giữa những khoảng lặng của gió

 

 

 

 

 

 

 

                               có thể đấy là cuộc đuổi bắt bất tận

 

có nhiều tiếng ve nơi hàng keo dọc theo bờ rào khu ca đoàn, và  tiếng còi tàu từ ngoài khơi xa vọng lại, trong lúc tôi nhìn theo người đánh xe ngựa đang cho ngựa kéo xe không chạy về hướng núi Cấm, người gác cổng xuất hiện nơi cổng ngõ khu ca đoàn, mới mùa xuân mà lũ ve kêu inh tai, chú nhỉ, chắc là chú muốn gặp ai trong ca đoàn, ông già gác cổng không có vẻ gì là một người gác cổng hỏi và ra hiệu mời tôi vào, thưa, tôi chỉ muốn đứng đây ngắm cảnh một lát thôi bác à, tôi nói và vẫn chăm chú  nhìn về phía hàng keo đang nở hoa thơm ngát và có lũ ve đang kêu inh ỏi, người gác cổng như đang bắt đầu chủ ý tôi, chú có vẻ thích nghe lũ ve kêu nhỉ, lời nói vô tình của ông đã chạm [thật mạnh] vào ký ức tôi, vâng, hàng keo với tiếng ve lại đánh động một quá khứ, tôi nói, chắc là một kỷ niệm đẹp chú nhỉ, người gác cổng nói, có vẻ hơi tò mò, vâng, còn hơn một kỷ niệm đẹp, bác ạ, tôi đã gặp cô gái ấy ở khu ca đoàn này, cũng vào mùa xuân, và hàng keo cũng đang nở hoa như bây giờ, như không còn giữ được mình, tôi bộc bạch với ông già gác cổng, và những ký ức về nàng lại ùa về…em giống như một con chim có màu lông khác thường bỗng bước ra khỏi bầy đàn để đến với tôi,  vào một ngày mùa xuân, tôi đã nghe thấy tiếng hót của một loài chim rừng nhiệt đới, tiếng hót không lảnh lót, mời gọi, nhưng làm rạo rực nhận thức của tôi, vào một ngày mùa xuân, giũa những khoảng lặng của gió, tôi đã nghe thấy tiếng kêu thất thanh ở đâu đó trên mặt đất thân yêu này, một tìn hiệu khác thường của ký ức bầy đàn, tôi mở cửa xem thử, thì thấy em đang đứng đợi tôi, lập tức tôi nhớ ra đó là người con gái mặc áo quần màu đen [như một con chim có bộ lông khác với những con chim khác] chăm chú nhìn tôi trong suốt buổi trò chuyện vào lúc đêm, cuộc trò chuyện giữa tôi và đám học viên của khu ca đoàn sắp lên đường tìm kiếm những lời nói bị thất lạc, có phát hiện thấy sự bất thường này, nhưng tôi đâu ngờ giũa cái thế giới náo nhiệt đầy gian lận này lại có kẻ đang đợi tôi, nhìn cung cách em đang đứng trước cửa nhà tôi thì tôi biết là em đang thành thật chờ tôi, ngôn ngữ có vẻ bỗng cạn kiệt đi trước cuộc gặp, trong thâm tâm tôi đây là giây phút khởi đầu cho một cuộc tình, bao nhiêu năm qua tôi vẫn viết về em, bao nhiêu lần tôi viết về cuộc gặp này, vào một ngày mùa xuân, em đã đứng chờ trước cửa nhà tôi, trong mơ, cũng như trong thực, tôi vẫn nhìn thấy như mới hồi nãy đây em đang đứng đợi tôi, cuộc đợi chờ như số phận của những mảnh đời nhỏ bé, bỡi từ đấy cứ trải ra  giữa những tháng năm vô định một mảnh tình như cuộc trầy xước của ngọc bích kim cương, bấy giờ, không thể có lời nào cho thứ thời khắc khởi đầu, công việc khởi đầu cho một cuộc tình có vẻ quá khó khăn cho việc diễn giải của ngôn ngữ, tôi và em lại xoay sang diễn giải về cuộc chuyện trò vào lúc đêm [để sáng ra thì em đứng chờ trước cửa nhà tôi] đêm hôm trước, trong cuộc chuyện trò với đám tuổi trẻ sắp lên đường tìm kiếm những lởi nói bị thất lạc, tôi trông thấy có con chim rừng nhiệt đới có màu lông khác thường chăm chú nhìn tôi, bao nhiêu năm qua tôi vẫn gọi em là con chim rừng nhiệt đới, bỡi màu lông của con chim rừng tôi nhìn thấy trong đêm mùa xuân ấy vẫn trú ngụ một cách bình yên trong trí nhớ tôi, bấy giờ, vào cái buổi sáng mùa xuân ấy, lúc gặp nhau ở cửa nhà tôi em bảo tôi như người kỵ mã chẳng biết từ đâu quất ngựa ngang qua khu rừng nhiệt đới, nhạc ngựa vang lừng, còn lũ chim thì hóng mỏ nghe, là tôi muốn thi hóa lời em, bao nhiêu năm qua tôi vẫn viết về em với thi pháp giấc mơ, thi pháp ảo hóa, em thấy anh giống như môt kẻ lạ bỗng đứng ở trước cuộc đời em, thật ra, bấy giờ em chỉ nói thế, giản đơn như mùi hoa keo vẫn thoảng lên trong vườn nhà tôi, trong đêm đầu tiên tôi gặp em ở khu ca đoàn, chốc chốc lại nghe mùi hoa keo thoảng lên từ hàng keo gần đó…

 

 

 

 

buổi sáng mùa xuân, nắng nhẹ, con đường chạy dọc theo bãi biển ngang qua khu ca đoàn nối bến tàu với dãy núi phía tây thành phố được coi như một trong những điểm du lịch chính của thành phố, người đánh xe ngựa đã cho xe dừng lại trước cổng ca đoàn, nhảy xuống đất, thưa, ông đi núi Cấm hay là  đi Cảng Cá, tôi nói chỉ muốn đứng đây ngắm cảnh một chút thôi, ngắm cảnh, chắc là có kỷ niệm, người đánh xe ngựa nói, có một người bạn đã từ đây ra đi, tôi nói, và bắt đầu quan sát người đánh xe ngựa, ông ta có biết gì về những chiếc xe ngựa xưa kia từng có mặt ở thành phố này không nhỉ, bạn tôi đã ra đi từ đây, bấy giờ thì con đường này chỉ là một đường đi bình thường, và cũng chưa có những chiếc xe ngựa có vẻ rất khác xưa này, tôi nói, nhưng ông thì biết lai lịch về những chiếc xe ngựa của  thành phố này, người đánh xe ngựa chợt hỏi, xưa, những chiếc xe ngựa cà tàng đã nối thành phố này với kinh đô của một vương quốc đã mất, tôi nói, là ông đang nói về thành Đồ Bàn của nước Chiêm cũ, và những chiếc xe ngựa cà tàng là thế nào nhỉ, người đánh xe ngựa nói, tôi nói thời bấy giờ phương tiện đi lại giữa thành phố này và khu phế tích của nước Chiêm cũ chỉ có những chiếc xe ngựa mà bánh xe thì lúc nào như cũng muốn văng khỏi xe, còn người đánh xe phần lớn là những ông già ở vùng quê lân cận khu phế tích của người Chiêm, những người không còn muốn theo cây cày trên ruộng, bèn chuyển qua nghề theo con ngựa chạy cà tàng trên con đường quan lổn nhổn những đá cuội, tôi nói, hay là những ông già cày ruộng ấy không phải chán cảnh cày ruộng, mà muốn làm công việc giúp cho người ta biết trong quá khứ có một nền văn minh sáng giá rồi bỗng  tắt đi chỉ còn để lại những mảnh gạch cũ trên những cổ tháp hay trên những tường thành đổ nát, người đánh xe ngựa nói, cũng có thể là thế, ông có vẻ am hiểu quá khứ nhỉ, tôi nói, và bắt đầu nghĩ ngợi về lai lịch của người đánh xe, vâng, quá khứ nó là cái xác ướp bằng cả những nỗi niềm của cuộc sống này ông à, hằng ngày, tôi chở những kẻ ngao du sơn thủy, cứ nhìn họ, thử đoán quá khứ của họ, rồi nghĩ về quá khứ của tôi, nhiều khi thấy nó đang thối rữa ra thành xương cốt loài động vật ở dưới mức con người ông à, trong khi đó những nhà chép sử thì lấy chữ đè lên nó, những con chữ đè lên quá khứ chảy ra thành những con suối khô khốc hay những dòng sông đầy máu lệ, sự biến thể của quá khứ là tùy theo máu nhiều hay ít trong con tim của kẻ chép sử, người đánh xe ngựa nói đến đó thì leo lên xe, quất ngựa chạy về hướng Cảng Cá, làm như thể nói như là cách làm giảm bớt những áp lực, hay những ẩn ức nào đó đang tồn tại trong ông, tôi có cảm tưởng giọng nói của ông như có khả năng đánh thức được cỏ cây

 

 

 

có điện thoại reo, ông già gác cổng vội vã bước vào nhà cổng để nghe, thưa, chưa thấy đến ạ, lúc ông ấy đến tôi sẽ đưa vào chỗ ngài ạ, người gác cổng nói với người bên kia đầu dây, nhưng ông vừa đặt điện thoại xuống thì có ông khách đến, một nhà thông thái, ông khách nói với ông già gác cổng rằng ông muốn gặp ngài chỉ huy ca đoàn,  tôi biết rồi, ngài chỉ huy ca đoàn đang chờ ngài đó, ông già gác cổng nói, và toan đưa ông khách đi, nhưng ông ta cứ lần chần đứng nhìn tôi, anh cũng đến làm việc với ca đoàn, nhà thông thái chợt hỏi tôi, thưa không ạ, tôi chỉ muốn đứng đây ngắm cảnh một lát thôi, tôi đáp, ông khách nhìn tôi với ánh mắt khác thường, nhưng là ông thấy cảnh có đẹp không, giọng ông khách có vẻ mỉa mai, khó chịu, nếu không nói là đã để lộ sự khinh bỉ, mà sao trong khi chưa biết gì về ta, ông ta lại đi khinh bỉ ta nhỉ, tôi nghĩ, và cứ thấy buồn cười trong lòng, tiếng ve vẫn cứ reo to lên, ra rả đủ các thứ giọng nhặt khoan, như đang loạn lên, làm như thể chúng muốn nhắc cho mọi người hay biết rằng các thứ ý nghĩa ở trần gian này cũng đang loạn lên, ôi, giữa lúc  xứ sở trăm công nghìn việc thì lại có những công dân nhàn tản, ông khách bỗng kêu lên, tiếng kêu của ông tựa chiếc lá khô rụng đang co lại trong nắng bỏng của buổi trưa hè

 

 

lũ ve trên hàng keo như kêu nhiều hơn, kêu to hơn, mấy chiếc tàu ngoài khơi đã nhổ neo đi hết, biển có vẻ lặng hơn lúc nãy, tôi và người gác cổng ngồi nơi ghế đá đặt gần cổng vào, ông khách đã mất hút nơi dãy nhà dành cho những nhà giảng thuyết của ca đoàn, tôi nghĩ ngợi rất nhiều về câu nói của ông ta, chắc ông khách vừa vào cũng là nhà giảng thuyết của ca đoàn bác nhỉ, tôi nói, người gác cổng nhìn tôi, như có vẻ đang sẵn sàng chia xẻ tâm sự với tôi, là thầy giảng bài trên giảng đường đó, lần đầu đến đây, trước khi vào gặp ngài chỉ huy ca đoàn, ông ấy đã giảng cho tôi nghe về một người làm công việc gác cổng của ca đoàn: là nhân viên làm công tác bảo vệ an ninh cho một hoạt động xã hội vô cùng quan trọng của xứ sở, một trọng trách vô cùng lớn xứ sở đã giao phó, không phải gác cổng, mà là bảo vệ an ninh, chú biết chưa, và lần này, vô tình ông ấy gặp chú, người có những kỷ niệm đẹp ở đây, ông chê chú vô công rồi nghề là giảng cho chú về trách nhiệm công dân đó,  nghe ông già gác cổng giảng giải tôi thấy thấm thêm về phong cách của những người vẫn tự coi mình là trí thức đương đại, và bắt đầu thấy nghi ngờ về cái lai lịch đáng nghi ngờ của người gác cổng, một kẻ thức giả bị sa cơ thất thế ư, nhưng vì đâu bác lại trở thành người gác cổng lại là một bài giảng khác, thâm trầm và sâu sắc đối với tôi bác à, tôi nói, và hy vọng sẽ biết được nhiều thứ về con người có vẻ khả kính ấy, ông già gác cổng chợt có vẻ buồn, ban đầu, nhìn thấy nó, cứ tưởng là rừng cây nguyên thủy, muốn khám phá, biết đâu mình sẽ tìm thấy niềm vui ở đó, tuổi già thì cần niềm vui chú à, nhưng sau đó thì biết là rừng tái sinh, chỉ toàn là những gai góc, cái cách nói đầy ẩn dụ về ca đoàn của ông già gác cổng khiến tôi lại phải nghĩ ngợi nữa về cái vật thể bấy lâu vẫn dằn xé trong nhận thức của tôi, cái vật thể từng quyến rủ nàng, dày xéo nàng, và từ đó, nàng bỗng mất hút giữa cuộc sống đương đại, cái vật thể ấy vào lúc này bỗng trở nên kỳ dị trong nghĩ ngợi của tôi…ca đoàn, nó là  gì nhỉ, một hội từ thiện dành cho những kẻ tâm trí chưa được khai sáng, một ban nhạc gòm những người hát và những người nghe hát, một trường văn chương dạy cách đọc và cách trích dẫn tồn tại [trong đó gòm có cách đọc và cách trích dẫn quá khứ] một tu viện mà những người được gọi là trí thức đương đại thay cho các tu sĩ, và các khái niệm hiện đại về thế giới thay cho các ngẫu tượng, một cơ thể của một cơ chế nhà nước pháp quyền, hay trung tâm đầu não của một nền văn hóa vừa mới phác thảo bằng chữ, hiểu sao cũng được, bỡi nó là sản phẩm của miền ảo ảnh, ngay từ buổi đầu thiết lập guồng máy nhà nước mới mẻ ở thành phố này thì đã có nó, ca đoàn là cách gọi của tôi để tặng em, bỡi ngay từ đầu em đã bị hút hồn bỡi thứ tiếng hát u huyền thánh vịnh phát ra từ cái cơ thể sù sì đôi khi rất náo động ấy, cái cơ thể coi như là sự kết hợp tài tình giữa thân xác và tư duy, thật ra tất cả đều là thân xác, tất cả đều là vật chất, tư duy cũng là vật chất, tiếng mẹ ru tôi buổi ấu thơ, cũng là vật chất, lời em dành riêng cho tôi [buổi ấy] cũng là vật chất… hoa phù dung nở giữa đất trời khô khát một bản tình ca có vó ngựa gõ buổi xuất quân, có làng quê bịn rịn, phố phường bịn rịn, nụ cười em vẫy giữa những ánh mắt luôn hướng về một cõi sáng lóa…những tiếng hát triền miên ám ảnh trườn đi từ ngọn núi triền miên ám ảnh [hôm nào đã cầm chân em nơi thành phố này] cũng là vật chất, ca đoàn, nơi em nương tựa, ngụp lặn, vốn là những căn phòng  đầy đủ các thứ bàn ghế, giường chiếu, hoa, tranh, tượng, những cuốn sách, những con người, những bộ não, những giọng nói…tất cả đều đã quá cũ kỹ bỗng được nâng lên lên thành thứ thượng tầng nhận thức, bỏ đi những gì thuộc về nghĩ ngợi sâu lắng, có thể một kẻ ngu muội nào đó sẽ rất tự hào khi từ chốn ấy, từ cái ca đoàn ấy, bước ra đường phố, cũng phải, bỡi ở đó là một núi những ý tưởng vĩ đại làm nền tảng cho những hành động vĩ đại, chừng nào hành động thì chưa biết, và liệu có hành động được không, cũng chưa biết, nhưng quả tình đó là những dạy bảo vĩ đại cho một việc làm vĩ đại: cách dọn dẹp cái cũ để làm cho thế giới mới mẻ hơn, làm lại thế giới, một kẻ ngu muội có thể không biết, rằng, đôi khi các nhà hiền triết, hay các nhà tư tưởng, cũng làm văn chương hư cấu, nhưng một kẻ cơ hội có thể làm ngơ trước những viễn ảnh không mấy sáng sủa để có thể nói ra những lời không phải tự đáy lòng mình, giữa những tiếng  biển vẫn ngày đêm vỗ vào thành phố, những giọng nói đầy nhiệt tình vẫn cứ cất lên từ chốn ấy, không cần biết người ta có nghe hay không, các nhà diễn thuyết ở cái ca đoàn ấy mặc nhiên xem mình là những biểu tượng của tiến bộ, là những tiên tri của lịch sử, ca đoàn là cách gọi tôi dùng để tặng em như một sáng kiến cho cách lưu giữ lâu dài trong ký ức, ngồi viết ở rừng thông, tôi cố hình dung em, hương phù sa phương nam đang lạc loài giữa nghìn trùng sóng biếc, hay là em vẫn vui với thứ ngày tháng có vẻ như một quà tặng bất ngờ, khách lữ hành còn quá trẻ để cảm thấy mệt nhoài trên con đường vạn dặm, con đường tôi và em đang đi là vạn dặm, tôi biết, có thể một hôm nào, tôi và em, những kẻ đang đi tìm cái có thể, bỗng có thể nghe thấy ai đó thét vào hiểu biết của mình, tiếng thét có vẻ như được trích ra từ ký ức bầy đàn: đã quá trễ cho một dự án, tôi cứ linh cảm một điều gì đó, không lành, nhưng không dám nói ra, sống ở cái thành phố [vốn của chim én] nơi mọi chuyện như thể đang được lý tưởng hóa, đang được chữ nghĩa hóa, tôi phải luôn nghĩ ngợi về nó, một cuộc trộn lẫn giữa những cái có hình dạng và những cái chưa có hình dạng, là  kẻ hay nghĩ ngợi tôi không thể không nghĩ về nó, riết rồi tôi cũng không còn chắc mình là ai…

