Ngõ hạnh

 

 

đây là phút giây tôi như được mẹ sinh ra lần thứ hai, không phải để cất tiếng khóc chào đời như lần đầu tiên, mà để thấy quả mẹ tôi là người đã sinh ra tôi, bà ngồi lặng lẽ bên cơi trầu như thể ai đó đã tạt nên một hình tượng vô cùng hoàn chỉnh lúc bóng tối đang tràn vào căn nhà, thời điểm để cho con người ta dễ nhận ra rằng trời đất là đang dịch chuyển, nhưng không phải tự dưng vào lúc bóng tồi tràn vào căn nhà, thường là lúc người làng tôi biết rằng đã đến lúc nghỉ ngơi sau một ngày vất vả đủ thứ, mẹ tôi lại đem cơi trầu ra vừa têm trầu vừa nghĩ ngợi, bấy giờ tôi chẳng có chút mảy may ý định nào để trò chuyện với mẹ , thường, vào những hôm khác, vào lúc bóng đêm đang phủ xuống như thế là tôi thường hay chuyện trò với mẹ, bấy giờ, một phần là tôi muốn để cho mẹ tôi được sống trọn vẹn với những phút giây đang đắm vào toàn bộ nghĩ ngợi của mình, nhưng chủ yếu là tôi muốn biết giữa lúc ngồi một mình như thế giữa cái thời thế con người đang thù hằn chém giết nhau mẹ tôi sẽ biểu hiện thế nào, có thể là bà sẽ buông tiếng thở dài hay bật khóc trong bóng đêm, tôi biết, ngồi với cái cơi trầu [chắc là những bà mẹ khác trong làng cũng giống mẹ tôi là thích ngồi bên cơi trầu lúc bóng đêm đổ xuống] chỉ là cái cách để nghĩ ngợi được nhiều hơn, hay nghĩ ngợi được rõ hơn, cũng có thể chỉ là một chút ký ức, một tiếng vạc trong đêm đánh thức mẹ, nằm nghĩ đến cái cách làm sao sắm được bộ quần áo mới cho tôi mặc đi học giữa lúc lúa trên đồng làng mất trắng, cũng có thể là trong dòng ý thức của mẹ, toàn bộ cuộc đời cơ cực của bà lại hiện ra, từ lúc còn là cô gái còn cột tóc đuôi gà chưa hề có chút ý niệm làm mẹ nào cho đến lúc làm mẹ thật sự, mẹ là cả một cuốn biên niên sử về những cách thức chui ra chui vào những nỗi niềm cơm áo dấu ở bên dưới mái tranh cộng với một khối khổng lồ sức nặng sinh ra từ cuộc bầy đàn: nước phải có triều chính, mà triều chính lại phải sinh ra nếu không phải cái thông thoáng bầy đàn thì là trì trệ bầy đàn, một ông vua ngu nhảy vào cuộc trị nước, hay cảnh giết chóc tàn nhẫn trong những trò chơi ý thức hệ, bấy giờ, giữa thứ bóng đêm đang chập choạng đổ xuống ngôi nhà đã quá xưa cũ của tôi, mẹ tôi têm trầu, đưa lên miệng nhai, tôi trông thấy rõ từng cử chỉ của mẹ, chưa nghe tiếng thở dài của mẹ, hay là bà đang nghĩ ngợi về buổi cái chết của con người không còn theo luật lệ nào, thật ra, mẹ tôi chưa biết đấy là nội dung khốn nạn nhất của những cuộc xung đột lịch sử, vẫn chưa nghe mẹ tôi buông tiếng thở dài, hay là mẹ đang thử lắng nghe cái mảng đời ở bên ngoài ngôi nhà đang đóng kín cửa, có, tôi vừa nghe có tiếng vạc kêu, chỉ mấy tiếng rồi im bặt, ở bên ngoài ngôi nhà đóng kín cửa của tôi như đang có một thứ câm lặng kỳ dị nào đó, sự câm lặng của đá đang lây lan cuộc sống con người, hay trạng thái thoi thóp của sự thật, hậu quả của những thống trị sắt đá, đêm nay bình yên bỗng xen vào dòng chảy vốn bất an của một bầy đàn, lạ thật, ngay cả tiếng lũ côn trùng quen thuộc ngoài vườn cũng không nghe thấy, bấy giờ là mùa thu, nhưng tôi chẳng thấy có chút trắc ẩn nào trong lòng, có gì đấy đang nén chặt lại nghĩ ngợi của tôi như thể đang chịu sức ép của cuộc dịch chuyển ồ ạt của mùa, vạn lần người đi…nắng đổ… lại thấy vang lên trong trí nhớ câu thơ không nhớ nổi, đêm nay, những phút giây hưu chiến của xung đột lịch sử, hay tất cả chỉ là ảo ảnh kết tụ từ những mong mỏi cháy bỏng của một người đã chịu quá nhiều nỗi bất an là tôi, vẫn chưa nghe mẹ tôi buông tiếng thở dài, nhưng tôi biết đây là phút giây mẹ tôi sinh ra tôi lần thứ hai để tôi biết thế nào là quan hệ giữa mẹ và lịch sử mẹ đang sống, thứ kết nối bao giờ sự yên bình cũng ít hơn nỗi sợ hãi,