Những cái chết không dễ chút nào

                            

  Kính tặng những người đi chân đất ở quê tôi

  

Thực sự thì tôi đã chết từ lâu, chết một cách thê thảm, nhưng vẫn cứ giả dụ rằng mình còn sống để tường trình một sự việc tôi nghĩ là bằng mọi giá phải nói ra cho cả thế gian biết, sự việc coi như nguyên nhân của cái chết của tôi ngày ấy. Ngày ấy cũng chỉ là những năm tháng như những năm tháng trước đó. Chỉ có điều bấy giờ một ngọn gió mới lạ, có thể nói lý thuyết xã hội ấy như một ngọn gió lạ bỗng thổi qua làng tôi, đầu tiên là làm ập đổ ngôi miếu thờ thần làng bằng vôi vữa kiến trúc cổ nhất của làng còn sót lại sau bao cuộc bể dâu, kế đến là làm tiêu tan những cách nghĩ về đất đai vốn được hình thành tự bao nhiêu đời nay. Bấy giờ thì không còn chuyện là ruộng vườn của tôi hay của anh. Một thứ tình cảm tiền sử bỗng nổi lên trong lòng người làng tôi. Như một phép màu của thế kỷ, ngọn gió mới ấy bỗng làm nảy nở trong lòng người làng tôi thứ tình cảm bầy đàn, sự thật là chúng tôi bước vào bầy đàn ấy với niềm cảm hứng chân thành, nếu không nói là đầy nhiệt huyết [ sáng ra thì chúng tôi cùng vác cây lao cùng săn đưổi con mồi…]   Lịch sử chẳng qua là sự nối kết, không đúng cho lắm, những hình hài của sống. Có phải những năm tháng ấy là chúng tôi đã làm ra một thứ lịch sử, sau khi tôi chết rồi tôi cứ ngờ ngợ thấy như bấy giờ là chúng tôi cứ đi chà lui cho tới khi đụng vào cái bầy đàn ấy. Thực sự thì tôi đã chết trong những đêm dài đầy mộng mị. Trong những đêm dài mộng mị tôi cứ nhìn thấy làng tôi trở nên phố xá đông vui, những người đi chân đất ở làng tôi đã trở thành chủ nhân những ngôi nhà cao lớn, tôi cứ nhìn thấy ngài trưởng làng như sự mặc khải của lịch sử, nếu không phải thế thì làm sao để cắt nghĩa việc ông, một người chỉ vừa biết đọc biết viết, lại có thể là một diễn giả [ rất tuyệt ] về cơn gió mới ấy, ngài trưởng làng nói về thứ lý thuyết xã hội ấy như thể là lấy ra từ những suy nghĩ của mình. Những quyến rủ của những lý thuyết xã hội trong lịch sử luôn là điều bí ẩn. Những ngày ấy cũng chỉ là những năm tháng như những năm tháng trước ấy. Nhưng tôi đã thực sự chết tự hôm tôi cứ thấy như ngọn gió mới ấy đang làm ập đổ hết thảy những đại tự sự, kho tàng tri thức nhân loại tôi từng được học hỏi. Tháng ba, hoa mồng gà nở trắng các bờ ruộng đồng làng. Hoặc là làm mới đồng ruộng, hoặc là chết. Ngài trưởng làng nói. Hiện đại hóa là mãi thật lâu sau này mới được nghe nói tới. Còn bấy giờ, những từ ngữ nghèo nàn, lạc hậu, ấm no, hạnh phúc… là những từ mang tính chuyển động rất lớn luôn ám ảnh đầu óc dân làng chúng tôi. Trịch về bên này một chút là nghèo nàn lạc hậu. Trịch về bên kia một chút là tiến bộ. Dường như chuyện công nghiệp hóa   xử sở là niềm cảm hứng lớn lao nhất trong tư duy của ngài trưởng làng. Tháng ba, đồng làng tôi trồng cây bạc hà thay vì trồng cây lúa. Sự phản kháng đầu tiên của đất đồng làng là làm cho cây bạc hà èo uột, không trưởng thành. Cây bạc hà lên cao chừng vài ba tấc thì cứ đứng im đó. Ngài trưởng làng cũng ốm theo sự đau ốm của loài cây lúc bấy giờ được xếp vào hàng cây công nghiệp. Kết quả thì lá cây bạc hà thu hoạch được chỉ cho rất ít tinh dầu sau những đợt chưng cất không đủ để đổi thóc cho dân làng   như kế hoạch đã định. Người làng tôi phải đổ đi các nơi tìm công ăn việc làm. Thực