Những câu chuyện không khúc cuối

 

 

 

thật ra cũng chỉ là cuộc chuyện   trò vội vã với thế giới

 

 

 

NƠI THÀNH PHỐ BÊN CON SÔNG CÓ CON NƯỚC NGẦU ĐỎ,

khi tôi đến nơi thì thành phố đã lên đèn, thành phố bên con sông nước ngầu đỏ luôn thấp thoáng trong trí tưởng tôi giờ đã hiện ra đầy đủ trước tôi, cổ kính cả tên gọi, Châu Khê, em là Châu Khê, bất chợt, tôi nhìn thấy nàng đang mang cả cổ kính nghìn năm, một nghìn năm, hay vài, ba. bốn mươi năm, cũng vậy thôi, thành phố vắng em, cho đến những cao ốc mới xây xong đâu hôm qua, cho đến tiếng cười trẻ thơ đang vang lên trong ngôi nhà bên kia đường, cho đến những ngọn gió sông đang thổi lại, đều cổ kính, cũng chẳng sao, cứ để cho những ký ức về nàng trở thành thứ vật thể tĩnh lặng, thì tĩnh lặng chẳng phải cổ kính là gì, để cho mỗi khi tôi chạm vào lại ngân lên những lời tâm huyết như tiếng con nước trên con sông nước ngầu đỏ,

 

 

cũng chẳng sao, cứ để cho những ký ức về nàng thành ra những tổ khúc của gió thổi qua rừng cây hôm nào tôi đã mang nàng dấu bên dưới những lớp lá mục để tránh con mắt dòm ngó của lũ ngông cuồng của thế kỷ và thổi ngang qua những vạt nắng  sớm mai vẫn đậu trên niềm vui của nàng và nàng vẫn đón tôi như thể chủ nhân của thành phố đón người viễn khách đầu tiên, những thứ như vậy, giờ bước chân lên thành phố bên con sông nước ngầu đỏ không còn có nàng, đã làm tôi hiểu ra thứ triết học của những ngọn gió giữa ngày, khi tôi đến nơi thì thành phố đã lên đèn, Châu Khê vẫn thanh thản giữa một thế giới bất trắc, vào những ngày không có nàng mi đã nhìn thấy những ai qua đây, tôi hỏi con đường phố có cây cầu nhỏ bắc qua nhánh của con sông nước ngầu đỏ, tôi đã làm khó cây cầu với con đường, thật ra, chúng tôi cũng chỉ lạc nhau chừng vài ba bốn mươi năm, ký ức tôi  vẫn còn nguyên hình ảnh những ngọn đèn đánh cá đên trên con sông có con nước ngầu đỏ, mi có còn nhớ không, ta với nàng đã ngồi nơi này để nhìn mi chuyên chở các thứ nỗi buồn trần gian ra biển, tôi đã ra tới bờ con sông nước ngầu đỏ, như thể khi nghe hỏi, dòng sông không dám đáp lời tôi, chỉ lặng lẽ trôi,

 

tôi ngồi ở bờ con sông có con nước ngầu đỏ cho đến khi cái quá khứ mấy phút trước cộng với cái quá khứ vài ba bốn mươi năm trước thành ra cái quá khứ dày đặc sự tích, làm sao một người như nàng mà chịu đựng nổi, tuổi trẻ và tổ quốc, người ta bảo em vậy, nàng nói, những nhà thuyết khách của thời đại bảo nàng là tuổi trẻ phải gánh tổ quốc trên vai, khái niệm về tổ quốc đến cả lịch sử nhân loại gánh còn không nổi, làm sao bọn họ bảo nàng phải gánh trên vai, thời người ta dễ khoác lác với nhau, trời đêm Châu Khê ẩm và buồn, cũng không hẳn vậy, có thể là do cái quá khứ dày đặc sự tích khiến tôi có cảm thức sai lệch vậy, thật ra thì không thể không nghĩ ngợi, thời một vị trưởng làng cũng có thể nói ra những lời lớn lao về tổ quốc huống hồ những kẻ tự xưng nhà này nhà nọ, bọn họ trích dẫn cả thơ cả triết học, xã hội học, nhân loại học, nói vanh vách về tương lai của một thế giới không còn ô nhiễm, giả uyên bác là cái cách của bọn ngông cuồng của thế kỷ, nhưng nói gì thì tôi và nàng cũng đã thất lạc nhau, thế giới là một cuộc thất lạc, tôi thất lạc nàng, người khác thất lạc trên quê hương mình, người khác thất lạc trên cuộc đời mình, nhưng những ngọn đèn đánh cá đêm trên con sông có con nước ngầu đỏ như thể đang nói với tôi rằng, không sao đâu, dẫu gì thì thế giới cũng đã vậy rồi,

 

rồi tôi cũng có người để trò chuyện, có người đánh cá đêm không bủa được cá, bỏ lên bờ, ông già đánh cá đêm ấy cập thuyền vào sát mé sông, rồi bước lên bờ, đến ngồi cạnh tôi, kinh nghiệm cuộc đời mách bảo tôi đó là người đang thèm trò chuyện, một kẻ là khách viễn xứ muốn đi tìm lại những dấu vết xưa cũ, một kẻ là ông già ngư phủ đang thất bại trong cuộc săn tìm thức ăn thời đương đại, cuộc gặp, cứ cho là định mệnh, nếu không phải vậy, thì tại sao tôi không gặp ai, lại gặp một người suốt gần bốn mươi nằm ở bờ con sông ấy để nghe lũ cá và thành phố của đêm, ta nằm chờ thử có ai gọi tên mình không, ông già đánh cá đêm kể đến đoạn đó thì thốt ra lời đó, có vẻ như đã được ai đó sắp đặt [hay định sẵn nhỉ] là đến lúc đó thì tôi đi đến bờ con sông có con nước ngầu đỏ, và ông già đánh cá đêm đó đến gặp tôi và sau đó là cuộc chuyện trò  với thế giới, tới lúc ông già đánh cá đêm thốt ra lời đó thì nỗi sợ hãi trong tôi đã được giải tỏa, ngay tự lúc ông bước lên bờ, đến ngồi bên tôi, nói, ta biết anh cũng đang đi tìm như ta, nhưng liệu có tìm được không, thì tôi đã có lòng hoài nghi và cảm thấy sợ hãi, một ông già đánh cá bình thường thì không thể nói ra những lời như vậy, nhưng ông ấy là ai, một nhà thông thái bất phùng thời…hăm lăm tuổi, giáo sư đại học, tới tuổi đi làm nghĩa vụ quân sự [có nhà nước nào không luyện quân đâu/lời của ông ấy] hai năm quân trường, ra trường với hàm chuẩn úy, giáo sư chuẩn úy, nhà nước Sài Gòn đổ, nhà nước Hà Nội lên thay, đi cải tạo lao động hai năm…nhờ hai năm quân trường với hai năm cải tạo lao động của hai nhà nước ta mới có thể đi làm ngư phủ, thế giới là cuộc bể dâu, bạn ạ, ông già đánh cá đêm nói, với lại cuộc sống thì như thể canh bạc quyến rủ không thể không tham dự, bác ạ, tôi nói, ta nằm ở bờ con sông này gần bốn mươi năm, đêm, nghe đủ thứ về thành phố này, nó là một thứ hậu lịch sử, tất cả đều là hậu lịch sử, ta và bạn cũng là một thứ hậu lịch sử, bạn a, ông già đánh cá đêm nói, mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ông theo ông nói là tít tận đằng phía nam con sông nước ngầu đỏ, những ngọn đèn khuya ở đó giờ chỉ còn là những cái chấm sáng mơ hồ, hậu lịch sử ư, hay cuộc tình của tôi và nàng cũng là một thứ hậu lịch sử, còn mơ hồ lắm bạn ạ, ngay cả chốc nữa đây cũng không biết chúng ta sẽ thế nào, ông già đánh cá đêm nói, nhưng nếu mọi thứ đều rõ ràng ra thì chưa chắc chúng ta đã sống nổi bác ạ, tôi nói, những lời như vậy làm động lòng nhau, chúng tôi liền kết bái làm huynh đệ, bọn ta đứa sinh ra đời trước 30 năm, đứa sinh ra đời sau 30 năm, nhưng nguyện sống chết cùng có nhau, chúng tôi thề như vậy với con sông có con nước ngầu đỏ, thề vậy cũng khó thực hiện lắm, bỡi lát nữa đây thì chúng tôi mỗi người một nơi, là Danube Bleu đó đệ, ông bạn vong niên của tôi bỗng kêu, quả tình, từ trong phố đêm đang chảy ra thứ âm thanh huyền ảo, giờ chúng ta có thể trò chuyện với thế giới được rồi đó đệ, ông bạn vong niên của tôi nói, và chúng tôi ôm nhau nhảy như điên giữa đêm Châu Khê thỉnh thoảng có con vạc đi ăn khuya ngang qua bầu trời trên đầu chúng tôi buông những lời lành lặn, thật ra không phải nhảy, chỉ là chúng tôi muốn trò chuyện với thế giới theo cách ấy,

 

mà thật ra thì chúng tôi, tôi và ông già đánh cá đêm, ông bạn vong niên của tôi, cũng chỉ là một thứ viễn khách ngang qua trần gian chốc lát nói với nhau ba điều bốn câu để chứng tỏ mình cũng là thành viên của cuộc sống cũng biết chuyện triết học của những ngọn gió giữa ngày hay chuyện đồn đãi tổ tiên loài người là loài chuột chù nhỏ nhắn, rồi lại ra đi, thật ra sau cái cách chuyện trò với thế giới bằng cách ôm nhau nhảy chúng tôi đã thất lạc nhau, ông bạn vong niên của tôi đã giong thuyền lẩn vào đám người đánh cá đêm trên con sông có con nước ngầu đỏ, ồ, cái ôm nhau lần cuối ấy rất chặt, nhưng tôi thì cứ có cảm tưởng như thể đấy là tín hiệu của chia ly, càng về khuya đèn đánh cá đêm trên sông như nhiều thêm lên, và đã khuya vậy mà con chim vạc ăn đêm vẫn còn đảo qua đảo lại trên bầu trời trên đầu tôi, và lũ dế bên dưới mặt đất dưới chân  tôi, nghe tiếng kêu vậy, tôi đoán cuộc tranh giành con mồi giữa lũ dế và loài côn trùng thông minh nào đó đang hồi quyết liệt, cuộc săn tìm thức ăn của các loài vẫn diễn ra trong cấp bách vậy sao, tôi không biết, và tôi cũng không biết tại vì sao giữa lúc cả nước đang ngủ thì một mình tôi lại lang thang trên bờ con sông có con nước ngầu đỏ,