 

 

không biết tiếng biển buổi sáng mùa xuân, êm, sâu lắng, có làm ảnh hưởng đến lũ ve trên hàng keo hay không, tiếng kêu của chúng bỗng chuyển sang kiểu khác, một con kêu to lên, rồi là cả đàn  cùng kêu, một kiểu concerto trong tiếng ve, kìa, đã bắt đầu rồi đấy chú ạ, ông già gác cổng bỗng kêu giữa lúc tôi đang nghĩ ngợi về tiếng ve, ở thành phố chim én này có còn ai lạ gì cứ mỗi sáng, từ cái ca đoàn như không gì lay chuyển nổi ấy, lại vang lên những giảng thuyết về thế giới, tôi nói, nhưng là phải nghe chú à, phải nghe để biết cái cách làm chậm lại thế giới của bọn họ, ông già gác cổng nói, tôi và ông ấy vẫn ngồi nơi ghế đá chỗ cổng vào để nghe những âm thanh quen thuộc đang tuôn ra từ những ngôi nhà cổ kính trong dãy giảng đường và  ký túc xá của ca đoàn, hình như một nhà thông thái nào đó đang ứng khẩu nói về loài ve đang kêu trên hàng keo dọc theo bờ rào ca đoàn…các bạn cứ tin tôi đi, lũ ve là một xã hội có tổ chức cao, có thể là cao hơn xã hội con người, nhưng, chúng ta là những sinh vật có trí tuệ, chúng ta sẽ nghiên cứu hết thảy các xã hội của các loài, ngay cả các loài chúng ta chỉ nghe tiếng kêu của chúng và chưa bao giờ nhìn thấy chúng, ngay cả các loài chỉ nghe tương truyền, có nghĩa là các loài sinh ra từ trí tưởng tượng của con người…tôi vẫn ngồi lắng nghe, không sót từ nào, cứ hình dung những khách du lịch trên những chiếc xe ngựa  qua lại trên con đường ngang qua ca đoàn, nếu nghe chuyện nghiên cứu cái chưa hề tồn tại thì bọn họ sẽ nghĩ thế nào nhỉ, một nỗi lo sợ, có vẻ vô cớ, đang thâm nhập trong tôi, có phải đấy là tri thức đương đại không nhỉ, hay chỉ là một cách tự phong của đám người ưa nổi tiếng [bọn họ vẫn tự coi mình là những nhà thông thái của thời đại] những giảng thuyết vẫn cứ tiếp tục chảy ra từ những ngôi nhà cổ kính, trung tâm đầu não của một nền văn hóa vừa mới phác thảo bằng chữ, lần này thì một nhà thông thái nào đó đang nói về đám con cháu của lũ khủng long: đám thằn lằn và rắn mối…nếu như các nhà tiền sử học và các nhà khảo cổ học xếp thằn lằn rắn mối vào hàng con  cháu  khủng long theo tiêu chuẩn khoa học thì chúng tôi lại xếp chúng  theo tiêu chuẩn triết học, tức chúng tôi muốn nhìn loài giống chúng qua những tư duy hoàn toàn mới mẻ, một thời, loài giống khủng long là chủ tể mặt đất, rồi bỗng dưng biến mất, kỷ Triat, mở đầu đại Trung Sinh, cách nay khoảng  từ 250 đến 200 triệu năm thì cha ông lũ thằn lằn rắn mối xuất hiện, một thế hệ  thú oanh liệt, thế hệ bò sát khủng long, bò sát mà bay được trên trời lội được dưới nước và chạy nhảy được trên mặt đất, từ một con bò sát dài vài mươi xăng ti mét, vụt một cái tiến hóa thành con khủng long dài vài chục mét, nặng hằng chục tấn, có một con khủng long có cái tên gòm 24 chữ cái, Micropachycephalosaurus, xuất hiện vào kỷ Triat, thống lĩnh mặt  đất ở kỷ Giura, và biến khỏi mặt đất ở kỷ Crêta, cách  nay khoảng 150 triệu đến 65 triệu năm, một cuộc đời một con bò sát xấp xỉ trên dưới 100 triệu năm thì cũng giống một con người sống thọ vậy thôi, nhưng điều đáng bàn là câu chuyện về lũ thằn lằn rắn mối, các nhà khoa học coi đây là sự thoái hóa từ đám bò sát to lớn là khủng long, các vị bảo đây là một cuộc thoái hóa thảm hại, nhưng chúng tôi thì nghĩ khác, không phải thoái hóa, mà là một cách tiến hóa kiểu khác, tiến hóa ngược, các vị cứ thử nghĩ, một khối thực phẩm một nghìn con thằn lằn ăn trong một năm không hết, thì một con khủng long chỉ xơi trong một ngày, cho nên đám khủng long từng ăn nhau là phải, chẳng phải ngày nay đám thằn lằn rắn mối sống hòa bình hơn cha ông chúng hay sao, hóa ra tiến hóa ngược lại có vẻ văn minh hơn tiến hóa xuôi…tôi vẫn lắng nghe, không sót từ nào, cứ hình dung những giọt nước mắt tức giận, sầu não, tuyệt vọng, cũng có thể là sự im lặng khủng khiếp bỡi chẳng còn từ nào để nói, sự phản ứng của tất cả những người nghe khi nghe thấy cái triết học về tiến hóa ngược các nhà thông thái thời đại đang rao giảng, này, chú thấy tôi nói có đúng không, mà sao các ông ấy lại nghĩ ra được những chuyện như thế chú nhỉ, ông già gác cổng chợt kêu, những tư tưởng đương đại chỉ là sự kết họp và biến hóa tùy tiện những nghĩ ngợi của quá khứ, thứ văn hóa có vẻ mới mẻ ấy tồn tại khắp nơi trên mặt đất đang tạo ra những khung cảnh kỳ dị, quái đãn,  những khung cảnh dở khóc dở cười, sự khủng hoảng gần như không thể khắc phục được là bằng chứng cho sự mù lòa của thế kỷ, nếu 2500 năm trước là thời trục tư tưởng, thì giờ đây là thời của mù lòa bác ạ, tôi nói, và những giảng thuyết từ những ngôi nhà cổ kính vẫn tiếp tục vang ra.

 

 

 

có tiếng điện thoại reo, ông già gác cổng rời khỏi ghế đá, bước vào nhà cổng, nghe điện thoại xong, lại vội quay ra, bảo tôi cứ  ngồi đợi ông ở đó, có lẽ ngài chỉ huy ca đoàn muốn gặp ông để sai bảo gì đấy, tôi ngồi ở ghế đá một mình, bắt đầu thấy giật mình về người gác cổng, nhất định ông ấy là một kẻ thức giả  sa cơ lỡ vận sao đấy mới đi làm gác cổng, tôi lại nghĩ đến sự sa cơ lỡ vận của nàng, không, với nàng còn tồi tệ hơn là sa cơ lỡ vận, với nàng không phải sa cơ lỡ vận, mà là một sự tự biệt tích, tự triệt phá hiện hữu, tôi lại miên mang nghĩ về nàng, người con gái tôi yêu bằng cả cuộc đời tôi  và bỗng biến mất ngay giữa cuộc đời tôi… em như một lời nói bị thất lạc giữa những man rợ của thế kỷ văn minh, trên con đường đi tìm cái có thể, em đã lạc đến miền đất ấy, hãy leo lên đây, người đàn ông đứng ở nơi đỉnh núi vẫy gọi em có phong thái giống với các đạo sĩ Bái hỏa giáo của Ba Tư cổ đại, ánh mắt như đang mơ màng về những ngọn lửa tạo sinh từ sỏi đá, đúng hơn là từ bàn tay phù ảo, bỡi từ cái vẫy tay của ông ta em bỗng dưng mường tượng đến bao nhiêu là cảnh trí lạ lùng, hình ảnh của những tương lai rực sáng, bỗng dưng em cứ mường tượng đến cảnh núi sông ngập ngụa giữa những vầng thơ đầy lửa, có thể sông nước phương nam đã làm em quá giản đơn trong cách hiểu thế giới, một dề lục bình trôi  là một dề lục bình trôi trên sông nước phù sa, một con cá quẫy dưới chân cây cầu khỉ cũng bình thường như cây bần cây đước trong con nước lên nước xuống, phương nam từng làm em giản đơn trong cách nhìn thế giới, giờ bỗng nhìn thấy có người đứng nơi đỉnh núi gọi mình với vẻ tha thiết, nơi có nhiều tiếng đàn hát có vẻ như một hội quần tiên, có thứ ca đoàn rừng rú hát với lũ chim những nghìn triệu năm chẳng có chút tiến hóa nào ư, em nghĩ ngợi, sự quyến rủ của một miền đất lạ bỗng làm gãy đổ tính cách đơn giản trong em, hãy leo lên đây, người đàn ông có phong thái đạo sĩ lại vẫy gọi em, lần này thì em nhìn thấy có quá nhiều những con người ở chốn ấy, bằng mắt, và bằng tưởng tượng, em như nhìn thấy trong đám người ấy có cả các giống người của các châu lục Á, Phi, Âu, Mỹ, ồ, một ca đoàn liên hợp, hết thảy các xứ sở hãy hợp lại… em chợt nhớ đến bài ca trong cuộc chiến chống áp bức của những đất nước phía mặt trời lặn mẹ em kể hồi ấy, có thể vào chốn ấy ta sẽ tìm được điều ta đang đi tìm, em nghĩ, và tôi cứ mường tượng [có vẻ như đang thực sự diễn ra trước tôi] là vào lúc bước bước chân đầu tiên vào miền đất ấy em đã gặp phải sự phản biện, không phải từ nhận thức của em, mà từ ông lão dường đã ngồi chờ em ở đó, ta biết thế nào cháu cũng đến đây, ông lão nhìn em, nói, em đã nhìn thấy ông lão cũng bằng tuổi của nền văn minh đầu tiên của nhân loại, ở đó cháu có thể nhìn thấy những điều cháu muốn nhìn thấy, em nói, cái có thể chứ gì, ông lão hỏi làm em giật mình, mà sao ông biết, giọng em lúng túng, ta ra đi từ buổi con người mới tìm ra lửa, đến chốn này thì nhìn thấy đám người đang  ca hát, ông lão nói, một ca đoàn đang mang lại niềm vui cho con người, em nói, không phải, một bọn người lừa đảo bằng những bài ca mở đất, ông lão nói, hay vì ông là người của thế giới đã cũ nên chẳng thể hiểu hết hôm nay, sau câu ấy của em ông lão im lặng một chút rồi tiếp tục nói, ta biết cháu đã rơi vào cảnh bi thiết ngay từ phút đầu tiên nghe những tiếng hát vang ra từ chốn ấy, những tiếng hát có vẻ muốn bắt chước vẻ thâm u trong các gāthās, những bài thánh ca của người Ba Tư cổ đại, mà thôi, khi gặp hoạn nạn cháu cứ gõ lên trán mình, ta sẽ đến, ông lão nói, rồi biến vào đám sương mù đang phủ xuống thành phố… tôi biết là bấy giờ em không cưỡng lại nổi ngày có ánh mặt trời có vẻ le lói trên vạt cỏ cũ…

 

