Đó là lời dân Chaldee  khóc  đất nước mình

 

Valérie Hadida/ French sculptor

 

 

vào lúc ta đang bị thúc ép bỡi một thứ thế lực tồi tệ, nàng đã đến cứu ta, em, vũ nữ ngực trần nghìn năm nương theo cố xứ, nàng  khóc, nói,  nước mắt nhỏ lên trí tuệ của ta, thì ta cũng đang nương theo cố xứ đây, ta nói, trong niềm xúc động, chẳng phải bình thường, mà như toàn thể tri thức của một  kẻ cô độc đang trổi dậy giữa một nền văn minh đã tắt, apsara…apsara…ta cứ gào lên trong nghĩ ngợi như vậy, như thể  để cho thứ vũ khúc kỳ bí của một dân tộc kỳ bí phủ bóng lên toàn thể những ngõ ngách trần gian

 

chùng xuống những cơn địa chấn
ai vớt vầng trăng xứ sở rải lên những ngọn triều yêu dấu
lan xa khúc hát
đất, nước, khí, lửa,  và những câu chuyện
con sóc lần dò qua thế kỷ
em
cuộc hẹn

đấy là bi khúc ta đã nghĩ ra được sau khi đọc được một bi ký  kỳ hồ của cuộc kỳ hồ khí phách của một giống dân ta cứ thấy bất lực trong diễn đạt lòng tôn  kính, chẳng phải  thở than về một cuộc suy vong như cách  nghĩ, cách nói, hay cách viết, của rất nhiều  những kẻ nhìn ngắm từ xa,  không bao giờ ta nghĩ vậy, những chuyện đó, tất cả,  chỉ là thể nghiệm của lịch sự, thể nghiệm về những cách thức của tồn tại, hiện hữu là niềm thống khổ, thống khổ chứ không phải suy vong, đêm hôm đó, đêm tháng tám, mùa thu, yên tĩnh như có thể nghe thấy được bước chân sáng thế, nơi đất cũ Vijaya, buồn, và đầy ắp những chiêm nghiệm, những hoài niệm,  ta và  đám vũ nữ  của vua  uống rượu hoa vả, loài hoa của hào sảng, và của bất khuất, ngất ngưởng say, cứ thấy như thể thế giới  vụn ra thành những cơ đồ, mơ mòng,  kỳ bí, hãy thôi đi thói giáo gươm, quân tàn nhẫn, mi lung lạc đến cả cái chết của loài sinh vật nhỏ nhất thế gian, mi làm u tối đến cả một góc khuất trần gian, như nhà sáng chế lịch sử, ta cứ nói ra với ta những lời khí phách, và vô cùng tha thiết, cho đến lúc nghe thấy tiếng trống từ chốn kinh thành cũ, từ đế đô Vijaya vọng lại, thì ta cứ thấy nhớ  ông vua cũ, nhớ vô cùng…bằng an cho Sri Vijaya Yangkupu của miền thống khổ… bằng an cho Sri Vijaya Yangkupu ở trên trời, ta chúc phúc cho ông vua  trụ lại nơi  xứ sở Vijaya, là Vijaya, hay Đồ Bàn, hay Chà Bàn, hay Phật Thệ, có gọi cách nào  cũng chỉ còn là những âm vọng một thời, lũ chúng em, một lũ người còn sót sau cuộc lưu ly  vẫn  ngực trần nhảy múa  trên chốn nghìn năm trống không, ta nghe đám nữ tì của thần Indra, đám vũ nữ của ông vua cũ cất cao tiếng hát, bọn họ đã kéo ta vào vùng nhã nhạc, cung đình trộn với rượu vả, mùi đắng  sử lịch chìm trong mông lung thế sự, ta nhảy cùng các cô gái đất cũ Viyaya, không phải, là nhảy cùng với các nữ thần Apsara  vợ của những nam thần nhạc công  Gandharva của những xứ sở thần tiên, các nàng là khuấy lên từ sữa các đại dương, hương thơm của những biển, và hương nồng của những đất, ta nhảy cùng các nữ thần apsara, nhưng  đầu óc cứ  ăm ắp  hình bóng  một giang sơn chưa xong giấc mơ, trải dài một dãi từ nơi  tiếng gà Bố Chính Địa Lý Ma Linh cho đến tận chốn có tiếng kèn Panduranga, ta cũng chỉ nhớ mang máng thế, sóng trường đình lớn lắm, có ngọn cao đến mấy trăm năm, mấy nghìn năm, phủ lên ký ức, Lâm Ấp, Hoàn Vương, rồi Chiêm Thành…những tên đất, trong men rượu vả, nghe rất cũ, và rất không cũ, lũ chúng em chỉ là những biểu tượng của  cuộc tồn sinh, ẩn hiện giữa phù vân, các vũ nữ của vua nói,  rồi xòe những ngón tay, dịu dàng trỏ lên trời, và trỏ về phía mặt trời mọc, uyển khúc, những biểu hiệu của mất, hay còn, trong nhận thức, ta không bao giờ nghĩ đó là suy vong, hay diệt vong, nhưng rượu vả, hay là nhan sắc đã quá cũ của các nữ thần apsara khiến cho ta cảm thấy rất buồn , cứ nghe  dội lên trí nhớ bài ai ca khóc Babylon.

 

Hỡi trinh nữ, con gái Babylon, xuống đi, ngồi trên cát bụi ,
hỡi con gái Chaldee , ngồi phệt xuống đất, không ngai không bệ,
vì người ta sẽ không bao giờ gọi ngươi
là cô gái yêu kiều đài các nữa. 
 

Hỡi con gái Chaldee, hãy ngồi lặng lẽ, lùi vào bóng tối,
vì thiên hạ sẽ không bao giờ gọi ngươi
là nữ hoàng muôn nước nữa.
 

đó là lời dân Chaldee  khóc  đất nước mình chép ở trong sách Isaiad chương 47  đoạn 1 và  đoạn 5

 [trong Ở phía đông tôi]