 

 

dường những trụ đèn đường đã nhận ra tôi
xa nhau, rồi gặp lại, rồi lặng lẽ nhìn nhau
a cuộc gặp nào lại chẳng thế
tôi nói với trụ đèn đường tôi còn nhớ lần ấy tôi và nàng cũng đứng dưới sự che chở của nó cho đến quá nửa khuya
từ bờ con sông nước ngầu đỏ tôi trở vào thành phố đã quá nửa khuya
cái cách im lặng của phố khuya cứ giống với cái cách cả thế giới im hơi lặng tiếng khi nàng hoạn nạn
em, thành phố chẳng nói với tôi lời nào cả
cũng phải thôi
thành phố cũng chỉ là một khái niệm
nếu thành phố cổ xưa là khái niệm về một cuộc tụ hội có thể là ngọn cờ cho một lần văn minh nào đó của nhân loại
nhưng thành phố đương đại lại là khái niệm về chốn tranh lấn giữa văn minh và man rợ
[người ta đã có thể tổng kết ở thế kỷ này về  số lượng con người đi ngược với tiến hóa ở những thành phố lớn đương đại]
nhưng Châu Khê về đêm, có lẽ vì vắng nàng, lại có vẻ buồn
tôi cứ tưởng tưởng
nàng, vào giờ này, cũng đang lang thang đâu đó, có thể là giữa ngày, có thể là đã quá nửa khuya, cũng ngước nhìn trời như tôi, và tự hỏi lung tung

tôi ngước nhìn trời, và tự hỏi, có phải bao giờ trời đất cũng ra vẻ thờ ơ lạnh nhạt với con người
khi tôi ngước nhìn bầu trời trên đầu mấy ngôi sao đang sáng vậy bỗng mờ đi như thể chẳng coi tôi ra gì
giữa trời đất và con người là niềm im lặng tinh khiết

biết vậy nhưng tôi vẫn buồn,

 

 

biết chẳng đến đâu
nhưng tôi vẫn đứng giữa phố khuya để nói với cái thế giới vẫn ra vẻ lạnh nhạt với tôi
mi cũng chỉ là chốn cư ngụ của vạn hữu may mắn được gọi là thế giới
những con đường ngang qua mi cũng chỉ là hệ qủa khốc liệt của những cuộc săn tìm thức ăn và tranh giành thức ăn
những con đường lịch sử
cả con người và cả những sinh vật khác ngã xuống đó cũng đã quá nhiều

những cái chết đã thành văn chương triết học
nhưng mi thì lau khô nước mắt luôn giả làm kẻ tỉnh táo

để cho mọi người vẫn gọi mi là thế giới

biết chẳng xoay chuyển nổi
nhưng tôi vẫn đứng giữa phố khuya để nói ra những lời thành thật
vẫn còn nguyên những trăm năm những nghìn năm con cuốc gọi khuya
ở quê tôi con cuốc vẫn gọi khuya
thế giới vẫn cứ làm bằng nước mắt và những tiếng thở dài

không phải là tôi muốn làm cho sự việc trở nên nghiêm trọng
nhưng rõ ràng
thế giới đang trong bối rối nếu không nói là hốt hoảng
con người là đang học làm thần thánh [cơ mang đang trở thành thần thánh] để sánh bước cùng trăng sao
nhưng đến một nghìn lẻ một vấn nạn xã hội [những xung đột, những phân hóa, những cố thủ chết người…] đang diễn ra nơi bầy đàn của mình
những ý hệ vốn có, những đại tự sự nền tảng của tiến hóa nhân học, đã trở nên cũ kỹ, nếu không nói là đang tàn rữa
thời con người lạc lõng, bơ vơ, không còn nhìn thấy ngọn lửa trời cháy sáng trên nóc nhà thế giới,

 

 

TRỜI ĐÔNG PHỐ KHÔNG CÒN THẤY MÂY BAY,

tức là tôi với nàng đã đến đó vào cuối mùa mưa, tháng chạp, những ngọn gió thổi lại từ vịnh biển Xiêm mang theo cả mùi biển và cả mùi bùn, mùi lúa và mùi cá của tứ giác đất đai, châu thổ của chín cửa phù sinh, Đông Phố cuối mùa mưa như thể vừa ra khỏi một cuộc chơi đầy quyền lực của tạo tác [ mưa ở đây cứ như người viễn khách đặt chân lên chốn thân quen, chẳng có gì phải nhìn ngắm lâu, lại dũ áo ra đi, nhưng cái cách chợt đến chợt đi như vậy khiến chúng tôi phải nghĩ ngợi, cái thoáng qua sẽ để lại gì nơi trần gian ngổn ngang trăm thứ này] nhưng con người lại chóng quên những thứ như vậy, tôi với nàng đến Đông Phố vào cuối mùa mưa, và chẳng còn nghe ai nhắc đến những cơn mưa bất chợt, dường trang sử quá mới mẻ ấy làm xóa nhòa mọi thứ, người ta đang nói đủ thứ chuyện về ngày hôm sau, rồi về ngày hôm sau nữa, rồi về ngày hôm sau của ngày hôm sau nữa…rồi bọn đạp xích lô bọn tôi sáng ra sẽ ăn mì ăn phở chứ không còn gặm bánh mì như thế này đâu, ông cụ chạy xích lô ăn vội vã ổ bánh mì nguội để kịp chở tôi và nàng, trên đường đưa chúng tôi tới chợ đầu mối của thành phố, ông cụ còn nói nhiều thứ lắm, về thành phố đang được sửa sang lại, về những lời hứa của nhà nước mới, bọn áp bức bóc lột sẽ ra tro thôi cô cậu ạ, ông cụ có vẻ phấn khích lắm, ở chợ đầu mối bán trái cây của thành phố, chúng tôi thấy ánh mắt của những người  bán trái cây đang sáng lên, những bà chị bà mẹ ấy là đã đẩy xe trái cây từ phía bên kia con sông nước ngầu đỏ và có vẻ như đang đứng yên ấy, bây giờ thì một chục mười ba chứ không mười hai như thời trước đâu cô cậu ạ, thời đại mới, đổi mới, một chục xoài là mười ba trái, cô cậu ạ, chị bán xoài giảng giải với chúng tôi, quả tình, con người con vật tư duy là luôn muốn thế giới luôn đổi mới, bốn phía chúng tôi, bấy giờ, vẫn những hàng phố ấy, vẫn những con đường phố ấy, đám cây cổ thụ hai bên đường vẫn y như vậy, cao to, và rợp mát, nhưng quả tình, chúng tôi cứ có thứ cảm thức kỳ dị là như thể hết thảy là đang mở to mắt ra, những ánh mắt trong niềm vui khó tả, qủa tình, những trang sử mới bao giờ cũng làm cho mọi sự vật chuyển động theo một cách hào sảng, máu me, như thể là đang cường điệu lên những hình thù của ảo ảnh, Đông Phố đang chìm vào những trang sử vừa mới ráo mực,

 

 

từ nơi xuất phát đến Đông Phố chỉ chừng  ba chục cây số đường chim bay nhưng tôi với nàng phải mất sáu thế kỷ mới đi đến nơi bỡi còn phải vòng lại tận thời Chưởng cơ Nguyễn Hữu cảnh vào kinh lược đất Đông Phố, “Mùa xuân năm Mậu Dần (1698) đời vua Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông, Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn/TRỊNH HOÀI ĐỨC/GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, ồ, vị chúa Nguyễn thứ sáu, Nguyễn Phúc Chu [1675 – 1725] mang lại một luồng sinh khi mới cho những lưu dân phía bắc đã trốn  cuộc nội chiến dai dẳng để chạy vào đây tự những tháng năm trước  đó,  Nông, Nại, hay Giản Phố Trại, hay Đông Phố,  cũng vậy thôi, nó là cuộc đất đai mơ hồ sử lịch, có thể là các vua Chân Lạp thò tay xuống phía đông, rồi hô hoán đó là đất của bọn họ, chỉ hô hoán vậy thôi, vì thật ra, khi chúng tôi vòng lại tận những năm tháng ấy, thì nhìn thấy chủ yếu là rừng rậm với sình lầy và muỗi vắt, họa hoằn mới gặp một vài người bản xứ tóc đen, da sáng, có khi là tóc đen da đen,  cứ  mơ hồ nhớ đến các tên gọi trong các cổ thư:  Lục Chân Lạp, rồi Thủy Chân Lạp, rồi  Cao Miên…đó là những đất nước nào vậy nhỉ, chúng tôi có ghé lại một đôi nơi, khi thấy có ngọn khói cơm chiều cất lên, rồi cũng chỉ chuyện trò nhau bằng ra dấu đôi tay, cho tới tận khi Lễ thành hầu Cảnh mang đám lưu dân tự miệt núi Hồng sông Lam sông Gianh vào mới thấy hết buồn bã,  khi có con người đến với đất đai thì mới thấy cái hào khí của đất đai, sáu thề kỷ  tôi với nàng qua  lại suốt cái hào khí ấy, đã nhìn thấy cuộc chiến giữa con người với sơn lâm chướng khi và các thứ thú dữ, tồn tại là cuộc thanh lọc tàn khốc, vậy mà những người còn sót lại sau cuộc chiến tàn khốc ấy đã làm nên một cuộc văn minh sông nước, các cổ thư đều ghi là văn minh Nông Nại, văn minh Đông Phố, cuối cùng, tôi với nàng, mình đầy ký ức, đã đến ngồi nơi bờ con sông Kon Krabei, sông Bến Nghé,

