Nghi lễ trừ tà

                        tranh Maria Øverbye-Na Uy

 

 

chính cái bấc đèn thắp bằng dầu phộng hồi những tháng năm gian khó đã giúp tôi nhận ra kẻ đang rình rập cướp đất nước tôi, em, làng quê ta bây giờ vẫn còn nghèo, nhưng nhận thức ai nấy đều rành mạch: dưới gầm trời mùa xuân gió mát hoa nở tôi và anh nắm tay nhau cùng lũ chim cu ca hát suốt ngày đêm nhưng không phải vì thế mà anh tự tiện thả trâu sang ruộng lúa nhà tôi, em, ông cụ Kỉnh làng ta vui vẻ thế nhưng giờ bỗng trở nên u uẩn, ở làng ta, em biết, đêm, lũ côn trùng ở các vườn nhà như muốn giành quyền làm chủ mặt đất, sau ngày làm lụng vất vả, những người trong nhà có muốn trò chuyện cũng chỉ chốc lát, đêm đến, cái tình huống chung của làng là sự lặng lẽ, hay là cái đám côn trùng ấy đã làm cho ông cụ Kỉnh khó chịu, chúng đang coi không có chúng ta đấy, ông cụ Kỉnh nói, tôi chỉ im, chờ thử ông ấy có diễn giải gì thêm hay không, đêm nào tôi cũng sang ông như để thụ giáo cho hết cái kiến thức ông đã thâu tóm được từ cuộc đời trăm ngàn ngõ ngách chánh tà bất phân này, đúng là chúng đang coi không có chúng ta, ông cụ Kỉnh lại nhắc lại, đêm nào tôi cũng sang, và những cuộc chuyện trò giữa hai chúng tôi cứ như những cuộc tìm kiếm khó khăn, tìm kiếm cái gì chúng tôi không biết, nhưng lúc nào cũng thấy như đang lâm vào những lối đi tăm tối, và cái đêm hôm ấy, đêm ông Kỉnh thấy nổi giẫn với lũ côn trùng ngoài vườn rào, thì phải nói không bao giờ còn lập lại trong cuộc đời tôi, tôi quí ông cụ Kỉnh, đúng hơn là cứ sợ mất ông, ông mà mất đi coi như làng tôi mất đi một thứ vô giá, nói thế nào nhỉ, ông là ngọn cờ của làng tôi, ngọn cờ của tri thức, ông cụ sinh ra ông cụ Kỉnh chỉ có mỗi người con trai là ông, nên đã dùng số lúa thóc làm được để nuôi ông cụ Kỉnh học chữ, có thể nói người nhiều chữ nhất trong vùng là ông cụ Kỉnh, cha ông cụ Kỉnh lấy lúa nuôi chữ, rồi ông cụ Kỉnh thì lấy chữ nuôi lại người làng tôi, ở trong làng những người thuộc thế hệ sau ông cụ Kỉnh đều là học trò của ông, tôi cũng là học trò ông, nhưng khi tôi đã có thể ngồi trò chuyện với ông thì ông chỉ coi tôi là bạn bè, đúng là thằng ấy nó đang coi không có chúng ta đấy, bây giờ thì ông cụ Kỉnh bỗng thét lên, và lũ côn trùng ngoài vườn rào thì vẫn đang gióng lên, có phải cái giọng ra rả như không coi ai ra gì của lũ chúng đã làm cho ông Kỉnh nổi giận, đêm ấy chúng tôi trải chiếu ra ngồi ở sân trước, đêm cuối tháng tư, ánh sao vằng vặc, ở trong nhà, đám con cháu ông Kỉnh đều đã ngủ yên, tức là, bấy giờ chỉ còn nghe mỗi thứ tiếng động là tiếng kêu của lũ côn trùng, đọc sách thấy, xưa, cha ông ta một sáng thức dậy, nghe có đứa muốn xâm lấn bờ cõi, nổi giận, đứng ngay giữa trời mà thét, bờ cõi nó là cái giường nằm của bầy đàn, mơ thấy cây lúa trỗ bông, hay mơ thấy con bò mẹ đẻ con bò con, cũng ở trên đó, bờ cõi nó là cái chỗ nằm của những thế hệ tiếp nối nhau, anh thấy có giống như giấc mơ đen đuổi hay không, ngày nay, sáng thức dậy tôi và anh cũng nghe nói thằng ấy đang rình rập cướp đất nước ta, ông cụ Kỉnh nói, có vẻ không còn giận dữ, như thể chỉ than thở với tôi, cũng phải thôi…như có ai, không phải ông Kỉnh, lại rỉ tai tôi, bỗng, thứ kiến thức sách vở, đúng ra là trí tưởng tượng của tôi đã đẩy tôi đi thật xa tận buổi lập đất lập làng, tôi thấy những người mở đất nhìn tôi và ông Kỉnh, vẻ cảm động: cũng phải thôi, khi có kẻ hung hăng muốn chiếm lấy đất đai nhà cửa của mình thì không thể không nổi giận, rồi có cái gì đấy bỗng chặn ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi em à, cà ông Kỉnh lẫn tôi đều không nói được lời nào, có phải di sản thiêng liêng của tiền nhân, cuộc tư duy bầy đàn, những tình cảm thơm mùi lửa bếp, đã chen vào dòng ý thức chúng tôi để làm cho rõ nét hơn trong cách nhìn thế giới, anh thấy có lạ lùng không, nếu không nói là không thể hiểu nổi, giữa đám nhân loại bình yên, bỗng nổi lên một đứa cũng đi đứng ăn ngủ như mọi người nhưng lại cứ muốn đè đầu cỡi cổ kẻ khác, thật trớ trêu, thằng đó ngậm chữ, và ngày ngày vẫn cứ phun ra giữa thế giới đương đại này đủ thứ phù phép, sự thể nghiệm trong kết hợp giữa lý trí  và dơ bẩn, giữa một con vật hạ đẳng và một chút chất người, hay là sự thử thách trong chiến đấu giành chân lý, của tạo hóa, sau những giây phút im lặng nặng nề, ông cụ Kỉnh lại nói về kẻ đang rình rập cướp đất nước tôi, tôi lắng nghe, và không thể còn giữ được bình thường, dường khi con người ta sắp tiến gần đến chân lý thì không thể không run sợ, cái đêm ấy như không thể còn lập lại trong đời tôi em à, ông cụ Kỉnh ngồi xếp bằng trên chiếu, một tay chống lên vế, một tay gác lên vế, nghiêng người, nhìn trời, cái thư thế như thể ông đã quá nhuần nhuyễn trong cuộc đời mình, ông ngồi như thế, nhìn trời, và nói như thể đang nói với thật nhiều người, còn tôi thì lắng nghe, và cảm thấy sợ hãi

giã 15.30 PM 7.3.2019

[trong Sự sơ hở của thế giới]