Bỗng vang lên giữa oi bức

 

 

 

 

với trường hợp ông Hoành thì không phải mật ngôn, mà là triết ngôn, rượu vào ta, trời đất vào ta, ông Hoành nói, triết ngôn về rượu của ông, triết ngôn là cách nói của tôi, người chép sử làng, để cho thấy tầm quan trọng của một sự kiện mang tính chất xã hội học, thật ra thì chẳng có hệ thống triết học nào ở đây cả, triết ngôn chỉ là từ ngữ người chép sử làng muốn cường điệu một chút cho sang trọng ngôi làng quê heo hút của mình, sự vĩ đại không thuộc về ngôn từ, mà thuộc về việc làm của ông Hoành, đậu tú tài văn chương, rồi đi làm thông dịch cho lính Mỹ trong chiến tranh, rồi bị người mình bắt làm tù binh, rồi được người mình cho về ngôi làng của mình, ông Hoành cày ruộng, nuôi dê [cày ruộng để có lúa ăn và nuôi dê để có sữa uống] thằng cha này định chống lại cuộc toàn cầu hóa trong cái thế giới phẳng này chắc, mấy nhà thông thái ở kinh nghe chuyện ông Hoành thì phát biểu thế, đùng cái, ở cái tuổi bảy mươi, ông Hoành neo lại với thứ triết học về rượu của ông: rượu vào ta, trời đất vào ta, con người đã đi khắp mặt đất, uống đủ thứ rượu Âu rượu Mỹ, đọc đủ các thứ sách vở văn chương triết học, bỗng phát hiện ra con đường đi của rượu, một cuộc hành trình khép kín, như kiểu triết học vòng tròn của miền phù sa Ấn Hằng, con người làm ra lúa gạo, rồi đem lúa gạo chưng cất thành rượu, rồi rượu lại vào trú ngụ trong con người [con người – lúa gạo – rượu- con người…] ông Hoành nghĩ ra thuyết lý, và thực hành thuyết lý, nhưng thưa cụ, vì sao cơm rượu phải ủ giáp năm mới đem ra chưng cất, tôi hỏi [bấy giờ, ở trong làng, mọi người đều gọi ông là cụ Hoành, mà ông Hoành, ý chừng cũng rất thích người ta gọi mình là cụ] hạt gạo vốn mang trong mình tiếng nói của trời đất giờ đem ấp ủ chúng giữa trời đất suốt cả năm là để cho tiếng nói ấy rõ hơn, ông Hoành giải thích, đấy là cuộc trò chuyện đầu tiên về rượu giữa tôi và ông Hoành, bao nhiêu năm qua, ở dưới chân dãy núi Mun, làng tôi, vẫn âm thầm diễn ra sự kiện như thể cơn gió trong lành chợt thoảng qua giữa  cái oi bức của thời thế và những áp lực chết người của cơm áo, cũng ngắn ngủi thôi, nhưng những nói cười vui vẻ đã cất lên, một khoảnh bình yên, một hai ngày gì đó thôi, rượu vào ta, trời đất vào ta, một cuộc giao hòa kỳ tuyệt giữa con người và trời đất đã được xác lập giữa cuộc chuyển động ồ ạt của thế giới: ngày rượu ông Hoành, cũng chỉ một vài vuông thóc gì đó thôi [thóc tự tay ông Hoành làm ra] đem xay thành gạo, mồng bảy tháng chạp [âm lịch] năm trước đem ủ làm cơm rượu, mồng bảy tháng chạp năm sau đem ra chưng cất, rượu của lão Hoành này có đủ thi vị của mùa, uống rượu của lão Hoành này là nhảy tỏm vào  giữa cuộc chuyển động của mùa, bài phát biểu của ông Hoành trong ngày rượu ông Hoành, hằng năm, vào mồng bảy tháng chạp âm lịch, cả làng tôi kéo đến nhà ông Hoành để  uống rượu với ông, rượu chính tay ông Hoành đứng ra chưng cất, rượu chưng cất tới đâu uống tới đó, uống rượu nóng, uống cho đến khi không còn giọt rượu nào mọi người mới được về, vào ngày ấy, ở làng tôi, chỉ trừ những em bé, còn lại, tất cả đều say [cả những ông bà lão cũng sắp kết thúc cuộc đời] có thể đều say nằm cho đến ngày hôm sau, có nghĩa, dừng lại chuyện cày bừa, heo qué, dừng lại tất cả, để trải qua những phút bình yên giữa cuộc sống bất trắc, mỗi  năm uống rượu một lần, say một lần, để được bình yên một lần, đó, cốt lõi triết học về rượu của ông Hoành, nếu muốn nói đó là triết học, nhưng đó có phải là khởi xướng cho một nền văn hóa mới dưới chân dãy núi Mun thì tôi không biết.

_____

Tôi phỏng vấn [chớp nhoáng] ông Hoành:
[Có một cái gì đấy đang cựa quậy]
thưa cụ, để cho dễ nhớ đối với mọi người, cụ có thể tóm tắt cuộc đời cụ, cho tới hiện giờ, một cách vắn tắt?
được sinh ra dưới chân dãy núi Mun, gần gũi với gió chướng sơn lâm, ngày ngày nằm nôi, bú sữa mẹ, và có thể nghe cọp gầm trên núi, rồi ăn cơm, uống nước, lớn lên, đi lòng vòng trong làng, để cày ruộng, chăn bò, rồi ăn chữ, rồi ra khỏi làng, lòng vòng trên mặt đất, chán, quay về,  thì làng  xóm cũ hơn xưa, có thể là rất buồn, tự làm ra rượu, để uống
và những ngày đi lòng vòng trên mắt đất, có thể nói vắn tắt, cụ đã nhìn thấy những gì?

nhiều lắm, nhưng có thể nói gọn thế này, thấy con người đang đi trên  đường, đông lắm, có lúc dừng lại khóc, rồi lại đi, có khi lại dừng lại, cười, hay nhảy múa, hay ca hát, hay la hét, có khi lại dừng lại để ca ngợi nhau, hay chửi bới nhau, hay bắn giết nhau… nói tóm, ta có cảm tưởng tất cả là đang lạc đường

chỉ có thế sao?

chỉ có thế
nhưng cụ, thì cụ có nghĩ  mình lạc đường?

không đời nào, vì ta đã trở về nơi ta  sinh ra

xin cụ nói cho dễ hiểu hơn một chút?

còn nhớ đường trở lại nơi ta từ lòng mẹ chui ra mặt đất tức trong ý thức của ta còn nguyên hình ảnh nguyên sơ

như thế, kẻ không bao giờ lạc đường là kẻ không bao giờ đánh mất cái đã làm nên hình dạng người nguyên sơ của mình?

nói như thế cũng được, nhưng nó có vẻ im lìm quá, phải thêm vào như thế này, sở dĩ ta không thể đánh mất ta, tức ta không thể để ta biến thành đồ vật,  bỡi trong ý thức ta có một cái gì đấy đang cựa quậy.

 

giã  16PM  1.11.2017

Leave a Reply

Your email address will not be published.