 

 

 

sáu thế kỷ sông nước  quyến rủ tôi và nàng, những đêm ngồi nhìn trời vằng vặc sao khuya, các thứ trên bầu trời trên đầu như thể một cuộc biểu hiện sức của bao la vô tận của tồn tại, và hết thảy những gì nơi mặt đất chỉ là thứ giới hạn nhỏ bé, tiếng ì oạp của con nước triều lên vỗ vào rừng bần, hay cái quẫy đuôi xa vắng của con rô con diếc, những khuya khoắt ngồi giữa cõi bờ như vậy mà thấy yêu cuộc tình của chúng tôi hơn, chính là cái gắn kết giữa những cái nhỏ bé [tôi với nàng là những nhỏ bé trong những nhỏ bé] làm nên thứ tình yêu trần thế, sáu thế kỷ đi giữa sông nước phù sa nghe đủ thứ tin tức về con người, những phế lập ở phía tây, những thay ngôi đổi chủ ở phía đông, rồi ai thắng ai, ai đánh bại ai, sông nước ướt đẫm máu người, nhưng các cổ thư cũng chỉ ghi tắt những lời như vậy, thế giới có lúc như thể không còn cơ hội để sống sót, sáu thế kỷ chúng tôi vẫn bước đi trong mơ hồ sử sự,

 

 

sáu thế kỷ sử sự quyến rủ tôi và nàng, một người sinh ra giữa một thế giới với bao nhiêu bầy đàn với bao nhiêu nỗi thăng trầm, hưng thịnh lên, rồi lại tàn đi, bể dâu như vậy, thì làm sao không thấy giữa mình và thế giới có một thứ gắn kết định mệnh, sáu thế kỷ chúng tôi lặn lội qua đủ các thứ sử tích, chỗ này là Mỗi Xúy [hay Mô Xoài nhỉ] nơi các tướng lĩnh của chúa Nguyễn Phúc Tần, vào năm 1658, đã bắt được vua Chân Lạp Nặc Ông Chân, và chỗ kia là Prei Nokor [Sài Côn], phá xong cái đồn lũy đó, vào năm 1674, các tướng lĩnh của chúa Nguyễn Phúc Tần tiến tới tận Phnom Penh, đế đô của nước Cao Miên… đêm thì chúng tôi ngồi lại giữa tiếng ếch nhái, nghe tiếng ếch nhái kêu lại nhớ đến nước Việt của Câu Tiễn hồi thế kỷ thứ 5 trước Tây Lịch, cái nhánh Việt của Bách Việt xưa ấy đã bị  đánh phá tan hoang, rồi lại băn khoăn về một bà công chúa Việt của Xứ Đàng Trong của  chúa Nguyễn, cũng một nhánh Việt [Lạc Việt] của Bách Việt xưa, bà công chúa Việt đã lưu lạc phương nam tự hồi thế kỷ 17,  thật ra thì không phải lưu lạc, mà là một cuộc hôn nhân trong phương sách mở cõi của chúa Nguyễn, bà công chúa Việt được gả cho vua Chân Lạp, và đổi lại,  người Việt ở phương bắc được vào lập nghiệp ở phương nam, tôi và nàng đã làm một chuyến vòng lại xứ sở xưa  để gặp lại người phụ nữ cao quí ấy, quá khứ vẫn dành cho tôi và nàng một khoảng trống để chúng tôi điền vào đó tiếng nói của xứ sở mình: chắc hẳn các bạn là sứ giả của một thời con người phải đem cả mạng sống để đổi lấy chốn cư trú cho mình, bà công chúa Việt cao quí đã nói với chúng tôi những lời như vậy,

 

 

buổi ấy ở Đông Phố cái gì cũng  mới toanh, ngài thị trưởng mới toanh, những người coi ngó trật tự  đường phố mới toanh, mấy anh cò mồi đứng chờ trước cửa bệnh viện lớn của thành phố mới toanh, những bài hát rong của ông già mù hát rong kiếm sống cũng  mới toanh, chỉ cuộc tình của tôi và nàng là cũ kỹ, với tôi và nàng thì việc Đông Phố chứa chấp chúng tôi buổi ấy là một kỳ tích: cái mới toanh lại có thể để cho cái cũ kỹ chen vào, ký ức quả là vàng trinh nguyên, một lần mưa bay ở Đông Phố là một nghìn năm mưa bay trong cuộc đời tôi, cái dáng vẻ trù mật của đất đai cứ như phủ lên tâm tư một người cứ bước đi một bước là thấy yêu thêm đất nước mình, chỉ mỗi ngọn gió đượm phù sa cũng đủ để nghe thấy tiếng nói của xứ sở quê hương, tôi nói, có thể đó là vẻ đẹp có tính khích lệ thiên nhiên ban tặng cho đất nước chúng ta, nàng nói, tôi ngước nhìn bầu trời trên đầu tìm kiếm một sự kiện nào đó để bổ sung cho lời nàng như một chú thích quan trọng về tổ quốc giang sơn,

 

 

cứ vậy mà để cho hồn cốt nương theo tiếng nói của đất đai
lảo đảo một miền cố xứ
ô, em, nỗi trầm luân cứ lộng lẫy trong miền khuyết sử
tôi đứng nơi bờ con sông Krabei buột lêu lên thế
còn nàng thì ngã vào lòng tôi mặc cho cuộc tình chúng tôi
                                                                            trôi về đâu thì trôi
đêm  Đông Phố
như thể khoảnh thời không  chứa chất cả một giấc mơ lỉnh khỉnh cả những thứ người ta chẳng thể ước mơ
một bầu trời cao rộng đủ cho tất cả các cuộc bay của các giống loài bay giỏi nhất và của các giống loài sẽ bay giỏi nhất
và một mặt đất đã chấm dứt hết thảy những dối trá  những lừa bịp những phân hóa và những cố thủ chết người và cần chi những đại tự sự bấy lâu vẫn dẫn đến những khốn đốn, tàn rữa
ô, kìa, người ta đang tụ tập dưới ánh mặt trời, nàng buột kêu
những bầy đàn người đang vui vẻ dưới ánh mặt trời, tôi cũng buột kêu
con sông Krabei vẫn điềm nhiên chảy như chẳng hề đếm xỉa việc chúng tôi vừa nhìn thấy một thứ hình hài đơn giản của cuộc sống con người
tôi và nàng cứ vậy mà để cho hồn cốt chìm vào giấc mơ thế kỷ
chúng tôi thức dậy vào lúc triều lên con nước
                                                         vỗ ì oạp vào bờ con sông Krabei
cho đến lúc ấy tôi và nàng mới nhận ra  cuộc tình chúng tôi cũng trần trụi như bờ con sông Krabei mùa tháng chạp,

 

 

KÝ ỨC TÔI LÀ DÒNG SÔNG NƯỚC NGẦU ĐỤC,

thỉnh thoảng thấy có rác trôi, hay có con thuyền lẻ lênh đênh, cái cách bị biếm trích, đang ngóng về cố xứ, thời bọn vua chúa muốn đày ải ai thì đày ải, việc có kẻ lưu lạc nơi ký ức tôi cũng là chuyện bình thường, rồi tôi lại nghĩ bừa:  là giai nhân không làm vừa lòng đám vua chúa thời nay ư…cám cảnh bị bạc đãi, nhưng không dám dựng ngọn bút lên, chỉ nghĩ ngợi trong đầu, lại trách cái thế giới không chịu phân biệt trắng đen, mi là chiếc lồng đan bằng mây trời, ánh mặt trời có bảy sắc cầu vồng thì mi có bảy sắc đa đoan, mây đen là khi mi bày ra cỗ tiệc quyền lực xưa nay vốn là thứ làm tan nát bầy đàn, bỡi từ cỗ tiệc quyến lực mi bày ra cỗ tiệc đầu người, rồi mây đỏ là khi mi đã dính đầy những  máu của những cuộc chém giết nhau của loài người, tôi thấy trong thứ ký ức ngầu đục của tôi có lần tôi đã nói với thế giới những lời như vậy, 

 

 

ký ức tôi như con nước ngầu đục cứ vậy mà vỗ ì oạp vào cuộc đời tôi, có khi là tràn lên cả cuộc đời tôi kéo theo lỉnh khỉnh những phấn son thời đại, lỉnh khỉnh những lời lẽ cao sang về đủ các thứ tương lai sáng lạn, lỉnh khỉnh những đồn đại, tức những tin tức thất thiệt, và  lỉnh khỉnh những sấm ngôn với thứ ngôn ngữ lạ lùng u ám như thể hàng loạt các triều đại sắp sụp đổ, vào những hôm thế giới có vẻ sóng yên bể lặng [chuyện này  hiếm lắm] tôi ngồi lại để xem xét lại thứ ký ức có vẻ trăm phương nghìn ngõ của tôi coi thử cái nào thì lưu giữ cái nào bỏ đi, quả là một cuộc càn khôn lận đận, những đồn đại máu me có vẻ coi thường hết thảy, cứ ứng lên mà nói, chúng sắp tắt thở hết rồi bọn cố thủ trong những ngôi nhà bằng cát đó, hay, đó, chúng là một lũ ngông cuồng của thế kỷ, những đồn đại theo cách ấy làm át  hết những truyền tụng kinh điển hết mực mẫu mực tự ngàn xưa để lại, và tôi gần hụt hơi khi những sấm ngôn bắt đầu thả lên mặt đất thân yêu này những lời tình tự mà mộng mị, mà chìm đắm, giãy dụa,  nghe vậy mà như không nghe gì cả …nàng cứ gõ lên đóa phù dung, và hát, và mây đen kéo kín cả đất trời, hay, con thiêu thân, con thiêu thân mi yêu cuộc sống này biết bao… những rào đón, những tiên báo, cảnh báo, cái cách nói năng ẩn dụ như vậy khiến tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi,