 

gió bỗng thổi rất mạnh, biển cứ gào lên như thể sắp có bão tố, lũ ve trên hàng keo, có lẽ sợ tiếng gió, im bặt, ông già gác cổng vẫn chưa trở ra, người đánh xe ngựa đã cho xe đang đầy khách dừng ở trước cổng ca đoàn, giờ xe đi Cảng Cá, ông có định xuống đó chơi, thưa ông, người đánh xe ngựa vẫn ngồi trên xe, nói, tôi nhìn ông ta  bằng thứ tình cảm thân thiện, không hiểu sao tôi cứ cảm thấy thân thiện với con người ấy, rất cám ơn sự ưu ái của ông, nhưng tôi đã hứa với ông già gác cổng là phải đợi ông ấy ở đây, tôi nói, những người khách trên xe ngựa đã nhảy hết xuống xe, đứng hóng nghe những lời thuyết giảng đang vang ra từ phía những ngôi nhà cổ kính của ca đoàn, cổng ca đoàn chợt náo nhiệt hẳn lên, họ là những người ở xa lần đầu đến chơi thành phố này ông à, người đánh xe ngựa đã ngồi xuống ghế đá trò chuyện với tôi, cách đi đứng và ăn nói biểu lộ một người có văn hóa cao của người đánh xe khiến tôi nghĩ ngợi rất nhiều về ông ta, nhất định có điều gì đấy ẩn giấu trong cuộc đời một người đánh xe ngựa, ý nghĩ ấy đến với tôi khi tôi phác hiện thấy chiếc áo ông ta đang mặc là thuộc về một thứ quá khứ đã quá cũ: áo vạt hò, có thể nói đốt đuốc tìm khắp thành phố chim én này chẳng còn ai là còn muốn trưng lên người cái kiểu áo như chiếc áo dài đã bị cắt bớt đi khúc dưới, áo vạt hò, hay nhỉ, tôi ngẫm nghĩ, có thể đó là cách biểu lộ một thứ thế giới quan khác thường của một người không bình thường, tôi vẫn còn thấy khắc họa trong nghĩ ngợi những lời ông ta nói với tôi lúc nãy, người đã nhìn thấy quá khứ của mình đang rã ra thành xương cốt của loài động vật dưới mức người, ngày nào cũng qua lại đây, chắc là ông cũng quen biết ông già gác cổng, tôi bắt đầu tìm hiểu người đánh xe bằng cách lần dò những quan hệ xã hội của ông ấy, đó là một ông già rất thú vị ông à, người đánh xe nói, không hề có gì là ẩn ý, tôi chỉ mới gặp lần đầu nhưng cũng cảm thấy như ông,  tôi nói, và hy vọng lần này sẽ biết được nhiều thứ qua cuộc chuyện trò với người đánh xe ngựa, nhưng ông ta bỗng kêu: có biến cố lớn rồi ông à, nhưng là biến cố gì, tôi cũng kêu, xin lỗi… chỉ là tôi chợt nhớ một chút chuyện đã cũ ở ca đoàn, thưa ông, người đánh xe ngựa nói, ánh mắt đăm chiêu, nhớ một chuyện đã cũ ở ca đoàn, có nghĩa giữa ông ấy và ca đoàn có sự liên quan nào đó, tôi nhìn thấy một thứ niềm lo âu nào đó đang hiện lên trên gương mặt người đánh xe, niềm lo âu đã thành nỗi thẩn thờ của một kẻ trí óc có vẻ chẳng còn bình thường, nhưng có thể đó chỉ là những cảm nhận sai lệch của tôi, bỡi không biết có cái gì đấy đã đánh động ký ức người đánh xe, và trước tôi, bấy giờ, không còn có vẻ gì là một người đánh xe, ông ta đứng lên, và bắt đầu nói, như kẻ bị ức chế từ rất lâu…lúc bấy giờ, tôi cứ tưởng là tôi đang tham dự vào công cuộc làm thay đổi thế giới tôi đang sống và làm thay đổi cái thành phố tôi đã sinh ra ở đó, những hoài bão đã đến lúc phải biến thành hiện thực, tôi lao vào những dự án, cả ngày lẫn đêm, những mơ ước, và chữ nghĩa, từ những khái niệm này chuyển sang những khái niệm khác, từ tư duy chuyển sang tư duy về hành động của tư duy, tôi lao vào công việc viết dự án theo những mô hình đã được định sẵn được biết đấy là những quan điểm khoa học mới mẻ nhất được tổng họp từ những gì gọi là tinh hoa tư tưởng nhân loại, cho đến khi hiểu ra rằng, rốt cuộc tôi cũng đang chìm ngập trong những khái niệm mơ hồ…ảo ảnh, tôi hét lên, và bọn họ, một lũ người quá khích của thời đại lập tức xem tôi là kẻ thù và là cặn bã của xứ sở, người đánh xe nói, để lộ phong thái của một diễn giả, cho đến lúc ấy tôi cũng chưa hiểu gì về con người ông ta, ngoài việc nhìn thấy, có tính cách cảm tính, rằng đấy là một nhà diễn giả, nghe ông nói, tôi đoán ông cũng là người của thành phố này, tôi nói khi người đánh xe đã thôi nói, ngồi xuống ghế đá trở lại, ông bà tổ tiên tôi đã gồng gánh theo lũ chim én đến lập nghiệp trên mảnh đất này bao nhiêu đời rồi ông à, người đánh xe nói, và tự dưng, có vẻ rưng rưng như muốn khóc, tôi sợ, không dám hỏi han gì nữa, và cũng giống người đánh xe, tôi cũng nghĩ ngợi rất nhiều về thành phố này, nơi tôi có bao nhiêu kỷ niệm với nàng…tôi đặt thành phố chim én vào cuốn sách tôi viết về em giống như mang thêm gánh nặng trên vai, mang thêm một cuộc tình, bỡi mảnh đất ấy đã nhìn thấy em đứng đợi tôi ở trước cửa nhà tôi hôm ấy, mảnh đất nhô ra biển, như sắp chúi nhào xuống biển, nghìn đời nay là của lũ chim én, trong tất cả các thư tịch, cũ, mới, đều nói là của lũ chim én, mũi én, bỡi lũ chim én đã đến đó lập ra đất nước của chúng, sinh con đẻ cháu, sau đó, con người mới gồng gánh nhau tới đó, cho nên tôi phải đặt cuộc tình của tôi lên mảnh đất đó như một ký gửi chắc chắn nhất trong các cách ký gửi, đêm nghe tiếng biển gào, tôi cứ nghĩ ngợi trong lòng, rất thật, rằng, không có mảnh đất đó thì chẳng đời nào tôi gặp em, nhưng không thể nói ngọn núi ảo ảnh đã cầm chân em trên mảnh đất này cho tôi gặp em, bỡi nó, chuyện thứ tiếng hát đầy ma lực đã quyến rủ em  là thuộc về thứ hệ quả lịch sử, có vẻ như từng lúc nhân loại lại cảm thấy chán nản thứ cách thức tồn tại đang diễn ra, bèn nghĩ ra một thứ cách thức tồn tại khác, có vẻ vui hơn, hay có vẻ phù ảo hơn, hay có vẻ dễ nhớ hơn, hay có vẻ cho hợp với bản chất tinh nghịch quỉ quái của loài giống con người hơn, tôi tưởng khi các nhà thông thái của thời đại thiết lập xong miền ảo ảnh trên miền đất của chim thì lũ chúng bỏ đi hết, nhưng không phải, hằng ngày tôi thấy lũ chim én vẫn bay qua  lại trên bầu trời thành phố, có điều, tôi cứ có cảm tưởng như là chúng không phải bay lượn, mà là đang giễu nhại những thứ cách thức ăn ở, đi đứng, ngủ nghỉ… các nhà thông thái đang truyền vào thành phố, ngày nào cũng có người mang máy móc đi đo đạc các đường phố, các nhà phố, ngắm, vẽ, ghi, sẽ làm lại to đẹp hơn, các nhà thông thái nói, đó là lời hứa mang tính thế kỷ, bấy giờ các thứ màu sắc trang trí có vẻ u buồn trên các vách nhà phố đều bị cạo bỏ, các loài cổ thụ già cỗi cũ kỹ trên các đường phố đều bị chặt bỏ, bấy giờ đi giữa thành phố các thứ cũ đã bị phá bỏ, những dự án thay thế thì còn trong cảm hứng các nhà thông thái, tôi cứ có thứ cảm tưởng vô cùng lệch lạc là đang đi giữa sự trống không, lại còn thêm cái cảm tưởng như chẳng hề có ai cai quản con người và đất đai, nhưng những người đánh cá đêm ở thành phố này thì lại có thứ cảm tưởng xác đáng hơn tôi, giờ đánh bắt được con cá to ít mừng hơn là được con cá nhỏ, bỡi giữa buổi ai cũng cảm thấy lo âu, nên ai cũng muốn mua con cá nhỏ cho đỡ tốn kém hơn, nhưng cũng chẳng biết có thay đổi nào không về cách đánh bắt cá đêm đã quen bao  đời nay, những người đánh cá đêm nói, cứ dòm chừng ra ngoài, như thể lo sợ các nhà thông thái nghe thấy, bấy giờ tôi đã ghi vào cuốn sách viết về em: thành phố đang rung chuyển bỡi cơn địa chấn …

 

 

nếu hiểu một cách đơn giản thì quả tình lúc bấy giờ thành phố tôi đang sống đang trải qua những thay đổi quá lớn lao tựa cơn địa chấn,  không ai bảo ai, nhưng mọi người đều hiểu rằng mình đang phải trải qua những biến cố chưa từng xảy ra ở thành phố này, bấy giờ cuộc sống của người thành phố giống như đất đai ngày hôm trước cơn mưa đầu mùa, thì chẳng phải những tuyên bố những hứa hẹn của những nhà thông thái có vẻ gì giống như cơn mưa sắp đổ xuống ruộng đồng đang trong mùa nắng hạn không mưa, nhưng nói giống như đất đai ngày hôm trước cơn mưa đầu mùa cũng không phải, bỡi ngày hôm trước cơn mưa đầu mùa đất đai có nói gì đâu, hay là giống như lũ chim rừng ngày hôm trước có mưa bão, nhưng nói thế cũng chưa phải, bỡi ngày hôm trước có mưa bão lũ chim rừng chẳng có vẻ gì là biết sắp có mưa bão, chúng vẫn ca hát như thường lệ, thành phố tôi đang sống vào cái ngày hôm trước ấy là một chuyển động mang tính lịch sử, không lặng lẽ như đất đai hôm trước cơn mưa đầu mùa, không vô tư như lũ chim rừng hôm trước có mưa bão, một chuyển động có vẻ nhằm đánh thức nghĩ ngợi của cư dân thành phố, để từ đấy sẽ dấy lên tình yêu xứ sở, cuộc chuyển động coi như tác phẩm để đời của những nhà hoạch định tương lai thành phố, như cánh chim trời cỡi gió đi về phía  xa…vào lúc sớm tinh mơ, từ phía quảng trường thành phố đã vang lên khúc hát ấy, người ta gọi đấy là bài ca thế kỷ, bài ca như ai đó vừa mới làm ra trước đó ít phút, tiếp sau khúc hát ấy là lời kêu gọi xuống đường, tôi cũng cảm thấy bị hối thúc ghê gớm, tôi vội vã mặc áo quần, và vội vã xuống đường, xuống đường, chứ không phải ra đường, tôi xuống đường, và nhập vào dòng người trên đường phố, vấn đề phải hiểu, rằng, đấy là ngày hôm trước, mới chỉ là ngày hôm trước một ngày trọng đại hơn, có nghĩa, còn một cuộc chuyển động tiếp sau đó, còn một ngày trọng đại hơn, đây chỉ mới là xuống đường để phát động cho một ngày trọng đại hơn, là ngày gì, chưa ai biết, những nhà hoạch  định tương lai thành phố muốn dành những bất ngờ to lớn cho cư dân thành phố chúng tôi, một cuộc xuống đường chưa từng có ở thành phố này, có cả ông bà già, có cả phụ nữ ẵm con nhỏ, mọi người đều có vẻ háo hức, muốn biết cái ngày trọng đại hơn cái ngày hôm trước ấy nó là ngày gì, ngoài cái háo hức chung của mọi người, tôi còn có nỗi háo hức được nhìn thấy một điều gì đấy như tín hiệu về một thời kỳ mới mẻ của thành phố, về một cuộc hòa điệu nghìn năm một thuở của cộng đồng cư dân thành phố, hay về một thái độ chân thành trong hành xử của những nhà trị nước, bấy giờ tôi cứ mong ước được nhìn thấy một điều gì đấy để chứng tỏ là mình đang đang bước vào một khúc ngoặc quan trọng của xứ sở, nhưng cuối cùng, trong cái ngày hôm trước của ngày trọng đại ấy, tôi chỉ nhìn thấy đoàn người diễu hành như một con rồng đất khổng lồ được dẫn dắt bỡi những băng rôn với những lời lẽ to tát về sự trường tồn và giàu sang của xứ sở, có quá nhiều băng rôn khẩu hiệu như một dải sóng làm bằng trí tưởng tượng và niềm cảm hứng kịch liệt của con người chảy suốt qua các ngả phố, các cụ già đi gần tôi có lẽ đã thấm mệt nhưng chưa hiểu được ngày trọng đại sắp xảy ra sau cái ngày hôm trước ấy là gì bèn nổi giận với với chiếc loa phóng thanh đang phát đi thông điệp của cuộc xuống đường: hân hoan chào đón cái con mẹ gì…tôi đã nhìn thấy có sự va chạm không kém  khốc liệt giữa cư dân thành phố và các nhà hoạch định tương lai thành phố, trong khi đó lũ nhỏ trên tay các bà chị khóc la inh ỏi mà các bà thì vẫn cứ lầm lũi bước làm như cứ bước về phía trước sẽ nhìn thấy được sự thật

 

 

người đánh xe ngựa đã đánh xe đưa khách của ông đi thật lâu, nhưng vẻ lo âu buồn bã [có vẻ đầy vẻ bí ẩn] của ông như có sức mạnh  khuấy động ký ức của tôi

 

