những tin tức về một ngôi làng [mười ba]

13/thật ra, kể từ hôm con người tìm ra lửa, thứ vật thể này đã mang trong mình bi kịch không bao giờ giải nổi, làm cháy lên cả những sự thật lẫn những lầm lẫn, cháy lên, và những cuộc trầm luân, câu chuyện họ Dương ở làng tôi là thứ tin tức luôn làm cháy lên trong lòng người đời sau ngọn lửa muốn đốt sạch những cung cấm huy hoàng cùng  những thuyết minh luôn che đậy mầm thối rữa của các triều đại, không phải chỉ người đi nhiều học rộng, mà ngay cả người không biết đọc sách là gì, buổi chiều hôm, gác cây cày vào hiên hè, sau một ngày làm lụng trên đồng làng, bữa ăn cuối của ngày có đông đủ vợ con, trong cuộc đoàn tụ như thế không thể không chạnh lòng về cái chết của một người như thể một ví dụ tối đa về niềm thống khổ, họ Dương mất vào cuối thế kỷ mười tám, lai lịch của người nằm dưới ngôi mộ  ở mé con đường ngang qua đồng làng tôi, nhưng cũng chỉ là thứ lai lịch truyền miệng, theo lời truyền, có lúc người ta đã đọc thấy những lời ấy trên bia mộ của kẻ chết đường, nhưng chuyện có bia mộ hay không chẳng còn quan trọng, những trăm năm qua, trong lòng người làng tôi vẫn đinh ninh người nằm dưới mộ là  họ Dương, nhưng những lũ lụt trong các thế kỷ luôn làm xói mòn con đường ngang qua đồng làng, ngày nay xương cốt  họ Dương có còn nằm ven con đường này hay không chẳng ai biết,  ngày nay người ta chỉ áng chừng thế này: mộ ông ấy là ở chỗ này này, xương cốt người chết [cũng chỉ còn trong ý nghĩ] dịch chuyển theo con đường ngang qua đồng làng theo ý nghĩ người làng, cuộc dịch chuyển từ thân xác sang khái niệm như thể đang đề xuất với trần gian một cách nghĩ khác về sự tồn tại của con người, họ Dương làm lính cho chúa Nguyễn, ở kinh, khi Tây Sơn dấy binh thì biệt tích, trong hồ sơ gia phả làng tôi có một ghi chép ngắn về họ Dương, câu “khi Tây Sơn dấy binh thì biệt tích” chứng tỏ ghi chép chỉ được thực hiện khi nhà Tây Sơn không còn nữa [chứ làm sao người ta dám nói một lời như thế khi còn đương triều Tây Sơn] nhưng vì sao làm lính cho chúa Nguyễn ở kinh lại chết ở quê nhà, nhất định là người làng tôi đã nghĩ ngợi [rất nhiều] về cái chết ấy sau khi tìm thấy ghi chép về con người ấy, có thể, vào lúc triều Nguyễn đã an định ở kinh đô Huế, vào một đêm mùa đông, ở  làng tôi, có người đọc sách nào đó ngồi ở trong nhà nghe mưa gió ngoài trời, giọt nước mái tranh, và giông sấm, trang sách hay là mưa đêm đang thu nhỏ thế gian vậy nhỉ, kẻ đọc sách bỗng đặt chân lên những ngả, nếu là dừng lại  bên con suối  rừng, thời loạn, tiếng con cá quẫy dưới dòng cũng khác trước, nhưng nếu là dừng chân nơi xóm nhỏ, đã  khuya, nhưng đèn nhà ai còn sáng, ghé vào, nghe tiếng  bàn luận về  một triều đại sắp đổ, đánh một giấc vì mệt, sáng ra lại thấy mình đang nằm trên nấm mồ ai, nhưng cây xương rồng đang trổ hoa trước dinh thự của ai vậy nhỉ, loài cây cỏ vô tri bỗng trở nên biểu tượng của cao sang [cũng giống như có một thời một vị quan triều mua một cây lộc vừng vốn là giống mọc hoang theo bờ sông suối người quê hái lá đọt làm rau, đến mấy nghìn đô la Mỹ] trước là dinh ngài thống binh của chúa Nguyễn, nhưng giờ là dinh của ngài đô thống của chúa Trịnh, kẻ này vốn là lính  cũ nay chuyển sang làm lính mới, có tiếng đàn từ trong nhà vọng ra, rõ ràng người đang trò chuyện là đang mặc áo lính của họ Trịnh, kẻ đọc sách ngẫm nghĩ, rồi nhắm mắt cố quên đi cuộc bể dâu, nhưng bỗng nghe có tiếng gươm đao, mở mắt thấy làng xóm mình có chinh chiến, ơ hay, chính là người mặc áo lính chúa Trịnh kẻ đọc sách đã gặp ở kinh đã ngã chết trên con đường ngang qua đồng làng, ngã chết ở cái ngả ba máu me của lịch sử, bây giờ thì cả họ Nguyễn lẫn họ Trịnh đều là kẻ thù của Tây Sơn, biết rồi, kẻ hai lần mặc hai màu áo lính ở kinh đã chết ở quê nhà vì màu áo đang mặc là khác với màu áo của đám binh lính đang thắng cuộc, đi trốn lịch sử, nhưng trốn không được, biết rồi, đừng nghĩ ngợi nữa, kẻ đọc sách tự nhủ, rồi tắt đèn, nằm nghe mưa rơi.

 

giã  16PM  30.9.2017

Leave a Reply

Your email address will not be published.