 

 

nhưng hình ảnh nàng thì cứ như một thứ dấu tích, không phải, cứ như một ngọn lửa, cũng không phải, hay cứ như một hiện hữu [như thể một sự cố] tôi không thể diễn ta hình ảnh nàng, nhưng trong trí nhớ tôi hình ảnh nàng như một nhắc nhở, rằng, sự giao thoa hiện hữu tôi và hiện hữu nàng thành ra sự thể có thể đương đầu với mọi bất trắc của thế giới, bao giờ thì hình ảnh nàng cũng hiện ra một cách chân xác trong nhận thức của tôi, không thể diễn tả, nhưng lại có thể nói thật nhiều về sự cố nàng đã đến với tôi giữa một thế giới có quá nhiều rủi ro, nàng như thể tiếng hát lẻ loi giữa một cõi buồn,

 

 

trong ký ức tôi nàng là cái bất chợt giữa trường cửu phù sinh buồn chán, khách đường xa là tôi đang ngồi chờ cho qua đi những khoảnh khắc phù du trống rổng thì có người đến ngồi bên tôi, có vẻ bấy giờ nàng cũng đang mang thứ tâm tư  nặng bằng mấy ngọn núi gọp lại, như tôi, nhưng chưa đầy cái nháy mắt người đời gọi là phút kinh cầu, tôi vẫn cứ thích gọi phút giây chúng tôi nhận ra nhau  là phút kinh cầu, nói nhận ra nhau chỉ là cách nói đơn giản, thật ra, đó là ngộ ra [sự giác ngộ những điều sâu thẳm] thật ra thì cuộc tình chúng tôi đã diễn ra từ rất lâu, có thể là tự trăm năm nghìn năm trước, và phải đợi cho đến cái khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc như thể những nỗi im lặng vô cớ sụp đổ tan tành [và người đi nghe gió hát trên cao] thì chúng tôi mới nhận ra nhau,

 

 

trong ký ức tôi nàng như thể thứ khoảnh khắc chợt lóe lên trong cuộc đời một người luôn mong ngóng trong vô vọng một điều tốt đẹp nào đó và đã gặp được, cứ như phương trời xa xôi, viễn mộng,  cứ tưởng mây ngàn trút bóng, nắng đổ đầu non, lênh loang mây gió không đâu, rồi bỗng trăng soi đầu ngõ, có kẻ đi về, những giọng nói chân thành cất lên [ta, kẻ thất lạc đã quay về…] cuộc trú ngụ không còn hoang vắng, cái cách nàng đến với tôi như thể những người thân yêu quay về chốn cũ, cuộc tình của chúng tôi như thể là một ví dụ cho những cuộc trở về, phải nói ra thật nhiều như vậy, nhưng thật ra chỉ là một cuộc trở về, từ chốn con người coi cuộc sống như canh bạc giành giật các thứ tham muốn, từ chốn con người chìm đắm vào đó với trăm nghìn cách chìm đắm, say mê, rồi dãy giụa, rồi gào thét, rồi choảng nhau, choảng nhau nhỏ là đánh nhau tay đôi, tay ba, tay tư, choảng nhau lớn là chiến tranh cục bộ hay thế chiến, vậy mà từ chốn đó cũng có kẻ từ bỏ hết thảy để trở về, cuộc tình nào cũng là cuộc trở về, 

 

 

 

RỒI NÚI RỪNG MƠ NĂN SE THẮT NIỀM CÔ ĐỘC,

bỡi tôi và nàng thất lạc nhau
tôi đi Mơ Năn cũng chỉ là cách dịch chuyển cho thứ cảm thức sai lệch là rút bớt khoảng cách của thất lạc
rừng Mơ Năn vàng rực hoa muồng
lũ chim trở tay không kịp
lần này thì cuộc hòa âm thế giới như thể chiến dịch mở ra giữa lúc cả ca công, nhạc công và nhạc trưởng đều say túy lúy
hoa muồng nở vàng một góc trời
mà lũ chim rừng tận lực hót vẫn không diễn tả hết niềm thành kính của mùa thu
cứ nhấc cao lên nhấc cao lên cho tới tận đỉnh trời
hương mật với vòng nguyện tận
mùa thu nói với lũ hoa muồng đang nở rộ
rõ ràng là đang cuộc chuyển động cho tới tận xương cốt hoàn vũ
không phải chỉ lũ chim
mà cả các loài bướm cả lũ ve sầu cả lũ chuồn chuồn mẹ chuồn con và cả  đám côn trùng có cánh tinh ranh, hết thảy đều lượn, vờn, tung, phá…cái cách bay như thể vô cùng say đắm thứ màu sắc không phải thiên nhiên ban cho thường lệ, mà là đột xuất, nó là một cuộc diễn tập đột xuất: bỗng cả núi rừng Mơ Năn bừng lên, rừng rực một màu vàng vô tận kiếp, thứ màu sắc như thể không bao giờ chấm dứt
tôi đi giữa náo nhiệt của rừng mùa thu nhưng vẫn cảm thấy cô độc,

 

 

rừng Mơ Năn mùa thu, cái cách đón nhận hoa muồng nở của loài có cánh khiến tôi bối rối và thấy nhớ nàng ghê gớm, hay giữa nàng và loài có cánh là có mối quan hệ nào ư, em, lũ chúng đang làm náo động cả rừng cây, tôi nói với nàng trong lúc lũ chim như đang cố hót thật to cho mùa thu nghe thấy, và đám hoa muồng thì cứ vàng một màu vàng bất tận, rừng Mơ Năn mùa thu như thể một thứ ma trận tiền nghiệm, hoa muồng thì cứ việc trưng ra gương mặt hớn hở của sinh tồn, chẳng phải hoa là thuộc về cuộc sinh nở vĩnh cửu hay sao, nhưng các loài cây khác thì như thể đang quằn xuống nỗi đau thể xác bỡi không thể chống lại qui luật của chết chóc: mùa thu lá rụng, hay là mi muốn dùng loài có cánh làm rối loạn nhận thức thế giới để được loài người gọi mi là quyền lực mùa thu, tôi nói với thứ âm vang và hình ảnh đang diễn ra bốn phía và không thể xua đuổi khỏi ý nghĩ cái giả thuyết nhuốm màu quá khích, rằng, mùa chẳng qua là thứ nhịp điệu con người cố hệ thống hóa cho phù hợp với cuộc chuyển động tâm thức trong khi tiếp xúc hoàn vũ, ai, dám nói chắc mùa thu thì lá rụng, 

 

 

rồi tôi cứ ngồi suốt ngày trong rừng Mơ Năn để thử sau đó sẽ nghe thấy những gì, cứ tiếp tục buồn chán nữa đi, hay vươn cánh tay ra đón lấy niềm vui chốc lát bỡi đây chỉ là chút nhịp điệu trong cuộc chuyển động vĩnh cửu, tôi như nghe thấy lời nhắc gọi của mùa, và sau đó thì đã hiểu ra đây là mùa thu của riêng tôi và nàng, mùa thu của thất lạc, tôi lang thang ở đây, còn nàng thì lang thang đâu đó, có thể ở đó tuyết đang rơi, hay không còn rơi, và nàng thì đang nghĩ ngợi về một mùa thu khác, mùa thu không thất lạc, và không bao giờ để lộ nỗi buồn trên đôi môi mình, bỡi đôi môi nàng chỉ để thầm nói ra những điều thầm kín của cuộc tình chúng tôi, và sau đó thì mùa thu ở núi rừng Mơ Năn cứ khe khẽ bước đi [lũ có cánh bay chậm lại, và màu hoa muồng có vẻ bớt vàng đi, và nắng với gió có vẻ bớt gợi buồn hơn, và lá cây rừng như không còn rụng nhiều như trước…] mi lại sợ chạm vào nghĩ ngợi của ta ư, tôi nói với mùa thu như vậy, rồi nằm xuống giữa núi rừng Mơ Năn trong tư thế của một kẻ thất thế trong chống lại sự tác động của mùa thu,

 

 

lúc tôi nằm dài giữa núi rừng Mơ Năn như thể để thừa nhận sự thất bại thảm hại của mình trong nhận thức thế giới [làm sao tôi lại có thể đi nói về mùa thu nhỉ] thì lũ chim thôi hót, lũ bướm thôi bay lượn hết thảy đậu lên  đám hoa muồng đang nở rộ bắt đầu hút mật, còn lũ côn trùng biết bay vô danh tiểu tốt có vẻ đang sợ chiều xuống nhanh quá chúng không kịp trở về nơi cư trú, tôi biết loài vi vật sinh ra đã biết bay ấy rất sợ bóng đêm, không phải chỉ loài biết bay, mà cả rừng cây cũng đang ngắm vào tôi: thế giới đang chuyển qua một cung cách chuyển động khác, mi lại muốn bày ra một thứ ma trận nào nữa đây, tôi nói với mùa thu đầy vẻ bí ẩn đang diễn ra ở núi rừng Mơ Năn, và quyết định không nghĩ ngợi gì nữa, trong giấc ngủ giữa rừng đêm hôm ấy tôi thấy tôi và nàng lại dắt nhau đi về phía mặt trời lặn, sao không phải là phía mặt trời mọc mà phía mặt trời lặn nhỉ,

 

