NGUYỄN THANH HIỆN, KẺ HÁT RONG PHẬN NGƯỜI

 

 

Mỗi thi pháp là một bản thể luận.
Diễn từ kỷ niệm Dante

Toute poétique est une ontologie.
Pour Dante, 20/04/1965
Saint John Perse

Thi pháp Nguyễn Thanh Hiện không ngoại lệ.

Có thể nói đến “thi pháp” không ? có thể.  Vì các bài thơ của Nguyễn Thanh Hiện mang một dấu ấn độc đáo trong thơ Việt đương đại. Tác giả là một người làm thơ đã thành danh, từ lâu thường xuất hiện trên các trang mạng văn chương Da MàuTiền Vệ, ngoài ra toàn bộ các tác phẩm rất phong phú của ông được xuất bản trên trang cá nhân: nguyenthanhhien.com Riêng Diễn Đàn cũng đã hân hạnh đăng 20 bài của ông dù bắt đầu muộn, chưa tới ba năm trước. Thơ văn xuôi, thơ không vần hay văn xuôi có nhạc điệu – để nói chung về một loại văn bản mà ta mơ hồ nhận ra nhưng khó gọi tên, vì nó đã phá vỡ biên giới thể loại – ở Việt Nam, tuy hiện nay vẫn còn ít được sử dụng nhưng không phải không có từ trước. Có lẽ độc giả Việt Nam đã quen thuộc và chấp nhận vẻ đẹp của nó, ít ra là từ những bản dịch thơ Tagore từ những năm 1960 của nhiều người ở cả miền Nam và miền Bắc. Nhưng sáng tác những bài thơ/truyện vừa phức tạp, phong phú, lại vừa tự nhiên, phóng khoáng – cả về nội dung lẫn hình thức, đến độ mà, thực ra gọi nhiều sáng tác của Nguyễn Thanh Hiện là thơ hay là truyện đều không có gì quan trọng – như Nguyễn Thanh Hiện thì người viết bài này không được biết có ai khác.

Và có nên nói đến một “bản thể luận” không ? dĩ nhiên nên, trong chừng mực mà thơ, thứ thơ đích thực, không làm gì khác hơn là nói về bản thể. Hay đúng hơn, thơ của họ nói về những gì người làm thơ cảm nhận và suy tư ở mức độ sâu thẳm nhất trong tâm hồn mình, mức độ đó ta gọi là bản thể, dù thi sĩ có ý thức về điều đó hay không. Thơ nói về bản thể, cho nên mỗi thi pháp là một bản thể luận.

Trường ca những bài hát rong đương đại còn là một cuộc truy tìm bản thể có ý thức tự thân. Để thấy điều này, hãy đọc đoạn mở đầu chương một, gồm một trích dẫn Saint John Perse và một đoạn thơ Nguyễn Thanh Hiện tiếp liền :

…Con người đặt vào bàn tay cho ta trái khổ.
Người xa lạ. Người đi qua. Và đây là tiếng động
vang xa trong sắc đồng cây gỗ. Hoa hồng và
nhựa, quà tặng của bài ca. Và tiếng sấm, và tiếng
sáo trong nhà…
*
SAINT JOHN PERSE

Và một hôm, vào cuối thế kỷ, con rắn đen bỗng
trườn vào làng Cù của ta, là nhà người đang mang
trong mình những nọc độc của rắn, con rắn đen
vừa trườn vào làng, vừa nói, và ta, Người Gieo Hạt,
ta phải lập tức thay đổi những cách nhìn bấy lâu
về thế giới…

Và thế là nhân vật chính rời làng Cù để đi chu du, và hát lên bài rong ca đương đại về cuộc chu du ấy. Chu du những đâu, để làm gì, và tại sao hát ?

Ngay từ trang đầu tiên, tác giả đã viết :

…Ta biết là ngươi đang đi về
phía Mesopotamia, đi về phía
đông Mediterranean Sea,
biển Giữa, nhưng làm sao mà
ngươi biết hát?

