khi những đường biên được dỡ bỏ

  

                   thơ là hương thơm và cốt cách của đất   

 

Anh mãi mãi là giọt nước đầu mùa để rưới vào nỗi đau khổ trong mắt em. Bao giờ tôi cũng đặt câu  ấy lên đầu trang viết mỗi khi thư cho nàng [giống như người ta đặt niên đại của triều đại lên đầu các văn bản có tính chất chính trị hay kinh tế, một khế ước mua bán bất động sản, hay một đơn xin việc, một thông tri của chính phủ, hay chiếu chỉ của vua, kiểu như, Gia Long nguyên niên, Bảo Đại nguyên niên, hay Minh Mạng năm thứ nhất, Thiệu Trị năm thứ ba…]  Cái cách đặt một tụng ngôn đầy lãng mạn lên đầu thư [cho nàng] như thế như thể để luôn nhớ rằng cuộc tình của tôi và nàng là bất diệt. Sự thật thì tình hình thế giới chẳng mấy thuận lợi cho chúng tôi. Toàn cầu hóa, đại thể, là cuộc chuyển động toàn diện của văn hóa đương đại.  Nhưng sự thật, thứ cảm hứng có tính cách man dại về việc làm sao làm ra thật nhiều của cải đang khuynh đảo thế giới. Thời đại đang tốn quá nhiều thời gian cho những hội họp quốc tế chỉ để thảo luận mỗi công việc sản xuất hàng hóa và phân phối hàng hóa, hàng đống những tổ chức những hiệp nghị tầm cỡ quốc tế chỉ để phụng vụ cho mỗi thánh đường thương mại, hàng đống những trù tính man rợ luôn ẩn nấp đằng sau thứ ngôn ngữ ngoại giao luôn khoác màu sắc nhân bản làm như thể nhân loại đang đùm bọc nhau từng miếng cơm manh áo.

 

Một cuộc tình lạc lõng giữa một thế giới tiền bạc. Nhưng tôi thì cứ muốn mãi mãi làm giọt nước đầu mùa để rưới vào nỗi đau khổ trong mắt nàng.

 

Thế giới có vẻ như bức tranh kỳ dị của những nhà hội họa tài hoa của thời đại [các nhà nghiên cứu nghệ thuật chưa kịp đặt tên và xếp loại] Lòng kiêm ái trị nước đang rộ lên khắp nơi, làm như thể loài người đang vui vẻ bước vào nền luân lý mới. Quả tình tôi đã nhìn thấy trên các phương tiện thông tin hiện đại thật nhiều những hình ảnh những nhà trị nước rươm rướm muốn khóc mỗi lần nhắc đến mấy từ nhân dân, cách xúc động quá tân tiến của những con người vừa mới bỏ ra công sức, tiền bạc, và đôi khi phải bỏ ra cả những mưu mô đen tối, để được đám nhân dân, tức đám người bị trị, chọn làm kẻ trị nước, cách xúc động khiến tôi luôn cảm thấy đồng bào tôi đang bị tổn thương ghê gớm, quả tình là tôi đã nghe thấy rất nhiều rất nhiều những ngôn ngữ lớn lao đầy tính nhân bản của đám người hạ tiện chẳng hiểu sao lại trở thành kẻ trị nước. Tôi muốn nói đến cái thế giới mà sự tàn nhẫn đang được nuôi dưỡng và ca ngợi một cách công khai. Khi cùng lúc nhìn thấy đám trẻ nít rách rưới bẩn thỉu đi bới từng miếng ăn thừa trong các đống rác thải và những khu nghỉ dưỡng dành cho đám người giàu có của thời đại còn thần tiên hơn những cảnh thần tiên trong các cổ thư đang mọc lên trên xứ sở chúng ta em cứ thấy như thế giới sắp nổ tung. Chưa đâu, vì sự trả thù còn đang được tập luyện [ngày đêm] nơi các chủ thuyết tàn bạo. Anh nhìn kìa, những đám người buồn bã đang cúi mặt đi dưới ánh mặt trời. Chúng tôi thảo luận về thế giới. Buổi sớm mai. Tiếng rao hàng rong và tiếng xe cộ trên đường phố. Những ánh mắt ngờ vực của những người đi đường về những mưu toan chính trường bọn cường khấu thời đại đã phác thảo trong đêm. Bất chợt  tôi nhìn thấy nơi ánh mắt nàng như đang cưu mang điều gì như thể là ngôn ngữ của thi ca. Em, đoạn khúc buồn của thế kỷ lênh đênh giữa niềm ưu tư của anh, năm tháng mỏi mắt đợi. Tôi đọc to lên. Và ôm chặt người nàng. Ôm chặt vầng thơ yêu dấu của tôi. Em đang ngấm vào cuộc nghìn năm của đất nước. Tôi nói. Và biết rằng tất cả những thứ ấy rồi sẽ tan chảy vào dòng ký ức bầy đàn.

 

Ở một nơi nào đó trên mặt đất đang nổ tung thứ cơ ngơi cũ kỹ. Hình như việc nàng hóa thân thành thi ca gây tác động có tính toàn cầu. Một chế độ bất nhân đang sụp đổ. Đám nhân dân của xứ sở ấy vừa đọc nàng [đã hóa thành thơ] vừa sơn sửa lại những thành quách lâu đài của triều đại cũ.

 

Hết thảy như trong giấc mộng. Mà tôi thì muốn mãi mãi là giọt nước đầu mùa để rưới vào nỗi đau khổ trong mắt nàng.

 

Ở hòn cù lao trên Bắc Băng Dương, cõi đời mới, bác Hiếu đón tiếp tôi và nàng như tri kỷ. Bỡi chúng ta đều mang trong mình những giấc mộng. Ông nói. Có phải chính là nơi này năm xưa bác và ngài thống trưởng của hòn cù lao đã đàm luận về nên văn minh của cõi đời cũ và cõi đời mới. Tôi hỏi. Phải, nhưng cả đời ta chỉ mong sao làm được những áng văn chương thật lòng để cống hiến cho người đọc. Ông nói. Nhưng chẳng phải bác đã làm được điều đó rồi sao. Tôi nói. Ta từ cái thế giới cũ kỷ ra nơi này, rồi quay về, rồi lại quay trở lại đây, “trăm năm trong cõi người ta, nhiều cảnh thân thể chưa trải biết mà ý thức đã đi trước, ý thức đi trước mà không đến thời là tưởng, ý thức đi trước mà đến thời thành mộng”. Tác giả của Giấc Mộng Con nói. Đang là  mùa đông. Băng truyết đầy trời. Nhưng tôi cứ thấy nóng bức trong người. Anh nghe như có lửa đang thiêu đốt nghĩ ngợi. Tôi nói. Em cũng thế. Nàng nói.

 

Tôi và nàng trù tính khi tìm ra được hành tinh có sự sống ở ngoài thế giới cũ kỹ này, chúng tôi sẽ dời cuộc tình của chúng tôi đến đó. Khi ấy, có lẽ là sẽ làm mếch lòng [rất nhiều] ngài Platon, nhà hiền triết của xứ sở Athenes hồi thế kỷ thứ năm trước công nguyên [người từng muốn đuổi cổ hết thảy đám thi sĩ ra khỏi nước cộng hòa của ông] Là chúng tôi sẽ dựng cổng vào cõi đời mới, với biển đề “Nơi chỉ dành cho những người làm văn chương hư cấu”.

 

Giã  18PM  03.07.2017

 

 

 

 

                                    

Leave a Reply

Your email address will not be published.