 

mùa thu ở núi rừng Mơ Năn có nhịp đập khác, bỡi tôi và nàng thất lạc nhau, tôi không thích những vần thơ có nhiều vần điệu, bỡi cứ có cảm tưởng chúng không thể diễn tả được sự thật, để nói về tiếng hót của lũ chim nhỏ xíu và có bộ lông màu nâu tôi đã không thể tìm được từ nào có thể chứa được thứ âm thanh như thể đang tường trình về một sự thể nào đó, thứ âm thanh phát ra một cách dè dặt từ nơi cổ họng chúng, như thể mới sớm tinh sương tạo tác đã cử lũ chim ấy đến thử thách cảm xúc của tôi, không hiểu sao tiếng hót của lũ chúng cứ làm tôi nhớ đến nàng, em, mùa thu đã biến hóa trăm nghìn cách để lung lạc tôi, tôi nói với nàng trong tâm trạng rối bời, cứ thấy như thể có một cuộc náo nhiệt, công sức, tràng giang đại hải những giọng điệu, mùa thu là cuộc kết cấu kỳ quái giữa cái tĩnh lặng với những ba đào sóng dội, ai có thể hiểu được cái tế vi huyền nhiệm này, có lẽ, bấy nay, thi ca cũng chỉ gắng gượng nói về mùa thu, em, tôi không thể nói được gì về mùa thu ở núi rừng Mơ Năn,

 

 

nhưng lũ chim nhỏ xíu và có bộ lông màu nâu thì nói rất nhiều, mùa thu với chúng như thể cái cớ để chúng nói về loài giống mình, tiếng hót, giọng nói tài hoa, như thể đang có một người [hay nhiều người nhỉ] đứng lên, và gõ vào rừng cây, và nói, thứ giọng nói nhỏ, khúc chiết, dè dặt, nói về một loài giống có nghìn triệu năm tuổi mà như thể nói về một buổi họp chợ đông vui, dĩ nhiên, một loài giống thì đông vui, nhưng không phải là buổi họp chợ chỉ một ngày hay một buổi là tan…hà cớ chi phải ngang qua những năm tháng lo âu, sợ hãi, thứ cảm thức tệ hại của một giống loài nhỏ bé, đừng nói chi lũ phương hoàng sang trọng. mà lũ quạ hay lũ diều hâu, các thứ giống loài con người coi khinh, cũng có thể chường mặt ra giữa thế giới để nói to lên những điều muốn nói về tiếng gió thổi, hay về tiếng suối reo, hay về một mùa thu mây bay nào đó, hết thảy những loài giống ấy đều có thể mang tai họa đến với đám chim nhỏ bé bọn ta, tôi cứ như nghe thấy những lời như vậy trong giọng hót của lũ chim có bộ lông màu nâu, buổi sớm mùa thu ở núi rừng Mơ Năn, chẳng có mặc khải gì đâu, chỉ là, một người đang cảm thấy mình cô độc và nhỏ bé trước hoàn vũ là tôi lại cứ muốn chia xẻ nỗi niềm của một loài chim cũng cảm thấy mình nhỏ bé và cô độc trước hoàn vũ, người ta bảo như thế là đồng điệu,

 

 

NHƯNG CÓ MỘT MÙA THU LENG KENG TIẾNG CUNG BẠC,

nữ thần Aprodite đã mang nàng đến cho tôi, thế giới như đang nới rộng ra, tôi bắt đầu bước vào cuộc sống có vẻ mọi thứ đều mới mẻ, kẻ chân ướt chân ráo vừa bước khỏi cảnh đơn độc là tôi thì sự hiện diện của nàng cứ như một thứ cảnh trí vô cùng hùng vĩ, nàng đứng đó dưới ánh mặt trời, nhìn tôi với ánh mắt đang sáng lên, tôi cứ có cảm tưởng là nàng cũng đang nhìn thấy một thứ cảnh trí hùng vĩ, như tôi, chào em, tôi chào nàng trong tâm trạng của một kẻ hàm ơn thế giới, cuộc tình nào lại không là cuộc phân phối của tạo tác, tôi vẫn thích gọi sự hình thành những cuộc tình trần thế là cuộc phân phối tâm huyết của tạo tác, thật ra là tôi và nàng bỡ ngỡ chứ không phải đám hoa trinh nữ ở hai bên con đường vào làng, có tiếng bước chân chúng tôi, đám hoa trinh nữ ở hai bên đường [đám hoa mắc cỡ] rùng rùng khép lại đôi mi của chúng, cái cảnh tượng kỳ diệu của vạn hữu được thiết lập tự buổi khai thiên lập địa như thể thứ dấu vết thanh cao lung linh mãi trong trí nhớ tôi,

 

 

rồi từ một kẻ tự dưng sở hữu được một cuộc tình cứ tuông ra những ước mơ, những hoài bão, một cuộc thâm nhập ồ ạt của các thứ ý tưởng, trí óc tôi như thể thứ kho tàng ăm ắp hình ảnh nàng tiếp tục tuông ra những dự phóng, những hương sắc trần gian, cuộc sống như thể đầy ắp tiếng cười, thế giới bắt đầu trương nở theo cách nhìn của một người đang sở hữu một cuộc tình, tôi bắt đầu hiểu ra cái lý do vì sao con người, sinh linh duy nhất trong muôn vạn sinh linh, lại hiểu được lý do tồn tại của mình, tôi bắt đầu nhìn thấy những con đường băng qua mọi ngõ ngách thế giới, những con đường mới, và rộng thênh thang, ngang qua những thiết kế, ô, những tòa lâu đài, khoáng đạt, lồng lộng hương trời, thánh quả  của công cuộc nghĩ ngợi sau những sụp đổ tan tành của  những đại tự sự rặt mùi hương nguyện, xương cốt của bọn chúa đất đang rã ra trong đất,

 

 

ô
mùa thu
mùa thu
tôi gõ lên thứ qui luật vĩnh cửu mang lại nhiều kiểu nhận thức và chờ thử có còn sót lại tiếng nói nào của hôm trước hay không, và mặc kệ, chúng ta cứ bước theo những dấu vết mùa thu vừa để lại nơi mặt đất, tôi nói với nàng, và chúng tôi nhập vào thứ dáng dấp khuê các, tự buổi nghe được tiếng cung bạc củả nữ thần Aprodite [nàng đã đến với tôi] thì  tôi với nàng không dám rời hoàn vũ nửa bước, mùa thu đi trong cung cách khuê nữ bước đi giữa lụa là nhung gấm, có thể nghe được tiếng chạm vào nhau của các nỗi niềm hoa cỏ, a, cái cách diễn đạt như thể cứ nén lại của cỏ hoa và chờ cho đến lúc nghe thấy có tiếng lá rụng trên cây thì hết thảy cùng để lộ ra, hoặc là một một màu buồn, như thể chia xẻ cái chết của thu,  hoặc vẫn cứ thản nhiên trong thứ nhịp điệu vĩnh hằng như thể không tin, hay không bao giờ tin mùa thu thì lá rụng, chúng tôi cứ bước giữa các thứ nỗi niềm của hoa lá cỏ cây, và không hề nghĩ có một ngày tôi và nàng lại thất  lạc nhau,  

 

 

 

CUỘC TÌNH CỦA TÔI NHƯ NGỌN GIÓ GIỮA NGÀY,

 

thổi qua một lúc rồi hết, nhưng lại để lại âm vang, thứ sức vóc như nghìn năm trăng soi đáy nước, cuộc dồn tụ có lẽ đời đời không hết giữa mất mát và lưu giữ, trong mất mát lớn lao là thất lạc nhau, tôi lại sở hữu một thứ khác, có tính vĩnh cửu: hình ảnh nàng vẫn cứ nguyên vẹn trong tôi, tháng ba, những ngọn gió thổi lại từ núi Lũng có sức khuấy động ghê gớm, ký ức khi đã được nhân lên thành trường lũy thì quá khứ trở nên cái hiện tồn, sinh động, náo nhiệt, đã có một tháng ba như vậy trong đời tôi như thứ dấu tích kỳ hồ, không chỉ lạ, mà âm vang, sấm động, và mặc định, trong tiếng gió có vẻ da diết thổi lại từ núi Lũng có tiếng nàng, đó là lần đầu tiên nàng đến  để treo lên trí nhớ tôi trang nhật ký viết về một cuộc tình,

 

 

rồi đêm đến tôi đưa nàng ra ngồi ở bờ cỏ đồng làng, tháng ba, để tôi coi thử, đây là tháng của những sự kiện không thể không nói là lẫy lừng, toàn bộ tinh hóa đất đai, mầu mỡ tích chứa nghìn năm, thứ sinh lực của cuộc càn khôn biến hóa khôn lường ấy là đang dồn hết cho cây lúa đang lên đòng trên đồng làng và chuyển hết cho toàn bộ hoa cỏ tháng ba gòm hoa mồng đất hoa trầm thất ngây ngất từng vạt vàng rợm nơi các bờ mẫu và hoa tiểu muội và bao nhiêu loài hoa cỏ vô danh khác đang chen chúc khoe sắc ở hai bên con đường ngang qua đồng làng, cuộc vận chuyển sinh tồn cuối xuân, đêm, như toàn bộ cuộc luân lưu hóa sinh ấy để lộ hết bộ dạng của nó, bấy giờ, cảm thức của tôi và nàng như thể đang tiếp cận thứ hương thánh vô cùng, chỉ có thể nói như vậy về thứ hương thơm cây cỏ được đất đai nuôi dưỡng khỏa ra trong đêm tháng ba, và, có lẽ, cũng chỉ đến thế là cùng, cái cách con người hòa nhập vào trời đất, lời nàng trong buổi đầu tiên ấy như thể hàm xúc một thứ nỗi niềm nào đó, thấy trước một thứ vận ruổi nào đó chăng, nàng nói về cái một trong cuộc tương giao giữa con người và thiên nhiên mà như thể nói về cái một hơi lỏng lẻo của một cuộc tình: cũng chỉ đến thế là cùng, 

 