Thưa, tự thuở sơ khai loài
người đã biết hát, hết thảy
những khúc hát ấy là nằm
trong ký ức nhân loại, nay chỉ
làm mỗi việc nhớ lại mà thôi.

Hát, là cất lên tiếng nói uyên nguyên của bản thể, để trả lời câu hỏi ta là ai ? Vẫn là người làng Cù mà không còn là người làng Cù, vì người hát rong vừa hát với ta về làng Cù đã rời đi, để săn tìm chính mình qua những cái nôi của văn hoá con người, ở thời đại chúng đang thành hình, nhiều thiên niên kỷ trước : Sumer, Ai Cập, Hy Lạp, Crete… để hân hoan, để căm giận, để phê phán hay chấp nhận những gì đến với con người, để hình thành nên phận người. Kẻ hát rong này hát về phận người chứ không chỉ về một thân phận…

Ta là ta, và ta cũng là tổng thể văn hoá mà ta đã thừa hưởng từ những người khác. Cũng như thế, Nguyễn Thanh Hiện đã sử dụng hình thức kể chuyện “tân sử thi (néo-épopée)” của Dante trong “La Divine Comédie (Chuyện thần thánh)” : dùng ngôi thứ nhất kể lại một cuộc du hành trong thế giới ảo ; cộng với một bút pháp “thơ văn xuôi” rất gần Saint John Perse… để cất lên tiếng hát của Nguyễn Thanh Hiện, không là của ai khác. Vì, khác với thế giới trong tân sử thi của Dante, một thế giới ảo xây dựng bằng những niềm tin tôn giáo Trung cổ, thế giới trong tân sử thi của Nguyễn Thanh Hiện chỉ ảo trong độ lệch thời gian mà thôi, đó là thế giới thực của lịch sử loài người nhiều thiên niên kỷ trước. Còn vì, bút pháp có thể giống nhau, nhưng thi pháp thì không, bút pháp chỉ là cái vỏ hình thức của thi pháp, thi pháp đích thực phải là sự thống nhất của hình thức và nội dung, nó là bộ phận của ngôn ngữ, cái chuyên chở của cả một nền văn hoá trong trạng thái sinh động của nó.

Câu hỏi đặt ra là : mang theo ngôn ngữ của làng Cù, một mình một ngựa lang thang vào những miền đất nguồn cội khác của phận người, khi kẻ hát rong trở về thì dân làng Cù sẽ tiếp nhận tiếng hát như thế nào ? Bởi ngôn ngữ luôn chuyển tải một bản sắc văn hoá; khi trở về, bản sắc văn hoá đã khác, thì ngôn ngữ cũng sẽ phải khác đi. “Sáng tạođó là nhiệm vụ được truyền thừa của nhà thơ về ngôn ngữ (Telle est l’obligation filiale du poète envers la langue – créatrice… Pour Dante, Saint John Perse) “.

Truyền thừa và sáng tạo : một sứ mệnh đầy rủi ro, vì sáng tạo sẽ chỉ tồn tại khi được chấp nhận để trở thành một phần của truyền thừa tương lai. Vậy hãy để thời gian trả lời, và hãy tham dự vào quá trình này : quá trình của một dân tộc có chấp nhận hay không nhà thơ như một người nói lên được tiếng nói của chính mình.

*

Tôi không có khả năng bàn nhiều hơn về thi pháp Nguyễn Thanh Hiện, cũng không thể tóm tắt những gì người hát rong đương đại này kể lại, chỉ xin mời bạn đọc mở cuốn tân sử thi những bài hát rong đương đại” để tự mình tiếp nhận, thưởng thức và thẩm định. 

Paris tháng bảy năm 2013
HÀN THỦY
[ Bài viết đăng trên diendan.org năm 2013
https://www.diendan.org/sang-tac/ke-hat-rong-phan-nguoi }

*         Chú thích của Diễn Đàn: trong bài thơ Anabase, Nguyễn Viết Thắng dịch, trích theo www.thivien.net

Leave a Reply

Your email address will not be published.