Đất Bung


Gus Fink /Mỹ

 

 

 

tôi trở lại đất Bung sau những ngày tháng do dự trước những tin tức chẳng mấy tốt lành, rằng, từ những niềm vui người ta mang lại ấy, miền đất ấy giờ đã biến thành cõi hoang vu, dị dạng, chính là những tin tức như vậy, trong một thời gian dài, đã làm đứt quãng mối tương quan vốn tốt đẹp giữa đất Bung với mọi miền đất nước, người ta không còn muốn đến đó nữa, hoặc vì sợ hãi mà không còn dám đến đó nữa, giờ thì trong ký ức tôi không còn đất Bung ngày ấy, nơi ông nghè Huân đã làm ra những thi ca diễm lệ, giờ thì ông nghè Huân người đã giải mã giúp tôi câu thơ cổ ‘‘quen nhau đến bạc đầu mà còn rút gươm ngờ nhau’’ đã thành một đứa trẻ thơ không hơn không kém, bác đến chơi cháu lấy làm hân hạnh lắm, trời đất ơi, tôi cứ thấy trời đang sập xuống khi nghe ông nghè Huân gọi tôi bằng bác, ông già thông tuệ ấy giờ ăn nói hoàn toàn trái ngược với lần tôi đến cầu cứu ông chuyện thi ca, lần ấy ông nghè Huân xưng bác với tôi, và gọi tôi bằng cháu, một cũng bác cháu ta, hai cũng bác cháu ta, tôi gần như sắp quị xuống, song, vẫn rán  bình tĩnh để xem xét một tình huống vượt quá sức tưởng tượng của mình, nghe trong thứ ngôn ngữ trẻ thơ của ông nghè Huân vẫn còn phảng phất chất hàn lâm lịch lãm thuở nào tôi cứ ngơ  ngẫn  như thể là đang rơi vào một giấc mơ hiểm nguy nào đó [thấy mình đang chết, hoặc đang sắp sửa chết] thưa, bác chớ đùa với cháu thế, tôi thưa nói với ông nghè Huân với lòng thành kính thuở nào, và cảm thấy hòan toàn thất vọng, nếu không nói là sợ hãi, bỡi lúc bấy giờ  ông nghè Huân hoàn toàn là một đứa trẻ thơ ngây dễ bảo, bác ngồi chơi, cháu đi đun nước pha trà , ông nghè Huân nói , và đi xuống bếp, những ngày tháng đất Bung rơi vào niềm vui chưa từng như tin tức loan truyền là những ngày tháng nào, tôi có cảm tưởng mối hiểm nguy nào đó vẫn còn giăng mắc đâu đó, bữa cơm khách cũng đường hoàng như lần tôi đến cầu  cứu ông nghè Huân chuyện thi ca, nhưng không khí giữa chủ và khách là hoàn toàn khác trước, bác ăn thiệt tình nhé, nếu bác thích nghe diễn thuyết thì cứ ở lại nhà cháu, diễn thuyết nghe mê lắm,  là ông nghè Huân nói đến những buổi diễn thuyết đã diễn ra  ở đất Bung như tin tức đã loan truyền, phải đấy, bác cứ ở lại đây để đi nghe diễn thuyết, bà nghè Huân cũng nói, đêm nào  lũ cháu cũng học hát, mấy ông lớn ở kinh đã về làng dạy cho lũ cháu hát…’’ có một mặt trời đi ngang qua trái tim tôi’’, người con trai chưa vợ chưa con của ông nghè Huân xướng lên hát, còn tôi thì cũng chỉ lặng lẽ gật đầu, chứ còn biết nói thế nào, bỡi tôi cũng không biết giờ thì ông bà nghè Huân có còn biết bọn họ là vợ chồng với nhau hay không, và người con trai chưa vợ chưa con của ông nghè Huân có còn biết mình là con cái trong nhà này hay không, trong bữa cơm ấy, dường như tôi chỉ thấy những đứa trẻ thơ đang vui vẻ ăn uống với nhau, tôi rời khỏi nhà ông nghè Huân trong mối u hoài quá lớn, và như thể gió trưa đang muốn mách bảo tôi điều gì đó, về một thứ áp lực tàn nhẫn nào đó chăng, và thứ nắng của buổi trưa hè chẳng phải là yếu ớt mà như thể đang hàm dưỡng những tình ý sâu xa ẩn mật, như thể nắng cũng muốn thông báo với tôi điều gì đó, ở chỗ này đám trẻ thơ đang chơi nhảy dây, ở chỗ kia, đang chơi trò trốn tìm, và khi trông thấy tôi, thì, vào chơi với lũ cháu đi bác, hoặc, vào chơi với lũ cháu đi chú, bọn họ là những người của đất Bung đấy, giờ thì bọn họ  là những trẻ thơ dễ bảo, trong những ngày ấy người ta đã nói những gì và làm những gì ở đây chứ, tôi thật sự cảm thấy rối rắm, rất rối rằm, tôi đã ra tới đầu làng còn thấy ông nghè Huân hớt hải chạy theo, cháu gửi bác cái này, ông nghè Huân nói, và dúi vào tay tôi mấy quả ổi, tôi cứ đứng lặng người nhìn theo bộ dạng trẻ thơ của ông nghè Huân lúc ông ấy chạy trở về nhà , và chợt nhớ đến câu thơ có tính tiên tri của ông ấy…’’rồi lũ các người sẽ cúi xuống niềm câm lặng’’,