 

phải nói là tôi còn giữ đủ cả trong trí nhớ những dấu vết nàng đã để lại nơi đất quê tôi, thứ ký ức như thể sinh thể uyển động mỗi ngày  một chân xác hơn, mùa chim nhạc kết đôi ở quê tôi có thể nói là một đại lễ vừa oanh liệt vừa bi tráng, bi tráng vì như thể tạo tác đã thêm vào loài giống chúng yếu tố giả định về sự đổ vỡ, buổi trưa, rộ lên tiếng chim, giọng hót của lũ chim trống là thứ âm vực thiết tha, mời gọi, nhưng giọng hót của lũ chim mái như thể là những lời từ chối, thứ âm vực cứ nhỏ dần, rồi tan biến vào nắng gió, rồi tất cả bỗng im bặt, cứ tưởng thế là mùa tình ái của lũ chim đã qua đi, khoảng thời gian từ giữa trưa đến giữa khuya như thể là để cho tự nhiên điều chỉnh cách thức tồn tại của mình, vào giữa khuya thì như thể thế giới rơi vào cơn cuồng loạn, hết thảy các khu vườn trong làng tràn ngập tiềng chim nhạc, những âm thanh cuồng nhiệt có pha chút hoảng hốt, cái im bặt như thứ giả định để tạo ra thứ biến cố sục sôi sau đó, bao giờ thì mùa tình ái của lũ chim nhạc cũng diễn ra vào lúc giữa khuya, chỉ mỗi năm một lần vào lúc giữa khuya, đó là lúc những lời thành thật nhất của chim được đem ra nói, nhưng có một thứ biện chứng bi tráng thấy được trong câu chuyện của chim là cuộc tình nào cũng phải vượt qua sự khác biệt khủng khiếp, nàng nói, lời ấy của nàng cứ làm cho tôi thấy yên tâm trong những tháng năm thất lạc nhau,

 

 

bằng vào việc thất lạc nhau thì mối quan hệ giữa cuộc tình của tôi và thế giới luôn là một ẩn số, những câu hỏi thường xảy ra với tôi như tại sao tôi với nàng cuối cùng phải mỗi người mỗi nơi dẫu trong cuộc đồng hành đi tìm cái có thể chúng tôi vẫn cố không để cho rơi vào những yếu tố bất lợi, chưa hề có đến một nửa lời tôi nói với nàng hay nàng nói với tôi gọi là sự bất lợi cho sự chung thủy của một cuộc tình, nhưng cuối cùng, cái thế giới tôi với nàng không bao giờ muốn xa rời nó, cái thế giới hằng đêm chúng tôi thức trắng để nói về nó như là chốn thân thiết nhất, đáng yêu nhất, đáng trân trọng nhất, cái thế giới chúng tôi vẫn thấy hàm ơn, vô cùng hàm ơn, lại đối xử với chúng tôi như kẻ mù lòa, cứ vậy, tôi một mình đi qua những nơi chốn có dấu vết cuộc tình chúng tôi, một chút nắng ban mai, hồi ấy, ở chốn ấy, soi lên lên tóc nàng, và tôi thì bảo đó là thứ trang sức lạ lùng nhất tạo tác ban tặng nàng, hay một chút giá buốt cuối đông, cái lạnh cuối đông ở chốn núi rừng ấy vẫn như đang cắt thịt da chúng tôi, thế giới có những lần nguy hiểm vậy sao, nàng nói, và cứ co người lại trong lòng tôi, lần đầu tiên nàng ngồi vào lòng tôi, và tôi thì cứ nghĩ đó là cách thế giới thử thách chúng tôi, hay chỉ là tiếng cựa mình của con chim biển ở hòn cù lao ấy, nửa khuya, nghe tiếng cựa mình của con chim biển nàng gọi tôi thức dậy cùng nàng, nói, nghe được cả tiếng động nhỏ nhất của hoàn vũ là khi con người ta đã đạt đến chỗ hoàn hảo trong tri thức về thế giới, tại sao vậy nhỉ, trong suốt cuộc tình của chúng tôi, tôi và nàng luôn nghĩ về thế giới,

 

 

CỨ VẬY MỘT MÌNH TÔI ĐI QUA NHỮNG DẤU VẾT CỦA CUỘC TÌNH CỦA TÔI, 

mùa xuân ở quê tôi lũ chim thắc thỏm bất chấp cả dáng vẻ lịch lãm của cỏ hoa, bất chấp cả các thứ khái niệm thiêng thánh về chu kỳ sinh trưởng, bất chấp cả những phạm trù phồn thực vẫn chi phối vạn hữu… mới sớm tinh sương, sao trời chưa tắt, bọn chúng đã làm náo động xóm làng, có thể là đêm chúng không ngủ và chờ cho đến lúc đó thì làm ầm ĩ lên như vậy, chưa có gì hết…chưa có gì hết, người ta dịch tiếng chim thắc thỏm ra tiếng người, đến mùa xuân chim thắc thỏm lại kéo về quê tôi, buổi sớm tinh sương [bình minh], các khu vườn trong làng tràn ngập  tiếng hót bất an của chim, như thể, cứ vào thời khắc mở đầu cho vòng luân lưu xuân hạ thu đông  bất tận của hoàn vũ, thời khắc có thể nhìn thấy rõ nhất chân thể của tồn tại, bình minh, lũ chim lại nhắc nhở những điều con người chưa hề biết hay chưa hề nghĩ tới, con gà gáy buổi sớm tinh sương là niềm vui, nhưng tiếng hót buổi sớm tinh sương của chim thắc thỏm là diễn đạt của nỗi bất an, nghe, và không thể không mường tượng về một thế giới gãy khúc [chưa có gì hết] cứ thấy la liệt những gãy khúc, gãy khúc trong tạo dựng núi sông, nứt, trôi, đổ, vỡ, chỗ này trồi lên, chỗ nọ hỏm xuống, gãy khúc trong các cách thức tạo lập giống nòi, tạo lập bầy đàn, có chỗ có thể trụ được mấy mươi năm hay mấy mươi nghìn năm, nhưng có chỗ chỉ nhìn thấy đổ vỡ, hay thế giới cứ vờ như chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng những yếu tố làm nên thế giới lại luôn để lộ ra những hao gầy của nó, những cơn gió chướng có thể chỉ là báo hiệu một mùa động tố, nhưng tiếng hót bất an của một loài giống của chim có thể là một cách nhận biết về những biến động nào đó có thể vào một lúc nào đó sẽ xảy ra,

 

 

hay thế giới chỉ là hệ quả không thể tránh khỏi của giấc miên trường gãy khúc, có vẻ như ngày ngày chúng ta cố làm nguyên vẹn lại những ý tưởng vốn rời rạc, một kế hoạch kiếm sống, hay phác thảo cho một chuyến đi, và ngay cả thứ gọi là lịch sử, chẳng phải hết thảy chỉ là nối kết lại, làm liền lạc lại những sự vật trước đó chỉ là những chi tiết chẳng đâu vào đâu, một cuộc chỉnh đốn gian nan và hiểm trở, hóa ra cái thế giới có vẻ hoành tráng như chúng ta nhìn thấy chỉ là kết tập của những gãy khúc, chẳng lẽ thế giới là một bi khúc, một bài ca về nỗi buốn các nhà thơ đã tranh nhau nói về nó, tôi đi núi Lũng như thể để kiểm chứng lại cách nhìn thế giới đầy thương tật của mình, và núi rừng như thể không muốn đón tiếp tôi, đương giữa xuân, lẽ ra tháng ba thì lũ ve cứ gào lên váng núi rừng, nhưng vừa có tiếng chân tôi chúng im bặt, tôi thử lướt qua các thứ khác, cứ như thể có một nỗi giận dữ nào đó, bấy giờ, cảm thức của tôi là một mớ rối rắm, thấy lá trên cây lạnh nhạt với tôi, thấy con suối nước hờ hững với tôi, sao lũ mi lại đối xử với ta như thế chứ, tôi cứ gào lên như vậy trong nghĩ ngợi, có thể cách nhìn thế giới của tôi đã chạm vào một thứ gì đó như tính cách thâm căn cố đế của các sự vật, nhưng chẳng lẽ việc tôi và nàng thất lạc nhau trong bao nhiêu năm qua chẳng nói được điều gì về giấc miên trường gãy khúc của thế giới hay sao,

 

 

 

chẳng phải nàng đã mang theo hết thảy những hoài bão của tôi hay sao, từ thứ dự định to lớn là chúng tôi sẽ leo tới tận đỉnh cao nhân loại chỗ có thể nói ra một lời quan trọng là rốt cuộc thì thế giới nó là gì, cho đến những mong muốn nhỏ nhất như đêm chúng tôi ngồi dưới bầu trời sao, hôn nhau, và lặng lẽ nghĩ về những cuộc tình đông tây kim cổ [coi  có cuộc tình nào giống cuộc tình của chúng tôi không] hay cứ lặng lẽ bước đi như vậy giữa thế giới, đi tới đâu cũng nói như vậy, từ đầu tới cuối cuộc đi vẫn nói như vậy, rằng, cuộc tình chúng tôi nó là một cuộc trải nghiệm náo nhiệt và lãng tử, trải nghiệm hay thể nghiệm, nói thế nào nhỉ, bỡi tình yêu chỉ là một khái niệm, cái hư không, nhưng rốt cuộc, tôi với nàng, những sinh linh bé nhỏ, cũng đã làm nên cái không là gì cả còn có tên gọi khác là cuộc tình,

 

 

 

