Con ma gió của tuổi thơ tôi

Hình ảnh trích từ https://www.pinterest.com/

 

 

[Cầm giữ] Kẻ thù của Chúa trong Sách Khải Huyền bằng chiếc đuôi của nó, đứa trẻ ngu ngốc! Ô râu ở trên lửa. ngày tận thế của chúng ta xuất hiện đã được phong ấn/[Holding] the Beast of the Apocalypse by its tail, the stupid kid! Oh beards on fire, our doom appeared sealed/CHARLES SIMIC /THE WORLD DOESN’T END/THẾ GIỚI CHƯA KẾT THÚC

 

 

gió với chim, với tuổi thơ tôi, cứ như một cuộc náo động, dai dẳng, và quyến rủ, bỡi, sáng thức ra là tôi đã nhìn thấy gió, khi nhìn thấy những lá gòn cựa quậy trên cây gòn trước ngõ thì chẳng phải là đang có gió thổi là gì, và lũ chim, thì không phải sáng thức dậy mới nhìn thấy chúng, mà lũ chim ấy, tôi nói đấy là một lũ trời sinh, nhiều vô kể, phải nói là chúng tràn ngập trong bao nhiêu giấc ngủ của tôi, đêm, ngủ thấy chim bay trên đầu mình từng bầy  là chuyện bình thường, gió với chim là thứ khách thể vô cùng thân thuộc với thứ chủ thể chẳng ra gì là tôi, nói thế nào nhỉ, về sự thân thuộc của tôi với gió và chim, buổi chiều ra ngồi nơi đồng làng, gió nồm thổi, ngọt lịm, cứ nghe cuộc tuổi thơ nhẹ bổng, làm sao không nhẹ được bỡi tuổi thơ như tờ giấy trắng, giờ con nồm  ngang qua…vậy đấy, một thứ tri thức luận hơi lãng tử một chút, bỡi, khi bàn về chuyện chủ thể/khách thể thì chẳng phải là chuyện nghiêm túc của các nhà triết học, ở đây, khi nói chuyện tương quan giữa tôi với gió và chim, thì chỉ là câu chuyện vui của tuổi thơ, khi đã có vốn liếng kiến thức, và nói về thời tuổi thơ của mình là nói về một khúc trần gian bốn phía ầm ào đá rơi, sóng vỗ, thậm chí, trụ trời sắp gãy, trời sắp đổ, mà tôi thì chẳng hay biết gì, cứ việc hồn nhiên… cứ việc ngồi yên giữa cuộc đời mà nhìn ngắm vẻ đẹp của đất trời, rồi đêm nào tôi cũng ra hiên hè nhà mình ngồi chờ con ma gió đến từ cây sanh của miếu âm hồn của làng, theo truyền thuyết, con ma gió rất hiền và rất thích trò chuyện với trẻ thơ, và chỉ có thể nhìn thấy lúc nó dịch chuyển ở trong gió về đêm, miếu âm hồn của làng tôi nằm ngay giữa làng, miếu làm bằng xi măng, cả vách lẫn mái đều bằng xi măng, và nằm ép mình ở bên dưới cây sanh mấy trăm năm tuổi, theo tôi biết, ngôi miếu thờ đã được làm đi làm lại nhiều lần, nhưng cây sanh vẫn cứ còn nguyên vậy, thậm chí, người ta bảo các vong hồn vô chủ thì nhiều vô kể nên hầu hết đều trú ngụ nơi cây sanh cổ thụ, sống giữa đám vong hồn con người là con ma gió mà theo trí tưởng của tôi là cũng thích nghe chim hót, đêm tháng tư, gió núi Lũng thổi mạnh, tôi lại ra hiên hè ngồi chờ con ma gió, thì ra, nghe nói con ma gió tới mấy nghìn năm tuổi, nhưng trông còn trẻ hơn tôi rất nhiều,
bạn đã chờ ta
con ma gió hỏi
phải, chờ rất lâu
tôi nói
nhưng bạn có thích nghe chim hót hay không
tôi hỏi
có chứ, nhưng ta vừa làm một chuyến đi xa, rất xa, đến tận miền chỉ nghe thấy tiếng cười của trẻ thơ, bỡi chốn ấy không có thứ gọi là thù hận
con ma gió nói
ôi, ngọt ngào làm sao… thì ra, tôi đã không cưỡng được cơn buồn ngủ, gục xuống hiên hè, và thiếp đi, mấy mươi năm sau, đất nước tôi trải qua không biết bao nhiêu biến cố, các triều đại thay nhau thống trị người làng tôi, tháng tư, gió núi Lũng lại thổi về, tôi lại thấy nhớ con ma gió của thời thơ ấu của mình, lại ra hiên hè, ngồi chờ, rồi tôi lại thiếp đi, có con ma đến với tôi, nhưng không phải con ma gió thời thơ ấu của tôi, mà là con ma trưởng làng, ta là Nguyễn Văn Xinh, trưởng làng này, mi hãy dẹp chuyện văn chương đi, chắc là một ngài trưởng làng của một thời đại nào đó đã chết một cách không minh bạch sao đó, và tại sao lại ghét chuyện văn chương thì tôi không biết…‘‘ta bảo là hãy dẹp đi’’…tôi cứ thấy con ma trưởng làng sấn tới, thét vào mặt tôi vậy đó,