cách chép về núi sông

ta muốn chép về sông núi ở làng Cù, nên đã đến hỏi ông Hai, người được coi như cuốn bách khoa sống của làng

như muốn chép về sông núi làng ta thì chép những gì
ta hỏi

ông Hai bách khoa chỉ vào  quãng không trước mặt:
trời đất vốn hư không
khi thấy núi thấy sông là theo  cách thấy của con người

ta nói
làng ta có núi Trồi núi Sụt
mưa hay nắng cũng có vẻ trần trụi và buồn bã  như kẻ không nhà

ông Hai nói
thì cứ chép về những kẻ không nhà
người ta ắt sẽ hiểu đấy là núi Trồi núi Sụt

xưa có kẻ lên núi, thấy hoa lưu ly nở, định hái mang về tặng bạn, nhưng vừa mới nghĩ xong, hoa đã tàn, hoa lưu ly thì chóng tàn, mà con người  cũng chóng quên hoa lưu ly là chóng tàn, nên mới có việc người ta đặt tên cho núi là Lưu Ly, nhưng lại có kẻ lên núi thấy hoa lưu ly chóng tàn, thì khóc, rồi gọi núi là núi Trồi núi Sụt 

cuốn bách khoa sống của làng lại mở ra một trang khác

ta nói
chắc phải nói rõ ra
núi Trồi núi Sụt chỉ là một

nhưng ông Hai bảo việc phải làm cho rõ ra là việc của các vị thần trên núi Trồi núi Sụt
nhưng các vị thì đã ra đi

từng ngày  con người vẫn moi gan ruột của núi sông để kiếm tìm  của cải cho riêng mình, những ngọn lửa hận thù là vẫn  cháy lên trong những cuộc moi gan ruột núi sông, niềm đam mê đương đại là luôn được củng cố bằng những hình ảnh đầy vẻ quyến rủ  của gan ruột sông núi, biểu tượng của trôi chảy, biểu tượng của những con đường đi lên, là đã được hạ xuống thành những sự vật …

ông Hai bách khoa đang nói
bỗng im
cuốn bách khoa sống của làng bỗng gập lại
nhưng chẳng hiểu sao lại mở ra  trang đầu chằng chịt  chữ nghĩa:

khi các vị thần đã rời sông núi ra đi
thì con người trở nên thứ vật thể bơ vơ…

Leave a Reply

Your email address will not be published.