sự thì tôi đã chết tự ngày làm thư ký cho ngài trưởng làng với nhiệm vụ viết phương án công nghiệp hóa đồng ruộng bằng cây bạc hà. Đã bắt đầu rải rác những cơn mưa thu. Hoặc là làm mới đồng ruộng hoặc là chết. Ngài trưởng làng nói. Tháng tám, đồng làng tôi trồng cây mía thay vì trồng cây lúa vụ thu đông. Đất đồng làng lại phản kháng sự có mặt của một loài cây đất không ưa thích. Cây mía vẫn cứ lớn cao, nhưng lại không chứa đường. Người ta nói như thế là mía chạy chè. Vốn trồng mía rất lớn. Tiền mua cây giống, tiền mua phân bón, mua thuốc trừ sâu bệnh. Mía chạy chè không ép đường được, nhưng làng phải trả lãi vay cho ngân hàng. Ngài trưởng làng ốm đi rất nhiều. Người làng tôi lại tứ tản sinh nhai. Cho đến khi tôi chết tôi mới hiểu ra phải có một thứ khoa học nào đó dò hỏi đất đồng làng   rằng ngoài cây lúa truyền thống thì chúng còn ưa thích giống cây nào. Nhưng ngài trưởng làng thì nhất định không trồng   lúa trở lại. Ngọn gió mới tác động trí não ông đến mức nào thì vẫn là điều bí ẩn. Trồng cây lúa là quay về thời đồ đá. Ngài trưởng làng nói. Viết phương án sản xuất cho cây bạc hà và cây mía đều thất bại, tôi xin thôi việc làm thư ký cho ngài trưởng làng. Năm ấy ngài trưởng làng bước sang tuổi sáu mươi. Tại vì chúng ta chọn nhầm giống, chứ không phải tại đất đồng làng. Ngài trưởng làng nói. Ông không cần tôi viết phương án sản xuất nữa. Ngay trong mùa thu ấy, sau khi phá bỏ đám mía chạy chè, làng tôi lại trồng lại cây mía với một thứ giống mới khác do chính ngài trưởng làng lựa chọn. Lần này cây mía vừa lên khỏi mặt đất thì đứng im đó. Hoặc là đi nơi khác kiếm sống hoặc là chết. Người làng tôi bảo nhau. Thì vợ con ngài trưởng làng cũng phải chạy đi kiếm gạo nấu chứ để chết đói cả nhà hay sao? Tôi nằm dài giữa những tháng   ngày buồn tẻ nghĩ ngợi về những số phận con người trong các tiến trình lịch sử. Bấy giờ thứ chủ nghĩa hoài nghi luôn tác động lịch sử con người bắt đầu có giá đối với tôi. Tôi bắt đầu nhìn thấy trong trí tưởng tượng của mình tất cả những dòng sông trên mặt đất nước dâng đầy, nước sông cùng với nước các biển cả nhấn chìm mọi thứ trên mặt đất, bỡi con người không còn quí trọng những gì mình đã tạo ra trong quá khứ. Nhưng có chắc như trong tưởng tượng của tôi hay không? Hay là con người đã mù lòa trước số phận của mình? Tôi hoài nghi cả những nghĩ ngợi của tôi. Tôi hoài nghi cả cái cách nghĩ ngợi như những tảng băng đông cứng trong đầu óc của ngài trưởng làng. Tôi hoài nghi cả việc tôi nhìn thấy đám mía trên đồng làng không còn giống chút nào với những đám mía tôi từng nhìn thấy [chúng tỏa xanh trên mặt đất tựa như các loài cây họ đậu…] Tôi hoài nghi cả việc tôi nhìn thấy loài kiến hôi bỗng tụ tập về đồng làng tôi, loài kiến màu đen có mùi hôi dễ gây chú ý [nếu không nói là có phần quyến rủ] loài kiến có chân cao, chạy rất mau, không thích cắn như những loài kiến khác, chỉ thích tụ tập thành từng đàn ở những nơi có nhiệt độ thấp, lũ kiến hợp lại thành từng đàn đông đúc trên những ngọn mía vừa mới lên khỏi mặt đất như một sự phát hiện có tính cách sinh tồn nào đó. Một sáng tháng tám tôi đến nhà ngài trưởng làng thấy ông nằm chết ở trên giường. Nhà chỉ có mỗi mình ông với lũ kiến hôi đang bu kín thi thể lạnh ngắt của ông.

 

Giã   18 PM 28/8/2016

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.