những nàng tiên nữ có gương mặt tươi vui như buổi sớm mai trên biển cả. Dân đảo Cỏ là sự kết hợp giữa quạnh hiu và máu của người trần thế. Rời thành phố ấy là ông Phác vứt bỏ hết những gì có liên quan đến hội họa. Nhưng khi ra đến đảo Cỏ , nghe chuyện cũ, ông quyết thể hiện lại bằng sắc màu sự kết hợp kỳ diệu kia. Mực màu là mài từ đá san hô lấy ở ghềnh đá. Cọ vẽ là cành cây. Giấy vẽ là áo đương mặc của ông. Mặt trời vừa nhô lên biển cả là ông Phác ra ngồi ở ghềnh đá phía đông hòn đảo. Sáng nào cũng vậy, lúc ông đã yên vị nơi ghềnh đá, Duyễn lại mang ra cho ông ấm nước nấu đọt vừng, thứ lá duy nhất ở đảo Cỏ vừa làm rau vừa làm trà uống. Ông ra đảo Cỏ trọ ở nhà Duyễn. Bữa cơm sum hợp chỉ xảy vào buổi tối, khi cha mẹ anh em Duyễn đi thuyền cá đã về. Bữa cơm trưa nào cũng chỉ có ông và Duyễn. Có hai người, có nghĩa không còn quạnh hiu. Nhưng trên khuôn mặt Duyễn ông thấy như lúc nào cũng phảng phất niềm vắng lặng được lưu truyền từ nỗi quạnh hiu cố cựu. Nào ai biết duyên do nào, ngoài ba mươi tuổi Duyễn vẫn chưa lấy chồng. Và cũng nào ai biết trong lòng Duyễn có nảy ra cái ý nghĩ rằng việc ông ra đảo để gặp Duyễn là do duyên trời. Cho nên, vào những bữa cơm chỉ có hai người, ông thường hay bắt gặp trên khuôn mặt vốn buồn của Duyễn những lấp lánh của niềm vui. Vào các buổi sáng, lúc mang trà đọt vừng ra cho ông, Duyễn thường ngồi lặng nhìn những đám cỏ nồm đương trỗ hoa nơi ghềnh đá. Trên hòn đảo chỉ có mỗi loài cỏ nồm tương truyền là do ông tổ dân đảo đã mang ra vào mùa gió nồm ấy. Hoa cỏ nồm tươi vui như ánh mặt trời buổi sớm. Nhưng Duyễn lại hay dấu tiếng thở dài mỗi lần nhìn loài hoa ấy. Vào một chiều ở nơi bãi ghềnh phía tây hòn đảo, ông vừa xong nét vẽ cuối cùng chân dung nàng tiên hiu quạnh, ngồi mỉm cười với ánh hoàng hôn đương sửa soạn buông xuống biển khơi, thì có tiếng thở nhẹ phía sau ông. Ông quay lại thì thấy Duyễn đang đăm đắm nhìn chân dung nàng tiên hiu quạnh. Chẳng có chỗ nào là không giống em. Duyễn nhìn ông, nói, mắt lấp lánh niềm vui của màu hoa Cỏ. Ông cũng nhìn Duyễn, và cứ thấy hoảng hốt ở trong lòng. Vào một sớm tinh mơ nơi bãi ghềnh phía đông hòn đảo, Duyễn đã tiễn ông về lại đất liền. Em cứ giữ lại bức vẽ này. Ông nói, và trao cho Duyễn bức vẽ nàng tiên hiu quạnh. Rồi hôn lên môi người con gái ấy, và bước vội lên thuyền. Ta không dám ở lại nơi đó, vì đã lỡ chạm vào chỗ thiêng liêng của hòn đảo. Ông Phác kết thúc câu chuyện ông gặp tiên bằng câu ấy. Tôi hỏi có phải là ông đã cảm thấy sợ hãi ông tổ dân đảo Cỏ hay không. Ông Phác nói nếu nói là sợ hãi thì có rất nhiều thứ trên đời khiến người ta sợ hãi. Tôi hỏi có phải sau khi rời hòn đảo thì ông lên rừng. Ông Phác bảo là ông đã lên rừng, nhưng không phải là rừng núi Đưng. Ta đã theo đám người đi đãi vàng lên khu rừng thuộc thượng nguồn con sông ấy. Một ông bầu mang theo một đãy bạc đầy, và dẫn theo đám đệ tử gòm những thằng con trai rất khỏe chuyện đánh đấm. Ông bầu bỏ tiền ra mua bến bãi. Ban ngày đám đệ tử của ông xuống sông đãi vàng. Đêm đến thì bọn chúng ăn nhậu, và ngủ với gái điếm ở cái thị trấn nhỏ trên rừng ấy. Vàng thì chưa được hột nào. Nhưng cái túi bạc của ông bầu thì có vẻ đã vơi. Có lẽ để cho chắc ăn, vào một đêm có mưa gió, ta đã chứng kiến cảnh đám đệ tử của ông cắt cổ ông để lấy cái túi bạc đã vơi kia. Cắt cổ ông bầu xong, bọn chúng kéo đi hết. Còn ta thì lấy máu của ông ta để viết ngày tháng lên hòn đá làm bia mộ cho ông. Ta theo đám người tìm vàng kia lên núi rừng là để chiêm nghiệm thêm sự quạnh hiu. Nhưng chôn cất ông bầu xong, ta đã rời rừng núi đó. Tôi hỏi thế thì do đâu ông lại lên đây làm công việc đãi vàng. Tôi  hỏi chỉ cho có hỏi, chứ thật ra bấy giờ cũng chẳng biết có phải ông đãi cát tìm vàng hay không. Ông Phác lặng lẽ đứng lên đi lấy chiếc ba lô vải đặt ở gần đấy. Mặt trời sắp khuất. Tôi cũng đứng lên. Thằng cháu ta trốn mẹ, theo ta, chỉ mang theo mỗi cái ba lô vải đó. Ông Phác vừa mang ba lô vào vai, vừa nói. Tôi nói lúc trưa mình cũng có nghe cậu ta kể chuyện đó. Ông ấy hỏi là tôi có thấy đám tượng thú rừng của cậu ta hay không. Tôi bảo có, tượng nào cũng giống như thật. Thằng cháu ta được cái là nặn tượng rất nhanh, mỗi ngày nặn đến mấy chục tượng voi tượng gấu. Năm mười hôm thì tay buôn đồ cổ lại lên đây. Đất sét để nặn tượng ở núi rừng này nhiều vô khối. Chỉ lo một ngày nào, lũ thú rừng tìm đến xé xác nó. Ông Phác nói. Tôi bảo là khó có chuyện kỳ diệu đó xảy ra. Ông ấy bảo là trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra hết. Tôi liền quay lại chuyện đãi vàng, hỏi làm theo cách ông đang làm thì liệu có tìm được vàng hay không. Cứ nghĩ là tìm được. Phải tự huyễn hoặc mình để sống. Ông Phác nói. Rồi mang chiếc ba lô rỗng không bước đi, chẳng nửa lời từ biệt tôi, cũng chẳng nửa lời hỏi tôi sẽ đi đâu, về đâu.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.