 

nghe tôi nói có ông khách ngồi đợi ngoài cổng cậu ta liền đi theo tôi, ông già gác cổng nói, ông đã trở ra cổng ca đoàn với một chàng trai trẻ, tôi biết đấy là học viên  ca đoàn, thì chẳng phải tự sáng giờ chú có vẻ chờ đợi ai đấy sao, còn cậu ta, thế đấy, kể từ ngày tôi biết cậu ta, cứ mỗi lần nghe nói có người đợi ngoài cổng là mắt cậu ta như vui hẳn lên, ông già gác cổng nói như thể để giảng giải thêm câu nói ông vừa nói với tôi, lập tức tôi nhìn thấy nơi dáng vẻ chàng trai trẻ có đủ những thứ bất thường người ta vẫn liệt kê cho cuộc đời này: nỗi buồn của một người đang đi tìm những gì đã mất nhưng chưa tìm được, vẻ sợ hãi không phải dễ nhìn thấy qua những biểu lộ bên ngoài, niềm lo âu không vì những nhỏ nhặt mà đến từ những nghĩ ngợi rộng lớn… sự bế tắt nào đó đang diễn ra ở chàng trai trẻ học viên ca đoàn ư, tôi lại nghĩ đến em, những gì diễn ra với em còn vượt quá sự bế tắt, sự tự biệt tích, chữ tôi đã dành cho việc em chỉ còn tồn tại trong tôi như một khái niệm về sự đổ ập của hiện hữu, nhưng đã bao giờ chú tìm thấy câu trả lời cho sự chờ đợi bấy lâu của chú ở nơi những người đang chờ đợi ai đấy hay chờ đợi điều gì đấy mà chú đã gặp, ông già gác cổng bỗng hỏi khiến chàng trai trẻ có vẻ khó xử nếu không nói là  hơi ngượng ngập lung túng khi đứng trước tôi như một kẻ cậu ta đang muốn bày tỏ điều gì, nhưng cũng có thể đấy là những nghĩ ngợi vội vã và sai lệch của tôi, bỡi, thực ra, cậu ta cũng chẳng có vẻ gì là đang mong đợi điều gì ở những người đang trò chuyện với mình, chàng trai trẻ học viên ca đoàn là đang trò chuyện với tôi và ông già gác cổng, cuộc trò chuyện cũng lãng đãng, rài rạc, cái gì cũng không nói được ra hết, tựa như buổi sáng đầu xuân có tiếng gào thét của quá khứ lẩn khuất một cách không thể nhận ra trong tiếng biển, tiếng gió, tiếng ve, và cả trong tiếng nói của con người, giọng nói của ông già gác cổng, với tôi, và có lẽ với cả chàng trai học viên ca đoàn, như niềm an ủi, nhưng thật ra không phải ông nói ra là để an ủi tôi và cậu ta, mà để an ủi chính ông, không thể tưởng tượng nổi một ông giáo làng cứ cảm thấy như mình có lỗi với xứ sở, bỡi những ngày tháng trôi qua chỉ làm mỗi công việc gõ đầu trẻ để kiếm sống, có đọc sách vở để hiểu ra nhiều thứ nhưng vẫn cứ bám lấy việc gõ đầu trẻ… ta đi lần này là để làm một chút gì đấy cho xứ sở, tôi nói với đám con cháu trong nhà  rồi rời làng quê để nhập vào ngọn gió vô cùng mới mẻ đang thổi qua xứ sở, tôi đi, và cảm thấy tự hào với đám con cháu mình, rằng, vào những ngày cuối đời mình mới có thể làm được gì đấy cho xứ sở, tôi chọn công việc gác cổng ca đoàn như một cách thể nghiệm cho sự cống hiến của mình, và người ta đón nhận tôi như một công dân tiến bộ của xứ sở, cho đến giờ đám con cháu tôi cứ tưởng tôi đang an vui với công việc ở thành phố này, khi nhìn những đứa con cháu lúc nào cũng tỏ ra nghi ngờ cái ca đoàn tôi đang phụng vụ tôi cứ thấy đau nhói trong lòng, còn khi nhìn những đứa con cháu tỏ ra chẳng hiểu gì về cái ca đoàn tôi đang dấn thân vào lại khiến tôi thấy xấu hổ, giọng nói của ông già gác cổng lúc này nghe ảm đạm như buổi chiều đông mưa gió bão bùng, thế giới chúng ta đang sống có vẻ giống bản sao của trời đất khi nhìn ở góc độ hỗn mang, đấy là cuộc đại chuyển động có tính cách loạn lạc, ngẫu nhiên, hay tất yếu, khoa học con người đang cố gắng tìm ra những qui luật, và trời đất vẫn lặng im trong cuộc đai chuyển động của mình, bỡi những cố gắng ấy của con người chẳng qua cũng chỉ là sản phẩm của cái phần tử có vẻ đặc biệt một chút trong thứ bố cục loạn lạc, chính là bác đã nhìn thấy mình đang lạc vào bố cục loạn lạc ấy, tôi nói, như thể để [cố] tỏ ra với ông gìa gác cổng rằng mình có hiểu về ông, nhưng chàng trai  học viên lại khóc, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt đang ứa ra nơi khóe mắt cậu ta, dẫu gì bác cũng tự chọn lựa cuộc hành trình cho mình, còn tôi, là bị ném vào cuộc hành trình, chàng trai học viên nhìn tôi và ông già gác cổng, nói, rồi vội vã đứng lên, bỡi đã có tiếng trống báo hiệu giờ nghỉ giải lao buổi giảng thuyết buổi sáng đã hết

 

 

có thể nói em là nỗi đau thương của tồn tại, bỡi vì em là kẻ vừa tự lựa chọn vừa bị ném vào cuộc đời, cũng tại nơi bờ biển này, cuộc sống như  thứ bến bờ vô định cứ tàn lụi đi giữa dịch chuyển thời gian, tôi trở lại thành phố chim én lần này là để nhìn lại những dấu tích, cũng tại nơi bờ biển này vào một đêm mùa hạ, đêm của dấu tích, đêm của thế giới không có bi kịch, không còn có chuyện tồn tại hay không tồn tại, những nhà thiết kế văn chương đương đại đã dẫn dắt những nhân vật kịch của Shakespear hồi thế kỷ 16 sang những ngả khác, những Juliet và Romeo của Shakespear đã chuyển sang một cuộc đời khác, hoàn toàn khác, không có cái chết nào ở đây cả, không có giọt nước mắt nào ở đây cả, chỉ có chuyện [mãi mãi] tồn tại, cứ mỗi sáng ra là bắt đầu một ngày hội mới, một thế giới quan rực màu nắng mặt trời buổi ban mai, cũng tại nơi bờ biển tôi đang ngồi nghĩ ngợi này tôi đã lạc vào màu nắng mặt trời buổi ban mai, vào một đêm mùa hạ bên bờ biển này tôi đã bị lung lạc bỡi một cuộc ảo hóa hiện thực, người ta đã cho diễn Romeo và Juliet theo cách của những nhà thiết kế văn chương đương đại, và đám học viên ca đoàn là những nhân vật của kịch, nàng là Juliet của thời đương đại, tôi cũng không biết những nhà thiết kế văn chương đương đại lung lạc tôi, hay em, Juliet của đương đại, lung lạc tôi, thủ vai Romeo là một học viên khác của ca đoàn, chuyện ấy không còn quan trọng với tôi, chuyện đáng nói là tôi đã nghe thấy những lời gào thét của những nhà thiết kế văn chương, những đạo diễn của kịch, những gào thét vang ra từ hai phía cánh gà sân khấu, nhắc kịch bản, hay nhắc diễn xuất, hay là những mệnh lệnh mang tính chất định hướng trong mọi hành động của xứ sở, tôi không biết, diễn, và đạo diễn, một chuyển động có vẻ như sự vận động của một guồng máy mới mẻ,  ngóc ngách, và tinh vi,  tôi thực sự  bị lẫn vào mớ hổ lốn của cuộc đời và kịch, và đây là cảnh mặt đất thứ 100 [chỉ thấy cảnh mặt đất thứ 100, và chẳng có cảnh mặt đất nào khác] sân khấu được phủ  thứ ánh sáng màu nhũ bạc, mềm, và sang trọng, có rất nhiều tiếng chim hót, hoa xuân đang nở trên đường đi, phía xa xa là cánh đồng đang lên xanh, ở một góc cánh đồng đang lên xanh là  nhà thông thái của thời đại đang giảng giải cho những người cày ruộng về cách gầy dựng niềm hạnh phúc, ôi đẹp làm sao, có tiếng hát từ phía hậu trường sân khấu vọng ra, và Juliet bắt đầu nói, giọng nói rất vui: hỡi lũ chim mùa xuân, cứ hót nữa đi, ta tin rằng tiếng hót của chim sẽ làm cho lúa trên ruộng đồng  xanh hơn, hoa trái trong các khu vườn  nhiều hơn, các em bé sẽ ngoan hơn, các cuộc tình sẽ đẹp hơn, hỡi những cơn gió mùa xuân, cứ tiếp tục thổi qua cuộc sống mới đang được thiết lập, con người thời đương đại đang nhảy múa trên các nền văn minh không còn có dối trá, không còn có đói nghèo, không còn có áp bức, không còn có chiến tranh chết chóc, từ nay con người sẽ làm chủ mặt đất và làm chủ thế giới, ôi đẹp làm sao, tiếng hát lại từ hậu trường sân khấu dội ra  [ở đây tôi chỉ trích dẫn Juliet và không trích dẫn Romeo, đến đây, Juliet đi thay áo mới, Romeo cũng đi thay áo mới] và đây là cảnh tầng trời thứ 100 [ngoài cảnh tầng trời thứ 100 không thấy có cảnh tầng trời nào khác] sân khấu được thay bằng thứ ánh sáng thường nhìn thấy trong những thước phim quay cảnh các vệ tinh nhân tạo xoay quanh mặt đất, vâng, tầng trời thứ 100, có tiếng va chạm giữa các thiên thể, u tịch, nhưng chẳng buồn, một sự sống động bí ẩn, quyến rủ, Juliet cầm tay Romeo nhảy nhót bên một thiên thể có vẻ như là mặt trăng, một cô gái đứng nơi thiên thể như là mặt trăng có vẻ như là hằng nga đang che mắt nhìn Juliet và Romeo, có tiếng gì như tiếng hô hét của thần Zeus trên đỉnh Olimpia [Juliet ra hiệu Romeo thôi nhảy, và nàng bắt đầu nói, vừa thể hiện những vũ khúc kỳ dị, vừa nói] em, tích tụ của thời gian, năm tháng như những ngọn lửa kỳ diệu thổi vào sự lãng quên, thổi vào sự nhớ nhung luyến triếc, thổi vào ước mơ, thổi vào hòai bão, thổi vào đá, thổi vào chim, thổi vào những cuộc tình nơi những miền cổ tích, thổi vào giá buốt nơi những chốn không tên, trườn bò giữa những cuộc phiêu lưu vô định là những cuộc vượt nhảy  vào giữa chốn hiện hữu [ Romeo cứ đứng lặng nhìn Juliet trong niềm hạnh phúc và thán phục, và bỗng Juliet gọi tên chàng] hỡi Romeo yêu dấu của em, hiện hữu là tồn tại, và tồn tại là hiện hữu, những đám mây len ngàn cánh gió, người đi để lại trong lòng người ở  nét kiêu sa, hỡi Romeo yêu dấu của em, chúng ta đang bước vào cuộc tồn sinh, mãi mãi là cuộc tồn sinh, Romeo có nghe thấy gì không, các vị thần cổ đại đang trẻ lại để múa hát cùng chúng ta, thế giới chỉ có tiếng cười, và trở nên xa lạ với những giọt nước mắt [đến đây đèn sân khấu chuyển sang màu ngọc bích kim cương, thứ màu  không gì lay chuyển được, và Juliet bỗng chuyển sang một vũ khúc có vẻ như cuộc hoan lạc của đất trời buổi hỗn mang, và giọng nói của nàng tựa trong cơn mộng mị] ôi, em như tích tụ của năm tháng, lãng đãng  thời không, rạng tỏa muôn trùng hương sắc, em là niềm vui, em là tiếng cười, em là khúc hát vĩnh hằng [ Juliet nắm lấy tay Romeo chạy về phía cánh gà phía bên phải sân khấu, lúc hai người sắp khuất dạng ở cánh gà thì Juliet bỗng ngã nhoài lên sân khấu, hết kịch] từ những thông tin của đám học viên ca đoàn liền  sau đó, tôi đã biết được việc Juliet ngã lên sân khấu không thuộc kịch bản, mà thuộc tình trạng thể xác và tinh thần của nàng [như hậu quả khốc liệt của cuộc rao truyền thuyết lý thế giới không có bi kịch] đã hết kịch rất lâu, nhưng cảnh mặt đất thứ 100 và cảnh tầng trời thứ 100  cứ nhảy múa trong đầu tôi, vào cái đêm mùa hạ ấy, tôi biết, những nhà thiết kế văn chương  đương đại, những đạo diễn của kịch, đã chiến thắng, chỉ có tôi và em là những kẻ chiến bại.

 

 

người đánh xe ngựa đã cho ngựa kéo xe không quay lại chỗ tôi,  buổi sáng mùa xuân nơi bờ biển những tháng năm trước đó tôi và nàng đã ngã xuống trong vở kịch thế giới không có bi kịch có vẻ đang hình thành một vở kịch khác, cũng khó nói là kịch gì, bi kịch hay hài kịch, kinh kịch hay quốc kịch, tự dưng người đánh xe ngựa lại muốn ngồi trò chuyện với tôi trong khi công việc của ông là phải chở khách kiếm sống, tự dưng ông già gác cổng cứ muốn chia xẻ với tôi những nỗi niềm nào đó, tự dưng tôi trở lại thành phố nơi không còn có nàng cứ ngồi mãi ở cổng ca đoàn như thể để chờ đợi nàng, tất cả chúng tôi, mỗi người mỗi kiểu, không thể trả lời câu hỏi  vì sao lại thế, vì sao người đánh xe ngựa lại muốn trò chuyện với tôi, vì sao ông già gác cổng lại muốn thổ lộ chuyện riêng tư với người khác, vì sao tôi có vẻ như cứ muốn ngồi mãi nơi cổng ngõ ca đoàn, có vẻ gì rất kịch, nhưng không thể vì không thể trả lời được câu hỏi vì sao lại thế bảo đây là kịch phi lý, chúng tôi có cái lý của chúng tôi, để, bỗng dưng ngồi lại với nhau, buổi sáng mùa xuân, có tiếng biển gào, có tiếng ve da diết trên hàng keo dọc theo bờ rào ca đoàn, cả chốn cư trú của những nhà giảng thuyết và đám học viên ca đoàn nơi đang chảy ra những âm vang kỳ khu khúc khuỷu và cả cái thế giới chúng tôi đang sống bỗng trở nên có vẻ huyền nhiệm một cách  kỳ cục trong nghĩ ngợi của chúng tôi,

