Như thể tín hiệu của niềm vui vĩnh cửu

tranh Mariek Hemelaar-van Wijck-Pháp

 

 

tôi muốn viết về mùa đông ấy để tặng riêng cho người làng tôi, cứ muốn trích ra từ cái cảnh sống luôn  bị cảnh chiến tranh đe dọa một chút vẻ đẹp tổ tiên người làng tôi đã bỏ công sức tạo dựng tự những trăm năm trước, mưa, con đường vào làng nằm dài ở trong mưa trông cứ như rõ hơn mọi ngày, con đường cứ như một cuộc trường chinh vĩ đại, thì chẳng phải bao nhiêu triều đại đã sụp đổ nhưng người làng tôi vẫn cứ nối tiếp nhau bước đi trên đó, nó, bũn đất trên con đường đó đã chạm vào bàn chân bao thế hệ người làng, những trăm năm lối vào chốn cư trú của một bầy đàn, vào một ngày mưa, từ trường dạy học trở về, tôi cho xe máy chạy chầm chậm trên con đường vào làng, buổi trưa, vẫn rả rích mưa, mùa đông ở quê tôi vẫn cái kiểu mưa nhỏ hạt kéo dài từ giờ này sang giờ khác, dai dẳng, chì chiết, có vẻ như tạo hóa ở đây chẳng có chi phải vội vã trong việc làm ra mưa nắng, lúa đông xuân trên các thửa ruộng hai bên đường có vẻ hả hê với thứ mưa chì chiết, bấy giờ là tháng tám, lúa đang trỗ đòng, hương lúa lẫn trong hơi mưa như thể đang đánh thức bản thể một người sinh ra và lớn lên giữa những thứ như lúc nào cũng thốt ra thứ hương vị riêng, tôi xuống xe để nhìn ngắm những thứ quen thân cứ [rất] lo sợ rồi ra có thể xảy cuộc đọ súng ở đây vào một lúc nào đó không ai lường được, và tôi sẽ không còn được nhìn thấy chúng nữa, giữa lúc tôi đang có những nghĩ ngợi tệ hại thế thì mưa bỗng trở nên nặng hạt, những hạt mưa to như những hòn bi bắt đầu va vào mắt mũi tôi đau điếng, chiếc áo đi mưa bằng ni lông trên người tôi bắt đầu bó chặt lấy thân thể tôi, cái lạnh như cứ tăng lên, và tôi không còn ngăn được cơn run lập cập, chính là vào lúc ấy, chú Hai Ngộ, người đàn ông hiền lành ở làng tôi, đã cứu tôi thoát khỏi cái lạnh và thứ cảm thức buồn bã về chiến tranh, nổi lên giữa màu xanh của lúa và màu mưa trắng nã là chú Hai Ngộ mặc áo tơi mưa chằm bằng lá núi đang bước đi trên đồng làng, ở làng Cù tôi, chỉ chú Hai Ngộ là còn cất giữ được cái áo tơi  mưa chằm bằng lá núi, loại lá lấy ở dãy núi phía nam làng tôi, một trong những di sản văn hóa của miền đất quê tôi, cái áo tơi mưa khi mặc vào thì ta cứ giống một con chim đại bàng, không phải đang bay, mà đang bước, chú Hai Ngộ mang áo tơi mưa chằm lá núi, đội nón lá cũng chằm bằng lá núi, đang bước giữa ruộng đồng, bỗng một người cày ruộng hiển hiện thành cuộc dịch chuyển giữa tác động của nắng mưa, không hề thấy có chút cảm thấy trở ngại, lo ngại, hay lo sợ, cái cách thư thả bước đi giữa mưa gió như thể tín hiệu về một cuộc chung đụng vững chãi, ở làng tôi cày ruộng là cuộc chung đụng mang tính khải huyền giữa con người và thiên nhiên, cái tượng đài nghìn năm vẫn cứ còn chỗ trong văn hiến bầy đàn, sau hôm đó không lâu cũng đã ngã xuống như một thứ một tượng đài bị bất ngờ đốn ngã, bỗng hiện ra trên cánh đồng làng tôi từng thông thuộc từng bờ mẫu khiến tôi trút bỏ được những lo âu, buổi trưa tháng tám, tôi cứ đứng đó, giữa mưa, nhìn ngắm, nghĩ ngợi, trên cánh đồng làng chú Hai Ngộ lại bước đi, đám cò trắng đang đậu ở một ruộng lúa gần đó túa bay lên như thể  một  thứ bông hoa trinh tiết nở rộ trên đầu một người mà cả cách ăn bận, cả cách đi đứng,  như thể tín hiệu của niềm vui vĩnh cửu,  

[trong Vẫn còn nghe tiếng vạc]