ở núi Lũng, ngoài trải nghiệm về sự giận dữ của lũ ve và đám cây rừng [cũng có thể chỉ là cảm thức sai lệch của tôi]  còn có một trải nghiệm khác cũng sức vóc phù du, bấy giờ trí nhớ tôi cứ ngân lên thứ cảm thức như thể đang tan vào thứ nhịp điệu như giai điệu của một bài thơ của núi rừng tháng ba, các loài cỏ dại đua nhau vung vẫy những cánh hoa mỏng tan của chúng, bên dưới rừng cây, dòng thực vật nhỏ bé, những sam, ngẫu, tần ngần và hằng trăm loài cỏ rừng khác như thể đang cố để lại dấu ấn của chúng, cuối xuân, trỗ hoa lần này là chúng trút hết năng lực có thể, nhưng đám cây rừng thì khác, chúng có một cách biểu hiện khác, chúng còn có những ngọn gió rừng, một cuộc tương tác cho một thứ giai điệu khác, âm ỉ cháy một thứ sức sống khác, lá vẫn trên cành, và vẫn còn có một chốn khác như thể chốn nuôi dưỡng lá cành là bầu trời bao la, vẫn là bầu trời bao la, em, núi Lũng, tôi như nghe thấy thứ  giai điệu khác, thứ giai điệu đã cũ, cả lời, và cả ánh mắt  nàng, trí nhớ tôi đã nghe thấy một khúc cũ, của nhiều tháng năm trước, núi rừng như thể chốn riêng để cho ta hỏi những câu hỏi thuộc về ký ức đã cũ,

 

 

 

rồi chúng đã bao vây tôi trên tầng cao cảm thức, những sam, ngầu, tần ngần, đám cỏ rừng có hằng triệu năm tuổi nhưng trông cứ như đám cỏ non tơ, chúng cứ làm cho ta lầm tưởng thế giới có cách làm cho mình không già, nhưng là bạn đang nghĩ ngợi gì phải không, bọn chúng bỗng ứng lên, làm sao tôi lại đi khai với chúng tôi nghĩ gì, quả tình là tôi đang nghĩ về nàng, hồi ấy, lũ sam, ngầu với tần ngần đã hút hồn nàng, như thể là nàng vẫn còn ngồi đó giữa đám cỏ rừng có thứ ngôn ngữ kỳ dị là cứ lặng lẽ nhìn mọi thứ trong thứ sắc màu kín như bưng, hoa cỏ với lá cỏ là cùng một kiểu, cái bí ẩn trầm luân, nhưng lũ mi có thấy mình khác biệt, tôi nói, như thể để thử sự tự cao tự đại của đám cỏ rừng từng hút hồn nàng, khác biệt chỉ là cách nghĩ của loài người các bạn, buổi sớm mai thức dậy thấy gió thổi qua niềm vui bọn ta, thấy nắng nói những lời thân thiện với bọn ta, nắng với bọn ta giống như bài thơ dài nhất của loài người các bạn vậy, một bông cỏ sam nói, khác biệt gì, dưới bầu trời này hết thảy là đồng loại, một bông cỏ ngầu nói, còn đám cỏ tần ngần thì cứ vung vẫy những cánh hoa màu mật ngọt, hoa tần ngần là sự kết tập giữa thứ ánh sáng nhàu nát với  thứ hấp lực khôn cùng của lá, một cuộc tinh chế vang dội khiến cho những cái chưa ra gì thành ra vẻ đẹp hoàn hảo, hoa tần ngần là một vẻ đẹp ngoại lệ, nhưng bạn có nghĩ hết thảy chúng ta sẽ chết vì sự lầm lẫn của thế giới, đám hoa tần ngần bỗng ứng lên, bọn chúng muốn đặt tôi vào vấn nạn khó nhất trong các vấn nạn về thế giới, ồ một cuộc chuyện trò gỉa định định mệnh, tôi cứ có cảm tưởng sau cuộc chuyện trò giả định này là cuộc đối thoại dai dẳng gữa con người và hoàn vũ,

 

 

 

ô, lại mùa sương giá, mùa của uyên ương gãy cánh, gió vàng rộm mùi hương muộn, và nắng như mù đặc những ý tưởng chòng chành ngưng đọng, một ngày mở ra trong cách thức giá buốt của buổi cuối đông, tôi nấp giữa cái chưa qua và cái chưa tới để nhìn thế giới, thấy nàng trong ký ức như thể một người vừa thoát khỏi trùng vây của năm tháng thấy lại người tình cũ của mình, nàng vẫn vậy, cứ như không bao giờ hết vẻ ngờ nghệch trẻ thơ, cái cách của một kẻ đứng trước hoàn vũ bao giờ cũng giữ sức cảm thụ mới mẻ, và thế giới cũng vẫn vậy, cũng vẫn những triệu chứng có sức lan tỏa ghê gớm, có phải là mi vẫn muốn nhân loại gập mình bên dưới những tham vọng mù quáng của mi, tôi nói với cái thế giới đã làm cho tôi và nàng thất lạc nhau, chính là vào lúc tôi ngồi giữa thứ thời tiết mùa đông chưa hết mùa xuân chưa tới để nghĩ ngợi về nàng thì cái thế giới đã làm tôi và nàng thất lạc nhau vẫn cứ như thuở nào, có phải là mi vẫn để cho nhân loại chui ra chui vào ngôi nhà đã quá cũ kỹ bấy lâu mi vẫn bắt mọi người gọi là ngôi nhà chung của thế giới, ở đó chuyện gì cũng có thể xảy ra hết, ngay cả chuyện vô luân nhất hay độc ác nhất, quả tình là mi có làm cho nhân loại khôn hơn nhưng lại tàn nhẫn với nhau hơn, tôi nói với cái thế giới bấy lâu vẫn gây khó dễ tôi với nàng, nhưng dẫu gì chúng tôi cũng đã thất lạc nhau, giữa cái chưa qua và cái chưa tới, lũ chim cu đang chuẩn bị những cuộc tình cho loài giống chúng thì phải, buổi sớm mai sương giá, lũ chim cu từng đôi một đậu dày trên bờ tre trước ngõ nhà tôi,

 

 

kẻ đuối sức trong chống đỡ sự tác động của thế giới là tôi thì chỉ mỗi tiếng gù tình của chim cu cũng là niềm an ủi những tàng ần nghìn năm không mỏi của đất quê một chút nắng một chút sương một chút dấu tích tổ tiên còn sót lại dòng phù sinh mà ngọc bích kim cương cứ phủ lên cuộc quần cư lấp lánh những ngày những đêm dài và diễm lệ choàng lên cả những ước mơ trù mật ngôn ngữ quá khứ cứ sang sảng tràn qua những biến động bí hiểm của thế giới lời tiếng cổ nhân gieo xuống mọc lên luân thường từ cách cười khóc của trẻ thơ cho đến sắp đặt bầy đàn theo nghĩa lý văn chương con đường của hành trình cũng là thiên đường của cõi thực một tiếng trầm luân thấu đến cả tâm thức cỏ cây có khổ lụy nhưng thách thức đến cả những qui thức bí ẩn của tốn vong sang trọng đến cả mảnh xiêm y rách nát trên mình người mở đất nghìn xưa vẫn là thứ tiếng vọng thanh thoát và nghiêm khắc cho hết thảy những thiết lập từ bộ dạng đi đứng của nhân loại  cho đến từng chi tiết trong thiết định những phạm trù văn vật nghìn xưa vẫn cứ là nguồn mạch vô tận kiếp phù sinh mà ngọc bích kim cương mà trùng phùng ngấn lệ nước mắt hội ngộ nhỏ xuống mọc lên măng tre mọc lên những thế hệ khác đất quê vẫn cứ là điểm hẹn tốt nhất cho những giọng nói khác biệt,

 

 

 

cứ vậy một mình tôi đi qua hết những dấu vết của cuộc tình của tôi ở đâu đó thật xa như có tiếng chân đang được dấu kỹ trong lớp bụi đường trường một vạt nắng cuối ngày lại quệt ngang qua ký ức người đi vào lúc thế giới đang muốn sửa sang lại những văn bản về quá khứ đám thư lại trung thành của đám chúa đất chen chân nhau đi tìm giấy bút và các thứ cách thức tu từ  lũ ngông cuồng của thế kỷ nhân lúc rối ren nhốn nháo chia nhau cát cứ các thứ ý hệ cuồng bạo  ngả rẽ nào của thế giới như cũng có mặt chúng lũ sâu bọ không còn đường đi kiếm thức ăn người đi cứ dòm chừng  các khái niệm về bi kịch nhân loại có dừng chân nghỉ ngơi nhưng con chim lạc rừng lại lảo đảo giữa vạt nắng cuối ngày mở ra các thứ ý tưởng về đổ vỡ hoàng hôn vẫn là thời khắc làm vỡ ra đủ thứ hình thù của thế giới vô hình trung cái nhẩn nha của loài nhai lại như  làm chậm lại thế giới ồ mi loài gặm nhấm ta nhớ  một thời mi làm sụp đổ bao thành quách mi là tai họa lớn nhất của mọi triều đại tôi nói với các thế lực tăm tối vẫn luôn có mặt trong các chiều dài lịch sử hoàng hôn khiến cho người ta không thể không nghĩ đến ý niệm tàn rữa như thể vẫn nhìn thấy từng ngày trong các cách thức quần cư người đi có mang theo đủ  hay không hình hài cố quận,

 

 

 

cứ vậy tôi một mình đi qua hết những dấu vết của cuộc tình của tôi em khúc trần thế lạc giữa cõi vô ngôn không có gì cả một chút hình bóng đâu đó giữa phù vân không có ai cả một lời nhắc về một cuộc tình người đi cứ đằng đẵng cuộc tìm kiếm vẫn vầng trăng lạc điệu nơi đỉnh non thần bầy dê trong truyện cổ tích lạc vào chốn cấm cung ông vua đương đại đương thâu tóm trong tay bầy cận thần hét ai bảo chúng bay đi xem trăng đầu tháng vẫn biền biệt thứ thi ca không phải làm bằng chữ mà hồn cốt nghìn năm hiển hiện vẫn cứ vùi lấp dưới tro tàn thời gian hình hài ai đó vừa mới nhìn thấy con đường mở ra cho những mê cung tư tưởng cái thế kỷ khắc nghiệt đến cả việc con ong sáng ra đi hút mật hoa có gì đâu nhà chép sử chỉ muốn nói thật lòng về một biến cố lịch sử ồ con ong đã quay về khi cuộc qui hoạch thế giới đang chuyển đến hạn mục về tìm kiếm thức ăn cứ nổ ra những diễn tập ồ ạt và cách mạng người ta đã không còn cần đến những thiên sứ những vị thần luôn báo trước cho nhân loại biết về các sự cố tôi cứ sợ em lạc mất giữa trần gian quen thuộc này,

