Những đứa con thất thủ của đất [23]

tranh Marc Chagall/Nga

 

 

 

 

23/   như ai đó bỗng đem đặt làng tôi vào một hiện diện khác, từ nhà tôi sang nhà bác Bốn Chỉnh không phải băng qua khu vườn cây ăn quả mà lội qua con suối Rưng [căn lán của cha mẹ tôi ở bên này suối, căn lán của bác Bốn Chỉnh ở bên kia suối] cái cấu trúc làng có từ thời ông Thông Thống đã bị phá võ, hay nói cho rõ ra, chẳng có cấu trúc nào ở đây cả, chỉ là sự vội vã dựng lên những mái che, chỗ này là tựa vào một vách núi,, một lùm cây rậm, chỗ kia là nương theo bờ con suối, cái cách hiện diện ấy cứ như thể là trò đùa cợt của lịch sử, đùa cợt hay thách thức nhỉ: để coi thử cái đám người cày ruộng này trụ được ở đây bao lâu… chúng tôi đã bị  tước mất hết vũ khí sinh tồn, cái làng quê với đủ các cách thức để tồn tại ấy đã bị đẩy ra khỏi của chúng tôi, đang mùa hạ, nắng như thiêu đốt, lũ bò cày chưa quen với cảnh núi rừng, chúng nằm dã dượi ở khắp nơi, có vẻ lũ bò cũng giống với con người, đang chán nản với cảnh ăn không ngồi rồi, anh Bốn Lưu bắt được cá măng trên suối Rưng đem biếu, mẹ tôi kho mặn, con cá mùa nắng thiếu mồi, đấy xương xóc, mẹ tôi nuốt không vô, cha tôi bảo ăn miếng của rừng rưng rưng nước mắt là vậy, của rừng ư, chú Bảy Song, thợ rừng, sang chơi, nói chuyện núi Mun, nắng ráo thì bình yên vậy, nhưng mùa mưa bão thì núi rừng hung hiểm lắm, mùa lũ năm ấy con suối Rưng này đã cuốn mất ông Năm Cần đó,  nhớ chuyện cũ, cha tôi thở dài: trời đất to lớn vậy mà con người thì nhỏ bé quá, nghe chuyện, mẹ tôi không cầm lòng được, rưng rưng nước mắt, đêm, không còn nghe được tiếng khóc trẻ thơ, bỡi ở đây có muôn nghìn âm thanh, tiếng thác đổ, tiếng gió rít qua rừng cây, tiếng lũ thú gầm mồi… cả lũ gà nuôi mang từ nhà vào đây như thể cũng đang khiếp sợ uy lực của núi rừng, sáng ra, chỉ nghe tiếng gáy của lũ gà rừng, còn lũ gà nuôi thì không,

 

Bên bờ vịnh Cri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
10.30 AM     22.2.2022
[trong tiểu thuyết đang viết: NHỮNG ĐỨA CON THẤT THỦ CỦA ĐẤT ]