NGƯỜI ĐÁNH XE [dim mắt như say ngủ trong khi nói] mặt đất đang trở nên náo nhiệt, ông và bác gác cổng có nhìn thấy thế không, không tính đến các thứ tiếng gió, tiếng chim, tiếng suối reo và tiếng lũ thú trên rừng, không tính đến các thứ tiếng biển gào, tiếng đất lở, tiếng mưa bão sấm giông, chỉ tính riêng tiếng người thôi đã thấy chóng mặt, bỡi ngày nay con người nói nhiều hơn những thế kỷ trước, nói nhiều hơn những thiên niên kỷ trước, bỡi ngôn ngữ con người ngày nay giàu có hơn trước, ngoài việc nói tiếng xứ sở mình, con người còn nói tiếng của những xứ sở khác, rồi chỉ tính riêng tiếng nói của các vị đứng đầu các xứ sở, tiếng nói của các vị nguyên thủ quốc gia, cũng đã thấychóng mặt, hằng ngày, tính ra, các vị đã bỏ ra không biết bao nhiêu là lời nói, để nói với đám dân của mình, với đám thuộc hạ của mình [trong quá nhiều những hội họp, cấp quốc gia có, cấp địa phương có] để nói với đám nguyên thủ các quốc gia khác [trong các hội họp quốc tế, hội họp khu vực, trong các cuộc bang giao xảy ra ở xứ sở mình, hay ở xứ sở khác] và chỉ tính đến thứ ngôn ngữ hiền hòa, phải phép, chưa tính đến các cuộc cãi vả nhau, hay chửi bới nhau, cũng đã thấy chóng mặt, cũng có thể mường tượng, rằng, toàn bộ âm vang lời nói bỏ ra hằng ngày của toàn bộ các nguyên thủ quốc gia trên mặt đất cũng xấp xỉ tiếng vang trong vụ nổ big bang,

ÔNG GIÀ GÁC CỔNG [ngắt ngang người đánh xe ngựa] và chỉ tính riêng lời nói của các nhà giảng thuyết ở ca đoàn bỏ ra hằng ngày, tôi không dám ví von, chứ có thể át cả tiếng biển gào,

TÔI [thử nhìn về phía dãy nhà cổ kính dành cho các nhà giảng thuyết và  học viên ca đoàn rồi mới nói] tiếng biển chỉ là thứ tiếng động tự nhiên, nghe lâu có thể thành ra vô cảm, có nghĩa, khi nghe tiếng biển có thể ta chẳng có nghĩ ngợi gì, nhưng khi nghe các vị giảng thuyết [tôi ra hiệu mọi người cùng lắng nghe  những âm vang đang chảy ra từ dãy nhà cổ kính rồi tiếp tục nói] dù hiểu nhiều, hay hiểu ít, hay không hiểu gì cả, tai ta luôn bị bắt buộc phải nghe như sự phản ứng trước những âm vang luôn cảm thấy bị kích thích, thứ âm vang giống như có ai đó đánh  thật mạnh vào nhận thức của ta,

NGƯỜI ĐÁNH XE [bỗng cười thật to] ồ, cách nói của ông làm tôi nhớ đến thuở tôi còn là nhà giảng thuyết của ca đoàn, ông và bác gác cổng biết không, tôi hăm hở bước vào chốn ấy tự buổi ngọn gió mới đầy hương sắc vừa thổi qua xứ sớ chúng ta, tri thức con người bao giờ cũng bị quyến rủ bỡi những hệ thống tư tưởng vừa được con người chế tạo, tôi phải đi nói với những người trẻ tuổi hơn tôi về cách làm thay đổi thế giới [thấy tôi và ông già gác cổng có vẻ hơi bất ngờ trước những thông tin mới mẻ ấy, người đánh xe ngựa ngưng lời, nhưng khi thấy hai chúng tôi mỉm cười, tỏ ra đã hiểu, ông lại tiếp tục] ông và bác gác cổng có tưởng tượng được không, ảo ảnh, tôi đã thét lên thế với những đồng nghiệp của tôi, chính là tôi đã đánh một cái thật mạnh vào nhận thức của bọn họ khi nhận ra rằng những nhà giảng thuyết chúng tôi chỉ đem những khái niệm duy lý  đã được soạn sẵn ra nói với những người trẻ tuổi hơn chúng tôi, những người tự chọn lựa hoặc bị ném vào chốn ấy,

TÔI [không để người đánh xe ngựa tiếp tục nói bỡi tôi chợt nhớ lời ông  lúc nãy] và ông liền bị các vị ấy xếp vào hàng cặn bã của xứ sở,

NGƯỜI ĐÁNH XE [bỗng đứng lên hô to] cặn bã muôn năm [rồi tiến lại chỗ con ngựa và chiếc xe đang để ở bên ngoài cổng ngõ ca đoàn] này ngựa, hãy nhớ lấy lời ta: căn bã muôn năm,

ÔNG GIÀ GÁC CỔNG [bỗng buồn dười dượi trong lúc những lời giảng thuyết vẫn tiếp tục vang ra từ dãy nhà cổ kính, bấy giờ người đánh xe ngựa vẫn đứng vuốt ve con ngựa, chỉ có tôi và ông già gác cổng ngồi nơi ghế đá, giọng nói của ông nặng như buổi chiều mùa đông mưa gió bão bùng] thành phố này đón nhận tôi như kẻ trở về với chánh nghĩa, lúc bấy giờ tôi cảm thấy thế, có thể đấy là tình cảm của một kẻ sĩ, các chú không nghĩ tôi, một anh giáo làng, là kẻ sĩ hay sao, khi tìm được con đường cho mình bao giờ kẻ sĩ cũng thấy vui các chú à, chính tình cảm kẻ sĩ ấy là nền tảng để thuyết phục các ông chủ ca đoàn chấp nhận yêu cầu của một người già được làm công việc gác ổng [ông già bỗng đứng lên hóng mắt về phía góc thánh phố có cái tháp nhà thờ nhọn hoắc đang chỏ lên trời] cũng chính tình cảm kẻ sĩ ấy khiến vị linh mục ở ngôi nhà thờ nhỏ ấy đã chấp nhận cho tôi được nương tựa ở chốn ấy, ban ngày tôi đến ca đoàn làm công việc gác cổng, đêm về ngủ ở ngôi nhà thờ nhỏ ấy, cho đến hôm tôi nhận ra rằng, hóa ra ở cái ca đoàn tôi đang canh gác cũng có một đấng tối cao đầy quyền năng che chở cho mọi người ở đấy như đức chúa trời ở cái ngôi nhà thờ nhỏ ấy,

NGƯỜI ĐÁNH XE  [bỗng kêu] rồi đấng tối cao của ca đoàn đã mang bác về ở luôn đây cho tiện việc che chở [ông nói xong lời ấy thì cười thật to]

TÔI [cũng kêu] có phải là bác từng trú ngụ ở ngôi nhà thờ nhỏ chỗ đầu con hẻm đi vào bên trong là ngang qua một xóm cư dân nghèo [trong lúc ông già gác ổng gật đầu đáp lời tôi, tôi cứ lẩm bẩm với mình rằng ở thành phố này thì chỉ có mỗi cái nhà thờ nhỏ chỗ đầu con hẻm ấy, và những ký ức lại ùa về]… con hẻm loanh quanh một đỗi thì đến nhà trọ của em đã mở ra một khái niệm hoàn toàn mới mẻ đối với tôi, không phải khái niệm về một con đường nhỏ trong một thành phố chứa đựng các yếu tố như chật, tối, ít người đi và ít xe cộ, tôi phải nói thế nào nhỉ về con hẻm quen thuộc dẫn tới chỗ ở của em, sau khi em quyết định dừng chân ở thành phố của tôi để đến với ca đòan ấy thì chính tôi là người đã phát hiện ra chỗ ở đó cho em, sao lại phải là trên con hẻm này mà không phải ở chỗ nào khác nhỉ, tôi cũng không biết nữa, rồi cái nhà thờ nhỏ có vẻ hơi sầu não [hơi buồn] một chút tọa lạc ngay lối vào hẻm bỗng trở nên niềm vui khác lạ trong tôi, cứ nhìn thấy nóc nhà nhọn hoắc của nó vươn lên ở bên trên xóm nhà có vẻ quá nghèo nàn ấy là tôi lại nghe có gì đó giống như một lời nhắc nhở, không phải, có lẽ như một luồng ký ức di chuyển thật êm ái trong nhận thức của tôi: từ tọa độ ấy, từ ngôi nhà thờ hơi buồn bã ấy, rẽ vào con hẻm ngang qua xóm cư dân nghèo một đoạn ngắn là sẽ gặp em, cứ xóa hết đi những thứ của thời cũ, tên của con đường, tên của con hẻm, và cả tên xóm cư dân nghèo ấy, cứ xóa hết đi, tôi cứ lên tiếng thách thức trong nghĩ ngợi, thách thức với những nhà kiến trúc của thời đại đang mưu toan làm lại tất cả, rồi lại cứ thấy dấy lên nỗi sợ hãi, sợ cái tọa độ để nhìn em [cái nóc nhà nhọn hoắc của cái nhà thờ hơi buồn bã ấy] không còn nữa, ngồi viết ở rừng thông thỉnh thoảng tôi lại dòm chừng về phía góc thành phố có em đang sống, trông thấy cái nóc nhà nhọn hoắc của ngôi nhà thờ hơi buồn bã vẫn chỏ lên bầu trời thành phố lũ chim én đang nhởn nhơ bay qua lại, rồi tôi lại rơi vào những nghĩ ngợi chẳng theo một lý lẽ nào cả, rằng, lũ chim thì đang canh giữ thành phố, canh giữ những thứ loài giống chúng vẫn yêu mến những trăm nghìn năm qua, còn cái nóc nhà nhọn hoắc của ngôi nhà thờ hơi buồn bã thì đang nghĩ ra cách bảo vệ mình để có thể tiếp tục chỏ lên trời, quả có trục trặc, nếu không nói là bất ổn, giữa những nghĩ ngợi của tôi và những sự vật đang bày ra chung quanh tôi đó, tôi cứ có cảm tưởng như có một thế lực ám muội nào đó đang phá vỡ cuộc hòa điệu nghìn năm giữa cơn gió và áng mây trôi, vào lúc mặt trời sắp tắt, rừng thông, nơi tôi ngồi viết, như bắt đầu sẫm lại với thứ màu sắc như thể lúc không còn mặt trời thì phải sẫm lại, ngọn gió cuối ngày ngang qua giữa đám lá kim [đám lá thông] vang lên một chút, tịch dương mà như triêu dương, chỗ bắt đầu của cái chưa có, cổ kính, và phiêu diêu, và một chút nuối tiếc, con đường tôi và em đang đi là đang gặp bất trắc, người ta đang chặn tôi và em lại để hỏi giấy phép đi đường của thời đại, tôi lại chép vào cuốn sách viết về em ghi chú quan trọng: còn lâu chúng ta mới được tự do đi lại, ở cái tọa độ nhà trọ của em chuông nhà thờ lại vang lên, chì chiết, như thể để nhắc nhở những kẻ không được ai che chở, như tôi và em, thì hãy tự bảo vệ và tự cứu lấy mình, và khi đêm buông xuống, biển lại vỗ vào rừng thông âm vang cũ kỹ, trong thứ dấu tích của quá khứ, tiếng biển, tôi lại hình dung ra những con đường, biển nguyên thủy rút đi bày ra chỗ cho những sự vật mà sau này có một thứ đã trở thành thứ khác hơn bất cứ thứ sự vật nào: con người, nó đã tìm ra đường đi, và bày ra đủ trò trên mặt đất, nhưng với tôi lúc bấy giờ, có vẻ là, con đường đầu tiên mở ra trên mặt đất cho tôi đi là con đường hẻm dẫn đến nhà trọ của em

 

 

