Những đứa con thất thủ của đất [2]

 

2/ tôi nhớ bấy giờ là mùa gió nam thổi, mùa hạ, thứ gió từ phía đất Miến đất Miên vượt qua dãy Trường Sơn mang lại thứ sức nóng ghê hồn, buổi trưa ngồi ở trong nhà mà như ngồi trên lửa, cha tôi lại chọn cái buổi trưa nóng như thiêu đốt như thế để bắt tôi nghe lại truyền thuyết về ông Thông Thống(*), chỉ là một con người chết đi rồi chỉ để lại nhúm xương tàn với một chút nhớ thương của người đời sau con ạ, cha tôi nói, cứ coi đây là cái buổi trưa quan trọng nhất trong cuộc đời cha tôi, cái buổi trưa ông muốn để lại cho đứa con trai yêu dấu của ông là tôi một chút khơi gợi có tính quyết định [như một lời trăn trối] bỡi sau đó, sáng hôm sau ngày hôm đó thì cha tôi chết, cha tôi chết nào năm bảy mươi tư tuổi, cũng thuộc tuổi xưa nay hiếm, nhưng tôi biết không phải cha tôi chết vì tuổi già, mà vì lịch sử của xứ sở đã tàn phá cuộc đời ông: một người vừa cầm cày vừa đọc sách qua mấy triều đại nắng mưa luôn phủ xuống con cò con vạc, cái buổi trưa hè  cha tôi bắt tôi phải nghe lại chuyện kể về ông Thông Thống [cả làng ai cũng thuộc] như thể một sự cố quan trọng, nó đánh động cả hệ thống kiến thức của tôi, thật ra, cho đến lúc ấy tôi mới thấy ra thứ triết học về sự thất bại tiềm ẩn trong những quyết định của con người, chỉ là một con người nhỏ bé nhưng lại làm nảy sinh cái ý nghĩa nhân sinh to lớn có vẻ như một kinh nhiệm máu xương của nhân loại con ạ, cha tôi nói về ông Thông Thống, người theo truyền thuyết là ông tổ lập đất lập làng, làng tôi phía nam giáp núi Mun, phía bắc giáp sông Rư, phía đông nhìn theo cánh chim bay thì thấy ngọn tháp tiền tiêu của kinh thành Vijaya đứng buồn bã nơi một góc trời, theo truyền thuyết, ông Thông Thống đứng dưới chân núi Mun nhìn trời đất một hồi thì nảy sinh cái quyết định có tính định mệnh ấy, ông đã trải qua không biết bao nhiêu núi non sông suối ruộng đồng không hiểu sao đến lúc đó, khi đứng dưới chân núi Mun nghe chim trăm trâu kêu [trăm trâu khó cột…trăm trâu khó cột/tiếng kêu của chim trăm trâu đã được diễn ra tiếng người] thì quyết định dừng lại ở đó, điều cốt tử của cuộc đời một người là khi nảy ra cái quyết định quan trọng như  buổi trưa này ta quyết định  là con phải nghe lại truyền thuyết về ông Thông Thống, cái cách so sánh của cha tôi, ông nói quyết định tôi phải nghe lại chuyện ông Thông Thống  giống như quyết định dừng lại ở chân núi Mun của ông Thông Thống, nghe ra có vẻ như một thứ triết học về quyết định luận,  ồ giữa lúc thế giới xôn xao về những thứ còn mới toanh: toàn cầu hóa, số hóa [chính phủ số, kinh tế số,chính trị số…] bọn người có chữ vỗ ngực xưng tên phun ra bao nhiêu là thứ triết luận, hàm luận [ý tôi muốn nói đến các thứ ăn nói theo kiểu dạy đời, không coi người khác ra gì ấy mà, văn chương triết học phải thế này, kinh tế chính trị phải thế kia] thì cha tôi, trước khi chết [thật ra trưa ấy  tôi không hề thấy có bất cứ thứ tín hiệu nào là sáng hôm sau  cha tôi chết] lại kêu tôi cùng ngồi với ông để ôn lại câu chuyện về một con người nhỏ bé ngày ấy đứng dưới chân núi Mun, nói, đây là làng Cù, rồi quyết định làm ra cái cối xay lúa trước khi cùng với những người đang theo ông phá rừng trồng lúa, trong mỗi quyết định quan trọng của mỗi con người luôn tiềm ẩn những yếu tố trầm luân con ạ,  cha tôi nói, tới mấy chục năm sau khi cha tôi chết, khi tôi đã học hành đỗ đạc này nọ, tôi mới lần dò ra thứ mầm mống trầm luân nó khởi lên từ những  miền bí ẩn ở trong lời,