Những vầng trăng bặt dạng/Dưới bóng những cô gái tuổi hoa/Cuộc ngẫu hợp

Lại đây, Suleiman! Hát cho tôi nào,
Và đem rượu lại đây, mau!…
Trong khi bình rượu lấp lánh,
Rót một ly để tôi quên
Sầu – đừng để cho tôi phải nghe tiếng chát chúa
Của tu sĩ nhắc giờ tụng niệm đấy nhé!
Em cứ chất đầy tội lỗi đi, bao nhiêu cũng được,
Thượng Đế sẽ bớt thịnh nộ em đừng sợ.
Tới ngày đó em được tha thứ
Trước mặt Thượng Đế toàn năng và chí từ
Em cắn ngón tay và ân hận trước kia đã từ bỏ
Những thú vui chỉ vì sợ lửa Địa ngục (*)

chúng tôi nghe như có tiếng ngâm nga của Abu Nuwas
nhà thơ của rượu và tình ái

tôi và nàng là đang thử đi trên con đường Hồi Giáo A Rập đã đi trong cuộc xâm lăng hồi những thế kỷ trước

thanh gươm và yên ngựa
và kinh Qur’an [Koran]
và chúng tôi biết
trong sa mạc và các thánh địa phương đông, ở Mecque, hay Médine, các thi sĩ và các triết gia thi nhau diễn tả các nghi thức đạo Islam [đạo Hồi] lẫn đạo ái tình
phong cách kỳ dị  truyền qua châu Phi, Ai Cập, rồi từ Ai Cập qua đảo Sicile, [Ý], qua bán đảo Iberia [Tây Ban Nha]  qua  xứ Gaul [Pháp] có  bao nhiêu trái tim tan vỡ khi nghe những vần thơ nhịp nhàng của biết bao ngôn ngữ

và chúng tôi cũng biết
vào một đêm năm 610 [tây lịch] một mình trong hang núi Hira, gần thánh địa Mecque, ông ngẩng đầu lên nhìn thấy thánh Gabriel
này Mahomet, con là sứ giả của Allah
thánh Gabriel  nói
và từ đấy Mahomet là giáo chủ Islam thờ đấng tối cao Allah
là đằng đẵng cuộc trường chinh

vó ngựa của Mahomet và của đám môn đồ Mahomet diễu qua các miền đất Á châu Phi châu, vượt eo Gibraltar và dừng lại ở Iberia, [Tây Ban Nha] mỏm cực tây Âu châu, mang theo những nhà khoa học toán học và thiên văn học, mang theo những triết gia, thi gia, những vì vua [nhân từ có, tàn bạo có] với các triều đại Omeyyade ở Damas[Syria] và Abbasside ở Bagdad [Ba Tư] mang theo các  nền văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, Hy Lạp, La Mã
Al-Ghazani viết Tahafut al-Filasifa [Thủ tiêu triết học] chỉ trích lý trí, đề xuất phép biện luận siêu nghiệm
Averroès dịch và chú giải Aristote bằng ngôn ngữ A Rập, chủ trương hòa giải triết học và tôn giáo
bảy trăm năm con đường Hồi Giáo A Rập
một cuộc hòa trộn ngẫu nhiên
khoa học sơ kỳ Hy Lạp La Mã  hòa trộn với huyền học phương đông
Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo hòa trộn với Hồi Giáo
phương tây châu Âu bỗng sáng lên  một cuộc văn minh mới

tàn bạo và vũ bão
chúng tôi biết
đó là lưỡi gươm và con đưởng của Hồi Giáo A Rập
nhưng có vẻ đấy chẳng phải nền tảng của cuộc chinh phục của Islam

A! Râu ta đã quét bực cửa tửu điếm!
Ta đã từ bỏ, bất chấp cả cái thiện lẫn cái ác ở hai thế giới;
Nếu chúng rớt xuống đường phố ta như hai trái banh,
Thì em sẽ thấy  ta vẫn ngủ say vì men rượu.
Muốn nhịn gì thì nhịn, chứ đừng nhịn rượu,
Ngon nhất là thứ rượu mà các mỹ nhân ngà ngà say rót cho mình trong một tửu đình…
Không gì sung sướng bằng một tên say rượu, một khất  sĩ lang thang,
Không gì bằng uống từ Mah tới Mahi(**)

đấy, Omar Khayyam, nhà thiên văn học, nhà toán học, nhà thơ A Rập đã viết thế trong tiến trình chinh phục thế giới của Hồi Giáo A Rập của ông
dường như,  đấy, con đường Hồi Gíao A Rập, là niềm kiêu hãnh, hay niềm cảm hứng, một thứ kiêu căng sử lịch của những kẻ đang bước đi trên con đường của Allah
không chỉ có máu thôi bạn ạ
mực của nhà bác học còn linh thiêng hơn máu của người tử vì đạo

con đường của những kẻ Allah đã ban phước không phải là con đường của những kẻ chống lại kẻ giận dữ cũng không phải con đường của những kẻ sai lầm[Kinh Qur’an, Chương 1: Sự khai mở, Đoạn 7] (***) 

phương tây châu Âu bỗng sáng lên với cuộc ngẫu hợp khôn lường

 

 

(*)thơ Abu Nuwas, nhà thơ người Ba Tư (756–814)-trích  Lịch sử văn minh A Rập của Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch 
nguồn: https://downloadsach.com/sach-lich-su/lich-su-van-minh-a-rap.html#trial

 (**) thơ Omar Khayyam, nhà thơ người Ba Tư (1048-1123)- trích sách trên
(***)The path of those You have blessed, not of those against whom there is anger, nor of those who are misguided
[Qur’an, Chapter 1: The Opening (al-Fatihah), Section 7 , Translated to English by Talal Itani, Published by ClearQuran]

nguồn: https://www.clearquran.com/downloads/quran-in-modern-english.pdf