Giấc mơ cố thổ

giờ đây, sự thống nhất bầy đàn chỉ còn là những ký ức đẹp trong tâm trí người làng tôi, tính thống nhất không còn chịu đựng nổi trước sự tàn phá của một khúc sử như tai nạn lịch sử ập lên đầu cư dân của một miền đất vẫn quen sống trong sự nhất trí về cách nhìn thế giới, tôi cứ thấy nhớ cái mõ làng và cỗ làng, tuổi thơ tôi như thể sự chạm khắc tài ba và bền chắc của toàn thể những động thái thuộc cuộc chuyển động sinh tồn của một ngôi làng, và thời gian thì như vừa nuôi dưỡng vừa hủy hoại những thứ nó đã tạo ra được, cứ giống cuộc tập dợt sự hiểu biết của tuổi thơ, cha tôi đã bắt tôi vừa đi học [ở trường làng] vừa phải tham gia tất cả những công việc một người cày ruộng phải làm, buổi sáng tháng tám đẹp như chuyện cổ tích, tôi nhớ vậy, cắp chiếc roi mây sau đít, tôi thủng thỉnh lùa mấy con bò cày nhà tôi ra gò ao, cái mảnh đất bỗng nhiên được nâng cao lên ở phía tây làng tôi, sỏi sạn nhiều hơn đất, như chỉ dành cho các loài cây thuộc hệ rừng mọc trài: ổi tàu, chim chim, dú dẻ, mà ca…và các thứ cỏ chỉ dừng lại ở màu vàng khô, thứ lương thực bất đắc dĩ của lũ bò làng tôi, buổi sáng ấy như mọi bữa, lũ bò nhà tôi vẫn gặm thứ cỏ như sắp khô cháy ở gò ao còn tôi thì ngồi nghĩ về những cuộc tôi chất vấn cha tôi về cái gò đất như trời đất đã lỡ sinh ra, có thấy cái ao nào đâu sao lại gọi gò ao, cũng đến cả mấy chục lần tôi chất vấn cha tôi về sự vô lý ấy khiến cha tôi phải nổi nóng với tôi: bắt con người ta phải hiểu hết mọi chuyện của trời đất thì chỉ có nước chết thôi, tôi đang ngồi cười thầm về sự nổi nóng của cha tôi thì nghe mõ làng tôi gióng lên hồi một, thong thả và dịu dàng, nếu mõ làng gióng ba gấp gáp là làng có chuyện không hay, nhưng gióng lên hồi một thong thả và dịu dàng là chuyện đại hỷ, tiếng mõ làng tôi cứ như tiếng gọi nhau ơi ới lúc hoạn nạn cũng như lúc mừng vui bỡi cái mõ làng là làm bằng gốc tre khô đục cho rổng đi ở bên trong khi dùng cái dùi cũng bằng tre gõ lên kẽ khe thông với độ rổng bên trong thì cứ vang lên thứ âm thanh tôi dịch ra cho hợp với lẽ trời là tiếng gọi nhau ơi ới, ra đình làng thôi lũ bay, đám chăn bò lũ tôi nghe mõ làng gióng hồi một thì rống lên, rồi mạnh đứa nào nấy rượt bò của mình trở về chuồng, bị thúc ép bất ngờ lũ bò làng tôi con nào cũng giỏng đuôi lên mà chạy, những thứ như thế đã cô đặc lại trong trí nhớ tôi, và chính là bác Bảy Bính buổi sáng ấy đã khắc thêm vào chỗ trí nhớ ấy một nét hải hồ [tôi cứ thấy nhớ một sáng thu nhạt nắng một tiếng vỗ về…] quả thằng Đàn thằng con của ông Cửu Cứ đây rồi, đấy là lời của bác Bảy Bính trong buổi sáng ấy như sự xác nhận một sự thật chẳng cần xác nhận, thì ra bác ấy đã uống tự lúc nghe mõ làng gióng lên hồi một, chú Sáu Liệu với chú Hai Ngộ khiên con heo rừng bị sập bẩy hầm [trong đêm] về tới đình làng thì liền gióng mõ làng lên, và ngay sau khi mõ làng gióng lên lần đầu thì bác Bảy Bính đã rót rượu uống một mình rồi cắp nách hai chai rượu đến kéo cha tôi ra đình làng [ cha tôi sa vào cuộc chưng cất rượu là chuyện mãi về sau này] mày nhốt bò rồi sao Đàn, cha tôi hỏi tôi, hình như ông cũng đang ngà say, tôi im, đi thẳng ra phía sau đình làng, nơi người làng đang mổ con heo rừng sập bẩy hầm của chú Sáu Liệu trê n núi Tượng, người làng tôi gọi những thứ như thế là của trời cho [có thể là một mùa trái gắm chín đầy rừng, hay một con mang hay một con thỏ ai đó săn được trên rừng núi Tượng] của trời cho ít thì làm tiệc nhỏ, của trời cho nhiều thì làm tiệc lớn, nó là cỗ làng, có thể người chép sử không ghi những thứ đó vào sử sách, nhưng những thứ như thế cứ lấp lánh mãi trong trí nhớ tôi, những giọt nước mắt đã chảy ra, vì khói bếp đun thịt heo rừng, hay vì khi xắt thịt heo làm đứt tay, hay do uống quá nhiều rượu, nhưng nó là những giọt nước mắt vui của sử lịch, nơi chiếu bọn trẻ chúng tôi chỉ toàn những thứ chuyện không đầu không cuối, đang nói về chuyện tại sao con heo rừng không có sừng như con nai, thì nhảy sang cãi nhau về chuyện con bò thằng Bỗ con chú Sáu Liệu đẻ một lần tới hai con nghé [đứa bảo là do chú Sáu Liệu thích thế, đứa nói là do con bò cái đã ăn quá nhiều cỏ khô] ở chiếu người lớn dường những thứ bọn họ đang trò chuyện nhau đối với bọn trẻ chúng tôi là thuộc lĩnh vực siêu hình, bỗng chú Năm Trử tôi bảo rằng ông Thông Thống, ông tổ của người làng tôi là đến từ phía bên kia núi Tượng, nơi đó con người có trái tim lớn hơn con mắt, và chú Hai Ngộ, ít oi thế, nhưng khi có người cùng làng cùng ngồi với nhau uống chén rượu cũng nói ra được những nghĩa lý của cuộc đời, chú bảo chú nằm mơ thấy cha của chú ấy về bảo ngày xửa ngày xưa hạt lúa không có vỏ, nhưng khi thấy con người làm ra quần áo để mặc, hạt lúa cũng thấy xấu hổ liền có vỏ, hay cỗ làng là chốn để con người biết mình từ đâu đến,