 

 

 

hay mi chỉ là giả định cho những mùa hoa nở rộ nào khác cứ ửng lên màu diệp lục mặt trời len qua những do dự bất nhất và phản trắc con còng biển thôi cách thức cũ xe cát chỉ là ứng dụng ngu xuẩn trong tạo dựng cư trú một chiều xa nào đó có kẻ trở về giữa non sông không còn gấm vóc như buổi mặt trời còn ngủ trong nôi mi cứ mãi là giả định cho những tạo lập nào khác cứ vậy tôi nói với cái thế giới đã làm cho tôi và nàng thất lạc nhau cứ vậy mi cứ mãi là nơi chốn từ đó những khúc thăng trầm nối nhau khiến cho cuộc cư trú thành ra chốn ẩn cư đêm những phác thảo về miềm vinh quang dấu mình trong những giấc mơ đứt quảng như thể đặc cách của những dự án tương lai thời có vẻ như thứ gì cũng còn nằm yên trong những từ ngữ như thể những mô tả chưa hết trong cuộc ẩn cư chuyện mai sau thường được nghe thấy trong những diễn tả như phía khác của thế giới một chiều xa nào đó không hiểu sao lại có người nằm chết trên con sông đầy rác rưới của thời đương đại tôi cứ sợ em không tìm được lối ra khi thế giới chỉ là nơi giả định cho những tồn tại khác,

 

 

kệ mi ta trở về với đất quê của ta câu thơ dấu bên dưới màu ráng chiều tôi nói với cái thế giới đã làm cho tôi và nàng thất lạc nhau và ngồi lại bên thềm giếng lắng nghe câu kinh chiều lũ chim đang tụng đọc trên bờ tre sau nhà cách đánh dấu quá khứ bằng tiếng chim cứ làm dấy lên nơi người nghe cảm thức huyền mặc thấy cả cái dáng vẻ bơ phờ của mảnh đất quê nơi chôn nhau cắt rốn của tôi buổi con ong còn đi hỏi con kiến về cách làm tổ cuộc cư trú  huyền nhiệm đến mức lúc người đến đó thì chỉ thấy một cuộc loạn lạc tri thức con ong đi hỏi con kiến về cách xây nhà còn lũ ốc đá trên suối rừng thì cứ tưởng cái bóng bầu trời nơi đáy nước là chốn dung thân của chúng xin chào bạn con nai rừng mở lời chào người thân thiện và vô vị lợi nhưng lũ thỏ rừng thì coi người như một vị thánh giáng trần  như thể chỉ thoáng  cái hết thảy lũ thỏ trên mặt đất kéo đến phủ phục trước người xin một lời khuyên trời đất với người bấy giờ như một cung đàn âm luật là cuộc ôn như huyễn mộng người nghe và cứ thấy mở ra trăm nghìn lối đi từ những câu kinh lũ chim đang tụng đọc trên bờ tre sau nhà tôi hình dung cảnh trí tiếp sau đó như thể một thứ sáng thế ký của thời đương đại cũng chẳng có gì ghê gớm lắm đâu chỉ là người cột ngựa ở gốc cây sau này là cây cổ thụ chỗ đầu làng người làng tôi gọi là cây cần giuốc rồi nói to lên một tiếng cho hết thảy những người bấy lâu đi theo người nghe thấy câu nói như thể bản thể của công cuộc cư trú bây giờ thì hết thảy chúng ta cùng cuốc đất người chỉ nói vậy như vậy không phải khởi thủy là hành động hay sao,

 

 

kệ mi ta trở về với đất quê của ta có con chim bịp kêu chiều tôi nói với cái thế giới đã làm cho cuộc tình của tôi thương tích và cố thủ trong cảnh giới như thể có ai đó níu giữ nửa cuộc đi về một nghìn năm tiếng cuốc gọi khuya cứ chìm vào những giấc mơ nó là thứ câu chuyện để cho những người đi chân đất đi cho hết những đoạn khúc trần thế chẳng có ẩn dụ nào ở đây hết giấc mơ nó là những câu chuyện kể chỉ trong mơ những người đi chân đất mới có thể nói ra ô hay chẳng phải hằng loạt kẻ đi chân đất đã ngã chết trong những cuộc cãi vã vô lối của những nhà biện thuyết của thời đại đó sao một nghìn năm ngọn gió thổi qua đầu hè chẳng có ngụ ngôn nào ở đây cả đất quê nó là một cuộc minh bạch một nghìn năm trăng soi đầu ngõ và các thế hệ người làng vẫn tiếp nối nhau đi trên con đường làng có bầu trời trên đầu và những hòn sỏi dưới chân,

 

 

 

VÀ ÔNG LÃO HÁT RONG  VẪN NGỒI HÁT BÊN BỜ VỊNH SRI BONEI,

 

cái cách thức ấy có thể nói là đại diện cho hết thảy những nỗi buồn nơi mặt đất, người ta cũng không biết ông lão có mù thật không, hay chỉ có cảm tưởng ông mù khi nghe ông hát những bài hát người ta cứ nghĩ đó là những bài hát của người mù, thế giới đa đoan, loạn lạc, nhận thức nào cũng dễ là nhận thức mù lòa, huống hồ ông lão lúc nào cũng mang cặp kính râm đen bất cứ người mù nào cũng mang và hát những lời không bao giờ nhìn thấy được bờ bến, bỗng người hát rong bên bờ vịnh Sri Bonei trở thành địa chỉ sáng giá, người ta đến để tham khảo về những mù lòa của thế giới…a, buổi sớm mù sương những người đi tìm lương thảo cho ánh mặt trời lại lạc vào nơi sào huyệt của bọn thảo khấu của thời đại, rồi cả thành quách lâu đài tráng lệ, cả những nghìn năm văn vật ập đổ trong phút chốc, hết thảy thảo chương của một cuộc văn minh trở thành mây khói phù du chỉ vì một lời xằng bậy của kẻ đứng đầu bầy đàn, những bài hát về những mù lòa khổ tận như vậy không còn là xa lạ với người nghe, ông lão hát rong chẳng phải thiên sứ gì đâu, chỉ là kẻ muốn kể lại cho kẻ khác nghe những gì ông nghe được từ nơi thế giới mù lòa,

 

 

 

người ta đã nghe ông lão hát, và bắt đầu nhận ra những ngõ ngách ngoại lệ của thế giới, ngoại lệ hay chỉ là miền khổ lụy lận đận, thế giới là cuộc quần thảo giữa tro tàn và tráng lệ, giữa các minh bạch và không minh bạch, giữa các định nghĩa và không định nghĩa, những bài hát của ông lão không phải tụng ca về những gì phải tụng ca, mà là diễn tả, cũng không phải diễn ta, mà là nói về, tháng tư, lũ cá vảy trắng theo con nước triều ồ ạt kéo vào vịnh Sri Bonei, ông lão lên giây đàn [ở mức cao] và hát, mi, những đứa con của biển, mi sinh ở biển, lớn lên ở biển, khôn theo cách khôn của biển, với mi, ngoài nước, chẳng còn gì quan trọng, cho nên không thể nói tại mi, chỉ là mi theo con nước đi lại giữa phù sinh, cho nên cũng khó nói là do mi mù lòa, hay do con nước mù lòa, chỉ tại mi là cá, con cá lội theo con nước lên con nước xuống, ông lão hát giữa nhộn nhịp phù sinh, buổi sớm mai, những người đánh cá đã mang hết cá lên bờ vịnh Sri Bonei, và lũ cá vảy trắng cũng đã vĩnh viễn rời khỏi loài giống mình,

 

 

 

cuộc sống của một thành phố phức hợp cứ vậy mà diễn ra bên bờ vịnh Sri Bonei như một thứ thảo chương làm bằng những khái niệm dễ vỡ, cái cách ở đây là mực nước biển bỗng hạ xuống, đất đai lộ ra, ngẫu nhiên mà thành ra chốn cư trú,  không thể nói là tạo tác dành riêng cho giống loài nào, có thể là lũ chim biển đến trước làm tổ trên những ghềnh đá ở cái vịnh biển như thể trong cuộc rong chơi của con nước nguyên thủy lại muốn để lại đó đây chút hình dáng của mình [ vịnh biển Sri Bonei chẳng qua là thứ hình dáng thu nhỏ đến mức có thể của cuộc hải hà xưa cũ] tiếp theo lũ chim biển có thể là lũ giun dế rùa rắn, sứ mệnh của chúng có lẽ là để làm cho đất đai bớt hoang vắng, và hết thảy lũ chim thú ngay buổi đầu chỉ là một lũ mù lòa, đâu biết có một ngày bỗng thấy đầy bóng dáng con người, và ngay tự buổi đầu, đám người ấy cũng chỉ là bầy đàn người mù lòa không hề biết gì về chuyện về sau nơi cư trú của mình lại thành ra cái thành phố phức hợp mang nặng cả nỗi niềm hoang sơ của tổ tiên và cả những cách thức sống vừa sáng sủa vừa tăm tối, hệ quả  của  cuộc chuyển động bão táp của lịch sử con người, nhưng dẫu gì cuộc sống bên bờ vịnh Sri Bonei cũng đã cưu mang tôi và nàng, thần Aphodite đã mang nàng đến đây để cho chúng tôi làm nên một cuộc tình giữa thế giới mù lòa, 

 

 

bên bờ vịnh Sri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
tháng 4.2021
tháng 6.2021