Một bản tình ca của đất

Jean Dubuffet/Pháp

 

 

Nhưng bây giờ trong một ngày dài không thể kết thúc/Ta cảm thấy không thể thay đổi và cô đơn/ But now, on this long day that doesn’t end/I feel irrevocable and alone/ JOGE LOUIS BORGES/ADAM IS YOUR ASHES/A DAM LÀ TRO TÀN CỦA MI

 

 

cả hồn cốt máu xương rối tung lên rồi nhập vào nguồn văn tự, thơ nó là cuộc chuyên chở nặng nhọc sức nước ngàn năm, vậy mà chú Tám Hồ vác cây cày đi như không trong suốt cuộc đời mình, dài bảy mươi mốt năm, một cuộc đời như vậy so với thời gian của Einstein thì chẳng là gì, nhưng đặt nó trong cuộc sống ở làng tôi thì đó là quảng thời gian như niềm ao ước lớn lao của mọi người, có nghĩa, ở làng tôi sống tới bảy mươi tuổi là cực hiếm [phải dùng từ cực hiếm mới tả nổi] bỡi làng tôi là miền đất nghèo, và chật, và muốn kiếm miếng ăn cho đúng nghĩa miếng ăn của con người thì cũng khó khăn như các nhà khoa học tìm kiếm chân lý trong tự nhiên vậy, nhưng đó là cách nói cho ra lẽ khi tôi nói về miền đất đã sinh ra mình, với chú Tám Hồ thì chẳng có chuyện ‘‘to be or not to be’’ [hoặc là tồn tại, hoặc là không/ Shakespear] chẳng có chuyện  ‘‘ đời nửa khói mây chìm bóng mộng’’ [thơ Quách Tấn] mọi thứ, với chú Tám Hồ, cả chuyện kiếm miếng cơm manh áo, đều đơn giản, có nghĩa, chẳng có chuyện nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ tới nghĩ lui, có nghĩa, hết thảy những khái niệm bác học về thời gian là chẳng dính dáng gì với chú ấy hết, thời gian chỉ là cái nó đi ngang qua cuộc đời chú, ngày là để làm lụng ngoài đồng làng, và đêm để ngủ nghỉ, chú Tám Hồ chắc mẫm sáng hôm sau thức dậy là sẽ lừa bò ra đồng làng, tức chẳng chút mảy may hoài nghi về nhịp điệu của năm tháng, nhưng đó cũng chỉ là cái cách mô tả cho nó văn chương một chút khi tôi viết về một người cày ruộng ở làng tôi, tôi đang viết địa chí của làng, và thấy bí về chuyện ‘‘con chim quyên xuống đất ăn trùn’’,  tại sao lại nói như vậy, chú Tám, tôi đi hỏi chú Tám Hồ, lập tức chú ấy chỉnh đốn lại tên của một loài chim vốn coi như là thành viên của làng, con chim cuốc lại nói là chim quyên, ai cũng nghĩ là do các tiền hiền của làng nói vậy rồi thành ra câu hát ru con như vậy, chú Tám Hồ nói, tôi nói chắc là vậy [tôi biết chú Tám gọi các nhà thi ca thuở trước là tiền hiền của làng] nhưng tại sao lại nói như vậy, chú Tám,  tôi phải hỏi chú ấy cho ra lẽ chuyện vì sao lại nói con chim quyên xuống đất, chú Tám Hồ không hề nghĩ ngợi, nói,  cũng  là  các tiền hiền muốn nói vậy, con chim nào lại không ăn trùn, muốn ăn trùn phải đỗ dưới đất, chứ đỗ trên cây thì trùn ở đâu để ăn, con chim cuốc muốn ăn con trùn phải đỗ dưới đất là phải thôi, mà đâu phải con chim mới ăn trùn, con cá cũng ăn trùn, chú Tư không thấy người ta đào trùn để đi câu cá đó sao [chú Tám Hồ gọi tôi là chú Tư, có người làng còn thân mật gọi tôi là chú Tư Cam Sành, tức ghép tên Cam Sành thời thơ ấu của tôi với thứ tư của tôi, ở trong nhà tôi là đứa con thứ tư] từ con trùn, chú Tám Hồ đã nối con chim quyên, tức con chim cuốc, ở trên mặt đất, với con cá dưới nước, một bản tình ca về chim quyên, tôi lại thấy cái cách nói về con chim quyên là mới lạ hơn cách nói của các nhà thi ca thuở trước: Giá cô tại giang Nam/ Đỗ quyên tại giang Bắc/Chim giá cô ở bờ sông Nam/ Chim đỗ quyên ở bờ sông Bắc/Trần Danh Án [triều Lê, 1428-1788)], hay Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu/Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm./Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt/Trăng mờ khắc khoải cuốc kêu thâu/Chu Mạnh Trinh[triều Nguyển, 18621905].. mẹ thằng Tộ đi hái lá chè xanh nấu một ấm cho chú Tư uống chơi, chú Tám Hồ nói với thím Tám Hồ, rồi nói với tôi, cây chè chỗ bìa sân nhà tôi là trồng tự thời ông nội tôi, chiến tranh bao nhiêu bận, cây chè có còi cọc, nhưng không chết, hết súng đạn lại ra lá sum suê, đi cày về, mệt, uống bát chè xanh, thấy khỏe, ông bà ta tính toán chuyện gì cũng giỏi cả, chú Tám Hồ lại đọc cho tôi nghe một bản tình ca nữa, một bản tình ca về đất, tôi lại tới nhà chú Tám Hồ nữa, tới để hỏi tại sao lại nói gió táp mưa sa, mà không nói mưa táp gió sa, cũng là do các tiền hiền thời trước thôi, nắng hay mưa gì cũng gay go hết, chú Tám Hồ nói, tôi cứ có cảm tưởng, một người như chú Tám Hồ, hiểu biết  từng chút lý lẽ của đất đai, cả đời chỉ biết có đất đai, có vẻ như không hề biết ở trên đầu mình, ngoài bầu trời xanh cao, là còn có một guồng máy trị nước, có nghĩa, không hề hay biết về việc mình là kẻ đang sống trong một guồng máy nhà nước to lớn, tôi cứ có cảm tưởng thật buồn cười, rằng, đối với chú Tám Hồ thì một lễ đăng quang rầm rộ của một vì vua hay cái văn bản trị nước đồ sộ ồn ào phải hằng trăm  nhà cai trị bàn luận tháng này sang tháng khác là không quan trọng bằng một cơn mưa trái mùa bất chợt đổ xuống đồng làng, chú Tám Hồ chết, tôi cũng bắt chước người làng vốc nắm đất làng thả lên mộ chú, nhưng tôi thì muốn ngoéo tay riêng với chú ấy, để bắt chú ấy hứa với tôi là đi đến đâu cũng phải kể những câu chuyện về đất đai như từng kể với tôi, làng, và thế giới, và những ngọn lửa chưa tàn