Chờ

 

Có thể nói đây là cuộc chờ đợi lâu nhất trong đời tôi. Lần thứ nhất là vào một sáng mùa hè. Tôi chờ từ lúc mới bắt đầu buổi làm việc sáng. Gần trưa, cô thư ký riêng của ông ấy mở cửa, bước ra hành lang. Ngài trưởng ban gọi anh vào. Gọi, chứ không phải mời, kiểu cách quan trên. Tôi ngẫm nghĩ. Ông ấy thì không còn lạ gì với người làng tôi. Nhưng phòng làm việc của ông ấy thì tôi mới vào lần đầu. Hay chỉ là giả dạng người của thời văn minh. Chẳng biết ông sưu tập đâu ra tranh rồng vẽ bằng nước sơn vàng chói, chính

là cái thành tựa của chiếc ghế gỗ có dán tranh rồng ngoi lên khỏi đầu ông đã làm nảy ra nhận xét trên của tôi. Anh ngồi đi. Ông nói. Vẫn ngã lưng vào ghế. Phong thái của một nhà thông thái. Kỳ này thì tên tôi đã được xét duyệt chưa, thưa ngài trưởng ban. Tôi hỏi. Ông ấy có cái tật khi trò chuyện với ai thì sờ râu, dẫu chưa có râu. Lần này thì chưa, anh về rán rèn luyện tác phong. Rèn luyện cái con mẹ gì, vẫn cày cuốc nuôi mẹ. Vừa về tới nhà là tôi bắt đầu càm ràm với chính mình. Mẹ tôi hỏi có phải tôi đang gặp chuyện buồn. Lần thứ hai là vào một sáng mùa thu. Tôi cũng chờ từ sáng đến gần trưa. Gần trưa, cô thư ký riêng ông ấy mở cửa, bước ra hành lang. Ngài trưởng ban bảo sáng nay không tiếp khách. Tôi về. Suốt cả mùa thu tôi đến phòng làm việc của ông ấy đến vài mươi bận. Lần nào thì cô thư ký riêng của ông ấy cũng nói ngài trưởng ban bận đi hội nghị. Đi hội nghị toàn quốc. Đi hội nghị miền. Đi hội nghị cứu trợ nhân đạo. Cái thế kỷ cả thế giới người ta họp hành liên tục, cái giai đoạn lịch sử con người thích bày ra tổ chức này tổ chức kia để hội họp, thì chả trách ngài trưởng ban cũng bận họp. Nhưng có một hôm, ngồi kiểm lại tác phong của mình, tôi thấy giật mình. Anh về rán rèn luyện tác phong…Tôi giật mình nhớ lại cái tác phong của mình trong những ngày ngài trưởng ban mới đến làng tôi. Một bầu đoàn gần cả vài ba mươi người, mang theo lỉnh kỉnh những máy đánh chữ, máy thu thanh, máy bộ đàm, với những nồi niêu xoang chảo và bút chỉ văn phòng, dẫn đầu là một người đàn ông, khi bước đi như chẳng thèm ngó xuống đất, đám tùy tùng gòm cả con trai con gái, trẻ và xinh đẹp, lúc nào như cũng toát lên nỗi sợ hãi, thoắt cái, ngôi đình cũ của làng biến thành bản doanh của ban xét duyệt công dân, những ngôi làng giàu có và hạnh phúc đang chờ những những công dân của làng được xét duyệt, tôi, chàng trai làng lòng như sấm dậy khi nghĩ đến việc dẫn người mẹ cả đời chưa hề biết hạnh phúc là gì đến sống ở những ngôi làng sẽ giàu có và hạnh phúc, trong lòng khinh ghét kẻ đi xét duyệt công dân nhưng khi bước đi trên đất như chẳng thèm nhìn ai, khinh ghét trong lòng, nhưng dẫu sao kẻ ấy cũng sẽ đem lại một cuộc sống mới mẻ cho mẹ tôi và tôi, từ đó, tôi bắt đầu những cuộc chờ đợi. Tôi kiểm lại tác phong của mình. Và thấy lo lắng. Chẳng lẽ ngài trưởng ban lại nhìn thấy được niềm khinh ghét trong lòng tôi. Tôi chờ sang đông. Cuộc xét duyệt cuối cùng. Hết thảy những người xin xét duyệt đều đã được xét duyệt. Chỉ còn lại mỗi mình tôi. Tôi đến phòng làm việc của ngài trưởng ban, và chờ từ lúc mới bắt đầu buổi làm việc sáng. Tất cả sẽ lên đường bằng chuyến tàu buổi trưa hôm ấy. Nghe tiếng còi tàu hú gọi, tôi nôn nao nghĩ đến sự chờ đợi của mẹ tôi. Gần trưa, cô thư ký riêng của ông ấy gọi tôi vào phòng. Lần này thì ông ấy không còn úp mở. Anh là loại người không đủ tư cách để tham dự vào những ngôi làng của thế giới đương đại. Đấy là chuyện cũ. Bầu đoàn của ngài trưởng ban xét duyệt công dân đã dọn đi ngay sau chuyến tàu trưa hôm ấy. Những kẻ như tôi ở lại làng, nhờ thừa hưởng nền văn minh nhân loại, cũng biết cách dùng phân bón cho cây lúa nhiều hạt hơn. Và những người ra đi buổi ấy nhiều người đã quay về. Vì nhớ làng cũ cũng có. Mà vì những phức tạp của thế giới cũng có. Hăm mấy năm tôi vẫn chờ ông ấy. Không phải để ông ấy xét duyệt cho tôi đi đâu đó. Tôi chờ ông công nhận tôi là chàng trai làng có thể làm ra được sự giàu có và hạnh phúc. Hôm đưa mẹ tôi đi khám bệnh ở bệnh viện lớn nhất xứ sở tôi, tôi đã gặp lại ông ấy. Hình như là đi cấp cứu. Vì nhìn thấy ông có vẻ mệt nhọc lắm. Và người đàn bà đẩy xe lăn cho ông cũng có vẻ vội vã lắm. Cứ tưởng là ông quên tôi. Nhưng không phải. Đây không phải là nơi cho hạng người như anh đến khám bệnh. Ông hét lên. Và gục xuống xe lăn. Tôi cứ thấy sợ hãi trong lòng. Không phải vì sợ ông ấy chết. Cũng không phải vì sợ không được ông ấy xét duyệt cho đi đâu đó.

Giã,
19/9/2014

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.