người đánh xe ngựa đã xách xe không chạy về phía Cảng Cá, điện thoại lại reo  [giữa bài thuyết giảng về hạnh phúc đang vang ra từ dãy biệt thự cổ kính] ông già gác cổng vào điếm gác, nghe điện thoại, rồi gọi bảo tôi hãy chờ ông một chút, rồi vội vã đi vào chỗ làm việc của ngài chỉ huy ca đoàn, một chặp, ông trở ra với chàng trai  học viên ca đoàn , hãy cứu lấy kẻ trốn chúa chú ạ, ông già gác cổng lại nói về chàng trai học viên [đang trốn giờ học] nửa thật nửa đùa, không hiểu sao vào lúc ấy ông lại có vẻ rất vui, khi tìm được bạn đồng điệu trong cuộc sống thì người ta thường cảm thấy hạnh phúc  anh à, chàng trai học viên nói với tôi, cũng có vẻ vui không kém ông già gác cổng, đồng điệu, thì ra tôi đã hiểu, hai con người ấy, một người không phải học viên nhưng ngày nào cũng phải nghe thuyết giảng bỡi hai tai không có khả năng gạt bỏ ra ngoài những âm vang ngày ngày vẫn tuông ra từ dãy biệt thự cổ kính, một người là học viên ca đoàn tất phải nghe giảng thuyết để còn trả bài, làm bài thu hoạch, hai con người cùng chung một nạn trời, cứ phải nghe mãi những khái niệm, những phạm trù, những tư duy, những cải cách, mơ hồ đến cả việc mô tả tiếng chó sủa hay  một bước chân người, tiếng chó sủa thì gọi là sự phản ứng mang tính chất xã hội học của một loài sinh vật có tầng mức cảm giác gần gũi với con người, bước chân người thì gọi là nhịp điệu tồn sinh qui định thứ hoàn cảnh sống con người đang trải qua, cả hai đều đã ngắc ngư [gần chết] với thứ ngôn ngữ như ở trên trời rớt xuống ấy thì không phải nạn trời là gì, thì cứ xem tôi như là nạn nhân của cuộc sống này thôi, chàng trai học viên nói, vẫn còn đang vui vẻ, tôi thử chất vấn: sao lại gọi là nạn nhân, ông già gác cổng vào điếm gác mang ra hai cốc nước lọc: hai người uống nước cho thông cổ rồi mới nói, nơi cổng ngõ ca đoàn vẫn còn nguyên không khí vui vẻ, và chàng trai học viên bắt đầu nói như thể để trút bỏ hòn đá bấy lâu vẫn đeo nơi đôi chân anh ta…sau các cuộc chiến tranh, rốt cuộc, nhà tôi chỉ còn vỏn vẹn hai người, cha tôi đã đến tuổi gần đất xa trời, và tôi, đứa con trai có ăn học đang tuổi trưởng thành, như để an ủi mình trong những ngày cuối đời, cha tôi đã đặt hết niềm tin vào cuộc sống hiện tại, cuộc sống không còn có đạn bom, đây là khoảng lịch sử con sẽ được hạnh phúc, ông nói với tôi, như một tuyên bố, hay như một di huấn, cuộc sống hiện tại đã đón nhận tôi không chút nghi hoặc, bỡi tôi đến với nó bằng cả niềm rung động bắt nguồn từ thứ tình cảm xã hội thiêng liêng của người cha thân yêu, những ngày đầu tôi đến với nó như đến với những ngày hội mới, những ngôn ngữ của cuộc sống hiện tại đối với tôi bấy giờ như những tiếng hát của những kẻ đang vui, rồi tuổi già không để cha tôi tiếp tục sống, rồi bão lũ không chừa căn nhà nhỏ của tôi ở miền quê ấy, đã đến lúc tôi cảm thấy một cách quả quyết và trọn vẹn trong  nghĩ ngợi rằng tôi sẽ sống và chết cho cuộc đời này bỡi tôi cũng chỉ còn có cuộc đời này, tôi tự nhủ, rồi cái hiện tại muôn màu muôn vẻ này, tốt đẹp có, hèn hạ xấu xa có, nó cứ bào mòn dần thứ ý nghĩ đã từng trọn vẹn trong tôi, ta có thể tiếp tục sống và chết cho cuộc đời này hay không, câu hỏi ấy bắt đầu dày vò tôi khi tôi nhận ra rằng giữa những hệ hình trị nước và hiện thực cuộc sống của bao nhiêu xứ sở luôn là khoảng cách đáng sợ, chàng trai bỗng dừng, tôi có cảm tường thời đương đại đã làm cho đám người trẻ tuổi già đi trong nghĩ ngợi, rồi cậu đã nghĩ ra cách đi tìm một lối đi khác cho mình, tôi hỏi như để thử hiểu thêm về một lớp người tuổi trẻ hơn mình, chàng trai lắc đầu, vẻ chán nản, rồi tôi đã trở thành kẻ giả dối với chính mình, tôi chẳng dám để lộ ra nỗi buồn khổ của mình, vẫn cứ tỏ ra vui vẻ với mọi người, mới hồi đêm sáng ra gặp anh đây, tôi đã gặp một người còn buồn khổ hơn tôi, một cô gái, chắc là ở quê, bỡi dáng vẻ rất thật, chỉ có áo quần đang mặc và cách trang điểm là không có vẻ quê, cô gái nói với tôi là sẽ giảm giá còn một nửa nếu tôi chịu ngủ với cô ta suốt đêm, nỗi khổ cô gái bất chợt ập lên nỗi khổ trong tôi biến thành nỗi kinh hoàng, tôi chạy trối chết về ký túc xá, đêm hồi hôm tôi thức trắng với cuộc đời này, gió biển bỗng thổi mạnh hơn, và chàng trai học viên bỗng đứng lên, vẻ sợ hãi, rồi vụt chạy trở vào dãy biệt thự cổ kính, nơi cuộc giảng thuyết vẫn đang diễn ra, vâng, những nỗi sợ hãi, những ký ức chẳng vui lại ùa về với tôi… ngay khi chiều ngày hôm ấy, khi người con gái ấy thơ thẩn ở cửa sau nhà mình [ngôi nhà tôi ngồi viết ở rừng thông có cửa sau nhìn ra biển, cửa trước nhìn ra đường phố] tôi đã có thứ khái niệm mới về cuộc sống của thành phố tôi đang sống: thời của triển nở, đám thông già bắt đầu reo to hơn bỡi càng về chiều gió biển càng thổi mạnh, cái cách tương tác giữa gió biển và đám thông già có vẻ giống với cách tương tác giữa tôi và người con gái đang thơ thẩn trước cửa nhà tôi, nàng không phải gió biển, và tôi không phải đám thông già, chỉ có điều là,  ấn tượng của tôi về nàng càng lúc càng mạnh giống như đám thông già càng lúc càng reo to hơn, thứ văn chương tôi đang viết [tôi vẫn viết về nàng hằng ngày] bỗng nhuốm buồn bỡi có một mảnh đời như đang theo xuống cùng mặt trời chiều, tôi nhìn thấy người con gái có vẻ đang sốt ruột, chốc chốc lại ngước nhìn mặt trời đang xuống thấp, cuộc đời của một người như đang đồng hành cùng sự tàn lụi của ánh mặt trời, ngay lúc nàng bước vào nhà tôi để xin lửa đốt thuốc, nàng vào chỗ tôi khi điếu thuốc trên môi nàng đã tắt tự lúc nào, trời tối rồi sao anh không bật đèn lên, nàng nhắc tôi đi bật đèn nhưng thật ra là không dấu được sự mong đêm xuống, tôi đi bật đèn, và đưa bật lửa cho nàng, tôi đã nhìn thấy gì ở người con gái ấy nhỉ, nàng còn quá trẻ để bước vào cuộc thử thách, không còn tìm ra con đường đi nào khác nên mới có việc nàng thơ thẩn ở cái bãi biển có vẻ là nơi duy nhất của thành phố ít chịu áp lực nhất của dự án thành phố tương lai, có nghĩa, cái bãi biển tôi mở cửa sau ra là nhìn thấy những mảnh hồn thương đau, bỡi những gì làm nên cảnh sinh hoạt ở đó là hệ quả của công cuộc triệt phá cái cũ, đó là những thất thế áo cơm, hay là những hổn loạn áo cơm, khi bỗng dưng đổ ập cái hệ hình xã hội ai cũng tưởng là vững chắc, đi tới đó, nơi bãi biển với những hàng thông già, như là cách tự tìm ra cách tồn tại, có thể người con gái ấy đến từ một miền quê nào đó đang bối rối trong việc theo con bò  mảnh ruộng với một cách thức quá mới mẻ, hay là từ một tổ ấm gia đình nào đó vừa bị tan rã, hay cũng có thể là một thư sinh trước đó, và bây giờ là gió bụi trần ai, nhìn nàng đốt điếu thuốc theo cách một cô gái bụi đời tôi cứ thấy bứt rứt trong lòng, rồi nàng cũng phải quay lại nơi cái thế giới thuộc thời của triển nở, tôi nhìn ra bãi biển, như hằng đêm, bãi cát biển với đám thông già như một góc nhỏ của thành phố đang chìm vào cuộc thể nghiệm về thời của triển nở sau cuộc triệt phá cái cũ, rồi lịch sử sẽ chép về cái bãi biển với đám thông già như sản phẩm bất đắc dĩ của nó, nói đúng hơn, nó, lịch sử đã làm cho cái bãi biển có đám thông già trở thành chốn nương thân của những mảnh đời thương đau, em bé mồ côi sau chiến tranh đến thành phố để đi bán báo hay đi đánh giày, bà chị không còn nhà cửa ở quê đến thành phố để mua gánh bán bưng, ông cụ không còn người thân đến thành phố để nương tựa những tấm lòng rộng mở, hình như cũng có những người trí não chằng còn bình thường, đêm bọn họ gặp nhau nơi bãi biển có những hàng thông già, trở thành người cùng quê hương, thứ quê hương giống như giấc mơ đã gãy thành đoạn khúc, đêm ngủ dưới những gốc thông già làm sao bọn họ lại không mơ thấy mình ngủ dưới tòa lâu đài lợp bằng thứ lá cây hạt trần, thông là loại cây hạt trần chỉ tạo nón trên ngọn rồi phát triển thành hạt tồn tại tự kỷ Giura đại trung sinh 200 triệu năm về trước, và người con gái vào nhà tôi xin lửa đốt thuốc cũng chỉ là một trong rất nhiều người con gái sống ở cái bãi biển ấy như cái cách cuối cùng bọn họ đã nghĩ được, cái cách không thể không bỏ bớt đi cái quí giá nhất của một đời người con gái, vào tờ mờ sáng hôm sau, cứ cho là ký ức bầy đàn đã đánh thức tôi, vào tờ mờ sáng hôm sau, tự dưng tôi cứ thấy nóng nảy trong lòng không biết cô gái đã vào nhà mình xin lửa đốt thuốc hút có mệnh hệ nào không, tôi mở cửa nhà sau, và nàng vội vã rũ áo đứng lên, thì ra, đêm ấy nàng đã ngủ trên khoảnh cát biển sát cửa nhà tôi, tôi như nhìn thấy được những dấu vết phong trần trong đêm còn nguyên trên gương mặt buồn bã của nàng, nếu như tôi có thể cho em một cuộc sống bình yên, tôi cứ muốn nói với nàng lời ấy, nhưng lại sợ, biết đâu, lời nói chân thành của tôi lại đổ thêm lầm than vào cuộc sống lầm than của nàng, vâng, những nỗi sợ hãi.

 

 

 

 

ông già gác cổng có vẻ rất vui khi trông thấy người đưa thư của thành phố xuất hiện trước cổng ngõ ca đoàn, có thư của thằng cháu nội của bác trong đó, người đưa thư đưa gói thư cho ông già gác cổng và nói thật to, có vẻ như từ lâu bọn họ là những kẻ đã hiểu rõ về nhau, tôi cũng cảm thấy cảm động, dẫu gì thì đất đai, những chốn nương thân, cũng gắn kết những con người đang sống trên đó lại với nhau, thư của thằng cháu nội tôi đó, ông già gác cổng nói, và cho tôi xem một phong thư trên đó địa chỉ người viết và địa chỉ người nhận được viết bằng thứ chữ hơi nguệch ngoạc của trẻ thơ, và bên dưới địa chỉ người nhận là hình một ông cụ nhà quê được vẽ với thứ bút pháp rút gọn, tức kiểu vẽ được đơn giản hóa tới mức tối đa theo cách nghĩ của trẻ thơ, tôi lập tức nhận biết đấy là hình người gác cổng ca đoàn, thư thì tự nó viết lấy, nhưng ngoài bì thì cha nó phải đọc các thứ cho nó viết, lần nào cũng thế, sợ người ta không biết đường chuyển thư, nó lại vẽ hình ông nội nó ở ngay bên dưới địa chỉ người nhận, ông già gác cổng lại phải nói thêm về chuyện viết thư của cháu ông, trong lúc tôi tưởng tượng về một thứ tình cảm ông cháu, ông thì đến thành phố sống, còn cháu ở quê lâu lâu lại gửi thư thăm, trong lúc tôi cố hình dung hình ảnh thằng bé, thì ông già gác cổng đọc to lên  thư của cháu: con chó của nhà mình bữa nay lớn lắm ông ạ, đã biết sủa người lạ rồi ông ạ, hễ có người đến nhà mình là nó nghểnh mòm lên kêu gâu gâu, chỉ có điều là nó không biết nhảy dây là gì, trong lúc cháu nhảy dây thì nó cứ nằm sát trên đất, rên ư ử, người gác cổng đã đọc to lên đoạn thư cháu ông mô tả con chó con của nhà ông đã trưởng thành như thể để khoe với tôi về chuyện ăn học của cháu mình ở quê, đang học lớp hai trường làng đấy chú, người gác cổng nhìn tôi, và bắt đầu nói về quê ông, câu chuyện về đất quê có vẻ vô cùng bí ẩn [tôi vẫn thích dùng từ này mỗi khi đụng đến chuyện đất quê] nó là những thứ manh mún, rời rạc, rất buồn chú ạ, buổi chiều hôm, lũ gà con chiu chít tìm mẹ trong khu vườn nhà, ngôn ngữ của lũ gà con giống như những mảnh hồn thất lạc của các sự vật nhỏ bé nhất trong trời đất, buổi chiều hôm, một con nghé con cũng có thể lạc mẹ trên cánh đồng quen thuộc ở quê, khi đêm xuống ở quê thì mọi thứ như đang rã ra, biến thành thứ khác, một khúc dây thừng hư trong mắt người hay dễ hoảng sợ cũng có thể biến thành con rắn trên đường làng, con đường làng ở quê giống như thứ mạch máu của thứ cơ thể làm bằng đất, làm bằng cây cối, làm bằng xương thịt con người, xương thịt của các thứ mục súc, xương thịt của các thứ giống vật bay trên trời, và hết thảy các thứ trí nhớ của hết thảy các thứ sự vật, con đường làng với cái cơ thể kỳ cục ấy chỉ có thể miêu tả bằng im lặng, đất quê là  những thứ không thể diễn tả hết được bằng ngôn ngữ con người, ở quê, đêm như mép bờ của nguy hiểm, nhưng buổi bình minh thì lại giống như hơi thở của sự sống, buổi bình minh giống như thứ phép thử của thứ thế giới quan mộc mạc, cứ chờ sáng hôm sau mọi thứ sẽ được sáng tỏ, vậy đó chú, đất quê là những thứ không thể lập thành công thức, nó có vẻ lỉnh khỉnh, có vẻ chẳng có bờ cõi gì cả, nhưng trong cảm nghĩ của những con người gắn bó với nó thì mọi thứ như trở nên vĩnh hằng, mọi thứ như chìm vào đâu đó trong trí nhớ để thỉnh thoảnh lại có mặt trong những giấc mơ, trước mắt tôi lúc bấy giờ ông già gác cổng như đang trở nên khác thường, như thể ký ức về quê hương làm cho ông trở nên thông tuệ, một con người chừng ấy tuổi gắn bó với đất quê có thể giống như một thứ giấc mơ vừa vĩnh hằng vừa dễ vỡ, thì chẳng phải nơi tôi sinh ra cũng đã biến tôi thành thứ giấc mơ vừa vĩnh hằng vừa dễ vỡ đấy sao…vâng, ký ức, và giấc mơ… giờ đây ký ức tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh của những sự việc đã thuộc về những tháng năm xa xưa, có thứ cũng đến vài ba mươi năm về trước, chỉ có điều tôi không dám chắc chúng có phải là những ký hiệu [những vật thế thân] của những sự việc vốn là thế hay đã được diễn giải [thêm vào hay bớt đi] qua những cung bậc buồn vui của nghĩ ngợi, bỡi nhận thức con người vốn giống như thứ thước đo chẳng chịu theo một chuẩn mực nào hết, thời gian vẫn trải lên đó niềm quyến rủ, minh triết, hay cuồng vọng, hay có khi giống một giấc mơ dài cho đến chết, tôi đã nhìn thấy lại con đường tôi đi học của buổi hoa niên, con đường từ nhà tôi đến trường trung học ở một miền quê thuộc huyện phía bắc kế cận huyện nhà của tôi, cũng chừng hơn mươi lăm cây số, nhưng trong mơ tôi cứ có cảm tưởng dài vô tận, tôi cứ thấy đi hoài, đi hoài, không biết bao nhiêu năm tháng, con đường ngang qua những cánh đồng bao la, lúa cấy thơm mùi nếp xôi, có khi là trời sắp tối, ánh hoàng hôn trải lên ruộng đồng như đang có cuộc tranh lấn nhau giữa khoáng đạt và chật hẹp, tôi lầm lũi bước giữa thứ sắc màu bi lụy, muốn sáng sủa mà không sáng sủa được, và thấy nhớ mẹ ghê gớm, đã học năm đầu bậc trung học, nhưng khi xa mẹ  tôi vẫn thấy như mình đã ra khỏi sự bình yên tuyệt đối được tạo dựng bỡi mẹ, một chút cảnh trí khác thường hoặc một chút sự cố không bình thường cũng đủ làm xao động thứ tình cảm vốn hình thành từ sự thương yêu chìu chuộng của mẹ, rồi như để phủi bớt sự phiền muộn không mong muốn, tôi cởi hết áo quần để ở trên bờ cùng với túi đựng sách vở và đồ ăn [mẹ vẫn làm sẵn cho tôi mang theo] lặng lẽ lội xuống con mương chảy qua cánh đồng bao la, sở dĩ phải dùng đến những từ lầm lũi, hay lặng lẽ, vì bao giờ trong mơ tôi cũng thấy chỉ mỗi mình tôi dấn bước trên con đường có vẻ vô tận ấy, mỗi mình tôi lặn ngụp trong con nước trong vắt và mát rượi, cũng thần tiên chẳng kém cảnh tắm nước mưa mùa đông trên con sông trên đường vào làng tạo bỡi những cơn mưa như trút nước xuống mặt đất, bao giờ đến trường, hay từ trường trở về nhà, tôi cũng phải lội qua con mương ấy, có lúc là đã nửa đêm [thời ấy quê tôi đang có chiến tranh, đi học phải đi vào ban đêm để tránh máy bay của giặc Pháp] ta cũng dũng cảm không kém, có lúc tôi cũng cảm thấy tự hào về việc mỗi mình đi trong đêm, hay mỗi mình lội qua con mương chảy qua cánh đồng đồng bao la, nhưng đến khi đối mặt với con sông qua khỏi nó là đến quê tôi thì tôi phải chấp nhận sự thất bại đau đớn, bao nhiêu lần trong mơ tôi thấy mình bị chặn lại nơi bờ con sông ấy, con sông không thể nhìn thấy bờ bên kia, và nước chảy xiết, có khi tôi thấy mình bị chặn lại vào ban ngày, có khi là vào ban đêm, có khi tôi không thể hiểu đó là lúc nào, mặt trời thấy có đó, nhưng cảnh vật vẫn lờ mờ như trong cõi vô thức, nỗi lo lắng sợ hãi như những sự kiện tâm lý làm cho giấc mơ dài ra, có khi là tôi thấy mình bị kẹt lại nơi bờ con sông đến cả nhiếu tháng, nhiều năm, tôi nhập vào cuộc sống ở trong mơ như cách chống lại nỗi sợ hãi không còn được gặp lại mẹ, rồi một hôm tôi lội vào xóm nhà ven bờ sông, một xóm nghèo, để thử có ai đó giúp cho cách sang sông, một bà lão, không biết đã già đến mức nào, giống một người chết đang nằm bẹp trên nền đất của căn nhà tranh trống trước trống sau, bà lão nhìn tôi với ánh mắt căm tức làm tôi phát khiếp, tôi toan bỏ đi thì có tiếng gọi bảo hãy chờ, tiếng của một người con gái, để em đưa anh sang sông, nàng nói, rồi đi lấy chiếc sõng con đang úp nơi hiên hè ngôi nhà tranh, trong lúc nàng loay hoay với chiếc sõng con, tôi cố nhìn kỹ, thì  quả đúng là người con gái bao nhiêu năm tôi vẫn chờ đợi, tìm kiếm, quả đúng là em, tôi gào lên trong nghĩ ngợi, vẫn đôi mắt hơi buồn ấy, vẫn giọng nói lúc nào cũng có vẻ như đang lạc loài ấy, ở trong mơ tôi thấy đã gần ba mươi năm tôi mới gặp lại em, thời gian đang co lại trong mơ, cuộc dịch chuyển kỳ dị ấy có vẻ gây khó khăn cho tôi và em, tự dưng tôi và em không thể nói với nhau được điều gì cả, chỉ nhìn nhau, làm như thể là đang sống trong thời con người chưa có ngôn ngữ, ở trong mơ tôi thấy tôi thắc thỏm lo âu không biết có quả thật là tôi đang mơ thấy gặp lại em hay không, cứ thắc thỏm lo âu là tôi sẽ phải ra khỏi giấc mơ để phải xa em, có phải đấy là trò chơi của dịch chuyển hay không, hay khi thời gian co lại thì làm cho con người ta rơi vào tình thế bối rối, con đường từ nhà tôi đến trường học của tôi buổi hoa niên vẫn cứ lập đi lập lại trong mơ khiến tôi luôn bối rối vì cứ sợ trong mơ tôi có được gặp em hay không

