Những đứa con thất thủ của đất [14]

tranh Pablo Picasso

 

 

14/cuộc sống lúc có chiến tranh là cuộc sinh tồn vội vã, cái chết ở kề bên, và sinh hoạt xã hội có thể bị  xáo trộn bất cứ lúc nào, thì không có cái gì là có quyền hòa hoàn cả, sự sống gấp sống vội ở đây nó không phải là thứ chủ nghĩa hiện sinh của mấy ông Tây, mà là do bom đạn của cuộc chiến nó bắt con người ta phải thế, ở làng tôi, bấy giờ, đánh đôi bò cày ra ruộng cũng phải đi cho thật mau, vì đi trên con đường làng rất dễ bị máy bay oanh kích của Pháp nhìn thấy, họp chợ cũng phải diễn ra trong chốc lát vì lính Pháp có thể đi càn bất cứ lúc nào, không chờ có kỷ sư địa chất điều tra thổ nhưỡng, chỉ nghe cha tôi nói gieo hạt bông vải vào tháng chạp năm trước thì thu hoạch được bông vải vào mủa hè năm sau là cả làng tôi đua nhau trồng cây bông vải vì không thể ngồi chờ áo rách mới nghĩ đến chuyện trồng bông dệt vải, cha tôi chỉ theo cái khung cửi cũ và chiếc xe kéo sợi cũ ở nhà ngoại tôi mà đóng cho nhà tôi khung dệt với xe kéo sợi, thế là cả làng rập khuôn theo, vì không thể ngồi chờ có ông thợ mộc chuyên đóng khung cửi với xe kéo sợi, thật ra, những công việc  như vậy là còn mới toanh ở một vùng đất con người chỉ biết trồng lúa [có nghe nói ông bà tổ tiên làng tôi biết dệt vải đâu] tháng sáu, bông vải nở trắng đồng làng, theo lịch gieo trồng của cha tôi, quả làng được mùa bông vải, nhưng đó chỉ mới là bông vải, còn phải qua nhiều công việc có tính thủ công nghiệp mới có áo mặc: bắn bông, đánh con cúi, kéo sợi, nấu sợi, và cuối cùng là dệt, mẹ tôi phải giam mình trong căn phòng kín dùng cây cung [kiểu cung bắn tên] để bật dây cung vào bông vải đã phơi phong khô khan làm cho nó tơi ra, trước khi được kéo thành sơi thì thứ bông vải được sơ chế đó phải làm thành những lọn nhỏ, gọi là con cúi, cuộc chiến nó hối thúc con người ta vậy đó, đến mùa bông vải, đám con gái trong làng, đêm đêm, vác xe kéo sợi tụ tập ở sân nhà ai đó để thi kéo sợi, không phải thi để giật giải, mà để cho mau có vải mặc, rốt cuộc mẹ tôi cũng dụ được đám con gái trong làng lấy sân nhà tôi làm nới tụ tập cố định, đêm, mẹ tôi thi kéo sợi với bọn chúng, tôi làm công việc khêu đền, đánh chó, cái cuộc sống tất tả ấy cứ diễn ra trước sự hiểu biết cũng có vẻ vội vã của tôi, là tôi muốn nói đến thứ hiểu biết lẽ ra lúc bấy giờ nó chưa đạt đến mức ấy, nhưng cái hòan cảnh chiến tranh nó khiến cho sự hiểu biết của tôi nó phát triển đến mức ấy, thứ hiểu biết do trải qua kinh nghiệm, thứ mô hình hậu nghiệm của Kant ấy mà, thật ra, cái hoàn cảnh hậu nghiệm ấy là do đám con gái trong làng mà ra, cái đám con gái tuổi trăng tròn đầy quyến rủ ấy nó luôn tác động lên trí não tôi làm phát sinh không biết bao nhiêu nỗi băn khoăn, vậy thì tôi đã thực sự trưởng thành chưa, vậy thì tôi đã có quyền trò chuyện đường hoàng với bọn họ chưa, chỉ nghĩ đến việc trò chuyện thôi tôi đã thấy quá khó khăn, bỡi gọi là trò chuyện là phải nói ra điều này điều nọ, chứ đâu phải như ở trong làng đi ra đi vào gặp nhau nói ba câu bốn sợi thông thường, nói trò chuyện là phải vận dụng kiến thức chứ, mà bấy giờ thì tôi đã có liếng kiến thức gì đâu, chỉ nghĩ đến việc trò chuyện với đám con gái trong làng tôi đã thấy mình thất bại thảm hại,

 

Bên bờ vịnh Cri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
9 AM  27.1.2022
[trong tiểu thuyết đang viết: NHỮNG ĐỨA CON THẤT THỦ CỦA ĐẤT]