 

 


người đánh xe ngựa đã cho ngựa kéo xe không trở lại cổng ngõ ca đoàn, tôi có cảm tưởng không phải ông chạy xe để kiếm sống, cả buổi sáng ông chỉ có mỗi chuyến khách đi núi Cấm, và trước khi sang Cảng Cá đã ghé cổng ngõ ca đoàn trong chốc lát, còn bao nhiêu thời giờ khác thì  cho ngựa kéo xe không trên con đường nối phía đông và phía tây thành phố như thể để tiêu tốn cho hết thời gian trong đời mình, và, khi ngang qua cổng ngõ ca đoàn, lúc nào tôi cũng nhìn thấy ông cho ngựa chạy chậm lại để có thể nhìn ngắm dãy biệt thự cổ kính dành cho những nhà thông thái và học viên ca đoàn, tôi đã để ý thấy ông nhìn vào cái ca đoàn từng là chốn dung thân của nàng với vẻ lo âu, nếu không nói là có vẻ rất day dứt, rất buồn bã, hay là ông đang đi tìm điều gì, tôi hỏi, người đánh xe đăm mắt về nơi từ đó ông đã ra đi, không biết đã mất hay vẫn còn những thứ tôi đang đi tìm, ông nói, thở dài, sau đó là chúng tôi lại gầy được một cuộc trò chuyện khác, cũng không kém rôm rả như cuộc trò chuyện trước đó một chút, ông già gác cổng vào trong một lúc khi trở ra mang theo cả chàng trai trẻ học viên đã trò chuyện với tôi trước đó, chàng trai  như là kẻ đồng điệu của ông, tôi phục ở hành lang giảng đường một chặp thì giải cứu được cậu ta khỏi cuộc vây hãm của những lời lẽ như gấm như hoa đương tuôn ra từ niềm cảm hứng của nhà thông thái lúc nãy đã giảng cho chú về bổn phận công dân, ông già gác cổng nói với tôi về cuộc giải cứu anh bạn trẻ đồng điệu của ông, người đánh xe cười hô hô, kiểu cười như thể để tặng cho ông già gác cổng lúc nào cũng giữ thứ điệu bộ đi đứng của một ông lão nhà quê [chân tay thì có vẻ như đang thừa ra, không biết để vào đâu, cái kiểu vẫn quen đi đứng trên thứ mặt đất chẳng bằng phẳng chút nào ở quê] thì cứ coi như bác vừa cứu vớt được tôi từ cơn lũ đương đại, chàng trai trẻ học viên nói như thể để tỏ lòng biết ơn ông già gác cổng một lần nữa đã giúp cậu ta thoát khỏi cảnh ngày nào cũng phải ngồi ngóng cổ nghe giảng thuyết, giống như có thứ duyên nợ trần gian nào đó, một lần nữa, cũng ngẫu nhiên như trước đó một chút, ông già gác cổng, người đánh xe ngựa, chàng trai trẻ học viên, và tôi, lại ngồi lại với nhau, rồi chúng tôi lại chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu từ cái ca đoàn mắc dịch lúc nào cũng giảng thuyết với giảng thuyết, hay bắt đầu từ tiếng ve buồn bã trên hàng keo dọc bờ rào ca đoàn,  hay bắt đầu từ tiếng biển như có quá nhiều cung bậc, rồi con ngựa đang kéo chiếc xe không đứng ở bên ngoài cổng ngõ ca đoàn bỗng dậm chân, hí lên, có thể là cảm thấy khó chịu khi phải đứng yên một chỗ, con ngựa đã tỏ thái độ bất ưng với chủ, này, ta nói cho mi biết, đây là cuộc gặp gỡ thế kỷ của những con người đang sống trong một thế kỷ mà ngày nào mi cũng mang ta đi trên con đường ngang qua thế kỷ, người đánh xe ngựa bỗng nói to, coi như là mở đầu cho cuộc chuyện trò của chúng tôi, tôi thấy ông già gác cổng rung đùi vẻ đắc ý, còn chàng trai học viên thì chúm chím cười đầy hàm ý, buổi sáng mùa xuân, tôi và những người bạn ngẫu nhiên cùng ngồi trên chiếc ghế đá đặt ở bên trong cổng ngõ ca đoàn, nơi những tháng năm trước đó tôi đã nhìn thấy nàng ngã xuống một cách đau thương, nàng đã ngã xuống ở bên ngoài một vở kịch được chuyển thể từ cái bi quan sang lạc quan, một tín hiệu về một cuộc thất lạc [mà bấy giờ tôi đâu biết] buổi sáng mùa xuân như một thứ thông điệp chẳng biết có gửi đi được không, thứ thông điệp làm bằng trò chuyện giữa những kẻ cũng chỉ vừa quen biết nhau, tôi nói, ông già gác cổng nói, người đánh xe ngựa nói, chàng trai học viên nói, bao nhiêu là thứ chuyện trên đời, có khi là tranh luận nhau, có khi là đồng tình nhau, có khi là lặng lẽ nhìn nhau, có vẻ gì như có một chút gì như kịch tính trong cuộc chuyện trò,

ÔNG GIÀ GÁC CỔNG [vẫn còn rung đùi, đắc ý, biển có vẻ lặng hơn, dường có con tàu nào đó rời bến, tiếng còi tàu vang lên ẩm ướt, lũ ve chợt im như để nghe ông lão nhà quê nói] thằng cháu nội của tôi nó làm như thành phố đang nuốt mất ông nó, lần nào gửi thư cũng căn dặn ông nhớ phải về quê thăm cháu đấy nhé
CHÀNG TRAI HỌC VIÊN [có vẻ muốn cười mà không dám cười] thành phố nuốt bác, hay là bác nuốt thành phố
NGƯỜI ĐÁNH XE [như vẫn còn nuôi dòng máu diễn thuyết trong người,  chợt đứng lên, khoa tay, nói] nuốt là một từ ngữ mang tính triết học chỉ dành riêng cho loài người, như khi nói nước lớn nuốt nước nhỏ, hay chế độ toàn trị nuốt quyền tự do của con người [nói xong lời đó, ông lại ngồi xuống ghế đá, trầm ngâm]

ÔNG GIÀ GÁC CỔNG [như có vẻ lạc điệu trong mạch chuyện trò] nhưng buổi sáng sớm mai, trên cánh đồng làng, lũ cò mới từ phía tây lại có được lội trên ruộng đồng để kiếm con tôm con cá theo sắc lệnh mới của con người hay không

TÔI [có thể hiểu ông già muốn nói ra điều gì, nhưng cứ hỏi thử cho chắc ăn] có phải bác muốn nói đến thứ sắc lệnh những người đi chân đất đề xướng

ÔNG GIÀ GÁC CỔNG [để lộ sự hồ nghi nơi ánh mắt] có thể là đám mây đen còn sót lại trong đêm kéo qua bầu trời trên đồng làng khiến lũ cò lo lắng

NGƯỜI ĐÁNH XE [giọng buồn] có nghĩa là lũ cò phải chờ
ÔNG GIÀ GÁC CỔNG [tiếp lời người đánh xe] vâng, phải chờ
NGƯỜI ĐÁNH XE [giọng vẫn buồn] tồn sinh vẫn là một cuộc đợi chờ, mãi mãi là một cuộc đợi chờ, nhưng tôi thì không còn đủ kiên nhẫn

TÔI [cố nhìn thử  vào chỗ tâm trạng phức tạp của người đánh xe] nhưng liệu ông có nhìn thấy những thứ ông muốn đi tìm

NGƯỜI ĐÁNH XE [giọng vẫn buồn] một hôm người ta nhìn thấy ở phía cuối chân trời hình thù của một ngày, có kẻ gánh định mệnh bước giữa phù vân, lũ trẻ nít bị mê hoặc bỡi màu sắc lạ, những phụ nữ cố lắng nghe những xao động trong lòng, những ông bà già thì thấy thanh thản trong nghĩ ngợi

CHÀNG TRAI HỌC VIÊN [vẫn coi mình là đồng điệu với ông gìa gác cổng, là đang chờ đợi, và giờ đây cố tỏ ra là đồng điệu với người đánh xe, có nghĩa muốn thổ lộ với mọi người rằng mình cũng đang đi tìm] và trong lúc đó thì các chàng trai thấy háo hức trong các dự tính của mình [cậu ta nói xong lời đó thì có vẻ ngượng ngùng]

TÔI [lại cố nhìn thử vào chỗ ước mơ của chàng trai trẻ học viên, và như thể nói riêng với cậu ta] như thế thì mọi người đều phải dịch chuyển như một trò chơi định mệnh

CHÀNG TRAI HỌC VIÊN [lộ vẻ hoang mang] nhưng đó có phải là hình thù của một ngày hay không

TÔI [cảm thấy không vui vì phải nói ra điều lẽ ra  không nên nói ra với một kẻ đang mắc kẹt giữa cơn lũ đương đại] vâng, đó là hình thù của một ngày, những người đã chết gọi là sự trống rổng, những người đang chết, tức những người còn thở và đang đi lại trên mặt đất, thì gọi là trò chơi định mệnh

NGƯỜI ĐÁNH XE [có vẻ như đang rơi  vào một thứ hoài niệm nào đó] đó là một dòng sông đang chảy, và vẫn còn nguyên những người qua lại trên sông, tất cả vẫn còn nguyên, con người là khách qua lại trên sông, vẫn còn gặp nhau, chào hỏi nhau

TÔI [có hơi bất ngờ trước cách nói năng của người đánh xe ngựa] nhưng là ông có chắc thế hay không

NGƯỜI ĐÁNH XE [lắc đầu] tôi cũng không biết nữa

CHÀNG TRAI HỌC VIÊN [cũng lắc đầu] tôi cũng không biết mình có còn đủ sức trốn khỏi các cuộc giảng thuyết hay không

ÔNG GIÀ GÁC CỔNG [cũng lắc đầu] tôi cũng không biết có chờ được cho đến khi con chó của thằng cháu tôi biết nhảy dây hay không

                            
                 tiếng ve trên hàng keo như đang được thu lại trong
                 một không gian nhỏ hơn, nhưng nghe chói chang hơn,
                 mặt trời đã lên cao lắm, cũng gần trưa rồi, lời giảng thuyết

                 của một nhà thông thái nào đó như đang được cô đặc lại
                 theo một công thức đương đại nào đó, nghe nặng hơn,  

                chật hơn, bất giác như có tiếng cựa mình của biển, không
                 phải, có gió thổi mạnh, và sóng lớn đó

 

NGƯỜI ĐÁNH XE [bất giác tỏ vẻ lo lắng] tôi vừa nghe  như có ai đó gọi tên tôi [giọng ông chùng xuống]

TÔI [nói nửa đùa nửa thật trước vẻ lo lắng của một kẻ như chẳng còn biết sợ trời sợ đất là gì] hay là người ta đang gọi ông ra hầu tòa về tội bỏ ca đoàn mà đi
NGƯỜI ĐÁNH XE [cau mày, nói] văn hiến, và tro tàn, con chim mỏi cánh bay trên xứ sở mấy nghìn năm

TÔI [nói như để cho người đánh xe nói ra những nghĩ ngợi thầm kín của mình] có thể là con chim giả vờ thôi, chứ đâu đã mỏi cánh

CHÀNG TRAI HỌC VIÊN [chợt đứng lên, vẻ sợ hãi] tôi phải về thôi [cậu ta nói, và cắm cổ chạy vào trong]

NGƯỜI ĐÁNH XE [cũng đứng lên] tôi cũng phải đi ngay bây giờ thôi
ÔNG GIÀ GÁC CỔNG [cũng đứng lên] nhưng tôi thì phải chờ cho đến khi con chó của thằng cháu tôi biết nhảy dây
TÔI [nhìn thấy con ngựa chòm lên, nên kêu to] kìa, con ngựa…

 

                 nhưng chẳng còn kịp, con ngựa đã kéo chiếc xe không
                 chạy về hướng núi Cấm, có con tàu nào đang cập cảng,

                 tiếng còi tàu ngân lên ẩm ướt, lũ ve trên hàng keo dọc
                 bờ rào ca đoàn vẫn ra rả, tiếng giảng thuyết của một nhà

                 thông thái nào đó vẫn ra rả, người đánh xe, ông già gác
                cổng, và tôi, cả ba chúng tôi cắm đầu cắm cổ đuổi theo

                con ngựa với chiếc xe đến hụt cả hơi

 

 

 

chẳng lẽ người đánh xe ngựa chở tôi lên núi Cấm là để bịa ra câu chuyện ấy, ba chúng tôi đã chạy gần hụt hơi mới đuổi kịp con ngựa ngỗ nghịch, giờ chúng ta phải dạo chơi một lát để bù lại sự gian khổ vừa rồi, người đánh xe đề nghị cả ba người chúng tôi cùng lên  núi Cấm, nhưng ông già gác cổng bảo ông không thể bỏ công việc coi cổng ngõ ca đoàn, buổi sáng mùa xuân, đứng nơi sườn đồi ngọn núi đá, biển và thành phồ chim én trải ra trước mặt, quá khứ như đang trải ra trước mặt, tôi lại thấy nhớ nàng, da diết, đứng nơi ngọn núi đá nhìn thấy thành phố chim én như đang thu nhỏ lại theo dòng nghĩ ngợi của mình, tôi thấy cái nóc nhà thờ nhọn hoắc ở chỗ đầu con hẻm đang lặng lẽ chỏ lên trời và chẳng hề hay biết là tôi đang đứng ở chỗ thật cao đề nhìn nó, không phải, là để nhìn lại trong ký ức tôi những dấu tích về nàng, nỗi sợ hãi nào đã khiến em phải bỏ tôi mà đi, khiến em  phải từ bỏ một cuộc tình với em là không có gì thay thế được, một sự tự biệt tích tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới, ông đang nghĩ gì vậy, người đánh xe hỏi, tôi phải nói dối là mình đang nghĩ về vẻ đẹp khác thường của ngọn núi đá, vào những năm tháng của cuối thế kỷ mười tám, ông chưa biết hết đâu, chuyện của núi này, một pho cổ lục, người đánh xe bất chợt nói về núi Cấm theo cách biểu tượng hóa một sự vật khiến tôi thấy hơi bất ngờ, một pho cổ lục, tôi buột kêu, người đánh xe ra hiệu cho tôi ngồi xuống bệ đá trước mặt có vẻ giống như một chiếc giường trời ai đó đã đem đặt ở chỗ lưng chừng núi cho những người leo núi nghỉ chân, không phải tạo hóa dành cho tôi và ông  đâu, người đánh xe ngựa bảo khi chúng tôi đã an tọa trên đó, tôi ngồi lên cái giường trời và cứ thấy đương không mình trở nên sang trọng giữa trời đất, ngày ấy, ông biết không, đám người được sử văn gọi là những người làm nên lịch sử đã ngồi ở hòn đá này để làm nên khúc lịch sử ấy, cách nói của người đánh xe như có sức đánh động [một cách mãnh liệt] nghĩ ngợi của kẻ khác khiến tôi phải khổ sở nghĩ ngợi coi thử những con người làm nên khúc lịch sử ấy là ai, và khúc lịch sử ấy là khúc lịch sử nào, ông biết không, vào khoảng những năm 1771 đến 1776, hồi cuối thế kỷ mười tám, suốt thời gian chuẩn bị gây nghiệp vương của mình, Tây Sơn đã cấm người lui tới núi này để làm bản doanh quân sự để tiến đánh các thành trì của chúa Nguyễn vùng lân cận thành phố chim én, núi bắt đầu được gọi là núi Cấm từ đó, sau khi chúa Trịnh chiếm Phú Xuân, đuổi đánh chúa Nguyễn chạy vào nam, thì đây lại là chốn phục binh của Tây Sơn để chặn đánh quân chúa  Trịnh đang trên đường tiến vào nam, người đánh xe đã thực sự bước vào câu chuyện kể, giọng ông đầy phấn khích, đến lúc ấy tôi cứ nghĩ, không phải ông muốn đưa chúng tôi lên núi Cấm để dạo chơi, mà là để nghe ông kể một câu chuyện, thực tình là tôi chưa đọc thấy ở đâu, chuyện đánh nhau, thành bại, thật, hay chưa thật, sử đã chép hết rồi, người đánh xe nhìn vào mắt tôi, nói, như thể để cho tôi biết là ông sắp nói ra điều hệ trọng, con người thì không còn dám bén mảng đến ngọn núi vốn là nơi đốn củi đốt than kiếm sống, rồi muông thú sợ gươm đao của con người cũng dần dà bỏ đi hết, rồi vào khoảng những năm 1792 đến 1799, hồi cuối thế kỷ mười tám, chúa Nguyễn Ánh ba lần ra thành phố chim én để đánh Tây Sơn bấy giờ đã xưng vương và đặt đế đô ở thành Đồ Bàn cũ của người Chiêm ở phía tây thành phố chim én, ba lần ra đánh Tây Sơn là ba lần chiếm núi làm bản doanh quân sự và ba lần cấm núi, máu đổ cũng nhiều, đến lần cấm núi thứ ba thì ông người Pháp cố vấn quân sự cho chúa Nguyễn Ánh tử trận , máu me đầy người, chuyện ấy sử  đã ghi, ở đây chỉ nói đến việc lũ chim chóc và muông thú ở trên núi thấy những người đến chiếm núi bàn tay vấy nhiều máu thì sợ, đến lần cấm núi lần thứ ba này thì chim muông bỏ đi hết, không còn có con người đến đốn củi đốt than, không còn có tiếng chân và tiếng hót lũ chim lũ thú, núi buồn, rừng cây úa lá, rốt cuộc thì chết hết, núi chỉ còn là một ngọn núi đá trơ trụi, hơn hai trăm năm qua, những người biết chuyện của núi, ít lắm, chỉ giữ kín trong lòng, người không biết chuyện của núi thì nhiều, những người không biết chuyện của núi cứ tưởng ngọn núi đá trơ trụi này là tác phẩm của tạo hóa, đâu biết núi chết là do con người, tôi có cảm tưởng như người đánh xe đã cố bịa ra một câu chuyện cảm động về núi để thể hiện cái cách nhìn thế giới có vẻ khắc nghiệt của ông, hay là ông muốn chêm vào sử sách một chút nước mắt và một chút máu của con người trong cuộc dịch chuyển lầm than, khốn khổ, tôi biết giữa những lớp bụi của thời gian vẫn còn lẩn khuất những tên người, nhiều lắm, những kẻ còn biết khóc giữa buổi hoàng hôn nắng đã bỏ đi hết, chim chóc đã bỏ đi hết, câu chuyện núi chết lại chạm vào khoảnh ký ức buồn bã trong tôi

 

 

 

 

tôi không thể đoán đấy là thuộc chốn nào và vào lúc nào, là ngày hay là đêm, không thấy có bầu trời và mặt đất, nhưng thấy có nắng, có phải là nắng không nhỉ, không phải là nắng đổ trên con đường trước nhà tôi vẫn nhìn thấy hằng ngày, có vẻ như một thứ gam màu thuộc màu đen nhưng đã pha loãng đến mức không còn có thể gọi là màu, tốt nhất thì không nên gọi là nắng, bỡi không có bầu trời làm sao thấy nắng, tốt nhất cứ gọi là một phương tiện của hoạt động thị giác, thì cứ tạm gọi là sự-sáng vậy, bất thình lình là tôi nhìn thấy hiện ra giữa thứ sự vật tạm gọi là sự-sáng  một sự vật vô cùng thân thuộc: thằng bạn nối khố của tôi, đến lúc ấy tôi chắc mẩm trong ý thức rằng tôi đã chết, vào buổi ấu thơ, ở quê, tôi với thằng đó, thằng bạn nối khố của tôi, như bóng với hình, đi chăn bò chung, đi tắm mương chung [chỉ có tắm mương, chứ ở quê tôi không có sông để tắm], đi bẩy chim te te chung [vào mùa mưa ở quê tôi có cái thú đi rình, bẩy chim te te], đi hái sim chung, đi trèo ổi chung, và sau cuộc trèo ổi ở vườn nhà ông hương kiểm thì hai đứa tôi vĩnh viễn xa nhau, cuộc trèo ổi ấy như một định mệnh khắc nghiệt, ở làng tôi, ông hương kiểm rất hung dữ, nhưng hôm ấy chờ lúc ông rượt theo cặp bò của ông đang trong mùa giao phối thì hai đứa tôi lẻn vào vườn nhà ông, trèo lên cây ổi, con bò đực thì cỡi lên lưng con bò cái, rồi cứ giữ cái tư thế đó, cả hai cùng chạy từ vườn nhà này sang vườn nhà khác [ở quê tôi, vào thời ấy, các vườn nhà ở trong làng thường là liền kề nhau]  cuộc làm tình của lũ bò lâu đủ để cầm chân ông hương kiểm cho hai đứa tôi hái ổi, việc chết của bạn tôi hồi ấy không phải do ông hương kiểm, mà do nó trượt ngã từ trên cây ổi xuống đất rồi chết, tao đã chết hay là nằm mơ, tôi hét lên khi trông thấy thằng bạn nối khố của tôi đứng ngay trước mặt tôi, nói nằm mơ cũng được, nói chết cũng được, nó nói, rồi hai đứa tôi ôm chầm nhau, thật buồn cười, trong khi tôi là một kẻ đã trưởng thành, cuộc sống thường gọi là người lớn, thì bạn tôi vẫn còn là một đứa trẻ nít, tôi ôm thằng bạn tôi như một người cha ôm đứa con thân yêu của mình, ở cõi chết không có việc sinh trưởng như ở trần gian, mi biết chưa, nó giải thích cho tôi hiểu về việc mấy mươi năm nó vẫn là đứa trẻ nít như hồi ấy, cho đến lúc ấy tôi đã chuyển được nỗi sợ [chết] sang niềm vui, dẫu gì thì ở nơi đây, là cõi chết, tôi cũng đã có thằng bạn chí thiết của tôi, từ phút ấy tôi bắt đầu làm quen với thứ khái niệm trần gian cho là sự kết thúc của mọi sự, ta chết không phải vì tội trộm ổi, sự ngỗ nghịch của trẻ thơ thuộc vẻ đẹp vĩnh hằng, nên cái chết của ta như một cách làm ra vẻ đẹp, thằng bạn nối khố của tôi giảng giải về cái chết của nó, ta có công làm ra vẻ đẹp vĩnh hằng nên được giao cho công việc xem xét lại mọi cái chết, đây là chỗ ranh giới giữa sống và chết, mi biết chưa, thay vì mày/ tao, tôi và thằng bạn nối khố của tôi mi/ta với nhau, có nghĩa mi là kẻ quyết định cuối cùng là chết hay không chết, tôi hỏi, thằng bạn nối khố của tôi nhìn tôi cười vui vẻ: phải, nhưng không phải như ở trần gian đâu nhé, ở đây mọi thứ đều là sự thật, chết hay không chết đều là sự thật, thằng bạn nối khố của tôi nói, như vậy là tôi lập tức dẹp bỏ ý định nhờ vả nó giúp tôi khỏi chết, ở đây mọi thứ đều là sự thật,  tôi lại thấy mình đang chuyển sang một niềm tự hào to lớn: cái chết của tôi là một sự thật, suốt bao năm qua ta đã chờ mi, tình bạn chúng ta nó là sự thật, và tình yêu mi dành cho người con gái ấy cũng là sự thật, thằng bạn tôi bất ngờ nói về chuyện tình yêu của tôi, tôi cứ thấy băn khoăn lo sợ trong lòng, bỡi câu chuyện tình của tôi đã thấu đến cõi chết, nhưng làm sao mi biết chuyện đó, tôi hỏi như để thăm dò chuyện tôi và nàng đã gây tai tiếng đến mức nào ở cõi chết, ở nơi đây, tình yêu còn lớn hơn và thật hơn ở trần gian, mi biết không, thằng bạn nối khố của tôi nói, và bắt đầu nghiêm mặt với tôi, rốt cuộc thì hắn xử sự thế nào với ta nhỉ, tôi nghĩ, và cảm thấy rất bối rối, dường có tiếng nước chảy ở đâu đó, tôi nhìn thử, thấy từ xa có con sông linh láng nước, dòng sông đen ngầu đang cuồn cuộn chảy, có con đò ở trên sông, và có nhiều người đang sang sông, chặn đường cuối của cảnh chết đó, qua phía bên kia sông là hết, cái chết ở đây nó là sự thật, thằng bạn tôi lại giảng giải cho tôi hiểu về dòng sông đang cuộn chảy, rồi lại quay lại chuyện tình yêu của tôi: ta biết là mi đã yêu nàng bằng cả tim óc của mi, và mi đã chết vì kiệt sức trong tình yêu của mi, khi mi yêu nàng, mọi thứ không phải là nàng đều là sai lầm hết, ta biết trong khi mi đi tìm nàng và viết về nàng thì hết thảy các thứ văn chương, triết học, kinh tế, xã hội, chính trị, tôn giáo …đều ập đổ trong mi, cái cuộc văn hóa trên mặt đất mà mi đã sinh ra trong đó đã đổ ập trong ý thức của mi, bây giờ, ta biết, đối với mi chỉ còn mỗi thứ sự thật là tình yêu mi dành cho người con gái ấy, một thứ thần học mới đang tồn tại trong ý thức mi, ta phải để cho mi sống để có thể tiếp tục cuộc đuổi bắt cuộc tình mi đang đeo đuổi, thằng bạn tôi nói đến đó thì mất hút vào thứ sự vật tạm gọi là sự-sáng

 

 

 

vào cái buổi sáng mùa xuân, đứng ở nơi núi Cấm nhìn biển nhìn trời và cứ thấy nhớ nàng ghê gớm, lần đầu tiên tôi đã thổ lộ với một người, ông bạn đánh xe ngựa vừa mới quen, về cái chết, hay là giấc mơ có vẻ kỳ dị, của tôi

 

giã
tháng 12.2017
tháng 4. 2018